Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Đảng và cơ chế Bảo hiến

Có rất nhiều người cho rằng Đảng và Nhà nước kêu gọi quần chúng và đội ngũ trí thức đóng góp trí tuệ cho Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là không thành thực, là để cho vui. Nhận định này không phải không có cơ sở, vì trong lịch sử Đảng cộng sản Việt nam và phong trào cộng sản quốc tế, đã xuất hiện nhiều bản hiến pháp hay, nhiều bản rất dân chủ, ví dụ như bản Hiến pháp Xô viết 1936, thường được gọi là Hiến pháp Stalin, nhưng không ai tìm thấy trong những bản hiến pháp đó cơ chế Bảo hiến. Vai trò giải thích hiến pháp được phó thác hoàn toàn cho chính quyền vô sản. Stalin đã nói trong một bối cảnh tương tự, vấn đề không phải ở chỗ ai là người bỏ phiếu mà là ai kiểm phiếu.  Stalin đã rất trung thành với tư tưởng của Lenin khi quan niệm rằng các văn bản pháp luật, trong đó có hiến pháp, là công cụ thuận tiện để thực hiện chuyên chính vô sản. Có thêm một toà án hiến pháp như trong mô hình phương tây, một đám luật gia vừa hay cãi, vừa không có lập trường giai cấp rõ ràng, là không hề thuận tiện, mà thậm chí còn rất bất tiện.
Tôi thì lại cho rằng lần này Đảng và Nhà nước có thể đã rất thành thực, thậm chí thành thực đến mức tha thiết. Đảng đang phải đối mặt với những thử thách vô cùng khốc liệt mà phần lớn do chính Đảng tự gây ra cho mình. Màn bi hài kịch của Hội nghị trung ương 6 kết thúc vào tháng mười 2012 vừa qua chưa hề có tiền lệ trong lịch sử Đảng cộng sản Việt nam và phong trào cộng sản quốc tế. Không có đấu tranh giai cấp là vũ khí, là kim chỉ nam, vì không còn có giai cấp bóc lột nữa để mà đấu tranh (Đảng cộng sản Trung quốc đã nhận định như thế trong lời nói đầu của Hiến pháp Trung quốc 1982). Chủ nghĩa xã hội và mô hình kinh tế của nó đã sụp đổ cùng với bức tường Berlin. Mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo trở nên vô cùng rệu rã cùng với sự phá sản của một số quả đấm chủ đạo. Để duy trì sự lãnh đạo sâu sắc và toàn diện lên trên xã hội, Đảng không còn lựa chọn nào khác ngoài cách luật hoá sự lãnh đạo của mình. Luật hoá sự lãnh đạo của Đảng tự động bao hàm việc luật hoá chủ thể của nó. Không làm được như thế, tấn bi kịch của Hội nghị trung ương 6 sẽ từng bước chuyển sang thể loại phim truyền hình nhiều tập Hàn quốc.
Việc thành lập Hội đồng bảo hiến hoàn toàn phù hợp với tư duy luật hoá sự lãnh đạo của Đảng. Thành viên của Hội đồng bảo hiến do Chủ tịch nước chỉ định sẽ là những đảng viên trung kiên, có quá trình phục vụ cách mạng lâu dài, không tì vết. Nó còn giải quyết thêm vấn đề nhức nhối trong công tác xây dựng đảng đối với các đồng chí trung kiên, nhưng đã chót phục vụ cách mạng lâu quá. Trên thực tế, đó sẽ là sự hồi sinh của Ban cố vấn, được luật hoá và đưa lên một tầm cao mới.
Nếu được thiết kế đúng, các cơ chế bảo hiến khác nhau như Toà án tối cao (Hoa Kỳ), Hội đồng bảo hiến (Pháp) … đóng vai trò giữ vững sự ổn đinh chính trị. Ở Pháp, các cựu tổng thống nghiễm nhiên là thành viên của Hội đồng hiến pháp. Tất cả các luật liên quan, điều chỉnh tổ chức hệ thống quyền lực (organic law) đều phải được Hội đồng Hiến pháp thẩm định về tính hợp hiến trước khi được Tổng thống ban hành. Ngoài ra nó còn có vài trò giám sát bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội.
Ở Hoa kỳ, khi một thành viên (Justice) của Toà án tối cao Hoa kỳ về nơi chín suối gặp cụ Hamilton, cụ Madison, hoặc từ chức vì một lý do cá nhân nào đó, Tổng thống Hoa kỳ được quyền chỉ định một Justice mới. Tổng thống có xu hướng chỉ định người có cùng quan điểm chính trị với mình, nhưng khổ một nỗi các Justice thường sống rất lâu, cho nên đâm ra Tổng thống bắt buộc phải làm việc với một Tòa án tối cao bao gồm phần lớn Justice do người tiền nhiệm chỉ định. Trên nguyên tắc, các Justice không bị chi phối bởi quan điểm chính trị. Trên thực tế, toà án tối cao hiện tại của Roberts đưa ra những phán quyết bảo thủ hơn nhiều so với toà án tiền nhiệm của Rehnquist. Nói nôm na, toà án tối cao Hoa kỳ đóng vai trò con lắc mà người ta treo lên nóc các toà nhà chọc trời. Khi có động đất, nếu toà nhà nghiêng sang bên phải, thì con lắc sẽ lắc sang bên trái và ngược lại. Con lắc dao động lệch pha với toà nhà cao tầng, giúp cho nó khỏi sụp đổ. Tất nhiên nếu động đất mạnh quá thì con lắc cũng vô tác dụng.
Tóm lại, việc thành lập Hội đồng hiến pháp về thực chất cũng chỉ phục vụ duy trì sự lãnh đạo của đội ngũ tiên phong (Xem điều 4 Hiến pháp 1992 để biết đội ngũ tiên phong là ai). Nhưng với đội ngũ lý luận chính trị rệu rã và thiếu dinh dưỡng, với các đỉnh cao còn đang đắm đuối trong sự nghiệp đấu tranh nội bộ, chưa chắc đội ngũ tiên phong đã kịp nhận ra điều đó.
Còn với đội ngũ không tiên phong của những người không tên, không tiếng nói thì sao. Cái họ được có lẽ chỉ là không mất gì thêm. Và được một chút hy vọng, cái mà thời buổi này là một hàng hoá khan hiếm. Khi Roberts, một trong những Justice bảo thủ nhất, bỏ một phiếu thuận cho Luật Obama về mở rộng chế độ bảo hiểm y tế ở Hoa kỳ, đi ngược lại làn sóng phản đối dữ dội của Đảng cộng hoà và giới bảo thủ, tôi thấy rằng, khi phải đối mặt với một quyết định thực sự quan trọng, một quyết định liên quan đến cái sống cái chết của con người, một số cá nhân có khả năng vượt qua thiên kiến chính trị của mình để hành động theo lương tâm.
Trần Trung Niên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét