Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013
TƯ VẤN – NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
00:21
Hoàng Phong Nhã
No comments
Luật gia VŨ XUÂN TIỀN – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam
TƯ VẤN LÀ GÌ?
Theo từ điển tiếng Việt phổ thông, "tư vấn là việc góp ý kiến về những vấn đề được hỏi, nhưng không có quyền quyết định". Từ khái niệm đó, chúng ta có Hội đồng tư vấn, Cơ quan tư vấn, Nhà tư vấn, Công ty tư vấn, chức năng tư vấn…
Khái niệm nêu trên là khái niệm đơn giản nhất, phổ thông nhất. Xã hội càng phát triển, "việc góp ý" – nội dung cơ bản của tư vấn – đã mở rộng hơn rất nhiều. Các nhà tư vấn, các công ty tư vấn chuyên nghiệp không chỉ dừng lại ở việc "góp ý" mà đã và đang thực hiện nhiều nội dung khác quan trọng hơn như: nghiên cứu và cảnh báo rủi ro; nghiên cứu và đưa ra các ý kiến về việc chấp hành các quy định của pháp luật; nghiên cứu đưa ra các phương án đầu tư và lựa chọn phương án tối ưu trong kinh doanh, đầu tư… Theo đà phát triển của nền kinh tế, tư vấn đã trở thành một lĩnh vực hoạt động độc lập và ngày càng phát triển.
TƯ VẤN – NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Cũng theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông, kinh doanh là việc tổ chức sản xuất, buôn bán, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi. Theo Luật Doanh nghiệp 2005, Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Lịch sử kinh tế của các nước phát triển đã chứng minh rằng, trong kinh tế thị trường, tư vấn đã, đang và sẽ trở thành nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và doanh nhân. Vị trí đặc biệt quan trọng đó của hoạt động tư vấn do những lý do sau đây quyết định:
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh, dù là do cá nhân hay pháp nhân thực hiện, cũng do một chủ thể quyết định – đó là chủ sở hữu (hoặc người đại diện của chủ sở hữu) – còn gọi là chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, dù ở quy mô kinh doanh nhỏ hay lớn, hoạt động kinh doanh cũng bao trùm rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Không một chủ doanh nghiệp nào có thể có đủ kiến thức cần thiết ở tất cả các lĩnh vực để phục vụ tốt cho hoạt động kinh doanh. Việc tuyển dụng người lao động vào làm việc trong doanh nghiệp để "lấp đầy khoảng trống" về kiến thức cần thiết ở tất cả các lĩnh vực phục vụ kinh doanh không phải lúc nào cũng thực hiện được và không phải trường hợp nào cũng là tối ưu. Do đó, các chủ doanh nghiệp phải tìm đến, nhờ sự hỗ trợ của các nhà tư vấn, các công ty tư vấn.
Thứ hai, để cho một doanh nghiệp phát triển bền vững, quy mô hoạt động kinh doanh của chu kỳ sau phải lớn hơn chu kỳ trước và do đó, phạm vi kinh doanh cũng phải được mở rộng hơn; doanh nghiệp phải thực hiện các dự án đầu tư… Do đó, những nhu cầu mới về kiến thức phục vụ kinh doanh, đầu tư như những thông tin về thị trường, sản phẩm, công nghệ, quản lý dự án, những quy định của pháp luật ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau… luôn luôn xuất hiện và đòi hỏi phải giải quyết kịp thời. Rất ít chủ doanh nghiệp có thể tự đáp ứng được những yêu cầu đó. Vì vậy, tìm đến và sử dụng dịch vụ tư vấn là tất yếu khách quan;
Thứ ba, trong bất kỳ môi trường nào, các rủi ro cũng luôn luôn rình rập đối với các hoạt động kinh doanh. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra từ các rủi ro, biện pháp tốt hơn cả là phòng ngừa rủi ro. Điều đó có nghĩa là, phải nhận biết rủi ro, đánh giá khả năng có thể xảy ra và thực hiện các biện pháp khắc phục. Muốn nhận biết chính xác các rủi ro cần có cái nhìn khách quan, toàn diện về thực trạng của doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp, với rất nhiều lo toan hàng ngày và là người trong cuộc, khó có thể có cái nhìn khách quan, toàn diện như vậy. Ngược lại, nhà tư vấn lại có thể đáp ứng được yêu cầu đó.
Thứ tư, xét về tính chuyên nghiệp và hiệu quả, với hàng loạt công việc từ những lĩnh vực khác nhau, chủ doanh nghiệp khó có thể tự thực hiện với tính chuyên nghiệp cao. Ngược lại, các nhà tư vấn, các công ty tư vấn lại chuyên sâu về từng lĩnh vực và xử lý ở những trường hợp khác nhau. Do đó, với cùng một nhiệm vụ được đặt ra, nhà tư vấn sẽ xử lý nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và do đó, sẽ đảm bảo hiệu quả cao hơn.
Những lý do nêu trên là cơ bản và quan trọng nhất để khẳng định rằng, tư vấn đã, đang và sẽ luôn luôn là nhân tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp. Kinh tế thị trường càng phát triển, vai trò của tư vấn đối với hoạt động kinh doanh lại càng cao hơn. Chính vì vậy, ở các nước phát triển, tùy theo quy mô của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thường có từ một đến nhiều nhà tư vấn bên cạnh mình để đáp ứng những đòi hỏi khác nhau. Đó là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động tư vấn, cũng cần nhắc lại rằng, nhà tư vấn không được phép quyết định thay cho chủ doanh nghiệp. Vì vậy, hiệu quả của hoạt động tư vấn vẫn phụ thuộc rất lớn vào quyết định cuối cùng của chủ doanh nghiệp. Cho nên, năng lực quản lý, trình độ nhận thức về kinh tế – xã hội của chủ doanh nghiệp vẫn là điều kiện quan trọng nhất.
HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN Ở VIỆT NAM – NHỮNG THÁCH THỨC LỚN
Mặc dù về mặt lý thuyết, ai cũng thừa nhận tư vấn là nhân tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh. Song, ở nước ta, hoạt động tư vấn đã và đang đứng trước những thách thức lớn.
Trước hết, là nền kinh tế kém phát triển, kinh tế thị trường phát triển chưa đầy đủ, phần lớn các doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, do đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tư vấn chưa cao. Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta đều là doanh nghiệp gia đình, mang nặng dấu ấn của "nền văn minh lúa nước", do đó, thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn và phải trả tiền cho dịch vụ đó chưa thực sự hình thành. Vì vậy, chưa có một "thị trường tư vấn" theo nghĩa đầy đủ, khoa học của khái niệm này.
Tham nhũng và việc "bảo kê" cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư của những nhóm quyền lực là "kẻ thù" trực tiếp, vô cùng nguy hiểm đối với dịch vụ tư vấn. Bởi lẽ, tư vấn là hoạt động hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo sự minh bạch, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và từ đó, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh ngày càng cao. Song, tham nhũng và tình trạng "bảo kê" cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư của những nhóm quyền lực lại nhằm mục đích ngược lại. Đó là những hành vi kinh doanh trái pháp luật và thiếu minh bạch một cách nghiêm trọng để tạo kẽ hở cho những cuộc ăn chia. Chính vì vậy, khi tham nhũng chưa bị tiêu diệt, khi tình trạng "bảo kê" chưa bị phá vỡ thì hoạt động tư vấn còn rất khó xác lập được vị trí của mình trên thương trường.
Không chỉ các doanh nghiệp mà không ít quan chức, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng cho rằng, tư vấn là "tay không bắt giặc", là "ngồi mát, ăn bát vàng". Đó là quan niệm hết sức sai lầm. Nhưng từ quan niệm sai lầm đó, không có một chính sách ưu đãi nào đối với các doanh nghiệp tư vấn. Chẳng hạn, trong các giải pháp kích cầu hiện nay, doanh nghiệp tư vấn đã bị loại ra khỏi đối tượng của tất cả các chính sách ưu đãi cụ thể.
Là lực lượng "sinh sau, đẻ muộn", các doanh nghiệp tư vấn ở nước ta hiện nay đều là doanh nghiệp "siêu nhỏ", vốn tự có rất ít, do đó năng lực tài chính cũng rất yếu. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tư vấn. Vì vậy, không ít trường hợp chất lượng tư vấn chưa cao. Nghiêm trọng hơn, đã có một vài doanh nghiệp tư vấn tham gia vào việc "chạy" và thực hiện những dịch vụ trái pháp luật. Những nhân tố trên, trong một chừng mực nhất định, đã ảnh hưởng lớn tới uy tín của các doanh nghiệp tư vấn hiện nay.
THAY LỜI KẾT
Tư vấn có vai trò quan trọng và ngày càng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp tư vấn độc lập ở nước ta đã hình thành, còn nhỏ bé và đang đứng trước những thách thức lớn. Song, sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế… là những bước đi không thể đảo ngược; sự minh bạch trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội sẽ phải được tôn trọng. Vì vậy, chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ quan tâm nhiều hơn và sử dụng các dịch vụ tư vấn nhiều hơn. Khi đó, thị trường dịch vụ tư vấn sẽ sôi động hơn. Các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn hiện nay đang rất khó khăn. Song, không thể vì những khó khăn trước mắt mà "buông tay lái", rút khỏi thương trường. Hãy chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để hoạt động vững vàng hơn trong một giai đoạn mới.
SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 70, THÁNG 4 NĂM 2009
TƯ VẤN LÀ GÌ?
Theo từ điển tiếng Việt phổ thông, "tư vấn là việc góp ý kiến về những vấn đề được hỏi, nhưng không có quyền quyết định". Từ khái niệm đó, chúng ta có Hội đồng tư vấn, Cơ quan tư vấn, Nhà tư vấn, Công ty tư vấn, chức năng tư vấn…
Khái niệm nêu trên là khái niệm đơn giản nhất, phổ thông nhất. Xã hội càng phát triển, "việc góp ý" – nội dung cơ bản của tư vấn – đã mở rộng hơn rất nhiều. Các nhà tư vấn, các công ty tư vấn chuyên nghiệp không chỉ dừng lại ở việc "góp ý" mà đã và đang thực hiện nhiều nội dung khác quan trọng hơn như: nghiên cứu và cảnh báo rủi ro; nghiên cứu và đưa ra các ý kiến về việc chấp hành các quy định của pháp luật; nghiên cứu đưa ra các phương án đầu tư và lựa chọn phương án tối ưu trong kinh doanh, đầu tư… Theo đà phát triển của nền kinh tế, tư vấn đã trở thành một lĩnh vực hoạt động độc lập và ngày càng phát triển.
TƯ VẤN – NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Cũng theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông, kinh doanh là việc tổ chức sản xuất, buôn bán, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi. Theo Luật Doanh nghiệp 2005, Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Lịch sử kinh tế của các nước phát triển đã chứng minh rằng, trong kinh tế thị trường, tư vấn đã, đang và sẽ trở thành nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và doanh nhân. Vị trí đặc biệt quan trọng đó của hoạt động tư vấn do những lý do sau đây quyết định:
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh, dù là do cá nhân hay pháp nhân thực hiện, cũng do một chủ thể quyết định – đó là chủ sở hữu (hoặc người đại diện của chủ sở hữu) – còn gọi là chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, dù ở quy mô kinh doanh nhỏ hay lớn, hoạt động kinh doanh cũng bao trùm rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Không một chủ doanh nghiệp nào có thể có đủ kiến thức cần thiết ở tất cả các lĩnh vực để phục vụ tốt cho hoạt động kinh doanh. Việc tuyển dụng người lao động vào làm việc trong doanh nghiệp để "lấp đầy khoảng trống" về kiến thức cần thiết ở tất cả các lĩnh vực phục vụ kinh doanh không phải lúc nào cũng thực hiện được và không phải trường hợp nào cũng là tối ưu. Do đó, các chủ doanh nghiệp phải tìm đến, nhờ sự hỗ trợ của các nhà tư vấn, các công ty tư vấn.
Thứ hai, để cho một doanh nghiệp phát triển bền vững, quy mô hoạt động kinh doanh của chu kỳ sau phải lớn hơn chu kỳ trước và do đó, phạm vi kinh doanh cũng phải được mở rộng hơn; doanh nghiệp phải thực hiện các dự án đầu tư… Do đó, những nhu cầu mới về kiến thức phục vụ kinh doanh, đầu tư như những thông tin về thị trường, sản phẩm, công nghệ, quản lý dự án, những quy định của pháp luật ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau… luôn luôn xuất hiện và đòi hỏi phải giải quyết kịp thời. Rất ít chủ doanh nghiệp có thể tự đáp ứng được những yêu cầu đó. Vì vậy, tìm đến và sử dụng dịch vụ tư vấn là tất yếu khách quan;
Thứ ba, trong bất kỳ môi trường nào, các rủi ro cũng luôn luôn rình rập đối với các hoạt động kinh doanh. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra từ các rủi ro, biện pháp tốt hơn cả là phòng ngừa rủi ro. Điều đó có nghĩa là, phải nhận biết rủi ro, đánh giá khả năng có thể xảy ra và thực hiện các biện pháp khắc phục. Muốn nhận biết chính xác các rủi ro cần có cái nhìn khách quan, toàn diện về thực trạng của doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp, với rất nhiều lo toan hàng ngày và là người trong cuộc, khó có thể có cái nhìn khách quan, toàn diện như vậy. Ngược lại, nhà tư vấn lại có thể đáp ứng được yêu cầu đó.
Thứ tư, xét về tính chuyên nghiệp và hiệu quả, với hàng loạt công việc từ những lĩnh vực khác nhau, chủ doanh nghiệp khó có thể tự thực hiện với tính chuyên nghiệp cao. Ngược lại, các nhà tư vấn, các công ty tư vấn lại chuyên sâu về từng lĩnh vực và xử lý ở những trường hợp khác nhau. Do đó, với cùng một nhiệm vụ được đặt ra, nhà tư vấn sẽ xử lý nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và do đó, sẽ đảm bảo hiệu quả cao hơn.
Những lý do nêu trên là cơ bản và quan trọng nhất để khẳng định rằng, tư vấn đã, đang và sẽ luôn luôn là nhân tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp. Kinh tế thị trường càng phát triển, vai trò của tư vấn đối với hoạt động kinh doanh lại càng cao hơn. Chính vì vậy, ở các nước phát triển, tùy theo quy mô của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thường có từ một đến nhiều nhà tư vấn bên cạnh mình để đáp ứng những đòi hỏi khác nhau. Đó là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động tư vấn, cũng cần nhắc lại rằng, nhà tư vấn không được phép quyết định thay cho chủ doanh nghiệp. Vì vậy, hiệu quả của hoạt động tư vấn vẫn phụ thuộc rất lớn vào quyết định cuối cùng của chủ doanh nghiệp. Cho nên, năng lực quản lý, trình độ nhận thức về kinh tế – xã hội của chủ doanh nghiệp vẫn là điều kiện quan trọng nhất.
HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN Ở VIỆT NAM – NHỮNG THÁCH THỨC LỚN
Mặc dù về mặt lý thuyết, ai cũng thừa nhận tư vấn là nhân tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh. Song, ở nước ta, hoạt động tư vấn đã và đang đứng trước những thách thức lớn.
Trước hết, là nền kinh tế kém phát triển, kinh tế thị trường phát triển chưa đầy đủ, phần lớn các doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, do đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tư vấn chưa cao. Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta đều là doanh nghiệp gia đình, mang nặng dấu ấn của "nền văn minh lúa nước", do đó, thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn và phải trả tiền cho dịch vụ đó chưa thực sự hình thành. Vì vậy, chưa có một "thị trường tư vấn" theo nghĩa đầy đủ, khoa học của khái niệm này.
Tham nhũng và việc "bảo kê" cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư của những nhóm quyền lực là "kẻ thù" trực tiếp, vô cùng nguy hiểm đối với dịch vụ tư vấn. Bởi lẽ, tư vấn là hoạt động hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo sự minh bạch, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và từ đó, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh ngày càng cao. Song, tham nhũng và tình trạng "bảo kê" cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư của những nhóm quyền lực lại nhằm mục đích ngược lại. Đó là những hành vi kinh doanh trái pháp luật và thiếu minh bạch một cách nghiêm trọng để tạo kẽ hở cho những cuộc ăn chia. Chính vì vậy, khi tham nhũng chưa bị tiêu diệt, khi tình trạng "bảo kê" chưa bị phá vỡ thì hoạt động tư vấn còn rất khó xác lập được vị trí của mình trên thương trường.
Không chỉ các doanh nghiệp mà không ít quan chức, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng cho rằng, tư vấn là "tay không bắt giặc", là "ngồi mát, ăn bát vàng". Đó là quan niệm hết sức sai lầm. Nhưng từ quan niệm sai lầm đó, không có một chính sách ưu đãi nào đối với các doanh nghiệp tư vấn. Chẳng hạn, trong các giải pháp kích cầu hiện nay, doanh nghiệp tư vấn đã bị loại ra khỏi đối tượng của tất cả các chính sách ưu đãi cụ thể.
Là lực lượng "sinh sau, đẻ muộn", các doanh nghiệp tư vấn ở nước ta hiện nay đều là doanh nghiệp "siêu nhỏ", vốn tự có rất ít, do đó năng lực tài chính cũng rất yếu. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tư vấn. Vì vậy, không ít trường hợp chất lượng tư vấn chưa cao. Nghiêm trọng hơn, đã có một vài doanh nghiệp tư vấn tham gia vào việc "chạy" và thực hiện những dịch vụ trái pháp luật. Những nhân tố trên, trong một chừng mực nhất định, đã ảnh hưởng lớn tới uy tín của các doanh nghiệp tư vấn hiện nay.
THAY LỜI KẾT
Tư vấn có vai trò quan trọng và ngày càng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp tư vấn độc lập ở nước ta đã hình thành, còn nhỏ bé và đang đứng trước những thách thức lớn. Song, sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế… là những bước đi không thể đảo ngược; sự minh bạch trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội sẽ phải được tôn trọng. Vì vậy, chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ quan tâm nhiều hơn và sử dụng các dịch vụ tư vấn nhiều hơn. Khi đó, thị trường dịch vụ tư vấn sẽ sôi động hơn. Các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn hiện nay đang rất khó khăn. Song, không thể vì những khó khăn trước mắt mà "buông tay lái", rút khỏi thương trường. Hãy chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để hoạt động vững vàng hơn trong một giai đoạn mới.
SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 70, THÁNG 4 NĂM 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét