Hà Dương
Tường
1. Từ Tuyên bố Sorbonne
tới Tuyên bố Bologna, một bước ngoặt của đại học châu Âu
Nền đại học hiện đại khắp
thế giới bắt nguồn từ châu Âu và được nuôi dưỡng bởi tinh thần đại học châu Âu,
từ cả ngàn năm nay. Nhưng châu Âu có đến hơn 40 nước, và mỗi nước lại tổ chức
đại học khá khác nhau. Và dù rằng các nền đại học khác nhau đó ngày càng có
nhiều điểm tương đồng về triết lý giáo dục, về nội dung và trình độ các môn được
giảng dạy (rõ nhất là trong khoa học tự nhiên hay kỹ thuật, nhưng cả trong khoa
học xã hội và nhân văn dù ở đây có nhiều đặc thù mang tính địa phương, dân tộc
hơn), sự khác biệt về bằng cấp là một cản trở lớn cho việc trao đổi sinh viên
giữa các nước.
“Ngày nay, còn quá nhiều
sinh viên các nước chúng ta lấy được bằng cấp mà chưa hề được hưởng một thời
gian học tập ngoài biên giới nước mình”.
Trong bản Tuyên bố chung
ngày 25.5.1998 tại đại học Pháp Sorbonne (Paris), nhân buổi lễ kỷ niệm 800 năm
ngày thành lập đại học này, bốn vị bộ trưởng hữu quan của bốn nước “nặng ký”
nhất châu Âu, Pháp, Ý, Anh, Đức (1) đã nhấn mạnh tình trạng không
bình thường ấy, vừa trái với trào lưu hợp nhất về kinh tế, xã hội, văn hoá của
châu Âu hiện nay, vừa đi ngược lại một truyền thống tốt đẹp của đại học từ thời
Trung cổ: “Ngày xưa, sinh viên và giáo sư tự do đi lại và nhanh chóng phổ
biến kiến thức của mình trên toàn lục địa”.
Các nhà giáo tham gia nghiên
cứu khoa học vẫn có nhiều cơ hội để đi lại, tiếp xúc vớiđồng nghiệp trên thế
giới, qua các hội nghị quốc tế hay một lời mời thỉnh giảng. Vấn đề đặt ra là đối
với sinh viên.
Hiển nhiên, bản thân giới
đại học không phải không cảm nhận từ nhiều năm nay áp lực của hội nhập trong
khối Liên hiệp châu Âu (EU), khi mà các biên giới đã dần dần bị bãi bỏ, khi
những cơ hội việc làm dành cho thanh niên Pháp, Ý, Anh... ở Anh, Đức, Bồ Đào Nha
hay Hy Lạp (và ngược lại), ngày càng nhiều. Những giao lưu văn hoá chưa bao giờ
mở rộng như ngày nay. Nhiều chương trình trao đổi sinh viên song phương hay đa
phương đã hình thành. Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đã vào cuộc với những trợ cấp cho
các đại học muốn thiết lập hay mở rộng những mối quan hệ với một đại học bạn ở
một nước khác, những học bổng cho sinh viên muốn học thêm ở một nước ngoài, như
học bổng Eramus. Một thoả ước về sự công nhận các mức đào tạo đại học
(qualifications universitaires) đã được ký kết năm 1997 tại Lisbonne, trong đó
một số điều kiện cơ bản được đề ra, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy mạnh hơn trào
lưu du học này.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh với
các nước ngoài châu Âu, không chỉ là Mỹ, Nhật mà cả với những nước châu Á, Mỹ La
Tinh, mà nền kinh tế đang phát triển rất mạnh, đòi hỏi các nhà chính trị quan
tâm hơn tới việc xây dựng một nền đại học châu Âu “hợp nhất”, hay ít ra, có
“thương hiệu” chung, đủ sức hấp dẫn sinh viên từ các nước khác (một đầu tư cần
thiết và có hiệu quả cho việc mở rộng những bang giao kinh tế sau này!).
Bản tuyên bố Sorbonne, sau
khi thừa nhận sự chủ động của các đại học, nhấn mạnh tới yêu cầu chính trị này,
khi khẳng định:
“Tuy nhiên, các chính phủ
tiếp tục có một vai trò không nhỏ trong cuộc chơi này, bằng cách khuyến khích
mọi phương tiện giúp cho việc xác nhận giá trị của các kiến thức đạt được và để
bằng cấp của các nước được thừa nhận rộng rãi hơn.”.
Từ đó, các bộ trưởng “cam
kết khuyến khích sự ra đời của một khung quy chiếu chung, nhằm cải tiến tính
đồng nhất của bằng cấp, nhằm tạo dễ dàng cho sự chuyển dịch của sinh viên cũng
như cho việc sử dụng họ”, và kêu gọi các nước khác ở châu Âu, trong và ngoài
Liên hiệp châu Âu (EU) chia sẻ mục tiêu này, kêu gọi các đại học châu Âu “cải
tiến và thường xuyên cập nhật hoá giáo dục của mình nhằm củng cố vị trí của châu
Âu trên thế giới”.
Đáp lời kêu gọi này, một hội
nghị các bộ trưởng phụ trách giáo dục đại học của 29 nước trong và ngoài Liên
hiệp châu Âu được tổ chức ở Bologna (Ý) ngày 19.6.1999. Tuyên bố Bologna
là bản thỏa thuận được ký kết sau hội nghị. Các nước ký tên dưới bản Tuyên bố
cam kết sẽ thúc đẩy những cải tổ cần thiết trong hệ thống giáo dục đại học của
mình, trong thời hạn tối đa là đến năm 2010, nhằm đạt được sự tương
thích trong các hệ thống đại học quốc gia, để chuẩn hóa bằng cấp giữa các đại
học song vẫn tôn trọng quyền tự chủ của các đại học, sự đa dạng văn hóa và ngôn
ngữ cũng như những đặc thù của các hệ thống giáo dục của mỗi nước.
Cụ thể, những cải tổ sau đây
được ghi trong Tuyên bố (tác giả bài viết đánh số):
S1/ Thông qua một hệ thống bằng cấp dễ nhận ra và so sánh được với nhau;
S2/ Thông qua một hệ thống dựa cơ bản trên hai cấp học, dựa theo các đại học Anh
– Mỹ là “undergraduate” và “graduate”, với bằng tốt nghiệp là bachelor (có thể
coi như “cử nhân” trong hệ bằng đại học Việt Nam) và master (thạc sĩ);
S3/ Thiết lập một hệ thống tín chỉ chung, như hệ thống ECTS (European Credit
Transfert System, xem dưới đây);
S4/ Thúc đẩy sự chuyển dịch bằng cách vượt qua
những trở ngại thực tế đối với sinh viên cũng như đối với giáo chức, và những
người làm nghiên cứu hoặc hành chính ở đại học;
S5/ Thúc đẩy sự cộng tác châu Âu về việc bảo đảm chất lượng;
S6/ Thúc đẩy các chiều kích châu Âu trong giáo dục đại học (trong nội dung
chương trình học cũng như trong sự cộng tác giữa các cơ sở đào tạo và nghiên
cứu).
Hệ thống văn bằng với hai
cấp học (đáp ứng hai yêu cầu S1 và S2) đã mau chóng đạt sự nhất trí: cấp “cử
nhân” (tiếng Anh: Bachelor; tiếng Pháp: Licence: 3 năm học từ lúc vào đại học)
và “thạc sĩ” (Master: 5 năm học). Hệ thống hai cấp học này cũng được gọi tắt là
hệ BAMA (theo các chữ đầu của tên tiếng Anh của hai văn bằng). Những sinh viên
đi tiếp ở đại học trong lĩnh vực nghiên cứu sẽ lấy bằng tiến sĩ trong 3 năm nữa,
tổng cộng là 8 năm “dùi mài kinh sử”. Toàn bộ hệ thống đào tạo như vậy được gọi
tắt là hệ 3-5-8 (theo tiếng Pháp là LMD - Licence, Master, Doctorat). Hệ thống
này đang được lan rộng khắp châu Âu, ở hầu hết các ngành học (ngoại lệ chính là
ngành y mà nhiều nước vẫn có chính sách bảo hộ, không cho người nước ngoài hành
nghề bác sĩ...).
Cần nhấn mạnh là chương
trình cải tổ này không nhằm tiến tới một sự đồng nhất trong nội dung cũng
như phương thức đào tạo của các đại học châu Âu. Mỗi nước, mỗi trường đại học
vẫn giữ những đặc điểm của mình. Tuy nhiên, nó khuyến khích các trường mở ra
những loại hình đào tạo tương đương, để tạo điều kiện cho sự chuyển dịch sinh
viên, giáo sư. Đó là các loại hình đào tạo ứng với hai cấp học “cử nhân” và
“thạc sĩ”, dần dần tiến tới việc bãi bỏ các bằng cấp tương ứng với 1, 2 hoặc 4
hay 6 năm học. Còn việc tổ chức các giáo trình kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay một
năm thì chương trình Bologna không yêu cầu các nước thống nhất. Mỗi giáo trình,
dù tổ chức ra sao, sẽ được chuyển đổi định lượng qua hệ thống tín chỉ ECTS, và
bằng cấp sẽ được quy định theo đó (xem chi tiết dưới đây).
Tuyên bố Bologna được Liên
hiệp các Hội nghị hiệu trưởng đại học của EU (Confederation of EU Rectors’
Conferences) và Hội các đại học châu Âu (European University Association - EUA)(2)
đánh giá, trong một tài liệu chung của hai tổ chức này đề ngày 29.2.2000, là một
bước ngoặt trong sự phát triển của giáo dục đại học châu Âu.
Đây là một đánh giá hoàn
toàn chuẩn xác, vì Tuyên bố đã thực sự được hưởng ứng mau chóng, trong và ngoài
EU.
Một mặt, trong các nước ký
tên, cuộc thảo luận chung quanh đề tài “giáo dục đại học châu Âu” chưa bao giờ
lan rộng trong xã hội như ở những năm sau Bologna. Các nước lần lượt thông qua
những luật sửa đổi luật giáo dục của mình để cải tổ cơ cấu đại học hội tụ theo
hướng Bologna đề ra.
Mặt khác, nhiều nước không
có mặt tại Bologna xin gia nhập. Theo thống kê của hội nghị Bergen, Na Uy (19-20
tháng 5.2005), tổng số nước ký tên là 40 nước, trong khi Liên hiệp châu Âu mới
chỉ có 25 thành viên. Tới hội nghị London (17-18.5.2007), số thành viên đã lên
tới 45, kể cả Liên bang Nga, Georgia ... và bản đồ Không gian đại học Châu Âu
(European Higher Education Area, viết tắt: EHEA) coi như trùng với bản đồ địa lý
châu Âu!
Các hội nghị bộ trưởng giáo
dục châu Âu sau Bologna: Praha (2001), Berlin (2003), Bergen (2005), London
(2007) tổ chức theo dõi các bước cải tổ ở các nước và đề ra những biện pháp thúc
đẩy chúng. Phần 3/ của bài này sẽ trình bày một số vấn đề trong quá trình thiết
lập các cải tổ này, chủ yếu dựa theo báo cáo “Trends V” trình bày trước Hội nghị
London của một nhóm các nhà nghiên cứu về giáo dục thuộc nhiều quốc gia chuẩn bị
theo yêu cầu của EUA, và do các tác giả David Crosier, Lewis Purser, Hanne Smidt
chấp bút. Trước đó, vì tầm quan trọng riêng của nó, cũng như để người đọc dễ
theo dõi, phần 2/ sẽ trình bày chi tiết ý nghĩa của hệ thống tín chỉ ECTS.
2. Hệ thống tín chỉ ECTS:
một chuẩn mực liên thông dựa trên khối giờ học tập
Việc chọn một đơn vị tín chỉ
chung để đánh giá khối lượng các giáo trình được dạy ở các trường là nhằm mục
tiêu chuẩn hóa bằng cấp đại học, một trong những mục tiêu chính đề ra trong
Tuyên bố Bologna.
Hệ thống ECTS (European
Credit Transfert System) đã được EU thiết lập vào năm 1989, trong chương trình
ERAMUS nhằm tạo điều kiện cho sinh viên các nước trong khối dễ dàng chuyển dịch,
đi học một thời gian (thường là 6 tháng, một năm) tại một nước ngoài. Khi đó,
chỉ có những trường hoặc những khoa trong một trường tham gia ERAMUS mới đặt ra
vấn đề đánh giá định lượng bằng cấp hay một phần của bằng cấp của mình bằng một
con số tương đương ECTS, được ERAMUS thừa nhận, dù các chương trình giảng
dạy không được tổ chức theo tín chỉ. Các cơ sở không tham gia ERAMUS có khi đã
tổ chức giảng dạy theo tín chỉ, nhưng không đặt vấn đề tương đương, hoặc vẫn tổ
chức giảng dạy theo “niên chế”.
Trong quá trình thực hiện
cải tổ Bologna, một số nước đã tổ chức giảng dạy theo hệ thống tín chỉ của mình
cũng chuyển dần sang hệ thống ECTS. Một số nước khác chuyển từ niên chế sang chế
độ tín chỉ, chọn thẳng ECTS thay vì một hệ thống khác với các tương đương ECTS(3)
, dù ECTS chỉ được Tuyên bố Bologna nêu lên như một gợi ý về một hệ thống
tín chỉ. Nhiều nước đã đưa hẳn hệ thống này vào luật giáo dục, áp dụng cho cả
các cơ sở hoặc các ngành đào tạo không có yêu cầu giao lưu với nước ngoài.
Như vậy, ECTS là gì?
Theo định nghĩa chính thức
được đưa ra trên trang web Europa của EU, ECTS là một hệ thống tín chỉ đánh giá
việc học của sinh viên trên cơ sở khối lượng công việc (tiếng Anh:
workload, tiếng Pháp: charge de travail) của mỗi hoạt động học tập (theo học một
giáo trình, một kỳ thực tập ở xí nghiệp hay phòng thí nghiệm, viết một luận
văn…).
Một sinh viên toàn phần được
tính là dành cho hoạt động học tập của mình khoảng từ 1500 đến 1800 giờ một năm
học, kể cả giờ nghe giảng, giờ làm bài tập có hướng dẫn, giờ thực tập trong
phòng thí nghiệm ở các môn khoa học thực nghiệm, và giờ học riêng ở nhà(4)
.
Và giá trị chung của một tín
chỉ ECTS được ấn định theo chuẩn mực là sinh viên đó sẽ đạt được trong một năm
học khoảng 60 tín chỉ. Như vậy, tính trung bình, mỗi ECTS đòi hỏi từ 25 đến 30
giờ làm việc. Bằng cử nhân sẽ được cấp cho sinh viên đạt 180 ECTS và bằng thạc
sĩ tương ứng với 300 ECTS.
Mỗi hoạt động học tập sẽ
được nhà trường định sẵn bằng một bội số của ECTS. Ví dụ, giáo trình A bằng 4
ECTS, thời kỳ thực tập B bằng 3 ECTS v.v. (EU chính thức khuyến cáo các trường
không dùng những số lẻ ECTS, nhưng chấp nhận số rưỡi). Ta có thể hình dung một
giáo trình kéo dài một học kỳ nửa năm, khoảng 16 tuần học (không kể những tuần
nghỉ lễ và không tính kỳ thi), mỗi tuần 2 giờ giảng đường và 2 giờ thực tập có
hướng dẫn, 4 giờ sinh viên tự học. Giáo trình này như vậy đòi hỏi 128 giờ làm
việc cho một sinh viên học lực trung bình, và có thể được nhà trường quy định là
bằng 5 ECTS.
Như vậy, ECTS hoàn toàn
chỉ có tính định lượng. Số ECTS cần đạt để được cấp bằng cử nhân hay thạc
sĩ, như trên nói, chỉ có ý nghĩa khi trình độ các trường đại học xấp xỉ ngang
nhau. Điều này khó lòng được quy định chi tiết hơn song không phải hoàn toàn vô
lý trong tình hình đại học châu Âu. Dĩ nhiên, có những trường đại học nổi tiếng
hơn các trường khác, nhưng một cử nhân vật lý ở Praha (Tiệp) hay Lyon, Limoges
(Pháp), hay Cambridge, Manchester (Anh) có thể coi như có những kiến thức cơ bản
tương đương với nhau, việc dạy và học nghiêm chỉnh ngang nhau, phòng thí nghiệm
và thư viện được trang bị không hơn kém nhau bao nhiêu – đây là nói phòng thí
nghiệm cho sinh viên chứ không phải phòng nghiên cứu mũi nhọn của một trường nào
- và thầy giáo là những người có học lực cấp tiến sĩ hoặc cao hơn... Mặt khác,
để giúp cho việc chuyển dịch của sinh viên dễ dàng hơn (ít ra là trong phạm vi
châu Âu), chương trình ERAMUS của EU trước kia (nay đổi là chương trình
SOCRATES) đặt ra một tài liệu mang tên Phụ lục bằng cấp (Diploma Supplement,
viết tắt dưới đây là DS). sinh viên có yêu cầu đi nước khác, hay chuyển trường
khác, có thể xin trường mình cấp một DS, trong đó, ngoài các thông tin cá nhân
về sinh viên, sẽ có các thông tin về văn bằng được cấp, nội dung và chương trình
các môn học cũng như kết quả của sinh viên, và thông tin liên quan đến hệ thống
giáo dục đại học của quốc gia cấp bằng. Một DS phải được chứng thực như bằng cấp
chính. Các nước ký vào Tuyên bố Bologna cũng cam kết thông qua một DS theo chuẩn
này để cung cấp cho bất kỳ sinh viên nào muốn có. Cầm tấm bằng và tờ phụ lục
này, một sinh viên ở bất kỳ một đại học châu Âu nào có thể sang một đại học khác
xin học tiếp. Dĩ nhiên, đại học này giữ quyền nhận hay không, và nếu nhận thì
cho tương đương cấp nào, tuỳ theo đánh giá của họ về học lực của sinh viên đó,
trong đó có phần đánh giá về trình độ chung của đại học gốc của người sinh viên.
Ngoài khía cạnh tạo điều
kiện liên thông giữa các trường đại học châu Âu, hệ thống chứng chỉ này còn mở
ra một khả năng mới: sự uyển chuyển trong đào tạo và học tập. Trong đào tạo, các
trường có thể dễ dàng kết hợp các chuyên ngành để mở ra một bằng cấp “mới”,
liên ngành. Chẳng hạn như một bằng cử nhân khoa học với nội dung chính là
“sinh học và tin học” có thể được cấp cho một sinh viên có một số ECTS về sinh
học và một số khác về tin học. Trường không cần mở ra một khoa riêng cho bằng
này, chỉ cần thông báo quy định những tỉ lệ các môn cần học để được cấp bằng có
ghi nội dung này. Tổ chức học theo tín chỉ cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để xây
dựng các bằng cấp dành cho sinh viên nhiều quyền chọn lựa các môn học hơn trước
đây (ví dụ, một bằng cử nhân tin học với khoảng 2/3 các tín chỉ phải đỗ trong
một số môn được trường quy định sẵn, còn lại ai muốn học gì khác – toán, lý hoá
hay văn - thì tuỳ nghi!).
Ngoài ra, việc chuyển đổi
một số kinh nghiệm nghề nghiệp sang một phần của bằng cấp cũng dễ hơn. Ở Pháp,
một nghị định cho phép – và khuyến khích – các trường nhận hồ sơ xin chuyển đổi
này, tạo điều kiện cho những người đã phải rời nhà trường sớm để đi làm có thể
trở lại học thêm lấy bằng đại học mà không phải học lại từ đầu như trước kia.
Các cơ sở đào tạo thường xuyên (formation permanente) trong hay ngoài đại học –
dành cho học viên có hoạt động nghề nghiệp - cũng được khuyến khích xây dựng các
chương trình đào tạo của mình theo hệ thống tín chỉ, và do đó, có thể cấp cho
học viên những chứng chỉ đã theo học và thi đỗ bao nhiêu tín chỉ ECTS, cho phép
họ xin học tiếp ở một cơ sở khác hoặc đi làm với một chứng chỉ học lực dễ so
sánh hơn các loại chứng chỉ trước kia.
3. Quá trình triển khai
các cải tổ Bologna.
Bản báo cáo mang tên “Trends
V: Universities shaping the European Higher Education Area” (dưới đây gọi tắt là
Trends V, đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có một chương riêng về giáo dục
thường xuyên (lifelong learning) và một chương khác về các vấn đề đặc thù của
các nước Nga, Georgia, hay các nước Đông Nam Âu. Trong bài này, chỉ xin giới hạn
trong quá trình triển khai các cải tổ cơ cấu bằng cấp đã và đang diễn ra ở những
nước đã tham gia tiến trình từ trước năm 2005.
3.1.
Về hệ thống BAMA
Theo Trends V, có hơn 900
trường trả lời điều tra của EUA thì 82 % đã thiết lập xong các chương trình đào
tạo theo hệ BAMA, và chỉ có 2% trả lời đã gặp khó khăn trong việc chuyển đổi cơ
cấu đào tạo này, 24% nói rằng hoạt động của hệ mới diễn ra rất tốt và 61% cho
rằng mọi việc diễn ra tương đối tốt (reasonably well). Ở tất cả các nước (với
ngoại lệ đáng kể là các nước thuộc vương quốc Anh (UK)), đa số các trường cho
rằng việc tiến nhanh tới một Không gian đại học châu Âu (European Higher
Education Area – EHEA) là thiết yếu (essential). Với đa số các trường trong UK
thì ý tưởng EHEA là một ý tưởng tốt, nhưng thời điểm chưa chín (time is not yet
ripe). Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng ở nhiều nước hệ thống văn bằng cũ
vẫn tồn tại và làm cho bức tranh chưa thật rõ nét (5).
Những vấn đề nội dung chương
trình cũng đặt ra, đòi hỏi phải quan niệm lại mỗi cấp học. Chẳng hạn cấp cử
nhân, ở những nước trước kia hai năm đầu đại học là những năm “đại cương” rồi
hai năm sau học chuyên ngành, bây giờ phải tính lại quân bình giữa các môn học
đại cương với các môn chuyên ngành sao cho người sinh viên tốt nghiệp cử nhân
được thị trường nhân dụng đón tiếp rộng rãi. Nếu không, và điều này còn đang
diễn ra, đa số cử nhân mới sẽ không đi làm ngay mà tiếp tục học lên thạc sĩ, tạo
thế mất quân bình cho thị trường.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng
có nhiều lý do để lạc quan, chính vì cải tổ đã dấy lên một cao trào chưa từng
thấy ở khắp nơi suy nghĩ lại mục tiêu đào tạo của giáo dục đại học, đặc biệt là
mối quan tâm tới việc làm cho sinh viên ra trường đã dẫn tới những suy nghĩ mới
về chương trình học.
Ở cấp thạc sĩ (ThS) vấn đề
này có vẻ như ít đặt ra (vì đa số các nước trước kia vẫn có cấp bằng cho 5 năm
đại học, dù tên gọi có thể khác?), và các trường tỏ ra có nhiều sáng kiến tạo ra
một toàn cảnh bằng thạc sĩ rất đa dạng, từ các bằng ThS “nghề nghiệp”
(professional master) tới ThS “hàn lâm”, chuẩn bị cho sinh viên đi vào nghiên
cứu và làm tiến sĩ (TS). Sự đa dạng của bằng ThS cũng có thể, theo các tác giả
báo cáo, được cắt nghĩa bằng việc nó mang lại nhiều quyền lợi tinh thần (uy tín)
hơn cho những giảng viên tham gia giảng dạy ở cấp này, đồng thời những bằng ThS
tạo hình ảnh hấp dẫn hơn cho trường trong cuộc cạnh tranh thu hút sinh viên quốc
tế. Tuy nhiên, các tác giả cũng cảnh báo rằng việc xây dựng quá nhiều bằng ThS
có thể hút quá nhiều nguồn lực và trở nên phi kinh tế.
Vì những lý do đặc thù của
hệ đào tạo tiến sĩ, xin dành riêng phần 4/ của bài cho đề tài này.
3.2. Về các công cụ cho
sự chuyển dịch sinh viên
Chú thích
(*) Bài viết lại và bổ
sung nhiều đoạn một bài mang tên “Vài nét về hệ thống tín chỉ đại học châu Âu”,
đã đăng trên website của “xê-mi-na về cải tổ giáo dục” của nhóm giáo sư do giáo
sư Hoàng Tuỵ chủ trì, hơn 2 năm trước. Website này nay đã đóng cửa.
(1)
Theo thứ tự ký trên bản Tuyên bố chung: ông Claude Allègre, bộ trưởng bộ Quốc
gia Giáo dục, Nghên cứu và Công nghệ (Pháp), ông Luigi Berlinguer, bộ trưởng bộ
Giáo dục công cộng, Đại học và Nghiên cứu (Ý), bà Tessa Blackstone, bộ trưởng bộ
Giáo dục Đại học (Anh), và ông Jürgen Ruettgers, bộ trưởng bộ Giáo dục, Khoa
học, Nghiên cứu và Công nghệ (Đức).
(2)
Hội nghị hiệu trưởng đại học (tiếng Anh: Rectors’ Conferences; tiếng Pháp:
Conférence des présidénts d’université) ở nhiều nước châu Âu là tổ chức chính
thức mà thành viên là các hiệu trưởng đương nhiệm của các trường đại học trong
nước, có nhiệm vụ xem xét những vấn đề liên hệ tới các chính sách giáo dục đại
học mà họ là người thực hiện, và đề xuất những kiến nghị về các chính sách này.
EUA là tổ chức đại diện
của các đại học ở 46 nước châu Âu. Các “trường đại học” trong bài viết này là
chỉ chung các trường đào tạo sau tú tài (trung học phổ thông), kể cả các trường
chỉ đào tạo kỹ thuật viên cao cấp, 2 hoặc 3 năm sau tú tài.
(3)
Ở Pháp, một nghị định của bộ trưởng quốc gia giáo dục ngày 8.4.2002 quy định
việc áp dụng cải tổ này vào đại học Pháp, và sau đó là các nghị định ngày
23.4.2002 và 27.4.2002 chính thức ban hành bằng cử nhân (licence) và thạc sĩ
(master). Kế hoạch của bộ quốc gia giáo dục là hoàn thành việc chuyển đổi các hệ
thống đào tạo hiện nay sang hệ thống 3-5-8 vào năm 2006. Tuy nhiều hội đoàn sinh
viên phản đối, cho đến nay cải tổ này đã được đa số các trường thực hiện. Để
trấn an dư luận lo lắng về cuộc cải tổ, các nghị định nói trên cũng nói rõ, các
trường tiếp tục được quyền cấp những bằng cấp của hệ thống cũ (như bằng DEUG -
Diplôme d’Etudes Universitaires Générales, 2 năm học và Maîtrise, 4 năm v.v.).
Mặt khác, nghị định 8.4.2002 cũng buộc các trường tổ chức các giáo trình theo
học kỳ 6 tháng (semestre) chứ không phải nguyên năm như trước.
Ở các trường kỹ sư Pháp,
bằng kỹ sư thường là qua 5 năm đào tạo sẽ được coi như tương đương với bằng thạc
sĩ. Đây là trong trường hợp sinh viên tốt nghiệp kỹ sư muốn đi tiếp để lấy bằng
tiến sĩ, còn nếu họ ra trường đi làm ngoài nghiên cứu thì vấn đề tương đương này
không đặt ra, vì thực tế lương khởi đầu của một kỹ sư Pháp thường cao hơn lương
một người có bằng thạc sĩ ở một trường đại học.
(4)
Việc ước lượng mỗi giờ học ở trường tương ứng với bao nhiêu giờ làm
việc của sinh viên là trách nhiệm của trường (hay khoa, nếu trường có những
khoa mà thực tiễn giảng dạy khác nhau), chứ không phải của giáo sư. Trên cơ sở
đó, khi giáo sư đã quyết định nội dung chương trình cho một giáo trình mình dạy,
và số giờ giảng để thực hiện chương trình ấy, thì số tín chỉ ECTS cũng được xác
định một cách tự động. sinh viên sẽ biết trước là giáo trình này sẽ được tính
bằng bao nhiêu ECTS để tự làm tính chọn số giáo trình mình theo học sao cho đủ
180 ECTS cho ba năm cử nhân, 300 ECTS cho 5 năm thạc sĩ. Điều này cho phép các
trường chọn những phương pháp sư phạm khác nhau, đòi hỏi số giờ có mặt ở lớp của
sinh viên có thể khác nhau, nhưng khi chuyển đổi thành tín chỉ thì hai giáo
trình có cùng một nội dung ở hai trường khác nhau phải được thể hiện bằng cùng
một số tín chỉ ECTS. Nguyên tắc này, khi được các trường thực thi nghiêm chỉnh,
thì sau ba năm học cử nhân toán, chuyên ngành đại số chẳng hạn, sinh viên ở Lyon
(Pháp) hay ở Praha (Tiệp) coi như có trình độ và hiểu biết tương đương với nhau.
Đó chính là nguyên tắc để giúp cho bằng cấp của các đại học châu Âu chuyển đổi
được với nhau, bảo đảm tính liên thông nếu sinh viên muốn có một quãng thời gian
đi học tại một nước khác. Tất nhiên, nó đòi hỏi các trường tính toán một cách
khách quan nhất. Ở Pháp, các trường phải nộp chương trình của các bằng cử nhân,
thạc sĩ để bộ giáo dục thông qua, và thực tế là các chương trình của một chuyên
ngành nào đó ở trường đại học Marseille hay Grenoble cũng tương đương với nhau!
Ở nhiều nước khác cũng có quá trình tương tự, còn giữa các nước khác nhau thì
chưa có một cơ quan kiểm định chương trình chung, Trends V cũng thừa nhận đây là
một vấn đề khó của tiến trình Bologna. Chắc hẳn, trong một thời gian dài, Phụ
lục bằng cấp còn là một phương tiện giúp các trường hiểu hơn về các trường nước
ngoài để đánh giá các chương trình (và từ đó, trị giá của một đơn vị học trình
bằng bao nhiêu ECTS) của trường đối tác.
(5)
Chẳng hạn, ở Pháp, chương trình cử nhân (3 năm) tương ứng với 180 ECTS, nhưng
sinh viên có được 120 ECTS nếu muốn vẫn có thể xin được cấp bằng DEUG là bằng cũ
cho hai năm học, để đi kiếm việc làm.
Các doanh nghiệp vẫn chưa nhất trí về bảng lương cho hệ bằng cấp
mới, làm cho nhiều sinh viên ngại nếu học thêm một năm rồi vẫn chỉ được coi như
tốt nghiệp DEUG thì coi như mất toi năm đó. Ở Tiệp, các chương trình học theo
văn bằng cũ không được mở thêm, nhưng tiếp tục cho tới khi những sinh viên đã
ghi danh học các văn bằng đó học xong. Ở Đức, chính phủ không đề ra một hạn kỳ
để chấm dứt các chương trình cũ, chuyển toàn bộ sang hệ BAMA... Những khác biệt
này chắc phải một thời gian nữa mới khắc phục được.
(6) Ngoài những sinh viên
tham gia các chương trình chuyển dịch sinh viên của EU, mới có khoảng 400 000
sinh viên tức non 2% tổng số sinh viên ở các nước châu Âu đã theo học ít nhất
một năm đại học ở một nước khác nước gốc của mình, phần lớn là để tiếp tục
chương trình đại học mà mình đã bắt đầu ở trong nước (chứ không phải đi du học
hoàn toàn từ sau tú tài). Các nước đón nhận nhiều sinh viên nhất – so với tổng
số sinh viên của mình, chứ không phải số tuyệt đối- từ một nước châu Âu khác là
Bỉ (nơi có các cơ quan EU đóng), Anh, Đức (truyền thống) và Áo. Ngược lại tỉ số
sinh viên đi du học thấp nhất là Anh (0,6%), Tây Ban Nha và Ba Lan (1,2%). Xem
chi tiết trong báo cáo “Chiffres clés de l’enseignement supérieur en Europe”,
edition 2007, của Eurydice. Eurydice là Cơ quan thông tin về giáo dục của EU. Số
sinh viên chuyển dịch nhiều nhất là sinh viên tiến sĩ.
(7) Focus sur les
structures de l’enseignement supérieur en Europe, Evolutions nationales dans le
cadre du procassus de Bologne. Edition 2006/2007.
(8) Một số nước có nhiều
cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, hoặc là do mỗi cơ quan được giao nhiệm
vụ trong một vùng địa lý (các Länder ở Đức), hoặc theo loại hình trường đại học
(Pháp)...
(9) Tuy nhiên, báo cáo
tiến sĩ chỉ nói “trong vài nước” việc thi một bằng ngoại ngữ đối với ứng viên
nghiên cứu sinh là bắt buộc. Ở phần đông các nước châu Âu, tình hình sinh viên
tốt nghiệp ĐH sử dụng được tiếng Anh, ít nhất là đọc được tiếng Anh chuyên
ngành, là phổ biến nên không đặt thành vấn đề nữa chăng? Tiếng Anh được coi gần
như là bắt buộc ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên hay kỹ thuật, nhưng ở những
chuyên ngành nhân văn như văn chương Pháp, mỹ thuật Ý..., đâu phải tiếng Anh là
chính.
(10) Ở Pháp, các trường
chỉ được phép tuyển một nghiên cứu sinh khi có một nguồn tài trợ cho ít nhất là
ba năm (có thể là học bổng của nhà nước, chính quyền địa phương, hay lương của
một doanh nghiệp...). Nghiên cứu sinh là du học sinh đến từ nước ngoài có thể
được học bổng như một nghiên cứu sinh Pháp, hoặc học bổng của một tổ chức của
nước họ.
(11) Nhiều đại học Anh có
chương trình hỗ trợ cho những thầy lần đầu tiên làm hướng dẫn nghiên cứu, dưới
hình thức tài liệu hoặc giáo trình (có kiểm tra). Ở Pháp, người thầy phải bảo vệ
thành công chứng chỉ “Quyền được hướng dẫn nghiên cứu” (Habilitation à diriger
la recherche, viết tắt là HDR) trước khi được đăng ký chính thức hướng dẫn một
nghiên cứu sinh. Trước đó, người (giảng viên trẻ) có bằng tiến sĩ, có thể đăng
ký làm người hướng dẫn phụ cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ, hoặc làm người hướng
dẫn luận văn cho một thạc sĩ. Các công việc này bắt buộc phải khai trong hồ sơ
làm HDR, tuy phần chính của hồ sơ vẫn là quá trình và kết quả nghiên cứu của
người bảo vệ. Trung bình, người bảo vệ HDR có hơn 5 năm nghiên cứu độc lập sau
khi trình luận án tiến sĩ, với nhiều kết quả được công nhận (bài đăng trên tạp
chí khoa học quốc tế có phản biện, và/hoặc bằng sáng chế...). Chứng chỉ này cũng
là bước bắt buộc để được ứng cử vào chức giáo sư của đại học Pháp (nếu ứng cử
viên là nhà khoa học nước ngoài, họ có thể nộp hồ sơ khoa học chứng minh mình có
trình độ ít nhất ngang với những người có HDR của Pháp).
(12) Ở Pháp, những người
viết phản biện có từ một tới hai tháng để đọc luận án, và phải là những giáo sư
hay chuyên gia được thừa nhận có trình độ tương đương, không thuộc đại học nơi
luận án được bảo vệ.
(13) Một khía cạnh hoàn
toàn không được đề cập trong bài viết này là khía cạnh tài chính, học phí. Lý do
đơn giản là vì các nước có những thực tiễn rất khác nhau trong lĩnh vực này và
hoàn toàn không có yêu cầu tiến tới một “khung học phí” thống nhất.
(14) Ví dụ, “Báo cáo về
những khuynh hướng và phát triển đại học” của UNESCO-CEPES (Centre Européen pour
l’Enseignement Supérieur) năm 2003 ghi nhận:
“Những thay đổi đang diễn
ra, với tiềm năng làm cho châu Âu trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn về học tập
và nghiên cứu, cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều chính phủ và đại học ở
nhiều vùng trên thế giới. Các nước Mỹ Latinh đặc biệt quan tâm (tới tiến trình
này). Ý tưởng một Không gian đại học châu Âu đã được các chính phủ và các đại
học Mỹ Latinh chú tâm theo dõi ngay từ đầu. Hiện nay, họ đang nỗ lực cùng các
đối tác châu Âu xây dựng một không gian “châu Âu – Mỹ La tinh” về hợp tác trong
giáo dục đại học”.
© Thời Đại Mới
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét