Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Sự trỗi dậy của đồng Nhân dân tệ và chính trị TQ

A man walks by  a poster advertising the
Nguồn: Di Dongsheng (2013). “Chapter six: The renminbi’s rise and Chinese politics”, Adelphi Series, 53:439, pp. 115-126.
Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Lan | Hiệu đính: Vũ Thành Công

Các cường quốc luôn có các đồng tiền mạnh và một đồng tiền mạnh cũng giúp tạo nên quyền lực. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang dần trở thành một cường quốc gia hùng mạnh và Nhân dân tệ (NDT) là một phần quan trọng của đại chiến lược tạo nên sự trỗi dậy này. Trong khi nhiều nghiên cứu khác nhau đã đề cập đến ảnh hưởng kinh tế của chính sách tiền tệ Trung Quốc thì chương này tập trung tìm hiểu các khía cạnh phi kinh tế. Bài viết sẽ lý giải vai trò của đồng NDT trong ván bài lớn của Trung Quốc cũng như những tác động chính trị cả về đối nội lẫn đối ngoại của nó.
Trung Quốc không phải là một nền kinh tế thị trường cổ điển cũng không phải là một nền dân chủ kiểu phương Tây. Hệ thống chính trị nước này được định hình bởi các nhóm lợi ích như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở các nước phương Tây. Đối với những vấn đề quan trọng mang tính hệ thống như tiền tệ, các chính sách của Trung Quốc không chỉ là hệ quả của các lợi ích ngắn hạn, thuần tính kinh tế mà còn xuất phát từ một loạt các cân nhắc chính trị và chiến lược nhằm bảo vệ và gia tăng quyền lực của đảng cầm quyền. Cơ sở căn bản giúp biện minh cho sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc tính đến nay được chia làm 2 giai đoạn. Ở thời Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản tuyên bố rằng “không ai ngoài Đảng Cộng sản có thể cứu được đất nước”. Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi giới lãnh đạo của đất nước theo đuổi con đường đối đầu và sẵn sàng xung đột với nhiều quốc gia khác, thậm chí còn có vẻ thích tạo ra khủng hoảng trong suốt 3 thập kỉ sau khi nhà nước cộng hòa này được thành lập.
Sau năm 1978, Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo tiếp sau đã lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng cho tính chính danh của Đảng Cộng sản và cố gắng thuyết phục người dân Trung Quốc rằng “không ai ngoài Đảng Cộng sản có thể làm giàu cho đất nước”. Ngày nay đất nước này đang bước vào một giai đoạn bước ngoặt khác. Ban lãnh đạo mới dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang phát triển quyền lực dựa trên nền tảng mới bằng tuyên bố “Không ai ngoài Đảng Cộng sản có thể hiện thực hóa được giấc mơ Trung Hoa”. Giấc mơ này chính xác là gì thì cần thời gian để làm rõ, nhưng nó hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn và an sinh xã hội vững vàng hơn. Điều này dẫn tới chuyển đổi lớn trong mô hình kinh tế Trung Quốc từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư để hướng tới tiêu dùng. Như vậy, việc quốc tế hóa NDT sẽ là một phần không thể thiếu trên lộ trình biến giấc mơ Trung Hoa trở thành sự thật. Nó cũng đánh dấu sự thay đổi so với 20 năm qua khi mọi sự tập trung lúc đó dồn vào việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ được dùng làm công cụ chiến lược cho sự phát triển của Trung Quốc cũng như tranh luận xung quanh việc liệu Bắc Kinh có cố tình thao túng đồng tiền quốc gia nhằm giành lợi thế cạnh tranh hay không.
Vai trò của Nhân dân tệ trong đại chiến lược của Trung Quốc sau 1992
Được Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là sự “Trỗi dậy hòa bình”, đại chiến lược sau 1992 của Trung Quốc là một chính sách ngoại lệ, khác xa so với logic thường được chấp nhận của các cường quốc đang lên. Ở khía cạnh chính trị, Trung Quốc duy trì một vị thế tương đối thấp trên trường quốc tế và hiếm khi phủ quyết hoặc thách thức các chính sách của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Động thái này khác xa so với chính sách thời Mao Trạch Đông khi Trung Quốc được xem là một trở ngại và là người ủng hộ nhiệt tình cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, điều được xem là không thể tưởng tượng được đối với một đảng cộng sản vốn luôn phô trương tư tưởng chống tư bản của mình. Biện pháp hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài được thể hiện ở việc giảm thuế, đất và hạ tầng giá rẻ, hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu, nới lỏng yêu cầu bảo vệ môi trường và chính sách lương thấp được bảo đảm bởi Công đoàn vốn do Đảng kiểm soát trực tiếp. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất đối với không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả người tiêu dùng toàn cầu nói chung chính là việc họ được hưởng lợi từ đồng Nhân dân tệ được định giá thấp.
Từ năm 1994 đến tháng 7/2005, tỷ giá NDT được giữ cố định ở mức 8,28 Tệ ăn 1 đô la nhờ việc thu mua đô la trên thị trường hối đoái của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC), tức Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Đồng tiền này sau đó đã được phép tăng giá nhưng sự can thiệp của PBOC đã giữ sự tăng giá này diễn ra rất chậm để tỷ giá hối đoái vẫn hỗ trợ tốt cho các ngành công nghiệp xuất khẩu. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Sự can thiệp này gần như là khoản thuế đánh vào chính người dân bởi vì thành quả của nhân công Trung Quốc không phải được tiêu dùng trong nước mà được chuyển đổi, thông qua kết quả thặng dư thương mại, trở thành tăng trưởng tiết kiệm quốc gia và chủ yếu dành cho việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ.
Sự đánh đổi này là thiếu cân xứng. Nước Mỹ trên thực tế hưởng lợi từ việc vay nợ giá rẻ từ Trung Quốc, xoay vòng đồng tiền thông qua hệ thống tài chính của mình rồi bơm ngược trở lại Trung Quốc dưới dạng nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và lợi nhuận thu được của nhà đầu tư nước ngoài tại nước này ước đạt 25 ngàn tỷ Tệ vào năm 2013, gần bằng mức dự trữ ngoại hối 3,66 ngàn tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, dù mức sinh lợi của vốn FDI vào Trung Quốc vào khoảng 15%, nước này vẫn phải chấp nhận mức lợi tức thấp từ việc nắm giữ trái phiếu Mỹ. Nếu tính cả tác động của việc giảm giá đồng USD thì mức lợi tức gần như bằng không. Người dân Trung Quốc vẫn phải trợ cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Dưới góc nhìn này, mối quan hệ Trung – Mỹ hai thập kỷ qua có thể được miêu tả như một dạng hệ thống chư hầu, trong đó Trung Quốc tạo nên một trong những trụ cột chính của hệ thống tư bản vận hành hiệu quả của Hoa Kỳ. Nhiều kinh tế gia Trung Quốc từ lâu đã quan ngại về những gì họ nhìn thấy có vẻ như là một mối quan hệ bất hợp lý với thế giới. Tuy vậy, tiếng nói của họ hoàn toàn bị phớt lờ bởi những người ra quyết định của đất nước, vốn có xu hướng coi trọng quan điểm chính trị và chiến lược hơn. Nhằm củng cố tính chính danh của Đảng cầm quyền, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tin rằng nhiệm vụ tiên quyết là xây dựng một đất nước giàu mạnh và quyền lực. Tuân theo kinh nghiệm từ những quốc gia Đông Á khác, Đảng Cộng sản cho rằng con đường duy nhất để hiện thực hóa điều này là bằng con đường công nghiệp hóa. Với thực trạng èo uột của các doanh nghiệp nhà nước từ năm 1949, giới lãnh đạo đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ tư bản quốc tế. Tiến trình này có vẻ như đã mang lại lợi ích cho cả hai phía và tạo nên một cuộc hôn nhân chính trị kì lạ giữa hai mặt đối lập: một đảng cộng sản lớn nhất thế giới đã trở thành người cổ vũ lớn nhất cho chủ nghĩa tư bản chỉ sau một đêm. Những nhà điều hành ở các tập đoàn đa quốc gia và những nhà quản lý tiền tệ tại Phố Wall bỗng dưng trở thành thượng khách của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Rất nhiều người cảm thấy vui vẻ với giao kèo này. Đảng Cộng sản được thỏa mãn bởi vì Trung Quốc đã trải qua thời kì công nghiệp hóa mạnh mẽ với tốc độ tăng trường GDP thần tốc, và dọn đường cho sự “trỗi dậy hòa bình” của quốc gia này trên trường quốc tế. Phương Tây cũng tỏ ra vui vẻ với thời kỳ “Đại ổn định” (Great Moderation) này – một sự kết hợp giữa mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp được Trung Quốc thực hiện bằng cách trợ cấp chi phí sản xuất hàng hóa chế tạo (được trả giá bằng mồ hôi nước mắt của người tiêu dùng nội địa, nhân công và môi trường) và xuất khẩu nguồn tiền tiết kiệm được, góp phần làm giảm lãi suất toàn cầu. Và các nước đang phát triển đã hài lòng với tình trạng giá cả hàng hóa cơ bản tăng vọt do nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Một tỷ ba người Trung Quốc đã trở nên kém hạnh phúc hơn với đồng tiền bị định giá thấp. Người lao động buộc phải làm việc nhiều giờ liền chỉ để nhận đồng lương rẻ mạt. Giá nhà tăng chóng mặt – bị thổi phồng lên như một số nhận định, do lượng nội tệ được bơm ra mỗi khi PBOC phải mua đồng đô la – cũng góp phần tạo nên sự bất mãn của dân chúng. Tiến trình công nghiệp hóa thần tốc đã làm gia tăng xung đột lao động, cho thấy sự thiếu các quyền (con người) tại Trung Quốc, và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức đáng báo động.
Việc cố ý định giá thấp đồng tiền chỉ là một cách mà theo đó mô hình kinh tế Trung Quốc đã chuyển nguồn lực tài chính từ người dân chảy vào tay đảng cầm quyền và các thế lực liên kết. Các hình thức khác còn bao gồm cả việc khống chế tài chính. Với chính sách giới hạn trần lãi suất huy động, người gửi tiền chỉ nhận được mức lãi suất rất tượng trưng và thường không theo kịp tỷ lệ lạm phát. Điều này cho phép các ngân hàng quốc doanh cung cấp nguồn tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi những doanh nghiệp tư nhân nhỏ phải trả mức lãi suất cao gấp hai hoặc ba lần tại thị trường chợ đen. Không những thế, dân chúng cũng bị thua thiệt ở khía cạnh “huy động tài chính thông qua bán đất”: chính quyền địa phương mua đất giá rẻ từ nông dân và cư dân đô thị để rồi bán lại với mức giá cao cho những nhà phát triển bất động sản có quan hệ chính trị dây mơ rễ má, thực tế qua đó đã chuyển sang cho ngân sách quốc gia nguồn thu nhập mà lẽ ra có thể giúp tăng cường tiêu dùng cá nhân.
Tất cả những cơ chế này đã tạo nên gánh nặng tài chính và tài khóa tổng thể mà nhà nước đặt lên toàn xã hội. Mức “thuế thật” này lớn hơn nhiều so với mức 25% GDP được thu bởi chính quyền trung ương và địa phương thông qua các sắc thuế hiện hữu, đồng thời góp phần giải thích cho tình trạng bất ổn xã hội nổ trên khắp Trung Quốc khi quan hệ giữa người dân và đảng cầm quyền ngày càng trở nên căng thẳng. Tựu chung lại, quá trình công nghiệp hóa rộng khắp của đất nước này đã phải đánh đổi bằng chính phúc lợi của đa số người dân Trung Quốc. Và đồng tiền thấp chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi gây nên sự bất mãn của họ.
Quốc tế hóa Nhân dân tệ và nền chính trị đang thay đổi
Ý tưởng biến đồng NDT trở thành một đồng tiền toàn cầu được nêu lên lần đầu vào cuối những năm 1990 khi giới chức Trung Quốc nhận ra cái giá đắt đỏ của việc lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ, và được tăng tốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Để phục vụ mục đích này, Trung Quốc đã ký kết hơn 20 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, thúc đẩy thanh toán thương mại bằng NDT, và bắt đầu phát triển các trung tâm NDT hải ngoại tại Hong Kong, Luân Đôn, Singapore và Đài Loan. Những dàn xếp này giúp cho Trung Quốc và các đối tác tránh được nhu cầu phải tiến hành giao dịch bằng đồng đô la – một lợi thế đặc biệt hữu ích tại những thời điểm xảy ra căng thẳng tài chính. Một số nền kinh tế mới nổi cũng đã bổ sung đồng NDT vào danh mục dự trữ ngoại hối.
Trung Quốc hiện đang tích cực tranh luận về phương pháp tiếp cận phù hợp cho việc quốc tế hóa đồng NDT. Một số học giả, bao gồm Yu Yongding và các đồng nghiệp từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhìn chung tỏ ra cảnh giác.[1] Họ cho rằng chính sách hiện hành sẽ khuyến khích trục lợi chênh lệch về lãi suất và tỷ giá giữa thị trường trong và ngoài nước. Họ cũng e sợ rằng việc mở cửa tài khoản vốn của Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế dễ bị biến động. Thêm vào đó, đặt ra thời gian biểu cho tự do hóa tài chính sẽ hạn chế dư địa chính sách của chính phủ. Những lập luận này là có lý nhưng bỏ qua thực tế rằng việc quốc tế hóa đồng NDT không thể chỉ nhìn dưới lăng kính kinh tế mà còn nên được đặt trong bối cảnh chính trị và toàn cầu rộng lớn hơn.
Một số nhà kinh tế tự do ủng hộ quốc tế hóa NDT như một phương tiện thúc đẩy cải cách kinh tế và xã hội vốn đã bị trì trệ một thập kỷ dài dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào.[2] Những cải cách bao gồm thả nổi lãi suất và tỷ giá hối đoái, có thể làm thay đổi căn bản mô hình kinh tế hiện hành của Trung Quốc.[3] Trong thập niên 1990, những nhà cải cách đã áp dụng thành công những chiến thuật tương tự khi họ sử dụng các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc làm phương tiện huy động cả đất nước ủng hộ các cuộc cải cách theo hướng thị trường đầy đau đớn. Các chuyên gia chính sách đối ngoại có quan hệ gần gũi với Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng hy vọng sẽ đẩy mạnh tốc độ quốc tế hóa đồng NDT. Họ có xu hướng tin tưởng vào mối liên hệ đồng tiền mạnh – quyền lực lớn, trong đó yêu cầu quyết đoán hơn về mặt ngoại giao cũng như khả năng phô diễn quyền lực. Cho đến nay trong các cuộc tranh luận, có vẻ như hai nhóm sau đã giành được sự chú ý của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi họ vạch ra một lộ trình cải cách, cho thấy quốc tế hóa NDT sẽ là trọng tâm trong thập kỷ tới.

———————-
[1] Yin Jianfeng, ‘RMB Internationalization: Trade Settlement plus Offshore Market or Capital Account Opening up plus Multinationals? Lessons from Japan’s Yen Internationalization’, International Economic Review, 2011-04, http://en.cnki. com.cn/Article_en/CJFDTOTAL-GJPP201104007.htm; Yu Yongding, ‘The Temptation of China’s Capital Account’, Project Syndicate, 27/03/2013, http://www. project-syndicate.org/commentary/the-risks-of-easing-china-s-capital- controls-by-yu-yongding.
[2] Alistair Thornton, ‘Anaemic ascent: Why China’s currency is far from going global’, Lowy Institute for International Policy, 14/08/2012, http://www.lowyinstitute.org/publications/anaemic-ascent-why- chinas-currency-far-going-global.
[3] Barry Eichengreen, ‘The Renminbi Challenge’, Project Syndicate, 9/10/2012, http://www.project-syndicate.org/commentary/can-china-have-an-international- reserve-currency-by-barry-eichengreen

0 nhận xét:

Đăng nhận xét