Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013
Bí quyết thanh lọc ngân hàng “độc hại” của Mỹ
17:21
Hoàng Phong Nhã
No comments
Không nhiều người biết rằng đã có tới
445 ngân hàng yếu kém ở Mỹ phải đóng cửa từ năm 2008 đến nay. Điều này
có nghĩa là trung bình có 2 ngân hàng bị đóng cửa trong 1 tuần.
Cách đây 2 tuần, các lãnh đạo eurozone
đã thông báo kế hoạch xây dựng liên minh ngân hàng. Thông tin này ngay
lập tức khiến thị trường chứng khoán tăng điểm trong chốc lát với hy
vọng các chính trị gia eurozone cuối cùng cũng có được động thái rõ ràng
nhằm dọn sạch hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, tương lai của liên minh
ngân hàng vẫn còn khá mờ mịt. Cơ chế bảo hiểm tiền gửi chung và giám sát
chung là những điều cần thiết căn bản nhưng các nhà hoạch định chính
sách của châu Âu vẫn còn hoài nghi về nhau và chưa thống nhất được ý
tưởng. Có lẽ cơ chế hoạt động của FDIC – Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi
liên bang Mỹ- và cách mà FDIC cứu giúp hệ thống ngân hàng Mỹ khỏi cú
sốc năm 2008 sẽ là bài học hữu ích cho eurozone.
Trong nhiều năm qua, FDIC đã giải
quyết ổn thỏa rất nhiều ngân hàng yếu kém. Nếu một ngân hàng được phát
hiện yếu kém, “đội đặc nhiệm” của FDIC sẽ ngay lập tức tiếp cận với ngân
hàng đó. Lực lượng này thường đổ bộ vào ngân hàng vào tối thứ 6, giành
lấy quyền kiểm soát, trấn an nhân viên và người gửi tiền trước khi đóng
cửa hoặc rao bán ngân hàng này.
Hành động của FDIC diễn ra trong im
lặng và không hề làm xáo trộn mọi thứ. Trên thực tế, không nhiều người
biết rằng đã có tới 445 ngân hàng yếu kém ở Mỹ phải đóng cửa từ năm 2008
đến nay. Điều này có nghĩa là trung bình có 2 ngân hàng bị đóng cửa
trong 1 tuần. Hầu hết trong số này là những ngân hàng nhỏ, nhưng trong
đó có cả những “đại gia” như Washington Mutual, ngân hàng tiết kiệm và
cho vay lớn nhất Mỹ.
Một trong những giá trị của FDIC là
tạo ra được một lịch trình “trước sau như một” trong việc phát hiện và
xử lý những ngân hàng đang gặp rắc rối. Hơn nữa, hệ thống của FDIC được
vận hành trơn tru là nhờ vào tính minh bạch của cuộc chơi. Khi đã đánh
giá một ngân hàng thiếu khả năng thanh toán, FDIC có thể ngay lập tức
thâu tóm mọi hoạt động, gạt bỏ cổ đông sang một bên và cuối cùng bán
hoặc thanh lý ngân hàng đó.
Điều quan trọng thứ hai, một tổ chức
như FDIC cần phải tạo dựng được một thương hiệu mạnh trong con mắt công
chúng. Điều này có được nhờ vào cơ chế hoạt động đơn giản và dễ hiểu.
Người Mỹ không hiểu được cặn kẽ về cách thức hoạt động của FDIC nhưng
lại biết rằng cơ quan này sẽ bảo vệ các khoản tiền gửi của họ. Thông
điệp mà FDIC truyền tải là rất rõ ràng, dễ hiểu – đặc điểm quan trọng để
có thể kiềm chế bất an lây lan trong dân chúng.
Thứ ba, những giám sát viên “cầm cân
nảy mực” của FDIC đến từ nhiều địa phương khác nhau và do đó không thể
cấu kết hoặc bị chi phối bởi lợi ích cá nhân. FDIC cũng có được nền tảng
tài chính vững chắc nhờ điều này. Từ năm 2008, FDIC đã bỏ ra 88 tỷ USD
để bảo vệ người gửi tiền và theo dự kiến số tiền bỏ ra trong 4 năm tới
sẽ tăng thêm 12 tỷ USD nữa.
Thứ tư, kinh nghiệm cho thấy FDIC
không phải là một tổ chức thâu tóm hết mọi quyền hành. Ngược lại, FDIC
đã hợp tác với các cơ quan chức năng khác trong quá trình giám sát các
ngân hàng. Các ngân hàng thường than phiền rằng điều này là không cần
thiết và lãng phí. Tuy nhiên, đây là cách làm tạo ra nhiều lợi ích bởi
hợp tác giúp tăng cường giám sát và tính công bằng.
Mặc dù vậy, không phải tất cả các bài
học rút ra từ FDIC đều có thể được áp dụng cho eurozone. FDIC chỉ giải
quyết những ngân hàng nội địa và luật lệ của châu Âu cũng khác biệt so
với Mỹ. Quan trọng nhất, các chính trị gia nước Đức dường như không tin
rằng cơ chế bảo hiểm tiền gửi chung sẽ là một ý tưởng tốt.
Tuy nhiên, bài học quan trọng và hữu
ích nhất vẫn là thông điệp giản đơn và hướng đến lòng tin của FDIC. FDIC
hoạt động được là do công ty này luôn hành động theo những gì đã tuyên
bố : “giết chết” những ngân hàng yếu và bảo vệ người gửi tiền. Nếu như
eurozone có thể xây dựng được cơ chế tương tự, nền tài chính của khu vực
này sẽ được cải thiện đáng kể cho dù eurozone đi theo cấu trúc chính
trị nào đi chăng nữa. Nói cách khác, nếu như eurozone có thể xóa bỏ tổng
cộng 450 ngân hàng yếu ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp mà không làm người
dân hoảng loạn, eurozone sẽ có được tương lai tươi sáng hơn.
Thu Hương
Theo TTVN/FT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét