Gần
40 ngày, cả nước hồi hộp từng ngày theo dõi kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa
XIII. Phát biểu bế mạc chiều 29-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
khẳng định, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp. Chủ tịch
QH nhấn mạnh, đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng với nhiều dự án luật,
đặc biệt đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(sửa đổi). Đồng thời trong 8 luật và 10 dự án luật được thông qua, Luật
Đất đai (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
|
||
Ảnh: HOÀNG LONG
1. Hiến pháp là đạo luật gốc của bất cứ quốc gia
nào. Hiến pháp 1992 đã đi qua một chặng đường khá dài, nay được sửa đổi,
bổ sung.
Gần 1 năm ròng, mọi tầng lớp nhân dân đều được tham
gia góp ý kiến. Không khí dân chủ bao trùm. Trong hàng triệu ý kiến
thành tâm đóng góp, dù đúng dù sai thì cũng đều được Ban Dự thảo tiếp
nhận, trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu. Vì thế, đây là bản Hiến pháp của
toàn dân, là ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Nhưng, cũng cần nhớ rằng,
trong quá trình đó cũng có một vài ý kiến ngược dòng, thiếu thiện chí,
đặc biệt nhấn mạnh đến Điều 4 của Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng có một số ý kiến đề nghị đổi tên nước.
Tuy nhiên, ý chí của gần 500 Đại biểu Quốc hội đại
diện cho cử tri, nhân dân cả nước đã thể hiện rõ vào lúc 9h55’ ngày
28-11-2013: Bản Hiến pháp mới với sự tập trung tinh hoa, trí tuệ của đất
nước đã được thông qua. Điều 4 về vai trò lãnh đạo Nhà nước, xã hội của
Đảng CSVN vẫn được hiến định, nhưng Đảng không đặt mình lên trên nhân
dân mà chịu sự giám sát của nhân dân. Và tên nước vẫn là Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, không thay đổi.
Nói về bản Hiến pháp mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng khẳng định, “nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò
chủ thể của Nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, từng
vị Đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa
học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng
bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành và
như vậy, cả hệ thống chính trị đã đồng thuận cùng toàn dân tham gia hoàn
thiện bản Hiến pháp này”. Đồng thời Chủ tịch nhấn mạnh, “Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý
Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng
ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số
nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên luôn gắn
bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân
dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình và
luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Đó là điều căn cốt bậc nhất của bản Hiến pháp mới.
Một điểm mới được đông đảo các tầng lớp nhân dân
đánh giá cao trong bản Hiến pháp mới là chương đề cao quyền con người,
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của Nhân
dân. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, bản
Hiến pháp mới đã đưa quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
từ Chương 5 lên Chương 2. “Như vậy, riêng bố cục cũng đã thể hiện tầm
quan trọng của chương về quyền con người”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh. Tên
chương cũng đã có sự thay đổi, trước đây là quyền và nghĩa vụ cơ bản
công dân, còn bây giờ là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công
dân.
Đây từng được coi là “vấn đề tế nhị”, “nhạy cảm”,
không khỏi có lúc bị xuyên tạc rằng Việt Nam là quốc gia vi phạm nhân
quyền. Tuy nhiên, cùng với việc mới đây Việt Nam trở thành thành viên
của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, việc thể hiện rõ ràng về quyền
con người trong bản Hiến pháp mới đã khẳng định Nhà nước cam kết bảo
đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những
công ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Kết quả thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi
Với mỗi người Việt Nam, dù ở thành thị hay ở nông
thôn; dù giàu hay nghèo thì đất luôn là việc hệ trọng. Và nó càng hệ
trọng khi người ta được sở hữu, sử dụng nó ra sao; trong trường hợp bị
thu hồi thì thế nào, quyền lợi có được bảo đảm hay không. Thực tế cho
thấy, đất đai đã trở thành nỗi bức xúc của bộ phận không nhỏ người dân,
khi bị thu hồi, đền bù không thỏa đáng. Hơn 70% số các vụ khiếu kiện có
nguyên nhân từ đất. Kể cả những vụ án chấn động xã hội cũng có nguyên
nhân bắt đầu từ đất, trong đó người ta vẫn chưa quên vụ án Đoàn Văn Vươn
xả súng vào người thi hành công vụ. Vụ án khép lại, Đoàn Văn Vươn và
những người liên quan bị đi tù; những người ra lệnh cưỡng chế sai cũng
bị mất chức, có người đi tù. Đúng sai, tội trạng đến đâu đã có tòa phân
xử, nhưng khách quan vụ án cũng cho thấy đất đai là vấn đề rất phức tạp.
Trong quá trình góp ý, thảo luận về Hiến pháp 1992
sửa đổi, việc hiến định đất đai thu hút sự quan tâm của đông đảo người
dân, cũng như không ít lần làm nóng Nghị trường bởi những câu hỏi, cách
đặt vấn đề thẳng thắn và riết róng của nhiều vị Đại biểu Quốc hội. Xoay
quanh nhiều vấn đề rất thiết thân, những câu hỏi rất quan trọng đã được
đặt ra: Trong trường hợp nào thì thu hồi đất? Đền bù ra sao? Định giá
đất thế nào? ngoài số tiền đền bù thì người bị thu hồi đất còn được
những quyền lợi gì?
Trong buổi sáng ngày 29-11, ngày cuối cùng của Kỳ
họp thứ 6, có tới 448 Đại biểu trong số 473 Đại biểu Quốc hội đã biểu
quyết thông Luật này, đạt gần 89,9%, có 20 Đại biểu không tán thành, 5
Đại biểu không biểu quyết.
Vấn đề bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất
gây ra được bổ sung tại Điều 72. Người có đất trưng dụng được bồi thường
thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; bị thiệt hại về
thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra. Trường hợp đất trưng
dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá
chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường.
Việc điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất theo
biến động thị trường cũng được bổ sung vào Luật. Theo đó, Chính phủ ban
hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần với từng loại đất, theo từng
vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên
thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở
lên so với giá tối thiểu trong khung thì Chính phủ điều chỉnh khung cho
phù hợp. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Dư luận chung cho rằng, những điều chỉnh, sửa đổi
trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phù hợp với tình hình thực tế,
người bị thu hồi đất cảm thấy rõ ràng hơn về quyền lợi của mình, có cơ
sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp bị thu hồi đất.
Tất nhiên, không phải cứ có Luật thì mọi sự sẽ đâu
vào đấy, sẽ không còn nạn nhũng lạm, nạn bắt chẹt người dân. Nhưng, có
thể nói, với Luật Đất đai sau khi sửa đổi, người ta có cơ sở để hy vọng
hơn, có niềm tin hơn.
Một kỳ họp Quốc hội được dư luận đánh giá là lịch
sử. Kỳ họp đã cuốn hút hầu như từ đầu đến cuối, không chỉ những ngày
chất vấn – trả lời chất vấn; mà cả những ngày nghị sự hội trường, những
cuộc họp tổ…, cũng nóng và được người dân quan tâm. Kể cả những ngày
Quốc hội nghỉ họp thì người ta vẫn bàn về chuyện Quốc hội. Điều đó cho
thấy những vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội nêu ra đã đúng với ý nguyện
của cử tri gửi gắm; đồng thời cho thấy Quốc hội thực sự vì dân, đã và
đang làm tròn trách nhiệm cao cả của mình trước nhân dân, đất nước.
BẮC PHONG
|
Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013
Một kỳ họp lịch sử – Một kỳ họp cuốn hút (01/12/2013) – Bắc Phong
07:24
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 nhận xét:
Đăng nhận xét