Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

ÍT NHIỀU NHẬN ĐỊNH VỀ THIÊN CHÚA GIÁO - Phần Giáo Lý 1





Dẫn nhập

Khi còn nhỏ, tôi nghe lập luận của Thiên Chúa giáo về Thượng đế, về con người, về tội tổ tông, về thiên đàng, hỏa ngục, tôi đều cho là hay, là đúng. Càng thêm tuổi, tôi càng thấy lập luận trên hoàn toàn sai.
Năm 1963, khi nói về Triết Đông phương tôi đã viết: ...Người Âu châu, từ mấy thế kỷ nay, nhờ những thắng lợi vật chất, đã đè đầu cưỡi cổ Á châu, đã khinh khi, đã muốn hủy diệt tất cả những nền văn hóa cổ truyền Á châu, những nền đạo giáo Á châu. Những người Á châu thiết tưởng không nên lóa mắt vì những thắng lợi nhất thời của Âu châu, mà theo chân họ, miệt thị cha ông, miệt thị các thánh hiền thiên cổ. Chúng ta có bổn phận thiêng liêng là khai thác các kho tàng tư tưởng rất phong phú của cổ nhân, để tìm ra những điều huyền vi cao diệu khả dĩ chuyển hóa được tâm hồn ta, thần thánh hóa được bản thân ta.
Tôi nghiên cứu về các đạo giáo từ khi tôi 36 tuổi [1957], nay tôi đã 74 tuổi. Như vậy là tôi đã bỏ ra gần 40 năm, ngày đêm suy tư, tìm hiểu để đi tìm chân lý. Tôi viết những trang này, cũng là một cách đối thoại với quí vị. Tôi chỉ xin quí vị là trước khi phản kích lại tôi, xin nghe tôi trình bày biện bạch. Quí vị nào thấy tôi nói gì sai trái, xin chỉ giáo cho.
Giáo hội Công giáo cho rằng mình là một Giáo hội thống nhất, là thánh thiện, là theo đúng truyền thống tông đồ, là ở khắp nơi [Unam, Sanctam, Catholicam et Apostolicam]. Giáo hội thống nhất vì trên bảo dưới nghe, cùng tin mọi điều như nhau.
Giáo hội là thánh thiện, vì có bảy phép bí tích do Chúa Giêsu lập ra, vì đã khiến cho nhiều người trở nên thánh thiện. Công giáo có khoảng 300 dòng nam, và hơn 300 dòng nữ. Và có nhiều người đã được phong thánh như gần đây có Jeanne d'Arc, Bernadette de Lourdes, Thomas More, Francesca Cabrini, Maria Gorelli phong thánh theo thứ tự các n Theo đúng truyền thống tông đồ, và truyền từ Chúa cho tới nay, liên tục qua 264 đời Giáo Hoàng. Nói thì như vậy, nhưng đào sâu, ta sẽ thấy muôn điều sai trái.
Công giáo Vatican hết sức quyền biến. Trước đây mấy chục năm, không bao giờ nghe người Công giáo dám nói chuyện hòa đồng tôn giáo, nhưng từ Giáo Hoàng John XXIII nghĩa là từ 1955 đến nay, thì vấn đế này được đưa lên hàng đối ngoại hàng đầu.
Từ 30 năm nay, nghĩa là từ sau Vatican II, Công giáo chủ trương đối thoại tôn giáo. Giáo Hoàng John Paul II đi đến đâu cũng đòi gặp các tôn giáo bạn như Do Thái giáo, như Tin Lành, như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo. Tuy nhiên Ngài gặp họ không phải để nói chuyện hòa đồng, nhưng là để bắt tay thân thiện mà thôi. Còn chuyện hòa đồng sẽ phó mặc địa phương. Nhưng thật ra ai sẽ chịu nhường ai để nói chuyện hòa đồng. Trong vòng năm như sau 1920, 1933, 1935, 1946, 1950 v.v... Giáo hội ở khắp nơi vì nay đã có hàng tỉ giáo dân.[căn cứ vào cái gì để kể số này?] 30 năm qua, kết quả ra sao, chúng ta đều biết.[1]
Tôi coi bài viết này như là một cuộc đối thoại với một tôn giáo quan trọng nhất hoàn cầu. Tôi đứng ngoài mọi tôn giáo, và cố tìm xem thế nào là một tôn giáo, một đại đạo thật sự. Ước mong bài viết này sẽ đem lại ít nhiều giá trị cụ thể.
Tôi dùng ba quyển sách cập nhật hóa nhất của Công giáo, tức là ba quyển giáo lý Công giáo mới nhất:
1. Catechismus of the catholic church [Libreria Editrice Vaticana, Urbi et Orbi Communications, 1944].
2. Catéchisme de l'église catholique [Mame/Plon, Paris, 1972]. Hai quyển trên đã được dịch ra từ Texte typique latin, Libreria Editrice Vaticana [Cita del Vaticano, 1922].
3. Giáo lý của giáo hội công giáo [Thời Điểm, California, 1995]. Sách trên do Giáo Hoàng John Paul II đề tựa. Như vậy là chính thống, hoàn toàn bảo đảm.
Đọc ba sách trên, thấy Giáo hội Công giáo tiến hơn xưa ở chỗ là không còn công khai thóa mạ ai, hay lên án ai, mà chỉ trình bày giáo lý mình... Toàn sách không có một lời Anathema sit [chúc dữ, hủy diệt]. Quả thực, khi đọc ba sách trên, tôi thấy không có gì là cao siêu, là hấp dẫn cả. Tôi cũng dùng Kinh Thánh, và quyển The church teaches, của các Linh Mục Dòng Tên ở St. Mary's College, St. Mary's, Kansas.
Ngoài ra tôi còn dùng quyển sách nhỏ của LM J. Turmel [1859-]: Tại sao tôi không còn tin giáo lý công giáo [1b]. Ông dạy Thánh Kinh và Thần Học ở Đại chủng viện Rennes bên Pháp. Tôi học được nhiều điều nơi ông.
Về khoa bình giải Kinh Thánh, tôi tiếc là không biết tiếng Đức để đọc nhiều về khoa này. Tôi muốn đọc Genesius [1786-1842], Lesêtre, Reuss [1804-91] v.v... mà không được. Tôi tiếc là không có được quyển The new Jerome biblical commentary và The collegeville biblical commentary do The Liturgical Press ấn hành.
Tôi chỉ có ở dưới tay quyển A new commentary on holy scripture including the Apocrypha, edited by Charles Gore, Henry Leighton Goudge, Alfred Guillaume, London [Society for promoting christian knowledge, Northumberland Avenue, WC 2, 1928] những lời bình giảng của LM Nguyễn thế Thuấn, và Bible de Jérusalem mà thôi. Càng viết càng thêm tài liệu, như quyển Born of a woman của Giám Mục John Shelby Spong [Harper, San Francisco, 1946] và Honest to god, John A. T. Robinson, Bishop of Woolwich [The Westminster Press, Philadelphia, 1963].
Vậy đạo Công giáo sai ở những điểm nào?
Thưa sai vô số. Ít nữa là 33 điểm sau đây:
(Xin xem danh sách liệt kê bên trên).
Chúng ta kiểm lại từng điểm một.
 
Mục I (Chương 1 đến hết chương 4)
 




Chương 1 - Tội Tổ Tông.  

Tội Tổ Tông là một tín điều căn bản của Công giáo. Không tin có tội này tức là không tin có chuyện Chúa Giêsu giáng trần. Vấn đề được đặt ra là con người vốn tốt hay vốn xấu? Khổng, Mạnh cho rằng nhân chi sơ, tính bản thiện, và con người có thiên tính. Như vậy con người phải được cai trị bằng nhân nghĩa. Tuân tử cho rằng nhân chi sơ, tính bản ác. Như vậy phải cai trị bằng võ lực. Phật giáo xác quyết nhân chi sơ, tính bản thiện và con người có Phật tính.  
St. Paul cho rằng con người đã bị Adam làm cho trở nên tội lỗi, và St. Augustine cũng chủ trương như vậy, tức là nhân chi sơ, tính bản ác. Thế là từ đấy Âu châu bị nhồi sọ như vậy.  
Tuy nhiên, Kinh Thánh lại chép rằng vì ăn trái cấm con người đã trở nên giống Thiên Chúa [Ge 3:22] chứ có sa đọa gì đâu.   Vả lại theo Thiên Chúa giáo, ngày nay, muốn sạch tội tổ tông, chỉ cần đổ chút nước lên đầu hay dầm mình xuống nước, có khó khăn gì đâu mà Chúa Cha phải cho con giáng trần chuộc tội đó. Nếu cho rằng con người cần được thử thách trước mới đáng được vinh quang, thì cần chi Ngài phải dựng nên con người, để rồi đày đọa họ như vậy.  
Người Do Thái chủ trương họ là những người được Thượng đế trao cho bộ Kinh Thánh đầu tiên. Nhưng họ cho rằng không làm gì có thứ tội bị Chúa phạt muôn đời. Trong sách Deuteronomy, Chúa chỉ phạt tới ba đời [De 5:9] và trong sách Ezechiel [Eze 18:20] Chúa không phạt con, nếu cha phạm tội, ai làm tội nấy chịu, nghĩa là chỉ phạt một đời. Trong đoạn này, Chúa còn định nghĩa thế nào là một người công chính, ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa, như vậy rõ ràng Chúa không biết gì về tội tổ tông [Eze 18:5-32].  
Thực ra con người sau khi ăn trái cấm đã không sa đọa như chúng ta tưởng, vì chính Chúa Elohim đã phán: "Nay con người đã nên bằng chúng ta, vì đã biết lành biết dữ. Vậy đừng để chúng dơ tay, hái luôn cả trái cây hằng sống, và sẽ sống mãi" [Ge 3:22]. Và Ngài đuổi ông bà ra khỏi vườn, để không còn tìm ăn trái cây hằng sống [Ge 3:23]. Như vậy, nếu ông bà khôn ngoan hơn một chút ăn luôn quả cây hằng sống thì đâu có chết.  
Điều vô lý trong câu chuyện này là con rắn biết nói [Ge 3:1]. Chỉ trong những chuyện hoang đường thần thoại mới có chuyện loài vật biết nói. Giáo hội cho đó là ma quỉ hay Satan. Các Ngài cho đó là những thiên thần bị sa đọa. Nếu quả chuyện này là có thật thì đã ghi chép trong Kinh Thánh. Vậy các Ngài đã đặt ra chuyện này, thời xin cho biết đã dựa vào tài liệu nào? Các Ngài cho đó là lời truyền khẩu chăng? Thật là phi lý.[2]  
Như vậy, chuyện thiên thần sa đọa thành ma quỉ là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Các Ngài cho rằng Satan bị Chúa giam trong hỏa ngục đời đời, bị lửa thiêu đốt đời đời, không bao giờ được thấy mặt Chúa. Nhưng sách Job ghi rõ rằng Satan vẫn về họp với Chúa và các con Thiên Chúa. Và khi Chúa hỏi Satan vừa qua làm gì thì Satan thưa đi chu du, rong chơi thiên hạ. Sau đó Chúa cho Satan đọa đày và thử thách Job [Job 1: 6-12]. Thì ra chuyện thiên quốc cũng như chuyện gian trần ta, các siêu cường thường vẫn họp kín họp hở với nhau, trong khi dân con phía dưới được dạy là phải đánh nhau vỡ đầu thí mạng...Thì ra Satan đâu có bị giam cầm trong hỏa ngục, vẫn đi chơi khắp nơi, vẫn thường xuyên gặp Thiên Chúa. Như vậy có phải Giáo hội dạy một đàng, mà Chúa lại làm một nẻo không?  
Hơn nữa, tội là của linh hồn. Mà Thiên Chúa giáo cho rằng linh hồn là do Chúa sinh ra khi con người vừa mới thụ thai. Như vậy mỗi khi con người vừa bẩm sinh là Chúa dựng nên một linh hồn mới. Thế thì làm sao mà in được tội tổ tông vào. Hơn nưã cái gì chính Chúa tạo nên thời phải hoàn thiện, cho nên tội tổ tông sẽ không chỗ bám.  
Trở lại vấn đề tội tổ tông, ta thấy đây chỉ là vấn đề triết học, suy luận về thân thế con người. Thánh hiền [Phật, Lão, Khổng] cho rằng bản tính con người vốn tốt, sở dĩ nó xấu là vì vô minh, u muội không nhận ra rằng mình có thiên tính cao sang. Còn hạ trí, hạ nhân [Tuân tử] mới cho rằng con người vốn xấu. Pelagius [-420] người đồng thời St. Augustine [354-430], và sau này Jean-Jacques Rousseau [1712-1778] là người chủ xướng nhân chi sơ, tính bản thiện, và con người là một con người đáng kính trọng. Quyền cai trị là do dân, chứ không do trời. Và sau đó xảy ra Cách Mạng 1789, lật đổ thần quyền, vua chúa. Các Giáo hội mới đầu cho rằng Jean-Jacques Rousseau là một kẻ điên khùng, nhưng nay cũng phải chịu rằng dân chủ là hay nhất.  
Pelagius vì chủ trương nhân chi sơ tính bản thiện đã bị hai Công đồng North African Synods of Mileve và Carthage cho là rối đạo năm 416. Sau đó cũng bị các Giáo Hoàng Innocent I và Zozimus lên án như vậy. Pelagius là một thầy dòng người Anh có tiếng là giỏi giang nhân đức. Ông buồn vì thấy người Công giáo thời ấy sống sa đọa, và ông muốn tìm cách chấn chỉnh lại.
Như vậy rõ ràng Công giáo chủ chương nhân chi sơ, tính bản ác.   Thật là thương hải biến vi tang điền. Chuyện đời dâu bể là thế đó. Giáo hội trước lớn tiếng cho rằng quyền lực thế gian là do Thượng đế, vì vậy xưa các Giáo Hoàng đòi phong vương, phong đế, nay thì các Ngài lại chính là những người lớn tiếng nhất bảo vệ nhân quyền.  
Công giáo mừng vì nhờ có tội tổ tông nên Chúa mới giáng trần. Trong quyển Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Giáo Hoàng John Paul II đã nhiều lần ca tụng tội tổ tông: O felix culpa, quoe talem ac tantum meruit habere Redemptionem [ôi! cái tội hồng phúc đã có công đem lại chúng ta Đấng Cửu Thế cao cả biết bao] [3]   Theo tôi, tội tổ tông là một vấn đề không tưởng, do Công giáo [nhất là St. Paul và St. Augustine] bày đặt ra. Nó không ăn nhằm gì đến vấn đề mặc khải, hay đạo giáo, mà chỉ là một vấn đề triết học. Chúa cũng chẳng giáng trần vì một tội không tưởng.   Tôi thấy Công giáo làm phép Rửa Tội, để tha tội tổ tông thật là dễ dàng. Như vậy cần gì Chúa giáng trần. Tôi không tin có chuyện Chúa giáng trần chuộc tội thiên hạ. Theo tôi ai làm tội, người ấy chịu phạt. Chúa không thể chịu phạt thay tôi. [Eze 18:4].   Từ khi Chúa giáng trần tới nay 2000 năm, tôi chỉ thấy nhân loại xấu hơn, sa đọa hơn.
 Tôi nhìn vào người Công giáo, thật tôi không thấy họ có đặc điểm gì khác người các đạo khác. Tôi rất sung sướng, vì sinh ra đời mà không biết tội tổ tông, chỉ thấy rằng căn cốt con người là hết sức đẹp đẽ tốt lành. Nói rằng nhân chi sơ tính bản thiện là quá đúng. Trời là bản thể con người và muôn vật, cho nên cái xấu chỉ là những gì giả tạo, bám ngoài con người mà thôi.  
Nichiren Daishonin [1222-1282], người sáng lập Nhật Liên Tông ở Nhật viết "...Khi mê thì là chúng sinh, khi ngộ thì là Phật. Một cái gương tuy mờ, nhưng sẽ sáng ra như ngọc châu, nếu được chùi mài. Một tâm hồn hiện nay bị mây mờ si đốn vì những sai lầm bẩm sinh thì như một chiếc gương mờ, nhưng một khi đã được chùi mài, sẽ tỏ rạng và phản chiếu chân lý bất biến. Hãy có niềm tin và hãy ngày đêm chùi rửa gương lòng quí vị. Làm sao chùi rửa tâm hồn. Hãy niệm Nam-myoho-renge kyo." [Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa] [4].
Thật là:  
Lơ thơ, chùa rách giữa đàng,
Ai hay lại có Phật vàng ở trong.  
Chúng ta cũng không quên chủ trương nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính của Phật giáo.  


Chương 2 - Mạc Khải.  

Mạc khải, tiếng Hi Lạp là Apokalypsis, tiếng Anh là Revelation, tiếng Latin là Revelatio, tiếng Đức là Offenbarung, nghĩa là vén màn cho thấy những gì xưa kia bị giấu ẩn. Công giáo hiểu là:  
a. Chúa tự động cho ta biết rằng Ngài có thực, biết về bản tính Ngài, biết về sự hiện diện Ngài, thấy Ngài là nhân hậu, toàn năng.
b. Chúa cho biết mục đích của Ngài, và những gì Ngài muốn qua những sự kiện lịch sử đã xảy ra, như lịch sử dân Do Thái, như cuộc đời Chúa Giêsu.
c. Những điều Ngài truyền dạy đã ghi chép trong Thánh Kinh, và đó là chân lý và là điều hay, lẽ thật. Mạc khải đã được truyền cho các tông đồ, các Giám Mục, Giáo hội, cho những người có bổn phận giảng giáo.
Chỉ có Giáo hội mới được mạc khải hoàn toàn, và không còn mạc khải nào khác nữa. Cá nhân có thể được mạc khải, và có khi được Giáo hội công nhận, nhưng chúng không ăn nhằm gì đến đức tin.[5]   Giáo hội phạm nhiều sai lầm trong vấn đề này.
Trước hết ta nên phân biệt, mạc khải là do Trời truyền. Còn người được mạc khải là người giác ngộ.   Chúa Giêsu là một người được mặc khải, nhưng đạo Công giáo không phải là đạo mạc khải. Nguyên chuyện thân phận con người hết sức là sang cả, mà Công giáo cũng không biết, lại luôn cho rằng con người là xấu xa vì đã phạm tội tổ tông.
Tôi đọc Kinh Thánh cũ hay Cựu Ước, không bao giờ thấy Thượng đế đả động đến tội tổ tông. Chẳng lẽ Ngài đã quên chuyện tày trời đó.   Công giáo không biết rằng con người phải đi vào nội tâm mà tìm Chúa. Công giáo không biết rằng con người có thể có tầm kích như Chúa Giêsu, mặc dầu St. Paul có dạy rõ ràng, nhưng Công giáo không hề biết khai thác [5b].  
Công giáo cũng không biết rằng Chúa đã ngự ngay trong tâm hồn mọi người, và nước Trời đã ở sẵn trong lòng mọi người. Công giáo nói: Christianus alter Christus [Người Công giáo là một Chúa Giêsu khác], nhưng không hề khai thác, áp dụng.
Chính vì thế mà Công giáo có phép Thánh Thể để đem Chúa vào lòng con người dù là dăm ba phút... Nếu quả thật, chúng ta là những Chúa Giêsu khác, thì cần gì còn phải rước Chúa vào lòng.   Công giáo không biết rằng mạc khải là vén bức màn vô minh lên cho con người thấy bản thể sang cả của mình, cho con người thấy rằng mình có bản thể thần linh, chứ không phải là một kẻ xấu xa, hèn hạ như Công giáo tưởng.
Tôi không hiểu tại sao một đạo lớn như vậy mà một điều sơ đẳng thế mà cũng không biết. Giác ngộ và mạc khải không phải là của tư hữu của cá nhân hay đoàn thể, mà thời đại nào cũng có vài người được diễm phúc này. Giác ngộ là một ân sủng cá nhân, không truyền cho ai được.
Lữ Đồng Tân viết:  
Đạo tặc chẳng cướp được,
Hỏa thiêu vẫn y nguyên.
Ở đời không kẻ biết,
Chí thân cũng không truyền.  
Đạo Công giáo trong 2000 năm qua, chỉ có khoảng 100 người giác ngộ như St. Paul, như Eckhart, như Tauler, như Suso, như St. John of the Cross, như Ste. Teresa of Avila v.v... Các vị thánh hiền trên thường không có đệ tử.   Nho giáo cũng có khoảng vài chục người như Khổng, Mạnh, Trình tử, Vương dương Minh, Lục tượng Sơn v. v...Phật giáo có các tổ thiền như Huệ Năng, Mã tổ v.v... Bà La Môn, phái Kaballah của Do Thái, phái Sufism của Hồi giáo v.v... cũng đều có các vị hiền thánh như vậy.  
Dù là Giáo Hoàng, hay Giám Mục nếu không được giác ngộ cũng chỉ là kẻ phàm phu tục tử mà thôi. Giáo Hoàng hay Giám Mục chỉ là những người có khả năng lãnh đạo, những chính trị gia, chứ không phải là những nhà thần học hay triết học. Linh Mục cũng chỉ là những người bình thường, chẳng có gì là thần thánh. Giáo dân tâng bốc họ lên mà thôi, chứ trong hàng ngũ LM ta thấy có rất ít người giỏi giang, siêu việt. Không làm gì có chuyện mạc khải chung cho Giám Mục, cho Giáo hội , v. v...Không làm gì có chuyện mạc khải công cộng, cho quần chúng.  
St. Paul, cho rằng tuy ngài sinh sau đẻ muộn, nhưng tài năng hơn các tông đồ khác [2Co 11:5-6]: ngài chê các tông đồ khác không có tài giảng đạo [2Co 10:15-17, ngài cho rằng mình hơn các tông đồ khác, và không thèm lấy tiền của dân v.v. [2Co 11:21-23, 2Co 13:11-15]. Trong thư gửi cho giáo hữu Galates, ngài cho biết không học hỏi gì với các tông đồ [Ga 1:15-22], và đã nặng lời chê bai St. Peter [Ga 2:11-14], và cho rằng Phúc âm ngài giảng là Phúc âm duy nhất [Ga 1:8-10] v.v...Như vậy, ngài có học được gì nơi Chúa Giêsu đâu. Hay nhất là chính St. Paul mới là người sáng lập ra đạo Công giáo, chứ không phải Chúa Giêsu.  
Tóm lại, giác ngộ [enlightenment] là thần con người thông đạt được với thần vũ trụ, tiểu ngã con người kết hợp được với Đại Ngã vũ trụ, và nhận thấy mình và trời đất là cùng một thể. Khẩu quyết của Bà La Môn là Tat Tvam Asi, Con là Cái Đó, nghĩa là con chính là đồng thể với Thượng đế.  
Giáo lý Công giáo rõ ràng không hay biết điều này. Cho rằng Chúa đã thủ thỉ cho con người hay biết tâm tư mình qua Kinh Thánh là điều mà hiền thánh Á Đông không bao giờ chấp nhận. Khổng tử đã nói: Trời có nói gì đâu, thế mà bốn mùa cứ vần xoay mãi, vạn vật trong vũ trụ cứ sinh hóa mãi. Mà Trời có nói gì đâu? [Luận Ngữ XIX, 18].

Chương 3 - Chúa Ba Ngôi.  

Trước hết ta nên biết Chúa có nhiều tên, ít nữa là bảy tên sa đây:
a. Yahweh, chính ra là YHWH. Tên này vì không có mẫu âm nên không đọc được. Nên thường phải chua chữ Adonai [Chúa] ở dưới. Đến sau, người ta mượn ba mẫu âm A-O-I [hay E] của Adonai mắc vào chữ YHWH thành Jehovah. Jehovah được nhắc đến trong Thánh Kinh 6.832 lần.
b. Adonai.
c. Elohim được nhắc đến 3.350 lần.
d. Đôi khi ta còn thấy tên El Eliyon, biến dạng của Elohim.
e. Shaddai. Được nhắc tới 301 lần.
f. Lord Sabaoth [Chúa các Đạo binh].
g. Trong Kinh Thánh mới Yahweh được gọi là Kyrios [Lord].
Thánh Kinh coi Chúa là đấng thô bạo, hay giận, hay báo thù, hay ghen, yêu chuộng hòa bình và đấng tối cao.[5d] Thiên Chúa giáo chủ trương Chúa Ba Ngôi. Do Thái giáo, Hồi giáo chủ trương Thượng đế là duy nhất.  
Kinh Thánh cũ hay Cựu Ước [Old Testament] bảo: Này đây, lời Yahve, vua Israel, đấng Cứu Chuộc Israel, Yahve các đạo binh. Ta là đầu, là cuối. Ngoài ta ra không có Chúa nào khác. Ai là người giống ta, hãy đứng lên nói xem...[Isa 43:6-7]. Chính ta YAHVE, đã làm nên tất cả. Ta một mình căng trời, bện đất. Nào có ai đã giúp ta? [Isa 44:24] Và các ngươi hiểu rằng chính là Ta. Trước ta, không có Chúa nào và sau ta, cũng không có Chúa nào. Chính ta là Yahve, không có đấng cứu rỗi nào ngoài ta. Không ai có thể cứu khỏi tay ta. Ta làm thì không ai có thể kháng cáo [Isa 43:11-13. Ta là Yahve, ngoài ta ra không có Chúa nào khác [Isa 45:5]. Chính ta là Yahve, ngoài ta ra, không còn có Chúa nào khác. [Isa 45:2] Hãy quay về với ta, từ múi cùng mặt đất, vì ta là đấng chẳng ai bằng [Isa 45:22]. Chính Ta là Yahve, vinh quang của ta, ta sẽ không ban cho người khác, hay cho các thần tượng vinh dự ta.  
Chúa nói vậy, thì làm gì có ngôi hai, ngôi ba? Tôi là kẻ ít học, nhưng đọc những lời Chúa phán rõ ràng như trên, thì không sao mà còn dám tin Chúa Ba Ngôi nữa.
Kinh Coran Hồi giáo ghi: Nhân danh Chúa rất nhân từ, hãy nói: Thượng đế là duy nhất, là tuyệt đối, Ngài không sinh ra ai, và cũng chẳng ai sinh ra Ngài, và không ai bằng Ngài [Coran, Sourate 112]. Và họ nói: Chúa có con nuôi. Chúa Ngài thanh tịnh. Không. Nhưng mọi sự trên trời, dưới đất đều là của Ngài. Mọi sự đều phục vụ Ngài.[Coran, Sourate 2, 116.] Jesus Christ, con bà Maria, chỉ là một sứ giả...chớ nói Ba Ngôi. Đừng nói vậy, sẽ hay hơn. Chúa là đấng duy nhất. Vậy thôi. Chúa có con! Chúa Ngài thanh tịnh. Cả trời đất đều thuộc về Ngài... [Coran, Sourate 4, 171] Chỉ những kẻ vô tín ngưỡng mới nói: Thượng đế chính là Chúa Giêsu, là con bà Maria. Chúa Giêsu nói: Hỡi con cháu Isarael, hãy thờ lạy Chúa, Chúa tôi và Chúa các anh [Coran, Sourate 5, 74] v.v...   Như vậy, Hồi giáo không tin Chúa Giêsu là một ngôi trong ba ngôi, không tin Ngài là Thượng đế, mà chỉ là một sứ giả, nhưng thua Mahomed.[6]  
Thánh Kinh mới hay Tân Ước [New Testament] ghi lại lời Chúa Giêsu nhận xét về chính Ngài: Lời ta dạy không phải là của ta, mà là của đấng đã sai ta. Ai muốn làm theo ý Ngài sẽ thấy lời ta dạy là của Ngài, chứ không phải là của ta [Joh 7:16-18]. Cha ta luôn làm việc và ta cũng vậy [Joh 5:17], vì Cha ta hơn ta[ Joh 14:28], sao ngươi nói ta tốt lành?   Không có ai tốt lành, trừ phi Thiên Chúa [Mr 10:18, Lu 18:19]. Chúa là Chúa thật sự, và Giêsu Christ, là sứ giả Ngài [Joh 17:3]. Lạy Cha, sao cha bỏ con [Mr 15:34]. Lạy Cha con xin phó linh hồn con trong tay Cha [Lu 23:46], Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin đừng bắt con uống chén này, nhưng xin Cha đừng cứ ý con, mà xin cứ ý Cha thi hành. [Lu 22:42]. Kẻ nào thắng ta sẽ cho ngồi cùng ta trên tòa ta, cũng như khi ta thắng, đã ngồi cùng Cha ta trên tòa ta. Ai có tai thì hãy nghe lời Thần Chúa nói. [Re 3:21-22].  
Như vậy Chúa Giêsu không bao giờ dám xưng mình là Thượng đế, không dám nhận mình là tốt, và luôn gọi Thượng đế là đấng đã sai mình, là đấng hơn mình, thì làm sao mà Ngài bằng Thượng đế cho được. Chẳng lẽ lời nói là để hiểu ngược lại. Và nếu ai thắng, Ngài đã dám mời lên ngồi cùng tòa với Ngài, thì chắc là xưa nay đã có người làm được như vậy. Thế thì Ngài còn gì là độc tôn nữa. Khi gần chết, Giêsu Christ thấy cô đơn, nên mới kêu: Sao cha bỏ con. Và khi chết, Ngài phó linh hồn trong tay Chúa Cha, như vậy Ngài làm sao bằng Đức Chúa Cha được?  
Vấn đề Chúa Ba Ngôi còn đi ngược lại với triết học. Trong thế giới này có một nền triết học rất cao siêu. Á châu gọi thuyết này là thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Âu châu gọi là Thuyết Phóng Phát [Emanation theory]. Thuyết này chủ trương vạn vật đều có chung một bản thể như nhau, biết điều này là giác ngộ, không biết điều này là vô minh, là chúng sinh. Biết mình có chung một bản thể với Trời, và biết đường tu luyện sẽ trở về hợp nhất với Trời. Đó là Phối Thiên [Trung Dung 26, Đạo Đức Kinh 68], là Niết Bàn. Phật giáo và Bà La Môn giáo gọi Niết Bàn là: Diệt hết mọi hình tướng, phối hợp với Thượng đế.[7]  
Trong sách Deuteronomy, Chúa xưng mình Ta là bản thể [YHWH= I am he who is, or I am who Am or I am who I am] [7b] [Catechismus of the Catholic Church p. 56]. Trong vạn hữu, cái gì biến thiên là hiện tượng, là vọng tâm. Cái gì bất biến là bản thể, là chân tâm, là Niết Bàn. Như vậy Niết Bàn là diệt hết mọi hình tướng, mọi hiện tượng biến thiên, là trở về với Thượng đế, với chân tâm, cho nên Thượng đế chính là chân tâm của ta.  
Cho nên, muốn tìm cho ra Thượng đế, phải tìm Ngài trong cái gì bất biến, chứ không phải là trong cái gì biến thiên. Ngài không thể tách rời khỏi vạn hữu, vì ta và tha nhân chính là Ngài, vì vũ trụ chính là Ngài.  
Thuyết này đã bị Công giáo phi bác vì cho là Tà đạo. Pie IX, trong Tập Kỷ Yếu Tà Thuyết [Syllabus] ra ngày 08/12/1864 đã phi bác thuyết này: "[Nếu ai cho rằng] Không làm gì có đấng Thượng đế quan phòng tối cao tách rời vũ trụ. Chúa và vạn hữu là một, và như vậy Ngài có thể biến thiên.
Thật ra Ngài đang biến hóa trong con người và trong vạn hữu. Vạn hữu là Ngài và có cùng bản thể như Ngài. Ngài và vũ trụ là một chứ không hai." Và "Nếu ai nói rằng Chúa và muôn loài có cùng một bản thể, và vạn vật hữu hình hay vô hình hay ít là vô hình đều phóng phát ra từ bản thể Thượng đế. Và bản thể Thượng đế hóa thành vạn vật bằng cách hiện thân hay biến hóa bản chất Ngài, hoặc cuối cùng ai cho rằng Chúa là tất cả, là phổ quát nhưng vô định đã hiện thân thành vũ trụ rồi vũ trụ lại phân hóa thành giống nòi, chủng tộc, hay cá nhân, kẻ ấy bị tuyệt thông."[8]  
Tuy nhiên, thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể đã được hiền thánh Á Đông Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng chấp nhận. Bộ Kinh Dịch cũng theo chủ trương này. Các mật tông mật giáo Âu châu cũng theo thuyết này và gọi đó là Thuyết Phóng Phát. [8b].
Sở dĩ Âu châu phải nấp sau bình phong các mật tông vì sợ các Tòa Hình Án Công giáo. Các mật tông mật giáo nói trên là Kaballa, Christian Gnosticism, Jewish Gnosticism, Neo-Platonism, Neo-Pythagoreanism, Hermeticism, Freemasonry, Rosicrucianism, Alchemy, Tarot, Astrology v.v...  Một người có công khai thác và nâng đỡ các mật tông, mật giáo nói trên là Cosimo de Medici [1389-1464], dòng họ Medici cai trị Florence từ thế kỷ 14 cho đến năm 1737.   Như vậy rõ ràng chân lý chỉ có một, không phân Đông, Tây.
Tiếc rằng Công giáo đã cố chấp không nhận mình là sai.   Nói vậy tức như nói nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính, và con người rốt ráo ai cũng thành Trời, thành Phật được. Quan niệm ai cũng thành Trời, thành Phật không phải Thánh Kinh không có, nhưng dở cái là Giáo hội không bao giờ chịu khai thác. Chẳng hạn Chúa Giêsu nói: Ước gì mọi người trở nên một.  Như Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng nên một với chúng ta [Joh 11, 21]. Upanishad viết: Ngài ẩn thân trong vạn hữu, mà Đại Ngã không để Ngài hiển lộ ra, nhưng các bậc thấu thị, những khối óc tinh tế tuyệt vời, đã thấy điều đó. Ai biết điều đó sẽ thoát tử vong[9].  
Báo Los Angeles Times, ngày thứ Năm, 19/08/1995, mục quảng cáo về University Synagogue của Do Thái giáo, nhận định về Thượng đế như sau: Chúng tôi tin Thượng đế là thần linh nội tại trong ta và trong vũ trụ. Thần linh đó giúp ta trở nên những con người biết thương yêu lo lắng cho mọi người, năng lực nội tại đó, chúng ta cảm thấy được, bằng suy tư, bằng kinh nghiệm và bằng linh giác chúng ta, năng lực nội tại ấy thúc đẩy ta hoàn thiện bản thân, và ăn ngay ở lành. Chúng ta tìm thấy Chúa trong khi tìm hiểu về chính mình, trong khi lo cho mọi người sống ngay lành, và lo cho mình sống như một người Do Thái.[10].
Tôi rất thích định nghĩa trên về Thiên Chúa. Và thấy rằng nếu ta không hiểu chính mình thì làm sao hiểu được Thượng đế.

BA ĐIỀU SUY NGHĨ RIÊNG TƯ

1. Chúa Thánh Thần.
Thánh Kinh chép:
a. Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu là do quyền phép Chúa Thánh Thần.
b. Ngài lên rừng ăn chay là do Thánh Thần hướng dẫn.
c. Thánh Thần hiện ra trên đầu Ngài, như con chim bồ câu, khi Ngài chịu phép rửa.[9b] Như vậy là khi Chúa Giêsu giáng trần, Ngài hoàn toàn không biết gì về chuyện đó, và không tham dự vào chuyện đó, chuyện đó hoàn toàn do Chúa Thánh Thần. Ngài lên rừng ăn chay cũng là do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Lúc chịu phép rửa là lúc Chúa Thánh Thần nhập vào Ngài và làm cho Ngài trở nên giác ngộ. Như vậy, thì Chúa Thánh Thần phải là Cha Ngài, vì đã cùng với Đức Mẹ sinh ra Ngài, hay ít ra cũng cao siêu hơn Ngài, vì đã hướng dẫn Ngài. Như vậy tại sao lại là Ngôi Ba sinh bởi Chúa Cha và Ngài, và làm sao Ngài có thể sai Chúa Thánh Thần được?
Giáo phái Unitarian Universalist chủ trương Chúa có một ngôi, và Giáo Chủ đạo này là Servetus [1511-1553] đã bị lên giàn hỏa ở Genève 1553. Môn phái này đã có những giáo hữu lỗi lạc như Isaac Newton, như R. W. Emerson, W.H. Channing. Đó là một đạo giáo cởi mở nhất ở Mỹ này. Tôi có đến dự vài Chủ Nhật tại trụ sở nằm cuối đường Victoria, Costa Mesa. Nhưng thấy rằng đường lối tuy cởi mở, nhưng trình độ hiểu biết về chân đạo còn rất là ấu trĩ [vì tôi chưa gặp được những bậc đạo cao, đức cả của Giáo hội này], nên tôi không tới nữa.

 2. Tước Hiệu Con Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, tước hiệu Con Thiên Chúa được thấy ở nhiều nơi, dùng cho nhiều người và nhiều người tự nhận mình là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhận mình là Con Thiên Chúa, nhưng David, Salomon, vua xứ Tyr, vua Cyrus cũng nhận mình là Con Thiên Chúa nữa.[9c] Chưa kể là chính Satan cũng được gọi là Con Thiên Chúa [9d]. Và các thư của St. Paul cũng cho rằng con người có thể trở thành Con Thiên Chúa.[9e]
Như vậy ai sẽ là Con Thiên Chúa, theo Thánh Kinh? Thưa là những con người lãnh đạo [David, Salomon] hay những con người hoàn thiện.
Và tôi không hiểu sao Con lại hoàn toàn bằng Cha, và trong các Con Thiên Chúa kể trên ai là con thật, ai là con giả?
 
3. Chúa Sống Lại.
Công giáo cho rằng Ba Ngôi hoàn toàn bằng nhau. Nhưng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thời không có xác. Chúa Giêsu lại có xác. Vậy ai sẽ hơn ai. Á Đông cho rằng cái xác này chỉ là "cái thân tứ đại giả hợp", chỉ là cái gì hôi thối [xú bì nang], thì làm sao tồn tại với thời gian được? Không thể nói Chúa phép tắc làm gì cũng được. Mã đơn Dương viết:
Thành tiên chỉ thị thần quang,
Thiên cung vô dụng xú bì nang.
Dịch:
Thành tiên âu chỉ cốt thần quang,
Thiên cung xá kể cái xác phàm.
Đó là những suy tư lẩm cẩm của tôi, mong các vị cao minh chỉ giáo.
Một điều tưởng cần nhớ là Michael Servetus, người Tây Ban Nha [1511-1553] là người chống lại những chuyện như Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu có hai tính, và chuyện rửa tội cho trẻ con. Servetus bị tòa Hình Án Công Giáo Lyons kết án nên trốn sang Genève. Ở đó, ông bị Calvin cho lên giàn hỏa, ngày 27/10/1553. Nay Giáo hội Unitarian vẫn coi ông là Giáo Chủ.
 
Chương 4 - Chúa Giêsu Xuống Thế Chuộc Tội Thiên Hạ.
 
Như trên tôi đã không chấp nhận tội tổ tông, nên nay cũng không chấp nhận Chúa đã xuống thế chuộc tội thiên hạ.
Quyển Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng đã nói khá nhiều về ơn cứu rỗi và trả lời những vấn nạn như:
a. Việc đức Kitô hy tế nhằm cứu chuộc nhân loại có cần thiết không? [tr. 72-75.]
b. Tại sao nhân loại cần được cứu rỗi? [tr. 76-80].
c. Phải chăng tất cá thế giới sẽ được cứu độ? [tr. 90-97].
d. Ngoài Công giáo không có ơn cứu độ sao? [tr. 149-155].
Tôi đọc những lý luận của Giáo Hoàng, thấy lòng tôi không hề có chút rung cảm nào. Tôi đọc các câu Cựu Ước sau đây mà sợ: Và các ngươi hiểu rằng chính là Ta. Trưởc ta không có Chúa nào, và sau Ta cũng không có Chúa nào. Chính ta là Yahve, không có đấng Cứu Rỗi nào ngoài ta. Không ai có thể cứu khỏi tay ta. Ta làm thì không ai có thể kháng cáo. [Isa 43:11-13]. Ta là Yahve, ngoài ta ra chẳng có ai bằng. [Isa 45:5] Nếu Yahve đã phán quyết là không có Đấng Cứu Thế nào ngoài Người, và không có Chúa nào khác ngoài Người, thì ta còn băn khoăn vế Đấng Cứu Thế làm gì nữa. Tôi đi tìm các câu trong Thánh Kinh đế xem có chỗ nào Chúa Giêsu trực tiếp xưng mình là Đấng Cứu Thế không. Tồi không tìm ra được câu nào. Tôi thấy có mấy câu như Lu 21:28, Mt 20:28, Lu 1:68, Lu 2:38. Trong các câu trên chỉ có câu Mt 20:28: Con người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người. Câu này gần nhất vấn đề ta tìm kiếm. Còn các câu khác nói Chúa lấy máu mình chuộc tội cho loài người là của St. Paul hết [9f] . Tôi mới hiểu vấn đề Chúa Cứu Chuộc là của St. Paul đã bày ra.
Đại khái lịch sử ơn Cứu Độ đã được Giáo Hoàng John Paul II toát lược như sau: Lịch sử ấy khởi đầu với Adam thứ nhất, qua mạc khải về Adam thứ nhì là Đức Chúa Giêsu Kitô [1Co 15:45] và kết thúc bằng sự viên mãn tối hậu của lịch sử thế giới trong Thiên Chúa khi Ngài trở thành "tất cả cho mọi sự" [1Co 15:28] [9g] . Nói thế có nghĩa là Thánh Paul đã cho rằng Chúa xuống thế vì tội tổ tông. Nhưng thực ra Chúa xuống thế cốt là để rao giảng nước trời.
Cũng nên ghi nhận rằng Kinh Thánh cũ chỉ biết có mấy nước Ai Cập, PhilIsatin, Do Thái, Assyria, Babylonia, Ba Tư v.v...Còn các châu Á, châu Úc, châu Mỹ v.v... là những 13 Châu mới tìm ra sau năm 1000 thì làm sao quả quyết được rằng Chúa đã biết tôi và muốn chuộc tội cho tôi.
Hơn thế nữa, Do Thái chỉ có 3 miền nhỏ là Gailea, Samaria và Juda, mà Chúa Giêsu nhất định chỉ giảng cho xứ Gailea và Judea, chứ không chịu giảng cho xứ Samaria hay chữa cho người Samaria, một xứ nằm giữa Gailea và Juda, như Kinh Thánh nói rất rõ ràng. Ngay với dân Samaria mà Chúa còn tỏ ra hẹp lượng như vậy thì làm sao tôi tin được rằng Ngài đã nghĩ đến dân Việt Nam chúng tôi?
Khi Ngài giảng cho dân Do Thái, Ngài toàn dùng dụ ngôn, để cho họ nghe mà không hiểu. Chúa nói: Bởi thế mà ta dùng ví dụ nói với họ: vì họ nhìn mà không nhìn, và nghe mà không nghe, không hiểu và như vậy được nên trọn lời sấm của Ysaya rằng: Các ngươi có nghe cho lắm mà cũng không hiểu, các ngươi có nhìn lấy, nhìn để, mà cũng không thấy. Vì lòng dân này đã ra chai lại. Chúng đã nặng tai nghe, chúng đã nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, lòng hiểu được mà trở lại, và Ta lại chữa chúng lành [Mt 13:13-15]. Như nậy đâu Ngài có muốn cứu mọi người.
Chúa nói là đem tin mừng lại cho mọi người [gospel: tin mừng], nhưng tin mừng Ngài đem lại là phải tin theo Ngài, nếu không sẽ bị trầm luân trong lửa địa ngục đời đời. Yahve dạy tôi rằng sau cuộc sống này tôi sẽ xuống Sheol, sống vất vưởng qua ngày, đìu hiu, vô vọng. Tuy Ngài không hứa cho tôi cái gì, nhưng ít là không dọa tôi xuống hỏa ngục, cho nên tôi thấy theo Yahve, ít ra cũng đỡ lo âu hơn.
Hơn nữa, Chúa Giêsu đoan kết là Ngài không đạy điều gì mà không phải là do Thiên Chúa mà ra. [John 15:15, John 7: 16]. Cho nên khi thấy tin mừng của Ngài sặc mùi lửa hoả ngục tôi thấy không mê tin mừng Ngài và tôi thích Sheol hơn. Vả lại Yahve không có dạy có lửa hỏa ngục, thì chúa Giêsu là Con, lấy cái đó ở đâu ra?
Tôi cũng không chấp nhận, mình làm tội mà lại có người vô cố đến gánh thay cho mình. Chúa Cha khôn ngoan vô cùng sao lại không nghĩ được kế sách gì hay hơn mà lại phải đày đọa con mình, bắt con mình chịu cực, chịu khổ như vậy, thì Ngài mới vui lòng hay sao? Ngài sai Con xuống thế, sao chỉ cho Con Ngài sống có hơn 30 tuổi, rồi bắt phải tử nạn, thật oan uổng quá.
Chúa Giêsu khổ sở như vậy, mà nay hứa chuộc tội cho tôi, đem hạnh phúc muôn đời đến cho tôi, làm sao tôi dám tin Ngài cho được.
Có lẽ vì Chúa đã thất bại, khi xuống thế lần thứ nhất, nên Ngài mới nôn nóng xuống thế lại lần thứ hai trong vinh quang. Tiếc thay là đức Chúa Cha đã không cho Ngài làm chuyện này, và đã cho thế gian kéo dài thêm nhiều triệu năm nữa.

(




GHI CHÚ

1- Thirty years after the Second Vatican Council added interfaith dialogue to the Roman Catholic agenda, the changing American religious scene has profoundly altered the American church's outreach to other religious groups... Real dialogues, however, is not 87 on the Agenda. The New York meeting are little more than formal handshades - 15 minute sessions at the residence of Cardinal O'Connor, the Archbishop of New York, at which the Pope will exchange greetings with a small number of representatives of other faiths. Los Angeles Times, Saturday, 30/9/1975, p. B10. 1b- Abbé J. Turmel - Pourquoi J'ai donné congé aux dogmes, Éditions de l'idée libre, Herbley, Seine et Oise, 1935.
2- Catechismus of the catholic church - The Fall of the Angels, pp. 98-99.
3- John Paul II - Crossing the threshold of hope, Alfred A. Knopf, New York, 1994, p. 21. Bản dịch tiếng Việt: Bước qua ngưỡng cửa hi vọng, Thăng Tiến, 1995.
4- "...When delute, one is called a common mortal but once enlightened, he is called a Buddha. Even a tarnished mirror, will shine like a jewel if it Isa polished. A mind which presently is clouded by illusions originating from the innate darkness of life, is like a tarnished mirror, but once it is polished, it will become clear, reflecting the enlighment of immutable truth. Arouse deep faith and polish your mirror night and day. How should you polished it? Only by chanting Nam-myoho-renge-kyo." The life of Nichiren Daishonin, Revised, Nichiren Shoshu International Center, 1-33-11 Sendagaya, Shibuyaku, Tokyo 131, 1980, p. 14.
5- Catechismus of the catholic church p. 23.
5b- Ro 7:14-29, Eph 4:13 5d- He is ruthless, wrathful, vengeful, jealous, peace-loving- but above all, he is almighty. Manfred Barthel - What the Bible really says, translated and adapted by Mark Howson. Wings books, New York, 1980, p. 29. Ib. p, 28.
6- For Mohammed's very intense conviction, the unity of God-absolute and unqualified- Isa the foundation of all true religious faith. Hence, the Christian doctrine of the Trinity. This bizarre idea of the three Gods in one- seemed to him a blasphemous error, it is a covert form of polytheism, however disguised. It is very unseemingly to believe of God that He should beget a son. [Edwin A Burtt - Man Seeks the Divine, p. 455].
7- Soderblom Nathan - La vie future d'après le Madzéisme, Ernest Leroux éditeurs, 28 Rue Bonaparte, đoạn nói về Nirvana.
8- There is no supreme, all-wise, and all-provident Godhead distinct from this universe. God is identical with nature and consequently subject to change. God is actually in the process of becoming, in man and in the world. All things are God and have the very substance of God himself. God and the world are one and the same thing... Jesuit Fathers of Saint Mary's college - The Church teaches, Saint Mary's Kansas 1955, p. 150. - If any one says that finite things, both corporal and spiritual, or at least spiritual, emanated from the divine substance, or that the divine essence becomes all things by a 88 manifestation or evolution of itself, or finally, that God is universal and indefinite being which by determining itself makes up the universe which is diversified into general species, and individual, LET HIM BE ANATHEMA. Ib.p. 153.
8b- Nguyễn văn Thọ - Thuyết thiên địa vạn vật đồng nhất thể, tạp chí Hoa Sen số 25 và 26, Garden Grove, California.
9- Though hidden in all things, The World Soul shines not forth, Yet is seen by subtil seers, Of superior, subtil intellect. [Katha up. 3.12] By discerning that one is liberated from the mouth of death [Ib. 3.15]. Tarot revelations, Introduction by Colin Wilson, Vernal Equinox Press, 1982, p.24.
9b- Mt 1:18-20, Lu 1:35, Mt 4:1, Lu 4:1, Joh 1:32.
9c- Gen 6:1-4, Wisdom, 2, 18,2, 13-19?, De 22:8-10, như David, Ps 89:20-30, như Salomon [2Sa 7:15-16], vua xứ Tyre [Eze 12?:1-2, và 28:11-16], vua Cyrus [Isa 14:1] Chúa Giêsu [Mt 3, 17, 4: 3-6, 8, 29, 14, 33, 16, 16, 17, 5, 26, 63, 27, 54. Mr 1, 11, 5, 7, 14, 61, 62. Lu 1: 32-35, 3, 22, 4, 41, 9, 35, 22, 70. Joh 1, 34, 1, 49, 3, 16, 18, 5, 25, 9, 35, 10, 10, 36, 19, 7, 20, 31, Joh 5, 25, 5, 18 9, 35-37, 10, 36 và Mr 14:61-62 v.v...
9d- Job 1:6-12 9e- Ga 4:7, Ro 8:14, Ro 8:29, Ro 8:19 v.v...
9f - Ro 3:24, 8:23, Eph 1:7, 1Co 1:14, 1Tim 2:6, Heb 9:15, 11:15, 9:12.
9g- John Paul II - Bước qua ngưỡng cửa hi vọng, tr. 79.
10- We believe that God is the spirit within us, and within the universe, that help us become loving caring people, that power within us, that we perceive with raison, experience and intuition, that urges us towards self-fulfillment and ethical behavior. We find God by understanding ourselves, by being morally concerned and by being selfmotivated to study and live as Jews.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét