Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Sự trỗi dậy của cánh tả mới ở Trung Quốc

Leslie Hook
Nghiên cứu viên Princeton-in-Asia fellow) ở Far Eastern Economic Review
Far Eastern Economic Review, Tháng 4 năm 2007


Vài lời giới thiệu: Bài viết theo lối báo chí này trình bày một số quan điểm của cánh tả mới ở Trung Quốc và sơ lược vẽ thêm ra khung cảnh mà các quan điểm này ra đời. Có thể nói quan tâm lớn của nhóm là tăng phúc lợi xã hội và nâng cao mức sống của nông dân. Cùng với những quan tâm trên là vấn đề dân chủ và tự do mà họ gần gũi với cánh tả cổ điển của Đảng thay vì quan điểm của phương tây.  Họ cảm thấy dân chủ và tự do kiểu ở các nước tư sản không thuyết phục, có lẽ vì họ hoặc quen, hoặc tin vào vai trò cần thiết của nhà nước nhằm thực hiện các chính sách xã hội, hoặc không tin lắm vào khả năng mua phiếu của giai cấp tư sản đang lên. Họ bàn về dân chủ mà ta cảm thấy là những ý tưởng của họ khá gần với dân chủ trực tiếp (thay vì dân chủ đại diện) của thời cổ đại chỉ áp dụng được trong một cộng đồng khá nhỏ bé, chẳng hạn như bốc thăm đại diện. Có thể nói các ý kiến về dân chủ của họ còn khá mù mờ.  Do sự chống đối của cánh tả mới, Luật về Tài sản phải hơn 6 năm mới  thông qua nổi Quốc hội vào 8 tháng 3 vừa qua, và sẽ được áp dụng trong năm nay. Điều này vừa phản ánh ảnh hưởng của cánh tả mới nhằm bảo vệ công hữu trên đất nông nghiệp (họ đã thành công, dù cũng giống như Việt Nam, quyền sử dụng có thể chuyển nhượng ), hoặc cho thấy hạn chế của nhóm là luật đã được ban hành công nhận các quyền tư hữu ở các lãnh vực khác với ba quyền: tư hữu, quyền sử dụng, quyền được bảo vệ.  Giới trí thức Trung Quốc rõ ràng là đã đi trước một bước so với giới trí thức Việt Nam. Quan tâm chính của giới trí thức Việt Nam vẫn chưa phải là quyền lợi của nhân dân lao động, mà chỉ nhằm vào cổ võ tinh thần yêu nước, nhằm tăng sức mạnh của “dân tộc”, cũng một cách mù mờ. 

Vũ Quang Việt
*
 
Wang Shaoguang (Vương Thiệu Quang[1]), giáo sư chính trị tại Chinese University of Hong Kong (Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông), ngồi trên ghé dướn người ra phía trước, tươi cười, nói là Trung Quốc đang ở điểm chuyển. “Tôi gọi nó là “đại cải”. Ông ta nói to lên. “Ngoài chính sách kinh tế, đây là lần đầu Trung Quốc có chính sách xã hội.” Ông ta nói, trước cải cách kinh tế, không cần có chính sách xã hội bởi vì xã hội và kinh tế giao thoa sâu sắc. Đối với ông Vương, chuyển hướng lần này, dù quá chậm, là tin vui. Ông cựu giáo sư Đại học Yale nói năng khúc chiết này, một trong các nhà trí thức Trung Quốc bị nhóm lại lỏng lẻo dưới nhãn “cánh tả mới”, chỉ ra tình trạng thu nhập ngày càng không đồng đều và lý luận là nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế trong quốc gia cần phải pha trộn với các chính sách dân chủ xã hội nhằm phân bố lại lợi tức. Và đây chính là điều bắt đầu đang xảy ra.    
 
 Chiều hướng chính sách xã hội gắn liền với sự phục hồi quyền lực chính quyền trung ương. Năm 1995,  thuế thu so với GDP ở mức tận đáy là 9.9%. Sau nhiều cố gắng phối hợp nhằm tăng thu, năm ngoái [2006] tỷ lệ này đã đạt 18.1%, gần tương đương với mức năm 1987. Dĩ nhiên, cùng kỳ, GDP theo giá cố định đã tăng gấp ba, tức là nhà nước có nhiều tiền để tăng cường quân sự, đầu tư vào hạ tầng mà vẫn còn nhiều để chi cho phúc lợi xã hội.
 
Việc phục hồi sức mạnh tài chính đi đúng chẩn đoán của ông Vương về cuộc chuyển hướng hiện nay. Ông nói: “Kinh tế và xã hội gắn bó với nhau thời xã hội chủ nghĩa, rồi nó xa nhau và bây giờ chúng đang gắn bó lại,” “Bạn đặc biệt quan sát thấy chúng ở y tế và giáo dục.” Ông ta giải thích là việc nhà nước rút lui khỏi các lãnh vực như y tế và giáo dục trong thời kỳ cao điểm của cải cách kinh tế thập kỷ 1980 và 1990 đã để lại bất bình đẳng ghê gớm mà chỉ bây giờ mới bắt đầu được lấp.      
 
Chính sách đã qua của Trung Quốc đã  kiểm chứng nhận xét này. Kế hoạch năm của lập pháp công bố ngày 27 tháng 2, trước Ngày họp Đại hội Đại biểu Nhân Dân Toàn quốc (Quốc Hội) đã viết như thế này: “Vì Trung Quốc hiện nay đặt phát triển kinh tế và xã hội ngang hàng, sẽ có nhiều luật liên quan đến các vấn đề xã hội trong vài năm tới.” Khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ ra rằng năm ngoái chi tiêu của chính phủ cho giáo dục tăng 39.4% và y tế tăng 65.4% so với năm trước.      
 
 
Kể từ năm 1992 khi Đặng Tiểu Bình đi thăm miền Nam và hâm nóng lại quá trình cải cách, chủ nghĩa thực dụng là nhật lệnh. Sự đối kháng trong giới lãnh đạo chop bu của Đảng cộng sản là giữa các phe phái dựa vào người đỡ đầu, không phải giữa phe nhóm chính sách. Vì thế mà ngày nay thật là ấn tượng, dù lãnh đạo vẫn nằm trong tay giới kỹ thuật, ý thức hệ đã trở lại ở mức độ nhất định.
    
Cuộc tranh luận không chỉ xảy ra quanh sàn nhà Quốc hội và xâm nhập vào các nhóm trí thức Trung Quốc: làm sao để điều hoà thành công thị trường tự do và di sản cộng sản của đất nước?  Đã qua rồi những ngày có thể xua đuổi mâu thuẫn bằng cách dùng đến câu nổi tiếng của Đặng: “Xã hội chủ nghĩa với đặc trưng Trung Quốc” 
 
Trỗi dậy của một phong trào
 
Trong năm năm từ khi Tổng bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, cánh tả mới đã xuất đầu lộ diện với một loạt các phương thuốc cho một xã hội có vấn đề. Mặc dù cái tên đặt này không hẳn đúng – tả và hữu thường được hiểu rất khác ở Trung Quốc so với châu Âu và Mỹ - cái danh này thường dùng để chỉ những người phản đối kinh tế thị trường tân tự do, họ muốn tăng phúc lợi xã hội, cổ võ cho việc tham gia dân chủ rộng rãi hơn (mà không cần dân chủ qua hình thức bầu cử), và ủng hộ các chính sách ngoại giao quyết đoán hơn.      
 
 “Nét đặc trưng của cánh tả mới gồm chủ trương lo cho người nghèo, người thế cô và chỉ trích phát triển quá đáng” Trương Tế Đông (Zhang Xudong), Giáo sư môn văn chương so sánh tại New York University (Đại Học New York), được coi là thuộc cánh tả mới. Qua phỏng vấn trên điện thoại,  Ông Trương cũng nhắc đến sự nổi lên của giai cấp tư sản mới, tham nhũng của giới cầm quyền, ô nhiễm môi trường và “sự tàn phá nông thôn” là những quan tâm chính của nhóm.       
 
Cánh tả mới đã bàn đến những vấn đề trên từ lâu rồi, nhưng suy thoái trầm trọng của môi trường và nông thôn ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã làm nổ bật trên toàn quốc những chủ đề trên. Năm 2004, đã xảy ra hơn 70 ngàn vụ náo động ở nông thôn, nhiều vụ gây ra từ các vụ chiếm đoạt đất đai trái phép của quan tham, và cấu trúc xã hội của nông thôn Trung Quốc tiếp tục mục nát thêm khi đàn ông và đàn bà có khả năng lao động đi về thành phố kiếm việc.           
 
Tình trạng ngày càng khó khăn rõ ràng đã nâng thanh thế của cánh tả mới. Giáo sư Vương cho rằng sáu hay bảy năm trước, đại học ở Trung Quốc hầu như bị cánh chủ trương chủ nghĩa tự do thống trị, nhưng hiện nay không còn như thế nữa. “Tại sao? Bởi vì xã hội đã thay đổi. Người ta đã phải suy nghĩ về những vấn đề mà trước đây người ta không nghĩ tới.” Nhiều người khác cho rằng cánh tả mới có ‘nhiều sức hấp dẫn.” 
 
Tuy vậy, danh từ cánh tả mới tự nó có vấn đề. Một số người mang danh này co rúm lại khi bị đem so với những người kiên định với “cánh tả cũ” - những người thành thật chủ trương trở lại thời Mao. “Vào thời kỳ đầu, ‘cánh tả mới’ không phải là chữ tôi muốn dùng, nó là chữ mà người khác dùng để phê phán tôi.” Ông Uông Huy (Wang Hui), Giáo sư ngôn ngữ và văn chương Trung Quốc ở Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) và là người đồng biên tập nguyệt san uy tín Dushu.
 
Những lý do đằng sau sự ngại ngần của trí thức về danh hiệu là vì chúng gắn với sư đổi chiều chấn động trong không khí chính trị Trung Quốc nhiều thập niên qua. Ông Trương chỉ ra ba giai đoạn phát triển của cánh tả mới: “Khi mới lộ diện, nó mang thuần tính học thuật và nhằm trực diện vào nhóm du học sinh viên Trung Quốc, học với các nhà trí thức cánh tả ở châu Âu và Mỹ. Họ phê phán thị trường hoá, tư nhân hoá và việc thu hẹp nhà nước phúc lợi.
 
Trong giai đoạn hai, khi những sinh viên này trở về nước, họ cảm thấy Trung Quốc đang trải qua cùng quá trình tư bản hoá mà các nước khác đã kinh qua, Ông Trương nói thế, và họ đay nghiến phê phán hướng cải cách. Kết quả là “người ở nhà hết sức nghi ngại họ.” Vào thập niên 1980 khi Trung Quốc tăng cường chương trình cải cách kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu một cách trứ danh là Đảng cộng sản phải cảnh giác với tính quá khích của phe tả hơn là của phe hữu. 
 
Tuy nhiên, khi kinh tế Trung Quốc tăng vọt và xã hội trở nên phân hoá nhiều hơn, những nghi ngại kia mất dần. “Bây giờ, ở giai đoạn gần nhất, cánh tả mới đã trở thành một phong trào xã hội khá rộng lớn. Có lẽ quá đáng khi gọi nó là một phong trào, nhưng rõ ràng nó là một khuynh hướng của những người có chung tâm cảnh” ông Trương nói thế. Hơn nữa, vẫn còn có sự khác biệt ý kiến rất lớn về điều mà cánh tả mới chủ trương. Một trong những mối chia rẽ trung tâm là giữa những người định nghĩa cánh tả mới qua lăng kính chống chủ nghĩa tự do kiểu mới (neoliberalism) - chủ nghĩa chủ trương tư bản thị trường tự do, và những người nhìn qua lăng kính chống chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism) - một chủ nghĩa chủ trương tự do cá nhân. Uông Huy (Wang Hui) tán thành quan điểm trước. Ông ta giải thích: “Đây không phải là cuộc tranh luận với chủ nghĩa tự do, giải thích là cánh tả mới rút ra từ nhiều nguồn tri thức kể cả truyền thống tự do. Quan điểm của ông ta là cánh tả mới thật sự đang tranh luận với chủ nghĩa tự do kiểu mới (neoliberalism) và ông ta đề nghị dùng danh từ “nhà trí thức có tinh thần phê phán” thì đúng hơn.      
  
Hay nói cách khác, Vương Thiếu Quang (Wang Shaoquang) định nghĩa phe phái dựa trên hai ý niệm về tự do của Isaiah Berlin: “Những người tự do chủ trương một thứ tự do của thế kỷ 19 – tự do khỏi (freedom from) thay vì tự do vươn tới (freedom to). Vì thế họ chỉ muốn để yên, không muốn nhà nước kiểm soát và can thiệp”. Ông ta cho là cánh tả mới chủ trương ngược lại. “Không chỉ tự do thoát khỏi sự can thiệp của chính quyền, mà là tự do vươn tới để có cơ hội bình đẳng về y tế, giáo dục và những thứ khác.” Nhóm này có lẽ bao gồm các người theo học thuyết Marx và Mao.
  
Trong chuỗi phân loại đó, một số nhà tư tưởng rơi vào khoảng giữa cánh tả mới và đám kiên định lập trường, tức là cánh tả cũ, mà hầu như đã hết thời. Củng Hiến Điền (Gong Xiantian, 巩献田), Giáo sư 72 tuổi ở Đại học Luật Bắc Kinh là một thí dụ, phê phán của ông ta đã là yếu tố lớn chận đứng việc thông qua Luật Tài sản [ND: cho đến mới đây thôi, vì luật đã được thông qua].  Là một nhà Mácxít nồng nhiệt, ông ta cho rằng khuynh hướng chính trị hiện đại cuối cùng rồi cũng chán chủ nghĩa tư bản và sẵn sàng “quay về với những ngày tốt đẹp đã qua”. Tuy nhiên, khác với đám kiên định lập trường cánh tả - được coi là già nua, bị bỏ bên lề và cay đắng – ông Củng khó có thể coi là lỗi thời. Điều ông ta biện luận là quyền tư hữu vi hiến ở Trung Quốc, một quốc gia được xây dựng trên ý niệm công hữu.  Khi ông ta phát biểu, lãnh đạo Trung Quốc ghi nhận. “Tháng 8 năm 2005 khi tôi cho công bố tiểu luận trên mạng,  Ngô Bang Quốc(Wu Bangguo) [Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc vụ Viện] gọi tôi tới và trao đổi rất lâu,” “và hôm 26 tháng 9 năm đó họ đưa ra tuyên bố về công hữu, nhấn mạnh là Trung Quốc vẫn dựa trên sở hữu tập thể.”      
 
Vì những sự chống đối, luật đã phải bổ sung để tăng cường việc bảo vệ công hữu, và một điều khoản đã được thêm vàođ ể nói rõ là luật không được mâu thuẫn với hiến pháp. Được phỏng vấn sau khi Quốc vụ Viện bàn kín bản dự thảo thứ bảy, ông Củng nói ông đã xem bản mới (lúc đó chưa được công bố) và ủng hộ những thay đổi và bản dự thảo.
 
Kinh nghiệm ông Củng cho thấy là lý tưởng cộng sản vẫn còn dư âm sâu trong giới lãnh đạo. Tuy nhiên, loại tranh luận mang tính ý thức hệ như thế này là hiếm hoi chứ không bình thường. Hầu hết những người được phỏng vấn để viết bài này than là ý thức hệ ngày càng mất chỗ đứng đối với việc quyết định chính sách. 
  
 “Đất nước cơ bản do đám kỹ sư và tầng lớp kỹ trị điều hành”, ông Trương, Giáo sư về văn chương ở Đại học New York nói. “Sinh viên ngày càng thờ ơ với chính trị” ông ta nói thêm, buồn nản. Một số thấy đây là cuộc khủng hoảng về lãnh đạo văn hoá. “Lãnh đạo hiện nay chỉ như nhấp chân thử đá để dò đường qua sông,” ông Hàn Du Hải (Han Yu Hai), Phó giáo sư văn chương Đại học Bắc kinh nói, khi nhắc đến câu nó nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình về chủ trương cải cách từ từ. “Chúng ta đôi khi đùa vui rằng lãnh đạo bước đi, đầu cúi xuống bởi vì họ đang dò tiền dưới đất”. Ông Hàn người bị ảnh hưởng chủ nghĩa Mao nói thế. “Khủng hoảng chính trị nằm ở đúng chỗ này – Trung Quốc không có lãnh đạo.  Kinh tế là chính quyền duy nhất…Tiền là ý thức hệ duy nhất.”      
 
Nhưng trong lúc cánh tả mới chỉ trích chủ nghĩa tự do mới (neoliberalism), họ không chủ trương trở về với kinh tế kế hoạch tập trung. Ông Trương nói: “Họ không kêu gọi trở về với thời nông thôn Mao-ít. Thay vì điều đó, họ kêu gọi con đường trung dung – mô hình xã hội chủ nghĩa Bắc âu, đường lối phúc lợi kiểu Anh, hay mô hình Mỹ New Deal [ND: thời Roosevelt những năm 1930]”.
 
Nhiều người cánh tả mới cho rằng cải cách lúc đầu mang lại lợi ích, nhưng càng lúc càng ít vì cái giá con người và thiên nhiên phải trả cho phát triển. “Cải các kinh tế khởi thuỷ là một trò chơi mọi người đều có lợi.” “nhưng vào cuối thập kỷ 1990 cải cách kinh tế đã trở thành trò chơi không mang lại lợi ích chung, được chỉ đủ trả cho thua.” Khi mà nhà nước đẩy y tế và giáo dục cho thị trường, nhiều người bị bỏ rơi lại đàng sau, mất đi những dịch vụ mà họ từng hưởng.”
 
Uông Huy (Wang Hui) cho là những vấn đề trên xảy ra là vì sự chấp hận quá hồ hỡi thị trường tự do dựa vào truyền thống tự do: “Tự do thị trường chỉ có thể thực hiện được với sự kiểm soát của chính phủ. Vì thế nó không thể không có giới hạn. Vấn đề của Trung Quốc là đời sống chúng tôi bị nhà nước kiểm soát qúa kỹ. Chúng tôi cần khoảng cách tự chủ. Chúng tôi không thể để đời sống chúng tôi bị thị trường kiểm soát”. Ông ta chủ trương mở rộng “dân chủ kinh tế” như là giải giáp cải thiện quyền lợi của người lao động.
 
Một khu vực mà cánh tả mới luôn quan tâm đặc biệt là nông thôn, họ chỉ ra rằng đây là chỗ mà kinh tế thị trường thất bại. Văn Thiết Quân (Wen Tiejun),  nhà kinh tế nông nghiệp ở Đại học Nhân dân, coi cải cách Trung Quốc là ăn cướp nông dân từ lao động, tư bản, bóc sạch “3 yếu tố sản xuất” mà Adam Smith nói tới là đất đai, lao động và tư bản.  Ông ta biện luận là Trung Quốc là một xã hội lưỡng phân điển hình, ở đó sự khác biệt quá lớn giữa môi trường thành thị và nông thôn đòi hỏi đường lối chính sách riêng cho từng khu vực.     
    
Các cải cách tạo phản ứng ngược vì các nhà làm chính sách đối xử với nông thôn không khác gì thành phố. Ông Văn nói: “Công nghiệp hoá nông thôn cộng với việc thị trấn hoá là con đường tốt để nâng cao thu nhập của nông dân.” Ông ta nói thêm thu nhập ở nông thôn tăng nhanh hơn ở thành vị vào thập niên 1980. “Không có phản đối, không có tranh chấp xã hội ở nông thôn. Thập kỷ 1980 là thời vàng son. Tranh chấp xã hội khởi đầu bởi vì từ thập niên 1990 chúng tôi không thay đổi kịp để phù hợp với thực trạng ở nông thôn. Việc áp dụng hệ thống luật pháp, chẳng hạn, thật sự không vận hành được ở nông thôn.” 
 
Cánh tả mới lấy các tai hoạ ở nông thôn Trung Quốc làm minh chứng cho quan điểm mà họ đã giữ vững trong một thời gian dài. Ông Vương Hội cười khi giải thích cách tạp chí của ông ta tung ra câu chuyện về nghèo đói ở nông thôn Trung Quốc.   “Vào năm 1999, Ushu in một bài về vấn đề tam nông [tức là nông nghiệp, nông dân và nông thôn]. Khi đó, chính quyền vẫn chưa công nhận là ba vấn đề này hiện hữu, nhưng hai năm sau đó, chúng được ghi vào chương trình nghị sự của Quốc vụ Viện”.
 
Ủng hộ từ phía trên
 
Cắt đứt dứt khoát với thời Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã làm rõ sư khác biệt lãnh đạo của họ bằng các biểu hiện hình thức mà chắc là làm vừa lòng cánh tả mới. Sau khi lên chức chủ tịch năm 2002, một trong những nơi mà Hồ Cẩm Đào thăm viếng đầu tiên là Xibaipo ở tỉnh Hebei (Hà Bắc), nơi Đảng cộng sản chiếm cuối cùng trước khi chiếm Bắc Kinh vào năm 1949. Còn ông Ôn, tạo dư luận trang nhất vài tháng qua khi viếng thăm trước thềm năm mới nhà nông dân ở nông thôn ở tỉnh Liễu Ninh (Liao-ning), lặp lại các cuộc viếng thăm thợ mỏ than cùng ngày vào năm âm lịch 2005.  Việc bày tỏ đoàn kết với giai cấp công nhân như thế này và cuộc viếng thăm các di tích cách mạng là nghĩa cử nhớ ơn quá khứ xã hội chủ nghĩa mà các lãnh đạo Trung Quốc trong vài thập kỷ qua không làm.    
 
Trong khi điều trên rõ ràng giúp tạo uy tín đang lên của cánh cả và cánh tả mới, nhiều người vạch ra rằng còn quá sớm để nói là ông Hồ chia sẻ niềm tin tả phái, hoặc là chính sách và dấu hiệu chính trị chỉ mang tính thực dụng. “Vào lúc này ông ta muốn giữ gìn nguyên trạng, vì vậy chúng tôi phải chờ xem ông ta thật sự tin gì,” một phụ nữ còn trẻ trong tiệm sách cách tả nói thế khi được hỏi, cô ta cho tên đóng phim là Hồng Tinh Mỹ Nhân (Red Star Beauty). 
 
Những người khác thì nghĩ là ông Hồ đã hiện nguyên mầu và sẽ tiếp tục như thế. Ông Trương diễn tả khẩu hiệu “xã hội hài hoà” và các cuộc thăm viếng di tích cách mạng của ông Hồ là “cách thật khôn ngoan tạo khác biệt giữa mình với mô hình Chu Chung Cơ (Zhu Rongi), quá thiên về doanh nghiệp và quá tập trung vào vùng ven biển, và là cách rất hay để đạt được một tính cách chính trị nào đó.”   
 
Ông Hàn, Giáo sư văn chương Đại học Bắc Kinh,  coi ông Hồ giống Mao Trạch Đông ở chỗ cả hai đều là trí thức bản địa, khởi đầu sự nghiệp từ cấp cơ sở - ông Hồ làm việc 14 năm ở tỉnh Cam Túc (Gansu), một trong những khu vực nghèo nhất Trung Quốc. “Hồ sẽ rất giống Mao, so với Đặng và Giang.” Tuy nhiên kẻ hồ nghi coi nét đặc trưng định nghĩa Hồ là thiếu viễn kiến, và các mầu sắc chính trị mà ông ta chọn là loại rất an toàn đối với một người ở vị trí ông ta.
       
Truyền thống dân chủ?
 
Giống như Mao, lãnh đạo mới nhấn mạnh “dân chủ.” Trong khung cảnh Đảng cộng sản, chữ này không có nghĩa là mỗi người một phiếu, mà có nghĩa là sự tham dự của số đông hơn quần chúng vào chính trị. Sau Cách mạng văn hoá, Đặng đưa Đảng ra khỏi các phong trào quần chúng nhằm huy động người hoạt động. Không ai muốn trở lại những ngày xưa đen tối với những cuộc đấu tố và biểu tình của Vệ binh Đỏ. Nhưng nhiều người cánh tả muốn khuấy động lên sự tham gia thực hiện chính sách Đảng tích cực hơn.
 
Giáo sư Vương nói: “Chúng tôi muốn trở về ý nghĩa nguyên thủy của dân chủ - đó là nhân dân cai trị.” Nói cụ thể, cánh tả mới có nhiều ý kiến khác nhau về phương cách đạt được điều này. Giáo sư Vương mô tả nhiều kịch bản để chọn lựa một ban giám khảo nhân dân bằng cách rút thăm để thông qua các sang kiến quan trọng về chính sách, hay tham gia phân phối ngân sách bằng cách người ở thị trấn hay làng có được tiếng nói trong việc quyết định phân phối ngân sách địa phương.      
 
Những người khác mô tả dân chủ với tý mùi xã hội chủ nghĩa. Ông Trương nói: “Dân chủ không chỉ là phương cách, thủ tục.” “Khi bạn nói về dân chủ, bạn phải nói về nó với các nội dung quan trọng như dân chủ trong phân chia của cải, dân chủ trong phân chia quyền lực xã hội.” Ông Vương nhìn ý niệm dân chủ rất khác với dân chủ tây phương mà những người Trung Quốc theo chủ nghĩa tự do chủ trương. “Ở Trung Quốc, nhóm chống lại cánh tả mới có khuynh hướng nói là, hãy đạt được cai trị bằng luật pháp, hãy có bầu cử, hãy theo luật chơi. Đấy chỉ là cách hiểu phiến diện dân chủ.”
 
Các nhà tư tưởng cánh tả mới thuộc nhiều mầu sắc khác nhau phê phán dân chủ kiểu tây phương, họ nói rằng họ hy vọng học được từ sai lầm mà các nước dân chủ đã phạm phải trong quá khứ. Và từ chối dân chủ bỏ phiếu, cánh tả mới tin rằng họ đặt quyền lợi tối thượng của quần chúng lên hàng đầu. Ông Củng (Gong) cảnh cáo: “Quan tham là những người hưởng lợi từ nền dân chủ kiểu tây phương. Trong tương lai có khả năng nhóm giàu có mới phất sẽ sử dụng dân chủ tư sản.” Ông Trương cũng bày tỏ nghi ngại tương tự: “cánh tả mới chủ trương một nền dân chủ sâu sắc hơn – nó phải tới đám đông, thay vì chỉ làm lợi cho giai cấp trung lưu thành thị. Khi người chủ trương chủ nghĩa tự do đánh đồng dân chủ với luật pháp cai trị, đó chỉ là cách hợp pháp hoá địa vị xã hội họ mới đạt được.     
 
Vài người thuộc cánh tả mới cho là Trung Quốc đã đang tiến tới mô hình dân chủ mà họ cổ võ. Vương Hội nói tới các cuộc thảo luận về Luật Tài sản. “Nhiều cái đang thay đổi về phương cách luật được soạn thảo. Trong quá khứ, chính sách được làm trong nội bộ chính phủ, nhưng bây giờ nhiều sang kiến chính sách khởi động từ xã hội.”  Ông ta kê ra một số yếu tố đã làm thay đổi cách thức xã hội và chính quyền tác động qua lại: Internet và tiếp cận thông tin mở rộng hơn, nhiều trí thức tham gia vào các cuộc tranh luận quan trọng và vào phát triển kinh tế.  “Khi điều kiện xã hội mở ra cơ hội cho những cuộc tranh luận như thế [đã xảy ra về Luật Tài sản], đó là điều tốt.”   
 
Mặc dù có những cảm nghĩ làm vững dạ như vậy, mâu thuẫn xuất hiện ở các vấn đề như nhân quyền và tự do báo chí. Từ lúc ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền, nhà nước ngày càng thắt chặt kiểm soát giới ký giả, và các đại học hàng đầu ở Bắc Kinh đã giảm cơ hội cho các cuộc phát biểu ý kiến công cộng. Internet vẫn tiếp tục bị theo dõi và hạn chế. Và trong Quốc vụ Viện năm nay, bàn thảo về Luật Tài sản đã xảy ra trong phòng họp kín, và khi đang viết bài này, Luật vẫn chưa được công bố. Ông Củng nói rằng quá trình làm luật ngày càng minh bạch và việc để quần chúng tham gia vào tranh luận về luật là dấu hiệu của “tiến bộ”, nhưng ông ta lắc đầu về cách Quốc vụ Viện đối phó với tranh luận về luật kỳ họp vừa qua. 
 
Ông Củng nói “Sự kiện họ dẹp tranh luận chứng tỏ rằng họ tránh tranh luận về ý thức hệ,” sự kiện mà nhiều người khác đã cố giải thích đó là vì hai ông Hồ và Ôn muốn tránh căng thẳng trước cuộc họp vào tháng Mười sắp tới [2007] của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 của Đảng cộng sảnTrung Quốc, cuộc họp năm năm một lần, những lần họp như thế có thể báo trước thay đổi chỗ ngồi của các lãnh đạo cao cấp.  Ông Củng gọi quá trình soạn thảo luật “quá bí mật”, và nói cách Quốc vụ Viện làm là “không đúng.” Những người cánh tả mới có một số phản ứng khác nhau về thảo luận về tự do báo chí, phản ánh vẻ đa dạng của những người bị gián nhãn cánh tả mới. Phía ôn hoà hơn có Vương Hội cổ võ không gian mở hơn cho thảo luận và cho rằng qua kinh nghiệm bản thân là thật khó kiểm duyệt báo chí. Ông nói: “Tôi đã làm nghề biên tập 11 năm. Tôi không có thể dùng ngôn ngữ thông thường để diễn tả kinh nghiệm này.”  “Chỉ khi nào tiếp tục bày tỏ quan điểm bạn mới có thể mở rộng được không gian thảo luận.”    
 
Những người khác không rõ họ đứng đâu. Giống như Vương Hội, Vương Thiếu Quang cũng nói mọi người nên được quyền tự do ăn nói. Tuy nhiên khi được khỏi thẳng về kiểm duyệt internet ở Trung Quốc, ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tôi không có kinh nghiệm này, hầu hết bạn bè tôi cở Trung Quốc đều có thể dùng internet hết sức phong phú.” Và những người kiên trì với đường lối tả phái thì đi xa tới mức ủng hộ chính phủ can thiệp vào báo chi. “Rõ ràng là có kiểm soát báo chí.” Hồng Tinh Mỹ Nhân, một người tự nhận là Mao-ít, nói với tôi trước khi theo bạn dùng thức ăn tối làm sẵn ở góc sau tiệm sách. “Nhưng đây là điều cần thiết. Rất khác Mỹ, chúng tôi cần hướng dẫn.”
      
Nhân quyền không phải là điều mà cánh tả mới thường bàn đến. “Nhân quyền không thuộc về thế giới quan của Mao Trạch Đông.” Ông Hàn nói thế, trong ngữ cảnh bàn về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, trước khi bàn đến quyển sách nổi tiếng về cảm quan chống tây phương, Trung Quốc Có Thể Nói Không (China Can Say No – China Industry and Commerce Associated Press, 1996)  
 
Điều mỉa mai là chính vì nhân quyền được tôn trọng hơn ở Trung Quốc mà những người trí thức này mới có tự do để nói lên sự không hài lòng với chính quyền của họ, một chính quyền khá thành công trong việc gạt bỏ ý thức hệ qua một bên. Khi mà những gía trị của chủ nghĩa tự do xâm nhập mạnh mẽ hơn, những người mỏi mòn ngóng chờ ngày có ít tự do kinh tế và chính trị lại có cơ hội tự khẳng định quan điểm của họ. Dù được lãnh đạo Trung Quốc thiện cảm hay không, điều này lại tăng thêm một thách thức với họ. 
 
Câu hỏi như vậy trở thành là: loại “biến cải” nào Trung Quốc đang đối mặt.  Cùng với việc cần có chính sách xã hội, Trung Quốc bây giờ lại phải đối mặt với cuộc tranh luận về cần chính sách gì.  Đòi hỏi của quần chúng nghèo cho một xã hội bình đẳng hơn (greater social equity) có thể dẫn họ đến đòi hỏi có tiếng nói thật sự nhằm thực hiện điều này. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo quốc gia và cánh tả mới không muốn thấy. 
 
Người dịch:VQV
 
 

 


[1] Các tên riêng người Trung Quốc phiên ra chữ Việt chỉ nhằm cho dễ đọc, và do đoán định thay vì dựa vào hán tự nên không chính xác.
 
©  Thời Đại Mới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét