Những câu chuyện mang giá trị văn hóa về bản “gái tiến vua”, vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với làng người Dao, bản Mậu xã Tuấn Mậu (Sơn Động – Bắc Giang) nằm bên sườn tây dãy Yên Tử.
Bên cạnh đó, câu chuyện về hòn đá có khả năng kỳ lạ khi tạo được cảm hứng sinh lý cho những ai tắm dưới dòng suối nơi hòn đá đó ngự khiến cho người dân nơi đây ngỡ ngàng, khó lý giải.
Mảnh đất của những cung tần
Men theo con đường gập ghềnh đá và sỏi, chúng tôi tìm về Bản Mậu xã Tuấn Mậu (Sơn Động – Bắc Giang) nằm heo hút bên sườn Tây dãy Yên Tử linh thiêng để nghe những huyền tích, những câu chuyện xưa cũ và hiểu thêm những giá trị văn hóa có tự lâu đời của bản làng người Dao xung quanh câu truyện về bản “gái tiến vua”.
Cũng tìm về nơi đây để chúng tôi có cơ hội được mục sở thị hòn đá có khả năng kích thích sinh lý nơi suối Rọng Gà kỳ lạ có một không hai này.
Ông Hoàng Đức Dương |
Ông Hoàng Đức Dương (SN 1944) người đã nhiều năm nghiên cứu những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở bản Mậu kể lại lịch sử cũng như truyền thuyết về “bản gái tiến vua”, cho biết, tương truyền, cái tên bản gái tiến vua có từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Hồi Phật Hoàng lên Yên Sơn xuất gia, nhiều quan lại đã không đồng tình với quyết định của vua, thường tìm các phương cách nhằm làm vua thay đổi quyết định. Trong đó, việc dùng “mỹ nhân kế” đã được một số quan lại vận dụng. Họ đưa không ít cung tần mỹ nữ, có tài ăn nói ngon ngọt lên núi, nhằm làm lu mờ quyết định của đức vua. Tuy nhiên, ý nhà vua đã quyết không hề bị thay đổi.
Trước khi truyền ngôi cho thái tử nhà vua đã ra lệnh cho các cung tần mỹ nữ trở về quê sinh sống. Trong số đó, một số người còn nặng lòng với nhà vua bèn kiếm mảnh đất ngay chân núi Yên Tử để sinh sống.
Rồi thời gian cứ thế trôi đi, các cung tần mỹ nữ dưới dãy Yên Tử cũng lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Hàng trăm năm sau, nơi bản nghèo này vẫn còn lưu lại biết bao con cháu của những cung tần một thời.
Suối Rọng Gà |
Câu chuyện tương truyền về suối Rọng Gà bắt nguồn từ việc có một đôi nam nữ yêu nhau, người con gái đó có vẻ đẹp như hoa như ngọc nhưng vì việc dùng “mỹ nhân kế” của một số quan lại mà cô đã phải chia tay người yêu để vào cung tiến vua.
Người con trai đau xót trước sự chia lìa đó, bỏ lên khu vực núi Lái Am ngồi khóc và chết tại đây.
Còn về phần cô gái, sau khi bị tiến cúng vào cung cũng ngày đêm nhớ thương người yêu, khóc nhiều và bị hỏng một con mắt. Nhà vua đến thăm và biết đến chuyện tình cảm động của cô gái, cũng như tấm lòng thủy chung sắc son của nàng nên đã cho cô gái được trở về quê đoàn tụ với gia đình và người yêu.
Về đến quê nhà, biết tin người yêu nhớ thương mình và mất, cô gái đến khu Lái Am nơi chàng trai ra đi ngồi khóc nhớ thương người yêu và mất tại đây, nước mắt của cô tạo thành dòng suối Rọng Gà.
Chị Bàn Thị Hải, 44 tuổi, người bản Mậu |
Hòn đá lạ
Ông Dương cho biết: “Từ lòng đất khu vực Lái Am chảy ra một dòng nước trong veo, mát lạnh, cạnh đó có một tảng đá với 2 mặt lõm hình thuyền đối xứng nhau, một bên to một bên nhỏ. Người đân bản Mậu gọi là “hòn đá đĩ” hay hòn đá âm dương.
Phía hạ nguồn dòng suối chảy qua, người bản Mậu có đào một cái giếng dùng cho việc sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước đó bắt mạch từ Lái Am, và những bà mẹ nào muốn con cái trở nên xinh đẹp thì thường xuyên tắm gội và dùng nước ở mạch giếng này”.
Nói về vẻ đẹp của thiếu nữ khi tắm ở mạch nước giếng này bà Bàn Thị Duyên vui vẻ nói: “Thiếu nữ trong bản chỉ cần ra giếng tắm gội là làn da trở nên mịn màng như trứng gà bóc, mái tóc mượt mà. Mà điều kỳ lạ là chỉ những cô gái của bản Mậu khi tắm ở mạch nước này mới có được sự may mắn đó còn những người con gái ở bản khác thì không.
Trịnh Thị Hương (SN 1983) tham gia cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và đạt giải người đẹp hoa Cúc. |
Chính vì thế, ngày xưa con trai bản Mậu không lấy được con gái trong bản, ấm ức họ hò nhau làm thịt một con chó đen lấy tiết đổ xuống giếng và lấp bỏ giếng để gái làng không được dùng, trở nên xấu xí, không lấy được trai ở các làng khác mà phải lấy trai trong bản”.
“Cũng chính nơi mà trước đây người con trai và con gái trong câu chuyện cảm động “gái tiến vua” từng hẹn hò và mất đã xuất hiện một hòn đá với hình dáng kì lạ mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là “hòn đá đĩ”.
Xoay quanh những câu chuyện kỳ bí về “hòn đá đĩ”, có không ít điều mà người dân nơi đây vẫn cho là bí hiếm khó lý giải, như khi qua khu vực này những đôi trai trẻ đều có nhu cầu cao về mặt sinh lý. Theo cách người dân nơi đây lý giải, “hòn đá đĩ”, hòn đá âm dương, hay “đá nứng” là cách gọi quen thuộc của người dân”, bà Duyên cho biết thêm.
Ông Dương giải thích về chuyện “hòn đá đĩ” tạo cảm hứng sinh lý khi trai gái đi qua rằng: “Chuyện những đôi trai gái đi qua hòn đá đều có nhu cầu sinh lý cao là do muốn lên núi hay xuống núi đều phải lội qua quãng suối nơi có hòn đá.
Quãng suối này đẹp, nước trong xanh, không khí mát mẻ, cảnh non nước hữu tình kỳ thú nên mọi người thường dừng lại để nghỉ ngơi rửa mặt trò chuyện. Cũng như nhiều nhà thơ khi có cảm hứng về nơi nào đó cuốn hút thường “tức cảnh sinh thơ”, trai gái bên nhau thì tức cảnh sinh tình”. Một không gian thiên nhiên hoang sơ mà hữu tình tạo ra cho con người sự hưng phấn, vậy nên trai gái khi tới đây đều có… cảm hứng là chuyện dễ hiểu”.
Ra ngõ là gặp mỹ nhân
Hồ hởi nói về vẻ đẹp của những thiếu nữ quê mình ông Dương cho biết: “Bản Mậu cũng là nơi xuất thân của không ít cô gái trong các cuộc thi người đẹp nhưng người đoạt giải cao nhất và là niềm tự hào của bản làng miền sơn cước là Trịnh Thị Hương”.
Theo ông Dương, Hương sinh năm 1983, từng là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Năm 2007, Hương tham gia cuộc Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và đạt danh hiệu Người đẹp Hoa cúc. Ngoài ra Hương còn đạt được nhiều giải thưởng tài năng: Giải nhì đẩy tạ tỉnh Bắc Giang, giải nhất chạy 100 mét, giải A bài hát dân tộc Dao...
“Con gái Dao ở bản Mậu da trắng, môi đỏ, xinh xắn, có nhiều nét thanh tú là được thừa hưởng từ mẹ và cũng có thể là dùng nguồn nước từ dãy núi Yên Tử. Trước đó, cô Bàn Thị Giảng cũng lọt vào Top 10 hoa hậu vùng núi phía Bắc đấy”, ông Dương cho biết thêm.
Chưa hết vui mừng ông Dương còn kể thêm một số cái tên mà ông nói người dân nơi đây luôn lấy làm niềm tự hào như Trịnh Thị Tuyết (SN 1993) hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự - Bắc Giang. Năm 2012, Tuyết tham gia Hội thi Người đẹp Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất và đạt giải người đẹp thân thiện.
Anh Bàn Văn Thành, Trưởng thôn Mậu cho biết, bản Mậu có không ít những cô gái có vẻ đẹp bề ngoài bắt mắt nhưng còn cái duyên ngầm của con gái bản Mậu thì phải thật tinh tế mới biết, nó thể hiện ở sự khéo léo trong giao tiếp, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch thiệp.
Mặc dù có nhiều cuộc thi sắc đẹp mở ra, nhưng vì hạn chế về trình độ học vấn và điều kiện kinh tế còn khó khăn nên con gái bản Mậu vẫn chịu nhiều thua thiệt. Tuy nhiên, hiện nay cách sống thành thị cũng đã du nhập về nơi đây khiến cách ăn mặc, đầu tóc của không ít thiếu nữ bị cuốn theo.
(Theo VTC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét