Nguồn: signing-constitution
|
Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013
Mô hình bảo hiến kiểu châu Âu: Giám sát tập trung
23:24
Hoàng Phong Nhã
No comments
Khác
với mô hình bảo hiến kiểu Mỹ, các nước châu Âu lục địa không trao cho
Tòa án tư pháp thẩm quyền giám sát Hiến pháp mà thành lập cơ quan chuyên
trách để thực hiện chức năng này – được gọi là Tòa án Hiến pháp, Hội
đồng bảo hiến. Các cơ quan này không phải là cơ quan tư pháp mà là một
thể chế đặc biệt, tồn tại tương đối độc lập với cơ quan nhà nước. Mô
hình này được gọi là mô hình giám sát tập trung (Concentrated system).
Tòa án Hiến pháp được thành lập sớm nhất ở Áo (1920). Cho đến nay, đa số các quốc gia châu Âu đều áp dụng mô hình bảo hiến này.
Mô hình bảo hiến kiểu châu Âu có một số đặc điểm sau đây:
-
Hoạt động bảo hiến được thực hiện chủ yếu thông qua cơ quan bảo hiến
chuyên trách (Tòa án Hiến pháp, Hội đồng bảo hiến). Cơ quan này có vị
trí tương đối độc lập với các cơ quan thuộc nhánh quyền lực lập pháp,
hành pháp và tư pháp, có chức năng giám sát Hiến pháp, gồm những Thẩm
phán có trình độ cao được bổ nhiệm hoặc bầu theo thủ tục đặc biệt;
-
Giám sát Hiến pháp theo mô hình kiểu châu Âu vừa là giám sát cụ thể,
vừa là giám sát trừu tượng; thực hiện cả giám sát trước và giám sát sau.
Việc xem xét tính hợp Hiến của một đạo luật có thể gắn liền với việc
giải quyết một vụ việc cụ thể nào đó, những cũng có thể được tiến hành
khi có đề nghị của chủ thể có thẩm quyền (Tổng thống, Thủ tướng, các
nghị sỹ, Thanh tra Nghị viện…);
-
Thẩm quyền giám sát Hiến pháp được thực hiện theo một thủ tục đặc biệt,
khác với thủ tục giải quyết vụ việc thông thường tại Tòa án tư pháp;
-
Phán quyết của cơ quan bảo hiến là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc
đối với các chủ thể kể từ khi một quy phạm, một chế định hoặc một văn
bản nào đó bị tuyên bố là vi Hiến.
Những đặc điểm này cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa mô hình bảo hiến kiểu châu Âu và mô hình bảo hiến kiểu Mỹ. Sự khác biệt này có thể được lý giải bằng một số nguyên nhân sau đây:
Một là,
nhận thức về các đạo luật. Nếu như trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ,
thực tiễn xét xử của các Tòa án là một nguồn luật cơ bản, chủ yếu thì
đối với các nước châu Âu lục địa, luật thành văn có giá trị rất quan
trọng và được coi là nguồn luật cơ bản chỉ đứng sau Hiến pháp), các đạo
luật phải phù hợp với Hiến pháp. Do đó, Tòa án trong thực tiễn xét xử
của mình không thể phán xét về tính hợp Hiến của các đạo luật. Chức năng
này phải do một cơ quan có thẩm quyền cao hơn thực hiện;
Hai là,
các nước châu Âu lục địa quan niệm rằng Thẩm phán Tòa án tư pháp cũng
giống như các quan chức hành chính khác, khó có thể cưỡng lại sức ép từ
cơ quan lập pháp và hành pháp, do đó không thể đưa ra phán quyết đúng
đắn về tính hợp Hiến của văn bản cũng như hành vi do cơ quan lập pháp,
hành pháp ban hành hoặc thực hiện;
Ba là,
ở châu Âu, các Thẩm phán Tòa án tư pháp có sự chuyên môn hóa cao, do đó
tầm nhìn của họ thường bị giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, không
như Thẩm phán ở Anh, Mỹ. Mô hình tài phán Hiến pháp của Mỹ chỉ phù hợp
với trường hợp không có sự chuyên môn hóa cao như ở châu Âu;
Bốn là,
nếu như ở Mỹ, Nghị viện không thể một mình thay đổi luật mà cần phảo có
chế định về quyền phủ quyết của Tổng thống và của Tòa án Tối cao thì ở
các nước châu Âu, việc sửa một đạo luật đối với Nghị viện khá đơn giản,
chỉ cần được các nghị sĩ tán thành theo tỷ lệ đa số thường. Với tỷ lệ
tán thành đó, Nghị viện có thể phủ quyết luôn cả phán quyết của Tòa án.
Trong
số các quốc gia châu Âu áp dụng mô hình cơ quan bảo hiến chuyên trách,
Hội đồng bảo hiến là thiết chế bảo hiến có một số điểm riêng biệt. Hiện
nay, giữa các nhà nghiên cứu còn đang tranh luận về ranh giới để phân
biệt mô hình này với mô hình kiểu châu Âu truyền thống. Theo nhà Hiến
pháp học người Pháp L.Favoreu, Hội đồng bảo hiến không khác Tòa án Hiến
pháp về thành phần và thẩm quyền hoạt động. Tuy nhiên, có quan điểm coi
đây là mô hình tổ chức cơ quan bảo hiến riêng (gọi là mô hình bảo hiến
kiểu Pháp – The “French” Model) và cho rằng Hội đồng bảo hiến (hay các
thiết chế tương tự) chỉ là các cơ quan bán tư pháp, hoạt động
chủ yếu dựa trên các thủ tục tố tụng, thiếu tính tranh luận và công
khai. Trong mô hình này, quyền giám sát Hiến pháp được giao tập trung và
được thực hiện theo một thủ tục đặc biệt. Giám sát Hiến pháp chủ yếu là
giám sát trước, có cả giám sát quyết định và giám sát có tính chất tư
vấn. Hệ thống này thường có hoạt động giám sát mang tính bắt buộc, đặc
biệt là các vấn đề liên quan đến các luật về tổ chức và hoạt động của bộ
máy nhà nước, quy chế hoạt động của Nghị viện, các vụ tranh chấp, khiếu
kiện về bầu cử. Quyết định của Hội đồng bảo hiến là chung thẩm và có
hiệu lực pháp lý bắt buộc. Ngoài Pháp, một số nước như Algeria, Comoros,
Djibouti, Morocco, Bờ Biển Ngà, Mozambic… cũng lựa chọn cách tổ chức cơ
quan bảo hiến chuyên trách theo mô hình này.
Quỳnh Nhi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét