KỲ 1: CÁC NƯỚC CHE ĐẬY, VIỆT NAM LẠI...TRƯNG RA
TS. Võ Trí Hảo
Nguồn: Tuần Việt Nam,
đăng ngày 26/9/2013,
Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt đối xử với DN ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi đó, Việt Nam lại trưng
bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra
sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường.
Gia
nhập WTO là một cột mốc quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội
nhập quốc tế. Tuy nhiên sau 7 năm, dường như chúng ta chưa khai thác
được hết các lợi ích mà tư cách thành viên WTO mang lại. Bởi hầu hết các
nước của WTO, bao gồm cả G7, chưa công nhận VN là nền kinh tế thị
trường, bất chấp nỗ lực thuyết phục của lãnh đạo cấp cao của VN trong
các cuộc tiếp xúc song phương[1] .
Để
kết luận một nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường không, các
quốc gia phân tích nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khuôn khổ pháp lý
cho nền kinh tế vận hành, mà đầu tiên là Hiến pháp.
Chỉ cần nhìn
vào Điều 15 Hiến pháp 1992 hiện hành (và Điều 51 Khoản 1 Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992), sẽ thấy VN phân loại về mặt pháp lý các chủ thể tham
gia hoạt động kinh tế ngay từ trong Hiến pháp và tuyên bố "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo".
Như vậy, ai giữ vai trò chủ đạo, ai thắng trong cuộc chơi không còn
được quyết định bởi quy luật cạnh tranh tự do của thị trường nữa, mà
quyết định bởi nhà nước.
Để
"tuân thủ" Hiến pháp, nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm vai trò chủ đạo
của thành phần kinh tế nhà nước. Muốn vậy, nhà nước không còn cách nào
khác là phải ưu tiên, ưu đãi các DNNN. Nếu không, ai thắng ai thua trong
cuộc cạnh tranh sẽ do thị trường quyết định.
Thị trường thì khách
quan, vô cảm, nên DNNN có thể thắng, có thể thua, có thể chủ đạo hoặc
không chủ đạo. Nếu DNNN và thành phần kinh tế nhà nước, vào một lúc nào
đó, không giữ được vai trò chủ đạo thì nhà nước đã... vi phạm Hiến pháp.
Bởi
vậy, mặc dù không còn duy trì một đạo luật riêng cho DNNN mà thành phần
này được điều chỉnh chung trong Luật doanh nghiệp 2005, nhưng ưu tiên
ưu đãi vẫn có vô vàn cách. Chẳng hạn, bảo lãnh vay vốn, ưu đãi đất đai,
luân chuyển công chức cao cấp giữ các chức vụ quản lý trong DNNN thông
qua đó loby chính sách cho các DN này. Rồi bắt buộc các hội thảo sử dụng
ngân sách nhà nước phải mua vé máy bay của Vietnam Airlines cho đại
biểu tham gia, v.v...
Điều đặc biệt, dường như DNNN không được
phép phá sản theo quy luật thị trường, bởi phá sản thì cơ quan chủ quản
có thể bị kỷ luật, nên họ phải cứu bằng mọi cách.
Vậy có thể dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế? Và quy luật kinh tế có phải là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp?
Ông
trời đâu có vâng lệnh người; các quy luật kinh tế khách quan đâu có
phải là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp và cũng không biết "giữ thể
diện" cho nhà nước với những scandal như Vinashines, Vinalines...
Lùi
xa hơn một chút, từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992, luôn khẳng định
"vai trò chủ đạo" của thành phần kinh tế tập thể, nhưng nó đã teo tóp từ
lâu. Trong thời kỳ bao cấp, cả dân tộc dành 100% nguồn lực cho kinh tế
nhà nước, kinh tế tập thể, nhưng hai thành phần kinh tế này có giữ vai
trò chủ đạo được không?
Hãy nhìn vào khả năng bảo toàn vốn, tìm
kiếm lợi nhuận, đóng góp cho GPD, góp phần cho tình trạng tham nhũng,
khả năng tạo công ăn việc làm giữa hai khu vực kinh tế nhà nước và kinh
tế tư nhân, sẽ dự đoán được quy luật kinh tế đang vận động theo hướng
nào.
Bảng: Đóng góp của kinh tế nhà nước tại TPHCM giảm dần đều theo thời gian
Thành phần | 2006-2010 | 2011 | 2012 | 2013 |
Kinh tế nhà nước | 26,6% | 18,7% | 18,0% | 17,3% |
Kinh tế ngoài nhà nước | 50,6% | 58,3% | 58,5% | 58,9% |
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài | 22,8% | 23,0% | 23,5% | 23,8% |
|
(Nguồn: Cục Thống kê TPHCM, dẫn theo Văn Nam, Đóng góp kinh tế nhà nước giảm dần, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/9/2013).
Đáng tiếc, tư duy dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế vẫn được tiếp tục duy trì, lựa chọn làm Phương án 1 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều 51 Khoản 1 viết: "Nền
kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" (khái niệm "kinh tế tập thể" đã biến mất - VTH).
Quyền
lập hiến thuộc về Quốc hội Việt Nam, nhưng quyền công nhận nền kinh tế
thị trường thuộc về các quốc gia khác. Mỗi chủ thể đều có ý chí riêng
của mình.
Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây, là nghệ thuật che đậy sự
phân biệt đối xử. Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt
đối xử với DN ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi
đó, Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị
trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh tế
thị trường.
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán gia
nhập TPP, thì việc trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước"
trong Hiến pháp, sẽ làm cho Việt Nam gặp không ít bất lợi.
(Còn tiếp)
TS. Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)
[1] Hiện
nay chỉ có ASEAN và Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela, Nam Phi công
nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các thành viên chủ chốt của WTO
vẫn chưa công nhận.
------------------------
Sửa Hiến pháp đừng bít lối vào TPP:
KỲ 2: "Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy"
TS. Võ Trí Hảo
Nguồn: Tuần Việt Nam,
đăng ngày 26/9/2013,
Còn chức năng đứng về người lao động lại càng khó tròn vai, bởi "ăn cây
nào rào cây ấy", ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn
thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh
quyết liệt quyền lợi cho công nhân.
BTA có rồi, nhưng Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP)[1] không thành hiện thực có căn nguyên từ Hiến pháp.
1. Một lý do được chỉ ra là quyền tự do gia nhập hội đã có, nhưng quyền tự do lập hội cho người lao động lại chưa có.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA),
đoàn đàm phán đã nỗ lực yêu cầu Hoa Kỳ dành cho phía VN Quy chế ưu đãi
phổ cập (GSP). Quy chế này nhằm khuyến khích sự phát triển kinh tế ở các
nước đang phát triển bằng cách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu 5.000 mặt
hàng[2] (trong đó chủ yếu là các hàng thủ công nghiệp, mây tre, cói ngô...).
Ban đầu, phía Hoa Kỳ không chấp nhận, vì quy chế GSP đòi hỏi quốc
gia hưởng quy chế GSP phải bảo đảm cho người lao động, tầng lớp công
nhân quyền tự do lập hội, bao gồm quyền tự do lập công đoàn.
|
Theo báo Lao động, từ năm 1995 đến 7/2013, có hơn 5.000 cuộc đình
công, có cuộc huy động đến 10.000 NLĐ, không có cuộc nào do Công Đoàn lãnh đạo. Ảnh minh họa
|
Quyền tự do lập công đoàn, giúp "công nhân, người lao động tụ tập
với nhau, tự lập hội để nói chuyện với giới chủ", để giúp họ tự bảo vệ
mình, mà không phải trông chờ từ nhà nước. Theo ông Nguyễn Đình Lương -
nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA, quyền tự do thành lập công đoàn là một
trong những chuẩn mực quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mà
Việt Nam là một thành viên[3] .
Trước nỗ lực của phía Việt Nam, cuối cùng phía Hoa Kỳ ghi nhận
vào BTA: "phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam". Thế nhưng,
"thắng lợi" của nỗ lực này không có cơ hội thành hiện thực. Vì phía Hoa
Kỳ chưa xem xét GSP chừng nào quyền tự do lập công đoàn của người lao
động Việt Nam chưa được bảo đảm, chừng nào Điều 10 Hiến pháp còn duy trì
vai trò độc tôn của Công đoàn Lao động Việt Nam (viết hoa, số ít).
Sự độc tôn của công đoàn như vậy là đã điều chỉnh quyền lập hội,
lập công đoàn của người lao động theo "cơ chế mậu dịch" của thời kỳ bao
cấp. Nghĩa là chỉ có quyền "gia nhập, hoặc không gia nhập, đóng phí hay
không đóng phí" mà thôi, chứ không còn quyền chọn lựa ai đó đại diện cho
mình.
Ngắn gọn, người lao động không có quyền lập công đoàn, mà chỉ có
quyền gia nhập một tổ chức mà Điều 10 Hiến pháp đã thiết kế sẵn.
Người lao động tưởng như đã thoát được "gạo mậu dịch" song còn những thứ "mậu dịch, bao cấp" khác thì có lẽ vẫn chưa thể.
2. Duy trì tính chất "á nhà nước" của Công đoàn nhằm giải quyết những vấn đề gì gì?
Hiện nay, Công đoàn Lao động Việt Nam hưởng quy chế rất đặc biệt, quy chế á nhà nước.
Theo quy chế này, Công đoàn Lao động đứng về phía nhà nước, giúp
nhà nước quản lý người lao động, thực hiện một số hành động nhân danh
quyền lực nhà nước (ban hành thông tư liên tịch), đặc biệt hưởng ngân
sách, giống như một cơ quan nhà nước.
Dùng ngân sách như cơ quan nhà nước, nhưng lại không phải là cơ
quan nhà nước. Bởi ở mặt khác, tổ chức này lại khoác chiếc áo của một tổ
chức xã hội, nên không cần được sự ủy thác của toàn dân thông qua bầu
cử phổ thông, không có nghĩa vụ trả lời chất vấn trước Quốc hội, không
phải chịu trách nhiệm trước những người đóng thuế.
3. Chức năng, vai trò thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử
Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Công đoàn đã có công lao lớn
giúp Đảng giành được chính quyền, giúp công nhân đấu tránh chống lại sự
bóc lột của giới chủ, đặc biệt là chống lại giới chủ người Pháp. Điều đó
cần được tri ân.
Bước sang thời kỳ bao cấp, khái niệm "giới chủ" không còn, mà
người sử dụng lao động chính là chính quyền dưới hình thức hợp tác xã,
xí nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước. Nên Công đoàn thời kỳ này thay đổi
chức năng, không còn nhiệm vụ đấu tranh chống lại người sử dụng lao
động, mà phải cổ vũ, ủng hộ người sử dụng lao động, trở thành cánh tay
nối dài giúp nhà nước quản lý người lao động.
Bước sang thời kỳ đổi mới, "giới chủ" tái xuất hiện, nhưng chức
năng, vị thế của Công đoàn vẫn được tiếp tục duy trì như thời kỳ bao
cấp. Công đoàn mới không được quyền thiết lập, công đoàn truyền thống
không ra tay giúp công nhân. Những xung đột với giới chủ không còn
phương thức hòa bình để giải quyết, công nhân đi đến đình công tự phát ở
Bình Dương, Hải Phòng trong những năm 2008-2009, có nơi leo thang đến
đập phá nhà máy giống như thời Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tính chất á nhà nước, làm cho chức năng quản lý nhà nước của Công
đoàn thiếu chính danh, thiếu trách niệm giải trình trước Quốc hội và
toàn dân. Còn chức năng đứng về người lao động lại càng khó tròn vai,
bởi "ăn cây nào rào cây ấy", ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy;
Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu
tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân.
Duy trì vai trò độc tôn, hạn chế quyền tự do lập công đoàn của
người lao động không chỉ làm ảnh hưởng quyền lợi của tầng lớp thợ
thuyền, mà về mặt đối ngoại lại cản trở hội nhập quốc tế.
Trước thềm đàm phán TPP, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, chúng ta nên
xem xét cải tổ cơ chế "bao cấp bảo vệ người lao động", cải tổ hệ thống
"cửa hàng mậu dịch bốn cấp" (Công đoàn ở TW, tỉnh, huyện, cơ sở). Sao
cho những người lao động thực sự được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)
Posted in: Chính Trị,Hiến Pháp,Luật,Võ Trí Hảo
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét