Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Vũ Trọng Kim khẳng định: Hiến pháp là một đạo luật cơ bản của Nhà nước, là văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Trải qua hơn 60 năm lịch sử lập hiến với nhiều lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã cho thấy, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự “chuyển mình” của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới, ở một tầm cao mới.
Tiến sĩ Phan Bích Thiện (người đứng), Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ khóa VII, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hung-ga-ry phát biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. |
Hầu hết đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài đều bày tỏ vinh dự, phấn khởi khi được tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một sự kiện chính trị – pháp lý trọng đại của đất nước. Điều này đã thể hiện rõ tính dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đối với việc sửa đổi Hiến pháp. Đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã góp ý vào hầu hết các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, sự bảo hộ của Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Theo Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hung-ga-ry, những nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nâng Hiến pháp năm 1992 lên một tầm cao mới. Quyền công dân đã được cụ thể hóa, mở rộng đối với nhiều lĩnh vực. Dự thảo cũng đã đưa mục bảo vệ, bảo hộ công dân Việt Nam vào Điều 18, Chương II là việc làm mới, thiết thực… Bà Phan Bích Thiện kiến nghị dự thảo cần cụ thể hóa vai trò của MTTQ, đưa thành một chương riêng. Bên cạnh đó, việc tham gia quyền bầu cử và ứng cử đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng cần được thể hiện cụ thể hơn.
Ông Bùi Đình Dĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Nga, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, Hiến pháp cần phải ngắn gọn, dễ hiểu để phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Ông cũng góp ý cần nghiên cứu, cân nhắc thêm về khoản 2 Điều 18 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giao nộp cho nhà nước khác”. Ông dẫn chứng, một công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, có vợ con, gia đình, tài sản, công ăn việc làm ở nước ngoài vi phạm pháp luật ở nước ngoài trốn về Việt Nam, bên nước bạn yêu cầu ta giao nộp. Nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng luật và có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Cam-pu-chia nêu ý kiến, Hiến pháp sửa đổi cần quy định rõ chính sách của Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể như, hiện nay, rất nhiều người Việt Nam sinh sống nhiều đời tại Cam-pu-chia muốn về Việt Nam, nhưng không còn giấy tờ, nguồn gốc chứng minh thì cần có điều kiện gì để giúp họ hồi hương.
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung cấp nghề Việt Nam – Ca-na-đa, lại quan tâm đến Điều 19, khoản 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ông Bắc, quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là chưa thể hiện hết ý nghĩa đóng góp của bà con Việt kiều đối với đất nước. Vì vậy, nên chăng cần bổ sung thêm: Người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam…
Ông Tài Phương, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào bày tỏ mong muốn bên cạnh việc Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cần bổ sung thêm điểm Nhà nước bảo hộ người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đầu tư vào xây dựng phát triển đất nước. Điều đó khẳng định rõ người Việt Nam đầu tư làm ăn, góp phần xây dựng đất nước được Nhà nước bảo hộ, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch hội doanh nhân Việt kiều tại Ô-xtrây-li-a kiến nghị, dự thảo chưa có quy định rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài, như quy định thông thoáng hơn về mặt đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài cho họ có chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam giống người trong nước một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng người Việt Nam ở nước ngoài được hưởng mọi quyền lợi công dân khi đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam như sở hữu đất đai, nhà cửa tại Việt Nam hoặc được quyền tham gia vào chính quyền địa phương khi hồi hương, đóng góp cho quê hương…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần yêu nước, tâm huyết với Tổ quốc, quê hương của các đại biểu đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một việc hệ trọng của quốc gia. Đồng chí Huỳnh Đảm khẳng định, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp một cách đầy đủ, chính xác ý kiến của các đại biểu; đồng thời mong muốn các đại biểu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tiếp tục gửi những ý kiến tâm huyết, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Đào Hồng – Lâm Toàn
Nguồn: QĐND online http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/412/414/414/225059/Default.aspx
0 nhận xét:
Đăng nhận xét