Tôi lại viết, lại chia sẻ vài suy nghĩ của mình với mục đích duy nhất là cùng mọi người tích cực góp ý xây dựng Hiến pháp theo lời kêu gọi nghiêm túc. Đất nước, nhân dân, đặc biệt là giới trẻ như chúng tôi ngày càng cần thiết cha anh xây dựng cho một bản Hiến pháp tốt về nhiều nghĩa. Trong hiến pháp, khi nào sự bình đẳng về thẩm quyền (tức là quyền và nghĩa vụ) của nhân dân, nhà nước, đảng phái chính trị và các chủ thể độc lập khác trong xã hội ghi nhận được sự cân bằng tối đa thì chắc chắn sẽ có một bản Hiến pháp tiến bộ.
Trước hết, ai cũng có thể hiểu, Hiến pháp được xem như bản khế ước (hợp đồng) giữa hai chủ thể đặc biệt là người dân (đủ mọi thành phần trong một quốc gia) với nhà nước. Mục đích là nhân dân trao quyền của mình cho nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội. Bù lại, nhà nước bảo đảm các quyền lợi của người dân trên cơ sở pháp luật mà Hiến pháp là luật gốc. Vì là hợp đồng nên người ta luôn tính toán quy định đến quyền và nghĩa vụ tương ứng phải được cân bằng giữa các bên; trong đó người ta chú trọng tới nghĩa vụ của nhà nước nhiều hơn vì khi đã được cầm quyền thì xu hướng chung là nhà nước thường hay lạm quyền. Hiến pháp hay hoặc dở phụ thuộc vào việc quy định này. Có sự hiển nhiên nào khi hầu hết các nước đi đến hiện đại, văn minh đều có những bản Hiến pháp rất tốt. Dù cách thể hiện có thể ngắn hay dài, kể lể cụ thể hay chỉ tính đến việc tạo ra các nguyên tắc hành xử gốc, có khi không cần Hiến pháp thành văn (Anh) thì các bản hiến pháp tiến bộ đó đều không hề nhắc đến một đảng phái hay tổ chức chính trị nào cụ thể. Có lẽ xuất phát từ gốc vấn đề hiến pháp là hợp đồng của hai chủ thể là người dân và nhà nước chứ không có bên thứ ba. Với các nước văn minh này, đảng phái chính trị chỉ đại diện cho một nhóm, một khuynh hướng trong xã hội đa khuynh hướng, lợi ích mà thôi. Họ biết rõ và quy định rõ mục tiêu, chức năng lớn nhất của các đảng phái là đưa người của mình vào lãnh đạo cơ quan hành pháp (một trong ba thiết chế quyền lực nhà nước) mà thôi. Trên cơ sở phục vụ lợi ích chung của quốc gia thì sẽ có được một số quyền lợi nhất định của đảng phái mình mà luật pháp cho phép hay là quyền lợi hiển nhiên sau khi chiến thắng trong tranh cử và cầm quyền…
Ở Việt Nam, thực sự là điều kiện đặc thù của lịch sử để có được đất nước thống nhất trọn vẹn là chỉ từ năm 1975. Ai cũng biết là Đảng Cộng sản đã đấu tranh thế nào để tạo nên sự thống nhất đất nước đó. Do vậy, việc ý kiến luôn giữ Điều 4 trong Hiến pháp với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản như là một tất yếu. Đó cũng là bình thường trong xu thế chung, quy luật chung của quyền lực chính trị là chủ thể nào rồi cũng tìm mọi cách để nắm giữ quyền lực về phần mình càng lâu càng tốt. Nhưng, điều cần lưu tâm là việc cầm quyền mà không có một ràng buộc pháp lý chặt chẽ, cụ thể thì xu thế chung lại là lạm quyền. Vì vậy, trước đến nay, có chuyện là luôn xảy ra sự tranh luận, thậm chí là tranh cãi, đấu tranh vấn đề xung quanh việc Đảng lãnh đạo. Lồng trong đó, phía bác bỏ Điều 4 luôn thể hiện ý chí xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vì vậy mà luôn xảy ra các cuộc tranh đấu loại bỏ không khoan nhượng với nhau. Như vậy chắc chắn triệt tiêu sức mạnh do không hòa hợp, đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước.
Lịch sử ghi nhận người Việt Nam đã mất không biết bao nhiêu xương máu mới có được thống nhất, toàn vẹn. Nay đất nước đã hòa bình, cần khép lại những mâu thuẫn cố hữu của lịch sử và cần phải cùng có thiện chí cao với nhau để xây dựng đất nước. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói:“Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Nên, theo tôi, xây dựng Hiến pháp phải luôn nhớ đến hai bài học này! Không nên vì những quyền lợi chính trị mang tính cục bộ mà làm mất đi sức mạnh chung để cùng đưa đất nước đi lên, tránh được sự tụt hậu một cách đáng báo động so với bên ngoài. Vì vậy, nếu vẫn giữ nguyên Điều 4 (cho đến hiện nay là bắt buộc và bất di bất dịch) thì theo tôi là nguyên tắc soạn thảo hiến pháp cần phải để ý tới vấn đề dưới đây.
Soạn Hiến pháp cũng như soạn hợp đồng, muốn chặt chẽ thì mỗi khi có quyền của một bên phát sinh thì phải tìm ra các nghĩa vụ tương ứng (bình đẳng) mà các bên chấp nhận chung được. Quan sát về những quan điểm tranh luận xung quanh Điều 4 từ trước tới nay, hình người ta chỉ quan tâm tới vấn đề khá cực đoan, là giữ nguyên hay bác bỏ và kéo theo là loại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi. Điều đó làm các bên đã mất sức lực của các bên và không cần thiết. Vấn đề Đảng lãnh đạo được đưa vào Hiến pháp cần phải quan tâm ở góc độ kỹ năng soạn Hiến pháp thế nào chứ không cần quan tâm tới việc đưa vào hay không đưa vào. Nói nôm na thì cần quan tâm tới việc đưa vào thì thế nào và không đưa vào thì thế nào mà thôi. Nếu một bên vẫn giữ nguyên quyền của mình mà bên kia không “chịu thì chịu không chịu thì thôi” thì “bên kia” (phía nhân dân nói chung) phải tính đến việc những nghĩa vụ tương ứng của Đảng thế nào mới đúng. Nếu không thì hai bên sẽ không bao giờ gặp nhau được về quan điểm xây dựng và hiến pháp mới sẽ lại một lần nữa chưa thỏa mãn một số nguyên tắc chung.
Cụ thể là, nếu đưa thiết chế Đảng lãnh đạo vào Hiến pháp thì cần thiết phải làm rõ các vấn đề Đảng lãnh đạo như thế nào… (?!).
Cũng như các chủ thể khác của nhà nước mà Hiến pháp buộc phải đưa vào như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước), Thủ tướng,…, việc đưa quy định Đảng lãnh đạo vào cũng cần phải được tính toán về quyền và nghĩa vụ tương ứng như vậy, thậm chí là cần phải chặt chẽ hơn. Bởi vì, càng rõ ràng, minh bạch về mối quan hệ, địa vị chính trị và pháp lý của các cơ quan nhà nước với nhau, với các tổ chức chính trị – xã hội khác (Đảng) thì đều hiệu quả cho việc vận hành quản lý nhà nước, xã hội trên thực tế sau này. Do vậy, việc Dự thảo Hiến pháp quy định trong Điều 4 hiện nay một cách ngắn gọn, chung chung quá thì sẽ tạo nên sự hiểu nhầm hay vận dụng theo kiểu nào cũng được. Như vậy là không đúng với tinh thần lãnh đạo của Đảng và xa hơn là nguyện vọng của người dân khi mong muốn có một bản Hiến pháp ưu việt. Để xây dựng Hiến pháp tốt cần phải nghiêm túc, đứng đắn, cẩn trọng, không tiếc công sức, thời gian trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân. Việc vội vàng, chưa tính toán kĩ trong xây dựng Hiến pháp (không riêng vấn đề Đảng lãnh đạo) mà thậm chí là ẩu có thể tạo nên một hậu quả khó lường đối với đất nước và nhân dân về lâu dài…
Vì vậy, theo tôi, nếu vẫn giữ riêng vấn đề Đảng lãnh đạo thì cần thiết phải nâng lên thành một chế định, mà cụ thể hơn đó là đưa thành một chương của Hiến pháp. Điều này chắc chắn Đảng cũng mong muốn vì không những hiến pháp đưa vào, mà còn cho hẳn một chương với nhiều điều khoản khác nhau có thể. Ở đó sẽ có quy định đầy đủ hơn, rõ ràng hơn, minh bạch hơn về vai trò lãnh đạo, địa vị pháp lý, phương thức lãnh đạo của Đảng; cụ thể về thẩm quyền (quyền và nghĩa vụ) của Đảng trong sự tương tác, quan hệ với các thiết chế khác mà Hiến pháp quy định. Tương tự như quy định về Bộ máy nhà nước (Quốc hội, chính phủ…) và các thiết chế độc lập… Cao hơn nữa là cụ thể về trách nhiệm trong việc lãnh đạo của Đảng trước nhà nước và nhân dân… Đã có ý kiến của một vài chuyên gia là Hiến pháp cần chắc chắn phải có Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng và quy định ngắn gọn như Dự thảo hiện nay là đúng tinh thần, tập quán của việc xây dựng Hiến pháp. Tuy nhiên, theo tôi, Hiến pháp tùy theo từng chế định, từng vấn đề mà quy định ngắn hay dài. Với một chế định quan trọng bậc nhất là Đảng lãnh đạo thì cần nhất là quy định rõ ràng, dễ hiểu, chặt chẽ để tạo nên hiệu quả pháp luật cao.
Tôi cũng nghĩ hạn hẹp rằng, với người dân, với lợi ích quốc gia và dân tộc thì đòi hỏi chung về người lãnh đạo của mình là phải đem đến cho họ sự công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ và thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần. Đáp ứng được những điều cơ bản đó thì có lẽ ai, đảng phái chính trị mang tên gì đứng ra nhận vai trò và gánh vác trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền đều được người dân chấp nhận…
DƯƠNG PHI ANH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét