Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Vì sao Hoa Kỳ và Liên Âu chưa có hành động cứng rắn trước việc Nga xâm lược Ukraina


Những người ủng hộ Ukraina tụ họp trước Toà Bạch Ốc tại Washington, DC (7-3-2014).
1* Mở bài

Hôm thứ hai 3-3-2014 quân đội Nga đã chiếm giữ và kiểm soát toàn bộ mọi sinh hoạt trên bán đảo tự trị Crimea thuộc Ukraina. Cuộc xâm lược không một tiếng súng. Nga tuyên bố lý do xâm chiếm là để bảo vệ người dân Ukraina trong đó có người Nga, thoát khỏi chính quyền bất hợp pháp do một cuộc đảo chánh vũ trang tiếm quyền.

Tình trạng Ukraina rất phức tạp, tương lai chính trị chưa ổn định, nền kinh tế sắp phá sản, quân sự yếu kém so với Nga, nhưng lý do chính là Ukraina không phải là thành viên của Liên Âu (EU-European Union) mà cũng không phải là thành viên của tổ chức quân sự Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO (North Atlantic Treaty Organization), đó là những lý do khiến cho Mỹ và Âu châu chưa có hành động cứng rắn trước việc xâm lăng của Nga ở Ukraina.

Không ai muốn nhào vô gánh một nền kinh tế sắp phá sản, mà chưa biết rõ kẻ đó là bạn hay thù vì người dân Ukraina chia rẻ về việc một nhóm theo Nga, một nhóm thân Tây phương.

Nếu sự mâu thuẩn giữa hai lực lượng chống Nga và theo Nga lớn mạnh ngang ngữa nhau thì có thể đưa đến nội chiến như tình trạng của nước Syria hiện nay.
2* Nga chiếm Crimea của Ukraina không một tiếng súng
2.1. Vài nét về Crimea

Crimea màu hồng                                              Hạm đội Biển Đen đóng tại Sevastopol (Crimea)
Bán đảo Crimea là một nước tự trị trong thành phần Ukraina, bị chi phối bởi hiến pháp và luật pháp của Ukraina. Crimea không có quyền tiến hành chính sách đối ngoại riêng.

Diện tích Crimea: 26,100km2. Dân số: 1,973,185 (2007). Sắc tộc Nga, nói tiếng Nga chiếm đa số là 58.5%. Sắc tộc Ukraina chiếm 24.4%. Số còn lại là sắc tộc Hồi giáo Tatar. Thủ đô của Crimea là Simferopol.
2.2. Quan hệ giữa Nga và Crimea

Crimea và Hạm đội Biển Đen là quyền lợi cốt lõi của Nga. Mặc dù Hạm đội Biển Đen là hạm đội yếu nhất trong 4 hạm đội của Nga là: Hạm đội Baltic, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Phương Bắc và Hạm Đội Biển Đen, nhưng bán đảo Crimea là vị trí chiến lược quan trọng của Nga, nó là cửa ngõ ra vào của Hải Quân Nga để vươn ra Biển Đen và Địa Trung Hải (Mediterranean Sea). Căn cứ nầy là nơi xuất phát những hoạt động của hải quân Nga đến Syria, Libya, Georgia và Ấn Độ Dương.

Quân đội Nga đã có mặt ở Crimea từ hơn 200 năm, dưới thời Nga Hoàng, Liên Xô và đến ngày nay. Nga đã thuê căn cứ hải quân Sevastopol, thuộc Ukraina, đến năm 2017 và đã có Hiệp ước Kharkiv năm 2010 cho phép gia hạn đến năm 2042. Hiệp ước do tổng thống Yanukovych vừa bị lật đổ ký để đổi lấy khí đốt giá rẻ của Nga, cũng giống như Mỹ đã thuê Vịnh Guantanamo theo Hiệp ước Mỹ-Cuba năm 1903 mà theo đó Mỹ thuê vĩnh viễn.

Theo thỏa thuận thì những hoạt động quân sự của Nga bên ngoài quân cảng Sevastopol thì phải được sự chấp thuận của Ukraina, nhưng trên thực tế Nga không tuân theo những cam kết đó, bằng chứng là tàu ngầm của Nga thuờng xuyên tới lui căn cứ nầy.
2.3. Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea
Quân cảng Sevastopol, căn cứ của Hạm đội Biển Đen.
Hạm đội Biển Đen hoạt động trong vùng Biển Đen (Black Sea) và Địa Trung Hải. Căn cứ chính của nó là thành phố cảng Sevastopol. Năm 2010 có 16,000 binh lính và 40 chiến hạm đóng ở đó.
2.4. Mỹ thừa nhận Nga đã hoàn toàn kiểm soát Crimea

Ngày 2-3-2014 các quan chức cao cấp Mỹ thừa nhận binh lính Nga đã hoàn toàn kiểm soát bán đảo tự trị Crimea.

Đài BBC cho biết Crimea đã thực sự đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Tuy nhiên không có một viên đạn nào đã bắn ra.
2.5. Nga chiếm Crimea không một tiếng súng

Điều dễ hiểu là lực lượng của Hạm Đội Biển Đen có thừa khả năng chiếm lấy Crimea.

1). Nga ra tối hậu thư cho quân đội Ukraina trú đóng ở Crimea.

Vào buổi tối ngày 3-3-2014, Tư lịnh Hạm đội Biển Đen, Alexander Vitko, ra tối hậu thư: “Nếu như quân đội Ukraina không buông súng đầu hàng trước 3 giờ sáng hôm sau thì họ sẽ phải đối diện với một cuộc tấn công toàn diện”.

Ukraina có hai căn cứ quân sự ở Crimea. Tại một căn cứ gần thủ phủ Simferopol hàng trăm binh lính mang mặt nạ, không mang phù hiệu binh chủng hoặc đơn vị, đội mũ sắt, ngồi trên xe mang bảng số Nga và được trang bị bằng vũ khí Nga, họ không có ý định xông vào căn cứ. Không khí lặng lẽ trong căng thẳng, không có bất cứ một dấu hiệu bạo động nào cả.

Chỉ huy trưởng căn cứ, đại tá Ukraina Sergei Starozhenko, kêu gọi đối thoại. Một sĩ quan có vẻ là người Nga đồng ý, và hai bên trao đổi nhau chừng 15 phút. “Sẽ không có chiến tranh”.

Theo báo RIA Novosti (Nga) thì binh sĩ Ukraina đã đào ngũ hàng loạt và giao nạp vũ khí.

Lực lượng Ukraina buông súng cũng phải, vì quá yếu so với Nga, hơn nữa người dân của Crimea đa số là người Nga nói tiếng Nga, họ muốn được tự trị, tách ra khỏi Ukraina để trở về đất mẹ là Liên Bang Nga.

2). Vì sao binh lính Nga mang mặt nạ?

Có một điều khác thường là binh lính Nga ở Crimea lại mang mặt na. Ai ai cũng biết đó là binh lính Nga, ngồi trên xe Nga, trang bị vũ khí hiện đại nhất của Nga, vậy mang mặt nạ để che giấu cái gì?

Số là khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ, Mỹ luôn luôn cảnh cáo Nga không được hành động quân sự ở Ukraina. Lúc ban đầu tổng thống Putin chối leo lẻo, trong buổi họp báo ngày 4-3-2014, ông tuyên bố: “Khả năng đưa quân vào Crimea thì chưa cần thiết”. Vì thế mang mặt nạ để che giấu những đơn vị lính đặc nhiệm thuộc các đơn vị Nga mới xâm nhập vào Crimea trong lúc có cuộc tập trận. Che giấu mặt mũi để người ngoài không nhận ra lính Nga nào thuộc Hạm đội Biển Đen đã có mặt ở Crimea và lính Nga nào mới xâm nhập, vì Putin không nhận đưa quân vào Crimea.
Quân đặc nhiệm tinh nhuệ của Nga .
3). Nga cho biết lý do cuộc xâm lược Ukraina
Trước đó Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev có cuộc nói chuyện với Phó tổng thống Joe Biden, cho biết: “Nga khẳng định rằng việc bảo vệ lợi ích của toàn bộ công dân Ukraina trong đó có người Nga sinh sống ở Ukraina và Crimea, đó là điều vô cùng cần thiết”.

Nga cho biết các nhà lãnh đạo hiện nay ở Ukraina đã làm một cuộc đảo chánh vũ trang bất hợp pháp, đã tiếm quyền bằng vũ lực nên không có giá trị pháp lý.
2.6. Những đòn phép của Nga ở Crimea

Nga chiếm trọn quyền kiểm soát tại bán đảo Crimea, dựng lên một nội các bù nhìn do một ngưởi quốc tịch Nga lãnh đạo. Nội các nầy sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16-3-2014 để xem có chấp thuận cho Crimea sát nhập vào Liên Bang Nga hay không?

Mặc dù chưa có trưng cầu dân ý, nhưng nội các nầy xin cho Crimea được sát nhập vào Nga. Đương nhiên là Thượng và Hạ viện Nga rất hoan nghênh đề nghị nầy.

Nếu tổ chức trưng cầu dân ý, không cần phải gian lận, thì phe thân Nga vẫn thắng vì đa số cử tri ( 58.5%) là người Nga, muốn trở về “đất mẹ” là Liên Bang Nga.
2.7. Ukraina tổng động viên

Ngày 5-3-2014 chính quyền Ukraina đặt quân đội trong tình trạng báo động và ra lịnh cho một triệu quân nhân trừ bị ra trình diện. Tình hình chiến tranh căng thẳng.

So với lực lượng quân sự của Nga, Ukraina yếu kém hơn nhiều.

3* Hoa Kỳ bị trúng kế nghi binh của “KGB”
3.1. Thất bại trước Putin, tình báo Mỹ bị điều tra

“Chuyện Ukraina to lớn như thế mà tình báo Mỹ không hay biết”, đó là cái tựa của bản tin trên đài BBC.

Ngày 4-3-2014, dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho biết ủy ban của ông đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm xem lý do nào mà tình báo Mỹ không hay biết gì trước sự việc lớn như thế.

Theo dân biểu Peter King, một thành viên của ủy ban, thì ban đầu Tổng thống Obama và những nghị sĩ cho rằng việc Nga can thiệp quân sự vào Crimea rất khó xảy ra.

Một báo cáo trước đó của tình báo quốc phòng kết luận rằng cuộc tập trận của Nga sát biên giới Ukraina không phải là dấu hiệu cho thấy Nga can thiệp vào Crimea.

Ngày 28-2-2014, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, các nhà phân tích của Lầu Năm Gốc đưa ra nhận định rằng, Nga sẽ không có bất cứ hoạt động quân sự nào trong vòng 24 giờ sắp tới.

Ngày 5-3-2014, tại Thượng Viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John McCain đặt câu hỏi với Bộ trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel, tại sao chuyện Ukraina to lớn như thế mà tình báo quốc phòng không đoán trước được việc Putin đưa quân sang chiếm Crimea. Bà thượng nghị sĩ Dân Chủ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, tuyên bố: “Chúng ta phải xử dụng nguồn năng lực cho đúng chỗ. Không thể để cho quân Nga chiếm đóng Crimea xong rồi thì Washington mới hay biết. Quốc Hội sẽ thảo luận với hành pháp và những viên chức điều khiển ngành an ninh tình báo để tình trạng tương tự không xảy ra”.

Tóm lại Mỹ đã bị trúng kế nghi binh của Putin, KGB.
3.2. Kế nghi binh của tổng thống Putin
1). Nghi binh thứ nhất: Hạm đội Biển Đen ở Crimea bất động.

Trước tình trạng khủng hoảng suốt hơn hai tháng ở Kiev (còn gọi là Maidan), Ukraina, tình báo Tây phương và những thành phần liên hệ chú ý theo sát hành động của Hạm đội Biển Đen để đánh giá hoạt động quân sự của Nga. Biết thế Putin cho hạm đội nầy bất động, sinh hoạt bình thường, và Tây phương tin rằng Nga không có dấu hiệu nào cho thấy có hoạt động quân sự ở Crimea cả.
2). Nghi binh thứ hai: Tập trận trên trời, tấn công dưới đất

Tập trận trên trời tấn công dưới đất xem như kế giương đông kích tây. Cuộc tập trận sát biên giới Ukraina dự trù kéo dài một tháng với khoảng 3,500 binh sĩ và 1,000 đơn vị vũ khí hạng nặng, mục đích đánh giặc trên trời của các đơn vị phòng không Nga.

Trước tình trạng nầy, Mỹ tăng cường 6 phi cơ F-15 cùng với NATO tuần tra trên bầu trời biển Baltic.

Ngày 4-3-2014 Putin đi thị sát cuộc tập trận, khi nghe báo cáo là cuộc tập trận thành công mỹ mãn, tổng thống Nga ra lịnh cho các đơn vị rút về căn cứ. Các nhà quan sát cho biết có khoảng1,800 binh sĩ, 30 xe tăng, 20 chiến xa chở quân đổ bộ, 5 phi cơ và 80 trực thăng trở về các căn cứ trên đất Nga.

Tình báo Mỹ tin rằng các đơn vị tập trận thực sự đã trở về căn cứ. Trong khi đó những binh sĩ ưu tú thuộc lực lượng đặc nhiệm đã bí mật xâm nhập vào Crimea để chiếm quyền kiểm soát. Họ mang mặt nạ để che dấu đơn vị đặc nhiệm vừa mới xâm nhập trong lúc có cuộc tập trận diễn ra.

Tình báo Mỹ bị trúng kế nghi binh của Putin, KGB.
4* Chân dung tổng thống bị truất phế Viktor Yanukovych

Tất cả mọi xáo trộn đều bắt nguồn từ tổng thống Viktor Yanukovych. Ông nầy đã ngăn cản Ukraina gia nhập Liên Âu. Ông muốn bắt cá hai tay mà mục đích chính là quay về với Liên Bang Nga.

Cựu tổng thống Viktor Yanukovych Những chai rượu in hình Yanukovych .
Nhà vệ sinh dát vàng.                                              Chùm đèn ấn tượng 39 triệu euro chi cho việc mua đèn .

4.1. Tổng thống Viktor Yanukovych bị quốc hội truất phế

Tháng 11 năm 2013, tổng thống Viktor Yanukovych bác bỏ thỏa thuận gia nhập Liên Âu của Ukraina. Hành động nầy gây ra một chiến dịch biểu tình rất quy mô chống lại ông, mục đích loại ông ra khỏi quyền lực.

Trong 48 giờ biểu tình đẩm máu, những tay súng bắn tỉa của chính quyền Yanukovych đã giết chết 88 người.

Ngày 21-2-2014 Yanukovych và các cố vấn dùng trực thăng bỏ chạy về thành phố Donetsk, quê quán của ông, trốn qua Nga bằng phi cơ riêng được chiến đấu cơ của Nga hộ tống.

Ngày 22-2-2014 Quốc hội Ukraina truất phế ông ra khỏi chức vụ tổng thống.

Các lãnh đạo mới ở Kiev phát lịnh truy nã quốc tế bắt giữ Yanukovych về tội “giết hàng loạt người dân vô tội”.

Hãng RIA Novosti đưa tin, ngày 28-2-2014, tổng thống bị truất phế họp báo ở thành phố Rostov-on-Don cho biết, ông vẫn còn là tổng thống hợp pháp của Ukraina. Quyết định truất phế ông của quốc hội là bất hợp pháp, vì trong khi biểu quyết không có mặt của những dân biểu trong đảng của ông tham dự.

Nga vẫn khẳng định Yanukovych là tổng thống hợp pháp của Ukraina, và không công nhận chính phủ lâm thời ở Kiev, cho là đã được ngoại quốc hậu thuẩn.

Tại Hội Đồng BA/LHQ, đại sứ Nga Vitaly Churkin cho biết: “Các phần tử cực đoan được ngoại quốc hậu thuẩn đã tiếm quyền ở Ukraina và đang đe dọa cuộc sống, lợi ích chính đáng của người nói tiếng Nga và Hạm đội Biển Đen”.

Ông đại sứ nầy đọc bức thư của tổng thống bị truất phế, có đoạn: “Ukraina bên bờ nội chiến, hỗn loạn và vô chính phủ. Do vậy, tôi kêu gọi tổng thống Nga Vladimir Putin đưa lực lượng vũ trang của Nga đến Ukraina để thiết lập lại hòa bình, luật pháp, ổn định trật tự và bảo vệ người dân Ukraina”.

Nga cho rằng tổng thống Viktor Yanukovych là tổng thống hợp pháp, lời yêu cầu hợp lý và việc Nga xâm chiếm Ukraina cũng hợp pháp.
3.2. Thì chỉ có tham nhũng thôi!
3.2.1. 37 tỷ USD bị bốc hơi dưới tay ông Yanukovych.

Hôm thứ Năm 28-2-2014 tân thủ tướng Ukraina, Arseniy Yatsenyuk cho biết các khoản cho vay trị giá 37 tỷ USD đã biến mất khỏi ngân khố quốc gia dưới thời tổng thống Viktor Yanukovych. Tân thủ tướng còn cho biết khoảng 70 tỷ USD đã được đưa ra khỏi đất nước trong thời gian 3 năm dưới tay ông Yanukovych. “Tôi muốn thông báo cho mọi người biết rằng ngân khố quốc gia đã bị cướp và trống rổng. Ngân khố chỉ còn 430 triệu USD” ông Arseniy Yatsenyuk cho biết như thế.
3.2.2. Dinh thự siêu lộng lẫy của ông Yanukovych
Một phòng trong dinh thự xa hoa                                                     Phòng ăn lớn trong dinh thự.
Ngày 22-2-2014 những người biểu tình đã tràn vào dinh thự mà ông Yanukovych đã bỏ của chạy lấy người sang Nga.

Sự xa hoa lộng lẫy khiến cho mọi người ngạc nhiên và tức giận. Phóng viên kênh truyền hình Sky News (Anh) cho biết dinh thự chiếm một diện tích 1.4 triệu mét vuông. Những bãi cỏ được chăm sóc và cắt xén rất kỹ lưỡng. Một vườn thú gồm những con vật quý hiếm mua từ Mông Cổ và Indonesia.

Bước vào bên trong cung điện, người ta không khỏi sửng sốt với những phòng được lát đá cẩm thạch, ngay cả những bồn cầu cũng dát vàng.

Chính quyền của tổng thống Viktor Yanukovych tham nhũng trắng trợn, ăn hối lộ công khai nên dân chúng vô cùng bất mãn và tức giận.

Lương bổng tổng thống 100,000USD/năm vậy thử hỏi tiền ở đâu ra mà có tài sản khổng lồ như thế?

Thì chỉ có tham nhũng thôi!
4* Xung đột chống Nga và ủng hộ Nga

Tình hình chính trị ở Ukraina rất phức tạp, đó là sự chia rẻ giữa hai thành phần chống Nga và theo Nga. Họ không bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà, mà bằng những cuộc biểu tình ủng hộ và đả đảo. Sau đó đến bạo động, ném gạch đá, bom xăng vào nhau.
4.1. Tư lịnh hải quân vừa được bổ nhiệm lại theo Nga
Denis Berezovsky theo Nga Dân Sevastopol vẫy cờ Nga, phản đối chính quyền mới ở Kiev.
Hãng tin Reuters dẫn lời của Phó thư ký Hội Đồng An Ninh Ukraina cho biết, trong khi quân đội Nga đang bao vây Tổng hành dinh Tư lịnh hải quân Ukraina, thì Phó đô đốc Denis Berezovsky đã không kháng cự mà hạ súng đầu hàng. Ông nầy đã tuyên thệ trung thành với người lãnh đạo thân Nga ở Crimea.

Văn phòng công tố Ukraina đã khởi tố hình sự đối với Denis Berezovsksy về tội phản quốc. Tư lịnh hải quân mới là Serhiy Hayduk.

5* Những vụ lên án Nga về việc xâm chiếm Crimea

Ngay sau khi Nga bất ngờ xâm chiếm bán đảo tự trị Crimea thuộc Ukraina thì phản ứng đầu tiên của Hoa Kỳ và Liên Âu là lên án hành động quân sự của Nga. Lên án là những tuyên bố có mục đích phản đối, cảnh cáo và đe dọa, thuộc loại đánh giặc miệng chớ không phải là hành động cụ thể.
5.1. Hoa Kỳ lên án Nga

Tổng thống Obama lên án Nga, gọi nước nầy đang “đứng bên lề trái của lịch sử”, và cho biết Mỹ sẽ xem xét một loạt những biện pháp về kinh tế và ngọai giao để cô lập Nga.

Ngoại trưởng John Kerry gay gắt lên án hành động xâm lược của Nga ở Crimea. Phát biểu trên chương trình Meet the Press của đài NBC (National Broadcasting Company) ngoại trưởng Kerry cho biết: “Các nước trong khối G-8 sẽ cô lập Nga, không giao dịch với Nga theo cách ngoại giao bình thường như thuờng lệ. Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Canada sẽ ngưng việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G-8 sẽ diễn ra ở Sochi (Nga) vào tháng 6 năm nay (2014).

Putin tuyên bố: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho Hội nghị G-8 (ở Sochi). Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các đồng nghiệp. Nhưng nếu họ không muốn đến thì thôi, cũng chẳng cần”.

Biện pháp “ngưng việc chuẩn bị” chưa có tác dụng nào đối với Nga cả.
5.2. NATO lên án Nga

Tại Brussels, Tổng thư ký Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Anders Fogh Rasmussen cũng lên án hành động quân sự của Nga, ông nói: “Những gì Nga làm ở Ukraina đã vi phạm nguyên tắc của Hiến Chương LHQ, đe dọa hoà bình và an ninh của châu Âu. Nga phải ngưng các hoạt động quân sự và những lời đe dọa”.
6* Những biện pháp trừng phạt Nga
6.1. Những biện pháp trừng phạt Nga của Hoa Kỳ

Ngày 4-3-2014 Tổng thống Mỹ ký quyết định phong tỏa tài sản của các lãnh đạo về sự kiện Ukraina. Mỹ cho biết đã đình chỉ đàm phán về Visa nhập cảnh với Nga.

Hạn chế cấp visa nhập cảnh vào Mỹ những cá nhân và viên chức được xem là đã có trách nhiệm trong việc đe dọa quần chúng Ukraina.
6.2. Giám đốc CIA kêu gọi Mỹ thận trọng

Ngày 3-3-2014, trong khi tổng thống Obama tuyên bố những biện pháp trừng phạt Nga thì Giám đốc CIA, ông John Brennan, kêu gọi Mỹ có cách tiếp cận thận trọng. Ông John Brennan nói với một nghị sĩ rằng, năm 1997 một thỏa thuận được ký kết giữa Ukraina và Nga, theo đó Nga được cho phép triển khai tới 25,000 quân trong khu vực Crimea.

Con số binh lính Nga trong những ngày gần đây lên tới 6,000, trong khi giới chức Ukraina đưa ra con số 16,000. Tuy nhiên, cả hai con số đó cũng nằm dưới con số thỏa thuận là 25,000.
6.3. Những lời chỉ trích tổng thống Obama

Báo USA Today dẫn lời của dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện phát biểu trên đài Fox News: “Putin đang đánh một ván cờ và tôi nghĩ rằng chúng ta là những con cờ. Người Nga đang chạy vòng vòng quanh chúng ta. Nước Mỹ có một tổng thống yếu kém và do dự. Sự lép vế của Mỹ phát xuất từ chính sách đối ngoại của chính Tổng thống Obama”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phát biểu trên chương trình State of the Union của đài CNN: “Chúng ta có một vị tổng thống yếu và thiếu quyết đoán đó chính là nguyên nhân tạo ra sự khiêu khích”.
6.4. Biện pháp trừng phạt Nga của Liên Âu

Ngày 5-3-2014 tạp chí Time nêu nhận xét, sự phụ thuộc về kinh tế khiến cho Liên Âu không đủ gan trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh đối với Nga. Liên Âu đã đóng băng tài sản của 18 người Ukraina theo Nga.
7* Phương Tây hù dọa, Nga có sợ không?

Ngày 4-3-2014 trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, tuyên bố: “Những đe dọa của phương Tây không làm Nga thay đôi lập trường và những biện pháp trừng phạt đó sẽ có tác dụng ngược”.

Ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược Pháp cho biết, những lời hăm dọa của Tây phương hoàn toàn không có tác dụng bởi vì tổng thống Putin biết rằng Tây phương sẽ không can thiệp quân sự và Nga có lợi thế là Hạm đội Biển Đen đang trú đóng ở Crimea, nên việc tăng cường lực lượng quân sự không có khó khăn nào cả. Việc tổng thống Mỹ đe dọa không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 có ít tác dụng đối với Putin.

Ông Pascal Boniface cho rằng Liên Âu có thể gây sức ép về kinh tế đối với Nga nhưng khối nầy bị lệ thuộc vào khí đốt của Nga.
7.1. Hoa Kỳ cần gì ở tổng thống Vladimir Putin?

Ngày 1-3-2014 tờ The New York Times dẫn lời ông Andrew Kuchins, Giám đốc Chương trình Nga tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế có trụ sở tại Washington cho biết: “Những nổ lực của Mỹ để trừng phạt Nga trở nên phức tạp vì nhu cầu của Tòa Bạch Ốc cần sự hợp tác của Nga trong những vụ như: chấm dứt chiến tranh ở Syria, đàm phán hiệp ước về vũ khí hạt nhân của Iran và việc di chuyển quân đội và trang thiết bị của Mỹ khi rút ra khỏi Afghanistan thông qua con đường do Nga thiết lập trước kia khi họ rút ra khỏi Afghaniatan, từ 15-5-1988 đến 25-2-1989. Đó là con đường đường được xem là rất an toàn hiện do Nga quản lý.

Ông Kuchins dẫn lời của Tổng thống Obama: “Chúng ta đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn để khỏi bị rơi vào tình huống tự mình phạt chính mình”.

Ông Kuchins kết luận: “Lịch sử gần đây cho thấy, khi lợi ích của Nga bị đe dọa thì họ sẵn sàng chịu trả với bất cứ giá nào”.
7.2. Liên Âu cần gì ở Nga?- khí đốt
Đường ống dẫn khí đốt của Nga xuyên lãnh thổ Ukraina vào châu Âu .
Vũ khí cũ rich của Nga nhưng vẫn còn hiệu nghiệm làm cho châu Âu lo ngại. Đó là khí đốt. Sau khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ, Nga đã ngưng viện trợ và ngưng việc giảm giá khí đốt cho Ukraina, trước kia 270 USD cho 1,000 mét khối khí đốt, hiện nay lên tới 400USD/1,000m3.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cung cấp trên 50% khí đốt cho Ukraina. Cho tới nay Kiev vẫn còn mắc nợ 1.55 tỷ USD mà vẫn chưa có dấu hiệu có khả năng trả nợ.

Nga cung cấp 30% khí đốt cho châu Âu. Từ năm 2006 Nga liên tục tăng giá từ 50USD/1,000m3, tăng lên 230USD rồi 250 USD và hiện nay là 400USD/1,000m3 khí đốt.

Khi nhiệt độ hạ xuống dưới 0 độ C rất nhiều khu vực Đông Nam châu Âu phải đóng cửa trường học và những văn phòng chính phủ. Bulgaria đóng cửa các nhà máy công nghiệp, Slovakia tuyên bố tình trạng khẩn cấp…

Ngày 3-3-2014 hãng Reuters loan tin, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga khẳng định trong nhiều năm tới, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của họ. Theo ông Alexander Medvedev, phó chủ tịch Gazprom, thì khí đốt châu Âu tăng từ 25% lên 30% trong năm 2012. Trong năm 2013 Nga thu được 60 tỷ USD trong việc bán 86 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu.
9* Một giải pháp nào cho Ukraina và Crimea?
9.1. Thực trạng một nước Ukraina

- Ukraina không phải là thành viên của Liên Âu mà cũng không phải là thành viên của NATO cho nên Mỹ và Liên Âu không có nghĩa vụ phải gây chiến hoặc bảo vệ Ukraina bằng quân sự.

Mỹ không có quyền lợi đáng kể nào ở Ukraina, cho nên Mỹ không cần phải ôm đồm quá nhiều vào những chuyện không đâu. Nên nhường trách nhiệm về Ukraina lại cho Liên Âu giải quyết.

-Ukraina có nền kinh tế sắp phá sản. Kinh tế nằm trong tay những tài phiệt có nhiều khuynh hước trái ngược nhau, thân Nga và thân Tây phương. Lực lượng quân sự yếu kém rất nhiều so với Nga. Một nền chính trị bất định do mâu thuẩn sắc tộc, theo Nga và chống Nga. Nếu mâu thuẩn nầy được các thế lực bên ngoài ủng hộ, giật dây thì có thể tiến tới một cuộc nội chiến giống như Syria. Chính trị bất định là chưa biết được một chính quyền mới theo Tây phương với múc độ nào? Hay hoàn toàn theo Nga. Đổ tiền bạc và công sức ra để thành lập một quốc gia bất định chỉ là làm một việc phù du, làm việc ruồi bu mà thôi.
9.2. Giải pháp nào cho Crimea?
Các nhà quan sát nêu nhận xét, Nga có thể áp dụng thủ đoạn cũ đã dùng ở Georgia (Gruzia), tức là không cần sát nhập 100% Crimea vào Nga, mà tạo ra một nước Crimea độc lập nhưng thân Nga, giống như 2 quốc gia trước kia trực thuộc Georgia là Nam Ossetia và Abkhatia nhưng sau đó trở thành hai nước độc lập thân Nga.

Trước kia Hoa Kỳ đã chấp nhận hai quốc gia đó cho nên sắp tới đây cũng có thể chấp nhận Crimea độc lập nhưng thân Nga, vì dù sao Hạm đội Biển Đen vẫn là lực lượng quân sự bao trùm trên bán đảo.

10* Dư luận của người Việt trong nước trước vụ Ukraina
10.1. Hành động xâm lăng của Nga là một tiền lệ nguy hiểm

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Vụ Biên Giới Việt Nam, nêu nhận xét: “Hành động can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và nó đặt ra một “tiền lệ xấu và nguy hiểm”.

Nếu chấp nhận hành động nầy của Nga thì rất khó giải thích khi một cường quốc, như Trung Quốc chẳng hạn, lấy lý do bảo vệ quyền lợi kiều dân để xâm chiếm một quốc gia khác. Ngày 3-3-2014, từ Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC như thế, ông kết luận: “Trước hết hành vi của tổng thống Putin đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm về nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia”.

9.2. Binh vực hành động xâm lược của Nga ở Ukraina
Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược thuộc Bộ Công An Việt Nam, binh vực Putin như sau: “Mục đích của tổng thống Putin là bảo vệ lợi ích của Nga bao gồm lợi ích con người, lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol. Nga có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động của Nga không phải là “gây sự” mà mục đích của Nga là công khai và đúng luật và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Hai người Việt trong nước có hai cái nhìn khác nhau. Một bên nói đúng sự thật, một bên bợ đít nâng bi Putin.

9.3. Báo quốc doanh ủng hộ Putin, chỉ trích người chống Nga

Ngày 3-3-2014 đài BBC đưa tin: “Báo chí chính thống do nhà nước Việt Nam quản lý đã có những bài phê bình và phân tích nội dung ủng hộ việc Nga xâm chiếm Ukraina và chỉ trích những người chống Nga.

BBC cho biết báo chí nhà nước Việt Nam lấy tin từ những cơ quan truyền thông của chính quyền Nga như: Itar-Tass, RIA Novosti, Inter-fax, đài Tiếng nói nước Nga và kênh truyền hình RT.

Báo quốc doanh ca tụng Putin và tố cáo những người chống Nga trong nội các mới là “những kẻ tiếm quyền bất hợp pháp”.

9.4. Vì sao nhà nước và báo chí quốc doanh Việt Nam ủng hộ Putin?

Khủng hoảng Ukraina khiến cho nhiều người liên tưởng đến Việt Nam vì Việt Nam có những điểm giống như Ukraina. Giống nhau về chế độ độc tài tham nhũng. Giống nhau về việc làm tay sai ngoại bang. Chính quyền Việt Cộng lo ngại người dân nổi dậy chống độc tài và tham nhũng. Người dân lo ngại Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam với lý do bảo vệ quyền lợi người Hoa đang sống tràn lan khắp nơi ở Việt Nam.

9.5. Ý kiến của một người Việt sống ở Ukraina

Một người Việt đang sống ở Ukraina cho bìết, con đường Ukraina gia nhập Liên Âu là đúng đắn. Ông là người thân Nga, nhưng thân với Nga của thời Puskin, Tolstoi, Chaikovski chớ không thân với Nga của Stalin và Putin.

Nếu như thế giới để cho Nga xâm lược Ukraina thì ngày mai, khi thức dậy nghe các tin tức như sau: “Trung Cộng đã cho lực lượng giữ hoà bình vào quần đảo Trường Sa hay Bình Dương, Chợ Lớn, để bảo vệ quyền lợi kiều dân của họ”

10* Kết luận

Do tình trạng phức tạp của Ukraina về chính trị, kinh tế và quân sự, như đã phân tích trên, nên Mỹ và Liên Âu chỉ có những biện pháp trừng phạt Nga rất hạn chế mà thôi.

Dứt khoát là sẽ không có hành động quân sự, nghĩa là gây chiến đánh nhau với Nga chỉ vì một nước Ukraina bất ổn mà tương lai chưa rõ là bạn hay thù.

Bán đảo Crimea là quyền lợi cốt lõi của Nga trong khi Mỹ không có quyền lợi nào đáng kể ở Ukraina cả. Tổng thống Obama còn cần Putin trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như hoà bình ở Syria, vũ khí hạt nhân Iran và con đường rút lui an toàn của quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Nên giao trách nhiệm giải quyết Ukraina lại cho Liên Âu, vấn đề châu Âu thì để cho Âu châu giải quyết, Mỹ không nên ôm đồm quá nhiều. Đổ công sức và tiền bạc để bảo vệ một quốc gia mà trong tương lai chưa biết rõ họ là bạn hay thù, như thế là một công việc tào lao, làm một việc ruồi bu.

Tổng thống Obama hành xử thận trọng ở Ukraina như thế được cho là thích hợp.

Theo nhận xét của các nhà quan sát thì Nga sẽ thành công trong việc kéo Crimea về với Nga, tức là một nước độc lập thân Nga như Putin đã thực hiện ở hai quốc gia Ossetia và Abkhatia trước kia thuộc về Georgia.

Trúc Giang
Minnesota ngày 11-3-2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét