Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Học thuyết tập quyền XHCN và vị trí của Chính phủ trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Học thuyết tập quyền XHCN
Tư tưởng về chế độ tập quyền XHCN đã được hình thành trên nền tảng yêu cầu xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ nghiên cứu và phân tích về Công xã Pari – hiện thực đầu tiên của nhà nước chuyên chính vô sản, C.Mác đã chỉ ra rằng Công xã là một chính quyền của giai cấp công nhân, là công cụ xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản và là mô hình tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước kiểu mới. Công xã không phải là một cơ quan đại nghị mà là một cơ quan công tác vừa lập pháp, vừa hành pháp, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung vào công xã. Công xã có quyền chủ động trong tất cả những lợi ích chung và những lợi ích quốc dân. Mô hình công xã chính là biểu hiện của thiết chế thực sự dân chủ và là một hình thức tổ chức chính trị hết sức linh hoạt. Công xã là chính phủ của giai cấp công nhân, là hình thức chính trị để thực hiện việc giải phóng lao động về mặt kinh tế. Công xã là tổ chức chính quyền hành động thật sự, kết hợp lập pháp và hành chính.
Từ những phân tích nói trên, C.Mác đã đưa ra quan điểm mới cho rằng quyền lực nhà nước là thống nhất và phải tập trung về tay nhân dân với cách thức thực hiện quyền lực nhà nước là thống nhất và không phân chia. Tiếp tục phát triển quan điểm trên, V.I.Lênin khẳng định yêu cầu cần xây dựng một bộ máy vững mạnh thích ứng được với mọi sự biến đổi. Muốn ứng biến một cách mềm dẻo thì bộ máy phải cứng rắn và hoàn toàn phục tùng chính trị. Thành phần tổ chức bộ máy phải đảm bảo để đông đảo quần chúng kiểm tra được mọi công việc nhà nước. Từ đó, ông đã tiếp tục vận dụng một cách sáng tạo quan điểm này vào quá trình tổ chức bộ máy nhà nước kiểu mới ở Nga sau khi giai cấp vô sản giành chính quyền với chủ trương: Phế bỏ chế độ đại nghị – chế độ tách rời công tác lập pháp và công tác hành pháp, hợp nhất công tác lập pháp và hành pháp của nhà nước. Các xôviết là cơ quan đại diện của chính quyền nhà nước tập trung trong tay quyền lập pháp, kiểm soát việc chấp hành các luật lệ, đồng thời trực tiếp thực hiện các luật lệ thông qua tất cả các uỷ viên của các xôviết. Điểm sáng tạo của Lênin trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước là ở chỗ: các cơ quan trong bộ máy nhà nước có sự phân công, phối hợp để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Học thuyết tập quyền XHCN tại Việt Nam
Lý luận của các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đưa ra những nét cơ bản của học thuyết tập quyền XHCN như sau: Để đảm bảo xây dựng nhà nước chuyên chính mà hạt nhân của nó là toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, người dân là người chủ thực sự trên tất các các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, quyền lực nhà nước là thống nhất và được tập trung ở cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân (Xô viết tối cao hay Quốc hội). Việc tập trung quyền lực nhà nước vào cơ quan đại diện của nhân dân giúp quyền lực bảo đảm tính thống nhất của nó. Quốc hội là “cơ quan mẹ”, Chính phủ và các cơ quan khác của nhà nước chỉ là cơ quan phái sinh do Quốc hội thành lập và phải chịu sự kiểm tra, giám sát tối cao của Quốc hội. Ở đây không có sự phân chia quyền lực cũng như không có sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực. Tính chịu trách nhiệm và luôn bị giám sát bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và của nhân dân chính là cơ sở để đảm bảo cho quyền lực nhà nước không bị tha hoá.
Tại Việt Nam, trong một thời gian dài, nguyên tắc tập quyền XHCN đã giúp nhà nước làm tốt chức năng của một “nhà nước kháng chiến”, quyền lực nhà nước được bảo đảm tập trung, các quyết định và việc thực thi quyền lực được bảo đảm nhanh chóng, thống nhất. Nhưng khi đất nước ta bước sang giai đoạn đổi mới, hệ thống chính trị chuyển từ hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa thì nguyên tắc này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là sự thiếu phân định giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, là sự phủ nhận tính độc lập tương đối của các quyền, là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực với quyền lập pháp, từ đó tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng quyền lực từ phía các cơ quan nhà nước được trao quyền. Để khắc phục những hạn chế nói trên, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã công nhận các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và yêu cầu sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền này. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định yêu cầu phân công, phối hợp, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Vị trí, tính chất của Chính phủ trong định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Kết luận Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo và yêu cầu duy trì những hạt nhân hợp lý của học thuyết tập quyền XHCN trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Kế thừa quy định trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, Quốc hội tiếp tục được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Ví trí, tính chất này của Quốc hội tiếp tục được khẳng định bởi Quốc hội là cơ quan duy nhất gồm các đại biểu do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của toàn dân. Quy định Quốc hội là “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” thể hiện những chức năng được toàn dân uỷ quyền cho Quốc hội như ban hành Hiến pháp, ban hành luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thiết lập nên các cơ quan hiến định trong bộ máy nhà nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Văn bản và quyết định của Quốc hội có hiệu lực pháp luật cao nhất. Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi, huỷ bỏ hay thay thế các văn bản quyết định của mình.
Nhận thức về vị trí, tính chất của Quốc hội với các nội dung nói trên đã quyết định vị trí, tính chất của Chính phủ trong định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Những nguyên lý cơ bản của học thuyết tập quyền XHCN như Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội thành lập Chính phủ, bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn thành viên Chính phủ, Chính phủ tổ chức thực hiện luật, các nghị quyết của Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội chính là những căn cứ cơ bản để  xác định vị trí của Chính phủ trong phân công lao động quyền lực tại Việt Nam. Từ đó, vị trí, tính chất của Chính phủ được xác định theo trật tự như sau: Chính phủ là (1) Cơ quan chấp hành của Quốc hội, (2) Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và (3) Cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Như vậy, vị trí của Chính phủ tiếp tục được xác định là cơ quan có quyền lực “phái sinh” từ quyền lực của Quốc hội, là cơ quan chấp hành, cơ quan hành chính, cơ quan thực hiện quyền hành pháp dưới sự giám sát của Quốc hội. Học thuyết tập quyền XHCN tiếp tục được xác định là một trong những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản để tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong giai đoạn tới.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng – Trưởng phòng Công tác cán bộ Bộ Tư pháp
Nguồn: http://www.moj.gov.vn/hienphap1992/News/Lists/giaidapthacmac/View_Detail.aspx?ItemID=5211

0 nhận xét:

Đăng nhận xét