Hồ Tú Bảo
1. Về nghiên cứu khoa học và công nghệ
Có rất nhiều câu hỏi về chuyện nghiên cứu ở Việt
Nam, chẳng hạn như: Thực trạng khoa học Việt Nam hiện nay thế nào? Tại sao ta
như có quá nhiều người làm nghiên cứu nhưng kết quả có giá trị cao còn ít? Ta
cần nghiên cứu khoa học hay cần cả nghiên cứu công nghệ? Ở một nước còn nghèo và
chưa phát triển, nghiên cứu khoa học và công nghệ cần được đầu tư và đi theo
đường nào? Những nội dung nào của nghiên cứu cần được ưu tiên? Lực lượng nghiên
cứu của ta hiện nay thực chất mạnh yếu ra sao? Cách nào để nuôi dưỡng và xây
dựng lực lượng này? ...
Theo nghĩa hẹp, nói nôm na học (study) là
việc từng cá thể hoặc tập thể chuyển tải các tri thức
con người đã biết thành tri thức của riêng mình, còn nghiên cứu
(research) là việc các cá nhân hoặc tập thể tìm và tạo ra các tri thức mới và có
ý nghĩa. Các nghiên cứu thường được phân loại theo nghiên cứu cơ bản (basic
research, pure research, fundamental research) hoặc nghiên cứu ứng dụng (applied
research).
Nghiên cứu cơ bản
nhằm tìm ra những tri thức khoa học làm nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng hay
nghiên cứu cơ bản khác, như việc chứng minh ức đoán Poincaré trong toán học,
việc tìm các genes gây ra bệnh tật, hay việc xác định mô hình thống kê của tiếng
Việt. Nghiên cứu cơ bản thường được bắt nguồn bởi tính tò mò khoa học, bởi ham
thích khám phá, và thường không cần phải ràng buộc bởi bất kỳ ứng dụng cụ thể
nào. Yêu cầu chính của nghiên cứu cơ bản là các tri thức tìm được phải mới và có
ý nghĩa, và các kết quả nghiên cứu cơ bản chỉ có giá trị nếu đóng góp được vào
kho tàng tri thức loài người và do vậy, tiêu chí quan trọng nhất của nghiên cứu
cơ bản là công bố quốc tế, tức kết quả nghiên cứu phải được kiểm định và công bố
ở các tạp chí quốc tế (và các hội nghị quốc tế trong một số ngành khoa học như
sẽ bàn ở phần phụ lục).
Nghiên cứu ứng dụng
nhằm tìm ra các tri thức khoa học để giải quyết các vấn đề đặt ra từ nhu cầu
thực tế, như việc tìm cách làm được các tấm vật liệu lợp nhà chống nóng với giá
rẻ, việc tìm cách tạo ra nước ngọt ở những vùng nước mặn, hay việc
tìm cách làm ra các chương trình máy tính dịch tự
động tiếng Anh sang tiếng Việt. Do tri thức để giải quyết các vấn đề thực
tế không luôn được công bố như các tri thức khoa học cơ bản, và rất nhiều bài
toán thực tế liên quan đến các đặc tính tự nhiên, địa lý, xã hội của những xứ sở
khác nhau (như xử lý tiếng Việt bằng máy tính liên quan đến tiếng Việt), tính
mới mẻ của nghiên cứu ứng dụng nhiều khi có thể là tương đối, tức chừng mực nào
đó có thể không hoàn toàn mới trong kho tàng tri thức của nhân loại nhưng là mới
với một cộng đồng, một đất nước (như tìm ra cách dịch tự động bằng máy tính các
văn bản từ tiếng Anh sang tiếng Việt). Do vậy, đôi khi tính cần thiết hay cấp
thiết của các nghiên cứu ứng dụng còn có thể được nhấn mạnh hơn cả tính mới mẻ
của chúng(3).
Rất nhiều nghiên cứu vừa có tính chất cơ bản vừa
có tính chất ứng dụng. Ngoài ra, rất cần phân biệt sự khác nhau giữa nghiên cứu
ứng dụng và ứng dụng (application).
Ứng dụng không nhằm vào việc tìm ra tri
thức mới, mà vào việc dùng các tri thức đã biết để làm những việc cụ thể,
thí dụ như việc dùng một mô hình và phương pháp đã biết để làm một chương trình
máy tính quản lý bệnh nhân ở một bệnh viện. Có thể vì ranh giới không rõ ràng
hoặc quan niệm chưa rõ, nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng thường bị lẫn lộn trong
thực tế. Rất nhiều đề tài nghiên cứu trong các luận án tiến sĩ ở ta, thay vì
phải làm một nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu ứng dụng để tìm ra tri thức mới,
lại chủ yếu thực hiện một ứng dụng. Ở
nhiều cơ quan nghiên cứu của ta, thay vì được
giao nhiệm vụ và cấp kinh phí để làm nghiên cứu ứng dụng nhằm tìm ra
cách thực hiện các việc quan trọng (của bộ, của ngành hay đất nước), nhiều
nhóm nghiên cứu lại chủ yếu đi làm các ứng dụng, là việc của các doanh nghiệp.
Nếu hỏi ngẫu nhiên một số người ở các cơ quan
nghiên cứu rằng công nghệ là gì và công nghệ khác với khoa học thế nào, có thể
không ít người sẽ lúng túng. Dường như chúng ta đã ít lưu ý phân biệt hai khái
niệm khoa học (science) và công nghệ (technology),
và thường gộp chúng thành một cụm từ bao gồm tất tật mọi thứ. Trước những năm
1990 chúng ta nói “khoa học và kỹ thuật” (như Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà
nước), từ những năm 1990 chúng ta thay bằng “khoa học và công nghệ” (như Bộ Khoa
học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Điều gì khiến tên của
các cơ quan này thay đổi? Tên thay đổi nhưng nội dung có đổi theo? Có phải từ
“công nghệ” được dùng khắp nơi theo phong trào? Tôi đã đọc những văn bản hướng
dẫn đăng ký đề tài cấp nhà nước, trong đó các tài liệu chỉ dùng một từ ghép
“khoa học−công nghệ”, và đương nhiên mọi thứ bất kỳ ai muốn làm hay cần làm đều
nằm trong phạm vi của cụm từ này. Nhưng thực ra, chúng ta cần phát triển khoa
học với tỷ lệ bao nhiêu và công nghệ với tỷ lệ bao nhiêu? Tại sao ta chỉ hay nói
“nghiên cứu khoa học” mà không nói “nghiên cứu công nghệ”? Có cần không sự phân
biệt giữa hai loại nghiên cứu này? Nội dung đào tạo các ngành vật lý và tin học
(công nghệ thông tin) ở hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công
nghệ (cùng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) có khác nhau?
Tôi nói về ngành Tin học vì biết rõ hơn nhưng
chừng mực nào đó có thể hình dung ra các ngành khác để thấy phần nào bức tranh
của khoa học Việt Nam. Ở một số ngành có hoạt động tốt hơn như Toán và Vật lý lý
thuyết, lực lượng và kết quả của ta cũng còn khiêm tốn như một số người đã nhận
xét(5).
Theo tôi những điểm yếu trong nghiên cứu khoa học
của chúng ta là:
1. Chúng
ta thiếu môi trường làm khoa học và không nhiều người đang làm nghiên cứu khoa
học. Nguồn lực lớn của nghiên
cứu là đại học thì các đại học của ta đều là đại học giảng dạy (teaching
university). Ngay ở những đại học hàng đầu, hầu hết thầy cô mới làm việc giảng
dạy và ít người theo đuổi nghiên cứu, hoặc khó có thể theo đuổi nghiên cứu để
đạt kết quả cao. Có nhiều lý do. Một là các thầy cô dạy nhiều quá, không còn
thời gian và sức lực làm nghiên cứu. Hai là rất nhiều cán bộ khoa học của chúng
ta mới có quãng thời gian ngắn vài năm làm nghiên cứu khi là nghiên cứu sinh, và
đã ngừng việc nghiên cứu ngay sau khi nhận bằng tiến sĩ. Bây giờ nếu có
điều kiện và trang bị tốt hơn cũng không hẳn sẽ biết làm nghiên cứu gì và làm
thế nào cho tốt vì đã bị gián đoạn và chưa tích lũy đủ kinh nghiệm cần thiết. Ba
là kinh phí cho nghiên cứu của ta ít, không đủ cho nhiều người làm nghiên cứu và
không đủ để làm những việc quan trọng. Bốn là, và hết sức quan trọng, việc quản
lý và chính sách cho khoa học của ta còn nhiều bất cập. Thí dụ như ta lập mười
mấy phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia,
nhưng chưa có những chế độ hỗ trợ nên không nhiều người có thể miệt mài làm việc
bên các máy móc đắt tiền này. Ở các viện nghiên cứu tình hình cũng không khá hơn
bao nhiêu. Một số lớn nhân viên làm các việc không liên quan đến nghiên cứu,
không bị yêu cầu có sản phẩm, và ai có thì cũng không hơn gì. Tôi chưa có dịp
làm thống kê, nhưng tin rằng giả thiết sau là đúng khi quan sát các đại học và
viện nghiên cứu chủ chốt về Tin học: suốt mấy chục năm qua, kết quả làm ở
trong nước được đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín (như có trong
SCI) trung bình mỗi năm không quá một vài bài. Số bài ở những hội nghị quốc tế
có hạng có lẽ cũng vậy.
2. Chúng
ta thiếu những nhà khoa học đầu đàn ở trình độ cao.
Đây là một sự thực cần được nhìn nhận và lưu ý. Tất nhiên ta vẫn có đầu đàn là
những người đứng đầu và nhiều thành tích nhất trong mỗi lĩnh vực. Nhưng nếu xem
“đầu đàn” đích thực là những người am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của mình, đang
thực sự làm nghiên cứu và theo dõi được những tiến bộ chính trong ngành của mình
trên thế giới, có kết quả nghiên cứu công bố ở những nơi có thứ hạng, có khả
năng tổ chức những tập thể nghiên cứu khoa học vươn đến tầm quốc tế, thì ta thực
sự thiếu những người như vậy. Nói tóm lại ta thiếu những nhà khoa học đã được
khẳng và có uy tín quốc tế. Có rất nhiều lý do của chuyện này, trước hết là phần
lớn những nhà khoa học xuất sắc của ta thường không theo đuổi được việc làm khoa
học do không có môi trường khoa học tốt hoặc đã sớm chuyển qua làm quản lý, tức
nói chung có “tuổi thọ khoa học ngắn”. Trong khi đó, người làm khoa học thường
chỉ được khẳng định khi kiên trì làm nghiên cứu hàng chục năm và có kết quả.
Ở các thế hệ
trước có nhiều người gắn bó cả đời miệt mài nghiệp khoa học như thầy Tụy. Dường
như ta đang thiếu những người như vậy ở một hai thế hệ tiếp theo do những biến
động của các nước Đông Âu và những lý do khác. Nếu người đứng đầu một tập thể
khoa học không phải người làm khoa học đích thực và giỏi, sẽ không có nhiều lắm
hy vọng rằng tập thể đó sẽ hoạt động khoa học tốt.
3. Cơ
chế và chính sách của ta không khuyến khích làm khoa học chất lượng cao.
Giá trị của các kết quả nghiên cứu khoa học rất
khác nhau. Trong mỗi ngành, nhiều tạp chí hoặc hội nghị quốc tế được xem là có
giá trị hơn rất nhiều lần so với các tạp chí hoặc hội nghị khác (do vậy bài gửi
khó được nhận). Điều quan trọng này tiếc thay hầu như không được tính đến và ghi
nhận ở ta. Đồng thau lẫn lộn không khuyến khích con người vươn lên làm những sản
phẩm khoa học chất lượng cao, vốn rất khó làm. Ở đây xin nói thêm một lần nữa về
hệ thống phong giáo sư của Việt Nam. Là người làm việc trong môi trường giảng
dạy và nghiên cứu mấy ai không muốn vươn lên thành các giáo sư-phó giáo sư, và
vì vậy luôn phấn đấu − chừng mực nào đấy là bằng mọi cách − để đạt được các mục
tiêu này. “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, nên cái hệ thống “phong” chứ không
“tuyển chọn” giáo sư không giống ai trên đời của ta (dù “học hàm” đã đổi thành
“chức danh” nhưng thực chất vẫn chỉ là “danh” chứ không phải “chức”) tiềm ẩn
nguy cơ dẫn một số đông nhà khoa học Việt Nam không phấn đấu tạo ra các
kết quả nghiên cứu chất lượng cao nhưng hướng đến số lượng sao cho đủ “điểm” của
cách đong đếm không phân biệt thích đáng giá trị của các công trình. Điều
đáng lo ngại là một số đông nghiên cứu sinh trong nước sẽ được thầy dẫn đi theo
con đường này từ khi bắt đầu học làm nghiên cứu. Đây là điều mà chúng ta sẽ phải
trả giá lâu dài cho nền khoa học còn non trẻ của mình.
4. Thiếu định hướng hợp
lý về các loại hình và nội dung nghiên cứu
Cán bộ của ta khi đi học xứ người thường về khoa
học cơ bản, không luôn được tự chọn thầy và đề tài, do vậy số người đông nhưng
chuyên môn phân tán, nhiều người sau này ngại tự học để cập nhật kiến thức hoặc
thay đổi nội dung nghiên cứu dù khoa học luôn thay đổi. Như trên đã nói, ta
thiếu các đầu đàn để tổ chức các tập thể với những người có chuyên môn khác nhau
nhưng cùng theo đuổi các nhiệm vụ định hướng. Nghiên cứu cơ bản nhằm đóng góp
vào kho tàng tri thức nhân loại. Một đất nước nghèo và khoa học còn yếu như ta
cần xác định một tỷ lệ lực lượng và tài chính hợp lý cho các nghiên cứu cơ bản
chọn lọc, chọn những nội dung và những cá nhân/tập thể có khả năng làm ra các
kết quả giá trị. Ngoài ra, số đông nhà khoa học Việt Nam cần được hướng đến làm
các nghiên cứu ứng dụng gắn với các vấn đề quốc kế dân sinh và các nghiên cứu
này cần được đề cao. Ngay những nước giàu có và khoa học phát triển như Nhật
Bản, các đề tài nghiên cứu ứng dụng luôn dễ được chấp nhận và tài trợ hơn các đề
tài nghiên cứu cơ bản. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi nền kinh tế suy
thoái, nước Nhật và các công ty lớn của Nhật đã cắt giảm nhiều đề tài hay giải
tán các nhóm nghiên cứu cơ bản.
Theo tôi, khuyến cáo sau đây trong một tài liệu
của World Bank và UNESCO(7) là rất đáng chú ý: “Khả năng thực hiện
nghiên cứu khoa học là hết sức hạn chế ở nhiều nước đang phát triển. Trong khi
không phải mọi đất nước đều cần tiến hành nghiên cứu cơ bản ở nhiều lĩnh vực,
mỗi đất nước cần phải xem xét đâu là các loại nghiên cứu khoa học và công nghệ
có thể trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của mình. Khi nhìn vào đòi hỏi chi
phí lớn và những khó khăn khác của nghiên cứu khoa học, có lẽ câu hỏi cần hỏi
nhất là: đâu là mức tối thiểu các hoạt động khoa học và công nghệ cần
phải có để đạt được các mục tiêu của quốc gia?”. (“The
capacity to carry out scientific research is extremely limited in many
developing countries. While not every country needs to conduct basic research in
a variety of fields, each country must consider the types of scientific and
technological research that can directly contribute to its development. In view
of the costs and other difficulties, perhaps the right question to ask is: what
is the minimum level of scientific and technological capacity necessary
to achieve national goals?”).
Theo tôi, cũng nên cân nhắc câu ta thường nghe
“không có nghiên cứu cơ bản sẽ không có nghiên cứu ứng dụng và phát triển”. Điều
này đúng nhưng cần nhìn được nhìn và phân tích sâu hơn, tránh dùng nó để làm
bình phong cho các nghiên cứu cơ bản không được chọn lọc kỹ và không ra kết quả.
Cũng như ở trên đã nói các nghiên cứu cơ bản có liên quan nhiều ít khác nhau với
các nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng. Do vậy trong các nghiên cứu cơ
bản ta nên tập trung phần lớn cho
các nghiên cứu làm nền tảng trực tiếp cho các nghiên cứu ứng dụng, như các thí
dụ về genes gây bệnh hay mô hình thống kê của tiếng Việt nêu ở phần trước. Thêm
nữa, ta rất cần khuyến khích và tổ chức các nghiên cứu về công nghệ. Xin nói
thêm một điều xưa nay nhiều người vẫn thường hiểu sai là Nhật Bản phát triển vì
giỏi bắt chước. Thực ra đây là một đất nước có tinh thần học hỏi thiên hạ rất
cao, thành công nhờ nghiên cứu và sáng tạo công nghệ rất giỏi(8). Xin
thêm là nước Nhật có khá nhiều giải Nobel về khoa học (12) và giải Fields về
Toán học (3), trong khi một nước có kinh tế phát triển như Hàn quốc hoặc một
nước lớn như Trung quốc đều chưa có giải Fields hoặc giải Nobel (trừ 6 người gốc
Hoa ở Mỹ và Châu Âu).
2. Về đào tạo sau đại học
Việc giáo dục và đào tạo cho đến bậc cử nhân có
bản chất là học, trong đó việc học ở bậc phổ thông nhằm để có các tri thức cơ
bản cần cho cuộc sống và hoạt động của mỗi người, còn việc học ở bậc cử nhân
(undergraduate) nhằm để có các tri thức chung về một nghề nghiệp hay lĩnh vực
nào đó (thí dụ nghề y, chế tạo máy, quản trị kinh doanh, ...). Do phải học nhiều
môn, chương trình đào tạo bậc cử nhân chưa cho phép người học có các tri thức
chuyên sâu.
Đào tạo sau đại học (graduate) khác cơ bản với
đào tạo cử nhân ở việc đi sâu vào chuyên ngành, gồm hai bậc thạc sĩ và tiến sĩ,
trong đó bản chất của đào tạo thạc sĩ là học còn bản chất của đào tạo tiến sĩ
là nghiên cứu. Đáng tiếc là điều cơ bản này đã không luôn được hiểu rõ và
làm đúng ở đại học của chúng ta.
Đào tạo thạc sĩ
Khái niệm thạc sĩ và việc đào tạo thạc sĩ là
tương đối mới trong hệ thống đại học của ta. Hệ thống giáo dục ở Đông Âu trước
kia không có hình thức đào tạo này, và do vậy có thể một số lãnh đạo và cơ sở
giáo dục của ta còn thiếu kinh nghiệm nên các chương trình đào tạo thạc sĩ được
xây dựng chưa thích hợp. Mục tiêu của việc học thạc sĩ là để người học nắm vững
và sâu (lý tưởng là đến mức tinh thông, như nghĩa của chữ “master” hay “étude
approfondie” trong tiếng Pháp) các tri thức của một chuyên ngành trong một nghề
hoặc lĩnh vực nào đấy. Như vậy, chẳng hạn nói một người học thạc sĩ về tin học
chỉ là cách nói chung để chỉ bậc học, còn thực sự người này thường chỉ có thể
học sâu được một chuyên ngành nào đó của nghề tin học, thí dụ như về mạng máy
tính hay công nghệ phần mềm hay trí tuệ nhân tạo, ... sau khi học một số kiến
thức chung nhất của nghề.
Với mục đích kể trên, tuy có một vài biến dạng,
chương trình đào tạo thạc sĩ phổ biến trên thế giới thường gồm hai năm học,
trong đó năm đầu chủ yếu để người học học một số môn chung của nghề và các môn
cần thiết cho chuyên ngành mình lựa chọn (khoảng 10 môn tất cả), và năm thứ hai
để người học đi sâu vào chuyên ngành này dưới sự hướng dẫn của một hoặc một nhóm
giáo viên. Đào tạo thạc sĩ đòi hỏi phải dạy và học theo tín chỉ vì mỗi người học
có những nhu cầu và cần bổ sung những tri thức khác nhau. Chương trình thạc sĩ
của một đại học do vậy thường chỉ rõ các chuyên ngành mình có thể đào tạo kèm
theo nội dung cụ thể. Chuyên ngành học và thầy hướng dẫn của sinh viên thạc sĩ
thường được sớm xác định sau vài tháng đầu của năm thứ nhất.
Việc học trong năm thứ hai là một quá trình tự
học và rèn tay nghề dưới sự hướng dẫn của thầy và thường gồm hai việc chính: (1)
tự học để nắm được nội dung một cuốn sách “gối đầu giường” của chuyên ngành cũng
như tham gia các hoạt động và rèn luyện của phòng thí nghiệm, và (2) thực hiện
một đề tài.
Chủ đề và yêu cầu của đề tài thạc sĩ thường được
xác định tùy theo việc người học có đi tiếp vào chương trình tiến sĩ hay không,
tức có theo đuổi con đường nghiên cứu hay không. Nếu đi tiếp, đề tài thường được
hướng đến việc học và rèn luyện các khả năng nghiên cứu và thường là phần đầu
của một chặng đường dài vài năm nghiên cứu trong chương trình đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, đa số người học xong thạc sĩ sẽ ra làm việc và đề tài của họ được
hướng nhiều hơn vào việc tự học và rèn luyện để nắm chắc tri thức của chuyên
ngành và khả năng/kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế. Tuy đi sâu vào một
chuyên ngành, do sự thay đổi rất nhanh của xã hội và khoa học-công nghệ, việc
rèn luyện khả năng tự học trong đào tạo thạc sĩ là một yêu cầu lớn.
Đặc trưng nổi bật của đa số chương trình và cách
đào tạo thạc sĩ của ta là việc yêu cầu sinh viên học rất nhiều môn, nhưng nhẹ về
phần tự học và rèn luyện tay nghề dưới sự hướng dẫn thường xuyên của thầy cô
thông qua các hoạt động trong phòng thí nghiệm và làm đề án. Rất nhiều chương
trình thạc sĩ của ta dựa chính trên việc dạy/học rất nhiều môn (khoảng 20), học
chung cho mọi sinh viên trong phần lớn thời gian đào tạo, tuy có nơi cho mỗi môn
vài tín chỉ nhưng thực chất chưa phải cách đào tạo theo tín chỉ. Nguyên nhân có
thể do ta chưa thống nhất được bản chất và mục tiêu của đào tạo thạc sĩ, do chưa
có chỗ cho thầy và trò ngồi làm việc cùng nhau hàng ngày, do chưa đủ phòng thí
nghiệm, do không đủ thầy cô để hướng dẫn sinh viên, ... Hầu hết học viên thạc
sĩ tôi gặp đều lo lắng ở buổi bảo vệ luận văn về câu hỏi bao-giờ-cũng-có “cái gì
mới trong luận văn của anh/chị?” hoặc “thế giới người ta làm rồi sao mình làm
lại?”. Có những câu hỏi thường xuyên như vậy phải chăng cũng vì chúng ta nhìn
chưa hợp lý
về bản chất và mục tiêu của đào tạo thạc sĩ?
Phải làm nhiều việc để nâng chất lượng đào tạo
thạc sĩ, trong đó theo tôi hai việc sau rất then chốt:
1. Các
cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo cần xác định lại các khái niệm và mục tiêu
của đào tạo thạc sĩ, xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình và cách đào tạo.
Cần điều chỉnh chương trình với các nội dung cần thiết nhất của chuyên ngành,
giảm việc học trên lớp và tăng thêm phần rèn luyện, đào tạo tay nghề của học
viên, ...
2. Phải
tìm cách để giải quyết bài toán có sách học cho sinh viên. Ta mới làm
sách giáo khoa cho bậc phổ thông, nhưng rất thiếu sách bậc đại học và sau đại
học. Thông thường người dạy dùng một cuốn sách giáo khoa (textbook) nào đấy,
nhưng sinh viên lại không có (ở nơi khác khi học mỗi môn sinh viên bắt buộc phải
mua sách giáo khoa thầy cô đã chọn để dạy môn đó, và cuốn sách thầy chọn rất ảnh
hưởng đến việc dạy và học). Theo tôi đây là một vấn đề cốt lõi để nâng cao chất
lượng đào tạo thạc sĩ (và cả bậc cử nhân). Việc này quan trọng hơn rất nhiều
việc ta chủ trương đạt chuẩn quốc tế bằng cách lấy các bài giảng online hoặc các
bản chiếu (slides) trên Web để dạy học, vì không có sách thì không mấy ai hiểu
được thấu đáo các bài giảng này. Sách và tài liệu tham khảo sẽ quyết định cách
giảng bài của thầy cô và chất lượng tự học của sinh viên (đọc chép hay chỉ giảng
ý chính và sinh viên phải tự tìm hiểu và làm bài tập). Tiêu chuẩn phải viết sách
khi xét phong chức danh giáo sư của ta không giải quyết bài toán này, ngược lại
tiềm ẩn khả năng ra đời của những cuốn sách chất lượng không cao. Xin được bàn
về giải pháp sách học trong một dịp khác.
Đào tạo tiến sĩ
Mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là nhằm rèn luyện
khả năng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh, qua việc thực hiện một đề tài để giải
quyết một vấn đề mới và có ý nghĩa của trong chuyên ngành của mình. Người tốt
nghiệp tiến sĩ là người phải biết làm nghiên cứu độc lập, tức biết đặt ra những
vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa, biết cách và tìm được lời giải, biết cách viết các
bài báo khoa học và trình bày kết quả trước cộng đồng nghiên cứu quốc tế.
Tôi chỉ bàn ở đây một chuyện liên quan đến đào
tạo tiến sĩ là ấn phẩm khoa học.
Về các ấn phẩm khoa học của nghiên cứu sinh, gần
đây đã có các dự kiến về quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “để được công nhận
là tiến sĩ, các nghiên cứu sinh cũng phải có ít nhất một bài đăng trên tạp chí
khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài, một bài đăng
trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy
định ...”9). Đây là một
quy định quan trọng để tiêu chuẩn hóa chất lượng, đặc biệt là quy định về sự bắt
buộc có bài đăng ở các tạp chí và hội nghị quốc tế. Phần phụ lục sẽ bàn thêm về
hội nghị quốc tế, phần này chỉ nói về các tạp chí quốc tế.
Các tạp chí quốc tế của từng lĩnh vực là thước đo
những kết quả nghiên cứu khoa học thuộc loại “hàng chất lượng cao”, và thứ hạng
của các tạp chí trong mỗi ngành khoa học là rất khác nhau. Theo một khảo sát của
Phạm Duy Hiển(10), ước tính tất cả thầy trò và các nhà nghiên cứu của
chúng ta trong 10 năm qua (1995-2004) đăng được 3236 bài báo trên các tạp chí
quốc tế xếp trong danh sách của ISI trong đó chừng 800 bài hoàn toàn làm tại
Việt Nam, tức khoảng 80 bài một năm. Giả sử mỗi bài báo trong các con số kể trên
đều có ít nhất một trong số 5279 giáo sư, phó giáo sư của cả nước vào năm 2004(11)
là tác giả hay đồng tác giả, thì tính trung bình mỗi giáo sư, phó giáo sư trong
10 năm đó làm được hơn 1/2 bài ở tạp chí quốc tế (tức một bài trong gần 20 năm),
và/hoặc khoảng 1/6 bài hoàn toàn làm trong nước. Những con số này quả là hết sức
khiêm tốn so với lực lượng khoa học đông đảo của ta. Điều này nói lên ít nhất
một điều, hoặc các nhà khoa học của ta chưa có thói quen viết và gửi bài đến các
tạp chí quốc tế, hoặc chất lượng nghiên cứu của chúng ta chưa cao nên các kết
quả chưa lọt được vào các tạp chí quốc tế. Trong điều kiện và tình hình nghiên
cứu khoa học này, làm sao để các nghiên cứu sinh của chúng ta – với số lượng
khoảng 1000 người được nhận vào mỗi năm–
có bài đăng ở tạp chí quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thật sự
là một thách thức rất lớn, theo tôi là một việc chưa có cách gì làm được.
“Hội nghị khoa học quốc tế” là một cụm từ lâu nay
dễ gây nhầm lẫn vì chúng rất thượng vàng hạ cám, từ những hội nghị chất lượng
rất cao mà mỗi bài được nhận đều là công bố của một khám phá quan trọng cho đến
những hội nghị ai muốn gửi bài gì cũng được nhận miễn là nộp đủ hội nghị phí
(xem phụ lục 1). Do vậy, câu “hoặc có bài ở hội nghị khoa học chuyên ngành nước
ngoài” thực sự chưa xác định. Ngoài ra, chữ “hoặc” trong câu “bài đăng trên tạp
chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị” cần được đổi thành chữ “và”. Cần khẳng
định ngay ta chỉ chấp nhận kết quả nghiên cứu đăng ở các hội nghị quốc tế có
chất lượng, và các hội nghị này cần do các chuyên gia trong ngành xác định.
Tôi có ít kinh nghiệm và thực tế về các tạp chí
khoa học xuất bản trong nước, nhưng từ quan sát và theo nhận xét của nhiều đồng
nghiệp, chỉ một số rất ít tạp chí của ta, như tạp chí Toán học, tạp chí Cơ học,
... có chất lượng tốt, còn đa số rất đáng băn khoăn. Việc chỉ chấp nhận các bài
đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước theo tôi là rất cần
thiết.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tiến sĩ?
Dường như nét nổi bật của đào tạo tiến sĩ ở ta
cho đến nay là một phần, có thể là phần rất lớn, người đã tốt nghiệp tiến sĩ
chưa được rèn luyện và làm nghiên cứu khoa học để đạt các kết quả nghiên cứu
theo các chuẩn mực quốc tế thông thường. Chúng ta phải làm nhiều việc để có
thể nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ, trong đó có những điều sau:
1. Trước
hết, cần xác định rõ về bản chất, mục tiêu và yêu cầu của đào tạo tiến
sĩ.
2. Tuyển
chọn chặt chẽ để chỉ đào tạo
tiến sĩ cho những người có động lực và khả năng nghiên cứu. Khi được chọn những
người này phải được tạo điều kiện để có thể phấn đấu vươn đến chuẩn mực quốc tế
(như phải có bài ở các hội nghị quốc tế tốt và được cấp ít nhất một lần kinh phí
trong thời gian đào tạo để đi dự hội nghị quốc tế).
3. Cần
có các điều kiện và quy định thích hợp để chọn người hướng dẫn nghiên cứu
sinh, không bởi bằng cấp khoa học và chức vụ lãnh đạo mà nhất thiết phải bởi
kết quả nghiên cứu khoa học hiện tại, bởi kết quả đã có trong việc hướng dẫn
nghiên cứu sinh vươn đến chuẩn mực quốc tế. Nếu người hướng dẫn chưa bao giờ
công bố ở tạp chí quốc tế sẽ rất khó dẫn dắt nghiên cứu sinh làm được điều này.
4. Để
tránh nể nang và tiêu cực khi cho tốt nghiệp những luận án chưa đạt, dự kiến
công khai các luận án và đánh giá là một việc khả thi và sẽ có tác dụng tốt. Tuy
nhiên, việc đưa lên mạng các luận án đã bảo vệ chỉ là phần sau của việc đào tạo.
Quan trọng hơn, cần phải tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về chất lượng của các
luận án tiến sĩ, như tiêu chuẩn dự định ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có thể tham khảo và học tập một kinh nghiệm từ
Trung Quốc. Gần đây phần lớn các trường đại học ở Trung Quốc quy định yêu cầu
tối thiểu của một luận án tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ là
hai bài báo trong các tạp chí hay hội nghị khoa học được xếp loại trong SCI
(science citation index) hoặc EI (engeneering index). Một giáo viên đại học
Trung quốc nói với tôi là Trung Quốc có hàng nghìn tạp chí khoa học nhưng chỉ
một vài chục được xếp loại trong SCI hay EI. Nghiên cứu sinh cứ việc theo các
điều kiện cần này mà phấn đấu, chưa đủ thì chưa bảo vệ, và khi bảo vệ cũng tránh
được sự nể nang và xuê xoa của những người đánh giá.
5. Tìm
cách nâng cao chất lượng của các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước,
mỗi lĩnh vực cần có một tạp chí cấp quốc gia được xác nhận về chất lượng, phổ
biến rộng rãi và sử dụng ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.
Có thể thấy rõ là chất lượng chung của đào tạo
tiến sĩ của ta còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Với toàn bộ năng lực
đào tạo hiện nay, liệu chúng ta có thể đào tạo “nhanh, rẻ” mà lại “tốt” (theo
yêu cầu đã quy định) cho “nhiều” tiến sĩ (khoảng 10 nghìn đào tạo trong nước của
kế hoạch 20 nghìn tiến sĩ) trong mười năm tới (xem phụ lục 2)? Rõ ràng là không
thể, và ta cần dứt khoát lấy chất lượng của đào tạo tiến sĩ làm trọng.
Khoa học và nghiên cứu khoa học có những quy luật của mà ta không thể quyết tâm
một cách duy ý chí. Hậu quả của việc cho ra lò những tiến sĩ chất lượng thấp là
khôn lường. Những tiến sĩ có chức có quyền nhưng chuyên môn yếu sẽ có nhiều khả
năng là mầm mống của điều xấu. Chúng ta sẽ phải trả giá lâu dài nếu tiếp tục đào
tạo tiến sĩ chất lượng thấp như hiện nay hoặc quá nhấn mạnh về số lượng để có
nguy cơ chất lượng ngày càng thấp hơn.
Nếu ngắn gọn về cái chưa được trong đào tạo sau
đại học và nghiên cứu của ta, thì chương trình đào tạo thạc sĩ lên lớp nhiều
quá, còn thiếu rèn luyện tay nghề và hay đòi hỏi có cái mới của việc nghiên cứu,
trong khi đó đào tạo tiến sĩ để làm nghiên cứu thì nói chung lại không làm ra
cái mới có nhiều giá trị. Một điều chưa phải là số đông người lớn của ta trong
khoa học không thách thức các đỉnh cao của nghiên cứu nhưng ta lại đề cao và tự
hào quá mức về các cuộc thi olympiad của trẻ em. Phải chăng đây cũng là một dạng
của “tuổi thọ khoa học ngắn”.
Hiểu rõ bản chất và có quan niệm xác đáng, có
chương trình thích hợp và đề cao chất lượng, đặt ra và tuân thủ các yêu cầu tốt
nghiệp là những yếu tố quyết định của việc nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ
và tiến sĩ của chúng ta.
Hồ Tú Bảo
Japan Advanced Institute of Science and Technology
PHỤ LỤC 1
VỀ CÁC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ
Liên quan đến chuyện
đánh giá các nghiên cứu cơ bản, một bài gần đây ở báo Tia sáng(13) có
nêu ý
kiến thầy Tụy là nghiên cứu cơ bản cần công bố quốc tế, và tôi muốn bổ sung một
vài ý
về các hội nghị quốc tế.
Có thể do truyền
thống, các ngành khoa học đều có “văn hóa ngành” của mình, trong đó có những
thói quen, quy ước và ảnh hưởng khác nhau của các hội nghị khoa học.
Ở nhiều ngành khoa
học, tiêu biểu như Toán học, Vật lý, Hóa học, ..., bài báo ở hội nghị khoa học
được xem có giá trị thấp hơn rất nhiều so với bài ở tạp chí, thậm chí không đáng
kể. Ở các ngành này, phần lớn các hội nghị chuyên ngành chỉ đòi hỏi người tham
gia nộp một bản tóm tắt chừng một hai trang. Hầu hết các tóm tắt gửi đến đều
được nhận báo cáo tại hội nghị. Tại hội nghị chỉ có bản in các tóm tắt, và một
số hội nghị sau đó sẽ chọn một số tác giả, yêu cầu nộp bài toàn văn để duyệt và
in trong một tuyển tập.
Tin học (hay khoa học
máy tính, KHMT) có một “văn hóa ngành” khác hẳn (có thể một số ngành khác cũng
vậy mà tôi không biết). Thường các hội nghị KHMT đều yêu cầu người tham gia phải
gửi bài toàn văn để tuyển chọn, với quy ước bài phải viết đủ dài để có thể đánh
giá được (như quãng 6000 từ, hoặc quãng 10-12 trang). Các hội nghị thường quy
định nộp bài khoảng 6 tháng trước ngày hội nghị để Ban chương trình có đủ thời
gian tuyển chọn và in ấn. Mỗi bài gửi đến hội nghị thường được đánh giá bởi 3
đến 4 chuyên gia. Gần đây nhờ Internet và các phần mềm giúp tuyển chọn bài,
nhiều hội nghị đòi hỏi và cho phép tác giả trả lời những câu hỏi và ý kiến của
các phản biện sau vòng duyệt đầu, và sau đó nhóm 3-4 phản biện của từng bài báo
sẽ bàn bạc với nhau trước khi gửi quyết định của mình cho Trưởng Ban chương
trình. Quá trình phản biện này thường chừng 2 tháng. Tuyển tập hội nghị, với các
bài được chọn và sửa chữa theo góp ý của các phản biện, được in trước và có sẵn
tại hội nghị. Uy tín của một hội nghị luôn đi cùng với uy tín của các thành viên
Ban chương trình và nhà xuất bản. Tuyển tập của các hội nghị hàng đầu thường
được in tại các nhà xuất bản hàng đầu như ACM, MIT, Springer, Morgan Kaufmann,
...
Chỉ cần gõ trên
Google cụm từ “computer science conference ranking” (tương tự là “computer
science journal ranking”) là thấy ngay nhiều tổ chức xếp hạng các hội nghị Tin
học thành các nhóm rank 1, rank 2, rank 3, ... rồi nhóm các hội nghị không được
xếp hạng, thậm chí cả nhóm các hội nghị bị khuyến cáo không nên tham gia. Tuy
không chính thức (thực ra không có một xếp hạng nào của các hội nghị, tạp chí,
đại học, ... có thể được xem là “chính thức”), các xếp hạng khá thống nhất của
nhiều tổ chức cũng cho ta một định ý về thứ hạng tương đối của các hội nghị.
Nhóm rank 1 có chất lượng cao nhất (các hội nghị ngành Trí tuệ Nhân tạo ở nhóm
rank 1 là NIPS, IJCAI, AAAI, ICML, KDD, ...). Số bài được nhận báo cáo và đăng
trong các tuyển tập thường quãng 25% số bài gửi đăng ký tham gia, trong đó nhiều
hội nghị nhóm rank 1 có tỷ lệ bài được nhận khoảng 10-15%. Cần nói thêm rằng giá
trị hội nghị không chỉ được xét theo tỷ lệ nhận bài, vì chất lượng bài gửi đến
các hội nghị ở nhóm rank 1, rank 2, ... rất khác chất lượng bài gửi đến các hội
nghị nhóm rank 4 hoặc các hội nghị chưa được xếp hạng. Người làm nghiên cứu
thường phải tự đánh giá kết quả của mình và chọn tạp chí, hội nghị “vừa sức” để
gửi. Nhiều cơ sở nghiên cứu ở các nước phát triển hằng năm có sẵn một danh sách
các hội nghị tốt, và chỉ tài trợ khi nhân viên có bài trình bày ở các hội nghị
này. Cần nói thêm là, do có Internet việc tổ chức hội nghị trở nên dễ dàng hơn,
và rất nhiều hội nghị làng nhàng xuất hiện làm cho các hội nghị quốc tế trở nên
thượng vàng hạ cám.
Thật ra khó ai có thể
biết rõ được cái “văn hóa” của một ngành nào đó nếu không làm việc trong ngành
này. Ở
các
ngành khoa học non trẻ, như Tin học chẳng hạn, những bài báo ở các hội nghị chất
lượng cao được đánh giá không thua kém gì bài ở các tạp chí tốt. Chẳng hạn, Khoa
KHMT của đại học Washington ở bang Seatle của Mỹ (một trong những đại học hàng
đầu về KHMT), khi xét tuyển chọn các chức vụ giáo sư, đánh giá một bài báo ở hội
nghị AAAI tương đương một bài trong tạp chí rất tốt Journal of Artificial
Intelligence Research(14).
Đem các hội nghị
khoa học quốc tế có chất lượng đến Việt Nam
Có bài được tuyển
chọn vào một hội nghị tốt đã khó, nhưng có tiền để đi dự hội nghị đó cũng không
dễ, do một lần tham dự hội nghị ở nước ngoài thường cần khoảng trên dưới 2000
USD (tiền vé máy bay, tiền hội nghị phí khoảng 400-500 US$, và tiền ăn ở). Cần
nói thêm là các hội nghị quốc tế đã và đang tìm cách chống các hiện tượng tìm
cách đăng bài trong kỷ yếu nhưng không đến báo cáo (no-show). Nếu không có các
chính sách mới về tài trợ kinh phí khoa học, rất ít người làm nghiên cứu ở Việt
Nam có thể đến tham dự các hội nghị quốc tế ở nước ngoài khi có bài được tuyển
chọn. Ở
đây
cũng có thể xảy ra một nghịch lý
mà người làm quản lý
khoa học cần chú ý:
đa số công trình của chúng ta chưa lọt được vào các hội nghị hàng đầu, nên
nếu chỉ
cấp tiền đi
cho người có bài đi
dự hội nghị
thì hầu hết
chúng ta chỉ đến được các hội nghị tầm tầm. Thực ra, đến các hội nghị lớn dù
không có bài còn học được nhiều và có ích hơn việc đến các hội nghị tầm tầm để
trình bày bài.
Gần đây, bằng nỗ lực
của nhiều tập thể, chúng ta đã tổ chức được những hội nghị quốc tế có chất lượng
khá tốt ở Việt Nam, một số có kỷ yếu in bởi các nhà xuất bản nổi tiếng
(Springer, IEEE, ...) và có trong SCI hay EI. Đây là cơ hội để các nhà nghiên
cứu và nghiên cứu sinh trong nước có thể tham gia và công bố kết quả, vượt qua
được hạn chế về kinh phí ra nước ngoài dự hội nghị. Đây cũng là mục tiêu của
những người nỗ lực đem các hội nghị quốc tế chất lượng đến Việt Nam. Mục tiêu
này cần được ngành giáo dục, các đại học và viện nghiên cứu ủng hộ. Thí dụ như
một sự kiện rất lớn, Hội nghị Liên kết Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo IJCAI’07, tổ
chức ngày 8-13/1/2007 tại Hyderabad (Ấn Độ) đã cho phép 280 đại biểu Ấn độ tham
gia, khi chỉ có 5 người từ Ấn độ đến dự được IJCAI’05 tại Edinburg (Anh). Liên
tục trong mấy năm qua, chúng ta đã đem về được một số hội nghị tốt ngành KHMT
như PAKDD’05 (hội nghị vùng châu Á Thái Bình Dương về Khai phá Dữ liệu và Phát
hiện Tri thức), PRICAI’08 (hội nghị châu Á và vành đai Thái Bình Dương về Trí
tuệ Nhân tạo), hoặc gần đây là các hội nghị hằng năm IEEE RIVF (Research,
Innovation and Vision for the Future) như một hoạt động chính của IEEE Vietnam
Section mới được thành lập.
Một điều rất đáng
tiếc phản ánh tình trạng thiếu không khí khoa học là mặc dù việc tổ chức các hội
nghị quốc tế rất công phu, nhiều nhà khoa học xuất sắc trên thế giới nhận lời
đến các hội nghị trên giảng bài, hội nghị phí thường được miễn cho sinh viên
Việt Nam và rất nhỏ cho những người
khác,
số thầy cô ở đại học, số cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh và sinh viên tham
gia các hội nghị này khá ít.
PHỤ LỤC 2
HAI MƯƠI NGHÌN TIẾN SĨ:
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC
Hơn một năm qua, đã có rất nhiều bài viết về kế
hoạch đào tạo 20.000 nghìn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT). Tuy số
đông bày tỏ sự băn khoăn về kế hoạch này, một đề án của Bộ GD&ĐT được dự kiến
trình lên Chính phủ trong tháng 11.2007 để sớm thực hiện từ 2008. Chắc không
phải tất cả những người quan tâm đến giáo dục đều biết rằng đề án này nhằm thực
hiện nghị quyết của Chính phủ số
14/2005/NQ-CP về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai
đoạn 2006 – 2020”. Những điểm chính trong nghị quyết của Chính phủ(15)
dẫn đến đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ cho đến năm 2020 là:
− “Mở
rộng quy mô đào tạo, đạt tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh
viên/1 vạn dân vào năm 2020, trong đó khoảng 70-80% tổng số sinh viên theo học
các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng vào khoảng 40% tổng số sinh viên thuộc
các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.” và
−
“Đến năm 2010 có ít nhất 40% giảng viên đạt trình độ thạc sỹ và 25% đạt trình độ
tiến sỹ; đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sỹ và 35% đạt
trình độ tiến sỹ.”
Nếu như tới đây không có sự điều chỉnh các chỉ
tiêu của nghị quyết này của Chính phủ, thì do đây là quyết định ở cấp cao nhất
của nhà nước nên Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan phải hoạt động để thực hiện.
Theo tác giả Đá Chông(16)
− thể hiện qua bài viết là người nắm rõ
nghị quyết chính phủ, tình hình giáo dục và phát triển dân số
− hiện nay trong hệ
thống đại học của Việt Nam có khoảng 7.500 tiến sĩ, với số sinh viên và dân số
Việt Nam sẽ có vào năm 2020, để đạt mục tiêu “35% đạt trình độ tiến sỹ” Việt Nam
cần 63.000 tiến sĩ, và nếu như đến năm đó số tiến sĩ hiện nay chưa về hưu, cần
đào tạo được thêm 50.000 tiến sĩ. Kế hoạch 20.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT do vậy
nếu làm được cũng mới thực hiện được khoảng 40% nghị quyết của Chính phủ.
Một câu hỏi tự nhiên là khi đã không thực hiện
được 100% nghị quyết của Chính phủ thì tại sao Việt Nam lại nhằm thực hiện 40%
nghị quyết (tức chỉ đào tạo 20.000 tiến sĩ, trong đó 10.000 đào tạo ở nước
ngoài và 10.000 ở trong nước )? Đọc báo lâu nay chưa thấy lý giải nào từ Bộ
GD&ĐT vì sao lại là con số 40% hay 20.000 này, nhưng tôi nghĩ câu trả lời như
sau cũng rất tự nhiên và có lý: đào tạo 10.000 tiến sĩ tại các đại học tốt nhất
trong nước vì lực ta mới làm được vậy (nếu không ta đã đào tạo nhiều hơn
để thực hiện bằng được nghị quyết Chính phủ), và đào tạo 10.000 tiến sĩ ở nước
ngoài vì tiền ta mới chỉ có vậy (nếu không ta đã đào tạo ở nước ngoài
nhiều hơn để thực hiện bằng được nghị quyết Chính phủ).
Về 10.000 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài, một câu
hỏi không dễ trả lời là làm sao ta có đủ số thí sinh đạt yêu cầu để có thể được
nhận vào các trường tốt ta muốn gửi đến đào tạo. Giả thiết là số tiến sĩ đào tạo
ở nước ngoài có chất lượng tin cậy được, thì một câu hỏi quan trọng nữa cần đặt
ra là chất lượng của 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước sẽ như thế nào? Nếu chất
lượng không đạt được các tiêu chuẩn quy định nào đấy, thì chỉ nên đào tạo ra các
tiến sĩ có chất lượng hay cần đạt bằng được con số 10.000 tiến sĩ? Những biện
pháp nào để đảm bảo chất lượng và liệu chúng có khả thi?
Trong hoàn cảnh làm nghiên cứu còn chưa thuận
lợi, nhiều nghiên cứu sinh của ta, nhất là ở những lĩnh vực không đòi hỏi nhiều
thiết bị đắt tiền, đã làm ra những kết quả xuất sắc. Tuy nhiên, phần lớn người
tốt nghiệp tiến sĩ ở ta còn khá xa với các chuẩn mực thông thường. Có lẽ không
nhiều tiến sĩ của ta trong quá trình làm luận án đạt những kết quả công bố được
tại các tạp chí quốc tế hoặc các hội nghị quốc tế tốt trong ngành. Tôi nói “có
lẽ” vì chỉ quan sát được cục bộ những nghiên cứu sinh tốt nghiệp trong ngành
mình. Chỉ có Bộ GD&ĐT là có thể đánh giá chính xác chất lượng đào tạo tiến sĩ
của ta, và theo tôi Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan đào tạo tiến sĩ cần làm việc
đánh giá này kỹ lưỡng trước một chặng đường dài 12 năm của một kế hoạch đào tạo
20.000 tiến sĩ. Mấy ai không kinh ngạc và buồn cười khi đọc tên một số luận án
tiến sĩ từ Website của Bộ GD&ĐT(17), như:
-
“Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp
lại bộ máy của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành
phố”.
-
Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng
cuộc sống gia đình hiện nay”.
-
“Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”
-
“Phát huy vai trò của trí thức ngành y tế Việt Nam
trong công cuộc đổi mới”.
-
“Lịch sử phát triển giáo dục – đào tạo ở An giang
(1975 – 2000)
Nhân đây xin đề nghị ngay một việc. Ở Website này
của Bộ GD&ĐT, thay vì hoặc cùng với mục “những điểm mới của luận án”, cần yêu
cầu người đã tốt nghiệp tiến sĩ đưa ra một danh sách 3 bài báo chọn lọc của
mình. Chỉ nhìn danh sách này là biết giá trị khoa học của luận án.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện nay ta có 139 đại
học, trong đó 30 đại học tư và 49 đại học mới được thành lập trong vòng một năm
qua. Trên thế giới, các đại học thường được chia ra nhiều loại: đại học giảng
dạy (teaching universities), đại học giảng dạy và nghiên cứu (teaching/research
universitties), và đại học nghiên cứu (research universities). Về đại thể, người
ta vẫn thường hiểu một đại học là giảng dạy nếu số sinh viên sau đại học và thời
gian nghiên cứu trên tổng số giờ làm việc của giáo viên không đến 20%, đại học
là nghiên cứu nếu số sinh viên sau đại học và số thời gian của giáo viên làm
nghiên cứu tối thiểu là 50%. Các đại học tư và đại học vùng miền chủ yếu là các
đại học giảng dạy nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển của địa phương, gắn với
công nghiệp và kinh tế địa phương. Rõ ràng nhu cầu tiến sĩ của các loại đại học
này là khác nhau, và Bộ GD&ĐT rất cần quy hoạch số tiến sĩ đào tạo theo các loại
trường này.
Một câu hỏi nữa có thể đặt ra là trong số những
người đã được đào tạo tiến sĩ trong hơn hai mươi năm đã qua nhưng hiện không
thuộc hệ thống đại học, bao nhiêu người có thể và cần được mời tham gia vào quá
trình giảng dạy và đào tạo đại học.Trong số những tiến sĩ đang làm việc ở đại
học, bao nhiêu có tham gia làm nghiên cứu
Nếu như các quy định của nhà nước về điều kiện
tốt nghiệp tiến sĩ (chuẩn) được thực hiện, nếu như thanh tra bất kỳ một đại học
có đào tạo tiến sĩ và một nửa không đạt chuẩn thì ông hiệu trưởng sẽ từ chức, và
nếu như một nửa số tiến sĩ đào tạo trong nước theo đề án 2008-2020 không đạt
chuẩn thì ông bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ
từ chức (tiếc thay đến đó sẽ là bộ trưởng mới),
tôi tin là các kế hoạch sẽ được lập một cách thận trọng hơn.
Chú thích
(3) Chú ý rằng việc đánh giá “tính cần thiết” khá
định tính và cụm từ này thường bị lạm dụng.
(4) Ở đây xin hiểu một cách đại thể: khoa học là
việc nghiên cứu để khám phá ra các tri thức (hiểu biết) về thiên nhiên,
con người, xã hội, còn công nghệ là cách thức dùng tri thức khoa học để
làm một sản phẩm cụ thể nào đó.
(6) “Đầu tư bạc tỉ để chờ … lạc hậu”,
(8) Nonaka, I.,
Takeuchi, H. (1995). The knowledge-creating
company: how Japanese companies create the dynamics of innovation, Oxford
University Press.
(14) Bài của Nguyễn Xuân Long tại Blog Khoa học
Máy tính,
© Thời Đại Mới
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét