Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Mandela, người đồng hương của tôi

Tháng 12 11, 2013

Nadine Gordimer
An Vân dịch
Được sống cùng thời và là người đồng hương với Nelson Rolihlahla Mandela là một ưu ái, một vinh dự mà những người Nam Phi chúng tôi chia sẻ. Với cá nhân tôi, được trở thành một trong những người bạn của ông cũng là một vinh dự lớn. Tôi gặp ông vào năm 1964, trong thời gian phiên tòa ở Rivonia đang diễn ra, nơi ông bị xét xử vì những hành vi chống phá chính phủ. Tôi đã có mặt tại phiên tòa mà ông bị kết án tù chung thân.
Năm 1979, tôi viết cuốn tiểu thuyết Burger’s Daughter  lấy đề tài cuộc sống của những đứa con trong gia đình mà cha mẹ là những người cách mạng. Đó là một cuộc sống bị chi phối bởi những niềm tin chính trị của những bậc phụ huynh và hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ bị tù đày. Tôi không biết làm thế nào mà cuốn sách vốn bị cấm lưu hành khi được xuất bản lại có thể đến tay Mandela khi ông đang bị giam tại nhà tù trên đảo Robben. Nhưng ông, vị độc giả khắt khe nhất mà tôi mong đợi, đã viết cho tôi một lá thư bày tỏ những nhận xét rất sâu sắc, hiểu biết về cuốn sách.
Ngay cả khi không nhận được tin tức công khai nào về ông, không biết ông đang suy nghĩ, tính toán thế nào để tiếp tục cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ apartheid, chúng tôi vẫn luôn nhớ những phát biểu, những bài nói chuyện trước công chúng thời ông còn tại ngoại. Một người mang tinh thần như ông, “những bức tường không làm thành một nhà tù”, chế độ apartheid không thể giam giữ nổi. Chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được những tư tưởng chính trị của ông. Suốt thời gian đó, tôi có thể giữ được liên lạc với Mandela là nhờ George Bizos, một con người phi thường khác, người còn hơn cả một luật sư, đã luôn ở bên cạnh Mandela, kể cả khi ông đang bị giam tại nhà tù đảo Robben xa xôi.
Năm 1985, Tổng thống theo đuổi đường lối phân biệt chủng tộc apartheid P.W. Botha đồng ý trả tự do cho Mandela nếu như ông chấp nhận từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang một cách vô điều kiện. Lời đáp lại của Mandela được con gái của ông, Zindzi, đọc lên trước công chúng tại một sân vận động lớn ở Soweto: “Chính ông ta mới cần phải từ bỏ bạo lực. Hãy để ông ta cam kết phá bỏ chủ nghĩa apartheid, bãi bỏ lệnh cấm đối với tổ chức của nhân dân, Đại hội Dân tộc Phi… Tôi không thể và sẽ không đưa ra bất kỳ một cam kết nào khi tôi và nhân dân không được tự do”.
Winnie Madikizela-Mandela, vợ của ông khi đó, người mà ông không giấu giếm tình yêu sâu nặng, chỉ được phép thăm ông hạn chế, cho đến khi ông được chuyển khỏi nhà tù ở đảo Robben vào năm 1982 đến một nhà tù dành cho các tù nhân thường phạm được xây trong vùng đất liền của Cape Town. Cuối cùng, năm 1990, Nelson Mandela được trao trả tự do, tay trong tay với người vợ của mình.
Năm 1990, Tổng thống P.W. de Clerk, một mẫu hình rất khác của những người thực tế, nhận thấy chủ nghĩa apartheid đã trở nên suy yếu; ông xóa bỏ lệnh cấm đối với tổ chức Đại hội Dân tộc Phi (A.N.C) cùng những đồng minh và hội viên của nó, thả các tù nhân chính trị còn lại Tôi có phần ngỡ ngàng khi Georg Bizos nói Mandela, lúc ấy vừa mới ra khỏi tù, muốn gặp tôi. Tôi đã nghĩ, khi đó, với sự phù phiếm của một nhà văn, rằng con người vĩ đại ấy muốn nói chuyện về cuốn Burger’s daughter.
Vài ngày sau, chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện riêng với nhau ở Johannesburg. Hóa ra câu chuyện không phải xoay quanh cuốn sách của tôi mà về phát hiện của ông, ngay trong ngày đầu tiên được trả tự do, rằng Winnie Mandela đã có tình nhân khác. Sự rạn vỡ này được giấu kín cho đến tận khi họ chính thức ly hôn sáu năm sau đó. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng kể lại câu chuyện này vì tôi tin rằng từ trong sâu thẳm, sự hy sinh của ông, thứ sức mạnh mà ông không hề sợ hãi biểu hiện qua cách ông đã sống, không phải chỉ vì một lý tưởng chính trị. Lựa chọn của ông là sống cho tự do của những người khác.
Hội nghị vì một Nam Phi dân chủ, gọi tắt là CODESA, lần thứ nhất diễn ra vào năm sau đó. Hội nghị được tổ chức tại một tòa nhà được gọi là Trung tâm Thương mại Thế giới nhưng các thành viên của tổ chức A.N.C có nhu cầu cần được họp riêng. Đã có những cuộc mặc cả gay gắt trong nội bộ những người từng là đồng chí của nhau. Nelson Mandela, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất, đã dự cuộc họp, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của những người giờ đây được xem là đại diện cho quyền lực của nhân dân chống lại lực lượng apartheid được quân sự hóa và nhận được hậu thuẫn từ các đồng minh phương Tây. Cùng với tổ chức A.N.C, những người đứng đầu từ những mặt trận khác nhau của cuộc chiến gồm có Đảng Cộng sản Nam Phi, Nghị hội Toàn Phi (Pan Africanist Congress) và Đảng Tự do Inkatha đều có quan điểm riêng về việc nên xây dựng một nền dân chủ như thế nào. Các thành viên phải tìm những nơi an toàn để gặp gỡ để đề phòng việc bị de Klerk nghe lén. Một người lãnh đạo A.N.C đã mượn ngôi nhà nơi tôi và chồng tôi, Reinhold Cassirer, đang sống tại một khu dành cho người da trắng ở ngoại ô Johannesburg làm địa điểm họp. Tất nhiên, chúng tôi không tham gia vào những câu chuyện được thảo luận. Tôi mang một khay trà ra hành lang nhà mình, nơi nhóm các nhà lãnh đạo tụ họp một vài lần. Tôi không nghe ngóng họ bàn bạc những gì. Hội nghị này đã tự tường thuật và được phân tích đầy đủ trên báo chí, trong đó có cả những tờ báo tiếng Hà Lan ở Nam Phi vốn trung thành với các nhà lãnh đạo apartheid khi đó đang phải cố gắng kiềm chế, chịu đựng cái tiến trình không thể tin là sự thực đang diễn ra.
Mandela, khi đó, không còn chỉ là một biểu tượng của những người Nam Phi da đen và những người da trắng tham gia vào cuộc tranh đấu. Một số người Nam Phi gốc Âu giờ đây đang kết án chế độ phân biệt chủng tộc cũng cảm thấy bớt bị giày vò mặc cảm, họ thật sự hy vọng vào một sự thương thỏa quyền lực có thể làm trấn tĩnh sự kết án sục sôi của thế giới đối với chế độ apartheid.
Mandela: không phải một tượng đài bằng đá mà là một con người bằng xương bằng thịt, cao ráo; những gì mà ông phải chịu đựng không khiến ông trở thành một con người ôm thù hận mà trái lại, còn nhân bản hơn, thậm chí đối với ngay cả những kẻ đã dựng nên cái nhà tù là chế độ apartheid. Người ta nhìn thấy ông nói chuyện rất tự nhiên với những kẻ từng dựng hàng rào cách ly hàng triệu người Nam Phi da đen, không cho phép được thực hiện quyền công dân ngay trên đất nước của mình. Khi Hội nghị CODESA tiếp tục chương trình của mình, những thỏa thuận giẫm chân tại chỗ và ngay lúc đó, hội nghị bị đe dọa bởi cuộc đụng độ giữa cảnh sát và một nhóm người theo chủ nghĩa apartheid quá khích ngay tại lối vào tòa nhà nơi các cuộc thảo luận đang diễn ra. CODESA kết thúc nhiều tháng sau đó trong sự bế tắc. Thành tựu lớn nhất mà nó đạt được là chắc chắn dọn đường cho một Hiến pháp mới, thiết lập các quyền bình đẳng cho tất cả người dân ở Nam Phi.
Khi giải Nobel Hòa bình được trao cho Nelson Mandela vào năm 1993, đối với một số người, trong đó có chúng tôi, niềm vui có phần giảm đi một chút khi Ủy ban Nobel cũng quyết định trao giải thưởng này cho F.W.de Klerk. Sẽ chỉ có một lễ trao giải tại Oslo cho cả hai người được vinh danh. Tôi, cùng với George Bizos, được mời tham gia vào phái đoàn của Mandela đến dự buổi lễ này. Chúng tôi đến Thụy Điển cùng với ông và những người lãnh đạo A.N.C và chúng tôi đã có một kỷ niệm không thể quên khi chứng kiến ông nhận giải thưởng.
Sau buổi lễ, lại có một sự kiện khác để lại dấu ấn đặc biệt đối với chúng tôi. Với tư cách là những người tháp tùng Mandela, chúng tôi đứng trên balcon của khách sạn mà tất cả chúng tôi, gồm cả Madiba (một tên gọi khác của Mandela) đang ở. Chúng tôi chứng kiến một đám đông lớn bên dưới đang tôn vinh ông, những người Scandinavian và cả những người khác, tất cả đều hát vang những bài ca tự do của A.N.C. Đó là sự tôn vinh đầy cảm xúc. George và tôi nhận ra khi đó de Klerk và vợ của ông ta đang đứng trên balcon bên cạnh và chúng tôi không thể tin nổi những gì mình thấy ngay sau đó. Vợ chồng de Klerk quay lưng đi trước đám đông hân hoan ngoài đường và lui vào bên trong khách sạn. Phải chăng khi đó Klerk đã nhận ra những bài hát kia đâu dành cho ông?
Trong những năm cuối đời của Madiba, thỉnh thoảng tôi lại đến thăm ông tại ngôi nhà rộng rãi, bài trí trang nhã được cấp cho ông ở ngoại ô Johannesburg. George và tôi thường ăn sáng cùng ông ở đó. Ông thường dậy muộn – một sự nhượng bộ trước tuổi tác, do đó, bữa ăn sáng thực ra là bữa sáng và bữa trưa gộp lại. Ông ngồi ở vị trí của người chủ nhà trong bữa ăn trên chiếc ghế quen thuộc của mình. Từ phòng bếp kề bên, những người phục vụ thân thiện sẽ bày lên bàn ăn một thực đơn phong phú các món ăn đơn giản. Họ sẽ cho ông biết đây là món gì khi ông hỏi hay chỉ vào món ăn. Bữa sáng là bữa ăn yêu thích của ông, đó cũng là thời gian mà ông dành để tiếp khách.
Sau khi ăn, chúng tôi sẽ đi sang phòng khách, nơi Madiba ngồi trên một chiếc ghế đặc biệt. Thi thoảng, ông lại với để nắm bàn tay của George. George là người từng đồng hành với ông trong thời gian ông bị xét xử, không chỉ tại các phiên tòa mà còn trong nhiều tình huống khác. Sau khi Mandela nghe những lời thăm hỏi của tôi, ông thường nắm chặt bàn tay tôi trong bàn tay lớn, với những ngón tay cứng cáp của ông, ông hỏi George về những người đồng chí trong tổ chức A.N.C, những người đã cùng ông vào sinh ra tử. Ông luôn muốn được nghe các tin tức, đôi khi ông cười rất sảng khoái hoặc đưa ra những bình luận nhiều suy tư trước những câu chuyện của George.
Có lẽ điều mất đi ở Mandela ở thời kỳ này là sự dí dỏm, sự hài hước thường bật ra rất nhanh trong những tình huống bất ngờ. Năm 1998, ông kết hôn với Graça Machel, một nữ chiến binh từng tham gia cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha ở Mozambique và từng là quả phụ của Samora Machel, Tổng thống Mozambique, người bị giết trong một vụ tai nạn máy bay được cho là do một nhóm ủng hộ chế độ apartheid ở Nam Phi sắp đặt. Như thế, Machel là một phụ nữ đã kết hôn với hai vị tổng thống. Vào cuối buổi lễ kết hôn, sau khi nói “I do” (Tôi đồng ý) và nhận được sự chúc mừng nồng nhiệt của mọi người, bà đã tuyên bố sẽ giữ họ của mình là Machel. Mandela, khi được hỏi ông nghĩ thế nào về điều này, đã trả lời, “Tôi mừng vì vợ tôi không muốn tôi lấy mất tên của mình”.
Sự cận nhân tình ở Mandela được thể hiện ở rất nhiều điều, qua nhiều câu chuyện. Có một lần, khi tôi đang đến chơi với Mandela tại tư gia của ông, thì Zindzi, cô con gái út trong số hai đứa con của ông với Winnie ghé qua. Hai cha con ôm nhau; ông hỏi con gái có muốn gì không- ăn thứ gì, chẳng hạn? Cô gái trả lời với vẻ tiếc nuối, cô không thể ở lại với cha vì mẹ cô đang đợi ở ô-tô ngoài kia. Madiba rướn đầu và vai lên, ông nói như thể nài nỉ: “Ra bảo mẹ con vào đây đi!”. Mấy phút sau, Winnie bước vào phòng, như một vị khách vui vẻ của người đàn ông mà bà đã từng chia sẻ một tình yêu bền bỉ xuyên qua khoảng cách của những nhà tù và xuyên qua cả sự chia rẽ về chí hướng của hai người trong cuộc đấu tranh để giải phóng Nam Phi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét