Quốc hội (QH) đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) 2013.
Làm sao để Hiến pháp này sớm đi vào cuộc sống, đầy đủ và toàn diện đúng
với tinh thần của nó như nhiều ĐBQH đã có ý kiến trong các cuộc thảo
luận vừa qua?
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Phó ban Biên tập Hiến pháp sửa đổi, cho biết: “Quan
điểm chỉ đạo của Đảng là chỉ sửa những gì thực sự cần thiết, đủ chín và
nói chung không thay đổi các nguyên tắc cơ bản cũng như mô hình tổ chức
bộ máy nhà nước, vận hành quyền lực. Thế nhưng không vì vậy mà công tác
sửa đổi các luật lại không được thực hiện. Bởi cho dù có sửa Hiến pháp
hay không thì việc hoàn thiện thể chế để bộ máy vận hành tốt hơn, hiệu
quả hơn vẫn là việc cần làm, đang và sẽ tiếp tục làm”.
Luật về chính quyền địa phương: Sửa khó nhất!
. Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1-1-2014, tức chỉ một tháng nữa. Vậy làm sao kịp sửa hết các luật đó, thưa ông?
+ Theo tôi hiểu, các vấn đề lớn về tổ chức bộ máy thì
việc sửa các luật liên quan sẽ chủ yếu phục vụ cho hoạt động của Nhà
nước trong nhiệm kỳ tới. Cho nên lộ trình là phải khẩn trương dự thảo
các luật sửa đổi hay ban hành mới để kịp trình QH thông qua, chậm nhất
là tại kỳ họp cuối năm 2015.
. Trong các luật liên quan tới tổ chức bộ máy, theo ông, luật nào sẽ phải sửa nhiều nhất, khó khăn nhất?
+ Luật về chính quyền địa phương. Đây là vấn đề gây
tranh cãi rất nhiều và có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo
luận dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp sửa đổi đã xử lý bằng cách chỉ
hiến định các vấn đề mang tính nguyên tắc, tư tưởng. Còn việc tổ chức
bộ máy chính quyền địa phương, ở các cấp, các khu vực đô thị, nông thôn
thế nào… thì sẽ phải bàn tiếp để đưa vào luật. Việc này lại liên quan
tới cuộc thí điểm không tổ chức HĐND mà tới đây phải tổng kết, đánh giá.
Tới đây, các luật tổ chức liên quan đến TAND, VKSND sẽ phải khẩn trương sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp mới. Ảnh: HTD
Nói chung, đây sẽ là vấn đề khó nhất và sẽ tác động
tới cả mô hình tổ chức cơ quan tư pháp. Hiện chúng ta đang có sự cân
nhắc là có tổ chức theo mô hình tòa án khu vực, theo cấp xét xử hay
không và lộ trình, bước đi thế nào…
Quyền con người: Hiến pháp có hiệu lực trực tiếp
. Nội dung về quyền con người được thuyết minh là
có nhiều điểm mới so với Hiến pháp 1992. Vậy các luật nào sẽ phải sửa để
các quyền cơ bản này thực sự vận hành trên thực tế?
+ Ngay cả các quy định trong Hiến pháp 1992 về quyền,
nghĩa vụ công dân cũng chưa hẳn đã được luật hóa hết. Nay với Hiến pháp
sửa đổi, các quy định còn kế thừa mà chưa có luật để cụ thể hóa thì sẽ
tiếp tục phải nghiên cứu mà làm.
Tôi cho là sẽ có rất nhiều việc phải làm để triển
khai tinh thần mới về quyền con người. Vị trí mới của quyền con người
trong Hiến pháp, từ Chương V cũ giờ nâng lên Chương II. Rồi tinh thần
mới của Hiến pháp rằng quyền con người chỉ bị hạn chế bởi luật do
QH ban hành, còn văn bản dưới luật chỉ là quy định về trình tự, thủ tục
để thực hiện các quyền đó… Những nhận thức mới mang tầm hiến định đó
đòi hỏi không chỉ phải xây dựng các luật mới mà ngay bây giờ phải rà
soát các quy định hiện hành xem có gì không còn phù hợp để sửa đổi, hủy
bỏ.
. QH từng “bắt lỗi” Chính phủ nợ đọng, chậm ban
hành văn bản hướng dẫn luật. Vậy Hiến pháp với nhiều tinh thần mới như
vậy mà lại không sớm có luật để cụ thể hóa thì QH có lỗi không? Và nếu
không sớm có luật thì các quyền con người có bị “treo” không?
+ Thảo luận của các ĐBQH đã khẳng định trong việc
Hiến pháp, luật chậm đi vào cuộc sống có trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị, trong đó có cả QH, cả Chính phủ và các ngành khác. Như thế,
QH tới đây sẽ phải cố gắng.
Riêng các quyền con người, theo quan điểm của tôi,
Hiến pháp có hiệu lực trực tiếp. Rất nhiều quyền của từng cá nhân đang
được thực hiện hằng ngày mà không phải chờ luật nào. Chỉ có một số quyền
mà vì tính chất đặc biệt của nó, Nhà nước cần quy định trình tự thủ tục
để thực hiện thì mới cần phải có luật.
. Xin cảm ơn ông.
Sửa nhiều luật liên quan đến tòa án, VKS
So với các chương khác trong Hiến pháp, chương về tư pháp có nhiều sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, lần đầu tiên nguyên
tắc tranh tụng được đưa lên thành hiến định, quy định có ngoại lệ xét
xử sơ thẩm không có hội thẩm hoặc thậm chí xét xử chỉ với một thẩm phán… Rồi hiến định “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử” cũng là rất mạnh.
Với tinh thần đó, các luật tổ chức liên quan đến
TAND, VKSND sẽ phải khẩn trương sửa đổi, làm rõ, cụ thể hóa xem nội hàm
nguyên tắc tranh tụng thế nào, trường hợp nào thì xét xử không cần hội
thẩm. Thậm chí có thể phải nghiên cứu sửa Bộ luật Hình sự xem nghiêm cấm
can thiệp thế nào. Có cần hình sự hóa không. Giờ chúng ta đang làm Pháp
lệnh Xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tòa án nhưng như các nước
còn có cả Luật tôn trọng tòa án.
Rất thuận lợi là các điểm mới về tư pháp về cơ bản
được chấp thuận, không có nhiều thay đổi từ dự thảo Hiến pháp sửa đổi
đầu tiên cho đến dự thảo cuối. Do quá trình nghiên cứu sửa Luật Tổ chức
TAND đã bám sát các dự thảo đó nên tôi nghĩ luật này sẽ sớm được hoàn
thành.
Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối cao
Mở rộng các hình thức nghĩa vụ quân sự
Nội dung về quốc phòng, an ninh trong Hiến pháp không
có nhiều sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận vẫn có
những ý kiến cần phải sửa các luật trong lĩnh vực này để tiếp tục cụ thể
hóa quy định của Hiến pháp.
Điểm mới đáng chú ý là Hiến pháp làm rõ hơn vai trò
của Chủ tịch nước ở vị trí thống lĩnh lực lượng vũ trang. Chủ tịch nước
được phong quân hàm cấp tướng trở lên. Việc này liên quan đến Luật Tổ
chức Chính phủ, Luật Sĩ quan QĐND, Luật CAND. Nhưng có cần sửa luật ngay
không thì phải tiếp tục bàn. Bởi nghị quyết của QH về thi hành Hiến
pháp yêu cầu những thẩm quyền nào đang ở cơ quan này nay giao cơ quan
khác thì sẽ phải chuyển giao từ ngày Hiến pháp có hiệu lực. Như vậy, có
thể thẩm quyền mới của Chủ tịch nước cũng sẽ được thực hiện ngay.
Ngoài ra, có ý kiến cần phải có Luật Chủ tịch nước để
có khung pháp lý cụ thể cho chế định này vận hành. Rồi vấn đề nghĩa vụ
quân sự, đợt thảo luận Hiến pháp vừa rồi đã thống nhất là không đưa vào
Hiến pháp mà xử lý bằng luật. Vậy Luật Nghĩa vụ quân sự tới đây có thể
phải nghiên cứu, sửa đổi, mở rộng khái niệm nghĩa vụ quân sự không chỉ
là đi lính nghĩa vụ, mà còn cả các hình thức nghĩa vụ khác để mọi công
dân phải đóng góp.
Ông TRẦN ĐÌNH NHÃ,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh
|
NGHĨA NHÂN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét