Bản chất của cuộc khủng hoảng
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013
Nhận diện cuộc khủng hoảng của CNTB những năm đầu thế kỷ XXI
06:49
Hoàng Phong Nhã
No comments
Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra
từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là một cuộc khủng hoảng toàn diện
của cả một hệ thống đang thống trị toàn thế giới.
Bản chất của cuộc khủng hoảng
Lúc đầu chúng ta không có cái nhìn bao
quát về cuộc khủng hoảng, tưởng đó chỉ là những cuộc khủng hoảng riêng
rẽ trên các phương diện năng lượng, thực phẩm, tín dụng. Do không hiểu
được bản chất của khủng hoảng nên các biện pháp khắc phục không có hiệu
quả.
Việc giá dầu hoả tăng không phải vì
thiếu dầu trên thị trường quốc tế. Giá lương thực tăng nhanh không phải
vì thiếu lương thực, năm nay thế giới được mùa, lương thực hiện nay còn
nhiều. Thực ra trước khủng hoảng dầu hoả đã có cuộc khủng hoảng bất động
sản ở Hoa kỳ. Bây giờ người ta cho rằng nguyên nhân của tất cả các
khủng hoảng này là sự đầu cơ của các ngân hàng và công ty đa quốc gia để
bù vào cái đã mất trong khủng hoảng tín dụng.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng
hoảng này là khủng hoảng của mô hình Anh-Mỹ - mô hình của chủ nghĩa tự
do mới. Cuộc khủng hoảng này đã chấm dứt giai đoạn thống trị của chủ
nghĩa tự do mới. Trong cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán Wall
street, thảm hoạ của CNTB hiện ra ngày càng rõ. CNTB đang ở trong một
tình trạng suy thoái về tài chính và ngân hàng. Giám đốc Quỹ tiền tệ
quốc tế đã thừa nhận CNTB đang ở trên đỉnh của sự suy thoái. Chính phủ
Mỹ và Anh đã phải quốc hữu hoá hay quốc hữu hoá một phần một số ngân
hàng để cứu cuộc khủng hoảng.
Uỷ ban lao động quốc tế ở Anh (CWI) cho
rằng các trao đổi tài chính và đầu cơ là nguồn gốc chính của lợi nhuận
ngân hàng và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường dùng tín dụng để mở
rộng thị trường.
Công cuộc cải cách đã bắt đầu từ
đầu các năm 1980 lúc trên thế giới đang có một phong trào “điều
chỉnh cơ cấu kinh tế” dưới ảnh hưởng của “sự đồng thuận
Washington” do các tổ chức quốc tế đề xuất. Xu hướng của phong
trào này đã ảnh hưởng mạnh đến công cuộc chuyển đổi cả các
nước xã hội chủ nghĩa cũ. Hơn nữa các tổ chức quốc tế đã
có các chương trình hỗ trợ ‘điều chỉnh cơ cấu” bằng việc tư
vấn về chính sách, đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở hạ
tầng, nên một thế hệ các cán bộ chính trị và kinh tế được
đào tạo ở các nước nói tiếng Anh đã trở thành các đệ tử
của chủ nghĩa tự do mới.
Đáng lẽ những nước XHCN còn đang
chuyển đổi đã có một công cụ rất tốt là định hướng xã hội
chủ nghĩa để hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do mới,
nhưng công cụ này trước đây đã không hiệu quả trong thời kỳ trước cải
cách, không đủ sức để chống lại xu hướng của chủ nghĩa tự do mới,
quá đề cao kinh tế thị trường và sự rút lui của Nhà nước. Vai trò
điều tiết của Nhà nước trong sự phát triển là rất cần thiết
để có một sự phát triển cân bằng và bền vững đã bị coi nhẹ.
Hiện nay toàn thế giới đang đi vào một
cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính chưa từng có trong 30 năm qua,
đang làm cho tăng trưởng bị rối loạn, có tác dụng xấu đến việc làm, tiêu
dïng và đầu tư của các hộ nhân dân và doanh nghiệp, làm cho thế giới
nghèo đi.
Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng
kinh tế này là sự đầu cơ. Cuộc khủng hoảng này đã chứng minh rằng việc
tìm lợi nhuận ngắn ngày không có lợi cho túi tiền của người tiết kiệm
lẫn nền kinh tế nói chung, vì người để dành không có phản ứng và phương
tiện như các nhà tài chính quan sát thị trường thu lợi từ các cuộc khủng
hoảng. Việc tạo một quỹ để bù vào các thiếu hụt của thị trường lúc đầu
tư dài hạn có lợi cho môi trường và công bằng xã hội. Nền kinh tế thật
không phải dựa vào tiêu thụ các vật rẻ tiền mau hỏng và do các sự quảng
cáo đẻ ra giá trị tăng thêm. Không thể dựa vào tín dụng để tiêu thụ
được.
Theo Maurice Allais, nhà kinh tế học
Pháp, giải thưởng Nobel: kinh tế thế giới được xây dựng trên các kim tự
tháp khổng lồ của tiền nợ, dựa cái này trên cái kia trong một sự cân
bằng dễ vỡ. Năm 1998 M. Allais đã được giải Nobel vì đã giải thích được
cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Theo ông khủng hoảng ngày nay giống
như cuộc Suy thoái năm 1929-1934: tạo ra và phá hoại phương tiện thanh
toán của hệ thống tín dụng, tài trợ đầu tư dài hạn bằng nguồn vốn vay
ngắn hạn, nợ nần khổng lồ, đầu cơ tràn lan trên chứng khoán và tiền tệ,
hệ thống tài chính và tiền tệ không ổn định về cơ bản. Sau cuộc khủng
hoảng này thế giới chia thành 2 vùng: các nước phương tây và các nước
cộng sản. Đa số các nước thế giới thứ 3 bị đế quốc đô hộ.
Joseph Stiglitz, nhà kinh tế Mỹ, giải
thưởng Nobel, cho rằng ra khỏi khủng hoảng là một quá trình khó và dài.
Ông kêu gọi các nước phải xét lại triết lý kinh tế và xác định lại vai
trò của chính phủ. Sự không công bằng là khó khăn lớn nhất của các chình
phủ.
Cuộc khủng hoảng này cũng như cuộc khủng
hoảng 1929 là kết quả của sự giả dối của các tổ chức tài chính và sự
bất lực của các chính khách. Các ngân hàng từ chối việc điều tiết và các
biện pháp chống độc quyền, nhưng lúc gặp khó khăn lại đòi nhà nước phải
hỗ trợ.
Paul Krugman, giải Nobel năm 2008, cho
rằng tăng chi tiêu công có tác dụng trong khủng hoảng. Điều tiết không
giữ được hệ thống, vì có hệ thống ngân hàng trong bóng tối tham dự và
càng ngày ngân hàng càng dùng các giao dịch không truyền thống. Môi
trường ý thức hệ không muốn mở rộng sự điều tiết này.
Quỹ dự trữ liên bang Mỹ cho rằng những
người sẽ điều khiển cơ quan này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều
tiết hệ thống tài chính. Những người xấu sẽ làm ra các chính sách xấu.
Dominique Strauss-Kahn, nguyên bộ trưởng
bộ kinh tế của chính phủ Pháp, giám đốc mới của Quỹ tiền tệ quốc tế,
cho rằng tình hình rất nghiêm trọng. Trước hết đây là một cuôc khủng
hoảng toàn cầu đầu tiên, sau đấy không phải do một số nước quản lý kém
mà nguyên nhân của nó nằm ngay trong lòng của các tổ chức tài chính. Hậu
quả của cuộc khủng hoảng này đối với con cháu chúng ta rất nghiêm trọng
và đối với các nước châu Phi đằng sau cuộc khủng hoảng này còn có cuộc
khủng hoảng về lương thực. Cuộc khủng hoảng này không phải chỉ đụng đến
hệ thống tài chính mà cả toàn bộ hệ thống kinh tế của CNTB. Kinh tế thị
trường chỉ có tác dụng ngắn hạn, trong lúc sự phát triển đòi hỏi phải có
sự bền vững lâu dài. Cuộc khủng hoảng này đặt ra vấn đề phải thay thế
hệ thống hiện nay bằng một hệ thống không chỉ dựa trên kinh tế thị
trường. Các nhà chính trị trong nửa năm đầu của 2008 không thấy hết sự
nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Sở dĩ chúng ta chậm hiểu bản chất
của cuộc khủng hoảng vì các chính phủ không muốn chúng ta bới sâu vào
bếp núc của họ.
Immanuel Wallerstein là giáo sư về lịch
sử gia và xã hội học ở trường đại học Yale, giám đốc trung tâm Fernand
Braudel ở New York, nghiên cứu lịch sử của CNTB, chuyên gia về chu kỳ
dài (chu kỳ Kondriatiev). Trong một cuộc phỏng vấn ông nói “ CNTB đã đến
lúc kết thúc. Thời điểm của chu kỳ tình thể phù hợp với thời kỳ chuyển
tiếp giữa hai hệ thống. Tôi nghĩ rẳng đã 30 năm nay chúng ta ở trong
giai đoạn cuối cùng của CNTB. Cái khác cơ bản của giai đoạn này với sự
nối tiếp không ngừng của các chu kỳ tình thể trước kia, ở chỗ CNTB không
thể là một hệ thống. Chúng ta đang ở giai đoạn B của một chu kỳ
Kondriatiev bắt đầu cách đây 35 năm sau một giai đoạn A (1945-1975) của
500 năm CNTB. Trong giai đoạn A, lợi nhuận được tạo ra trong sản xuất
vật chất, công nghiệp, trong giai đoạn B CNTB tiếp tục tạo ra lợi nhuận,
tự tài trợ và đầu cơ. Trong 30 năm qua các doanh nghiệp, nhà nước, và
hộ nợ nhiều. Hiện nay chúng ta ở cuối giai đoạn B lúc mà sự suy thoái ảo
tưởng đã trở thành thực, và các bong bóng tiếp tục nhau nổ, phá sản
hàng loạt, tư bản càng tập trung, thất nghiệp tăng lên và kinh tế bị
thiểu phát. Thời kỳ ngắn của chủ nghĩa tự do mới đã lật ngược được tạm
thời xu hướng vào cuối các năm 1990, chi phí có thể thấp hơn các năm
1970, nhưng cao hơn 1945. Thời kỳ tích luỹ thực – 30 năm vàng son - có
được là do các nhà nước theo học thuyết Keynes đã giúp CNTB. Nhưng hiện
nay đã đạt đến giới hạn”.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất giống như
cuộc khủng hoảng này là lúc hệ thống phong kiến sụp đổ ở châu Âu vào thế
kỷ 15-16 được thay bằng hệ thống TBCN.
Theo J. Case, uỷ viên uỷ ban kinh tế,
Đảng cộng sản Anh, phân tích cuộc khủng hoảng trên quan điểm duy vật
lịch sử cho rằng cuộc khủng hoảng này có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu bắt
đầu từ 2000 lúc bong bóng công nghệ gọi là bong bóng “dot –com”. Đây là
bong bóng Công nghệ thông tin, thực chất là một sự đầu cơ từ 1996 dến
2000. Giai đoạn 2 xẩy ra hiện nay lúc chính quyền Bush không cải cách
được thị trường tài chính, để cho thị trưng tự do giải quyết. Lúc vốn đã
vượt quá mức, không điều vốn sang các nganh sản xuất. Để thoát khỏi
cuộc khủng hoảng phải:
- xã hội hoá cơ sở hạ tầng tài chính,
- cải tiến thị trường để cho hoạt động
tốt hơn. Một chính phủ XHCN có thể sửa chữa các sự không ổn định, cải
tiến sự phân phối, đầu tư vào khoa học kỹ thuật để tạo ra các ý tưởng
mới: Đầu tư để nhập tư bản tài chính vào tư bản sản xuất. Đầu tư dự kiến
chi mới chiếm 10 % GDP, sau chiến tranh thế giớí 2 đã đầu tư 110 % GDP
mới thúc đẩy được sản xuất. Sáng tạo hiện nay bị rối loạn, phải đầu tư
để thoát khỏi tình trạng này. Phải tăng chất XHCN trong quản lý kinh tế:
1. Cơ chế thị trường là một phương sách
cho một loạt các quyết định, và là trọng tài của giá trị kinh tế của sản
phẩm. Nhưng nó sẽ hỏng nếu thử về công bằng, hiệu quả và ổn định không
được.
2. Một hệ thống tài chính tinh vi, phức
tạp, năng động có khả năng khoa học và công nghệ để tạo ra những cuộc
cách mạng. Việc này cần phải thử trước khi phổ biến rộng. Tuy vậy quá
trình này sẽ làm mất ổn định nhiều và tạo ra các hậu quả nghiêm trọng về
mâu thuẫn giai cấp.
Cuộc khủng hoảng hiện nay đã diễn biến như sau:
1. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng subprime
(lãi dưới chuẩn) diễn ra trên thị trường bất động sản Mỹ làm cho thị
trường này suy sụp. Hoa kỳ là một nước tiêu thụ, tiết kiệm thấp nhất thế
giới, do đấy các ngân hàng dùng bất dộng sản để thế chấp. Subprime là
tín dụng do Ngân hàng trung ương Mỹ đề ra năm 2002 để các hộ nghèo có
thể mua nhà, có lãi suất thay đổi, giá trị nhà tăng thì lãi suất sẽ
giảm. Tín dụng này hoạt động tốt trong thời kỳ vàng son (2002-2006).
Nhưng lúc tăng trưởng giảm giá bất động sản giảm làm cho lãi suất tăng.
Dân không trả nợ được làm cho ngân hàng bị phá sản. Các ngân hàng lớn
cho ngân hàng nhỏ mượn tiền cũng bị ảnh hưởng phải bán cổ phần làm cho
chỉ số chứng khoán giảm.
2. Sau đấy khủng hoảng lan rộng sang các
nước khác. Nhiều ngân hàng châu Âu cho ngân hàng Mỹ vay để thực hiện
subprime. Các ngân hàng không tin nhau, không cho nhau vay làm cho thiếu
tiền . Các ngân hàng phải bán cổ phiếu và rủi ro cho đầu tư.
3. Các ngân hàng trung ương can thiệp.
Lúc ngân hàng trung ương bơm số tiền cho các ngân hàng tư nhân vay nhiều
thì tạo ra lạm phát. và rủi ro cho đầu tư. Lúc các ngân hàng thắt chặt
tín dụng, tăng lãi suất và giảm thời hạn cho vay thì đầu tư giảm và tăng
trưởng giảm, việc làm giảm, tiêu dùng và đầu tư giảm, doanh nghiệp và
ngân hàng không hồi phục được. Đấy là kết quả của Toàn cầu hoá.
Tóm lại, cuộc khủng hoảng này là:
1. là hậu quả của việc các ngân hàng của Mỹ cho các hộ không có khả năng trả vay tiền,
2. là hậu quả của hệ thống tài chính
TBCN, của ưu tiên cho các nhà tài chính, do đầu cơ trong bất động sản,
do chính sách công nghiệp hoá không có chiến luợc, chạy theo lợi nhuận
trước mắt, tạo ra các bong bóng tài chính.
3. là kết quả của chính sách tự do mới, không có điều tiết.
4. là kết quả của sự toàn cầu hoá không có biên giới, không có điều tiết
5. là kết quả của sự chuyên chính của Mỹ...
Đầu cơ chứng khoán là cơ sở của sự không ổn định của thị trường.
- Sự không cân đối thông tin là gốc của thái độ đầu cơ.
- Đầu cơ dẫn đến sự và hình thành bong bóng đầu cơ
Các nhân tố của sự phổ biến khủng hoảng là rủi ro hệ thống và rủi ro quan hệ với đối tác trong ngân hàng và tài chính thế giới
Chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà các
thế lực ở trong tình trạng bất lực. Trong 10 năm nữa sẽ thấy rõ hơn và
trong 30-4 năm nữa sẽ có một hệ thống mới xuất hiện. Hoa kỳ sẽ ở trong
một tình trạng không ổn định về chính trị.
Tương lai của hệ thống kinh tế thế giới
Hiện nay toàn thế giới đang đi vào một
cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính chưa từng có trong 30 năm qua,
đang làm cho tăng trưởng bị rối loạn, có tác dụng xấu đến việc làm, tiêu
dùng và đầu tư của các hộ nhân dân và doanh nghiệp, làm cho thế giới
nghèo đi.
Cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu từ mùa
hè 2007 do các thất vọng trong thị trường bất động sản Mỹ đã chuyển
sang khủng hoảng lòng tin, trước tiên trong khu vực tài chính sau đấy
lan sang cả nền kinh tế thực. Năm 2008 trong thị trường chứng khoán là
năm xấu nhất, thay đổi nhiều nhất, các nhà đầu tư đang dứng trước một sự
suy thoái dài và sâu ở các nước giầu nhất. Rút kinh nghiệm của các sai
lầm đã qua, các nhà lãnh đạo đang cố gắng huy động toàn bộ võ khí để
tránh sự suy thoái như sau cuộc khủng hoảng 1929. Ở Mỹ và Nhật đã hạ lãi
suất xuống gần 0. Các thị trường đang suy thoái và lãi của các doanh
nghiệp dự kiến sẽ giảm 35-40 %.
Vấn đề đang được thảo luận ở châu Âu
hiện nay là có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng này không nghiêm trọng
bằng cuộc khủng hoảng 1929, do đấy có thể thời gian phục hồi sẽ không
kéo dài lắm, chỉ khoảng 2 năm như ở các khủng hoảng trước. Tuy vậy cho
dến nay vẫn chưa đủ cơ sở dể đánh giá hết tác hại của cuộc khủng hoảng ở
tất cả các nước trên thế giới.
CNTB đưa loài người đến dã man. Phương
thức sản xuất TBCN đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó, xoá bỏ các
quan hệ xã hội cổ, thúc đẩy việc phát triển khoa học và công nghệ, vượt
qua được các đặc điểm địa phương nhờ quốc gia dân tộc, phát triển công
nghiệp và giao thông, tạo ra thị trường thế giới. Tư bản đã tập trung và
quốc tế hoá một cách không thể quay trở lại. CNTB đã đi vào giai đoạn
suy thoái, chủ nghĩa đế quốc. Các tập đoàn tham gia vào phong trào này
cạnh tranh không ngừng, lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính. Các người làm
công dưới quyền của các nhà tư bản ngày càng trở thành ký sinh. Họ đã
làm nhiều việc không cần thiết (quảng cáo) hay phá hoại (vũ trang). Một
tỷ lệ lớn các người sản xuất không có nhà ở và sống trong tối tăm.,
thiếu văn hoa, hàng triệu người chết đói. Khoa học, công nghệ thông tin
được dùng để làm gián điệp, kiểm tra người sản xuất và tăng cường độ lao
động. Doanh nghiệp trở thành đa quốc gia nhưng chính trị lại theo chủ
nghĩa dân tộc và bài ngoại. Tư bản và hàng hoá lưu thông tự do nhưng con
người lại bị hạn chế di động. Tích luỹ tư bản và lợi nhuận phá hoại môi
trường CNTB.
Trong 30 năm nay người ta tin rằng các
cuộc khủng hoảng là do bàn tay vô hình của thị trường tác động, bên
ngoài sự hài hoà của hệ thống TBCN. Các cuộc khủng hoảng giúp thấy rõ
hơn tình hình của các vấn đề xã hội để sửa chữa cho phù hợp với sự thay
đổi của tình hình kinh tế. Cuộc khủng hoảng này cho thấy rõ hơn vai trò
của đầu cơ chứng khoán, và của hệ thống TBCN trên toàn thế giói. Lần này
chính các nước giàu nhất lại khủng hoảng nặng nhất. Hàng loạt doanh
nghiệp bị phá sản hay phải thu hẹp sản xuất làm cho nạn thất nghiệp lan
rộng khắp thế giới. Nạn đói và suy dinh dưỡng đang đe doạ các nước nghèo
vì sự đầu cơ trên thị trường thực phẩm. Để hỗ trợ cho việc chống khủng
hoảng nhà nước phải cắt nhiều chi phí xã hội, Nhà nước đang hy sinh
người nghèo để cứu người giàu. Các chính phủ đang cố thuyết phục nhân
dân là chỉ có CNTB là có sức sống nhất. Tuy vậy không có CNTB nào có bộ
mặt của con người.
Tháng 10/2008 đại diện các nước đang phát triển họp ở Caracas, thủ đô Venezuela , đó quyết nghị như sau:
1. khủng hoảng kinh tế và tài chính đang xấu dần và phát triển nhanh, khó có thể dự báo trước sẽ như thế nào.
2. khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ đã ảnh hướng đến hệ thống tài chính nhiều nước.
3. khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến cả châu Mỹ latin và hệ thống tài chính và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Hội nghị đã đề ra một số biện pháp đối với ngân hàng, cải tiến hệ thống tài chính và hướng giải quyết các vấn đề xã hội.
Hiện nay đang có nhiều hướng khác nhau
trong việc đề ra các giải pháp để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Có ba
xu hướng khác nhau đang diễn ra trên thế giới
I. Xu hướng thứ nhất: cứu vớt CNTB bằng cách thay đổi nó dể vượt qua cuộc khủng hoảng.
Các nhà nước của các nước đã phát triển
đang rót các khoản tiền khổng lồ (Hoa kỳ - 900 tỷ USD, châu Âu 1.700 tỷ
euro) để cứu vớt các ngân hàng vì nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ thì cả
hệ thống kinh tế sụp đổ. Các nước TBCN đang cố gắng để cứu vãn chế độ
bằng các đề án như của Henty Paulson của Hoa kỳ hay Gordon Brown của
Anh, nhưng ở đây không phải chỉ là cứu CNTB tài chính mà phải làm cho hệ
thống tín dụng không bị tê liệt. Khó có thể thay thuyền trong một cơn
bão để đến một bến chưa được xây dựng. Tờ báo bảo thủ Người quan sát
(The Spectator) đã đăng một bài nói Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và
nguyên giám đốc Quỹ dự trữ liên bang Mỹ, Alan Greenspan, công nhận là
Marx có một phần có lý trong việc phân tích khủng hoảng của CNTB.
J.Stiglitz đề nghị các biện pháp khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính sau:
1. Sắp xếp lại các ngân hàng. Các ngân
hàng hiện nay không bình đẳng, chính phủ cần giúp họ trở nên bình đẳng.
Bằng cách đóng góp vốn và bảo lãnh trái phiếu.
2. Ngăn cản sự phá sản của các ngân hàng giống như bơm máu vào người bị mất máu.
3. Kích thích sự phát triển: tăng bảo
hiểm thất nghiệp, giảm thuế, đwngf để cho hạn chế tiêu dùng làm giảm sản
lượng, đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
4. Phục hồi lòng tin bằng các cải cách điều tiết. Phải áp dụng các biện pháp kích thích để tạo lại lòng tin.
5. Tạo lại các tổ chức nhiều mặt có hiệu
quả. Hiện nay có quá nhiều tổ chức điều tiết không có hiệu quả. Cần hợp
nhất lại thành các tổ chức điều tiết nhiều mặt thì sẽ tăng được hiệu
quả,
Có thể nói về sự quay trở về của tư
tưởng Keynes không? Nói chung quan điểm của phái tự do mới là “nhà nước
không phải là giải pháp” không còn ai tin nữa. Còn đối với Keynes, người
ta đã trao cho ông nhiều tư tưởng mà ông không bênh vực, nhưng ý kiến
của ông về bong bóng đầu cơ được thấy rõ trong cuộc khủng hoảng này.
Hiện nay kinh tế Mỹ và châu Âu đã chậm
lại. Kinh tế của các nước vừa nổi lên vẫn còn tiếp tục tăng, nhưng rồi
cũng sẽ bị cuốn vào khủng hoảng thế giới. Rồi tất cả các nước đều bị ảnh
hưởng do quá trình toàn cầu hoá lôi kéo. Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ
Hoa kỳ, đang mở rộng ra Ireland, Expania, Anh, và toàn bộ châu Âu. Rồi
sẽ ảnh hưởng đến châu Mỹ Latin, châu Á và châu Phi. Trung quốc cũng
không tránh nổi, hiện đang tăng trưởng nhưng sẽ bị cuốn vào.
Đã 6 năm nay một số nhà kinh tế và nhà báo đã cảnh báo về một số hiện tượng bất thường nhưng không ai nghe:
- Năm 2002 nhà báo E. Todd tự hỏi vì sao
trong nền kinh tế này dịch vụ tài chính, bảo hiểm và xây dựng bất động
sản lại tăng nhanh gấp đôi công nghiệp. Ông ta cho rằng sự đầu tư chứng
khoán của Mỹ là "một khối lượng ảo". Ông ta cho rằng các nhà đầu tư châu
Âu và Nhậy sẽ bị vặt lông, nhưng không ngờ rằng Trung quốc lại theo
chân các nhà đầu tư này để nhận kỳ phiếu của ngân khố Mỹ thay cho tiền
nợ hàng xuất khẩu, 700 tỷ USD. Chính họ đã cứu nước Mỹ.
- Năm 2003 nhà nhân học Bỉ P.Jorion đã
trở thành một nhà tín dụng lúc cảnh báo sẽ có một cuộc khủng hoảng tín
dụng ở Hoa kỳ, nhưng tập bản thảo của ông không ai chịu xuất bản, mãi
đến đâu 2007 được in tại Pháp thì cuộc khủng hoảng đã trầm trọng. Trong
cuốn sách này những gì xẩy ra năm 2008 đã được mô tả 4 năm trước.
- Giáo sư triết học Pháp F. Fourquet trả lời cho bài báo của P. Jorion, đã nêu lên luận điểm về CNTB gồm có 25 điều:
1. Cuộc khủng hoảng này là điển hình của
CNTB: sản xuất quá thừa, đầu cơ và suy sụp gắn liền với chế độ. Thực
chất của việc sản xuất thừa là sự tiêu thụ dưới mức do thu nhập thấp mà
CNTB tạo ra.
2. Giải pháp mà các nước TBCN đề xuất là
giải pháp TBCN. Thường qua các cuộc khủng hoảng giai cấp lao động chịu
thiệt nhất còn giai cấp TB lại làm giàu.
3. Việc các ngân hàng giàu lên là quyền lợi chung của nhà nước và giai cấp TB.
4. Việc quốc hữu hoá ở các nước TBCN là để cứu CNTB, không liên quan gì đến CNXH.
5. Việc triệu tập 20 nước G20 lại để bàn
việc chống KH, không phải do Toàn cầu hoá cũng chứng tỏ rằng chỉ các
nước G20 không có khả năng chống KH, phải mời thêm các nước mới vươn lêm
như Trung quốc, Ấn độ, Braxin.
6. Chúng ta không thể hy vọng gì vào các
nước mới trỗi dậy này vì họ đều bênh vực CNTB, kể cả Trung quốc tự coi
mình là một nước XHCN.
7. Nếu chúng ta muốn các giai cấp lao
động không thất bại, muốn xoá nghèo, bóc lột và chiến tranh thì phải huy
động các giai cấp lao động đấu tranh
8. Cái thực thể này có quyền lực điều tiết nền kinh tế, vừa là một một thành phần kinh tế, và ở vị trí cao nhất.
9. Quyền lực của thực thể xã hội này
mang tính chủ quan, nó có một mạng lưới rẻ cắm sâu cho phép thực hiện
được quyền lực ấy và giữa nó và cái khác có một giới hạn có tính thấm
khiến người ta không thể phân biệt và định nghĩa nó.
10. Kinh tế Hoa kỳ rộng hơn kinh tế trên
lãnh thổ nước này, nó lẫn lộn với kinh tế thế giới, do các doanh nghiệp
và công ty đa quốc gia cùng các ngân hàng với tay ra toàn thế giới.
11. Nhà nước liên bang mỹ với các cơ
quan kinh tế của nó có ảnh hưởng lớn đến các thể chế chính thức kinh tế
quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Tổ chức thương nghiệp
thế giới).
12. Quyền lực thế giới không chỉ giới
hạn ở quyền lực của Hoa kỳ, do sự với tay ra thế giới của các công ty đa
quốc gia và các ngân hàng lớn thế lực của Hoa kỳ là thế lực thế giới
mặc dù thế giới không nghe họ như những người lính.
13. Nhà nước liên bang Mỹ và các cơ quan
của thực chất đã nắm quyền toàn thế giới, đã điều tiết kinh tế thế
giới, do thiếu các quy chế chính thức nên nó chỉ điều tiết cuối cùng như
cho vay tiền lúc có khủng hoảng tài chính.
14. CNTB thế giới không tồn tại nếu
không có một nước được giao quyền ấy một cách gần chính thức, hiện nay
là nhà nước Hoa kỳ, ngay lúc nó bị phản đối và không thể thay thế bằng
một tổ chức khác.
15. Có hai kiểu thực hiện quyền lực, một
là thông qua một tổ chức trên dưới, hai là bằng cách thu tóm năng lượng
của mạng lưới, bằng cách phối hợp bạo lực, thu hút, thuyết phục và trấn
áp.
16. Trong lịch sử phương Tây từ năm
1000, CNTB (theo cách hiểu của Braudel), trung tâm của kinh tế thế giới
đã thay đổi từ Venise, Anvers, Gênes, Amsterdam, London rồi đến New
York, Washington.
17. Lúc mà Ngân khố Mỹ quốc hữu hoá các
công ty hay Quỹ dự trữ liên bang cứu các ngân hàng là dể cho cuộc khủng
hoảng ở Mỹ không lan rộng ra toàn thế giới. Toàn thế giới theo dõi cuộc
bầu cử Tổng thống Mỹ như là Tổng thống thế giới.
18. Ngay lúc mà chúng ta không phân biệt
được kinh tế Mỹ với kinh tế thế giới, cũng như không công nhận nước này
dứng đầu CNTB thế giới, thì việc nước Mỹ vẫ coi mình có thể nói và hành
động như là họ có quyền lực thực sự trên toàn thế giới.
19. Khủng hoảng subprime (lãi suất dưới
chuẩn) báo trước một cuộc khủng hoảng của nền văn minh, mà người ta gọi
là Văn minh tự do, bắt đầu từ các năm 1970.
20. Không có hai nền văn minh, một nền văn minh tự do và một nền văn minh can thiệp, chỉ huy, điều tiết.
21. Hai xu hướng này không đối lập với nhau, mà là hai hình thức xã hội cần có nhau để tồn tại.
22. Nền văn minh thế giới đang thai
nghén đang bị văn minh tây phương thống trị bằng cách chinh phục nhưng
không phá hoại, chỉ bị lôi kéo, ảnh hưởng, mê hoặc bằng văn hoá (chủ
nghĩa thực dụng, chạy theo lợi nhuận, chủ nghĩa cá nhân), tôn giáo (sùng
bái dân chủ, quyền con người và cá nhân) sở hữu cá nhân (kinh tế thị
trường) và lý trí (khoa học)
23. Chỉ có một nền văn minh, lúc thì tự
do lúc thì chỉ huy là hai hình thức tổ chức mà nền văn minh phương Tây
đã sử dụng từ thời trung cổ, lúc thì hình thức này mạnh hơn hình thức
kia, lúc thì ngược lại, hai hình thức này không đối lập nhau như hai
thực thể kín và tách rời nhau, mà là hai hình thức xã hội đồng tình, cái
này cần cái kia.
24. Hệ thống TBCN không suy sụp bao giờ
nếu thiếu sự điều tiết vì có một thể chế chính trị điều tiết khủng hoảng
tài chính và có hệ thống nào có thể thay thế sau khi hệ thống XHCN thất
bại. Hơn nữa hiện nay không có ứng cử viên đáng tin, mà chỉ là sự chỉ
huy thỉnh thoảng lại nổi lên vì nó chỉ lặn xuống chứ không biến mất bao
giờ. Sự suy sụp của CNTB là một truyền thuyết, mà truyền thuyết không
suy sụp bao giờ, chỉ tan đi và phục sinh lúc cần thiết.
25. Trái lại xã hội xã hội thế giới sẽ
sụp đổ nếu nó không trả lời cho thách thức của thời đại là thách thức
sinh thái, là sự nóng lên của khí hậu, và nếu câu trả lời không đưa ra
đúng lúc thì xã hội thế giới sẽ biến mất.
II. Xu hướng kết hợp giữa kinh tế thị trường và các chính sách xã hội của các đảng xã hội dân chủ, bảo đảm sự công bằng.
Các đảng XHDC trước kia đã được thành
lập để chống lại CNTB bằng cách cải tạo nó thì nay đã tạo điều kiện cho
sự hình thành của CNTB tài chính, và sự mất quy tắc của các thị trường
và sự tháo dỡ của nhà nước phúc lợi. Cuối các năm 1990, gần hết các nước
Tây Âu do ĐXNC nắm quyền , nhưng sau 2006 các đảng này đã thất bại
trong 15/17 cuộc bầu cử Hiện nay chỉ còn có 3 nước do các đảng XHDC nắm
quyền là Anh, Expania và Poctugal. Giới hạn giữa các đảng phái tả và
phái hữu đã bị xoá nhoà. Trước khủng hoảng kinh tế này các đảng XHDC
không đề ra được một phương án khác nào cả.
Các đảng xã hội trước đây đó không chỉ
trích chế độ TBCN tài chính mà lại ca tụng kinh tế thị trường và đã tham
gia hay ủng hộ các tác nhân tài chính, đến nay lại nói đến sự nguy hiểm
của CNTB dã man. Các đảng XHDC đang chủ trương phải xây dựng một CNTB
quốc gia với một sự cân bằng xã hội. Đây là sự thoả hiệp với một CNTB
đầu cơ không có một trách nhiệm nào đối với xã hội. Theo một nhà báo đây
là một trò chơi đạo đức rẻ tiền, một đạo đức giả hay hèn hạ của những
kẻ xét lại.
Tháng 5/2008 đảng xã hội Pháp đã họp một
diễn đàn để xác định lại cương lĩnh hoạt động bảo đảm hai điều kiện:
giữ đươc các giá trị nhân văn truyền thống và thích ứng với tình hình
tiến hoá của thế giới hiện đại: toàn cầu hoá. Hiện nay người làm công đã
thay đổi, phải bảo vệ cho họ. Các vấn đề phải tập trung vào là xã hội
theo nghĩa rộng, môi trường và kinh tế.
Vì vậy chúng ta không thể đặt hy vọng gì vào xu hướng mang tính xét lại này.
III. Xu hướng xây dựng CNXH thế kỷ 21 của các nước châu Mỹ Latin.
Hiện nay sau sự thất bại của chủ nghĩa
tự do mới, hầu hết các nước châu Mỹ latin đều do các đảng phái tả lãnh
đạo. Tuy vậy giữa các đảng này có sự khác nhau về thái độ đối với CNXH.
Ngoài Cuba và Nicaragua trước đây đã xây dựng CNXH, hiện nay tích cực
nhất muốn xây dựng CNXH là nước Cộng hòa Bolivar Venezuela do tổng thống
Hugo Chavez, của Bolivia do tổng thông Evo Morales, của chính phủ
Rafael Correa ở Ecuador, của nhân dân Colombia. Họ muốn xây dựng một
CNXH mang tính dân tộc gọi là CNXH thế kỷ 21.
Liệu CNXH ở châu Mỹ latin có thể trở
thành một phương án có thể thực hiện được không? Điều này phụ thuộc vào
tình hình khủng hoảng có trở thành trầm trọng hơn không. Mặc dù trong
các cuộc thảo luận vấn đề này còn chưa thật rõ rệt, nhưng vai trò của
CNXH ngày càng quan trọng hơn. Điều này phụ thuộc vào kết quả của các
biện pháp cải cách đang thực hiện có cải tiến được mức sống của các tầng
lớp nghèo nhất và có dân chủ hoá được các quan hệ xã hội và chính trị ở
các nước được không.
Marc Saint Upery(2008), nhà báo Mỹ
chuyên về Mỹ latin đã phân tích các thách thức đối với châu Mỹ latin và
các trào lưu tiến bộ. Ông cảnh báo về một chủ nghĩa lãng mạn cách mạng
thay thế cho một tư tưởng sáng tạo cần có trước các thách thức của thời
đại. Có phải chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của CNTB, một kiểu
CNTB, một phương thức điều tiết. Chỉ lúc nào chủ nghĩa tư bản khủng
hoảng thì người ta đặt cho CNXH nhiệm vụ phải cứu nó (Ralph Nader). Cứ
mỗi lúc CNTB trở thành điên thì người ta lại sáng tạo lại các biện pháp
can thiệp. Tác giả nhấn mạnh sự đúng đắn của các phân tích của Marx về
bái vật giáo (fetichisme) hàng hoá. Trong thực tế vấn đề cần biết là
kiểu XHCN nào được kêu gọi và mức độ bao nhiêu để cứu CNTB. Điều này phụ
thuộc vào ý thức hệ của tác nhân và quyền lợi của họ. Giữa các nhà kinh
tế ý kiến rất khác nhau. Ở Mỹ các nhà kinh tế và nhân dân rất lo lắng.
Nhưng chúng ta chưa thấy điều xấu nhất của khủng hoảng có thể gây ra và
chưa thấy rõ hiệu quả của các giải pháp có thể tin được. Chủ nhĩa tư bản
nói chung không phải là một lâu đài bằng những con bài, do một số người
điên chống đỡ và nó không phải là một ký sinh trùng trong cơ thể khoẻ
mạnh của loài người.
Tuy vậy chúng ta thấy những người nghèo ở
các nước đang phát triển đã đoàn kết rất chặt chẽ, và nếu suy thoái
càng trầm trọng thêm thì sẽ xảy ra nhiều sự kiện không mong đợi.
Vấn đề chế độ nào sẽ thay thế cho CNTB
còn chưa rõ ràng, đòi hỏi phải có thời gian. Nó phụ thuộc vào việc CNTB
có tìm được một phương án nào để tự cứu vãn giống như sau cuộc khủng
hoảng năm 1930, hay phụ thuộc vào việc các chính phủ đang cải cách có
kiểm soát được sự tham nhũng của giai cấp cấp tư sản mới đang được hình
thành ở các nước đang cải cách. Về chính trị liệu sự đấu tranh của quần
chúng có tăng cường được sự kiểm soát xã hội, tránh được sự suy thoái
của xã hội hậu tư bản. Cuộc khủng hoảng này là cơ hội để đảo ngược các
chính sách phản động nhất trong 20-30 năm qua và chinh phục các không
gian mới cho sự công bằng và quyền lợi mới.
Đối với cánh tả châu Mỹ latin phải
khuyến khích họ giữ một chế độ phân phối bền vững trung và dài hạn, dựa
vào một thể chế có suy nghĩ không dựa vào một trò ảo thuật của các nhà
kinh doanh thu lợi nhuận. Cải cách chế độ thuế ở Equador, xây dựng lại
và dân chủ hoá hệ thống y tế ở Brazil. Ngoài ra phải chống chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc, và các thể chế tạo nên sự phụ thuộc tinh thần và
vật chất.
Sự thống trị của Washington đang khủng
hoảng. Phải tạo các thể chế thống nhất mới của châu Mỹ latin về chính
trị, đạo đức và kinh tế.
Theo F. Houtart thì CNXH của thế kỷ 21 có 4 mục tiêu và 5 chiến thuật để xây dựng. Các mục tiêu là:
1. Ưu tiên là sử dụng các nguồn lợi tự nhiên tái sinh được.
2. Coi trọng giá trị tiêu dùng hơn giá trị trao đổi.
3. Dân chủ tham gia ở tất cả các khu vực của đời sống tập thể.
4. Đề cao tính liên văn hoá.
Phương tiện để đạt các mục tiêu trên:
1. Mối quan hệ với tự nhiên.
2. Coi trọng giá trị sử dụng.
3. Nguyên tắc dân chủ.
4. Nguyên tắc liên văn hoá.
Các chiến lược thực hiện:
1. Giải thể tính pháp lý của chủ nghĩa tư bản như là biểu hiện của tính phi nhân loại hiện đại.
2. Thúc đẩy việc tạo ra các tác nhân tập thể bằng các mạng lưới chống đối..
3. Đổi mới mặt trận chính trị phái tả, hội nhập các tổ chức chính trị.
4. Tạo ra sự xuất hiện các lực lượng
chính trị mới, không phải chỉ gồm những người lao động ăn lương mà cả
tiểu nông, phụ nữ, thổ dân. ..
5. Tìm các vấn để trung tâm của đạo đức như thái độ tập thể và cá nhân, quan hệ với sự không tưởng.
Để hiểu tình hình xây dựng CNXH ở châu Mỹ latin chúng tôi đã tìm hiểu tình hình của Venezuala.
Venezuala có dân số là 28 triệu người
(2008), diện tích là 916 445 km2, trước đây là thuộc địa của Tây ban
nha. Từ 1522, sau nhiều cuộc nổi dậy trong thế kỷ 19 đến 1823 dưới sự
lãnh đạo của S. Bolivar giành được độc lập cùng với các nước khác gọi là
nước Columbia lớn, đến 1830 thì tách ra thành nước Venezuela. Việc tìm
ra dự trữ dầu mỏ lớn đã làm cho nước này trở thành nước có GDP
cao nhất Mỹ Latinh. Từ 1952 đến 1958, sản phẩm trong nước tăng nhanh,
khiến vào cuối các năm 1950 thu nhập bình quân đầu người ên bằng của Tây
Đức.
Nhưng từ 1958 đến 1964, phải chịu nợ nần
của thời kỳ trước và do chủ trương xây dựng chủ nghĩa tư bản quốc gia,
đẩy mạnh quốc hữu hoá, nền kinh tế bị phá hoại. Năm 1992, sĩ quan Hugo
Chavez, lãnh tụ phong trào cách mạng Bolivar nổi dậy chống chế độ độc
tài nhưng thất bại, bị tù 2 năm. Năm 1994 ông lập Phong trào cộng hoà
thứ 5 để đấu tranh. Đến 1998 ông được bầu làm tổng thống, cải cách hiến
pháp lập nước cộng hoà Bolivar Venezuela, tiến hành nhiều cải cách xã
hôi về giáo dục, y tế, xoá nghèo. Năm 2002 phái hữu đảo chính bị thất
bại, Chavez lại trúng cử tổng thống năm 2002 và 2006. Do chịu ảnh hưởng
của Fidel Castro, Hugo Chavez bắt đầu chống Mỹ, quốc hữu hoá công
nghiệp, ngân hàng để tiến lên CNXH. Để thúc đẩy quá trình này năm 2007
ông đã thành lập Đảng xã hội thống nhất.
GDP tăng trưởng hàng năm là: 2002: - 8,9
%, 2003: - 7,8 %, 2004: 18,3 %, 2005: 10,3 %, 2006: 10,3%, 2007: 8,3%.
Trong thời gian này lạm phát cũng tăng nhanh vì ngoài dầu hoả tất cả các
hàng khác đều phải nhập khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tăng hàng năm: 2002 –
31,2%, 2003 – 27,1 %, 2004 - 19,2 %, 2005- 14,4 %, 2006 - 17,0 %, 2007 -
22,5 %, 2008 - 30%...
Nhà nước cố gắng công nghiệp hoá toàn
diện hơn: tăng khai thác các khoáng sản khác và công nghiệp chế tạo.
Nông nghiệp chỉ còn chiếm 3 % GDP và 10 % lao động. Đất nông nghiệp
chiếm 1/4 diện tích đất, phải nhập 70 % hạt và 90 % dầu thực vật. Đang
cố gắng để bảo đảm an ninh lương thực.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 1998 – 50,4 %, 2003 –
62,1 %, 2006 – 36,3 % , 2007 – 33,1 %. Để chống đói nghèo trong điều
kiện giá tiêu dùng tăng nhanh nhà nước đã lập một hệ thống cử hàng giá
rẻ cho ngưới nghèo. Người nghèo được phát một cuốn sổ mua hàng giá rẻ
chỉ bằng chưa đến một nửa giá thị trường. 60 % nhân dân được hưởng chế
độ này.
Ngoài ra việc cung cấp dịch vụ y tế cho
người nghèo cũng được nhà nước đầu tư bằng việc xây dựng một hệ thống
trên 1000 trạm y tế cấp xã với 17 000 bác sĩ và nhân viên y tế do Cuba
gửi đến. Các trạm này được trang bị rất hiện đại, chẩn đoán và chữa bệnh
không mất tiền. Ngoài ra còn lập một hệ thống trường đại học bình dân
đào tạo người không biết chữ lên trình độ đại học.
Tuy vậy Công bằng xã hội thay đổi rất
chậm. Hệ số Gini năm 1998 là 0,48, năm 2007 là 0,42 %. Vấn đề khó nhất
của Venezuela là cải cách ruộng đất. Chế độ đại địa chủ gồm 3 % chủ đất
chiếm 77 % đất nông nghiệp, 50% nông dân nghèo chỉ có 1% đất, 22 % diện
tích đất chưa khai thác. Luật ruộng đất ra đời năm 2001, nhưng không áp
dụng được. Đã thành lập 3 tổ chức: Viện ruộng đất quốc gia, Viện phát
triển nông thôn và Công ty nông nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Mức hạn điền là 50 ha đất tốt đến 3000 ha đất hoang hoá. Nguyên nhân của
việc không áp dụng được là do vừa muốn cải cách ruộng đất vừa công nhận
quyền sở hữu đất đai. Đã chia cho nông dân 2 triệu ha đất hoang hoá
nhưng nhiều nông dân không nhận.
Vấn đề chủ yếu hiện nay của sự phát
triển là tiến lên XHCN như thế nào? Năm 2005 Tổng thống Hugo Chavez
tuyên bố rằng Venzuela sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21, khác với
CNXH thế kỷ 20. Theo ông thì CNXH thế kỷ 21 sẽ đa nguyên và ít tập trung
vào nhà nước. CNXH này phải dựa trên tính tương trợ, tình anh em, tình
yêu, công bằng, tự do và bình đẳng. CNXH thế kỷ 21 trước hết phải vượt
qua các điểm yếu của CNTB như ý muốn chạy theo lợi nhuận, xu hướng cơ
cấu về sự không bình đẳng và không công bằng xã hội. Đồng thời phải khắc
phục các điểm yếu của CNXH thế kỷ 20 như sự quyền uy, thiếu đa dạng và
thất bại của mô hìmh kinh tế.
Có một số xí nghiệp đã trở thành doanh nghiệp tự quản của công nhân nhưng hình thức này còn ở giai đoạn thí nghiệm.
Ngày 16/10 Tổng thống Hugo Chavez đã đến
thăm hội nghị. Ông đã nói chuyện với hội nghị, bắt đầu bằng: Một bóng
ma đang ám ảnh châu Mỹ la tinh, qua các thành thị, cánh đồng. Nhưng hiện
tượng thiên tiên ấy cần gấp được hiện thân. Chúng ta đang được kêu gọi
tạo nên các điều kiện trong một quá trình thống nhất ý thức hệ, văn hoá,
xã hội, chính trị và kinh tế. Bằng cách này thì CNXH không chỉ hiện
thân mà còn bắt rễ, và có thể được củng cố và chịu đựng. Ở Venezuela
chúng tôi thực nghiệm không ngừng, vì không có công thức, và tạo ra CNXH
là hành động anh hùng.
Trong một cuộc họp ở Ireland, các nhà
nghiên cứu cho rằng Hugo Chavez đã đề ra 5 biện pháp điển hình để xây
dựng CNXH ở Venzuela:
1. Phải có luật để quốc hữu hoá những gì đã tư nhân hoá.
2. Phải thay đổi hiến pháp để nhân dân có thể tiến lên CNXH.
3. Phải giáo dục nhân dân về giá trị của CNXH và tính tương trợ.
4. Phải tạo quyền lực nhân dân để loại bỏ sự khác nhau giữa các giai cấp và quyền đặc biệt của giai cấp thống trị.
5. Phải tạo sự bùng nổ của quyền nhân
dân, cách mạng, XHCN và dân chủ, bằng việc xây dựng các hội đồng cấp xã
và liên đoàn các cộng đồng cấp xã.
Chúng tôi được đi thăm một số cơ sở ở
vùng ngoại ô và nông thôn: một cửa hàng bán thực phẩm rẻ tiền có hỗ trợ
cho người nghèo mà 40 % dân số được có sổ mua hàng theo giá rẻ, một trạm
y tế nông thôn do cán bộ y tế của Cuba (17.000 bác sĩ và y tá) cử sang
giúp, khám bệnh không mất tiền, một cơ sở giáo dục của các trường đại
học đặt ở nông thôn để đào tạo nông dân không phân biệt tuổi tác và
trình độ có các cấp đại học, sau đại học và tiến sĩ.
Vai trò của tổ chức kinh tế quốc tế
Có ba tổ chức quốc tế phụ trách điều
tiết nền kinh tế thế giới là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế
giới (WB) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO), còn gọi là bộ ba không
thần thánh. Theo Paulo dos Santos, giáo sư đại học London, thì các tổ
chức này đã chủ trương tư nhân hoá, tự do hoá và bỏ điều tiết hệ thống
tài chính thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Các tổ chức này đã
thúc đẩy các chính sách này vào các nươc mới trỗi dậy làm cho họ chịu
các thiệt hại của khủng hoảng kinh tế.
Công cuộc cải cách đã bắt dầu từ
đầu các năm 1980 lúc trên thế giới đang có một phong trào "điều
chỉnh cơ cấu kinh tế" dưới ảnh hưởng của “sự đồng thuận
Washington” do các tổ chức quốc tế đề xuất. Xu hướng của phong
trào này đã ảnh hưởng mạnh đến công cuộc chuyển đổi cả các
nước xã hội chủ nghĩa cũ. Hơn nữa các tổ chức quốc tế đã
có các chương trình hỗ trợ "điều chỉnh cơ cấu" bằng việc tư
vấn về chính sách, đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở hạ
tầng. Vì vậy do ảnh hưởng của chương trình này một thế hệ
các cán bộ chính trị và kinh tế được đào tạo ở các nước
nói tiếng Anh đã trở thành các đệ tử của chủ nghĩa tự do
mới. Chính chủ nghĩa tự do mới là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng hiện
nay.
IMF bị phê bình là không thuyết phục
được các nước lớn điều tiết hệ thống tài chính và giảm đầu cơ. Tháng
4/2008 IMF dự báo là khủng hoảng subprime làm mất 1 tỷ USD bị chế nhạo.
Tháng 8 IMF cho rằng thị trường tín dụng có thể quản lý được. Tháng 12
giám đốc mới D. Strauss Kahn nói rằng không có khủng hoảng lớn trên thị
trường và khủng hoảng tín dụng có thể khắc phục được vào 2009. Đến lúc 2
ngân hàng Mỹ bị phá sản thì ông ta mới nhận tằng tôi không thể nói rằng
khủng hoảng tài chính đang ở sau ta.
Trước sự bất lực của các tổ chức quốc
tế, các nước châu Á đã tổ chức một cuộc họp tháng 8/2008 ở Penang để bàn
về cách giải quyết riêng của châu lục này, và họ đã nắm trong tay dự
trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Hội nghị G8 ở Nhật bản yêu cầu IMF xét
lại vai trò của đầu cơ trong việc tăng giá dầu hoả và lo rằng các nước
châu Á sẽ dùng dự trữ ngoại tệ để làm rối loạn hối suất và lãi suất.
Một cuộc kiểm tra năng lực của WB cho
thấy năng lực của các bộ phận của tổ chức này không đủ sức giúp các nước
củng cố hệ thống tài chính. Các chủ trương của WB đã làm cho hệ thống
tiền tệ của các nước yếu đi.
Theo ý kiến của chuyên gia nước
ngoài việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và tự do hóa
mới đã có 6 sự lừa dối (fallacies) đối với các nước đang phát
triển (A. Panagaraya, 2005):
1. Các nước đã phát triển bảo vệ biên giới và trợ cấp rất cao.
2. Trợ cấp và bảo vệ của các nước đã phát triển rất có hại đối với các nước thu nhập thấp.
3. gây hại cho người nghèo, hộ nông dân ở các nước nghèo nhất.
4. Trợ cấp và bảo vệ của các nước đã phát triển cản trở sự phát triển của các nước nghèo.
5. Bảo vệ nông nghiệp phản ảnh việc có hai chuẩn mức và đạo đức giả của các nước đã phát triển.
6. Việc các nước giàu viện trợ
bằng tay này đã lấy đi bằng tay khác (qua việc trợ cấp cho nông
nghiệp) và tiền viện trợ cho nước nghèo đã mất do việc trợ
cấp ở các nước đã phát triển.
Hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ phản đối WTO. WTO có 10 lý do để không thành công:
1. WTO về cơ bản không dân chủ
2. WTO không làm cho ta an toàn hơn.
3. WTO dẫm nát lao động và quyền con người.
4. WTO khuyến khích tư nhân hoá các dịch vụ càn thiết.
5. WTO đang phá hoại môi trường..
6. WTO đang giết nhân dân.
7. WTO làm tăng sự không công bằng.
8. WTO làm tăng sự đói nghèo.
9. WTO làm hại người nghèo, nước nhỏ và giúp các nước giàu.
10. WTO phá hoại việc ra quyết định ở cơ sở và chủ quyền của các nước.
Do các mâu thuẫn nêu trên nên vòng đàm phán Doha bị thất bại.
Trước tình hình giá lương thực trên
thế giới tăng lên mạnh, nguy cơ mất an ninh lương thực đang đến
gần, tổ chức này không có hoạt dộng nào để bảo vệ mục tiêu
Thiên niên kỷ (giảm nghèo) của Liên hiệp quốc. Theo Viện chính
sách buôn bán nông nghiệp (IATP) đã nêu ra 7 lý do vì sao WTO
không thể giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực:
1. Vòng đàm phán Doha làm tăng sự
phụ thuộc của các nước đang phát triển vào nhập khẩu lương
thực. Hiện nay 2/3 số nước đang phát triển phải nhập lương thực.
2. Vòng Doha làm tăng sự biến động của giá lương thực và nông sản.
3. Vòng Doha tăng cường quyền lực của các công ty đa quốc gia.
4. Vòng Doha không làm cho việc đầu cơ đi vào kỷ luật.
5. Vòng Doha không bàn đến khủng hoảng môi trường và thay đổi khí hậu.
6. Vòng Doha không làm giảm giá dầu lửa.
7. Vòng Doha không điều tiết buôn bán năng lượng sinh học.
Có ba biện pháp mà WTO đáng lẽ phải làm để chống khủng hoảng lương thực:
1. Xét lại Thỏa thuận của vòng
Uruguay và Doha về nông nghiệp xem các nước đã áp dụng chính
sách như thế nào để củng cố hệ thống thực phẩm và nông
nghiệp.
2. Đòi hỏi các nước phải lập các quỹ dự trữ quốc gia và vùng để giảm sự biến động của giá cả.
3. Tạo sự cạnh tranh thế giới về
quy chế hạn chế thế lực của các công ty đa quốc gia trong thị
trường lương thực.
Đáng lẽ những nước đang chuyển đổi
đã có một công cụ rất tốt là định hướng xã hội chủ nghĩa
để hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do mới, nhưng công cụ
này được nghiên cứu rất yếu và không đủ sức để chống lại xu
hướng của chủ nghĩa tự do mới, quá đề cao kinh tế thị trường và sự rút
lui của Nhà nước.
Trong các biện pháp đề ra để giải quyết
cuộc khủng hoảng kinh tế có việc phải xây dựng một hệ thống quản lý tài
chính và kinh tế quốc tế mới.
S.T
0 nhận xét:
Đăng nhận xét