Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Cần xác định rõ chủ thể thực hiện quyền sở hữu

Sửa đổi, bổ sung chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 cần hướng tới xử lý vấn đề cơ bản của nền kinh tế theo hướng thừa nhận sở hữu cá nhân về đất đai bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, loại bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai. Đây cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Ý nghĩa chính trị hơn là pháp lý
Theo Điều 15 Hiến pháp năm 1992, nước ta có 3 chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không còn phù hợp và không giải quyết được những vấn đề do thực tiễn vận hành của các quan hệ xã hội đặt ra. Theo PGs – Ts Dương Đăng Huệ, Bộ Tư pháp, sở hữu toàn dân là một khái niệm có ý nghĩa chính trị hơn là ý nghĩa về mặt pháp lý. Chủ thể của quyền sở hữu phải là môt thực thể pháp lý cụ thể (một con người, một tổ chức có tư cách pháp nhân…), có ý chí riêng và thông qua ý chí riêng này trực tiếp sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Trong khi đó, toàn dân là khái niệm dùng để chỉ tập hợp của hàng chục triệu người, không thể có ý chí chung và do đó, không thể tự mình thực hiện các quyền đối với tài sản được coi là của mình.
Cùng quan điểm trên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Gs – Ts Lê Hồng Hạnh cũng cho rằng, xét về bản chất, nói đến sở hữu tài sản thì dứt khoát phải nói đến tài sản cụ thể, được sở hữu bởi những chủ thể cụ thể, không thể và không có loại chủ thể chung chung, không xác định được. Điều này thể hiện rõ trong quy định của pháp luật dân sự hiện hành, đó là: “Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ 3 quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản” (Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2005). Chính vì thế, “sở hữu toàn dân” trở thành một khái niệm trừu tượng, mơ hồ về chủ thể. Mặc dù vậy Điều 17, Hiến pháp 1992 vẫn quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”. Với việc sử dụng khái niệm này, Hiến pháp năm 1992 đã không xác định được ai là người có chủ quyền thực sự đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. PGs – Ts Phạm Duy Nghĩa, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân thích thêm, toàn thể đất đai cũng như lãnh thổ của một quốc gia nói chung, tương tự như không khí và ánh sáng là các yếu tố thuộc về môi trường sống tự nhiên, khó có thể là tài sản thuộc phạm trù sở hữu hoặc vật quyền của luật dân sự. Thay vào đó, từng ô đất, thửa đất cụ thể mới là đối tượng của sở hữu hoặc vật quyền theo pháp luật. Sở hữu toàn dân, đương nhiên phải hiểu đó là quyền sở hữu chung của ít nhất tất cả mọi công dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này, về mặt pháp lý đòi hỏi phải tạo ra một cơ chế để tất cả mọi người dân (đồng chủ sở hữu) đều có quyền tham gia định đoạt và hưởng lợi từ quyền sở hữu chung này. Tuy nhiên trên thực tế thì chỉ có Nhà nước mới thực hiện được các quyền đó.
Gọi tên chính xác hình thức sở hữu
Từ việc phân tích khái niệm, nhiều ý kiến cũng đưa ra những dẫn chứng khẳng định, khái niệm sở hữu toàn dân, trong đó có sở hữu toàn dân về đất đai đã dẫn đến nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu song Nhà nước lại không chiếm hữu, sử dụng đất mà giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đang sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Cũng theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất lại có quyền chuyển đổi, tặng cho, chuyển nhượng, quyền cho thuê, quyền cho thuê lại, quyền thế  chấp, quyền bảo lãnh, quyền góp vốn… nên quyền sử dụng đất tách khỏi quyền sở hữu đất đai và trở thành một loại quyền tương đối độc lập so với quyền sở hữu. Bên cạnh đó, khi toàn dân là chủ sở hữu thì ai cũng có tâm lý tự coi mình là đồng chủ sở hữu, ai cũng có phần quyền đối với đất đai và đây chính là một trong những nguồn gốc sâu xa của không ít các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Hành động lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng… một cách tùy tiện trong thời gian qua là minh chứng cho tâm lý này – PGs – Ts Dương Đăng Huệ nhấn mạnh.
Để góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với đất đai nói riêng, các tài sản được pháp luật quy định là của Nhà nước nói chung, nhiều ý kiến đề xuất: cần thay đổi tên gọi hình thức sở hữu toàn dân thành sở hữu nhà nước. Khác với khái niệm toàn dân, Nhà nước là một thực thể pháp lý, là một bộ máy có cơ cấu tổ chức đầy đủ, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, có con người và phương tiện để thực thi quyền lực của mình, do đó chỉ có Nhà nước mới có đủ khả năng thực thi quyền sở hữu. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế cần hướng tới việc xử lý vấn đề cơ bản của nền kinh tế – vấn đề sở hữu theo hướng thừa nhận sở hữu cá nhân về đất đai bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, loại bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai. Bởi vì nếu xác định đất ở thuộc quyền sở hữu của một cá nhân cụ thể thì không thể có chuyện chính quyền địa phương tùy tiện thu hồi để cấp cho doanh nghiệp và trả cho người bị thu hồi một mức đền bù xa với giá trị thực tế của đất bị thu hồi – một trong những nguyên nhân dẫn tới có tới 60 – 70% vụ khiếu nại, tố cáo hiện nay liên quan đến đất đai. Với cái nhìn rộng hơn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận gợi mở, không nên xem sở hữu toàn dân về đất đai là “tội đồ” của tình trạng khiếu kiện ngày càng gia tăng, quan trọng nhất không phải ai là chủ sở hữu mà là quản lý và quy hoạch như thế nào. Vì nếu có xác định rõ được chủ thể thực hiện quyền sở hữu đi chăng nữa nhưng thực hiện khâu quản lý và quy hoạch không tốt thì vẫn sẽ không tránh khỏi được tình trạng khiếu kiện đất đai phức tạp, kéo dài như hiện nay.
Nguyễn Hải
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=69&ItemId=255133&GroupId=2258

0 nhận xét:

Đăng nhận xét