Các copywriter trẻ Việt Nam cùng người mẫu quảng cáo của Thái Lan. |
Người ta nhìn thấy họ...
H.A, 24 tuổi, copywriter của một công ty quảng cáo tiếng tăm của Mỹ tại Việt Nam. Xinh đẹp, sành thời trang, dáng vẻ yêu kiều. Một ngày làm việc của cô thường bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng, và kéo dài đến 7-8 giờ tối, thậm chí đến cả sáng hôm sau nếu mai là hạn phải đem đi trình bày cho khách hàng những ý tưởng của mình. Thỉnh thoảng gặp H.A tung tăng dạo phố hoặc ngồi cùng đồng nghiệp trong một quán cà phê sang trọng nào đó thật thoải mái ngay trong giờ làm việc.
H. - copywriter của một công ty quảng cáo của Nhật lại độc đáo theo kiểu khác. Người ta dễ nhận ra anh tóc ngắn, quần ngắn (H. rất hay mặc quần short đi làm), nói nhanh, nói nhiều và nói rất duyên giữa đám đông.
Các copywriter gần như giống nhau ở một phong cách khác người. Họ cá tính. Họ hài hước. Họ vui vẻ, dễ gần. Và đặc biệt là nhiều ý tưởng. 70% thời gian của copywriter là để phục vụ cho việc nghĩ ra những ý tưởng mới. Còn chuyện trau chuốt câu chữ, viết slogan thế nào cho hay, cho độc đáo, tuy cũng rất quan trọng nhưng lại là công việc về sau.
“Nhiều người cho rằng copywriter là nghề nhẹ nhàng, nhưng thật ra đó là nghề “tàn sát” nơ-ron thần kinh rất mạnh...” - Hoàng Anh, copywriter của công ty quảng cáo J. cho biết.
Một copywriter đang làm cho một công ty quảng cáo nổi tiếng của Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Công việc quan trọng nhất là phải có được ý tưởng. Ra ý tưởng đã khó, có ý tưởng hay và độc đáo để thuyết phục được giám đốc sáng tạo, sếp của copywriter và khách hàng còn khó hơn gấp vạn lần.
Rồi còn chuyện câu chữ nữa chứ. Người chê, kẻ góp ý. Vì thế, copywriter phải thật mạnh dạn bảo vệ ý kiến và tác phẩm của mình mới mong nó còn nguyên vẹn đến ngày ra mắt công chúng. Tuy nhiên, copywriter cũng không được là người quá cứng nhắc. Nhiều khi câu mình viết lại không hay bằng câu của khách hàng hoặc một ai đó buột miệng nói ra...”.
Lại có nhận xét copywriter đầy tính... nghệ sĩ, thường rong chơi để tìm ý tưởng. Tuy nhiên, sự thật thì khác xa. Để có một ý tưởng hay là kết quả của một quá trình “ép xác”. Phải căng mình ra để tìm hiểu, để ngẫm nghĩ. Ý tưởng hay và thực tế mới từ đó mà bay ra.
Cơ hội dành cho các bạn trẻ
Anh Đào Minh Tuấn - Công ty Quảng cáo Dentsu, từng có 7 năm kinh nghiệm làm copywriter cho biết: “Copywriter là một nghề khó. Nó đòi hỏi bạn phải có cá tính độc đáo để luôn cho ra được những ý tưởng lạ, một tâm hồn lãng mạn để bay bổng cùng ngôn từ và một đôi mắt tinh tường để có thể đảm bảo mọi câu chữ, chi tiết đều không sai một ly một tí nào”.
Nói về yêu cầu của nghề, anh Tuấn chia sẻ: “Để trở thành một copywriter chuyên nghiệp, ngoài việc xem xét khả năng của bạn có đáp ứng được yêu cầu của nghề hay không, thì lòng đam mê cũng là một yếu tố rất quan trọng. Do đặc thù là công việc sáng tạo, nên công việc không chỉ dừng lại trong văn phòng mà các ý tưởng còn đeo đuổi bạn ngay cả khi ăn, ngủ, thậm chí cả khi... đi chơi với người yêu!”
Còn chuyện thu nhập? - một nữ copywriter đề nghị giấu tên, hiện đang làm cho một tập đoàn quảng cáo lớn tại TPHCM tiết lộ: “Một khi đã là copywriter chuyên nghiệp trong các tập đoàn quảng cáo đa quốc gia, bạn hoàn toàn yên tâm với mức lương được tính bằng đô la. Con số này có thể khởi đầu từ 400 - 500 USD và kết thúc bởi 4 con số không đằng sau”.
Ngoài ra, copywriter còn có nhiều cơ hội đi nước ngoài. Đó là chưa nói đến các khóa học nâng cao nghề nghiệp, các festival ngành quảng cáo ở nước ngoài và các kỳ du lịch cùng công ty.
Con số các copywriter hiện nay tuy đã tăng rất nhanh so với trước đây, nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu ngày càng cao của ngành quảng cáo. Hầu hết các công ty quảng cáo trong và ngoài nước, dù đăng tuyển hay không, thì đều luôn có nhu cầu tuyển copywriter. Thêm vào đó, hiện tại vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo nghề copywriter, nên ngành quảng cáo thiếu hẳn nguồn nhân lực chính thống cho ngành này.
Các copywriter đang làm việc tại các công ty quảng cáo cũng có xuất phát điểm từ đủ mọi ngành, nhưng nhiều nhất vẫn là ngoại ngữ, báo chí, ngoại thương, thậm chí cả bách khoa... Học nghề qua chính kinh nghiệm thực tiễn, đó chính là cách nhanh nhất bước chân vào ngành này. Vì thế, các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm vẫn được chào đón nồng nhiệt, miễn là bạn tự tin vào khả năng sáng tạo của mình.
Nhiều chuyên gia quảng cáo nhận định: “Cùng với sự phát triển của ngành quảng cáo, nhất là sau năm 2007, khi các công ty quảng cáo nước ngoài được chính thức đầu tư vào Việt Nam, thì nghề copywriter sẽ trở nên rất thịnh hành. Đây đích thực là nghề dành cho những bạn trẻ năng động, muốn thử thách khả năng sáng tạo của mình”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét