Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Cuộc khủng hoảng và tương lai của chủ nghĩa tư bản Mỹ

Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra từ năm 2008 đánh vào vào trái tim của chủ nghĩa tư bản Mỹ là lĩnh vực tài chính, sẽ để lại nhiều dấu ấn lâu dài. Điều tiết tài chính, vai trò của các ngân hàng lớn, và quan hệ giữa chính phủ với các tác nhân chính trên thị trường chưa bao giờ như hiện nay.


Tuy nhiên, quan trọng hơn, đó là thái độ của dư luận cho thấy hệ thống của nước Mỹ phải thay đổi. Bản chất của cuộc khủng hoảng, và cách đối phó của chính phủ, dường như đang hủy hoại cảm giác của công chúng về sự công bằng cũng như tính hợp pháp của chủ nghĩa tư bản dân chủ.
Bằng cách cho phép các điều kiện gây ra khủng hoảng (nhất là sự tập trung quyền lực vào một số thể chế lớn), và với cách đối phó khủng hoảng mà chúng ta đã tiến hành (chủ yếu là các gói hỗ trợ lớn của chính phủ cho các ngân hàng và tập đoàn lớn), nước Mỹ ngày nay có nguy cơ chuyển hướng sang chủ nghĩa nghiệp đoàn ở châu Âu. Ngược lại, điều này đang gây nguy hiểm cho nhánh duy nhất của chủ nghĩa bản ở Mỹ, vốn từ trước tới nay không bị công chúng đồng hóa với tham nhũng và giúp quốc gia này tránh được những chỉ trích chống tư bản dân túy.
Những thay đổi trên phải chăng đang bắt đầu? Và nếu vậy, liệu đó có phải chỉ là một phản ứng tức thời trước suy thoái kinh tế sâu, hay là một thay đổi lớn và có hại hơn trong thái độ của Mỹ? Một số thông tin ban đầu không lạc quan lắm.
Nghiện làm giàu
Một người từng làm cố vấn cho tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng của Mỹ American International Group (AIG). Để tránh trường hợp anh gây quỹ hedge của riêng mình, AIG đã đề nghị ký với anh một thỏa thuận theo đó anh sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường cho việc này. Đây là một đề nghị hoàn hảo. Nhưng không may cho người bạn của tôi, việc thanh toán khoản tiền theo thỏa thuận được thực hiện vào cuối năm 2008. Và kết quả là anh phải sống những tháng đầu năm 2009 trong khủng hoảng. Giữa cao trào của cơn oán giận phản đối các khoản tiền thưởng như vậy, anh đã từng nhận một số lời đe dọa ám sát. Anh còn chuẩn bị sẵn kế hoạch đưa vợ con ra nước ngoài để được an toàn.
Dù những lúc xảy ra chuyện như vậy không nhiều, nhưng đây là triệu chứng cho thấy một sự bất bình lớn hơn trong công chúng. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 65% người Mỹ cho rằng chính phủ nên ngăn chặn chính sách thưởng của các tập đoàn lớn, trong khi 60% muốn chính phủ can thiệp để cải thiện cách các tập đoàn đang vận hành. Chỉ 5% người Mỹ nói rằng hoàn toàn tin vào chính phủ, trong khi 30% nói họ ngược lại. Tệ hơn, cứ ba người thì có một người nói họ không hề tin vào các tập đoàn lớn.
Tại Mỹ, cho đến gần đây, người ta vẫn nghiến răng chịu chấp nhận các nguyên tắc thị trường cơ bản và thậm chí dung thứ cho một số tác động tiêu cực của thị trường như gây ra bất công trong thu nhập. Chính điều này khiến cho chủ nghĩa tư bản từ lâu được đông đảo dân chúng Mỹ đặc biệt ủng hộ. Dạng tư bản tại nước này hoàn toàn khác biệt với ở bất cứ đâu trên thế giới vì hệ thống thị trường tự do và cởi mở độc nhất vô nhị của họ.
Chủ nghĩa tư bản không chỉ kêu gọi tự do doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi các đạo luật và chính sách cho phép sự tự do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho những người mới đến tiếp cận các nguồn tài chính. Mỹ nhìn chung đang tiến gần sát tới sự kết hợp lý tưởng này. Đây là một kỳ công không nhỏ, khi mà các sức ép và các động cơ kinh tế không cho phép một sự cân bằng như vậy trong chính sách. Bởi trong khi mọi người đều hưởng lợi từ một thị trường tự do và cạnh tranh, chẳng ai kiếm tiền được bằng việc giữ hệ thống đó cạnh tranh và tạo sân chơi công bằng. Chủ nghĩa tư bản thực sự không có một hoạt động vận động hậu trường (lobby) mạnh mẽ.
Nhận xét trên dường như là kỳ lạ nếu nhìn vào hàng tỷ USD mà các công ty bỏ ra để vận động hậu trường Quốc hội Mỹ. Nhưng quả đúng là như vậy. Hầu hết hoạt động lobby tìm cách lật đổ sân chơi theo hướng này hay hướng khác, chứ không đảm bảo cho sự thăng bằng của nó.

Hầu hết là loại “vị doanh nghiệp” tức là nhằm thúc đẩy lợi ích của các công ty đang tồn tại, chứ không “vị thị trường”, tức là thúc đẩy cạnh tranh công khai và thực sự tự do. Các lực lượng cạnh tranh công khai đã lập nên các công ty nhằm chứng tỏ khả năng của mình; các tác nhân thị trường thành đạt thường dùng sức mạnh để hạn chế sự cạnh tranh này, và củng cố vị trí của mình. Kết quả là những căng thẳng nghiêm trọng nổi lên giữa mục đích vị thị trường với mục đích vị doanh nghiệp, dù chủ nghĩa tư bản Mỹ luôn điều tiết căng thẳng này tốt hơn bất cứ nước nào khác.
Ngoại lệ Mỹ
Trong một nghiên cứu mới đây, Rafael Di Tella và Robert MacCulloch đã chứng tỏ rằng sự ủng hộ của công chúng đối với bất kỳ dạng nào của chủ nghĩa tư bản ở các nước khác nhau một mặt gắn với khái niệm cho rằng cần cù lao động, chứ không phải là may mắn, sẽ quyết định thành công, mặt khác cho rằng nó có liên quan tới tham nhũng. Những kiểu gán ghép này đã giải thích lý do tại sao mọi người ủng hộ hệ thống tư bản Mỹ.
Theo một nghiên cứu mới đây, chỉ 40% người Mỹ cho rằng may mắn chứ không phải sự chăm chỉ đóng vai trò chính tạo ra khác biệt về thu nhập. Trong khi đó, 75% người Brazil cho rằng sự chênh lệch về thu nhập hầu hết là vấn đề may mắn, 66% người Đan Mạch và 54% người Đức cũng nghĩ vậy. Và bạn đã bắt đầu hiểu tại sao thái độ của người Mỹ đối với hệ thống thị trường tự do lại khác biệt như vậy.
Một số học giả cho rằng cách quan niệm về tính hợp pháp của chủ nghĩa tư bản chỉ đơn thuần là kết quả của một chiến dịch quảng bá thành công cho Giấc mơ Mỹ - một huyền thoại trong nền văn hóa Mỹ, nhưng không hẳn gắn với thực tế. Và đúng là các số liệu đã không thể cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy sự năng động của xã hội trên toàn nước Mỹ cao hơn ở các nước phát triển khác. Nhưng sự khác biệt này lại xuất hiện rõ nét trong phân phối thu nhập, vốn được dư luận quan tâm nhiều nhất.

Ngay trước khi sự bùng nổ internet tạo ra nhiều tỷ phú trẻ, năm 1996, một trong bốn tỷ phú ở Mỹ được mô tả là “tự thân vận động” – so với con số chỉ 1/10 ở Đức. Và những tỷ phú tự lập ở Mỹ giàu có nhất – từ Bill Gates và Michael Dell đến Warren Buffett và Mark Zuckerberg – đều làm giàu thông qua cạnh tranh kinh doanh, mà không hề nhận hoặc nhận rất ít ưu đãi hay trợ giúp của chính phủ.
Điều tương tự không xảy ra ở hầu hết các quốc gia khác, nơi những người giàu nhất thường có xu hướng làm giàu nhờ các công ty mà sự liên hệ với chính phủ mang tính quyết định cho thành công. Hãy nghĩ về những nhà tài phiệt ở Nga, Silvio Berlusconi ở Ý, hay Carlos Slim ở Mexico, và thậm chí cả những ông trùm kinh doanh đầy quyền lực ở Hồng Kông. Họ làm giàu thông qua các công ty chủ yếu dựa vào ưu đãi của chính phủ: năng lượng, bất động sản, viễn thông, khai mỏ. Thành công của các công ty này thường phụ thuộc nhiều vào các quan hệ hơn là sáng kiến hay công việc kinh doanh.
Tại đa số các nước, cách tốt nhất để làm giàu không phải là có những ý tưởng tốt và lao động cực nhọc, mà bằng việc xây dựng các quan hệ mật thiết với chính phủ. Mối quan hệ tình thân này định hướng dư luận về một hệ thống kinh tế quốc gia. Khi được hỏi trong một nghiên cứu mới đây về điều quyết định nhiều nhất thành công tài chính, các ông chủ người Ý đã xếp yếu tố “quen biết một người có thế lực” lên đầu tiên. (80% cho là “quan trọng” hoặc “rất quan trọng”). “Năng lực và kinh nghiệm” chỉ xếp thứ 5, sau các đặc điểm như “trung thành và biết vâng lời”.
Các con đường khác nhau dẫn tới thịnh vượng nói trên cho thấy sự khác biệt về nhận thức. Chủ nghĩa tư bản Mỹ thực sự rất khác với các đối tác châu Âu, vì những lý do bắt nguồn từ lịch sử.
Gốc rễ của chủ nghĩa tư bản Mỹ
Tại Mỹ, không giống như phần còn lại của phương Tây, dân chủ phải có trước công nghiệp hóa. Trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai cuối thế kỷ 19, Mỹ đã trải qua vài thập kỷ áp dụng phổ thông đầu phiếu, và nhiều thập kỷ phổ cập giáo dục. Điều này tạo ra một công chúng cầu toàn, không muốn bỏ qua sự bất công giữa ban ngày trong chính sách kinh tế.
Không hề ngẫu nhiên khi khái niệm luật chống độc quyền – một ý tưởng vị thị trường nhưng đôi khi chống lại các công ty – đã được nghiên cứu tại Mỹ từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cũng không hề ngẫu nhiên khi đầu thế kỷ 20, bị kích động bởi một tờ báo tò mò và một phong trào dân túy chính trị (nhưng không phản thị trường), Mỹ đã có một thời kỳ tăng điều tiết của nhà nước nhằm giảm quyền lực của các công ty lớn.
Khác với châu Âu – nơi hầu hết những phản đối mạnh mẽ đối với sự thái quá của các công ty xuất phát từ các phong trào xã hội phản thị trường – tại Mỹ, sự phản đối này trực tiếp vì thị trường. Khi thẩm phán Louis Brandeis tấn công tổ hợp độc quyền về tiền tệ, ông đã không cố động chạm vào thị trường – mà chỉ cố làm cho thị trường tốt hơn. Kết quả là, người Mỹ từ lâu đã hiểu rằng lợi ích của thị trường và lợi ích của doanh nghiệp có thể luôn luôn song hành.
Chủ nghĩa tư bản Mỹ cũng phát triển vào lúc mà sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế còn rất yếu. Đầu thế kỷ 20, khi chủ nghĩa tư bản Mỹ hiện đại đang định hình, chi tiêu của Chính phủ Mỹ chỉ chiếm 6,8% GDP. Sau chiến tranh thế giới II, khi chủ nghĩa tư bản hiện đại thực sự hình thành ở các nước Tây Âu, chi tiêu công ở đây chiếm khoảng 30% GDP.
Cho đến khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ có một chính phủ liên bang quy mô nhỏ hơn so với các chính phủ trung ương ở các nước khác. Điều này một phần vì thực tế là Mỹ không phải đối mặt với mối đe dọa quân sự nào, cho phép chính phủ của họ chi tiêu một tỷ lệ tương đối nhỏ ngân sách cho quân sự. Bản chất liên bang của Mỹ cũng khiến nước này hạn chế quy mô của chính phủ trung ương. Khi chính phủ nhỏ và tương đối yếu, cách để làm giàu là bắt đầu từ một công ty tư nhân thành đạt.
Nhưng khi chi tiêu công càng lớn thì càng dễ kiếm tiền bằng việc trích từ các nguồn công cộng. Bắt đầu một công ty rất khó khăn và nhiều rủi ro – nhưng để nhận được một hợp đồng chính phủ thì dễ hơn nhiều, lại được đảm bảo. Và trong những quốc gia có chính phủ lớn hơn và nhiều quyền lực hơn, nhà nước ở đó có xu hướng nằm ở trung tâm hệ thống kinh tế, ngay cả khi hệ thống này tương đối tư bản hóa. Điều này có xu hướng phá hỏng hoạt động chính trị và kinh tế, cả trong thực tiễn lẫn trong nhận thức của công chúng: Phần của các nhà tư bản làm giàu nhờ quan hệ chính trị càng nhiều bao nhiêu thì dân chúng càng thấy rằng tư bản chủ nghĩa là bất công và tham nhũng bấy nhiêu.
Một đặc trưng khác của chủ nghĩa tư bản Mỹ là nó phát triển tương đối tách biệt với ảnh hưởng bên ngoài. Dù tư bản châu Âu (đặc biệt là ở Anh) đóng một vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế của Mỹ thế kỷ 19 đầu 20, song các nền kinh tế châu Âu khi đó cũng không phát triển hơn nền kinh tế Mỹ - và trong khi các nhà tư bản châu Âu có thể đầu tư vào các công ty Mỹ hoặc cạnh tranh với các công ty này, họ cũng không thể chế ngự thị trường. Kết quả là, chủ nghĩa tư bản Mỹ phát triển ít nhiều theo kiểu hữu cơ, và vẫn cho thấy các dấu hiệu của các nguồn gốc này. Ví dụ đạo luật phá sản ở Mỹ rõ ràng thiên vị chủ nợ vì Mỹ sinh ra và phát triển như một quốc gia đi vay nợ.
Mọi chuyện rất khác ở các quốc gia có nền kinh tế tư bản sau chiến tranh thế giới II. Các nước này (gồm những nước châu Âu không thuộc không gian Xô Viết, một phần châu Á, và nhiều nước Mỹ La tinh) công nghiệp hóa dưới cái bóng khổng lồ của quyền lực Mỹ. Trong tiến trình phát triển này, giới ưu tú địa phương cảm thấy bị đe dọa bởi bóng ma đô hộ kinh tế của các công ty Mỹ vốn hoạt động hiệu quả hơn và tư bản hóa tốt hơn.

Để bảo vệ mình, họ chủ ý xây dựng một hệ thống không trong sạch, trong đó các mối quan hệ ở địa phương là rất quan trọng, vì nó tạo cho họ một lợi thế cố hữu. Các cấu trúc này đã được khẳng định trong nhiều thập kỷ sau đó: Một khi các hệ thống kinh tế và chính trị được thiết lập nhằm thưởng cho các quan hệ thay vì dựa vào tính hiệu quả, rất khó cải cách chúng, bởi những người nắm quyền là những người mất nhiều nhất nếu xảy ra thay đổi.
Cuối cùng, Mỹ có thể đạt mục đích vị thị trường, không phải vị doanh nghiệp, bởi họ không bị tác động trực tiếp của chủ nghĩa Marx. Có thể kiểu chủ nghĩa tư bản mà Mỹ phát triển là nguyên nhân, cũng là kết quả, của sự thiếu vắng các phong trào Marxist trong nước này. Nhưng trong cả hai con đường đó, thái độ của người Mỹ đối với kinh tế học hoàn toàn khác với các nước phương Tây.
Tại những nước có các đảng phái xuất chúng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, các lực lượng vị thị trường và vị doanh nghiệp bị cuộc phải kết hợp với nhau để đấu tranh chống lại kẻ thù chung. Nếu một bên phải đương đầu với nguy cơ quốc hữu hóa (ví dụ, sự kiểm soát các nguồn lực nằm trong tay một số ít giới ưu tú chính trị), thì cả chủ nghĩa tư bản quan hệ (sự kiểm soát các nguồn lực này thuộc về một số ít doanh nghiệp ưu tú) cũng trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn.
Kết quả là nhiều trong số các quốc gia này có thể phát triển một dạng cởi mở và cạnh tranh hơn của chủ nghĩa tư bản vì họ không thể đủ sức chia rẽ phe đối lập Marxist. Tệ hơn, ngọn cờ thị trường tự do đã hoàn toàn thích hợp với các lực lượng vị doanh nghiệp, vốn được trang bị tốt hơn và sung túc hơn.
Nghịch lý là, khi sự chống lại các tư tưởng Marxist yếu dần, vấn đề này ở đa số các quốc gia nói trên trở nên tồi tệ hơn chứ không khả dĩ hơn. Sau nhiều thập kỷ liên kết, các lực lượng vị thị trường không thể tách ra khỏi phe vị doanh nghiệp. Mất đi phe đối lập về hệ tư tưởng Marxist và thiếu vắng một phe đối lập của tư tưởng vị thị trường, các lực lượng vị doanh nghiệp đã nắm quyền lực một cách dễ dàng. Không ở đâu điều này thể hiện rõ như ở Ý, nơi phong trào vị thị trường ngày nay hầu hết thuộc về một doanh nhân, đó là Thủ tướng Silvio Berlusconi, người dường như thường điều hành đất nước dựa trên lợi ích của đế chế truyền thông của ông.
Vì tất cả những lý do trên, Mỹ đã phát triển một hệ thống tư bản chủ nghĩa gần sát nhất tới sự kết hợp lý tưởng của tự do kinh tế và cạnh tranh công khai. Vì vậy, hình ảnh mà nhiều người Mỹ nghĩ về chủ nghĩa tư bản là hình ảnh của các câu chuyện về những người nghèo làm giàu nhờ chăm chỉ lao động như Horatio Anger, hình ảnh sau này đã tạo ra Giấc mở Mỹ.
Ngược lại, tại hầu hết các nước khác trên thế giới, chẳng ai biết đến Horatio Anger, và hình ảnh về sự năng động xã hội bị choán bởi các câu chuyện Công chúa lọ lem Cinderella hay Nàng Eva nhỏ bé Evita: hình ảnh tưởng tượng hơn là những giấc mơ thật. Cách hiểu như vậy về cơ hội đã giúp cho chủ nghĩa tư bản trở nên phổ biến và được đảm bảo ở Mỹ.
Nhưng vì hệ thống thị trường tự do dựa trên sự ủng hộ của công chúng, và sự ủng hộ này trong một chừng mực nào đó lại tùy thuộc vào cảm nhận của dư luận về việc hệ thống này có công bằng không, nên bất cứ sự xói mòn nào trong cảm nhận đều đe dọa chính hệ thống này. Sự xói mòn đó xảy ra khi các mối quan hệ với chính phủ, hay quyền lực của những người đương chức đối với thị trường, vượt qua sự cạnh tranh tự do và công bằng thực sự như cách để làm giàu và thành công. Nhưng chính phủ và các công ty lớn có động lực lớn để thúc đẩy hệ thống theo hướng này, và vì vậy cả hai bên, nếu không kiểm soát, sẽ đe dọa dạng thức đặc thù của tư bản chủ nghĩa ở Mỹ.
Dù Mỹ có một lợi thế lớn là xuất phát từ một mô hình cao hơn của chủ nghĩa tư bản và phát triển một hệ tư tưởng để hỗ trợ nó, hệ thống của nước này vẫn dễ bị tổn thương trước các sức ép – và không chỉ khi xảy ra khủng hoảng.
Hệ tư tưởng có sức thuyết phục nhất cũng không thể bỏ qua được các điều kiện và những lý lẽ sinh ra nó. Chủ nghĩa tư bản Mỹ cần những người bảo vệ có trọng lượng, có thể hiểu các mối đe dọa mà nó phải đối mặt và có thể làm điều tương tự với công chúng. Nhưng 30 năm trở lại đây, khi mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu yếu dần và biến mất, người bảo vệ chủ nghĩa tư bản không tăng nhiều, trong khi những lời xúi giục chủ nghĩa nghiệp đoàn thì lớn mạnh trông thấy. Điều này đã tạo điều kiện bùng phát cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt và khiến chúng ta không nhìn thấy lối thoát.

Hệ thống phân bổ tài chính sẽ phân bổ quyền lực và lợi nhuận; nếu hệ thống này không công bằng, ít hy vọng rằng phần còn lại của nền kinh tế có thể công bằng được. Trong khi đó, nguy cơ bất công và lạm dụng trong hệ thống tài chính thì luôn lớn.
Cho thuê ngoại lệ Mỹ
Một hệ thống tài chính khỏe mạnh rất quan trọng đối với bất cứ nền kinh tế thị trường nào. Mở rộng khả năng tiếp cận với tài chính mang tính quyết định đối với việc khai thác các tiềm năng tốt nhất và cho phép các tiềm năng này phát triển. Mở ra nhiều cửa vào mới tới hệ thống này và để thúc đẩy cạnh tranh cũng không kém phần quan trọng. Hệ thống phân bổ tài chính sẽ phân bổ quyền lực và lợi nhuận; nếu hệ thống này không công bằng, ít hy vọng rằng phần còn lại của nền kinh tế có thể công bằng được. Trong khi đó, nguy cơ bất công và lạm dụng trong hệ thống tài chính thì luôn lớn.
Người Mỹ đã từ lâu cảm thấy sự lạm dụng đó. Trong khi chúng ta tránh các xu hướng chống tư bản nói chung, người Mỹ đã ủng hộ một xu hướng phi tài chính dân túy. Xu hướng này dẫn tới nhiều quyết định chính trị trong lịch sử Mỹ không có hiệu quả nếu xét trên phương diện kinh tế, nhưng lại giúp duy trì sức mạnh lâu dài của chủ nghĩa tư bản dân chủ Mỹ.
Cuối những năm 1830, Tổng thống Andrew Jackson đã không công nhận ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ - động thái gây ra cuộc khủng hoảng năm 1837 – vì ông thấy ngân hàng này là một công cụ của tham nhũng chính trị và đe dọa các quyền tự do của người Mỹ. Một cuộc điều tra do ông mở đã xoay quanh câu hỏi “phải chăng thể chế đầy quyền lực và to lớn này có liên quan đến âm mưu của các quan chức dùng tiền để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử”.
Trong phần lớn lịch sử Mỹ, sự điều tiết của ngân hàng trung ương xuất phát từ lo ngại về quyền lực của các ngân hàng ở New York đối với phần còn lại của đất nước, và nguy cơ các ngân hàng lớn rút các khoản tiền gửi của nông dân để gửi lại vào các ngân hàng ở thành phố. Để chấm dứt những lo ngại này, nhiều bang đã đưa ra một loạt các hạn chế: từ việc các ngân hàng chỉ được có một trụ sở giao dịch đến các hạn chế đối với việc mở chi nhánh tiểu bang (ngân hàng ở bang Illinois Bắc không thể mở chi nhánh ở Illinois Nam), hay các hạn chế về mở chi nhánh giữa các tiểu bang (các ngân hàng ở New York không được mở chi nhánh ở các bang khác).
Xét trên quan điểm thuần túy kinh tế, tất cả các hạn chế này đều là điên rồ. Chúng hạn chế việc tái đầu tư tiền gửi trong cùng một khu vực, từ đó làm méo mó thậm tệ việc phân phối vốn. Và bằng cách cấm các ngân hàng mở rộng, các quy định này đã làm cho các ngân hàng không đa dạng hóa, từ đó càng dễ thất bại. Tuy nhiên, các chính sách này cũng có một tác động tích cực: chúng chia nhỏ lĩnh vực ngân hàng, giảm thiểu quyền lực chính trị của ngân hàng, nhờ đó tạo ra các điều kiện tiên quyết cho một thị trường chứng khoán sôi động.
Ngay cả sự phân biệt giữa ngân hàng đầu tư với ngân hàng thương mại trong đạo luật Glass-Steagall của nhóm New Deal cũng là một sản phẩm của truyền thống lâu đời này của Mỹ. Không giống như nhiều cách điều tiết ngân hàng khác, Luật Glass-Steagall bắt nguồn từ một lý do kinh tế: để các ngân hàng thương mại không khai thác những người gửi tiền cho mình bằng việc bán phá giá cho họ các trái phiếu của doanh nghiệp mà ngân hàng này cho vay tiền và không trả được nợ. Hậu quả lớn nhất của Luật Glass-Steagall là sự chia nhỏ ngành công nghiệp ngân hàng, góp phần giảm tập trung trong ngành này, và giảm quyền lực chính trị của nó bằng cách tạo ra các mức lãi suất khác nhau ở những nơi khác nhau trong lĩnh vực tài chính.
Ba thập kỷ vừa qua, các thỏa thuận này đã hoàn toàn bị đảo ngược, bắt đầu từ sự phi điều tiết liên tục đối với lĩnh vực ngân hàng. Các hạn chế mà các điều tiết của nhà nước đặt ra đã không thể thực hiện, và nhiều năm tiến bộ về kỹ thuật và tài chính đã khiến chúng không thể duy trì.
Ích gì khi hạn chế các ngân hàng mở chi nhánh trong khi các ngân hàng có thể đặt máy ATM trên cả nước? Hiệu quả ở đâu khi một lệnh cấm mở chi nhánh giữa các tiểu bang đang cản trở sự phân phối tiền gửi? Và khi nào các ngân hàng không hội nhập có thể phân phối các khoản tiền gửi này thông qua thị trường liên ngân hàng?
Từ cuối những năm 1970, điều tiết của ngân hàng trung ương đã giảm bớt, giúp tăng tính hiệu quả của lĩnh vực ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng thay đổi này cũng làm tăng tính tập trung. Năm 1980, có khoảng 14.434 ngân hàng ở Mỹ, tương đương với con số của năm 1934. Năm 1990, con số này đã giảm xuống còn 12.347, và đến năm 2000 chỉ còn 8.315 ngân hàng. Năm 2009, con số này chỉ dưới 7.100. Quan trọng hơn, sự tập trung các khoản tiền gửi và vay gia tăng đáng kể. Năm 1984, 5 ngân hàng lớn nhất của Mỹ chỉ kiểm soát 9% tổng tiền gửi trong lĩnh vực ngân hàng. Đến năm 2001, tỷ lệ này tăng 21% và đến cuối năm 2008, đạt gần 40%.
Đỉnh điểm của quá trình này là việc thông qua đạo luật Gramm-Leach-Bliley năm 1999, hủy bỏ các hạn chế mà Luật Glass-Steagall đã đặt ra. Luật mới bị cho là đóng vai trò chính trong việc gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, nhưng không phải vậy. Trên thực tế, văn bản này chẳng liên quan gì đến cuộc khủng hoảng.
Các thể chế tài chính lớn phá sản hoặc phải bảo lãnh trong hai năm qua là các ngân hàng đầu tư thuần túy – như Lehman Brothers, Bear Stearns, và Merrill Lynch – vốn là những ngân hàng không được hưởng lợi từ việc hủy Luật Glass-Steagall, hoặc là những ngân hàng thương mại thuần túy như Wachovia và Washington Mutual. Chỉ có một ngoại lệ là Citigroup, ngân hàng đã trộn lẫn các giao dịch thương mại và đầu tư ngay trước khi Luật Gramm-Leach-Bliley ra đời, nhờ được ưu đãi đặc biệt về thuế.
Tác động thực sự của Luật Gramm-Leach-Bliley là về chính trị, chứ không trực tiếp về kinh tế. Trước luật này, các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư và các công ty bảo hiểm có mục đích khác nhau, và vì vậy các hoạt động lobby của họ có xu hướng bù trừ cho nhau. Nhưng sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, lãi suất của các ngân hàng chính bắt đầu liên kết với nhau, tạo ra cho lĩnh vực công nghiệp ngân hàng quyền lực lớn trong việc định hướng mục tiêu chính trị. Sự tập trung trong ngành công nghiệp ngân hàng chỉ càng giúp gia tăng quyền lực này.
Nguồn cơn chính yếu nhất và gần nhất tạo ra quyền lực ngày càng lớn của ngành công nghiệp ngân hàng chính là lãi suất, ít nhất là trên sách vở. Những năm 1960, tỷ trọng của lĩnh vực ngân hàng trên GDP vào khoảng hơn 3%. Đến giữa năm 2000, con số này đã lên tới hơn 8%. Sự mở rộng này là nhờ sự gia tăng chóng mặt không chỉ về lợi nhuận mà cả tiền lương.
Năm 1980, lương trung bình của một nhân viên làm việc trong lĩnh vực tài chính gần tương đương với lương của các công nhân trình độ tương đương trong các lĩnh vực khác. Nhưng đến năm 2007, người làm trong lĩnh vực tài chính đã kiếm được nhiều hơn 70% so với các lĩnh vực khác. Nhiều người cố giải thích sự chênh lệch này là do khác biệt về năng lực, hay nhu cầu lao động... Song, đơn giản là những người làm về tài chính dễ kiếm tiền hơn bất cứ ai khác.
Sự ưu đãi lớn này cho phép ngành công nghiệp ngân hàng chi tiêu những khoản tiền quá lớn để lobby hệ thống chính trị. Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp tài chính đã đóng góp 2,2 tỷ USD cho chính trị, nhiều hơn bất cứ ngành công nghiệp nào khác. Và trong 10 năm trở lại đây, ngành ngân hàng đứng đầu bảng danh sách chi tiêu cho lobby, với con số 3,5 tỷ USD.
Sự bùng nổ lương và lợi nhuận trong ngành tài chính cũng thu hút những người giỏi nhất. 30 năm gần đây, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi xin làm việc trong các ngành khoa học, công nghệ, luật pháp và kinh doanh; nhưng 20 năm trở lại đây, họ đổ xô vào ngành tài chính. Cống hiến cho lĩnh vực này, cuối cùng các cá nhân tài giỏi này sẽ cố gia tăng lợi ích của ngành ngân hàng: một người chuyên về thị trường phái sinh sẽ rất quan tâm tới giá trị của các sản phẩm phái sinh, giống như một kỹ sư hạt nhân nghĩ rằng năng lượng hạt nhân có thể giải quyết mọi vấn đề thế giới.
Và nếu hầu hết giới ưu tú chính trị đều xuất thân từ các kỹ sư hạt nhân, hoàn toàn tự nhiên khi đất nước sẽ sớm xây dựng được các nhà máy hạt nhân. Trên thực tế, chúng ta đã có một ví dụ về kịch bản này ở Pháp, nơi vì những lý do văn hóa phức tạp một tỷ lệ lớn bất thường các nhân vật ưu tú chính trị từng học ngành kỹ sư ở Trường đại học Bách khoa – và Pháp sử dụng năng lượng hạt nhân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Một tác động tương tự cũng rất rõ ràng với ngành tài chính ở Mỹ. Tỷ lệ những người được học và có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực tài chính ở cấp cao nhất trong chính quyền tổng thống mới đây tăng cao một cách đặc biệt. Bốn trong sáu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ có lý lịch như vậy.

Thực tế, cả bốn người này đều liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến một công ty là ngân hàng Goldman Sachs. Đây gần như là một tiêu chuẩn mang tính lịch sử; trong số sáu Bộ trưởng Ngân khố trước, chỉ một người có bằng về tài chính. Số nhân viên chính phủ đã học qua ngành tài chính nhiều không chỉ ở Bộ Ngân khố mà có mặt ở cả nhiều vị trí trong Nhà Trắng và các vị trí quan trọng trong nhiều Bộ khác. Người phụ trách nhân sự của Tổng thống Barack Obama, ông Rahm Emanuel, cũng từng làm việc cho một ngân hàng đầu tư, và người tiền nhiệm của ông dưới thời Tổng thống George Bush, ông Joshua Bolten cũng vậy.
Việc này chẳng có gì quá tệ hại. Thực tế là hoàn toàn bình thường khi một chính phủ tìm kiếm những người xuất chúng và tìm thấy họ trong lĩnh vực ngân hàng, bởi đây là nơi mà những sinh viên giỏi nhất đã len vào. Vấn đề là những người đã dành nhiều thời gian cho ngành tài chính có xu hướng nghĩ rằng lợi ích của ngành họ và lợi ích quốc gia luôn song hành.
Khi Bộ trưởng Ngân khố Henry Paulson lập luận trước Quốc hội mùa Thu năm ngoái rằng thế giới mà chúng ta đã biết sẽ kết thúc nếu Quốc hội không thông qua khoản trợ giúp trị giá 700 tỷ USD, ông đã nghiêm túc và nói một cách chân thành. Và trong một chừng mực nào đó, ông đã đúng: Thế giới “của ông” – thế giới mà ông sống và làm việc – sẽ kết thúc nếu không có gói kích thích. Golman Sachs sẽ phá sản và ảnh hưởng đến bất cứ ai ông biết sẽ là rất lớn.
Nhưng thế giới của Henry Paulson không phải là thế giới mà hầu hết người Mỹ sống trong đó – càng không phải là thế giới trong đó nền kinh tế của chúng ta tồn tại bình an. Việc liệu thế giới đó có thể chấm dứt hay không nếu thiếu sự trợ giúp của Quốc hội là một đề xuất có thể tranh luận sâu hơn, nhưng thật đáng tiếc là cuộc tranh luận đó đã không thể xảy ra.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi các thành viên chính phủ có xu hướng dựa vào mạng lưới bạn bè đáng tin cậy của mình để thu thập thông tin “từ bên ngoài”. Nếu mọi người trong các mạng lưới này đều xuất phát từ một nơi, thông tin và các ý tưởng mà các nhà hoạch định chính sách làm theo sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Có một giai thoại từ một quan chức Bộ Ngân khố dưới thời ông Bush như thế này. Giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang lên đến cao trào, có một cú phôn mang số hiệu 212 từ Manhattan với tin nhắn là “Hãy mua các tài sản độc hại”! Sự không thống nhất trong những lời cố vấn cũng khiến cả những nhà hoạch định chính sách thông minh nhất hoặc có thiện ý nhất khó đưa ra những quyết định đúng đắn.
Vòng luẩn quẩn
Sự tập trung quyền lực chính trị ngày càng lớn trong lĩnh vực tài chính đã hủy hoại nhận thức truyền thống của người Mỹ về sự khác biệt giữa các thị trường tự do và các công ty lớn. Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc các lợi ích tài chính giờ đây đang choán hết cách hiểu về kinh tế của các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng hơn, nó còn đồng nghĩa với cách cảm nhận của công chúng rằng tính hợp pháp của hệ thống tài chính đang bị đe dọa.
Nếu hệ thống thị trường tự do trở nên bấp bênh về tài chính, bộ phận bấp bênh nhất của nó chắc chắn là ngành công nghiệp tài chính vì bộ phần này gắn kết hoàn toàn với những ràng buộc bất khả xâm phạm của các hợp đồng và quy định của luật pháp. Trong khi đó, những ràng buộc này không thể tồn tại nếu thiếu sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng.
Khi mọi người bắt đầu nổi giận đến mức đe dọa tính mạng của các chủ ngân hàng; khi đa số người Mỹ đề nghị sự can thiệp của chính phủ không chỉ điều tiết ngành công nghiệp tài chính mà còn kiểm soát cách thức các công ty vận hành; và khi cử tri mất niềm tin vào hệ thống kinh tế vì nhận thấy nó bị tham nhũng từ bên trong, thì các ràng buộc của sở hữu tư nhân cũng sẽ bị đe dọa. Và khi quyền sở hữu không được bảo vệ thì sự sống còn của một lĩnh vực tài chính hiệu quả, nhờ đó một nền kinh tế thịnh vượng, sẽ là khó tin.
Sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực tài chính trong cơn khủng hoảng, đặc biệt là các gói hỗ trợ cho các ngân hàng lớn và các thể chế khác, đã làm cho vấn đề này nghiêm trọng hơn. Việc công chúng không còn tín nhiệm chính phủ, cộng thêm sự mất tín nhiệm đối với các chủ ngân hàng, và những lo ngại về việc lãng phí những đồng tiền của người đóng thuế ở Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại rằng thưởng tiền cho những người đã gây ra tình trạng rối loạn ở Phố Wall.
Đáp lại, các chính trị gia đã cố tự bảo vệ mình bằng việc trả thù lĩnh vực ngân hàng. Việc Hạ viện thông qua một đề nghị hoàn trả 90% tiền thưởng được nhận từ các thể chế tài chính đã nhận tiền TARP cho thấy mức độ nguy hiểm của sự cộng hưởng của phản ứng dữ dội này và chính sách mị dân gây ra.
Thật may mắn, đề nghị quái lạ trên đã không trở thành luật. Nhưng không khí chống ngành tài chính mà đề nghị trên tạo ra đã góp phần lớn dẫn tới sự sung công của chủ nợ thế chấp Chrysler mùa Xuân vừa qua. Bằng việc chọn kết án những chủ nợ Chrysler đề nghị quyền hợp đồng của họ được tôn trọng, Tổng thống Obama trên thực tế đã khai thác sự oán giận của dân chúng để giảm phần chi của chính phủ cho việc cứu Chrysler. Nhưng việc cắt tiền này đã đụng đến cả các chi phí của các nhà đầu tư hiện nay, và gửi một tín hiệu đến toàn bộ các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Trong khi cách giải quyết của ông Obama phù hợp trong ngắn hạn, nó có thể gây hại đối với hệ thống thị trường về lâu dài: việc bảo hộ cho các chủ nợ thế chấp mang tính sống còn trong việc làm cho các tín dụng này trở nên có ích đối với các công ty đang thiếu tài chính. Sự kiện Chrysler sẽ phá hủy khả năng tiếp cận tới một nguồn tài chính như vậy trong tương lai, đặc biệt là đối với các công ty đang rất cần chúng, và làm tăng sức ép đòi chính phủ can thiệp mạnh hơn nữa.
Vì mô hình được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính nên có nguy cơ tạo ra một cái vòng luẩn quẩn. Nhằm tránh bị công chúng liên hệ với các công ty đang nỗ lực để được trợ giúp, các chính trị gia đã vào cuộc và khuyến khích tấn công ngành tài chính; điều này đã làm các nhà đầu tư hợp pháp phải e ngại, không ai trong số họ còn có thể dựa vào các hợp đồng và quy định của pháp luật được nữa. Và đến lượt mình, họ lại phải cầu viện tới các công ty có trục trặc nhưng là để tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ.
Không hề ngẫu nhiên khi chỉ ít lâu sau cú đánh vào giới lãnh đạo Phố Wall vì tham lam, chính quyền đã thiết lập một dạng bảo hộ hào phóng chưa từng có dành cho Phố Wall. Chương trình đầu tư công-tư (Public-Private Investment Program), được Bộ trưởng Ngân khố Timothy Geithner tuyên bố hồi tháng Ba, đã cung cấp 84 USD tiền cho vay hỗ trợ của chính phủ và 7 USD vốn cổ phiếu chính phủ cho mỗi 7 USD tương ứng mà tư nhân đầu tư để mua một tài sản độc hại. Khoản tiền này quá hào phóng, đến nỗi các nhà đầu tư tư nhân nhận được một khoản hỗ trợ 2 USD cho mỗi USD mà họ đổ vào thị trường tài chính.
Khoản tiền này đã làm nghiêm trọng thêm các điều kiện gây ra bùng nổ bong bóng - nó khẳng định cảm nhận rằng chính phủ và những tác nhân lớn trên thị trường đã đồng lõa với nhau để tiêu tiền của người đóng thuế và các nhà đầu tư nhỏ. Nếu “Chương trình Đầu tư nhà nước và tư nhân” hoạt động tốt, những người gây ra vấn đề này tiếp tục làm giàu tưởng tượng nhờ trợ giúp của chính phủ - điều chắc chắn sẽ gây ra tác động không tốt trong cảm nhận của công chúng đối với chủ nghĩa tư bản Mỹ.
Đây thực sự là cái vòng luẩn quẩn có hại mà chủ nghĩa tư bản ở hầu hết các nước trên thế giới đã mắc kẹt trong đó. Một mặt, các chủ doanh nghiệp và các nhà tư bản tài chính cảm thấy bị đe dọa bởi thái độ chống đối của công chúng, từ đó họ tìm kiếm các ưu đãi đặc biệt của chính phủ. Mặt khác, các công dân bình thường cảm thấy bị xúc phạm bởi các ưu đãi mà các chủ doanh nghiệp và các nhà tư bản tài chính được nhận, từ đó châm ngòi cho sự tức giận.
Tương lai của chủ nghĩa tư bản Mỹ
Như vậy, chủ nghĩa tư bản Mỹ đang đứng giữa ngã ba đường. Một ngả sẽ dẫn tới cơn thịnh nộ của dân chúng đối với sự hỗ trợ chính trị cho một vài cuộc cải cách thực sự vì thị trường, ngay cả khi chúng không phục vụ cho lợi ích của các công ty tài chính lớn. Bằng việc chống lại điểm tốt nhất của truyền thống dân túy, chúng ta có thể đưa ra các giới hạn cho quyền lực của ngành công nghiệp ngân hàng – hoặc bất cứ công ty nào khác – và lập lại các nguyên tắc căn bản vốn tạo quy mô đạo đức cho chủ nghĩa tư bản bao gồm tự do, đãi ngộ nhân tài, quan hệ trực tiếp giữa mức thưởng và sự cố gắng, cũng như đảm bảo rằng những người thu lời cũng phải chịu một số mất mát.

Điều này có thể đồng nghĩa với việc từ bỏ khái niệm cho rằng bất cứ công ty nào cũng là quá lớn nên không thể phá sản, đồng thời đặt ra các quy định hiện hành, tránh trường hợp các công ty tài chính lớn thao túng các quan hệ với chính phủ để gây thiệt hại cho các thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thông qua một cách tiếp cận kinh tế vị thị trường chứ không vị doanh nghiệp.
Ngả khác là làm dịu cơn giận dữ của dư luận bằng các giải pháp như giới hạn các khoản tiền thưởng trong khi bảo vệ quan điểm của các tác nhân tài chính lớn nhất, làm cho họ phụ thuộc vào chính phủ và làm cho nền kinh tế trên quy mô lớn hơn phải phụ thuộc vào họ. Những biện pháp như vậy được lòng dân chúng hiện nay nhưng lại đe dọa hệ thống tài chính và danh tiếng của chủ nghĩa tư bản Mỹ về lâu dài. Chúng cũng củng cố các thói quen từng gây ra khủng hoảng. Đây là con đường dẫn tới chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp lớn: một con đường che lấp sự phân biệt giữa các chính sách vị thị trường và các chính sách vị doanh nghiệp, và làm giảm sự tín nhiệm của người Mỹ đối với uy tín của chủ nghĩa tư bản dân chủ.
Thật không may, hiện giờ dường như chính quyền của Tổng thống Obama đã chọn con đường thứ hai này. Đây là một lựa chọn có nguy cơ đẩy chúng ta vào một vòng luẩn quẩn của sự oán giận lớn hơn của công chúng và chủ nghĩa tư bản thân tín nghiệp đoàn vốn quá quen thuộc trên thế giới, từ đó đạp đổ những tiến bộ của chủ nghĩa ngoại lệ kinh tế vốn rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của Mỹ. Sau khủng hoảng, điều này có thể trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết và làm trầm trọng hơn hậu quả của khủng hoảng tài chính đối với chủ nghĩa tư bản Mỹ.
QUỐC THÁI (TUẦN VIỆT NAM) / NATIONALAFFAIRS.COM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét