Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Nghề quảng cáo: Niềm đam mê nghề nghiệp

(HieuHoc.com)“Hãy luôn là người nồng nhiệt nhất. Đúng thế, nồng nhiệt nhất chứ không phải khôn ngoan, lanh lợi nhất. Nếu bạn là người có niềm đam mê nghề nghiệp lớn nhất và có lòng quan tâm đến mọi người nhiều nhất, nhất định bạn sẽ thành công.” - Ted Bell.
Câu chuyện của Ted Bell:
Bà tôi là người truyền cho tôi lòng can đảm để tự tin thức giấc mỗi ngày. Hôm đến dự lễ tốt nghiệp của tôi, bà hỏi: “Bây giờ cháu sẽ làm gì?” Tôi đáp: “Bà hỏi rất hay nhưng cháu chưa có ý định gì cả”. Tôi chưa bao giờ phải làm việc gì để trang trải chi phí hồi còn học đại học.
Vì thế, tôi không có động cơ làm việc. Tôi có một chiếc xe hơi thể thao nho nhỏ và như thế là quá tuyệt vời rồi. Nhưng bà bảo: “Bà muốn cháu vào làm việc ở ngân hàng”.
Gia đình tôi đã mấy đời kinh doanh ngành ngân hàng và tôi là cháu đích tôn nên thể nào tôi cũng được giao khối tài sản đó, việc gì tôi phải vội vã chứ? Ông cố tôi là người sáng lập ra ngân hàng này, ông nội tôi từng là chủ tịch Hội đồng quản trị, và lúc tôi tốt nghiệp cuối năm 1960 thì chú tôi đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cơ mà.
Thật tình, tôi không thích làm ngân hàng nên nói với bà rằng: “Con sẽ làm ngân hàng một năm. Nếu công việc không tiến triển tốt, con sẽ nghỉ và sang châu Âu làm nhà văn”. Số là tôi bắt đầu viết tiểu thuyết vào năm cuối đại học và có bản thảo gửi cho một nhà xuất bản lớn và được họ trả lời: “… chúng tôi sẽ không in cuốn này nhưng rất muốn nhìn thấy bản thảo hoàn chỉnh của anh”. Điều đó thật đáng khích lệ đối với tôi.
Tôi đi Florida, làm một nhân viên ngân hàng hạng bét trong một chi nhánh hạng bét, và … ghét công việc đó. Tôi làm vài tháng thì được giao nhiệm vụ ghi nhật ký sổ cái thông qua sự hỗ trợ của một cỗ máy đồ sộ và ba chiếc máy đánh chữ. Anh chàng trước tôi không thể trình báo cáo lên bàn Giám đốc trước 11 giờ sáng, nên họ bảo tôi cố mà làm nhanh hơn. Tất nhiên tôi chả biết gì và tính toán lại càng kinh khủng đối với tôi nhưng tôi vẫn đến sớm, nhập và xuất dữ liệu ra khỏi cái máy đó và khi ngài Giám đốc đến văn phòng vào 9 giờ sáng thì báo cáo đã nằm sẵn trên bàn làm việc. Thành tích đó đã giúp tôi thoát khỏi cái địa ngục thu nhỏ nằm dưới tầng hầm và bước lên tầng trên, vốn được gọi là “bệ phóng” của mọi ước mơ.
Ngày đầu tiên trong cương vị mới, tôi xuống kho lãnh văn phòng phẩm và gặp một nhân viên bảo vệ tên Jesse. Anh ta nói: “Tôi biết cậu là cháu ông Powell. Tôi biết cậu từ lúc cậu mới 12 tuổi, cậu thường đến ngân hàng này vào mỗi chiều thứ Sáu để đón ông ấy, cậu là Ted đúng không?”. Tôi đáp: “Jesse, đây là bí mật của riêng chúng ta, không ai trong ngân hàng này trừ giám đốc được phép biết tôi có quan hệ thế nào với dòng họ Powell, anh hiểu chứ?”. Và thế là không còn ai khác biết tôi là ai.
Và vì không biết tôi là ai nên ngài Alvarez, Phó giám đốc ngân hàng thường tìm tôi và Jesse mỗi khi trời mưa (mà ở Florida cứ mỗi 20 phút là trời lại đổ mưa) để ra lệnh cho chúng tôi hạ lá cờ Mỹ trước tòa nhà mang vào, và mang ra treo lên lại sau đó, rõ ràng là một công việc đày ải. Một hôm tôi nói với Alvarez: “Tôi có thể hỏi ông một câu được không? Tôi từng là một hướng đạo sinh, và là hướng đạo sinh cấp Sư tử. Nhưng tôi chưa từng nghe có quy định nào phải hạ cờ khi trời mưa cả.” Ông ấy đáp: “Tôi biết anh nói đúng nhưng ông Powell, Giám đốc của chúng ta, là sĩ quan hải quân và cờ hải quân phải luôn được hạ xuống khi trời mưa!” Nhiều năm sau tôi kể lại chuyện này cho chú tôi nghe thì ông nói: “Cái gì? Hải quân chẳng bao giờ có cái quy định quái đản đó!”.
Lúc ấy công việc của tôi là mở tài khoản vãng lai cho khách hàng, một việc tôi làm tốt, mà lại nhanh nữa nên tôi có nhiều thời gian rảnh, thế là tôi lôi sách ra đọc. Lần nọ, ngài Alvarez bắt gặp tôi đang đọc sách và sau một hồi tranh luận khá gay gắt, ông ấy bảo: “Nếu anh còn rảnh, tôi sẽ tìm việc cho anh làm. Từ giờ trở đi anh không được mang bất cứ cuốn sách nào vào bàn làm việc của anh”. Cũng chẳng sao, tôi bắt đầu đọc tự điển, vì ai cũng được phép sử dụng một cuốn tự điển. Mỗi ngày tôi gạch một hàng trong tự điển và đọc cho kỳ hết mà ông ta không làm gì tôi được.
Rồi tôi được giao nhiệm vụ tiếp thị máy thanh toán thẻ tín dụng VISA và MasterCard. Lúc đầu tôi hăng hái đâm đầu vào bất cứ khách hàng nào và ra sức chứng minh cho họ thấy tại sao họ nên trích mười bảy phần trăm doanh số của mình nộp cho chúng tôi để đổi lấy sự tiện lợi trong việc thanh toán bằng thẻ tín dụng do chúng tôi cung cấp. Nhưng chẳng ai hiểu tôi nói gì cả. Sau đó tôi đổi chiến thuật, chẳng hạn với các tay trùm ga-ra sửa xe trong vùng, tôi nói: “Rất nhiều người từ các bang miền Bắc đi qua đây, bị hỏng xe và cần tiền mặt để trả tiền sửa xe nhưng họ không có sẵn trong tay. Nếu quý vị ký hợp đồng trước với BankAmericard và trương bảng “chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng”, họ sẽ ghé thăm quý vị trước thay vì chạy sang gã có cái ga-ra đồ sộ bên kia đường!” Thế là ngân hàng chúng tôi tha hồ đặt máy khắp nơi. Tôi thích làm tiếp thị, nhưng ngặt nỗi tôi cũng thích viết văn.
Tôi hoàn thành một năm làm việc tại ngân hàng và quyết định đi châu Âu viết tiểu thuyết. Nhưng khó xử nhất là lúc tôi nói với chú tôi về quyết định đó. Ông bảo: “Cháu không thể ra đi được đâu. Etto nói rằng nếu cháu cứ tiếp tục mọi việc như cháu đã làm, cháu sẽ trở thành Giám đốc ngân hàng này trước khi cháu ba mươi tuổi”. Tôi đáp tôi không muốn thế. Ông lại bảo: “Cháu có biết làm một giám đốc ngân hàng trước ba mươi tuổi vĩ đại cỡ nào không?”. Tôi đáp: “Cháu không muốn vĩ đại như thế, công việc ngân hàng chán ngấy, cháu chỉ muốn trở thành nhà văn thôi.”
Tôi sống ở Switzeland một năm và chỉ viết tiểu thuyết mà thôi. Mỗi cuối tuần tôi đi Milan chơi với gia đình Birdie, một người bạn làm người mẫu cho Tạp chí Vogue. Tony, chồng cô ấy, là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thời ấy. Anh là phóng viên ảnh của Vogue và có một studio lớn nằm ngay trung tâm thời trang của thế giới, Milan. Tôi bắt đầu thích ngành này và lân la dò hỏi Tony. Anh giới thiệu tôi với một người tên là Luigi Montegheni, người mà đến nay tôi vẫn còn liên lạc. Tôi nói với Luigi: “Tôi không biết gì về nhiếp ảnh nhưng tôi thật sự thích viết quảng cáo”. Luigi sắp xếp cho tôi một chỗ nhưng rồi sếp anh ấy bảo: “Anh không thể thuê cậu nhóc này, cậu ấy không nói được tiếng Ý”. Thế là tôi bị nốc-ao ngay khi chưa đặt chân lên võ đài.
Sau đó tôi đi London và sống trong một căn phòng tồi tàn đến mức khi Birdie đến thăm tôi, cô ấy không thể tin vào mắt mình. Tôi bắt đầu viết đơn xin việc gửi các công ty quảng cáo, kể với họ việc xảy ra ở Ý và nói rằng tôi có thể làm tốt trong ngành quảng cáo. Tôi không có bản tự giới thiệu thành tích và cũng không biết phải làm nó thế nào. Rất may tôi gặp Malcolm Gluck, làm việc cho Công ty quảng cáo Doyle Dayne Birnbach. Anh đã tận tình giúp tôi làm một bản tự giới thiệu hoàn chỉnh và thế là tôi bước chân vào ngành quảng cáo.
Trong bản tự giới thiệu đó, tôi viết một mẫu quảng cáo cho Nikon mà đến giờ tôi vẫn còn giữ. Đó là bức ảnh chụp cảnh mặt trời lặn với dòng chữ: “Nếu hoàng hôn chỉ đến một lần trong hai mươi lăm năm, tôi sẽ ra biển cùng chú chó cưng của tôi và … một chiếc máy ảnh Nikon”.
Tôi chỉ muốn làm những mẫu quảng cáo để đời. Tôi không muốn danh vọng, cũng chẳng muốn làm giám đốc ngân hàng, nói chung tôi không muốn lãnh đạo ai cả. Nếu tôi thành đạt, tôi sẵn sàng chia sẻ cùng lớp trẻ để họ có thể tạo ra những mẫu quảng cáo hay hơn tôi. Nhiều người để cái tôi của mình phát triển quá mức. Họ kém vui khi thấy người khác thành công hơn họ. Nếu bạn thật sự không tiếc thời giờ và công sức giúp đỡ lớp trẻ thì họ sẽ sẵn sàng xả thân vì bạn.
Tôi chưa bao giờ băn khoăn rằng liệu tôi có thành công hay không vì tôi luôn nghĩ rằng mình có thể và hoàn toàn tự tin vào điều đó. Tôi biết tôi đã chọn đúng hướng đi và tôi thực sự gặp may. Đầu tiên tôi làm cho một công ty quảng cáo nhỏ ở phố Hartford, Connecticut với mức lương 7.000 đô la một năm. Tôi còn nhớ lần đó ngài Giám đốc đến gặp tôi sau khi mọi người đã ra về hàng giờ trước đó và hỏi: “Anh có thích ý tưởng này không?”. Tôi nghĩ bụng: “Trời ơi, mình chỉ là một thằng nhóc giá bèo mà lại được một cây đại thụ như thế này hỏi ý kiến mới lạ chứ!”.
Rồi tôi chuyển sang viết kịch bản quảng cáo với một người bạn. Không hiểu sao tôi viết nhanh và kiếm được nhiều tiền đến nỗi tôi nghĩ mình có thể bước vào cả Hollywood. Cũng vào khoảng thời gian đó tôi lập gia đình. Tôi định chuyển sang Los Angeles sống và làm việc trong ngành điện ảnh. Nhưng tôi đã nghĩ lại. Đó là lần duy nhất tôi có ý định từ bỏ ngành quảng cáo để làm công việc khác.
Tôi nghĩ sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo sự thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Bill Gates, Redstone, John Reed đều là những con người cực kỳ sáng tạo. Tuy nhiên, để thành công, bạn không chỉ cần phải sáng tạo, bạn còn phải có khả năng nói chuyện thông suốt với CEO của các công ty hàng đầu thế giới về ngành kinh doanh của họ. Thật vậy, người có óc sáng tạo trong ngành quảng cáo là người có thể hiểu mọi thứ một cách rất nhanh nhạy, làm như họ bẩm sinh là thế. Tôi có thể ngồi với Jack Nassa hay Alex Trottman hàng giờ để nói về chuyện kinh doanh của họ. Tôi biết điều gì Alex làm đúng và điều gì sai. Tôi có một sự hiểu biết mang tính bản năng như thế.
Tôi thật sự đam mê việc tôi làm và mọi người ai cũng biết và cảm nhận được điều đó. Đó là chìa khóa quan trọng để thành công. Bạn cần phải có một tầm nhìn rõ ràng về những điều tốt xấu và những việc nên làm. Có thể nói kiểu lãnh đạo của tôi chính là lòng đam mê công việc của tôi. Đó là điều tôi luôn kỳ vọng ở nhân viên của mình. Tôi cũng đặt ra những tiêu chuẩn rất cao, tôi học điều đó từ sếp cũ của tôi là Bill Burns hồi ở Doyle Dayne, một trong những nhà quảng cáo huyền thoại. Ông có khả năng hướng mọi người làm việc theo cách của mình dù có hay không có mặt ông ở đó. Đơn giản là vì ông không thể quán xuyến tất cả. Ông chỉ muốn mọi người phải tự hỏi chính mình trước khi đưa ra một quyết định nào đó: “Trong trường hợp này thì Bill sẽ làm gì nhỉ”, hoặc “Mình nghĩ Bill sẽ không thích thế đâu!”.
Đối với tôi, thành công là được làm công việc mình yêu thích mỗi ngày và cảm thấy hài lòng về kết quả mình đạt được. Nhưng trước hết, bạn phải chọn đúng được nghề mà bạn thật sự yêu thích. Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng muốn con cái mình trở thành một chủ ngân hàng, luật sư hay bác sĩ. Không ai bảo con cái họ rằng: “Con phải là một nhà quảng cáo” cả. Nhưng, quả thật quảng cáo rất thú vị.
Tôi tin lớp trẻ ngày nay đến với ngành quảng cáo có khác xưa. Có nhiều trường lớp danh tiếng ở Mỹ chuyên dạy về quảng cáo. Thật sự quảng cáo là một ngành kết hợp nhiều lĩnh vực. Quảng cáo, phim ảnh và ngành kinh doanh giải trí thường đi chung với nhau. Khi Steven Spielberg đặt chiếc Ford Explorer ở vị trí trung tâm trong phim Công viên Kỷ Jura như một phương tiện lưu thông qua vùng đất của khủng long thì ông đã quảng cáo cho hãng xe Ford. Nhiều người đã không ngần ngại cho rằng những người viết quảng cáo nếu viết kịch bản phim sẽ hay hơn kịch bản của một người biên kịch mới ra trường nhờ vốn sống cực kỳ phong phú của họ.
Từ nhỏ tôi đã thấy mình khác biệt với nhóm bạn cùng tuổi. Không phải tôi kiêu căng ngạo mạn gì. Tôi chỉ thích ngồi một mình hàng giờ trên ngọn cây và đong đưa theo gió trong khi đám bạn chơi đá banh hay tập xe đạp bên dưới. Năm lớp sáu tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Rồi tôi đưa truyện của mình cho cô giáo tiếng Anh của tôi đọc. Cô ấy rất thích và đem dán chúng lên báo tường. Tôi rất hãnh diện. Tôi là một nhà văn từ khi tôi chỉ mới mười một, mười hai tuổi.
Lời khuyên của tôi cho lớp trẻ là hãy xây dựng lòng đam mê trong mọi việc. Hãy là người nồng nhiệt nhất, chứ không phải khôn ngoan lanh lợi nhất. Đừng nhận lời khen mà hãy cám ơn những lời phê bình. Nếu bạn là người có niềm đam mê công việc lớn nhất và có lòng quan tâm đến mọi người nhiều nhất, nhất định bạn sẽ thành công.
Kết luận.
Ted Bell sống, làm việc và luôn nói về sự đam mê nghề nghiệp. Theo Ted, đam mê tức là có tầm nhìn rộng, luôn tự tin và quan trọng nhất là có niềm say mê đối với công việc. Thành công là biết truyền sự đam mê của mình cho mọi người và cảm thấy hạnh phúc với những gì bạn làm để mỗi sớm mai thức dậy bạn có thể nói rằng: "Vâng, xin cảm ơn đời đã mang đến cho tôi một ngày mới".
Ted lớn lên với thiên hướng trở thành một nhà văn, được hấp thụ những tư tưởng kinh doanh lớn từ thuở nhỏ nhờ có điều kiện tiếp xúc với các doanh nhân quyền lực nên có đầu óc rất nhạy bén trong kinh doanh. Dù không định trước nhưng Ted lại chuyển sự nghiệp của mình sang lĩnh vực quảng cáo và đã tìm ra đúng phương tiện cần thiết để phát huy tài năng và kinh nghiệm của mình.
Điểm lại những yếu tố tạo nên sự thành công, Ted cho rằng chỉ có óc sáng tạo thôi chưa đủ, con người cần có sự thấu hiểu công việc một cách bản năng, điển hình là những doanh nhân hàng đầu thế giới như Bill Gates, Sumner Redstone và John Reed. Ông cũng đánh giá cao sự đóng góp và chia sẻ của đồng nghiệp, nhất là những người trẻ trong sự thành công của một người. Nếu bạn nâng đỡ họ trong nghề nghiệp, họ sẽ không bao giờ bỏ bạn và từ đó bạn phát triển được một đội ngũ thành công. Các quan sát của Ted về những thay đổi hiện nay trong ngành quảng cáo hoàn toàn xác đáng và có ích cho mọi cá nhân có quan tâm đến lĩnh vực này.
Ngày nay, quảng cáo là sự đan xen và kết hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau - bao gồm cả quảng cáo, kỹ nghệ điện ảnh, và kinh doanh giải trí. Duy trì được sự quan hệ với giới kinh doanh và có đủ  niềm đam mê nghề nghiệp, hẳn nhiên nó sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của bạn.
Theo: “Vì sao họ thành công?”/First News/NXB Trẻ TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét