Luật thành văn dù có chặt chẽ, rõ ràng, ổn định, song cũng ẩn chứa những hạn chế cố hữu là cứng nhắc, giáo
điều và nhiều khi đi sau thực tiễn cuộc sống. Án lệ chính là một dạng nguồn quan trọng của pháp luật, bổ khuyết cho những nhược điểm đó.
Không phải đến bây giờ vấn đề án
lệ mới được đặt ra ở Việt Nam, mà thực tế trong lịch sử pháp luật Việt Nam, từ
thế kỷ thứ 15, Bộ luật Hồng Đức đã có nhiều điều khoản mang dấu ấn, hay là sự tổng kết từ “án lệ”. Chẳng hạn như Điều 396 qui định: “Ông
tổ là Phạm Giáp sinh con giai trưởng là Phạm Ất, thứ là Phạm Bính. Ông tổ Phạm
Giáp có ruộng đất hương hỏa 2 mẫu đã giao cho con trưởng là Phạm Ất giữ. Phạm Ất
đã đem 2 mẫu ấy nhập vào với ruộng đất của mình mà chia cho các con, chỉ còn 5
sào để cho con trai của Phạm ất giữ làm hương hỏa. Con trai của Phạm Ất lại
sinh toàn con gái mà con thứ là Phạm Bình có con trai lại có cháu trai, thì số
5 sào hương hỏa hiện tại phải giao lại cho con trai, cháu trai Phạm Bình. Nhưng
không được đòi lại cho đủ 2 mẫu hương hỏa của tổ trước mà sinh cạnh tranh.”
Hiện nay, cho dù án lệ không được
coi là một dạng nguồn của pháp luật chính thức, nhưng thực tế, "án lệ"
bằng cách này hay cách khác đã và đang hiện diện trong hệ thống pháp luật Việt
Nam. Những văn bản tổng kết hướng dẫn nghiệp vụ xét xử hằng năm của Tòa án nhân
dân tối cao, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phục
vụ cho công tác xét xử...từ lâu cũng đã là những “tiền lệ” phục vụ cho các tòa án cấp
dưới trong hoạt động xét xử.
Nhà làm luật không thể dự liệu hết tất thảy mọi trường hợp xảy ra
trong thực tế, cho nên nhu cầu giải thích luật là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là có nhu cầu nhưng vì sao án lệ đến
nay vẫn chưa thể trở thành một dạng nguồn chính thức của pháp luật ở Việt Nam?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là qui định bất hợp lý
trong Hiến pháp liên quan đến việc “giải thích pháp luật” tại Điều 91 Khoản 3 Hiến
pháp năm 1992 vẫn chưa được bãi bỏ. Điều khoản này qui định: “Ủy ban Thường vụ quốc hội có quyền giải
thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.” Đây là qui định bất cập và cũng chưa bao giờ được vận dụng
trên thực tế, vì Ủy ban thường vụ Quốc hội thực chất đâu có trăn trở với những
vụ việc cụ thể, vì vậy cũng đâu có nhu cầu phải giải thích. Cơ quan có nhu cầu thực
sự đúng nguyên lý phải là Tòa án, chứ không phải Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Xây dựng nhà nước pháp quyền thì tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, có một thực tế là
thay vì công
tác làm luật và thực thi luật phải “đi thẳng, đi đúng”, thì ta lại đang
“đi lộn đầu”. Người ta nói Hiến pháp và các đạo luật phải
ở vị trí tối thượng, nhưng ở Việt Nam những văn bản này trên thực tế bị đẩy xuống
hàng thứ yếu,
còn Nghị định và Thông tư mới là những văn bản được áp dụng, viện dẫn trong hoạt
động áp dụng pháp luật của đời sống thường ngày. Do vậy, một đòi hỏi rất bức thiết hiện nay
là làm sao phải cương tỏa quyền lập qui của Chính phủ. Nếu không có sự ủy quyền của Nghị viện một cách cụ
thể ngay trong chính văn bản Luật, thì không đặt ra việc ban hành văn bản pháp
qui. Hay nói cách khác: Trong từng đạo luật cần xác định
rõ phạm vi nào, vấn đề nào thì Chính phủ được ban hành văn bản hướng dẫn,
vấn đề nào không, có như vậy quyền lập pháp mới thực sự thuộc về Quốc hội, mà trách nhiệm cũng không bị
đùn đẩy sang các cơ quan khác.
Pháp luật không tự nhiên có, không tự nhiên có thể hoàn thiện, mà phần nhiều cần phải được hỗ trợ, xây dựng và bảo vệ. Án lệ cũng vậy. Án lệ có thể thực sự trở thành một dạng nguồn pháp luật chính thức và phát huy tác dụng tích cực ở Việt Nam hay không, phần nhiều phụ thuộc vào chiến lược và hệ thống giải pháp tổng thể phù hợp.
Về mặt lý thuyết, cần làm rõ ở chừng mực nào, phạm vi nào thì Tòa án có quyền giải
thích luật, trường hợp nào thì Thẩm phán được áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng
tương tự qui phạm pháp luật. Đi vào cụ thể, theo quan điểm của
cá nhân tôi cần phải giao cho Tòa án quyền giải thích pháp luật, cương tỏa
quyền lập qui, thực thi các biện pháp đảm bảo vị thế độc lập của cơ quan tư
pháp, đảm bảo sự độc lập của thẩm phán, nâng cao trình độ thẩm phán, công khai
hóa các bản án, đồng thời gắn công tác đào tạo sinh viên luật với hoạt động thực
tiễn tại Tòa án. Làm được những việc trên, chắc chắn án lệ sẽ trở thành một nguồn quan trọng của pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét