Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Tổ chức chính quyền địa phương ở Mỹ



Tổ chức chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ là một trong những mô hình với nhiều đặc thù, áp dụng nguyên tắc phân quyền một cách đặc trưng nhất, mang nhiều tính tự trị. Chính quyền địa phương có toàn quyền giải quyết các vấn đề, công việc của địa phương, mà không cần có sự bảo trợ nào của trung ương, địa phương có quyền lựa chọn mô hình tổ chức quyền lực và hoạt động của mình.

Hiện nay ở Hoa Kỳ, các bang (trừ Alaxca, Coneticốt, Rốt-Ailen) được chia thành các vùng lãnh địa (thường gọi là tỉnh). Cả nước có khoảng 30 nghìn lãnh địa. Hiện nay ở 21 bang, các tỉnh chia ra thành các đơn vị hành chính cơ sở là xã (town ship) đối với vùng nông thôn. Trong số này còn có các thị trấn (đô thị dưới 2500 dân). Những đô thị có trên 2500 dân trở lên đều tách ra khỏi lãnh địa để thành lập đơn vị hành chính tự quản (các thành phố, thị xã -gần 19000). Ngoài ra các bang của Hoa Kỳ còn có các trạm hoặc trại (gần 19000), các khu trường (gần 14,5 nghìn) và các khu đặc biệt (gần 33 nghìn).

Đơn vị hành chính tự quản ở Hoa Kỳ là các thành phố, thị xã trực thuộc bang và các thị trấn, xã trực thuộc lãnh thổ. Cơ quan quản lý trên các đơn vị hành chính loại này là các Hội đồng tự quản hay Hội đồng đại diện và một bộ phận chấp hành do Hội đồng bầu ra, đứng đầu cơ quan chấp hành là thị trưởng hay quản trị trưởng do dân bầu trực tiếp. Lãnh địa là đơn vị hành chính trung gian, cầu nối giữa bang với cơ sở. Lãnh địa do cơ quan quản lý hành chính gồm các quan chức do Thống đốc bang hoặc Chính phủ bang cử ra và một cơ quan Hội đồng do dân cư bầu ra. Đứng đầu các lãnh địa là Hội đồng những nhà quan sát gồm 5 thành viên trở lên, do dân cư các trạm trại là những bộ phận thuộc lãnh địa bầu ra. Phổ biến hơn là

Hội đồng những thành viên được trao quyền gồm từ 5 đến 7 thành viên do toàn cư dân lãnh địa bầu ra. Những trạm trại nông thôn do Hội nghị của những người dân trưởng thành hoặc những người đại diện do họ bầu ra quản lý. Thông thường là những người đại diện gồm từ 3-5 người với tư cách là cơ quan chấp hành.

Đứng đầu các vùng trường học hoặc vùng đặc biệt, về nguyên tắc là Hội đồng từ 3-5 thành viên do dân cư bầu ra hoặc do cơ quan liên bang cử ra.Đứng đầu các thị trấn thị tứ nhỏ (khoảng 500 người) là Hội nghị của cư dân hoặc những đại diện của dân chúng. Có gần 200 thành phố được quản lý bởi các uỷ ban do dân bầu ra. Thành viên của uỷ ban đồng thời thực hiện chức năng của Hội đồng và của những người đứng đầu các bộ phận cấu thành cơ bản của bộ máy quản lý thành phố.
Riêng thủ đô Oasinhtơn có quy chế đặc biệt được quản lý bởi một quận- quận Côlômbia- trực thuộc trực tiếp liên bang. Tại đây không tổ chức cơ quan đại diện do dân bầu như ở các nước khác mà chỉ có một Hội đồng gồm 9 người, đứng đầu là Thị trưởng do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Như vậy, thủ đô Hoa Kỳ chỉ có một loại cơ quan điều hành hành chính thống nhất trong thủ đô, không có bất kỳ một cơ quan nào khác.

Tổ chức chính quyền địa phương ở Vương Quốc Anh

Theo các luật về tự quản năm 1972 và năm 1985, nước Anh được chia ra thành 39 lãnh địa (teritori) và 36 khu thành phố (lãnh địa đô thị). Các lãnh địa được chia ra thành khu (còn gọi là quận). Dưới khu là đơn vị hành chính cở sở- gọi là thôn hay công xã (gồm khoảng 10.000 dân).
Xứ Uên cũng được chia ra thành các lãnh địa, các lãnh địa chia ra thành khu, đơn vị hành chính cơ sở ở đây cũng được gọi là công xã.

Khác với ở Anh và Xứ Uên, lãnh thổ Xcốtlen, theo luật về quản lý địa phương Xcốtlen năm 1973, lại được chia thành 9 vùng, 53 quận, 3 đảo như là những đơn vị hành chính lãnh thổ và 1343 công xã. Lãnh thổ Bắc- Ailen lại được chia ra thành 6 lãnh địa và quận (26); không có cấp công xã.

Tất cả các đơn vị hành chính ở Anh, trừ những công xã nhỏ (có dưới 150 cử tri), đều do cơ quan dân cư quản lý: Hội đồng tự quản -đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng- gọi là Thị trưởng. Khác với Thị trưởng ở một số nước, Thị trưởng ở Anh không có chức năng hành chính, chỉ là chủ toạ các phiên họp của Hội đồng. Hội đồng bầu ra bộ máy hành chính, đứng đầu là quản trị trưởng. Các xã không có Hội đồng mà được quản lý bằng Hội nghị các cử tri. Đây chính là sự biểu hiện rõ nét nhất của nguyên tắc phân quyền được áp dụng trong tổ chức hành chính địa phương ở Anh.

Luân Đôn là nơi được tổ chức và quản lý rất đặc biệt, theo Luật về tự quản địa phương năm 1963 và Luật năm 1985 thì thành phố Luân Đôn được chia thành 32 quận (ngoại lệ có trung tâm của nó), mỗi quận do một Hội đồng quản lý. Khu trung tâm Luân Đôn được quản lý một cách rất đặc biệt bởi 3 viện (viện chủ yếu là Hội đồng chung), thành phần của nó gồm các công tước- Thị trưởng, các cố vấn…Cộng đồng khu trung tâm thành phố có nhiều quyền hạn hơn các khu thành phố khác của Anh.

Tổ chức chính quyền địa phương một số nước điển hình trong hệ thống Châu Âu lục địa
Mô hình tổ chức hành chính địa phương các nước điển hình trong hệ thống Châu Âu lục địa được thành lập trên cơ sở kết hợp giữa nguyên tắc phân quyền và tản quyền. Theo cách này bên cạnh Hội đồng địa phương có cơ quan chấp hành riêng của Hội đồng, thực hiện các công việc quản lý địa phương theo luật phân quyền, còn có cơ quan do Chính phủ đặt tại địa phương thực hiện công việc của chính quyền trung ương trên địa bàn lãnh thổ địa phương. Các cơ quan này có quan hệ với nhau trong công tác, không theo quan hệ trực thuộc về hành chính.
Như vậy, ở những nước này, các cơ quan địa phương gồm có hai loại cơ quan: cơ quan hành chính và cơ quan tự quản.
Mức độ tự quản của các cơ quan tự quản ở địa phương không hoàn toàn giống nhau. Các đơn vị hành chính trung gian được gọi là tỉnh, huyện, vùng… được nhà nước phân vạch một cách nhân tạo, ở đó quyền hạn quản lý chủ yếu thuộc về cơ quan hành chính chứ không phải là cơ quan tự quản. Còn đơn vị hành chính cơ sở vốn hình thành một cách tự nhiên có tính liên hoàn, thì vai trò của các cơ quan tự quản được đề cao. Tuy vậy, cơ quan hành chính cho dù do cấp trên bổ nhiệm hoặc do Hội đồng bầu ra, nhưng đều phải thực hiện các quyết định, chính sách của cấp trên và đồng thời đều phải thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng tự quản địa phương. Còn Hội đồng tự quản được toàn quyền giải quyết các công việc, vấn đề của địa phương.
Mối quan hệ và sự phân định quyền hạn giữa các cơ quan này được thiết lập trên cơ sở quy tắc sau:
- ở các nước như Pháp, Thổ nhĩ kỳ, cơ quan hành chính mặc dù tách biệt với Hội đồng tự quản, do Chính phủ bổ nhiệm nhưng có nhiệm vụ thực thi Nghị quyết của Hội đồng tự quản.
- ở các nước như Bỉ, Hà lan, cơ quan hành chính lại do Hội đồng tự quản bầu ra, nhưng người đứng đầu cơ quan này do Chính phủ bổ nhiệm, chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Hội đồng tự quản.
- ở các nước như Italia, Tây ban nha, cơ quan hành chính hoàn toàn do Hội đồng tự quản bầu ra, là một bộ phận cơ cấu của Hội đồng, chịu trách nhiệm trước Hội đồng. Để bảo đảm lợi ích của nhà nước trung ương, tránh tình trạng cục bộ, cát cứ địa phương, mọi hoạt động của Hội đồng và cơ quan chấp hành của Hội đồng đều đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của quan chức chính quyền chuyên trách.
Hiện nay ở các nước tư bản đang diễn ra quá trình phi tập trung hoá trong quản lý, tăng quyền hạn thực tế cho cơ quan tự quản địa phương, xoá bỏ mọi hình thức giám hộ hành chính, chuyển giao chức năng quản lý hành chính của cơ quan hành chính nhà nước cho cơ quan chấp hành hành chính do Hội đồng lập ra đảm nhiệm. Với cách đó nhằm bảo đảm sự gắn bó giữa cơ quan tự quản với cơ quan hành chính và đảm bảo quyền tự quản thực sự của Hội đồng tự quản địa phương. Điển hình cho mô hình tổ chức hành chính địa phương của các nước trong hệ thống Châu Âu lục địa là mô hình tổ chức hành chính địa phương ở Pháp và Đức.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét