Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

20 câu hỏi thường gặp trong tài chính


Câu hỏi 1: Tiết kiệm là gì?
Tiết kiệm là phần của thu nhập hiện tại mà ta chưa sử dụng. Cất trữ tiền, hoặc một phần thu nhập, cũng là một trạng thái tiết kiệm. Tuy vậy, tiết kiệm ở dạng phổ biến nhất là để đầu tư sinh lợi, hoặc cho vay.

Câu hỏi 2: Đầu tư là gì?Đầu tư là việc tạo ra giá trị mới, hoặc bổ sung tài sản vốn, nghĩa là loại tài sản có thể sử dụng để sinh lợi. Trồng rừng là một ví dụ kinh điển về đầu tư. Người đầu tư dùng thu nhập hiện tại để mua giống cây, canh tác và bảo dưỡng rừng. Ở đây, tài sản vốn là cây, đất và toàn bộ khuôn viên rừng. Khi cây lớn và rừng phát triển tốt, thì tài sản vốn bao gồm cả gỗ, phong cảnh, và đặc tính an dưỡng, với giá trị càng tăng. Nếu chặt phá rừng, cắt bớt cây, ta gọi quá trình này là thoái vốn hay rút đầu tư. Trong quá trình rút đầu tư, giá trị tài sản vốn giảm dần do hoạt động tiêu dùng tài sản rừng.
Câu hỏi 3: Bản chất của cho vay? Bản chất cho vay (lending) là tham gia giao dịch trao đổi lượng tiền, tài sản thuộc sở hữu ngày hôm nay lấy một lời hứa nhận lại số tiền và tài sản đó vào một thời điểm tương lai.
Ngược với đầu tư vào tài sản vốn, khi thu nhập của ta được tiết kiệm để cho vay, ta sở hữu quyền được đòi lại phần tài sản chính đáng trong tương lai--bao gồm cả thu nhập từ tài sản đó, nhưng lại không trực tiếp tham gia vào làm tăng tài sản vốn. Trực tiếp mà nói, cho vay chỉ liên quan tới lời hứa trả tiền giữa hai thời điểm hôm nay và ngày mai.
Câu hỏi 4: Bản chất của đi vay?
Ngược với cho vay. Đi vay đơn giản là nhận lấy quyền được sử dụng lượng tài chính (tiền mặt hoặc tương đương) do người cho vay tiết kiệm và trao đổi. Lẽ tự nhiên, để có được quyền đó, người đi vay phải hứa trả lại lượng tài chính đó vào một thời điểm xác định trong tương lai.

Bốn vấn đề trên liên quan chặt chẽ với nhau và có sợi dây liên kết là sự lựa chọn tiêu dùng hiện tại hay tương lai.
Câu hỏi 5: Thị trường tài chính là gì?
Thị trường tài chính là các thể chế, quá trình và cơ cấu giúp cho các công ty và cá nhân kinh doanh có thể huy động vốn để triển khai và thực hiện mục tiêu hoạt động. Tầm quan trọng của thị trường tài chính nằm ở khía cạnh liên kết giữa các quyết định chi tiêu của loài người, trong cả đời sống cá nhân-gia đình lẫn thế giới kinh doanh. Cá nhân và nhà kinh doanh luôn có thể đóng vai trò hoặc thụ động hoặc chủ động trên thị trường tài chính. Đối với cá nhân, thị trường tài chính giúp cải thiện nguồn thu nhập và tối ưu hoá tài sản trong tương lai. Đối với công ty, nó tăng cường nguồn lực và cải thiện hiệu quả quản trị tài chính.

Ở một góc độ khác, thị trường tài chính là nơi hoặc cơ chế tại đó các tài sản tài chính được trao đổi và giá của chúng được hình thành bởi các lực lượng tham gia.

Câu hỏi 6: Tài sản tài chính là gì?
Tài sản tài chính là công cụ xác lập quyền sở hữu đối với dòng thu nhập/dòng tài chính trong tương lai. Nó có thể là một trái phiếu chính phủ, hoặc một cổ phiếu công ty XYZ.

Câu hỏi 7: Chức năng tài sản tài chính là gì?
Tài sản tài chính có hai chức năng cơ bản. Thứ nhất, nó là phương tiện để dòng tài chính có thể dịch chuyển từ nơi dư thừa sang nơi đang thiếu, hoặc có cơ hội đầu tư sinh lợi. Thứ hai, nó là phương tiện để dịch chuyển rủi ro từ người đang triển khai phương án đầu tư sang người cung cấp dòng tài chính cho các dự án đó.

Câu hỏi 8: Chức năng quan trọng nhất của thị trường tài chính?
Thị trường tài chính có hai chức năng quan trọng bậc nhất, và không thể bỏ qua như sau: (1) Thị trường tài chính phải hoàn thành chức năng sinh ra tính thanh khoản (liquidity) phục vụ người nắm giữ tài sản tài chính; và (2) Thị trường tài chính phải hoàn thành nhiệm vụ làm giảm thiểu chi phí giao dịch (cost of transaction) trong hoạt động dịch chuyển dòng tài chính giữa các thành phần tham gia.

Thanh khoản nói tới khả năng có thể bán một tài sản tài chính nhanh chóng, với chi phí thực hiện giao dịch rất nhỏ. Tính thanh khoản là một đặc tính vô cùng quý giá của một tài sản tài chính. Nếu như tài sản không có tính thanh khoản, cách duy nhất để nhận được giá trị tài sản đó là chờ cho tới khi nhận được dòng tài chính do tài sản quy định. Tuy vậy, nhiều bất chắc có thể xảy ra trong tương lai, do đó sự tồn tại tính thanh khoản tài sản làm tăng cơ hội và tính linh hoạt cho tất cả các thành phần tham gia thị trường.
Câu hỏi 9: Vài nét căn bản về kinh tế học tài chính?
Kinh tế học tài chính là một ngành khoa học có mục tiêu hiểu biết về thế giới tài chính, và sự hiểu biết đó có thể phục vụ mục tiêu tiếp theo là cải thiện vận hành của nền kinh tế tài chính.

Kinh tế học tài chính có khía cạnh quan trọng nhất, giống như các nhánh khác của kinh tế học, là nghiên cứu hành vi con người trong nền kinh tế thị trường, vận dụng tính phức hợp và khái quát các vấn đề hắc búa trong phương pháp luận mà nhiều ngành khoa học chính xác truyền thống khác chưa từng phải xử lý. Dưới đây là tổng quát về hướng phát triển phương pháp luận trong kinh tế tài chính.
Lý thuyết chuẩn tắc: Là lý thuyết phát triển một thủ tục hay một tập hợp quy tắc để hoàn thành một mục tiêu đặt ra. Nó mang tính chất giải thích "sự vật nên/cần phải vận động theo hướng này." Ví dụ: nếu mục tiêu của bạn là đầu tư vào tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, lý thuyết chuẩn tắc sẽ phải được ứng dụng để cung cấp một chuỗi quy tắc đưa đến trạng thái bạn có thể tối đa hoá tài sản.
Lý thuyết thực chứng: Là mệnh đề mô tả trạng thái thực, thay vì mang màu sắc "mong muốn" như lý thuyết chuẩn tắc. Nói ngắn gọn, loại lý thuyết này bản thân nó là sự mô tả về cách thức một phần của thế giới được quan sát tương tác ra sao. Ví dụ: đối với thị trường chứng khoán, lý thuyết thực chứng liên quan có thể là việc đưa ra một giả thiết về đặc tính hành vi của giá cổ phiếu XYZ, và cách nó được hình thành qua các lực lượng thị trường. Tự bản thân lý thuyết thực chứng không nhất thiết lúc nào cũng cung cấp một định hướng cho hoạt động tác nghiệp cụ thể. Trên thực tế, thực chứng là cải thiện hiểu biết của chúng ta về thế giới tài chính và phương thức nó hoạt động, thông qua đó điều chỉnh hành vi và quyết định của chính chúng ta.
Kiểm định thống kê: Trong nghiên cứu tài chính luôn cần hoàn thành hai nhiệm vụ căn bản: xây dựng các lý thuyết và kiểm định tính hiệu dụng của lý thuyết. Nhiệm vụ thứ hai thuộc phạm vi của kiểm định thống kê (empirical investigation).
Để kiểm định thống kê, lý thuyết góp phần xây dựng hai hoặc nhiều hơn giả thiết thống kê. Sau đó, dựa trên quy tắc thống kê toán cổ điển, nhà nghiên cứu lựa chọn hoặc bác bỏ các phương án, với mức xác suất tin cậy phổ dụng. Một quá trình kiểm định liên quan nhiều tới các phân phối xác suất cơ bản, và xác lập quy tắc công nhận hay không công nhận một giả thiết. Hầu như không bao giờ có thể chứng minh một lý thuyết hoàn toàn đúng tuyệt đối. Kiểm định chỉ nhằm mục tiêu "chứng minh sự thất bại của nỗ lực bác bỏ một giả thiết." (Tức là có thể công nhận một cách có cơ sở và khá an toàn.)
Câu hỏi 10: Vai trò của thông tin trên thị trường tài chính?
Thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trên thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu. Thông tin là trung tâm của việc đánh giá mức độ hiệu quả một thị trường sử dụng thông tin và phản ánh nó trung thực, nhanh chóng vào giá và lợi suất của tài sản tài chính. Lý thuyết quan trọng về thông tin được nhà khoa học Mỹ Eugene F. Fama (ĐH Chicago, Illinois) đề xuất năm 1963 có tên là EMH: Giả thiết thị trường hiệu quả. Lý thuyết này về cơ bản phát biểu, thị trường tài chính không bỏ sót hoặc để lãng phí nguồn tài nguyên thông tin.

Lý thuyết EMH là mối quan tâm chung của tất cả những ai tham gia thị trường tài chính, và của rất nhiều nhà khoa học. Nét căn bản nhất của EMH là phát biểu rằng: Bạn không thể chiến thắng thị trường, và về nguyên lý nhà tư vấn của bạn không thể tư vấn chuyện kiếm lời hơn người khác trên thị trường một cách hữu hiệu được.
Lẽ tự nhiên, những người tham gia tác nghiệp trên thị trường cố gắng không tin vào lý thuyết này.


Câu hỏi 11: Về thông tin nội gián và tính hiệu quả thị trường?
Thông tin nội gián là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa hai dạng thức hiệu quả của thị trường tài chính. Sự tế nhị nằm ở chỗ, thông tin nội gián có thể rất quý đối với toàn thị trường, nhưng chưa chắc đã có cơ chế tải hữu hiệu tới đám đông.

Về nguyên tắc quá trình tìm kiếm thông tin của người đầu tư là liên tục, và hầu như luôn có ai đó tìm kiếm được một số thông tin bên trong có giá trị hơn. Do đó, việc loại bỏ hoàn toàn thông tin nội gián là không thể. Người ta chỉ tìm cách hạn chế trục lợi của người bên trong công ty có tính chất làm thiệt hại quyền lợi người khác. Nếu mở rộng phạm vi chế tài của thông tin nội gián, có thể lại làm giảm tính hiệu quả của thị trường ở một góc độ khác.
Câu hỏi 12: Thế nào là vấn đề bất đối xứng thông tin?
Bất đối xứng thông tin là khái niệm mô tả các tình huống trong đó những người tham gia tương tác trên thị trường nắm được thông tin khác nhau về giá trị hoặc chất lượng của một tài sản đang được giao dịch (trao đổi) trên thị trường đó. Nói một cách khác, nếu như không tồn tại tình trạng bất đối xứng đối với việc tiếp cận các thông tin về tài sản, thì các bên tham gia thị trường được hiểu là "đối xứng" về thông tin.

Vì tầm quan trọng của bất đối xứng thông tin trên thị trường tài chính, ta cùng xét ví dụ sau: giả sử hai công ty có cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên các thị trường vốn, và thị trường định giá khá chuẩn với các cổ phiếu, sử dụng tất cả thông tin sẵn có về các công ty này, và các cổ phiếu được đánh giá ở mức "trung bình" trên thị trường. Tuy nhiên, cán bộ điều hành của một công ty trong đó biết rõ công ty mình thực sự ở trên mức trung bình, và của công ty kia biết ở dưới mức trung bình. Sở dĩ họ biết vì họ sở hữu cái thường được gọi là thông tin nội bộ. Xét từ góc độ "trung bình", thị trường vẫn đúng. Thế nhưng, người quản lý biết công ty họ có cổ phiếu đang được đánh giá thấp hơn (hoặc cao hơn) mức giá trị họ tin tưởng thường có động cơ rõ rệt tận dụng tình huống để hành xử, và do đó dẫn tới nhiều loại hành vi khó giải thích trên thị trường. Nếu tình hình trầm trọng, sự nhiễu loạn các hành vi điều chỉnh có thể dẫn tới trục trặc trên toàn thị trường.
Vấn đề bất đối xứng thông tin do ba nhà khoa học, cùng nhận giải thưởng Nobel kinh tế 2001, là G. Akerlof, M. Spence và J. Stiglitz cùng phát triển trên các khía cạnh khác biệt nhưng bổ sung lẫn nhau.

Câu hỏi 13: Ai là người cung cấp thông tin tài chính trên các thị trường?
Lĩnh vực cung cấp thông tin tài chính được coi như một ngành công nghiệp. Về cơ bản, người ta chia thành bốn loại "nhà sản xuất thông tin" tương đối dễ phân biệt, do cách thức marketing sản phẩm thông tin của mình. Về nguyên lý, bản chất của các nhà sản xuất thông tin này không khác biệt đáng kể. Bốn loại này bao gồm:

- Sản xuất thông tin để bán hàng trực tiếp: Ví dụ dễ tìm nhất là Dow Jones, Inc., The Wall Street Journal, Value Line, S&P Stock Report, Fortune. Các nhà sản xuất này tìm kiếm các thông tin liên quan, có ảnh hưởng, về điều kiện kinh tế, quyết định đầu tư, rồi công bố các thông tin ấy theo phương thức phân phối trực tiếp tới khách hàng.
- Kinh doanh nhận định về giá trị tài sản: Chẳng hạn các dịch vụ đánh giá năng lực tín dụng, uy tín doanh nghiệp của Moody's và S&P's. Các nhà sản xuất này không trực tiếp phân phối thông tin của mình, mà dùng nó để cung cấp đánh giá về giá trị tài sản rồi bán các đánh giá này.
- Sản xuất thông tin đi kèm bán tài sản: Thường đây là nhóm các công ty ít khi bán thẳng các thông tin tới khách hàng. Người môi giới chứng khoán sản xuất thông tin về chứng khoán để phục vụ việc bán cổ phiếu. Tuy vậy, về bản chất thông tin không phải là đối tượng để bán như một sản phẩm riêng biệt.
- Sản xuất thông tin và tác nghiệp trung gian: Các đối tượng tham gia sản xuất thông tin loại này bao gồm đông đảo ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư tương hỗ, và nhiều loại hình trung gian tài chính khác. Các công ty này nằm trong tình huống sản xuất thông tin phục vụ chính việc đầu tư và tạo lợi nhuận từ nguồn quỹ mà họ quản lý. Một phần lượng lợi nhuận họ thu được có thể coi là khoản thu nhập từ công tác sản xuất thông tin.
Câu hỏi 14: Vấn đề gì đáng quan tâm trên khía cạnh chất lượng thông tin?
Vấn đề nổi cộm đối với thông tin chính là chất lượng rất khác biệt của các dòng thông tin. Người mua/sử dụng thông tin ít khi có điều kiện đánh giá chất lượng thông tin trực tiếp và hiệu quả ngay khi mua. Chỉ khi thông tin được sử dụng và được tổng kết lại, chất lượng của chúng mới được nhận định chính xác. Chính vì thế, người sản xuất thông tin đôi lúc có động cơ cố tình trình bày không chính xác chất lượng thông tin, chẳng hạn có thể dễ dàng khuếch trương rằng họ có thông tin rất giá trị, từ đó đòi giá cao.

Câu hỏi 15: Người tham gia giao dịch thị trường cân nhắc gì khi cảm thấy chưa yên tâm về chất lượng thông tin?
Có hai yếu tố quan trọng nhất người tham gia giao dịch thị trường (bao gồm người đầu tư) rất cần cân nhắc trong lúc cố gắng đánh giá chất lượng thông tin. Thứ nhất, kiểm tra liệu người sản xuất-cung cấp thông tin có động cơ gì để nói dối thị trường không. Thứ hai, cân nhắc khả năng thực sự của người sản xuất thông tin để có thể đạt được một mức chất lượng thông tin yêu cầu. Như vậy, người mua thông tin lưu ý đánh giá cả tính trung thực lẫn năng lực chuyên môn của người sản xuất-cung cấp thông tin.

Câu hỏi 16: Kinh tế học thông tin trên thị trường tài chính?
Kinh tế học thông tin nhấn mạnh các khía cạnh: (1) Tìm kiếm tối ưu; (2) Vai trò của chuyên gia; và (3) Thông tin tạo tín hiệu.

(1) Tìm kiếm tối ưu: Khái niệm về tập hợp thông tin tài chính có thể đặc trưng mô tả bằng quá trình tìm kiếm. Tư tưởng khái quát ở chỗ, hiệu quả sinh ra khi những người có chuyên môn tập trung năng lực chỉ để tìm kiếm thông tin sẽ tốn kém ít chi phí hơn đáng kể (xét trên một đơn vị). Có thể hiểu rằng, chuyên môn hoá tạo ra hiệu suất cao.
(2) Vai trò của chuyên gia: Lý do căn bản để chuyên gia xử lý thông tin tài chính tồn tại là họ có thể cạnh tranh với nhau và nhận về mình phần thu nhập cạnh tranh nhờ sản xuất thông tin, nhờ có quy mô kinh tế đủ lớn từ các cá nhân. Chuyên gia và các nhà sản xuất thông tin được xem như đóng góp và tính hiệu quả mà thị trường sử dụng thông tin trong quá trình hình thành giá tài sản tài chính.
(3) Thông tin tạo tín hiệu: Tạo tín hiệu nhằm ám chỉ quá trình liên lạc giải quyết tính bất đối xứng thông tin trên thị trường thông qua một số loại hoạt động hay quyết định. Để hiểu kỹ hơn, ta xét khái niệm cân bằng tạo tín hiệu. Giả sử có công ty A và B. A có dự án đang đầu tư có giá trị 10 triệu đô-la, và B 5 triệu đô-la. Nếu giả sử toàn thị trường biết trong số 2 dự án đó, một dự án là 10 triệu và dự án kia 5 triệu nhưng không biết đích xác là dự án nào. Để A có thể thông tin thành công với thị trường rằng dự án của A có giá trị 10 triệu, A sẽ tìm phương án tác nghiệp tốn kém sao cho B không thể lặp lại được. Như vậy, khả năng để A gửi tín hiệu về giá trị của nó tới thị trường phụ thuộc vào chi phí lặp lại tín hiệu đó.
Câu hỏi 17: Thị trường đấu giá và OTC là gì?
Thị trường đấu giá là loại thị trường tập trung, trên đó các tài sản tài chính được giao dịch thông qua phương pháp đấu giá cạnh tranh mở. Các yêu cầu cơ bản để thị trường đấu giá vận hành khả thi là:

- Cơ sở hạ tầng cho giao dịch tập trung;
- Tài sản có đặc tính tương tự;
- Khối lượng chào bán và mua tối thiểu nào đó; và
- Market maker hoạt động có lãi.

Đặc điểm nổi bật nhất của thị trường đấu giá tài sản tài chính là có cơ sở hạ tầng cho công tác giao dịch tập trung.
OTC: (over-the-counter) là loại thị trường không cần thiết phải có hệ thống giao dịch tập trung. OTC có hai đặc tính quan trọng. Thứ nhất, không có hạ tầng giao dịch tập trung. Thứ hai, thị trường vận hàng nhờ hệ thống các tác nhân trung gian, và những người trung gian này sẵn sàng mua và bán loại chứng khoán nhất định theo yêu cầu. Họ được gọi là dealer. Dealer là khái niệm khác với người môi giới thông thường broker (broker không mua và bán chứng khoán cho chính họ) và cũng khác cả với khái niệm trung gian tài chính thông thường (định chế trung gian tài chính có thể sản xuất ra tài chính tài chính và tự bán để mua chứng khoán, còn dealer chỉ bán chính những chứng khoán mà họ mua vào).
Câu hỏi 18: Thị trường sơ cấp và thứ cấp có bản chất khác nhau ra sao?
Thị trường sơ cấp là thị trường dành cho các chứng khoán mới phát hành lần đầu, mà trước đó chưa có ai sở hữu. Khi công ty phát hành thêm cổ phiếu mới, sẽ tồn tại thị trường thứ cấp, mặc dù công ty đó vẫn các cổ phiếu giống hệt đang lưu hành. Thị trường thứ cấp về cơ bản là công cụ phân phối và đường ống dẫn nguồn vốn cần huy động. Các thị trường thứ cấp có thể vận hành theo bất cứ phương thức nào phù hợp nhất.

Trái lại, thị trường thứ cấp dành cho giao dịch các chứng khoán đã phát hành trước đó. Thị trường sơ cấp cung cấp phương tiện để trao đổi tài sản tài chính, và tạo ra tính thanh khoản cho người sở hữu tài sản, đồng thời còn xây dựng cơ chế xác định giá trị tài sản tức thời.
Cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp đều có thể theo dạng thức đấu giá tập trung hoặc OTC, tuỳ điều kiện cho phép.
Câu hỏi 19: Định chế trung gian tài chính là gì? Cung cấp sản phẩm gì?
Định chế trung gian tài chính là một công ty có thể mua tài sản tài chính bằng nguồn tiền thu được từ phát hành một loại tài sản tài chính khác của chính định chế đó. Khi một thị trường tồn tại các tài sản tài chính mua bằng tài chính của các định chế trung gian, ta gọi đó là thị trường tài chính được điều hoà.

Các sản phẩm của định chế trung gian tài chính bao gồm: (a) giảm rủi ro thông qua phân tán; (b) điều hoà thời hạn; (c) giảm chi phí hợp đồng; (d) sản xuất-cung cấp thông tin; (e) quản lý hệ thống thanh toán; và (f) bảo hiểm.
Câu hỏi 20: Có các loại định chế trung gian điển hình nào?
Xét thị trường tài chính Mỹ, có mức độ phát triển cao nhất toàn cầu, ta có thể nhận dạng các loại định chế trung gian tiêu biểu sau:

- Ngân hàng thương mại;
- Ngân hàng tiết kiệm và cho vay quy mô nhỏ;
- Ngân hàng tiết kiệm tương hỗ;
- Liên hiệp tín dụng;
- Công ty tài chính;
- Công ty đầu tư; và
- Công ty bảo hiểm.


saga.vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét