Mới đây Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển Văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Quy hoạch về Văn hóa nhằm xây dựng Thành phố xứng tầm với vị trí là Thủ đô của đất nước, Trung tâm Văn hóa hàng đầu của khu vực, phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến hiện đại về nội dung, vừa phong phú đa dạng về bản sắc dân tộc.
Cả 11 lĩnh vực trong quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến 2030, cho thấy văn hóa có tầm quan trọng trong đời sống xã hội biết nhường nào. Nó là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử với những đặc trưng riêng mỗi vùng miền, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia. Nhưng điều cần nói là cả 11 lĩnh vực quy hoạch nêu ra thì Hà Nội đều đã có và phát triển mạnh mẽ trong hai thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. Những năm ấy tôi ở tuổi học trò và sau đó lớn lên làm công chức.
Liên phố Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Bài đã có tới bốn rạp chiếu bóng phim nhựa chiếu ba buổi một tối ai có thời gian rỗi gặp tuần có nhiều phim hay là mua vé lê la xem luôn hai phim hai rạp một tối. Toàn là những phim điện ảnh kinh điển. Kịch nói, cải lương rạp hát tối tối đỏ đèn. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nhiều người biết tới cũng là nhờ hệ thống nhà hátluôn đỏ đèn diễn các vở anh viết “Ông không phải là bố tôi” đến “Hồn Trương Ba da hàng thịt” rồi “Nhân danh công lý”. Công viên vườn hoa cả ngày và đêm lúc nào cũng đông người đi dạo, nghỉ mát, ngắm không gian sạch sẽ và tươm tất mà không có kẻ ăn cắp vặt hoặc trấn lột.
Hai thư viện lớn Hà Nội và thư viện Trung ương không khi nào vắng người đọc, còn mượn về nhà nghiên cứu. Tình yêu đẹp của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với cô Như Anh thời sinh viên cũng nảy sinh từ nơi kho tàng tri thức này. Và cửa hàng sách quốc văn người ta xếp hàng mua sách tấp nập như mua thực phẩm. Cô cậu tuổi học trò nào ngại mua hoặc lười đến thư viện thì có mạng lưới các nhà sách cho thuê sách tha hồ thuê và thuê đa dạng sách…
Bốn năm chục năm qua những gì thuộc hạ tầng cơ sở văn hóa đã có ở Hà Nội thì nó cứ mai một dần tàn lụi đi, mất phăng đi thê thảm để đến bây giờ thành phố lại lập quy hoạch từ đầu cho mãi 8 năm sau và tầm nhìn mãi 18 năm nữa. Có nghĩa là những ai ở độ tuổi 65 - 70 rất ít hy vọng thấy được viễn cảnh Văn hóa Hà Nội trùng phùng như quy hoạch.
Những người như tôi tuổi cũng vắt qua ba thời nhưng chậm hơn cha một thời: “thực dân - dân chủ cộng hòa – xã hội chủ nghĩa”. Cả hai thời phong kiến và thực dân con trẻ đều được dạy “học ăn - học nói”. Cái thời ấy học là để ứng xử cho phải đạo, cho phải phép chứ đâu đã có khái niệm để “có văn hóa”.
Học ăn là ăn sao cho đẹp miệng đẹp cái nết ăn: Trước khi vào bữa phải mời từ người nhiều tuổi tới người ít tuổi. Mời xơi cơm chứ không phải ăn cơm. Lấy thức ăn gắp một lần không đảo bới. Nhai khép miệng không nhồm nhoàm. Chuyện trò nhỏ nhẹ không nói to bắn cả thức ăn vào mâm chung. Không đưa bát ăn qua mặt người cùng mâm và nhận lại nên bằng hai tay. Nhìn mọi người mà ăn nhất là với người lớn tuổi, chú ý khẩu phần cấm khoái khẩu ăn không biết đến ai. Ngồi xa bàn ăn thẳng ngay không vục mặt ăn như một kẻ đói khát. Sách “Luân lý – Đạo đức” viết “Ăn trông nồi – ngồi trông hướng” là thế.
Học nói khó hơn học ăn vì cần thêm suy nghĩ chứ không chỉ đơn thuần thói quen. Trước hết học chào hỏi kính trên nhường dưới và học cách đáp lễ. Biết nói câu “xin lỗi” khi làm phiền ai, và nói câu “cảm ơn” khi nhận được giúp đỡ. Biết kìm nén cảm xúc để nói lời nhẹ êm khi tức giận và tập cách tự trách mình trước khi trách người.
Và tưởng như vớ vẩn khi phải học cả học cười. Cười căn bản là biểu cảm tâm trạng vui nhưng cũng phải tùy nơi tùy chốn để khi mình cười không bị người ta hiểu là cười nhạo - cười khinh - cười đểu. Học và thực hành lâu dần lâu dần những “Đường ăn – nhẽ ở” ấy mới mong trở thành thói quen tốt, tập quán tốt. Một khi nó đã trở thành thói quen tốt, tập quán tốt khi ấy nó đã làm nên nét văn hóa mặc định của chính con người ấy. Một cộng đồng gồm toàn những người có văn hóa là một cộng đồng có văn hóa. Những đứa trẻ rèn luyện mình sống có văn hóa thường được hàng xóm láng giềng hàng phố khen là trẻ được giáo dục chu đáo, bố mẹ sung sướng lắm. Bằng không, bị chê là thiếu giáo dục, vô giáo dục. Bố mẹ buồn và xấu hổ.
Dân ta đã có một “hạ tầng văn hóa ứng xử” tốt như vậy, thì rất buồn vì bây giờ phải bảo tồn nó. Xây dựng thói quen tốt phải tập cả đời người mới mong có. Làm cho nó tồi đi tới xấu xí thì rất nhanh. Giống như đưa băng đá vào gần lửa. Đất nước thống nhất gần bốn chục năm rồi mà ta vẫn còn đang “phấn đấu” xây dựng nếp sống văn hóa, nếp sống văn minh.
Xây dựng gia đình văn hóa cũng thế. Xây mãi hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn xây mà không bền vững. Các đợt tổng kết tuyên dương trao thưởng hằng năm năm nào cũng tổ chức đều đặn. Phố tôi ở mới đầu là “thể tất” cho thế hệ nhiều tuổi bán hàng quà và chè chén kiếm sống. Nay thế hệ ấy chuyển giao “quyền lực” sang thế hệ thứ hai, thứ ba mở rộng sang cả các gia đình khác bán đủ các loại hàng ăn với chè chanh đá cùng chè sữa chiếm trọn vỉa hè như của nhà mình. Cứ như thế này có nghĩa là đến năm 2050 Hà Nội vẫn nhếch nhác thế này thôi. Những tấm biển dùng ngữ thức mệnh lệnh “CẤM…” mà như không.
Người ta chán và người ta nói như giận hờn. Cụm từ “Còn lâu mới có” người ta dùng trên truyền thông cũng như khi “ngồi lê mách lẻo” nghe mà đau lòng:
Cần nhắc lại Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Chỉ riêng văn hóa ứng xử, về hình thức nó làm nên vẻ đẹp kiêu sa và về nội tâm nó làm nên vẻ đẹp phải cảm nhận mới thấy. Nhiều chục năm qua với lý do này lý do khác, bằng cách này cách khác nhiều thói quen tốt tập quán tốt đã bị “bức tử” mà nay phải “tái sinh”, bắt đầu từ “Văn hóa xếp hàng”, “Văn hóa gõ cửa”, “Văn hóa cảm ơn - xin lỗi” vớingười dân, và “Văn hóa nhận lỗi với cử tri” ,“Văn hóa từ chức” với chính khách. Vậy là cả nước cùng học xây dựng văn hóa văn minh bất kể ai.
Người có văn hóa không nhất thiết phải là người có học vấn. Nền tảng của văn hóa phổ cập mà người ta thường dẫn ra để xem xét là “phông văn hóa”, chính là văn hóa ứng xử. Người xây dựng được cho mình một thói quen và tập quán tốt trong đời sống thường nhật mà ta gọi là nếp sống văn hóa, luôn tự tin và biết tự trọng, không đành lòng làm việc xấu xa vô liêm sỉ, và sẽ bứt dứt xấu hổ khôn nguôi khi nghĩ tới việc đã một lần mình làm việc xấu xa đó.
Một thời và cả bây giờ, dường như câu nói “Mỗi người thầy là một tấm gương để học sinh noi theo” vẫn mang tính thời sự? - Không có gì đổi thay cả. Có điều những giá trị văn hóa toàn xã hội xuống cấp đến nhường ấy thì thày cô giáo cũng không thể cầm lòng sống chay mãi mãi được.
Từ nền tảng văn hóa bị vô hiệu chúng ta đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy trong đó có tệ tham nhũng vì mỗi con người tham nhũng không ý thức được tính vô liêm sỉ của hành động đó.
Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thậm chí tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, không thể có kinh tế cao mà văn hóa lùn. Từ chối dùng bàn ăn mà thích rải chiếu trên đất ngồi xếp bằng bằng. Không phải vì sự giản dị mà là chưa thoát khỏi tư duy làng ấp. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội đầu thế kỷ XXI vẫn có “bóng làng trong phố”. Khôi phục lại cái đã có tuy khó vì tiềm thức nhưng không khó như xây mới từ đầu tuy tầm nhìn dài tới 20 năm nhưng không thể không có tầm nhìn. Ai làm vượng khí văn hóa đều đáng trọng. Trong lúc này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét