Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

NHỮNG YẾU TỐ MỚI TÁC ĐỘNG TỚI BỘ MÁY NHÀ NƯỚC


(Nguồn: Tạp chí
Tổ chức nhà nước số 3/2010)
VŨ KHOAN Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ



Là bộ phận quan trọng của thượng tầng kiến trúc, bộ máy nhà nước không thể không thích nghi với những biến đổi ở hạ tầng cơ sở. Một khi hạ tầng cơ sở về kinh tế - xã hội đã có sự thay đổi thì vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước tất yếu sẽ phải có sự điều chỉnh. Điều đó cũng đúng với hoàn cảnh của nước ta trong thời kỳ có những sự chuyển đổi sâu rộng chí ít trên 6 mặt sau:

Một là, hơn 20 năm nay nước ta đã thực hiện sự chuyển đổi từ thể chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp với hai thành phần kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể, sang thể chế kinh tế thị trường nhiều thành phần đang ngày càng được hoàn thiện;

Hai là
, nước ta đang thoát dần từ trạng thái kém phát triển sang nước có thu nhập trung bình, đồng thời đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Nói một cách khác, nước ta đang chuyển từ xã hội nông nghiệp đã tồn tại hàng mấy nghìn năm nay sang xã hội công nghiệp.

Ba là,
từ một nền kinh tế tự cấp tự túc là chính và bị bao vây cô lập trong thời gian dài, Việt Nam đã đạt tỷ lệ sản xuất hàng hóa khá cao và hội nhập hoàn toàn, đầy đủ với nền kinh tế thế giới;

Bốn là
, từ một cơ chế mang nặng nhân tố "nhân trị" vận hành chủ yếu theo các chỉ thị, nghị quyết, thậm chí các "ý kiến chỉ đạo", chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền;

Năm là
, sống trong nhà nước của dân, do dân, vì dân, chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ trong bối cảnh dân trí đã và đang có những thay đổi rất sâu sắc;

Sáu là
, nước ta đang tiếp tục thực hiện sự quá độ lên xã hội chủ nghĩa và điều này đặt dấu ấn đậm nét lên tất cả những sự chuyển đổi trên.
Tất cả biến chuyển đó còn đang vận động nên có thể nói, nước ta đang ở thời kỳ chuyển tiếp pha trộn giữa cái cũ và cái mới.
Vấn đề đặt ra là những sự chuyển đổi đó tác động thế nào đến vai trò, chức năng, cơ cấu, cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước?

1. Tác động của sự chuyển đổi sang thể chế thị trường:

- Trong thể chế kinh tế thị trường, sự vận hành của nền kinh tế chịu tác động đáng kể của những quy luật thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh... Điều đó đòi hỏi nhà nước chuyển mạnh từ sự điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sang điều hành bằng những đòn bẩy kinh tế trên tầm vĩ mô như thuế suất, lãi suất, tỷ giá... còn các chỉ tiêu kinh tế chỉ mang tính định hướng, không nên coi là pháp lệnh như trước đây vì nền kinh tế thị trường biến động không ngừng, chứa đựng nhiều nhân tố khó lường;

- Trong nền kinh tế nhiều thành phần, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều quyền chủ động hơn, đồng thời lại được cổ phần hóa; tỷ trọng các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, kể cả nước ngoài ngày một lớn, cho nên nhà nước một mặt không thể can dự trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ, mặt khác có trách nhiệm chăm lo tới mọi thành phần chứ không còn bó hẹp trong vai trò "chủ quản" đối với các doanh nghiệp của riêng bộ, ngành mình nữa;

- Phù hợp với hoàn cảnh đó, nhà nước nên tập trung cao độ vào việc kiến tạo và hoàn thiện những nhân tố tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia như hành lang pháp lý, quy hoạch, quy chuẩn quy phạm, kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, giữ vững an ninh chính trị - kinh tế và trật tự an toàn xã hội...;

- Trong thể chế kinh tế thị trường nhiều thành phần, cần bảo đảm tính đại diện rộng rãi hơn của các giai tầng xã hội, các thành phần kinh tế trong cả các cơ quan lập pháp lẫn hành pháp (và cả Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội của Đảng) để có thể nắm bắt được chuẩn xác hơn tâm tư nguyện vọng và đưa ra những quyết sách hợp hơn đối với các tầng lớp nhân dân;
- Thể chế kinh tế thị trường tiềm ẩn không ít nhân tố có thể tác động tiêu cực tới bộ máy nhà nước như độ bất trắc, rủi ro cao; nguy cơ tham nhũng lớn..., do đó bộ máy nhà nước phải chuyển mạnh sang công tác dự báo; phải hình thành những thiết chế phòng ngừa nạn tham nhũng hoành hành...

2. Tác động của sự chuyển tiếp từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại:

Đây là bước chuyển tiếp khó khăn, kéo dài không chỉ vài ba thập kỷ, đụng chạm tới toàn xã hội cũng như mọi mặt của cuộc sống và đương nhiên tới cả bộ máy nhà nước. Ngày nay nước ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình này, do đó đang chịu "tác động kép" của cả xã hội nông nghiệp tồn tại từ ngàn xưa lẫn xã hội công nghiệp đang hình thành nhưng lại chuyển động nhanh chóng. Trong hoàn cảnh đó thực khó bề định rõ được tác động của quá trình chuyển tiếp này đối với bộ máy nhà nước; vì vậy dưới đây chỉ xin gợi ý một số hướng để cùng nhau suy nghĩ, bàn thảo:

- Mặc dầu nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng cái "gen" nông nghiệp còn khá đậm, dân số nông thôn còn chiếm trên 70% dân số và trên 54% lực lượng lao động; nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò to lớn, chiếm trên 20% GDP, cung cách sinh hoạt và làm việc của người dân và viên chức còn mang nặng tố chất của xã hội nông nghiệp... Thực trạng này đẻ ra hai hệ lụy cần tính đến trong bộ máy nhà nước: (i) bộ máy nhà nước cần tiếp tục dành ưu tiên cao cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; cơ cấu tổ chức Chính phủ cũng không thể không tính đến nhân tố này; (ii) năng lực, phong cách làm việc của bộ máy nhà nước chưa thể thoát ngay khỏi những truyền thống, thói quen của xã hội nông nghiệp, do đó cần có kế hoạch từng bước rũ bỏ chúng, đồng thời chuyển bộ máy đó sang cung cách làm việc theo phong cách công nghiệp, theo hướng hiện đại;

- Song song với quá trình công nghiệp hóa là quá trình đô thị hóa tăng tốc. Điều đó đòi hỏi bộ máy nhà nước không chỉ ở các đô thị lớn mà cả ở các thị xã, thị trấn, thị tứ, thậm chí ở cả làng, xã cũng đang bị "đô thị hóa" làm quen với phương thức quản lý đô thị;

- Quá trình công nghiệp hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập với thế giới, phát triển bền vững trở nên yêu cầu rất gay gắt, đòi hỏi bộ máy nhà nước dành ưu tiên cao cho việc chăm lo tới yêu cầu này, nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và tầng lớp dân cư, bảo vệ môi trường; còn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thì dành quyền chủ động cho các doanh nghiệp;

- Công nghiệp hóa theo hướng hiện đại cũng đặt ra yêu cầu đổi mới phong cách làm việc và phương tiện quản lý tương ứng.

3. Tác động của quá trình hội nhập quốc tế:

Quá trình hội nhập quốc tế đặt ra không ít vấn đề mới mẻ đối với bộ máy nhà nước. Sơ bộ có thể hình dung những vấn đề sau:
- Do phải tuân thủ những quy định chung và những cam kết quốc tế nên sự chủ động của nhà nước ta trong việc xây dựng pháp luật về kinh tế phần nào đó bị thu hẹp. Trong hoàn cảnh đó, bộ máy nhà nước cần nắm vững những quy định và cam kết quốc tế, vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật để vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa tuân thủ những quy định và cam kết quốc tế;

- Thể theo những quy định và cam kết quốc tế về hội nhập nói chung không được sử dụng những biện pháp hành chính mệnh lệnh, phi quan thuế để bảo hộ sản xuất trong nước, vì vậy bộ máy nhà nước phải chuyển mạnh sang việc sử dụng những biện pháp kinh tế và những rào cản kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước và người tiêu dùng;

- Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, một phần thể hiện trong những vụ tranh chấp thương mại, do đó bộ máy nhà nước có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, nắm vững những quy định, cam kết quốc tế cũng như những thủ đoạn các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng; cảnh báo sớm, hướng dẫn họ đối phó và khi cần thì đứng ra bảo vệ lợi ích chính đáng của họ;

- Khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì phải chịu tác động nhanh, mạnh của những chuyển biến trên thị trường thế giới, do đó bộ máy nhà nước cần gia tăng mạnh mẽ công tác theo dõi, phân tích, dự báo những diễn biến ấy để có biện pháp đề phòng;

- Hội nhập kinh tế đặt ra những vấn đề mới về xã hội (ví dụ sự phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, những tội phạm xuyên quốc gia truyền thống và phi truyền thống...), về an ninh quốc phòng (nay những mối đe dọa về mặt này mang tính toàn diện liên quan tới mọi lĩnh vực, thâm nhập sâu vào nội địa nước ta và tác động khá nhanh chóng), vì vậy bộ máy nhà nước cần có những sự điều chỉnh cần thiết về phương thức hoạt động để phòng ngừa, ứng phó.

4. Tác động của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền:


- Lẽ đương nhiên là không chỉ các cơ quan lập pháp và tư pháp mà cả các cơ quan hành pháp cũg cần dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện, thực thi, kiểm tra việc thi hành pháp luật;

- Một hướng quan trọng của bộ máy nhà nước về mặt này là điều chỉnh lại hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với những chuyển biến mới nêu ở trên;

- Khác với các nước đã có truyền thống phát triển nhà nước pháp quyền từ lâu và người dân có thói quen tuân thủ pháp luật, nước ta mới bước vào giai đoạn đầu của quá trình này, người dân đang còn trong quá trình thoát khỏi những thói quen của thời chiến, của xã hội nông nghiệp và cơ chế cũ nên ý thức tôn trọng pháp luật còn chưa cao. Trong hoàn cảnh đó, bộ máy nhà nước không nên chỉ chú trọng tới công tác xây dựng pháp luật mà còn cần quan tâm đặc biệt tới công tác nâng cao dân trí và cả quan trí về ý thức tôn trọng pháp luật.

- Nhu cầu xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thực thi pháp luật trở thành vấn đề thời sự, trong đó bao gồm cả việc xử lý mối quan hệ giữa ba hệ lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa sự lãnh đạo của Đảng với tính độc lập cần thiết của cơ quan tư pháp.

5. Tác động của yêu cầu xây dựng xã hội dân chủ:


- Dù đã nói nhiều tới các khái niệm như Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra (và cả dân thụ hưởng); xây dựng dân chủ cơ sở... song cho tới nay cơ chế vận hành để đưa các khái niệm ấy vào cuộc sống vẫn còn nhiều khoảng chống. Ngay như việc thông qua luật về các tổ chức xã hội, trưng cầu dân ý, đình công, biểu tình... vẫn còn để ngỏ.

- Một yêu cầu quan trọng, có ý nghĩa quyết định là xây dựng nhận thức của cả bộ máy nhà nước và người dân về một xã hội dân chủ, ở đó người dân phải có ý thức tự chăm lo, tránh ỷ lại vào nhà nước, mặt khác bộ máy nhà nước cần thoát khỏi thói quen bao biện làm thay hay phó mặc cho dân. Nói một cách khác cần phân biệt càng rạch ròi càng hay: nhà nước làm gì, người dân làm gì, tránh rơi vào cả hai thái cực.

- Trước mắt rõ ràng cần xây dựng, hoàn thiện, nhân rộng cơ chế tự đóng góp (mà ta gọi là xã hội hóa), tự lo một số dịch vụ công, tự quản ở khu dân cư theo pháp luật của nhà nước.

6. Tác động của định hướng xã hội chủ nghĩa:


Đây là điểm khác cơ bản giữa nước ta với các nước khác (trừ các nước đi theo định hướng như ta nhưng cũng có hoàn cảnh khác). Có lẽ sự khác biệt này thể hiện ở chỗ:

- Đảng đóng vai trò lãnh đạo (tuy nhiên ở đây cũng có vấn đề cần đổi mới thế nào phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

- Trong hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, ngoài bộ máy nhà nước còn có các đoàn thể chính trị - xã hội (về mặt này cũng có không ít vấn đề cần được trao đổi như hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tổ chức xã hội ra đời và hoạt động; làm sao hạn chế được tình trạng hành chính hóa của các tổ chức chính trị - xã hội; mối quan hệ của họ với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước.

- Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tóm lại, hoàn cảnh mới của đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề mới đối với việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, trên đây chỉ là một số gợi ý sơ bộ, với mục đích duy nhất là thu hút sự quan tâm của dư luận và các cơ quan hữu trách tới cục diện mới, cùng nhau phân tích những tác động của những thay đổi đó để tìm ra các giải pháp thích hợp./.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét