Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Việc hiến định vị thế 'ngôn ngữ quốc gia' của tiếng Việt ở Việt Nam: Một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu

Nguyễn Thị Thanh Bình
Báo cáo khoa học tại Hội thảo ngôn ngữ học Liên Á năm 2005 tại Hà Nội.
Tóm tắt
Khác với quan điểm của một số học giả đi trước, một số công trình mới đây về chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam đưa ra kiến nghị là cần phải hiến định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt ở Việt Nam. Tác giả bài viết này mong muốn được góp một ý kiến vào cuộc thảo luận về vấn đề trên.
Bằng tư liệu lí thuyết, tư liệu thực tiễn ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ trên thế giới về vấn đề ‘ngôn ngữ quốc gia’, tác giả bài viết cho rằng, những căn cứ mà các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đưa ra để minh chứng cho sự cần thiết phải hiến định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt còn mang nhiều tính lí thuyết, ít hơi thở của cuộc sống thực tế và do đó mà chưa đủ sức thuyết phục để làm cở sở vững chắc cho việc hoạch định một chính sách ngôn ngữ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam trong thời kì hiện nay.
Bài viết xuất phát từ quan điểm về tính phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của chính sách ngôn ngữ (trong đó có việc hiến định/luật định ngôn ngữ quốc gia) để xem xét trường hợp tiếng Việt ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tác giả bài viết kết luận rằng, vấn đề hiến định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu một cách cẩn trọng từ nhiều góc độ khác nhau như ngôn ngữ, chính trị, xã hội, cũng như thái độ ngôn ngữ của người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc các cộng đồng dân tộc ít người.
1. Vấn đề
Nhiều nhà Việt ngữ học dùng cụm từ ‘ngôn ngữ quốc gia’ để chỉ tiếng Việt ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến nay mặc dù cách dùng này chưa một lần xuất hiện trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Tác giả Lê Quang Thiêm (2000) dường như có lí khi cho rằng: “Không thể mặc nhiên thừa nhận ngôn ngữ dùng chung, tiếng phổ thông, ngôn ngữ giáo dục là ngôn ngữ quốc gia” (tr. 33). Từ đây xuất hiện các kiến nghị về việc chế định (ở hình thức cao nhất là hiến định) vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt ở Việt Nam. Về vấn đề trên, có ít nhất là hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất được tác giả Nguyễn Kim Thản phát biểu như sau trong một bài viết vào năm 1975 (được in lại trong tuyển tập xuất bản năm 2003): “… chính quyền của ta không quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, bắt buộc cho mọi công dân.” Bởi vì, “Đảng và Nhà nước ta theo đúng chính sách của Lênin đối với các dân tộc trong một quốc gia có nhiều dân tộc: tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, không công nhận đặc quyền cho bất kì ngôn ngữ nào, không cưỡng bức các dân tộc thiểu số dùng tiếng của dân tộc đa số.” Tác giả cho rằng việc chúng ta “lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp chung” là “vấn đề thực tiễn” và được các dân tộc anh em nhất trí (tr. 21-22).
Hơn một thập kỉ sau, vấn đề về vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt lại xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam nhưng theo một hướng khác. Tiếp theo bài viết Một vấn đề của giáo dục và phát triển: Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ thế giới của tác giả Hoàng Tuệ đăng trong tạp chí Ngôn ngữ năm 1992, một loạt các bài viết của các nhà ngôn ngữ học có tên tuổi của Việt Nam đưa ra kiến nghị là cần phải khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt ở Việt Nam hiện nay. Xin nêu ra đây một số tác giả điển hình: Hoàng Văn Hành (1995), Nguyễn Văn Lợi (1995), Lê Quang Thiêm (2000), Nguyễn Văn Khang (2002). Đặc biệt, có những ý kiến cho rằng, Hiến pháp Việt Nam cần bổ sung điều khoản nói về vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt như kiến nghị của các tác giả của đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước Chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực ngôn ngữ (đã nghiệm thu năm 2001).
Đâu sẽ là căn cứ đáng tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách trong việc qui định hay không qui định rằng, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam? Bài viết này mong muốn chỉ ra rằng, cả hai quan điểm trên đều mới là ý kiến chủ quan của các nhà nghiên cứu. Họ mới chỉ phân tích và nhìn nhận vấn đề đứng từ các góc độ khác nhau mà thiếu sự hậu thuẫn của những nghiên cứu mang tính thực tế và toàn diện.
2. Về quan điểm ủng hộ việc không quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam
Như trên đã đề cập, cơ sở của quan điểm ủng hộ việc không quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam là sự áp dụng chính sách dân tộc của Lê-nin trong một quốc gia có nhiều dân tộc. Tuy nhiên, sau khi Liên-xô tan rã, quan điểm này ở Liên-xô (cũ) đã bị phê phán là một sự né tránh, một sai lầm trong việc vận dụng quan điểm dân tộc của Lê-nin (dẫn theo Nguyễn Văn Lợi 1995). “Một số nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc Lê-nin đánh giá tiêu cực khái niệm ngôn ngữ quốc gia là mang tính lịch sử cụ thể, không nhất thiết phải áp dụng cách nhìn nhận đó ở mọi nơi, mọi lúc” (Nguyễn Văn Lợi 1995, tr. 11).
Tiếc rằng, các nhà nghiên cứu ủng hộ việc không quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam chưa cho chúng ta thấy tính thiết yếu của việc áp dụng chính sách dân tộc của Lê-nin trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa – mái nhà chung của 54 dân tộc khác nhau. Quan điểm khoa học đang xét chưa được hậu thuẫn bởi kết quả của các công trình khảo cứu cụ thể những cái được và những cái mất trong đời sống xã hội của các dân tộc ở Việt Nam nếu quy định (hoặc không quy định) tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Do đó, lập luận trên chưa thực sự là cơ sở khoa học đáng tin cậy cho tính đúng đắn của một chính sách về vấn đề ‘ngôn ngữ quốc gia’ trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.
Thêm nữa, khi bàn đến chính sách lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp chung trên toàn lãnh thổ Việt Nam, quan điểm này chỉ phát biểu rằng, đây là vấn đề thực tiễn, vấn đề tự nguyện vì điều này đã được các dân tộc anh em nhất trí (Nguyễn Kim Thản 2003: tr. 21-22). Một lần nữa, chúng ta không được biết đâu là cơ sở thực tế để rút ra kết luận trên. Điều này có thể phương hại đến tính thuyết phục của nhận định đó, làm nảy sinh những thắc mắc kiểu như: nếu các dân tộc anh em cộng cư trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tự nguyện lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp chung thì phải chăng họ cũng tự nguyện coi tiếng Việt là ‘ngôn ngữ quốc gia’ mà không cảm thấy bất kì một sự bất bình đẳng nào. Và, nếu điều này là đúng sự thực thì chính sách dân tộc của Lê-nin nên được vận dụng như thế nào ở Việt Nam?
Có thể nói, quan điểm ủng hộ việc không quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những suy luận lí thuyết, thiếu những kết quả khảo cứu thực tế để làm cho quan điểm này mang tính thuyết phục.
3. Về quan điểm ủng hộ việc quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam
Sau khi Liên-xô sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, người ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân cho sự thực mà nhiều người coi là hết sức phũ phàng đó. Người ta kiểm điểm lại sự vận dụng đường lối chính sách của một học thuyết xã hội đã tạo dựng nên một hệ thống xã hội hùng mạnh tồn tại trong gần một thế kỉ. Trong xu hướng chung đó, các nhà ngôn ngữ học cũng nhìn lại việc thực hiện chính sách ngôn ngữ của các quốc gia xã hội chủ nghĩa trong đó có việc vận dụng quan điểm của Lê-nin về ngôn ngữ quốc gia như đã trình bày ở trên. Điều này dường như cũng ảnh hưởng đến việc nghiên cứu về ngôn ngữ quốc gia của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của một loạt bài viết yêu cầu phải khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ cho tiếng Việt, tức là cấp thêm sức mạnh pháp lí cho nó.
Tính cấp thiết của việc khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt ở Việt Nam thường được hậu thuẫn bởi những luận cứ chính sau đây:
a. Ngôn ngữ quốc gia là một hiện tượng phổ biến, có tính bắt buộc cho mọi quốc gia.
b. Ngôn ngữ quốc gia thể hiện ý thức quốc gia thống nhất.
c. Ngôn ngữ quốc gia là một biểu tượng của quốc gia, là một trong 3 chỉ tố quốc thể (cùng với quốc kì và quốc ca), thậm chí có tác giả còn cho nó là chỉ tố quan trọng nhất.
d. Tiếng Việt thỏa mãn những yếu tố về lựa chọn ngôn ngữ quốc gia mà các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra.
e. Mọi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều nhất trí và tự nguyện lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ quốc gia.
f. Hiệu quả tích cực của việc khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ cho tiếng Việt ở Việt Nam.
Sau đây, chúng tôi sẽ lần lượt bàn tới từng luận cứ một để chỉ ra những điều cần tiếp tục nghiên cứu.
a. Về ‘ngôn ngữ quốc gia là một hiện tượng phổ biến, có tính bắt buộc cho mọi quốc gia”
Nếu ngôn ngữ quốc gia đúng là có tính bắt buộc đối với mọi nhà nước, mọi quốc gia trên thế giới thì chúng ta không thể lí giải được một thực tế là có rất nhiều quốc gia trên thế giới, ví dụ như Canada, Hoa kì, Ôt-xtrây-lia, Trung quốc, Việt Nam, v.v. không công bố công khai ngôn ngữ nào là ngôn ngữ quốc gia của họ. Các tác giả của đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước Chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực ngôn ngữ (2001) còn cho biết: “Đặc biệt, hiến pháp rất nhiều nước không quy định ngôn ngữ nào là ngôn ngữ quốc gia.”
Nếu việc xác định ngôn ngữ quốc gia đúng là có tính bắt buộc đối với mọi nhà nước, thì chúng ta sẽ phải lí giải như thế nào về chính sách ngôn ngữ quốc gia ở Trung Quốc? Mọi người đều biết rằng, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa được thành lập vào năm 1949, chính phủ nước này đã đổi tên của ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc từ guoyu (quốc ngữ, ngôn ngữ quốc gia) thành putonghua (tiếng phổ thông). Trong khi đó, ở Đài Loan, ngôn ngữ này vẫn tiếp tục mang tên là guoyu.
Ở Mĩ, các nhà khoa học cũng như các nhà chính trị đều cho rằng, tiếng Anh-Mĩ không phải là ngôn ngữ quốc gia (national language) của Hợp chủng quốc Hoa Kì.[1] Những người phản đối quan điểm coi tiếng Anh-Mĩ là ngôn ngữ quốc gia của nước Mĩ nhận định: chưa được sự bảo trợ của hiến pháp mà tiếng Anh ở Mĩ đã lấn lướt các ngôn ngữ khác đến mức gây ra nhiều phong trào song ngữ, đa ngữ, đa văn hoá, ví dụ như phong trào English Plus đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn nước Mĩ. Do đó, hậu quả sẽ khôn lường nếu cấp thêm sức mạnh pháp lí cho nó (xem Crawford 1992).
Như vậy, có thể nói, việc xác định ngôn ngữ quốc gia không mang tính bắt buộc cho mọi quốc gia.
b. Về “ngôn ngữ quốc gia thể hiện ý thức quốc gia thống nhất”
Điều này có thể đúng trong một số hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, các chính sách về ngôn ngữ quốc gia chính là nguyên nhân gây chia rẽ, thậm chí tranh giành đổ máu. Một bài học gần gũi với Việt Nam là bài học về sự nâng đỡ của chính phủ đối với ngôn ngữ quốc gia ở Malaysia. Theo tác giả Mai Ngọc Chừ (2002) thì các biện pháp mạnh mẽ của Nhà nước Malaysia nhằm tăng cường quyền lực cho tiếng Malay – ngôn ngữ được hiến định là ngôn ngữ quốc gia của đất nước này – chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc xung đột đẫm máu giữa các nhóm dân tộc khác nhau sinh sống trên đất nước Malaysia vào năm 1969. “Vào năm đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia tuyên bố:
- Bắt đầu từ năm 1970, tiếng Malay là phương tiện dạy học trong các trường tiểu học.
- Vào năm 1981, tất cả các môn học đều phải dạy bằng tiếng Malay.
- Đến năm 1984, tiếng Malay sẽ được sử dụng trong tất cả các viện nghiên cứu.
- Thành lập Đại học Quốc gia, ở đó các môn học đều dạy bằng tiếng Malay.
Tuyên bố trên gây ra sự phản đối gay gắt của cộng đồng Trung Quốc và ấn Độ, hậu quả đã dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu 1969 và lời tuyên bố bị rút lại” (tr. 40).
Về vấn đề ngôn ngữ quốc gia ở Mĩ, James Crawford (1999) – nhà nghiên cứu ngôn ngữ và chính trị nổi tiếng người Mĩ – cho rằng, nếu tiếng Anh-Mĩ được coi là ngôn ngữ quốc gia của Mĩ thì có lẽ đó sẽ là một khối năng lượng vĩ đại tiếp thêm cho ngọn lửa của các phong trào đòi quyền bình đẳng ngôn ngữ. Trong rất nhiều tác phẩm của ông, Crawford đã phân tích nhiều vấn đề, hiện tượng ngôn ngữ trong suốt chiều dài lịch sử nước Mĩ để kết luận: đa dạng ngôn ngữ luôn gắn liền với nước Mĩ và việc tiếng Anh/Anh-Mĩ không được hiến định là ngôn ngữ quốc gia là một chiến lược hữu hiệu của nhà nước Mĩ để thống nhất sức mạnh của nhân dân Mĩ vì một quốc gia chung. Crawford chỉ ra: trong suốt hơn hai trăm năm qua, mọi đề án về một ngôn ngữ chính thức thống nhất trên toàn nước Mĩ đều không được nghị viện thông qua.
Còn có thể kể ra nhiều ví dụ khác trên thế giới để phủ định mối quan hệ trực tiếp theo kiểu 1:1 giữa ngôn ngữ quốc gia và ý thức về một quốc gia thống nhất. Tức là, không phải lúc nào ngôn ngữ quốc gia cũng thể hiện sự thống nhất của quốc gia.
c. Về “ngôn ngữ quốc gia là một biểu tượng của quốc gia, là một trong 3 chỉ tố quốc thể”
Về mặt lí thuyết, nhận định trên đã bị nhiều học giả phê phán là mang nặng màu sắc của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, là một sai lầm trong đánh giá vai trò của ngôn ngữ trong mối liên hệ với bản sắc của cộng đồng xã hội, đặc biệt là với tính quốc gia ở những quốc gia đa dân tộc. Trong các phân tích của mình, các học giả đã đưa ra nhiều bằng chứng về việc nhiều phong trào dân tộc chủ nghĩa đã lợi dụng nhận định trên để khích động quần chúng, gây chia rẽ giữa các dân tộc trong các quốc gia đa dân tộc. Có thể nêu ra đây một số tác giả điển hình như: Benedict Anderson (1983), Monica Heller (1987), Joshua Fishman (1997), Stephen May (2001).
Về mặt thực tiễn, ngôn ngữ quốc gia không đại diện cho một quốc gia giống như quốc ca và quốc kì. Ví dụ, ta có thể dễ dàng phân biệt đại biểu của ba nước Kenya, Uganda và Tanzania và khi nghe quốc ca hoặc nhìn quốc kì của họ. Nhưng, khi nghe họ nói tiếng Swahili, ta không dễ dàng nhận biết đó là đại diện cho quốc gia nào bởi cả ba quốc gia này đều lấy tiếng Swahili làm ngôn ngữ quốc gia của họ. Thêm nữa, kết quả khảo sát 31 trang web chính thức của 31 quốc gia giới thiệu về đất nước của họ cho thấy: không một quốc gia nào ghi ngôn ngữ vào mục biểu tượng của đất nước họ mặc dù nhiều quốc gia ghi cả lá cây hoặc những con vật nhất định vào mục đó.
Như vậy, nhận định “giống như quốc ca và quốc kì, ngôn ngữ quốc gia là một biểu tượng của quốc gia, là một trong 3 chỉ tố quốc thể” chưa thể là một căn cứ đáng tin cậy cho việc khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt trong hoàn cảnh thực tế hiện nay.
d. Về “tiếng Việt thỏa mãn những yếu tố về lựa chọn ngôn ngữ quốc gia mà các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra”
Các nhà ngôn ngữ học theo quan điểm cần khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt thường cho rằng, điều này là phù hợp với các tiêu chuẩn của việc lựa chọn ‘ngôn ngữ quốc gia’ mà một số nhà nghiên cứu đã đưa ra. Bởi sự hạn hẹp của khuôn khổ bài viết, sau đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến một trong những tiêu chuẩn đó: tiêu chuẩn “có số lượng người nói tương đối áp đảo”. Đây là tiêu chuẩn thường được các nhà ngôn ngữ học nêu ra đầu tiên.
Trong thực tế, nhiều ngôn ngữ quốc gia không được lựa chọn theo tiêu chuẩn đó. Ví dụ, theo kết quả điều tra dân số năm 1990 của Thụy Sĩ thì chỉ có 0,6% người dân nước này nói tiếng Romantsch – một ngôn ngữ được Hiến pháp năm 1938 quy định là ngôn ngữ quốc gia của Thụy Sĩ (dẫn theo báo cáo của Alexander Schwarz và Sabine Houda tại Hội thảo về nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ ở cấp đại học ở châu Âu, tổ chức ngày 9 và 10 tháng 6 năm 1995 tại Stockholm). Còn tiếng Irish – ngôn ngữ quốc gia của Cộng hòa Ireland – chỉ là ngôn ngữ của 2,3% dân số nước này (dẫn theo Fishman 1991).
Ví dụ thứ ba mà chúng tôi muốn đưa ra trong phần này là sự lựa chọn ‘ngôn ngữ quốc gia’ của Inđônêxia. Chúng ta đều biết rằng, Inđônêxia là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Nơi đây có tới hàng trăm dân tộc, bộ tộc sinh sống cùng với hơn 700 ngôn ngữ, phương ngữ khác nhau (Đoàn Văn Phúc 2002). Tuy vậy, có một tộc người chiếm ưu thế ở vùng đất này. Đó là tộc người Gia-va sinh sống ở trung tâm và phía Đông của đảo Gia-va. Về mặt số lượng thì khoảng một nửa số dân của Inđônêxia là người Gia-va. Người Gia-va có một nền văn hoá đặc sắc, đặc biệt là những giai điệu âm nhạc làm xao động lòng người. Tiếng Gia-va là một ngôn ngữ tương đối phát triển với hệ thống từ ngữ đa tầng dùng để diễn tả những sắc thái khác nhau khi giao tiếp với những người ở các vị thế khác nhau và một hệ thống ngữ pháp tương đối hoàn chỉnh. Điều này đã làm cho tiếng Gia-va thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà ngôn ngữ học thế giới (Foley 1997). Với những đặc tính trên thì tiếng Gia-va đáng ra sẽ phải là ứng cử viên số một của ngôi vị ngôn ngữ quốc gia của Inđônêxia bởi vì nó thoả mãn hầu hết các điều kiện thường được đưa ra làm tiêu chí cho việc lựa chọn ngôn ngữ quốc gia.
Nhưng, trong thực tế, chính phủ Inđônêxia lại chọn tiếng Malay Ri-au, một biến thể “chợ búa” của tiếng Malay và là ngôn ngữ thứ nhất của khoảng 5% số dân Inđônêxia (Đoàn Văn Phúc 2002), để xây dựng thành tiếng Inđônêxia, ngôn ngữ quốc gia của họ. Theo Foley (1997) thì sự lựa chọn trên của chính phủ Inđônêxia là một lựa chọn khôn ngoan. “Khôn ngoan” bởi vì ít nhất bốn lí do sau đây:
Thứ nhất là, khi giao tiếp bằng tiếng Gia-va, con người luôn phải đứng trong những vị thế được sắp xếp theo những tôn ti trật tự nhất định. Điều này được coi là không thích hợp lắm cho việc truyền bá tư tưởng bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội để cùng chung sức xây dựng một quốc gia dân chủ.
Thứ hai là, tiếng Gia-va gắn liền với một nền văn hoá phức tạp, pha trộn bởi ảnh hưởng của cả ba loại tôn giáo: ấn độ giáo, phật giáo và hồi giáo. Những tư tưởng của sự pha trộn đó không được nhiều người Inđônêxia chấp nhận và thường bị cho là cổ hủ, lạc hậu. Điều này có vẻ cũng không thích hợp lắm với tư tưởng xây dựng một nền văn hoá Inđônêxia mới, tiên tiến.
Thứ ba là, phần lớn những người trong chính phủ Inđônêxia hồi đó là người Gia-va ví như Tổng thống Su-các-nô và nhiều cộng sự của ông. Nếu chọn tiếng Gia-va là ngôn ngữ quốc gia của Inđônêxia, thì ưu thế của tộc người Gia-va càng được tăng thêm gấp bội. Điều này có thể dẫn đến những xung đột ngôn ngữ và xung đột chính trị – xã hội vốn luôn tiềm ẩn ở một quốc gia đa dân tộc như Inđônêxia.
Thứ tư là, tuy tiếng Malay không phải là tiếng của số đông dân cư Inđônêxia nhưng nó đã được truyền bá rộng rãi trên quần đảo Inđônêxia từ lâu đời thông qua những hoạt động buôn bán. Thêm nữa, tầng lớp thanh niên con cháu của những người thượng lưu nắm quyền chính trị, kinh tế ở thành thị đã được học và sử dụng tiếng Malay như là ngôn ngữ thứ hai. Đây chính là lực lượng tiếp quản quyền lực chính trị, kinh tế trong tương lai ở Inđônêxia. Do đó, quyền lợi của tầng lớp lãnh đạo đất nước vẫn được duy trì.
Như vậy, các tiêu chuẩn thường được các nhà ngôn ngữ học nêu ra cho việc lựa chọn một ngôn ngữ quốc gia không dễ dàng được áp dụng trong thực tế, đặc biệt là trong thực tế xây dựng các quốc gia đa dân tộc thời kì “hậu thực dân”. Thực tế đó đòi hỏi các chính phủ non trẻ phải linh hoạt, sáng tạo trong chính sách mềm dẻo và phù hợp về ngôn ngữ quốc gia. Và, muốn thực hiện được điều này ở Việt Nam, rất cần những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy.
Thiết nghĩ, nhận định sau đây của Hoàng Tuệ (1992) về “tiếng Việt, ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị: “Trước hết, cần phải suy nghĩ sâu sắc hơn về chính sách. Thuận lợi là có một dân tộc đa số tuyệt đối và có một ngôn ngữ đa số tuyệt đối. Nhưng cũng chính từ đó mà rất dễ sinh ra sai lầm (trịch thượng) trong tư tưởng và thái độ của dân tộc đa số này đối với các dân tộc thiểu số, các ngôn ngữ thiểu số! Và cả sai lầm tự ti trong tư tưởng và thái độ của các dân tộc thiểu số…” (tr. 4).
e. Về “mọi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều nhất trí và tự nguyện lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ quốc gia”
Nhận định về sự tự nguyện của tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam trong việc lựa chọn tiếng Việt làm ‘ngôn ngữ quốc gia’ của Việt Nam được đa số các nhà khoa học ủng hộ việc chế định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ cho tiếng Việt cho là một thuận lợi lớn của Việt Nam so với các quốc gia đa dân tộc khác trên thế giới. Ví dụ, tác giả Mai Ngọc Chừ (2002) phát biểu: ở Việt Nam, “các dân tộc thiểu số … không thắc mắc gì khi ngôn ngữ của họ không được chọn làm ngôn ngữ quốc gia. Và họ vui vẻ chấp nhận ngôn ngữ của dân tộc đa số là ngôn ngữ quốc gia của mình” (tr. 37).
Tuy nhiên, tính đúng đắn của nhận định này cần được minh chứng bằng những tư liệu điều tra về thái độ của người dân, đặc biệt là những người thuộc các dân tộc ít người.
Theo kết quả của một cuộc điều tra sơ bộ mà chúng tôi đã thực hiện vào đầu năm 2002 tại một xã thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn – nơi có 3 dân tộc Tày, Nùng và Kinh sinh sống thì 81% số người được hỏi cho rằng nên gọi tiếng Việt (Kinh) ở Việt Nam hiện nay là tiếng phổ thông, 11% cho rằng nên gọi nó là ngôn ngữ chính thức, 4% cho rằng nên gọi nó là ngôn ngữ chung, 4% cho rằng nên gọi nó là ngôn ngữ quốc gia, đặc biệt không một người được hỏi nào cho rằng nên gọi nó là tiếng Việt Nam.
Kết quả điều tra với quy mô rất nhỏ trên đây không đủ sức để nói lên điều gì ngoài nhu cầu cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng hơn để có thể làm cơ sở đáng tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách.
f. Về “hiệu quả tích cực của việc khẳng định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ cho tiếng Việt ở Việt Nam”
Về vấn đề này, đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước Chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực ngôn ngữ viết: “Một khi được đưa vào Hiến pháp, quy định này (tức là quy định về vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt – NTTB) sẽ phát huy tác dụng đẩy mạnh việc phổ cập tiếng Việt, xoá bỏ hàng rào ngăn cách về ngôn ngữ, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học – kỹ thuật giữa các vùng, phù hợp với sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đưa miền núi, vùng sâu vùng xa tiến kịp các vùng phát triển của đất nước.”
Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù chưa được hiến định là ‘ngôn ngữ quốc gia’ thì tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ giao tiếp chung, là tiếng phổ thông cũng đã và đang được phổ cập, đã và đang thực hiện các chức năng nêu trên. Phải chăng nếu được gọi là ‘ngôn ngữ quốc gia’ thì tiếng Việt sẽ có hiệu quả tích cực hơn là được gọi bằng ‘tiếng phổ thông’, ‘ngôn ngữ giao tiếp chung’, ‘ngôn ngữ chính thức’ trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, mời gọi các nhà nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan.
Trở lên, chúng tôi đã dùng tư liệu thực tiễn ở Việt Nam cũng như ở một số quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ trên thế giới để chứng minh rằng: những căn cứ mà các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đưa ra để hậu thuẫn cho sự cần thiết phải chế định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt là chưa đủ sức thuyết phục để làm cở sở vững chắc cho việc hoạch định một chính sách ngôn ngữ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam trong thời kì hiện nay.
4. Kết luận
Chính sách ngôn ngữ, trong đó có việc chế định/hiến định ngôn ngữ quốc gia là một công cụ của Nhà nước để điều hành xã hội. Bởi tính thiết yếu của một công cụ luôn xuất phát từ hoàn cảnh thực tế nên vấn đề hiến định vị thế ‘ngôn ngữ quốc gia’ của tiếng Việt là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu một cách cẩn trọng từ nhiều góc độ khác nhau như ngôn ngữ, chính trị, xã hội, cũng như thái độ ngôn ngữ của người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc các cộng đồng dân tộc ít người.
Tài liệu trích dẫn
Anderson, Benedict 1983. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London: Verso.
Crawford, James 1999. Bilingual Education: History, Politics, Theory, and Practice. 4th. ed. Los Angeles: Bilingual Education Service.
——– (chủ biên) 1992. Language Loyalties: A Source Book on the Official English Controversy. University of Chicago Press.
Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước Chính sách của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực ngôn ngữ, đã nghiệm thu năm 2001.
Đoàn Văn Phúc 2002. Bảo vệ và phát triển ngôn ngữ quốc gia ở In-đô-nê-xi-a. Trong kỉ yếu của Hội thảo Bảo vệ và phát triển tiếng Việt trong thời kì công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28-12-2002, tr. 36-44.
Fishman, J, 1991. Reversing Language Shift: Theoretical and Empirical Foundation of Assistance to Threatened Languages. Clevedon, Enland: Multilingual Matters.
———-1997. Language and Ethnicity: The View from within. Trong: F. Coulmas (chủ biên). The Handbook of Sociolinguistics, tr. 327-343. London: Blackwell.
Forley, William 1997. Anthropological Linguistics: An Introduction. Blackwell.
Heller, Monica 1987. The Role of Language in the Formation of Ethnic Identity. Trong: J. Phinney & M. Rotheram (chủ biên). Children’s Ethnic Socialisation: Pluralism and Development, tr. 180-200. Newbury Park, CA: Sage.
Hoàng Văn Hành 1995. Nhìn lại chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta 50 năm qua. Ngôn ngữ, số 4, tr. 1-6.
Hoàng Tuệ 1992. Một vấn đề của giáo dục và phát triển: Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ thế giới. Ngôn ngữ, số 2, tr. 1-5.
Lê Quang Thiêm 2000. Về vấn đề ngôn ngữ quốc gia. Ngôn ngữ, số 1, tr. 30-35.
Mai Ngọc Chừ 2002. Kế hoạch hóa ngôn ngữ của Malaysia: Quá trình thực hiện, kết quả, bài học kinh nghiệm. Trong kỉ yếu của Hội thảo khoa học Bảo vệ và Phát triển tiếng Việt trong thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28-12-2002, tr. 243-248.
May, Stephen 2001. Language and Minority Right: Ethnicity, Nationalism and the Politics of Language. Pearson Education Limited.
Nguyễn Kim Thản 2003 (1975). Thử nhìn lại chặng đường lịch sử của tiếng Việt trong ba mươi năm qua. Trong: Nguyễn Kim Thản tuyển tập, tr. 19-43. Nxb Khoa học Xã hội.
Nguyễn Văn Khang 2002. Vị thế của tiếng Việt đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Từ chủ trương, chính sách đến thực tế. Trong kỉ yếu Hội thảo Vị thế của ngôn ngữ quốc gia trong quốc gia đa dân tộc – đa ngôn ngữ: Tiếng Việt ở Việt Nam và tiếng Nga ở Liên bang Nga, tr. 81-104.
Nguyễn Văn Lợi 1995. Vị thế của tiếng Việt ở nước ta hiện nay. Ngôn ngữ, số 4, tr. 7-14.
——– 2000. Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc. Ngôn ngữ, số 1, tr. 19-29.
Schwarz, Alexander & Houda, Sabine 1995. National Report of Switzerland (báo cáo của đại biểu Thụy Sĩ tại Hội thảo về nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ ở cấp đại học ở châu Âu, tổ chức ngày 9 và 10 tháng 6 năm 1995 tại Stockholm). Website: http://userpage.fu-berlin.de/elc/natreps/natr-eur.html
Website: http://www.sil.org
http://www.chinalanguage.com

[1] Dẫn theo thông tin của Viện nghiên cứu ngôn ngữ học mùa hè (Mĩ) đăng tải trên trang web: <http://www.sil.org>.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét