Từ thời Napôlêông, ở Pháp lãnh thổ quốc gia chia thành các tỉnh (90 tỉnh). Tỉnh trưởng vừa là người đại diện cho Chính phủ trung ương tại địa phương và là người đứng đầu hành pháp Pháp tại cộng đồng. Tỉnh là một cộng đồng lãnh thổ , có Hội đồng, có ngân sách nhưng người đứng đầu hành pháp là công chức nhà nước do nhà nước bổ nhiệm. Tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành tổng, đây là các đơn vị hành chính trung gian, còn đơn vị hành chính cơ sở là công xã- là đơn vị quần cư từ một làng nhỏ có từ ba đến bốn trăm dân ở nông thôn đến thành phố lớn có từ bốn đến năm triệu dân. Các công xã trực tiếp đặt dưới sự cai quản của tỉnh. Mọi quy định của pháp luật về nền hành chính địa phương của Pháp từ đó tới mãi về sau cũng rất ít thay đổi cho đến tận những năm của thập kỷ 80 khi xuất hiện Hiến chương tản quyền và phân quyền. Từ 1963, thành lập ra cấp hành chính vùng bao quát lãnh thổ hành chính ở một số tỉnh.
Trung tâm của vùng là trung tâm của tỉnh lớn nhất trong số các tỉnh thuộc vùng.
Hiện nay đơn vị hành chính địa phương ở Pháp gồm 3 cấp: vùng, tỉnh, công xã.
Mô hình tản quyền được áp dụng ở nước này thể hiện ở chỗ tại các địa bàn hành chính địa phương có các công chức thuộc bộ máy nhà nước trung ương hoạt động. Nói cách khác hoạt động quản lý của bộ máy hành chính nhà nước trung ương kéo dài tới tận địa phương thông qua các công sở nhà nước tại địa phương. Với mô hình này các Vùng trưởng, Tỉnh trưởng là những nhân vật do Tổng thống bổ nhiệm, là người đại diện cho nhà nước cai quản trên địa bàn lãnh thổ.
Bên cạnh đó cũng cần phải thấy rằng, song song với chế độ tản quyền, ở Pháp còn áp dụng chế độ phân quyền trong tổ chức chính quyền của địa phương. Thể hiện ở việc xoá bỏ chế độ giám hộ đối với Hội đồng địa phương. Tuy nhiên, vẫn tồn tại chế độ kiểm tra của Chính phủ đối với các Hội đồng này, mà chủ yếu là thông qua chế độ kiểm tra tính hợp pháp các văn bản do Hội đồng ban hành.
Từ đầu những năm 80 thế kỷ 20, ỏ Pháp có 22 vùng kể cả các vùng đặc biệt, chúng được quản lý bởi các Hội đồng vùng. Các Hội đồng này do dân cư trong vùng bầu nên, Chủ tịch vùng được bầu ra từ số các thành viên của Hội đồng vùng. Chủ tịch Hội đồng vùng có quyền hành pháp cao nhất trong vùng. Hội đồng vùng có cơ quan quản lý hành chính: các công sở giúp cho Chủ tịch Hội đồng vùng hoạt động. Còn Vùng trưởng là người đại diện cho nhà nước ở vùng và chỉ thực hiện chức năng giám sát về tính hợp pháp trong các hoạt động của Hội đồng vùng. Như vậy, có thể nhận thấy ở đây tồn tại chính quyền đúp- chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Các công xã là cộng đồng dân cư -lãnh thổ nhiều nhất hiện nay ở nước này có tới 36700 công xã, với số dân cư không giống nhau: từ 100 người trong một công xã nông thôn cho tới 300.000 người ở thành phố. Đứng đầu công xã là Hội đồng tự quản gồm từ 9 đến 69 uỷ viên, tuỳ thuộc vào dân số của công xã, do các cử tri công xã bầu nên. Hội đồng bầu Thị trưởng công xã. Thị trưởng vừa là người đại diện cho Hội đồng vừa là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, điều hành công xã.
§ Tổ chức chính quyền địa phương ở Cộng hoà Liên bang Đức
Khác với nước Pháp, ở Cộng hoà Liên bang Đức mô hình tổ chức hành chính địa phương được thiết lập trên cơ sở kết hợp giữa tản quyền và phân quyền, nhưng có xu hướng thiên về phân quyền.
Tổ chức hành chính địa phương ở Đức có 3 cấp: cấp khu (liên huyện), huyện, xã.
Nguyên tắc tản quyền được thể hiện ở phương thức tổ chức hành chính cấp khu và cấp huyện. Hiện nay, ở Đức có gần 50 khu, đứng đầu mỗi khu là một công chức do Chính phủ bang bổ nhiệm, ở huyện Chủ tịch huyện là công chức do nhà nước bổ nhiệm.
Nguyên tắc phân quyền được thể hiện rõ nét nhất là ở cách tổ chức hành chính cấp huyện và xã.
Xã là cấp chính quyền hành chính thấp nhất ở địa phương, dân chúng thường gọi là “Chính phủ xã” vì ở đây thể hiện rõ chế độ dân chủ và nguyên tắc phân quyền. Một số xã nhỏ có thể liên kết thành liên xã. Toàn nước Đức hiện nay có 14.619 xã và 8 liên xã. Hội đồng xã là cơ quan đại diện của nhân dân trong xã, do các cử tri trong xã bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Hội đồng bầu xã trưởng, trừ ở Bađen Wurtenrg và Byern do dân cư trực tiếp bầu.
Ơ Cộng hoà Liên bang Đức trong tổ chức hành chính địa phương có cấp huyện, cấp huyện là cấp trung gian, được coi là một cấp đại diện địa phương. Huyện được coi là “hiệp hội của các xã” hay là đại diện khu vực hoặc đại diện luật pháp công… Như vậy, ở Đức huyện không phải là cơ quan hành chính cấp trên của xã, ở Đức có những xã thuộc huyện và cả những xã không thuộc huyện.
Huyện có quyền tự quản hành chính riêng và cũng là một đơn vị tự quản địa phương, có nhiệm vụ hỗ trợ công việc quản lý hành chính cho các xã thuộc huyện với tư cách là một “hiệp hội” của các xã.
Hiện nay ở Đức có hơn 460 huyện và các thị xã có địa vị pháp lý tương đương như huyện, có khoảng 180. Các huyện được coi là đơn vị hành chính chủ đạo.
Trong các xã với số dân hơn 100 nghìn thì có thể lập ra huyện riêng và thành lập Hội đồng huyện. Hội đồng huyện có quyền biểu thị ý kiến của mình về tất cả các vấn đề quan trọng động chạm tới đời sống của huyện. Về nguyên tắc chung ở huyện có ba cơ quan với những quyền lực nhất định: Hội đồng huyện, Uỷ ban huyện và Chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện do Hội đồng huyện bầu ra, hoặc do dân cư trực tiếp bầu ra.
Theo pháp luật nước này, Bộ Nội vụ là cơ quan giám sát pháp luật cao nhất đối với hoạt động của các cơ quan tự quản. Các cơ quan giám sát pháp luật cấp trung gian đối với tất cả các xã và liên xã là cục Nội vụ thuộc khu. Cách tổ chức kiểu này là sự kết hợp giữa nguyên tắc phân quyền và tản quyền.
Hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của CHLBĐ được đánh giá là khá phân tán. Nhiều người không tin tại sao với bộ máy phân quyền mạnh như vậy lại có thể hoạt động quản lý hành chính nhà nước một cách có hiệu quả cao. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng bộ máy hành chính nhà nước Đức hoạt động với hiệu quả cao. Chúng tôi cho rằng hiệu quả đó có được là do sự kết hợp nguyên tắc tản quyền và phân quyền ở mức độ hợp lý ở một trình độ cao, tạo nên sự tự quản địa phương.
Như vậy, tổ chức chính quyền địa phương có nhiều vấn đề linh hoạt. chính quyền địa phương cấp thấp nhất được quyền quyết định mọi vấn đề có ý nghĩa địa phương.
§ Tổ chức chính quyền địa phương ở Thụy Điển
Chính quyền Thuỵ Điển tổ chức thành 3 cấp: quốc gia, tỉnh và huyện.
- Hội đồng tỉnh có nhiệm vụ chủ yếu là phụ trách hệ thống y tế, hỗ trợ các hoạt động văn hoá, điều khiển hệ giao thông trong địa phận của mình.
- Về sự phát triển kinh tế của vùng, Hội đồng tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đối với kế hoạch nhà nước ở cấp tỉnh. Cùng với nhà nước, các Hội đồng chịu trách nhiệm về quỹ phát triển vùng, được dùng để hỗ trợ về tài chính và hoạt động cho các công ty nhỏ và vừa.
- Huyện có trách nhiệm lớn lao, từ việc phát triển của cá nhân và phúc lợi xã hội của họ đến những vấn đề của cộng đồng như việc hoạch định, duy trì và bảo vệ môi trường tự nhiên, các dịch vụ khẩn cấp, dân phòng, giao thông vận tải, các dịch vụ kỹ thuật; các chương trình giải trí và văn hoá…
Tổng số những nhiệm vụ được phân công cho chính quyền địa phương, nổi bật nhất là quyền trong hệ thống giáo dục. Thí dụ, trong những năm gần đây, các huyện đã được giao trách nhiệm chính thức về tuyển dụng giáo viên.
Nhà nước thông qua luật về cơ cấu cơ bản trong hoạt động của chính quyền địa phương. Nhà nước cũng chỉ dẫn và giám sát chính quyền địa phương, thông qua việc ra sắclệnh và quy định, thẩm tra tính hợp pháp của các quyết định của địa phương thông qua toà án thượng thẩm, toà án hành chính tối cao và các hình thức kháng cáo khác, cũng như thông qua việc các cơ quan nhà nước giám sát chính quyền. Nhà nước cũng có thể tác động gián tiếp đến tình hình tài chính của chính quyền địa phương thông qua các chính sách kinh tế chung.
§ Tổ chức chính quyền địa phương ở Đan Mạch
Chính quyền Đan Mạch tổ chức thành 3 cấp: Trung ương, Tỉnh (gồm 1 tỉnh và tương đương cấp tỉnh), quận, huyện (gồm 275 quận, huyện).
Quận nhỏ nhất chỉ có 5000 người, quận lớn nhất có 250.000 người. Dưới cấp quận có thể chia thành xã, phường nhưng đây không phải là một cấp hành chính mà chỉ là việc chuyển một số chức năng cho cơ sở tự quản.
Đan Mạch có sự phân quyền rất mạnh cho chính quyền địa phương. Có thể nói chính quyền địa phương ở Đan Mạch được giao nhiều trách nhiệm và có thực quyền hơn nếu so sánh với nhiều nước khác.
Chức năng lập pháp của bộ máy chính quyền ở cả trung ương lẫn địa phương đều được coi trọng và được phân chia sao cho không chồng chéo lên nhau.
Chính quyền trung ương có những nhiệm vụ chính sau: Lập chính sách và quản lý hành chính tư pháp; đối ngoại, quốc phòng, nghiên cứu và giáo dục ở cấp cao; các chế độ ưu đãi và hưu trí; bảo hiểm thất nghiệp; bảo trợ trẻ em; cứu trợ những người cô đơn không nơi nương tựa; một số hoạt động văn hoá; hỗ trợ thương mại và công nghiệp.
Nhiệm vụ của chính quyền tỉnh tập trung vào y tế, giáo dục trung học và một số nhu cầu của các vùng dân cư rộng lớn.
Chính quyền huyện quản lý các vấn đề xã hội, trong đó chú trọng đặc biệt đến vấn đề giáo dục tiểu học và môi trường.
Về nguồn tài chính địa phương: các khoản thu được duy trì từ thuế, các nguồn đầu tư (các cơ sở Nhà nước và tư nhân), từ phần trăm các khoản cho vay hoàn trả, các khoản cho vay về chi phí xây dựng…
Việc quản lý Nhà nước đối với chính quyền địa phương thể hiện ở chỗ: các Hội đồng địa phương theo dõi, giám sát việc thực thi pháp luật và sẽ có biện pháp xử lý nếu các nhà chức trách địa phương có những hành vi trái pháp luật. Bộ trưởng Bộ Nội vụ là người có thẩm quyền giám sát cao nhất đối với chính quyền các tỉnh và thành phố.
Về ngân sách, giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương hình thành sự hợp tác về ngân sách, có nghĩa là có sự liên hệ thường xuyên giữa trung ương và địa phương trong việc điều hành và quản lý kinh tế ở địa phương.
§ Tổ chức chính quyền địa phương ở Italia
Nhà nước Italia được phân chia thành 4 cấp chính quyền:
- Chính phủ trung ương
- Vùng (có 20 vùng)
- Tỉnh (105)
- Xã (commune), có hơn 8000 xã
Nhà nước trung ương phân chia quyền lực cho chính quyền địa phương, Nhà nước chỉ nắm giữ một số lĩnh vực lớn thuộc về chính sách như: chính sách bảo vệ quyền công dân, chính sách dân sự, chính sách đối ngoại, chính sách tư pháp, chính sách chung về giáo dục.
Còn lại đều thuộc thẩm quyền của địa phương như: giao thông, lao động và việc làm; y tế; trường học; nhà ở và các dịch vụ xã hội khác.
Địa phương ngày càng đòi hỏi có quyền quyết định nhiều vấn đề hơn
Về ngân sách, chính quyền địa phương thụ hưởng ngân sách bằng 2 nguồn: do nhà nước cấp và nguồn thu của địa phương. Tuỳ theo địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hay thấp để trung ương điều tiết.
Commune ở Italia là cấp thấp nhất, nhưng không phải là nhỏ nhất. Ví dụ Thủ đô Rôma vừa là tỉnh, vừa là thành phố, vừa là comun. Comun là một đơn vị cơ sở, là một cấp hành chính cuối cùng (tuy nhiên riêng ở Rôma đang thí điểm việc chia thành 4 quận với một số chức năng được chuyển giao từ comun xuống cho quận).
Tuy nhiên hiện nay Hạ viện Italia đang thảo luận và xem xét nội dung của Hiến pháp sửa đổi về vấn đề chính quyền 4 cấp đã phù hợp chưa, việc mở rộng thêm quyền cho vùng, tỉnh, xã đến giới hạn nào là vừa.
Về sự phối hợp và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với địa phương chủ yếu thực hiện theo các luật đã ban hành (như các luật thuế, luật ngân sách, luật môi trường, luật giáo dục, luật về nhà ở … trong các luật này đều quy định cụ thể về quyền của nhà nước trung ương và của chính quyền địa phương). Song cũng có sự phối hợp giữa chính quyền trung ương với các địa phương bằng hội nghị liên vùng, hình thức tổ chức này được thực hiện theo quy ước mỗi tháng một lần, do yêu cầu của Chính phủ hoặc do yêu cầu, kiến nghị của các địa phương, các vùng. Đây là tổ chức không có quyền quyết định, chỉ có quyền tư vấn và đưa ra các khuyến nghị để thực hiện tốt hơn sự phối hợp giữa trung ương và địa phương. Nó có tác dụng làm cho nhà nước hiểu sâu hơn các nhu cầu của người dân ở địa phương.
Trong khuôn khổ cải cách hành chính, ngoài “Hội nghị liên vùng”, còn có 13 hệ thành phố lớn tham gia Hội nghị “kiểu liên thành phố”. Các hội nghị này đã tạo ra sự phối hợp hoạt động giữa các thành phố với nhau và nắm bắt được nhiều thông tin từ phía công chúng để quyết định chính xác hơn các chính sách kinh tế- xã hội ở địa phương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét