Viện Nhà nước và Pháp luật
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013
Các quyền tự do cơ bản nhìn từ khía cạnh kinh tế
00:11
Hoàng Phong Nhã
No comments
Về
lịch sử, mục tiêu ban đầu khi thiết lập Cộng đồng châu Âu là để hình
thành một Cộng đồng kinh tế nên nó được định hướng ưu tiên về hội nhập
kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Một trong những mục tiêu ưu tiên
của Cộng đồng châu Âu là bảo đảm việc làm ở mức độ cao nhất, tăng trưởng
bền vững và không ngừng nâng cao mức sống của người dân trong các quốc
gia thành viên. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc xây dựng một
thị trường chung với không gian kinh tế thống nhất và tại đây con
người, hàng hóa, dịch vụ và tài chính được tự do lưu thông.
Theo
triết lý vận hành của thị trường chung, các yếu tố sản xuất (lao động,
tài sản, tài chính) có thể dịch chuyển đến bất cứ nơi nào trong các quốc
gia thành viên có chi phí sản xuất thấp nhất. Vì thế, đã xuất hiện một
cơ chế cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên và các vùng lãnh thổ
trong việc thu hút các yếu tố sản xuất. Và để ngăn ngừa khả năng “phá
giá xã hội”, sự cạnh tranh này đòi hỏi phải dựa trên một cơ chế phòng vệ
xã hội siêu quốc gia thông qua Cộng đồng chung dưới hình thức một Liên
minh.
Những nguyên tắc chung
Để
bảo đảm các chủ thể có thể thực hiện được các quyền tự do cơ bản trong
thị trường nội địa có hiệu quả, một hệ thống các điều kiện khung đã được
thiết lập:
Nguyên tắc cấm phân biệt đối xử:
nghiêm cấm bất cứ sự phân biệt đối xử nào bắt nguồn từ nguyên nhân quốc
tịch. Nguyên tắc này cũng bao hàm đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội và đối
xử bình đẳng giữa nam và nữ trong quan hệ lao động và việc làm.
Nguyên tắc thừa nhận lẫn nhau:
Các quy định quan trọng của một quốc gia thành viên của EU đều được coi
có hiệu lực tương đương với các quy định quốc nội trong quốc gia thành
viên khác.
Nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng (phù hợp) của các quy định pháp luật:
trong nhiều lĩnh vực như bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, an
toàn và bảo vệ sức khỏe, việc áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau sẽ
bị hạn chế. Vì thế để bảo đảm các quyền tự do cơ bản trong thị trường
nội địa, các quy định pháp luật được ban hành ở các quốc gia thành viên
có nội dung khác nhau phải được hài hòa hóa thông qua các chỉ thị của
EU.
Nội dung của những quyền tự do cơ bản
Có
thể khẳng định rằng, các quyền tự do cơ bản mặc dù có nhiều đặc điểm
của các quyền chủ thể song không phải là các quyền cơ bản trong EU. Về
nguyên tắc, các quyền cơ bản trong EU là quyền phòng vệ của các cá nhân
trong EU trước các cơ quan của EU. Trong khi đó, các quyền tự do cơ bản
chỉ đề cập đến phạm vi tự do của chủ thể trong sự đối kháng với các quốc
gia thành viên.
Tự do lưu thông hàng hóa:
được xem là nguyên tắc đòn bẩy để hiện thực hóa ý tưởng về thiết lập
thị trường chung trong Hiệp định về thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu
năm 1957. Đòi hỏi quan trọng của nguyên tắc này chính là xóa bỏ toàn bộ
thuế quan và các khoản thu mang tính chất thuế đối với các hoạt động
xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia thành viên. Kể từ năm 1968,
các rào cản thương mại trong EU đã hoàn toàn bị dỡ bỏ.
Tự do dịch chuyển lao động:
một trong 4 nguyên tắc nền tảng của Hiệp định thành lập Cộng đồng châu
Âu là tự do dịch chuyển cá nhân. Chức năng của thị trường chung đã đòi
hỏi phải xóa bỏ các rào cản đối với tự do cư trú. Nội dung của quyền tự
do này bao hàm cả việc tự do dịch chuyển lao động và tự do thiết lập chi
nhánh doanh nghiệp, tự do hành nghề và tự do kinh doanh.
Tự do hành nghề:
là một trong nội dung cơ bản của tự do dịch chuyển cá nhân. Quyền tự do
thiết lập chi nhánh đã cho phép các doanh nghiệp được tự do lựa chọn
địa điểm kinh doanh phù hợp trong thị trường chung. Nguyên tắc này đã
khuyến khích sự dịch chuyển các yếu tố kinh tế và xã hội cũng như bảo
đảm khả năng phát triển đồng đều ở tất cả các quốc gia thành viên.
Tự do lưu thông dịch vụ:
quyền này bảo đảm cung cấp một dịch vụ qua biên giới của một quốc gia
thành viên đến một quốc gia thành viên khác trong EU mà không nhất thiết
phải thiết lập chi nhánh kinh doanh tại quốc gia được cung cấp. Quyền
tự do lưu thông dịch vụ đã bổ sung cho các quyền tự do cơ bản khác liên
quan đến các công việc có thời hạn và xuyên biên giới giữa các quốc gia
thành viên. Điều đáng lưu ý là, đảm bảo quyền tự do lưu thông dịch vụ
không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia thành viên mà còn là nghĩa vụ
trực tiếp của mỗi cá nhân cư trú tại EU.
Tự do thanh toán và tự do lưu thông vốn:
Nội dung của quyền tự do này bao hàm cả tự do lưu thông vốn và tự do
thanh toán giữa các quốc gia thành viên với nhau và với các quốc gia thứ
ba. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng cho thị trường chung, vì thiếu
chúng, các quyền tự do cơ bản khác không được thực hiện một cách có
hiệu quả.
Ts. Bùi Nguyên Khánh
Viện Nhà nước và Pháp luật
Viện Nhà nước và Pháp luật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét