Thế rồi chúng ta đến với Tân Ước kể lại chi tiết cuộc đời của Giê-su. Tại sao Chúa Trời lại quyết định tiết lộ tiểu sử của Giê-su không phải một lần mà bốn lần? Và tại sao điều Ngài tiết lộ lại rõ ràng là bốn bản văn khác nhau (của bốn tông đồ) và mâu thuẩn nhau cho cùng một câu chuyện? Không giống như tín đồ Thiên Chúa giáo, các nhà sử học đã đưa ra nhiều nghiên cứu hoàn toàn đáng tin cậy để trả lời các vấn nạn này. Kinh Thánh không phải được thiên khải từ Chúa Trời, đúng hơn nó chỉ là một tập biên soạn, mà lại biên soạn hoàn toàn không gọn gàng, do nhiều người viết qua nhiều thế kỷ, nhiều khi bị thay đổi và sửa chữa, và chứa đựng những truyền thuyết, chuyện kể, bảng phả hệ, ngụ ngôn, những bài viết cả thiêng liêng lẫn thế tục. Nó chẳng phải là một thiên khải từ Chúa Trời mà nó như Iliad hay Odyssey, Ramayana hay Mahabharata, là những tác phẩm hư cấu rất tương tự như Kinh Thánh.
Như nhiều người đã nỗ lực sưu tập một câu chuyện kể về các điều đã hoàn tất trong chúng ta, tôi cho rằng là đúng đắn cứ theo sát mọi điều trong quá khứ để viết ra thành một bản miêu tả theo thứ tự cho người đọc (Lk, 1:1-3).
Chẳng thấy tràn trề tinh thần của Chúa Trời gì cả trong câu văn đó dù trước hay trong lúc Luke viết, ông chỉ đơn giản nói rằng đã có những người khác viết về cuộc đời Giê-su được, nên ông nghĩ nếu ông viết vài điều thì cũng tốt thôi. Nếu ông ta có hứng khởi từ Chúa Trời để viết Phúc Âm tại sao tông đồ Luke đã không nói thẳng ra ?
Nhưng khẳng định được thiên khải chẳng những đã không có cơ sở mà còn nảy sinh ra một vấn đề nghiêm trọng. Tín đồ Thiên Chúa giáo luôn khẳng định rằng trong lúc họ cầu nguyện, Chúa Trời đã nói chuyện với họ, khuyên răn và bảo họ phải làm gì. Họ khẳng định giọng của Ngài rất trực tiếp, Rõ ràng và rất thực. Nhưng nếu thực sự họ không nghi ngờ rằng chính Chúa Trời đã hiệp thông với họ thì chắc chắn lời của Ngài phải được ghi lại và chép vào trong Kinh Thánh chứ. Kinh Thánh có lời của Chúa Trời nói với Moses, Joshua, Matthew, Mark, Peter và Paul, thế tại sao những lời Ngài nói với tín đồ Thiên Chúa giáo ngày nay lại không được chép vào trong đó? Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ lẩn tránh một vấn nạn như thế, và điều đó chứng tỏ rằng những lời mà họ nói rằng họ nghe bằng con tim đến thẳng từ Chúa Trời thì chẳng có tính thuyết phục chút nào.
Khi chúng ta xem Kinh Thánh mà tín đồ Thiên Chúa giáo sử dụng, chúng ta thấy có nhiều phiên bản khác nhau. Kinh Thánh của giáo hội người Ethiopia, một trong những giáo hội cổ xưa nhất, thì có nội dung của Books of Enoch và Shepherd of Hernias, nhưng lại không thấy hai phần nầy trong các Kinh Thánh của đạo Công giáo La Mã và đạo Tin Lành. Ngoài ra, Kinh Thánh dùng trong giáo hội Công giáo La Mã có các sách của Judith, Tobias, Banuch, v.v. nhưng lại bị dẹp bỏ đi trong Kinh Thánh dùng cho các hội thánh Tin Lành. Giáo sư H.L. Drummingwright của Đại chủng viện thần học Southwestern Baptist, trong bài giới thiệu Kinh Thánh, đã giải thích vì sao dẹp bỏ chúng để trở thành Kinh Thánh cho người Tin Lành dùng. Ông nói rằng “trong hầu hết Kinh Thánh của Tin Lành cho đến thế kỷ thứ 19, dưới sự hướng dẫn của Hội Kinh Thánh Anh và Nước Ngoài, những nhà xuất bản đã bắt đầu tự ý bỏ bớt chúng”. Một lần nữa, ta thấy vì những cuốn sách này có nội dung mà giáo hội không thích nên họ cắt bỏ bớt. Làm sao một cuốn sách như Judith, được xem là những lời không thể sai lầm của Chúa Trời, lại lúc thì có lúc thì không trong Kinh Thánh ? Tại sao lại có nhiều bản văn Kinh Thánh khác nhau? Và bản văn nào là những lời không thể sai lầm của Chúa Trời?
Ở đây, và trong nhiều đoạn khác, Kinh Thánh đã mâu thuẫn với sự kiện khoa học. Ngoài ra, không những Kinh Thánh mâu thuẫn với khoa học mà còn mâu thuẫn với chính nó. Chúng ta hãy xem câu chuyện sáng tạo vũ trụ. Chương đầu tiên của Kinh Thánh nói rằng Chúa Trời sáng tạo ra mọi cây cối vào ngày thứ ba (Gen, 1:11-13); chim, thú và cá vào ngày thứ năm (Gen, 1:20-23) và cuối cùng, đàn ông và đàn bà vào ngày thứ sáu (Gen, 1:26-27). Thế mà sau đó, Kinh Thánh cho một mô tả khác về câu chuyện sáng tạo lại nói rằng Chúa Trời sáng tạo chỉ người đàn ông trước (Gen, 2:7), rồi đến cây cối (Gen, 2:9), sau đó là chim chóc và thú vật (Gen, 2:19) và chỉ đến lúc đó Chúa Trời mới tạo ra đàn bà (Gen 2:21-22). Hai bản văn về một câu chuyện sáng tạo rõ ràng đã mâu thuẫn nhau.
Bây giờ chúng ta hãy xét câu chuyện về Con Thuyền của ông Noah trong trận Đại hồng thủy. Một đoạn trong Kinh Thánh cho chúng ta biết là ông Noah đã lấy từng cặp của tất cả thú vật và đem chúng lên thuyền (Gen, 6;19). Sau đó, trong một đoạn khác, Kinh Thánh lại nói ông Noah lấy bảy cặp thú và chim nào tinh sạch và một cặp cho những sinh vật còn lại rồi đem chúng lên thuyền (Gen, 7:2). Một lần nữa, Kinh Thánh lại tự mâu thuẩn với chính mình. Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ phản đối điều này, họ cho rằng những lỗi lầm này, và nhiều lỗi lầm khác nữa, trong Kinh Thánh chỉ là chuyện nhỏ nhặt và chẳng đáng gì. Tuy nhiên, chỉ cần một lỗi thôi thì cũng đã chứng tỏ là Kinh Thánh không phải không sai lầm. Lại nữa, nếu đã có sai lầm trong các chuyện nhỏ nhặt thì cũng có thể có sai lầm trong các chuyện quan trọng. Và cuối cùng, chỉ một sai lầm cũng đủ là bằng chứng hoặc Kinh Thánh không phải là lời của Chúa Trời hoặc Ngài cũng có khả năng sai lầm.
Tín đồ Thiên Chúa giáo có thể khẳng định là cho dù Kinh Thánh không nhất thiết được thiên khải một cách không sai lầm, nhưng Kinh Thánh là một chứng thư của những người đáng tin cậy. Họ có thể khẳng định rằng các tông đồ Matthew, Mark, Luke và John biết Giê-su rất rõ, họ sống kề cận với Giê-su nhiều năm, họ nghe giáo lý và viết ra những điều họ mắt thấy tai nghe; và chẳng có lý do gì để các vị nầy dối gạt hay cường điệu cả. Bởi thế, tín đồ Thiên Chúa giáo có thể khẳng định rằng Kinh Thánh là một chứng thư đáng tin cậy.
Tuy nhiên, chứng thư tin cậy được phải đến từ những người đáng tin cậy, những người chúng ta có thể tin, những người có lai lịch tốt. Các tông đồ của Giê-su có phải là hạng người như vậy không ? Chúng ta hãy xem.
Một vài tông đồ của Giê-su là người thu thuế (Matt, 9:9), một loại đàn ông không lương thiện và đáng khinh miệt (Matt, 18;17); kẻ khác chỉ là kẻ đánh cá thất học (Mk, 1:16-17). Simon là một người của nhóm Quá Khích (Lk, 6:15), một nhóm người được biết là cuồng tín và thường bạo động chống đối luật pháp La Mã, và như những người có liên quan đến chính trị bất hợp pháp, ông ta dùng bí danh và thường được biết dưới tên Peter (Matt, 10:2). Peter và James được cho biệt hiệu “Boanerges” có nghĩa là ‘con của sấm sét’ (Mk, 3:17) cũng làm cho ta nghĩ rằng họ liên quan đến chính trị bạo lực. Khi Giê-su bị bắt, các tông đồ của Ngài có đeo gươm và sẳn sàng sử dụng những thanh gươm nầy. Với những loại người như vậy, thật khó cho chúng ta cảm thấy yên tâm tin tưởng.
Một điều khác phải làm chúng ta thận trọng việc tin tưởng chứng thư các tông đồ của Giê-su là họ có vẻ luôn hiểu lầm những điều Giê-su nói (Mk, 4:13, 6:52, 8:15-17, 9:32; Lk, 8:9, 9:45). Họ được cho là đã thấy Giê-su thực hiện nhiều phép lạ hết sức đáng kinh ngạc thế mà dù vậy, họ vẫn nghi ngờ. Đến nỗi Giê-su đã phải rầy la họ và gọi họ là “những con người ít đức tin” (Matt, 8:26, 17:20). Liệu chúng ta có nên tin vào tường thuật của những người luôn luôn không hiểu những gì người khác nói với họ và là người mà thậm chí chính Giê-su cũng gọi là những người “ít đức tin” không ? Nếu những người đã thấy và biết Giê-su mà còn có “ít đức tin”, thì làm sao chúng ta, người chưa bao giờ thấy Ngài, lại đặt được niềm tin vào Ngài?
Sự kiện những người đã viết ra Kinh Thánh thì không đáng tin và thiếu niềm tin đã được minh hoạ bằng những gì họ làm trước và trong khi Giê-su bị bắt. Ngài yêu cầu họ canh gác nhưng họ lại ngủ (Matt, 26:36-43). Sau khi Giê-su bị bắt, họ đã nói dối và thậm chí đã chối bỏ không biết ngài (Mk, 14:66-72), rồi sau khi Ngài bị hành quyết, họ đơn giản quay trở lại việc câu cá của họ (Jn, 21:2-3). Và ai đã phản Giê-su đầu tiên? Tông đồ Judas của ngài (Matt, 26:14-16). Kết giao với những kẻ tội lỗi, nói láo và điên khùng, để giúp đở họ như Giê-su đã làm, là một điều tốt. Nhưng vấn đề là chúng ta có nên tin lời nói của hạng người này không?
Một việc khác còn lộn xộn hơn nhiều về các tông đồ của Giê-su là không biết có bao nhiêu người trong nhóm của họ đôi lúc đã bị quỷ ám. Mary Magdalene là người sau này khẳng định đã thấy Giê-su đứng dậy từ cái chết, thì đã từng bị bảy quỷ ám (Mk, 16:9). Chúa quỷ Sa Tăng nhập vào Judas (Lk, 22:3), và cũng ráng tìm cách nhập vào Simon (Lk, 22:31), và một lần chính Giê-su đã gọi Peter, trưởng tông đồ cùa ngài, là “Sa Tăng” (Matt, 16:23), điều nầy chứng tỏ rằng Ngài cũng bị quỷ ám lúc đó mới gọi Peter như thế. Dù hiện tượng quỷ ám thực sự xảy ra hay dù đó chỉ là những rối loạn tâm lý nghiêm trọng như các nhà phân tâm học ngày nay tin tưởng, thì cách nào cũng chỉ ra rằng chúng ta phải hết sức thận trọng khi nghiên cứu những lời nói của các tông đồ của Giê-su.
Thế là Moses, tôi tớ của Chúa Trời, đã chết ở trong vùng đất của Moab theo lời của Chúa Trời, và họ đã chôn ông ta trong thung lủng vùng đất Moab đối diện với Beth Peor, nhưng cho đến ngày nay không ai biết được chôn chỗ nào (Deut, 34.5-6).
Làm sao một người có thể viết về cái chết và đám tang của chính mình? Cuốn Phục truyền Luật lệ ký (Deuteronomy), ít ra, phải do một người nào khác viết chứ không thể là Moses.
Bây giờ chúng ta nhìn đến Kinh Thánh Tân Ước. Phúc Âm của Matthew được cho là do Matthew viết ra (Matthew là kẻ thu thuế, kẻ đa nghi, ít niềm tin), một trong các tông đồ của Giê-su . Thế mà chúng ta lại có thể chứng minh dễ dàng rằng Matthew không thể viết “Phúc Âm Matthew” được. Chúng ta đọc được trong Phúc Âm nầy như sau:
Khi Giê-su đi ngang qua đó, ngài thấy một người đàn ông tên là Matthew đang ngồi ở phòng thu thuế và ngài bảo ông ta, “ Hãy theo ta”. Và ông ta đứng dậy đi theo ngài (Matt, 9:9).
Từ trước đến giờ, chẳng khi nào người ta viết về mình bằng ngôi thứ ba cả. Nếu Matthew thực sự viết câu này, chúng ta sẽ được đọc như sau: “Khi Giê-su đi ngang qua đó, ngài thấy tôi ngồi trong phòng thuế và ngài nói với tôi, ‘Hãy theo ta’. Và tôi đứng dậy đi theo ngài.”
Như vậy rõ ràng câu này không do Matthew viết mà phải do một kẻ thứ ba nào đó viết ra. Ai là người thứ ba đó, chúng ta không biết. Nhưng những nhà học giả về Kinh Thánh đã suy đoán. Trong lời tựa bản dịch Phúc Âm của Matthew, nhà học giả đặc sắc về Kinh Thánh J.B. Phillips đã viết:
Truyền thống buổi sơ khai đã gán cho tông đồ Matthew là tác giả của Phúc Âm này, nhưng hầu như tất cả các học giả ngày nay đều phản đối quan điểm đó. Tác giả, người mà chúng ta vẫn tuỳ tiện gọi là Matthew, rõ ràng đã rút ra từ một tập hợp nhiều lời truyền khẩu. Ông ta đã sử dụng Phúc Âm của Mark một cách phóng túng, dù có sắp xếp lại thứ tự các sự kiện, và có nhiều lúc dùng những từ khác cho cùng một câu chuyện.
Đây là một thừa nhận gây xáo trộn sâu xa, đặc biệt lại là lời thừa nhận từ một học giả xuất chúng về Kinh Thánh Thiên Chúa giáo. Chúng ta được nghe nói là “hầu hết tất cả” các nhà học giả Kinh Thánh ngày nay đều bác bỏ ý tưởng cho rằng Phúc Âm của Matthew thực sự do Matthew viết. Chúng ta cũng được nghe nói là mặc dù không biết tác giả thực là ai nhưng vì để “thuận miệng”, ta tiếp tục gọi tác giả đó là Matthew. Rồi tiếp đó, chúng ta được nghe nói là dù ai viết Phúc Âm Matthew chăng nữa thì người đó cũng đã “tuỳ tiện chép nhiều tài liệu từ Phúc Âm của Mark”. Nói cách khác, Phúc Âm Matthew chỉ là một bản đạo văn mà các tài liệu được “sắp xếp lại” và trình bày lại theo “các từ khác”. Như thế thì thật hiển nhiên trong Phúc Âm Matthew, không những chúng ta không có lời của Chúa Trời, mà thậm chí cũng không có luôn cả lời của Matthew.
Ta phải nhớ đến công ơn của những nhà học giả uy tín về Kinh Thánh như Giáo sư J.B. Phillips, vì họ đã tự do thừa nhận điều này và những hoài nghi quan trọng khác về nguồn tác giả của Kinh Thánh, nhưng chính những sự thừa nhận như thế đã làm cho sự khẳng định rằng các tông đồ của Giê-su đã viết Phúc Âm là rõ ràng không đúng.
Trong Tân Ước, Giê-su và các tông đồ thường trích dẫn Cựu Ước để nhấn mạnh một quan điểm, hay rất thường khi cố chứng minh rằng Cựu Ước đã tiên tri các sự kiện trong cuộc đời của Giê-su. Nhưng khi chúng ta so sánh những trích dẫn này với nguyên bản trong Cựu Ước chúng ta nhận ra chúng hầu như luôn luôn khác nhau. Chúng ta sẽ so sánh bằng cách sử dụng ở đây Kinh Thánh Phiên bản Quốc tế Mới (The New International Version of the Bible).
Cựu Ước: Hởi Bethlehem Ephasthah, ngươi ở trong hàng ngàn Judah là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Do Thái, gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng (Mic, 5:2).
Tân Ước: Hởi Bethlehem đất Judah ! Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của đất Judah đâu; vì từ ngươi sẽ ra một tướng, là Đấng chăn dân Do Thái, tức dân ta (Matt, 2:6).
Trích dẫn trong Tân Ước không những chứa các từ khác, mà còn thay đổi nguyên bản. Có phải Matthew đã trích dẫn sai vì không quen thuộc với Cựu Ước nên đã tạo ra sai lầm? Hay ông ta chủ tâm trích dẫn sai nhằm thay đổi ý nghĩa? Hoặc Cựu Ước cũ mà Matthew dùng thì khác với Cựu Ước chúng ta dùng hiện nay? Tân Ước trích dẫn Cựu Ước hàng chục lần nhưng khó có được một trích dẫn nào là chính xác.
Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ phản đối và nói rằng những thay đổi đó nhỏ và không quan trọng. Có lẽ thế, nhưng đấy là những bằng chứng cho thấy Kinh Thánh có sai lầm, trái với điều mà Thiên Chúa giáo rao giảng. Lại nữa, thật là lạ khi các tông đồ Matthew, Mark, Luke, John và Paul, đều là những người mà theo tín đồ Thiên Chúa giáo thì đã được Chúa Trời thiên khải để viết Tân Ước, thế mà lại không trích dẫn đúng Cựu Ước.
Bản kinh King James: Lạy Cha chúng con ở trên trời, nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. Xin Cha cho chúng con rày hàng ngày dùng đủ, và tha tội chúng con, như chúng con đã tha kẻ có tội chúng con, lại chớ để chúng con sa chước cám dỗ , đừng giao chúng con vào tay ma quỷ, vì vương quốc và quyền năng, và vinh quang của ngài. Amen.
Phiên bản Quốc tế Mới (The New International Version): Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con rày hàng ngày dùng đủ, và tha tội chúng con, như chúng con đã tha kẻ có tội chúng con, lại chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Amen. (Lk 11:2-5).
Xin để ý các câu này – “Cha chúng con ở trên trời”, “vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy”, “đừng giao chúng con vào tay ma quỷ, vì vương quốc và quyền năng, và vinh quang của ngài” – đã bị cắt bỏ khỏi Kinh Lạy Cha mới. Chúng ta nên hỏi những người bạn Thiên Chúa giáo của chúng ta tại sao những câu này lại bị cắt bỏ ra khỏi giáo lý nổi tiếng và quan trọng nhất của Giê-su. Hãy hỏi họ phiên bản nào giữa hai phiên bản khác nhau nầy của Kinh Lạy Cha là lời của Chúa Trời không sai lầm, không thay đổi. Hãy hỏi họ ai đã có đủ tri thức và khôn ngoan để sửa sai Kinh Thánh như thế. Các bạn sẽ thấy họ rất khó trả lời các câu hỏi đó của bạn. Đang ở đây hay một mai đi nơi khác, độc giả nên đến các thư viện hay tiệm sách, tìm ra các phiên bản khác nhau của Kinh Thánh và so sánh chúng cẩn thận. Chúng ta sẽ thấy tận mắt các Kinh Thánh thì khác nhau dường nào do hậu quả của sự giả mạo.
Hoặc Kinh Thánh là lời không sai lầm của Chúa hoặc Kinh Thánh không phải như thế, chứ ta không thể nhặt nhạnh và chọn lựa từng đoạn theo ý riêng của mình. Còn ngay cả nếu thực sự có vài đoạn là thực còn vài đoạn thì không, thì tín đồ Thiên Chúa giáo lấy tiêu chuẩn gì mà quyết định được sẽ chọn đoạn nào? Nếu các chuyện kể về con lừa của Balaam biết nói tiếng người, về Adam và Eva đã ăn trái táo cấm, hay về Moses biến gậy thành rắn mà không có nghĩa đúng như thực, thì cũng có thể các câu chuyện về Giê-su phục sinh chỉ là một biểu trưng và không có ý nghĩa đúng thực như thế.
Người dịch: T.T.
(*) [Trích từ Chương 6 của tác phẩm “Tin Không Nổi - Một Phê bình Thiên Chúa giáo bảo thủ từ góc độ Phật giáo” (Beyond Belief – A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity) của A.L. de Silva.]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét