Nhưng cũng trong khối chuyên gia quan chức, vẫn xuất hiện những nhân tố mới đang xa dần bến bờ cũ.
“Những dự báo về khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2012 đang trở nên xa vời hơn” - trong Diễn đàn kinh tế mùa Xuân ở Nha Trang vào tháng 4/2013, viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã phóng ra một phản biện bất ngờ.
Khác hẳn với năm 2012, số ý kiến phản biện độc lập đối với triển vọng “kinh tế Việt Nam thoát đáy”, bao gồm cả những quan chức đa ngành vốn chưa có điều kiện để thể hiện khẩu khí và dũng khí, đã vang lên can đảm và tự tin hơn vào nửa đầu năm 2013, ngược chiều với não trạng của giới quan chức chính phủ.
Ở phía bên kia dòng sông, nhiều người đang nhìn thấy bến bờ cũ bị sạt lở nghiêm trọng và còn đang cận kề nguy cơ lũ quét.
Cho dù mức lạm phát năm 2012 chỉ có 7% và 6 tháng đầu năm 2013 chưa đầy 3%, nhưng với việc tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng bị sụt giảm gần như tương ứng, thay cho “quyết tâm” đến 8%-9% của những năm trước, hiển nhiên điều này không phải là một thành tích và cũng chẳng phát đi dấu chỉ “điềm lành” nào.
"Thực chất GDP mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2012 và hiện thời có thể chỉ nhích hơn chỉ số 0% đôi chút."
Giảm phát lại là hệ lụy của hiện tượng lạm phát kinh niên bị ép xuống đột ngột. Vòng quay vốn trong năm 2012 chỉ còn 0,8 lần so với mức hơn 2 lần trong giai đoạn 2007-2008 là một minh chứng điển hình cho chiều cao hình thể kinh tế bị lùn hóa hơn một nửa.
Đáy giả 2013 - 2014
Cho tới nay, ba năm suy thoái nặng nề vẫn như chưa sáng ra được bài học cơ bản nào. Tất cả vẫn như nguyên vẹn, từ nợ và nợ xấu trong các ngân hàng đến tỷ lệ tồn kho chất ngất của thị trường bất động sản vẫn hầu như chưa được thanh lý. Con số hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể và phá sản có lẽ vẫn chưa phải là là đáp án cuối cùng, nếu so với tình trạng thất nghiệp mà chính một quan chức phải cho rằng “thêm vào một con số 0 vẫn đúng”.Vào đầu năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố tỷ lệ thất nghiệp trên toàn Việt Nam chỉ là 1,99%, tức còn xán lạn hơn cả mức thất nghiệp của năm 2011 và 2010.
Đến giữa năm 2013, bộ trưởng của đức tin xán lạn ấy là bà Phạm Thị Hải Chuyền đã phải nhận lãnh số phiếu “tín nhiệm thấp” khá cao từ các đại biểu Quốc hội - một sự trả giá cho thói quen vô cảm trước tâm thế khốn khổ của các doanh nghiệp và người lao động.
Riêng thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn trở thành quán quân về tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp. Hiển nhiên sau hai năm từ khi chính phủ mới đi vào hoạt động cùng quá nhiều hệ lụy phát tác, khối ngân hàng đã đóng vai trò chủ đạo trong việc làm sao để tín dụng, lãi suất huy động và lãi suất cho vay chỉ có lợi cho họ.
Cho dù tới nay mặt bằng lãi suất huy động đã được kéo giảm đến 12%-13% so với đỉnh của nó là 19%-20% vào cuối năm 2011, nhưng thực tế mặt bằng lãi suất cho vay chỉ được kéo hạ từ 5%-6%.
Trong cơn bĩ cực chưa hết thấm thía, các ngân hàng chỉ chuyên tâm vào chuyện khuyến dụ người tiêu dùng bằng cách giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là những chương trình khuyến mãi lãi suất đối với dự án căn hộ cao cấp được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và ngân hàng.
Thế nhưng lại không thiếu minh họa về việc nhiều ngành nghề khác do chậm thu hồi vốn, và nói chung không liên quan đến địa ốc, nên không nhận được ưu ái nào từ ngân hàng. Nhiều ngành sản xuất như cá tra, cà phê, mía đường, sắt thép, xi măng… đều đang chìm trong vòng nợ nần cùng núi tồn kho không tiêu thụ được. Ở một số nơi, nông dân đang phải bán ruộng tổ tiên để trả nợ.
Mặc dù một thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết 83% nợ vay cũ đã được đưa về mức lãi suất 13%, nhưng cho tới nay vẫn chẳng có manh mối công khai nào về chuyện các ngân hàng thương mại đã xử lý đến đâu số nợ vay cũ để có thể chuyển sang cơ chế cho vay mới với lãi suất thấp hơn hẳn.
Hết tháng này đến tháng khác, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn lặp lại điệp khúc “giảm lãi suất cho vay cần có độ trễ”.
Nhưng nền kinh tế Việt Nam đã mòn mỏi chờ đợi cái được coi là “độ trễ” ấy đến gần ba năm qua.
Cho đến giờ, chẳng còn mấy doanh nghiệp hy vọng vào lòng thành giảm lãi suất. Đơn giản là, các ngân hàng với bản tính ích kỷ cố hữu của họ đã không muốn như thế.
Chỉ khi các ngân hàng thương mại cảm nhận về mối nguy hiểm cận kề, hay nói khác hơn là về một cái chết đe dọa họ, lãi suất cho vay mới có thể được tự động kéo giảm.
"TPP vẫn là một cái gì đó đang được tô hồng hoặc được thao diễn để khỏa lấp các mâu thuẫn xã hội lẫn nội bộ."
Điều tốt nhất trong tình thế hiện thời là một cái đáy giả được thiết lập, để người ta cố ru mị nhau rằng đó là đáy cuối cùng của cuộc suy thoái cuối cùng. Để nếu khả quan, cái đáy giả đó sẽ kéo dài đến năm 2014.
Đáy thực 2016-2017?
Cái nhìn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng chẳng mấy lạc quan về điều được xem là “đáy” của một mặt bằng điều hành kém cỏi và đầy ứ thuận thảo với các nhóm lợi ích.Moody’s - một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín - vào tháng 9/2012 đã hạ mức tín nhiệm của kinh tế Việt Nam một bậc xuống còn B2. Tại thời điểm đó, xếp hạng tín dụng của Moody’s đối với Việt Nam là mức xếp hạng thấp nhất trong ba tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới khi thấp hơn 2 bậc so với xếp hạng của S&P và thấp hơn 1 bậc so với của Fitch Ratings.
Hiển nhiên, nếu một nền kinh tế không thể cất cánh trong điều kiện “mới nổi”, gần như chắc chắn sẽ phải mất một thời gian dài chìm trong tâm thế “bò sát”. S&P, Moody’s và cả Fitch Ratings đều có lý do để e ngại về cái triển vọng quá thiếu trong sáng như thế đối với Việt Nam.
Dù rằng TPP vẫn là một cái gì đó đang được tô hồng hoặc được thao diễn để khỏa lấp các mâu thuẫn xã hội lẫn nội bộ.
Nhưng trước khi nhìn về tương lai của TPP, người ta cũng nên ngoái lại dĩ vãng để nhận biết mình đang ở đâu, và hơn thế nữa là đang lâm vào tình trạng khó xử đến thế nào.
Chẳng mấy có ý nghĩa về tính thực chất của WTO sau 6 năm “hội nhập”, thật khó để có thể hy vọng về một lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam cho dù có được tham gia vào TPP.
Tuy vậy, cái vòng xoáy khốn khổ ấy dù đang hiện hình nhưng vẫn chưa nguyên trạng. Với những tác động song ánh trực tiếp từ mối nguy khủng hoảng kinh tế thế giới cùng những dự báo u ám của “tiến sỹ tận thế” Nouriel Roubini, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải chứng thực một cái đáy nữa theo mô hình chữ W, với cạnh sau sâu hơn cạnh trước và đáy sau, tất nhiên, cũng sâu hơn đáy trước.
Nếu không có gì thay đổi, mọi chuyện có thể xảy đến vào năm 2016-2017, hoặc sớm hơn.
Nhưng ngay cả sau cuộc khủng hoảng tương lai ấy, nếu không tự cải tạo về những hình ảnh hoàn toàn mất cân đối của mình, nền kinh tế và có thể cả vận động kinh tế - chính trị của Việt Nam sẽ không có, dù chỉ một cơ hội nhỏ nhoi, để “thoát đáy”.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà báo hiện sống ở TP HCM.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét