Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013
Báo chí phương Tây bình luận về việc Putin tranh cử tổng thống: Putin hạ lệnh bầu Putin
23:02
Hoàng Phong Nhã
No comments
Các
phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây gọi ông thủ tướng hiện
nay là Putin Bất Diệt. Tin tức về việc ông ta trở lại chiếc ghế tổng
thống được đưa lên ngay đầu trang nhất của tất cả các tờ báo lớn. Tại
đại hội Đảng Nước Nga Thống Nhất, nơi người ta công bố về sự dịch chuyển
các quân cờ, Medevedev trông thật tội nghiệp; thậm chí ông ta còn không
giải thích vì sao một quan chức mới có 46 tuổi, khỏe mạnh, không vướng
mắc vào vụ tai tiếng nào, thành tích hoạt động tốt và có kế hoạch hành
động rõ ràng lại không ứng cử nhiệm kì tiếp theo.
“Vladimir quay trở lại”, đấy là đầu đề bài báo trên tờ The Times
(Anh). Tờ báo này nói thêm rằng Putin có thể nắm quyền đến năm 2024,
lúc đó ông ta đã 70 tuổi. “Đây là sự kiện chứng tỏ rõ ràng nhất rằng ở
nước Nga thời hậu Xô viết nền dân chủ đã thất bại. Chủ nghĩa Putin cũng
là chủ nghĩa Stalin”. Tờ báo này tuyên bố như thế.
Putin
nói rằng đã đạt được thỏa thuận về ứng viên chức tổng thống cách đây
vài năm. Bằng cách nói như thế, ông ta đã thể hiện “thái độ vô liêm sỉ
và coi thường đối với chế độ dân chủ và chẳng biết xấu hổ là gì”, tờ báo
này viết. Tuyên bố của ông ta cũng chứng tỏ rằng bốn năm qua chỉ là
“một vở kịch nhằm lừa gạt thế giới và biến quá trình “tái thiết lập”
[quan hệ với Nga] thành trò nhảm nhí”.
Theo
tờ báo náy thì phần lớn dân Nga không phản đối “sự độc chiếm quyền lực
của Putin”. Nhưng, “khác với cử tri Nga, các nhà đầu tư nước ngoài đòi
phải có những bằng chứng đáng tin cậy là họ sẽ không bị lừa bịp một lần
nữa”, tờ báo này viết như thế.
“Sự suy đồi ở nước Nga” là đầu đề bài xã luận trên tờ Washington Post
(Mĩ). “Putin quyết định là ông ta muốn trở thành tổng thống một lần
nữa, và ông ta sẽ được như ý” vì theo tờ báo này thì nước Nga là như
thế. Đây là tin tốt lành đối với Medvedev vì cũng theo tờ báo thì ông
này phù hợp với “nhân vật thứ hai”, chứ không phải nhân vật đứng đầu đất
nước.
“Nhưng
đây là tin xấu đối với Obama. Obama đã dành nhiều công sức cho việc xây
dựng quan hệ với Medvedev, hi vọng là ông này sẽ trở thành một lạnh tụ
thực thụ”, tờ báo này viết như thế. Đây cũng là tin xấu đối với Georgia
và Ukraine. “Nhưng tin xấu nhất là đối với nhân dân Nga, họ sẽ đối mặt
với hiện tượng tham nhũng và trì trệ, có thể là cho đến cuối đời tổng
thống, nếu – tương tự như Stalin - Putin muốn nắm quyền suốt đời”, tờ
báo này kết luận như thế.
Putin
đã làm sống lại nhiều đặc điểm của chế độ Xô Viết, nhưng có một ngoại
lệ: “Các quan chức Liên Xô không có tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ và
không có biệt thự ở London hay ở Riviera”, tờ báo này viết.
Bây
giờ nhiều nước có thể xây dựng quan hệ với nước Nga theo đúng bộ mặt
thật của nó, bài báo này nói. Putin sẽ tính toán lợi ích của mình và của
phe nhóm mình khi đưa ra quyết định. Nhưng nếu Mĩ có tính đến quyền con
người trong chính sách của mình (thí dụ như dự luật của thượng nghị sĩ
Cardin) thì có thể ảnh hưởng đến những toan tính của Putin, tờ báo này
viết.
“Putin Bất Diệt” là nhan đề bài xã luận trên tờ Wall Street Journal
(Mĩ). Điện Cẩm Linh đã chính thức khẳng định rằng giấc mơ dân chủ ở Nga
đã tan thành mây khói, tờ báo này cho là như thế. Hi vọng dường như
Medvedev là một nhà cải cách độc lập cũng tan theo.
Chính
sách “tái thiết lập” [quan hệ với Nga] nhằm củng cố vị trí của Medvedev
chứ không gây được ảnh hưởng gì tới “việc Nga quay sang đường hướng bài
dân chủ”, tờ báo này viết.
Việc
tuyên bố về ứng viên tổng thống được thực hiện vào lúc này chứ không
phải là sau bầu cử quốc hội cũng làm người ta hơi bất ngờ, tờ báo này
viết. Có vẻ như ông ta thấy cần phải khẳng định quyền lực tuyệt đối của
mình và chấm dứt mọi sự dao động.
“Hệ
thống chính trị phụ thuộc vào một cá nhân cụ thể là hệ thống về bản
chất là không ổn định”, tờ báo này nhận xét. Để có thể tiến hành những
cuộc cải cách thật sự thì Putin phải để cho những trung tâm quyền lực
khác xuất hiện, nhưng đấy không phải là thói quen của các Sa hoàng.
Tờ Independent (Anh) viết: “Thật đáng buốn là đời sống chính trị ở Nga càng cố bắt chước phương án dân chủ thì nó lại càng trở lại như cũ”.
Dưới
trào Putin đa phần dân chúng Nga được hưởng sự ổn định và mức sống gia
tăng: một sự kết hợp thường không có dưới các chế độ trước đây. Nhưng
việc Putin trở lại cũng làm người ta thất vọng, tờ báo này nói như thế:
“Trong mấy chục năm gần đây người Nga đã phải chịu đựng quá nhiều rồi,
họ xứng đáng với một cái gì đó tốt hơn chứ không chỉ lặp lại chính những
chuyện đã qua”.
“Putin bỏ phiếu cho việc trở lại của Putin”, là đầu đề trên tờ Financial Times (Anh). Tất cả hi vọng về việc chuyển tiếp của nước Nga sang chế độ dân chủ đã kết thúc như thế đấy.
Việc
Putin trở lại với chức vụ cao nhất – theo hiến pháp – “tạo ra một sự
đứt quãng của chế độ dân chủ”, tờ báo này viết. Nhưng họ cũng giải thích
rằng Putin hiện được lòng dân hơn là Medvedev. “Nhưng việc Putin trở
lại chức vụ tổng thống vẫn là bước đi đầy mạo hiểm và là sự giật lùi” -
tờ báo này nhận xét: Medvedev kêu gọi hiện đại hóa về kinh tế và chính
trị, một quá trình mà nước Nga đang rất cần; trong khi sự ổn định của
Putin “cùng với thời gian sẽ trở thành chiếc áo chật, hạn chế sự phát
triển của nước Nga”.
Có
khả năng là Putin sẽ có những bước đi cho phép sự cạnh tranh giữa các ý
tưởng và đường lối chính trị, sẽ đấu tranh với tệ tham nhũng ..v.v..
“Nhưng muốn làm như thế thì phải rỡ bỏ những thành tố chủ yếu của họ
thống mà ông ta xây dựng trong nhiệm kì tổng thống trước”, tờ báo này
viết.
“Việc
Putin quay trở lại sẽ làm phức tạp thêm quan hệ với phương Tây”, tờ báo
này viết tiếp. Thí dụ Washington dễ làm việc với Medvedev hơn, còn bà
Merkel thì có quan hệ lạnh lùng với Putin hơn là với vị tổng thống hiện
nay.
Nhưng
nếu Putin quay lưng lại với các cuộc cải cách thì có khả năng là ông ta
đang “mạo hiểm gieo những hạt giống cho sự sụp đổ của chính mình”, tờ
báo này cảnh giác như thế. Thế hệ trẻ người Nga nhận được tin tức từ
Internet, mà hệ thống này, khác với TV, không bị kiểm duyệt. Có khả năng
là vị tổng thống Nga, cũng như các đồng nghiệp của ông ta trong thế
giới Arab, sẽ cảm nhận được sức mạnh của các mạng xã hội và những vụ
phản đối diễn ra trên đường phố, tờ báo này không loại bỏ khả năng đó.
“Vị tổng thống đầy quyền lực đã tự sát về mặt chính trị”, nhà báo Tony Halpin viết trên tờ The Times
như thế. Ngày đại hội thứ hai của Đảng Nước Nga thống nhất đã tặng cho
người ta một màn diễn “hiếm có, thậm chí là vô tiền khoáng hậu nữa”:
Dmitri Medvedev “trước sự vui sướng thấy rõ của Putin” tuyên bố rằng ông
ta không có tham vọng làm tổng thống để “đổi lấy món quà an ủi” là
chiếc ghế thủ tướng. “Ở nước nào mà một quan chức mới có 46 tuổi, khỏe
mạnh, không vướng mắc vào vụ tai tiếng nào, thành tích hoạt động tốt và
có kế hoạch hành động rõ ràng lại không ứng cử nhiệm kì tổng thống thứ
hai nếu điều đó về nguyên tác là khả thi?”, nhà báo này ngạc nhiên hỏi.
Theo ông ta thì “Medvedev trông thật tội nghiệp”.
Tony
Halpin cho rằng việc Putin trở lại Điện Cẩm Linh đặt ra cho phương Tây
hai vấn đề căn bản. Thứ nhất, Obama xây dựng chính sách “tái thiết lập”
[quan hệ với Nga] trên cơ sở quan hệ cá nhân với Medvedev đồng thời cố
gắng đẩy Putin ra rìa”, bây giờ ông sẽ khó lí giải đường lối của mình
với quốc hội. “Ngoài ra, Putin chứng tỏ một cách rõ ràng cho Mĩ và
phương Tây thấy rằng ông ta là một nhà độc tài và chẳng cần quan tâm tới
việc giữ gìn thậm chí hình ảnh bên ngoài của chế độ dân chủ chứ chưa
nói tới bản chất của nó… Ông ta chứng tỏ cho mọi người thấy rằng những
cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai chỉ là trò nhảm nhí, chẳng cần
phải có tính chính danh mà làm gì. Trong những tháng gần đây phương Tây
đã làm hết sức mình nhằm thách thức các nhà lãnh đạo độc tài trong thế
giới Arab. Họ sẽ nói gì trước sự trở lại của Putin?”.
“Mặc
dù trong mấy tháng gần đây mọi người đã biết rõ là Putin sẽ quay lại,
nhưng chúng ta vẫn giả vờ ngạc nhiên khi điều đó xảy ra”, nhà báo Julia
Ioffe viết trên tờ Foreign Policy
như thế. Bà nhắc lại một “câu chuyện tiếu lâm có tính mặc khải” hồi
cuối năm 2007 như sau: “Nước Nga, năm 2023. Putin và Medvedev ngồi trong
bếp của một trong hai người, vừa uống vừa hàn huyên về đủ thứ chuyện.
“Tôi nói nghe này – Putin lên tiếng – Tôi lại lẫn rồi. Trong hai ta ai
là thủ tướng, ai là tổng thống ấy nhỉ?”. “Hình như bây giờ anh là tổng
thống”, Mevedev đáp. “Thế thì đến lượt cậu đi mua bia”.
“Putin
có xu hướng tuyên bố rất cứng rắn nhưng không chắc là sẽ kèm theo những
hành động quyết liệt, đấy là chưa nói nhiều vấn đề hiện nay: tham
nhũng, bao che, nền chính trị mù mờ - đã ăn sâu bén rễ trong giai đoạn
ông ta nắm quyền, có vẻ như Putin sẽ tiếp tục đường lối đó, thay đổi sẽ
diễn ra càng ít càng tốt. Nếu suy nghĩ một cách thấu đáo thì đây cũng là
“một bước đi dũng cảm”, nhà báo này bình luận như thế.
Một
số người dự đoán rằng sẽ có nhiều người bỏ nước ra đi hay là sẽ xuất
hiện một tầng lớp người có hai quốc tịch, ý nói những người mà trong 12
năm tới sẽ có những kế hoạch khác, bài báo này viết như thế. Một số
người cho rằng khi nhận chức thủ tướng là Medvedev tự nhận trách nhiệm
về làn sóng khủng hoảng sau này. Một số người thì cho rằng Putin chỉ cầm
lái trong vài năm, sau đó ông ta sẽ ra đi trước thời hạn.
“Dù
sao mặc lòng, có thể nói một cách chắc chắn rằng chức vụ tổng thống –
dù sự suy thoái của các định chế khác trong mười năm qua có góp phần
củng cố nó đến mức nào – cũng đã mất rất nhiều tính chính danh”, nhà báo
Ioffe viết như thế. “Bây giờ Medvedev – con người vừa bị tước mất quyền
lực tối cao ngay trước mắt bàn dân thiên hạ - sẽ lèo lái Đảng Nước Nga
thống nhất trong giai đoạn bầu cử. Đấy có thể là tin tốt cho những người
coi Nước Nga thống nhất là đảng của những tên lừa đảo và ăn cắp, nhưng
chính nước Nga thì sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế nào?”.
“Tôi
nghĩ là chúng ta sẽ được chứng kiến sự suy giảm uy tín của chính phủ,
nhân dân sẽ coi đấy là một chính quyền ngu dốt, nguy hiểm và chính quyền
sẽ buộc phải dựa vào những người mà nhờ nó họ mới có địa vị và tài sản.
Kịch bản thật chẳng lành mạnh gì, nhưng nó sẽ tồn tại cùng chúng ta
trong một thời gian dài”, đấy là lời nhà nghiên cứu chính trị học Gleb
Pavlovski được bài báo này dẫn lại.
“Xin
mời vào đất nước ‘Putland’! Ở đây tổng thống trở thành thủ tướng, còn
thủ tướng thì thành tổng thống. Việc trao đổi chức vụ giữa Vladimir
Putin và Dmitri Mevedev là một trò nhảm nhí, nhưng đấy chưa phải là hết”
– nhà báo Benjamin Bidder viết trên tờ SPIEGEL ONLINE
(Đức) như thế, trong khi so sánh “nước Nga đầy kiêu hãnh” với một công
quốc phong kiến “kiểu mới”. “Medvedev, người đứng đầu một cường quốc hạt
nhân, tổng chỉ huy một đội quân gồm cả triệu người trên thực tế hóa ra
chỉ là một tổng thống tạm thời. Putin sẽ trở lại Điện Cẩm Linh sau cuộc
bầu cử vào tháng 3 năm 2012”. Nhiều chuyên gia cho rằng ông ta sẽ giữ
chức tổng thống 12 năm nữa.
Truyền
thống “nối ngôi” trong lịch sử Nga hiện đại có nguồn gốc từ quá khứ Xô
Viết, nhà báo này viết như thế. “Truyền thống này cho thấy giới tinh hoa
muốn nắm quyền và phần nào phù hợp với nguyên vọng muốn được ổn định
của dân chúng”. Những phép biến hóa của “động cơ chính trị vĩnh cửu” gây
ra chứng rối loạn tiền đình của những người bình thường, nhà báo Bidder
chế giễu.
Nhân
dân Nga đã cho Putin quyền lực không hạn chế trong việc lãnh đạo nhà
nước – đấy là lời cám ơn vì ông này đã tặng cho đất nước một sự ổn định
nhất định, tác giả bài báo viết. Putin và “đội của ông ta” lấy làm tự
hào vì đã vực dậy được nước Nga. “Trên thực tế, họ đã tóm lấy nó chẳng
khắc gì quân ăn cướp. Hiến pháp Nga đã bị họ rút ruột và bị chế độ phong
kiến mới đứng đầu là bá tước Vladimir Putin sử dụng theo cách của mình.
Dù các định chế dân chủ ở Nga hồi cuối những năm 1990 có còn non trẻ và
chưa có kinh nghiệm đi nữa, nhưng Putin đã tước hết những chức năng vốn
có của chúng”.
Ban biên tập tờ The Observer
(Anh) không ngạc nhiên trước ý định tranh cử tổng thống của Putin:
“Trên thực tế, Putin, một cựu quan chức tàn bạo của KGB đã rời nhiệm sở
sau hai nhiệm kì vào năm 2008, như ông ta chưa hề đi đâu hết”. “Mặc dù
không có ai phủ nhận rằng ông ta hay Đảng Nước Nga thống nhất của ông ta
được một số người tín nhiệm, nhưng sự ủng hộ này có được là do lực
lượng đối lập và các phương tiện thông tin đại chúng tự do bị Putin và
những người ủng hộ ông ta tấn công. Đất nước trượt dài từ chế độ dân chủ
sang độc tài. Đây là sự kiện đáng lo”, bài bình luận viết.
Tờ El País
(Tây Ban Nha) gọi những sự kiện tại đại hội Đảng Nước Nga thống nhất là
nhảm nhí. “Những thủ đoạn được thực hiện tại đại hội đưa ra một tín
hiệu rõ ràng là hi vọng dân chủ hóa đã chấm dứt. Medvedev hóa ra là một
tổng thống vô tích sự, nhưng bốn năm trước, trong khi phê phán “thái độ
hư vô về pháp lí” và “hiện tượng tham nhũng thâm căn cố đế” ở Nga, ông
ta đã làm dấy lên hi vọng về sự thay đổi, có thể đưa đất nước vĩ đại này
thoát khỏi chế độ độc tài, thoát khỏi những định chế kém cỏi và sự trỗi
dậy của chủ nghĩa dân tộc. Putin trở lại chức tổng thống cũng có nghĩa
là trở lại điểm xuất phát”, tờ báo này nói như thế.
Dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inopressa.ru/article/26Sep2011/inotheme/putin26.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét