Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

NHỮNG CHỈ THỊ BẢO CHỨNG CỦA HIẾN PHÁP NHÂN BẢN VÀ DÂN CHỦ




NGUYỄN HỌC TẬP

Hiến Pháp là gì?

" Hiến Pháp được người dân Tây Âu luôn luôn hiểu đồng nghĩa với một văn bản bảo chứng ( garantismo). Ở Tây Âu, người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp nếu muốn thiết lập Quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là văn bản luật pháp nền tảng hay một loạt các nguyên tắc căn bản thể hiện một tổ chức Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách hành xử quyền hành tự tung tự tác tùy hỷ và bảo đảm một Chính Quyền có giới hạn" ( Giovanni Sartori, Elementi di teoria politica, III ed., Il Mulino, Bologna 1995, 18).

" Hiến Pháp luôn luôn được hiểu là văn bản bảo chứng…, giới hạn mọi cách hành xử quyền hành tự tung tự tác tùy hỷ…bảo đảm một Chính Quyền có giới hạn ". Chỉ trong một câu định nghĩa, Giáo Sư Giovanni Sartori, một Gs chính trị học lỗi lạc của nhiều đại học Ý đã lập đi lập lại đến ba lần, dưới nhiều cách nói khác nhau, tính cách " bảo chứng " của Hiến Pháp, bảo vệ người dân khỏi bị mọi cách hành xử lạm quyền " tự tung tự tác tùy hỷ ", áp đặt, khinh rẻ con người, của giới cầm quyền, nhứt là của Hành Pháp.
Điều đó cho thấy " bảo chứng ", đặc tính đứng ra bảo vệ con người trong công đồng quốc gia là đặc tính không thể thiếu, là yếu tố ưu tiên hơn cả phương thức tổ chức Quốc Gia của Hiến Pháp.
Đặc tính vừa kể, chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong bài viết vừa qua ( cfr "…THEO LUẬT LỆ ẤN ĐỊNH,…NHƯ LUẬT LỆ HIỆN HÀNH " ).
Trong bài vừa được nhắc đến chúng tôi có nói đến phương thức bảo chứng, bằng cách
dành quyền cho luật pháp,
dành quyền hạn chế tăng cường đối với luật pháp,
dành quyền tuyệt đối cho tư pháp
một vài nguyên tắc cố định, bất di dịch của Hiến Pháp, không thể vượt qua.
Các phương thức vừa kể là những gì chúng ta có thể tìm thấy trong bất cứ Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ nào của Tây Âu, đặc biệt là hai Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, hai Hiến Pháp thoát xuất từ kinh nghiệm độc tài hãi hùng của Mussolini và Hitler.
Nhưng đặc tính " bảo chứng " của Hiến Pháp Tây Âu không phải chỉ có vậy, có tính cách thuyết lý và tổng quát như những gì vừa xác định.
Hiến Pháp không thể " khoán trắng " cho Quốc Hội " chuẩn y hay bác bỏ " luật pháp thế nào cũng được và Hành Pháp áp dụng luật pháp của Quốc Hội " bồ nhà ", " nhất trí " với Đảng và Nhà Nước chuẩn y, áp dụng " theo luật lệ ấn định…, như luật lệ hiện hành" tự tung tự tác.
Chính Hiến Pháp đừng ra " ấn định " và " hiện hành trước, để tiền liệu những gì mình muốn Quốc Hội chuẩn y và Hành Pháp áp dụng, bằng cách can thiệp, đưa ra chỉ thị, đặt điều kiện vào chính phương thức tổ chức cơ cấu của Hành Pháp, vào hoạt động và xác định trách nhiệm của Hành Pháp theo hình luật cũng như dân luật, nhằm bảo đảm bênh vực người dân.
Bởi lẽ những gì Hiến Pháp ra chỉ thị không những chỉ liên quan đến nội bộ tổ chức cơ chế Chính Quyền, mà là dùng cơ chế và các hoạt động của Chính Quyền để thực thi lý tưởng Nhân Bản và Dân Chủ cho cuộc sống Quốc Gia.
Đó là những gì chúng tôi muốn tiếp tục tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

1 – Nguyên tắc tổ chức Chính Quyền.
Điều 91, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đưa ra chỉ thị cố định:

" Các cơ quan công cộng được tổ chức theo chỉ thị của luật pháp, làm thế nào để bảo đảm được công việc trôi chảy và nền hành chánh không thiên vị " (Điều 91, đoạn 1, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

a) Điều khoản vừa kể của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cho thấy phương thức tổ chức các cơ quan công cộng phải được luật pháp do Quốc Hội chuẩn y trước.
Và từ đó Chính Quyền có thể đưa ra những nghị định, nghị quyết, sắc lệnh để tổ chức nội bộ. Nhưng dù sao, những sáng kiến để tổ chức và điều hành nội bộ trong Chính Quyền như vừa kể, không thể nào đi ra ngoài lằn mức " theo chỉ định của luật pháp " được Quốc Hội, cơ quan dân cử và là tiếng nói đại diện cho ước vọng và nhu cầu của dân chúng chuẩn y.
Và để xác định rõ hơn những gì mình muốn nói, Hiến Pháp còn đi vào chi tiếc bằng cách ra chỉ thị cho Quốc Hội phải đưa ra định chế cho chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ ( Presidenza del Consiglio):

" Luật pháp tiền liệu định chế của chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ và thiết định số người, chức vụ và phương thức tổ chức các Bộ " (Điều 95, đoạn 3, id.).

b) Kế đến luật pháp được Quốc Hội chuẩn y liên quan đến vấn đề tổ chức các cơ quan công quyền ( kể cả đối với cơ quan tư pháp), phải nhằm đạt được hiệu năng, chủ đích và không thiên vị trong các hoạt động của nền hành chánh.
Đó là phán quyết của Viện Bảo Hiến đựa trên điều 91, đoạn 1 được trích dẫn ở trên ( Corte Cost., sent. n. 86 del 1982).
Ngoài ra mục đích cho nền hành chánh hoạt động có hiệu năng, xử dụng đúng đắn nhân lực và tài chánh của Quốc Gia đủ để đạt được mục đích, không phí phạm cũng như đạt được mục đích nhằm đến theo chương trình và thời gian được ấn định.

c) Để xác nhận thêm tính cách bất thiên vị của Chính Quyền, Hiến Pháp còn đề cập đến ở một điều khoản khác:

" Các viên chức ( dân sự cũng như quân sự) là những người chỉ được thu nhận để phục vụ Đất Nước" (Điều 98, đoạn 1, id.).

Điều đó có nghĩa là các viên chức không thể dùng chức vụ và phương tiện quốc gia để phục vụ cá nhân, phe nhóm, đảng phái.
Và để tiền liệu trước, tránh những lạm dụng có thể xảy ra, Hiến Pháp đưa ra chỉ thị giới hạn các thẩm phán, quân nhân tại ngủ, cảnh sát và đại diện ngoại giao đoàn, tùy viên các sứ quán ở hải ngoại không được gia nhập chính đảng trong thời gian tại chức:

" Bằng luật pháp có thể xác định các giới hạn việc gia nhập chính đảng đối với các thẩm phán, quân nhân đang phục vụ tại ngủ, viên chức và nhân viên cảnh sát, các đại diện ngoại giao đoàn hay thành phần sứ quán ở hải ngoại " (Điều 89, đoạn 3, id.).

Và dĩ nhiên để tránh những hành vi thiên vị, ngoại trừ những trường hợp liên quan đến bí mật văn phòng hay bí mật Quốc Gia, các tác động của nền hành chánh phải có thể chứng minh được cho mọi người giữa thanh thiên bạch nhật là hoạt động của họ

" không có gì là mầu nhiệm và bí ẩn, mà là sáng sủa như giữa ban ngày, như vậy các vách tường của văn phòng bàn giấy đều là những vách tường được làm bằng kiến " ( Esposito Carlo, La Costituzione italiana, Saggi, Cedam, Padova 1954, 68).

2- Nguyên tắc hành động theo luật pháp.
Chỉ thị thứ hai mà Hiến Pháp nêu lên, đặt lằn mức không thể vượt qua đối với Hành Pháp để bảo vệ con người là nguyên tắc hành động theo luật pháp.
Nguyên tắc vừa kể được nêu lên ở điều 23, nằm trong phạm vi các điều khoản bảo vệ tự do cá nhân của Hiến Pháp (điều 2- 54).
Và đây là nội dung của điều 23:

" Không có bất cứ một sự cung ứng nào bằng chính bản thân cá nhân hay bằng tài vật có thể bị áp đặt, nếu không do luật lệ ấn định " (Điều 23, id.).

Cũng trong tinh thần nguyên tắc phải hành xử theo luật pháp vừa, Hiến Pháp nêu lên một điều khoản khác, với những điều kiện bắt buộc khắc khe hơn, bởi vì liên hệ đến chính thân thể con người: thể thức "dành quyền tuyệt đối cho tư pháp ", mà chúng ta đã có dịp đề cập đến trong bài được nhắc ở những đầu của bài nầy:

" Không thể chấp nhận bất cứ hình thức trưng thu, lục soát hay kiểm kê nào đối với cá nhân, hoặc bất cứ hình thức giới hạn tự do cá nhân nào khác, nếu không có án trác có lý chứng của quyền tư pháp và chỉ theo các trường hợp và thể thức luật định " (Điều 13, đoạn 2, id.).

Hành động theo luật pháp, phải hành động tùy trường hợp và theo thể thức luật lệ được cơ quan Quốc Hội đồng thuận chuẩn y, đối với vấn đề thuế vụ hoặc phục dịch do chính bản thân người dân phải đứng ra cung ứng. Ngoài ra, nếu là những hành động của Chính Quyền có liên hệ đến thân thể, đến tự do cá nhân, Chính Quyền chỉ có thể được phép can thiệp vào, không những chỉ tùy theo trường hợp và thể thức được luật pháp Quốc Hội cho phép, mà còn phải được "án trác có lý chứng của tư pháp ".

3 – Hành động theo nguyên tắc dân chủ.
a) Nền hành chánh của Chính Quyền hoạt động là để thoả mãn nhu cầu của cộng đồng dân chúng và phải chịu sự kiểm soát của những người đại diện cho dân chúng hay Quốc Hội.
Chính Quyền chỉ có thể hành xử quyền lực Quốc Gia, sau khi được Quốc Hội nghe chương trình quản trị đất nước của mình và được Quốc Hội đồng thuận tín nhiệm:

" Chính Quyền phải được sự tín nhiệm của cả hai Viện Quốc Hội " (Điều 94, đoạn 1, id.).

Sự tín nhiệm đó, Quốc Hội, cơ quan dân cử đại diện cho dân chúng, có thể thu hồi nếu Thủ Tướng hay các Bộ Trưởng bị coi là có trách nhiệm đối với những gì không phù hợp với đường lối chính trị Quốc Gia mà Quốc Hội chuẩn y cho.

b) Một phương thức khác để hành động theo phương thức dân chủ, đó là tổ chức cơ chế Quốc Gia theo phương thức tự lập và tản quyền, tạo cho người dân có cơ hội tham gia tại địa phương vào nền dân chủ, đáp ứng lại nhu cầu và ước vọng thiết thực của họ:

" Nước Cộng Hoà là một thực thể duy nhứt và bất khả phân, nhận biết và cổ động các nền tự lập địa phương, trong các việc phục vụ của Quốc Gia, thực thi nền hành chánh tản quyền rộng rãi hết sức có thể, thích ứng các nguyên tắc và phương thức lập pháp của mình đáp ứng lại các nhu cầu tự lập và tảng quyền" (Điều 5, id.).

c) Ngoài ra phương thức " nhận biết và cổ động các nền tự lập…và tản quyền …rộng rải hết sức có thể " như vừa kể để người dân ở bất cứ phần đất nào của Quốc Gia cũng có thể tham dự thiết thực vào các hoạt động dân chủ, nguyên tắc đang bàn cũng nhìn nhận người dân, chủ nhân quyền lực Quốc Gia, có quyền tra cứu, duyệt xét các tài liệu hành chánh, để bảo đảm cho quyền tự do được thông tin, quyền xác nhận được cách hành xử trong sáng của Chính Quyền và Chính Quyền hành xử vô tư, không thiên vị ( art. 22, L. 7.8.1990, n. 241); ( Corso- Teresi, Procedimento amministrativo ed accesso ai documenti, Rimini, 1991).

d) Nguyên tắc dân chủ cũng phải được tôn trọng ngay cả trong định chế tổ chức quân đội:

" Định chế của quân lực phải dựa trên tinh thần dân chủ của Nền Cộng Hoà " (Điều 52, 3).

Ý nghĩa của điều khoản vừa kể cho thấy các mối tương quan bắt buộc trong định chế quân đội không thể đi ngược lại " tinh thần dân chủ của nền Cộng Hoà ", không có bất cứ trường hợp nào trong đó nhân phẩm con người bị đê tiện hoá ( Grisolia, Disciplinare militare e diritto del soldato, in Nuove dimensioni nei diritti di libertà ( scritti in onore di Paolo Barile), 1990, 41).
Định chế quân đội được xây dựng trên một vài nguyên tắc, như kỷ luật và đẳng cấp. Nhưng kỷ luật và đẳng cấp không thể chỉ hiểu theo một chiều, " cấp dưới phải kính trọng và vâng phục cấp trên, mà gồm cả những bắt buộc quan trọng của cấp trên đối với cấp dưới " . Đó là những gì Viện Bảo Hiến đã phán quyết ( Corte Cost., sent. n. 26 del 1979).
Đạo Luật L. 11.07.1978 n. 382 và Nghị quyết của Tổng Thống Ý ( D.P.R., 18.7.1986) đồng xác nhận:
định chế và các hoạt động quân đội phải dựa trên các nguyên tắc của Hiến Pháp,
mọi quân nhân đều có các quyền được Hiến Pháp nhận biết cho mọi công dân, mặc dầu để chu toàn nhiệm vụ cá biết của mình trong quân đội, luật pháp có thể thiết định giới hạn quyền hành xử một vài quyền hạn, cũng như tuân hành những bổn phận cá biệt trong các nguyên tắc hiến định.
trong các mối tương giao cá nhân, địa vị đồng đẳng như nhau giữa các quân nhân phải được bảo đảm.

 
 
4 – Nguyên tắc thi tuyển vào công vụ.
Hiệu năng và cùng đích nhằm đạt được, một phần được nguyên tắc thi tuyển vào công vụ bảo đảm cho:

" Thu nhận vào công vụ của nền hành chánh được thực hiện qua cuộc thi tuyển, ngoại trừ những trường họp được pháp luật thiết định cách khác " (Điều 97, đoạn 3, id.).

Theo nguyên tắc, thi tuyển là dụng cụ có giá trị hữu hiệu để bảo đảm cho việc tuyển chọn người có khả năng nhứt.
Nguyên tắc vừa kể, ngoài ra bảo đảm hiệu năng của nền hành chánh, còn là phương thế thực thi quyền bình đẳng của mọi công dân, một trong những căn bản trong thể chế dân chủ:

- " Mọi công dân thuộc phái giống nầy hay phái giống khác đều có thể tiến đến chức vụ công cộng và đảm nhận trọng trách được tuyển cử, tùy theo các yếu tố được luật pháp thiết định" (Điều 51, đoạn 1, id.).

Nhưng phương thức thi tuyển tự nó không bảo đảm được sự chọn lựa khả năng chuyên môn và vô tư đối với những người có khả năng nhứt, nếu thành phần ban giám khảo không được bảo đảm dựa trên nguyên tắc bất thiên vị.
Yếu tố vừa kể được đạo luật ( art. 21, L. 24.12.1993, n. 537) xác nhận: thành phần ban giám khảo phải gồm có những chuyên viên hoặc những người có kinh nghiệm, mặc dầu không nhứt thiết phải hoàn toàn chỉ gồm những thành phần vừa kể, nhưng ít nhứt cũng là thành phần đa số.
Và đó cũng là những gì Viện Bảo Hiến phán quyết, để áp dụng tiêu chuẩn vô tư, chọn lựa các ứng viên theo khả năng và sự học hỏi chuẩn bị của họ ( Corte Cost., n. 453, del 1990 e n.333 del 1993).

5 - Bảo vệ người dân trước mọi động tác của Chính Quyền.
Ngoài bốn nguyên tắc vừa kể, Hiến Pháp còn đưa ra chỉ thị để cảnh cáo Hành Pháp về trách nhiệm theo hình luật cũng như dân luật phải có trong mối hành xử tương quan với người dân:

" Các viên chức và thành viên thuộc hạ của tổ chức Quốc Gia và các cơ quan công cộng là những người chịu trách nhiệm trực tiếp theo hình luật, dân luật và luật hành chánh, về những động tác hành xử vi phạm quyền của người dân. Trong các trường hợp vừa kể, trách nhiệm dân sự sẽ liên quan đến cả tổ chức Quốc Gia và các sở bộ liên hệ" (Điều 28, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
" Chống lại với các tác động hành xử của hành chánh, sự bảo vệ pháp lý của các quyền và lợi thú chính đáng trước các cơ quan tư pháp thường nhiệm và cơ quan hành chánh luôn luôn được bảo đảm " (Điều 113, đoạn 1, id.).
" Quyền được bảo đảm pháp luật vừa kể không thể nào bị loại trừ hay giới hạn qua những phương thức tố giác hay tùy theo loại động tác đã được xử dụng " (Điều 113, đoạn 2, id.).
( Cannada Batoli, La tutela giuridiziaria del cittadino nei confronto della pubblica amministrazione, Giuffré, Milano 1964, 182).

 
Trước hết chỉ thị của điều 28 nêu lên một mặt có tính cách cảnh cáo đối với viên chức, các giới thuộc hạ tổ chức Quốc Gia và cơ quan Chính Quyền, mặt khác cũng để bảo đảm cho người dân không bị ai ức hiếp, gây thiệt hại một cách vô trách nhiệm về hình luật cũng như dân luật.
Mọi động tác vi phạm một cách bất chính quyền và lợi thú chính đáng của người dân, các viên chức và các giới thuộc hạ đương cuộc phải đứng ra trực tiếp chịu trách nhiệm về hành động của mình, " các viên chức và các thuộc hạ…là những người chịu trách nhiệm trực tiếp ".
Không ai có thể nhân danh cơ chế Quốc Gia hành động bất chính, phạm pháp, cậy quyền ỷ thế vào cơ chế Quốc Gia áp đặt lên đầu lên cổ dân chúng những bất hạnh, thiệt hại, rồi cười xoà, phủi tay trắng vô trách nhiệm, " theo lệnh cấp trên ".
Và nhiều khi còn dùng uy quyền hống hách để doạ nạt " cả vú lấp miện em ".
Người dân trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ, không ai là kẻ thấp cổ bé họng, bị kẻ có quyền lực hống hách bóp cổ, bịt miệng.
Hiến Pháp luôn đứng ra bảo vệ cho mọi người được " bảo vệ pháp lý bênh vực quyền và lợi thú chính đáng của mình trước các cơ quan tư pháp thường nhiệm và cơ quan hành chánh…".
Mọi công dân đều được thể chế Nhân Bản và Dân Chủ bảo đảm quyền bênh vực các quyền và lợi thú chính đáng của mình, người giàu có, có khả năng trí thức, có phương tiện tài chánh hay không có khả năng cũng vậy:

" Mọi người đều có quyền hành động để bảo vệ các quyền và lợi thú chính đáng của mình.
Quyền tự vệ và được bảo vệ là quyền bất khả xâm phạm ở mọi tiến trình và đẳng cấp của cuộc xử kiện.
Những ai không có phương tiện cũng sẽ được bảo đảm bằng các cơ quan và phương tiện thích hợp để hành động và tự bảo vệ trước mọi cơ quan tư pháp" (Điều 24, đoạn 1 - 3, id.)

Còn nữa, điều 28 được trích dẫn cũng cho chúng ta biết là mọi thiệt hại dân sự mà người dân phải gánh chịu một cách bất công, do hành vi hống hách phạm pháp của các viên chức thuộc hệ tổ chức Quốc Gia, Quốc Gia có trách nhiệm liên hệ để bồi thường, trong trường hợp cá nhân các viên chức không có khả năng trang trải cho thiệt hại, " trong các trường hợp vừa kể, trách nhiệm dân sự sẽ liên quan đến cả tổ chức Quốc Gia và sở bộ liên hệ ".
Và đó cũng là những gì được nghị quyết của Phủ Tổng Thống xác nhận ( art. 22 e 23 del D.P.R. del 10.01.1957, n.3).
Người dân trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ không phải là con số vô nghĩa, ai muốn đối xử sao cũng được.
Ý nghĩa vừa kể được nói lên qua đạo luật 1292 dân luật Ý Quốc, qua đó trong các trường hợp bị vi phạm bất công vừa kể, người dân có quyền đòi buộc trực tiếp tổ chức Quốc Gia hay các sở bộ liên hệ đền bù thiệt hại ( art 1392. cod. civ.).

Không những đối với Hành Pháp là cơ quan liên hệ chính, được đề cập đến trong bài viết hôm nay.
Điều 113, đoạn 2 được trích dẫn ở trên cho thấy Hiến Pháp cũng đặt giới hạn cảnh cáo cả Quốc Hội sau nầy không được vi phạm quyền người dân " có quyền được bảo vệ pháp lý " "để bênh vực quyền và lợi thú chính đáng của mình ở mọi tiến trình và mọi đẳng cấp của cuộc xử kiện" .
Quốc Hội Lập Pháp không thể vì lý do nầy hay lý chứng khác có thể " chuẩn y hay bác bỏ " các đạo luật chỉ định giới hạn phương thức tố giác hay giới hạn chỉ được tố giác một số động tác nào đó của Chính Quyền, " quyền được bảo đảm luật pháp vừa kể không thể bị loại trừ hay giới hạn qua những phương thức tố giác hay tùy theo những động tác đã được xử dụng" (Điều 113, đoạn 2, id.).
Nếu không, Quốc Hội sẽ bị đặt vào tình trạng vi hiến, với những phán quyết của Viện Bảo Hiến và sẽ chịu những hậu quả phải có của nó trước Tổng Thống và dân chúng.

Ngoài những chỉ thị vừa kể đối với Hành Pháp và giới hạn cách chuẩn y luật pháp đối với Lập Pháp, bên cạnh Viện Bảo Hiến "đứng giữa và đứng trên" để phán quyết các hành động vi hiến của bât cứ cơ chế nào, Lập Pháp, Hành Pháp cũng như Tư Pháp, chúng ta còn có
Hội Đồng Tư Vấn Quốc Gia ( Consiglio di Stato )
Viện Ngân Sách ( Corte dei Conti ) (Điều 100, đoạn 1 và 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)
có bổn phận góp ý kiến, kiểm soát chính hướng và kiểm soát ngân sách để xác định hành động hiệu năng, vô tư và hợp với chính hướng để đạt được mục đích ích lợi cho Quốc Gia và đáp ứng lại nhu cầu và ước vọng của người dân ( Temistocle Martines, Diritto Costituzionale, IX ed., Giuffré, Milano 1998, 444)

Qua những gì được duyệt xét, chúng ta thấy rằng Nhân Bản và Dân Chủ không phải chỉ tuyên bố mà có được cho Đất Nước và con người có được địa vị được kính trọng và các quyền bất khả xâm phạm của mình.
Thể chế Nhân Bản và Dân Chủ gồm cả một hệ thống chằn chịt các nguyên tắc đươn kết nhau để bảo đảm cho thực thi và ngăn cấm mọi lạm dụng lúc nào cũng có thể xãy ra, đàn áp, đê tiện hoá con người và lủng đoạn phá vở hệ thống dân chủ.
Nhân Bản và Dân Chủ, có hay không có các phương thức tránh lạm dụng, bảo đảm và tạo điều kiện thích hợp để thực thi những gì mình mơ ước cho Nhân Bản và Dân Chủ?
Nhân Bản và Dân Chủ Tự Do hay Nhân Bản và Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa, có hay không có những chỉ thị bảo chứng như vừa kể, bảo vệ nhân phẩm con người và bảo đảm cho thể chế dân chủ?
Những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc ra chỉ thị cho Hành Pháp, mà chúng ta cùng nhau bàn đến hôm nay, cũng là bài học để chúng ta mơ ước Nhân Bản và Dân Chủ cho Đất Nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét