Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Václav Havel: Thư gửi ông Husák (Phần 2)



Phạm Nguyên Trường dịch


Toàn bộ tình hình mà tôi vừa cố gắng trình bày ở đây sẽ dẫn đến đâu?

Nói cách khác, hệ thống dựa trên sợ hãi và thờ ơ - tức là hệ thống đẩy tất cả mọi người vào hang ổ của sự tiêu thụ vật chất và cung cấp cho họ thói đạo đức giả làm phương tiện giao lưu chủ yếu với xã hội – sẽ tạo ra những ảnh hưởng như thế nào đối với nhân dân? Cảnh sát sẽ đưa xã hội tới đâu, khi mà mục đích duy nhất là trật tự giả tạo và sự phục tùng toàn diện, bất chấp phương tiện và cái giá phải trả?



Không cần là người giàu trí tưởng tượng cũng có thể thấy rằng tình hình như thế chỉ dẫn tới sự xói mòn dần tất cả các tiêu chuẩn đạo đức, sự sụp đổ mọi tiêu chí của sự tử tế, và sự hủy diệt trên diện rộng niềm tin vào những giá trị như sự thật, trung thành với nguyên tắc, sự thật thà, vị tha và danh dự. Cuộc sống - trong quá trình đồi phong bại tục như thế, tức là quá trình có xuất xứ từ việc người ta mất hết mọi hi vọng và mất hết niềm tin rằng cuộc sống có một ý nghĩa nào đó – phải chìm xuống mức tồn tại sinh học, chẳng khác gì cây cỏ. Một lần nữa, chúng ta lại đứng trước bi kịch của con người trong nền văn minh công nghệ hiện đại, được thể hiện bởi sự suy giảm nhận thức về thực tại tuyệt đối, mà tôi đề nghị gọi là “sự khủng hoảng bản sắc của con người”. Vì làm sao mà cái hệ thống kiên quyết đòi con người phải trở thành một cái gì đó khác hẳn với bản chất của anh ta có thể làm chậm lại quá trình sụp đổ bản sắc của con người?

Tật tự đã được thiết lập. Giá phải trả là tinh thần bị tê liệt, tình thương không còn và cuộc đời bị tàn phá. Trên bề mặt, đã đạt được “sự củng cố”. Giá phải trả là sự khủng hoảng cả về mặt tinh thần lẫn đạo đức.

Đáng tiếc là đặc trưng xấu nhất của cuộc khủng hoảng này là nó đang tiếp tục xấu đi hơn nữa. Chỉ cần nhìn cao lên một chút so với quan niệm hàng ngày đầy hạn chế của chúng ta là ta sẽ phát hoảng mà nhận ra rằng chúng ta đã quá vội vã từ bỏ những quan niệm mà mới hôm qua ta đã không chịu từ bỏ. Mới thấy những hành vi mà hôm qua còn bị coi là không thích hợp thì hôm nay lại được tha thứ, ngày mai sẽ được coi là đương nhiên và ngày kia sẽ trở thành hành vi mẫu mực. Mới thấy cái mà hôm qua còn bị coi là không chấp nhận được hay chí ít cũng không bao giờ có thể trở thành thói quen của chúng ta thì hôm nay lại được chấp nhận như là sự thật không thể tránh được, mà không có chút ngạc nhiên nào. Và ngược lại, có những điều mà chỉ cách đây ít ngày ta còn coi là đương nhiên phải thế thì hôm nay bị cho là ngoại lệ: và chẳng bao lâu nữa, không ai có thể biết là bao lâu, chúng ta có có thể coi đấy là những điều dị hợm, không thể nào hiểu được.

Những thay đổi trong cách đánh giá của chúng ta về “cái tự nhiên” và “cái bình thường”, sự thăng trầm trong quan niệm đạo đức trong xã hội chúng ta trong mấy năm vừa qua lớn hơn là có thể thấy khi chỉ nhìn lướt qua. Chúng ta càng ít nhạy cảm hơn thì đương nhiên là khả năng nhận thức về sự trơ lì của cảm giác cũng giảm đi theo.

Bệnh đã lan tràn, từ hoa lá xuống thân và rễ. Lí do nghiêm trọng nhất để gióng lên hồi chuông báo động là tình trạng hiện tại sẽ lan tới tương lai.

Lộ trình làm cho xã hội mở rộng ra, giàu có lên và văn minh hơn là lộ trình dẫn đến sự tự nhận thức một cách sâu sắc hơn, rộng lớn hơn và tinh tế hơn.

Phương tiện để xã hội tự nhận thức là văn hóa: văn hóa là lĩnh vực hoạt động đặc thù của con người, có ảnh hưởng tới não trạng của con người – mặc dù thường là ảnh hưởng gián tiếp – và đồng thời lại là đối tượng của ảnh hưởng đó.

Ở nơi nào mà việc kiểm soát toàn diện xã hội đè bẹp hoàn toàn sự phát triển đa dạng nội tại của nó thì văn hóa chính là cái đầu tiên bị đàn áp một cách thường xuyên:  không phải là bị đàn áp một cách “tự động” vì nó là hiện tượng trái ngược với “tinh thần” thao túng, mà là được “lập trình” một cách có tính toán, đấy là do người ta sợ rằng xã hội, thông qua văn hóa, tức là phương tiện cung cấp cho xã hội sự tự nhận thức, sẽ được báo động về mức độ nô dịch của mình. Văn hóa giúp xã hội mở rộng quyền tự do và khám phá sự thật – thế thì làm sao nó lại có thể hấp dẫn cái chính quyền chỉ chăm chăm đàn áp những giá trị đó? Chính quyền chỉ công nhận một kiểu sự thật: đấy là sự thật mà họ cần tại thời điểm đã cho. Và một kiểu tự do: tự do tung hô cái “sự thật” đó.

Thế giới, nơi “sự thật” không đơm hoa kết trái trong môi trường biện chứng của kiến thức xác thực mà “phát triển” trong môi trường của quyền lực thì đấy là thế giới của sự cằn cỗi về tâm hồn, thế giới của những giáo điều sơ cứng và thế giới của những tín điều bất di bất dịch và tàn nhẫn, chắn chắn sẽ dẫn tới chế độ chuyên chế không cần bất cứ giáo điều nào.

Đấy là thế giới của những cấm đoán và hạn chế và là thế giới của mệnh lệnh, là thế giới, nơi chính sách văn hóa trước hết có nghĩa là những chiến dịch của công an văn hóa.

Người ta đã viết và nói nhiều về mức độ tàn phá mà nền văn hóa hiện nay của chúng ta đang phải chịu đựng: hàng trăm tác phẩm và tác giả bị cấm đoán, hàng chục tạp chí phải đình bản; dự án của nhà xuất bản và danh mục tác phẩm của nhà hát bị cắt xén; tất cả các mối liên hệ với giới trí thức bị triệt tiêu; theo dõi và kì thị một cách phi lí trong lĩnh vực này; các hội đoàn văn nghệ sĩ và biết bao nhiêu trường phái học thuật cũ bị giải thể, thay vào đó là những hội bù nhìn do một nhóm những kẻ cuồng tín, háo danh, hèn nhát và những kẻ mới phất, bất tài, chỉ tìm cách nắm lấy cơ hội để nhảy vào chỗ trống mà thôi. Thay vì viết lại tất cả những chuyện này một lần nữa, tôi sẽ nói lên một số suy nghĩ về những khía cạnh sâu hơn, điều đó cũng phù hợp hơn với đề tài của bức thư này.

Trước hết, dù tình hình hiện nay có xấu đến đâu, điều đó cũng không có nghĩa là văn hóa đã không còn. Kịch vẫn được dựng, chương trình TV xuất hiện mỗi ngày và sách vẫn được xuất bản. Những hoạt động văn hóa hợp phát và công khai này, nói chung, chỉ thể hiện một đặc điểm căn bản: đấy hoàn toàn là ngoại hiện bởi vì nó khá xa lạ với bản chất thật của nó, nó không còn là phương tiện tự nhận thức của con người và vì vậy mà cũng không còn là phương tiện tự nhận thức của xã hội nữa. Và khi mà một giá trị xuất sắc không thể chối cãi xuất hiện – một vở kịch hoành tráng, nói thí dụ thế - thì đáng lẽ ra nó phải được coi là hiện tượng đáng được khoan dung vì sự tinh tế và tao nhã của nó và vì vậy mà từ quan điểm của chính quyền, tính chất vô hại tương đối của nó phải được coi là đóng góp vào quá trình tự nhận thức của xã hội. Nhưng ngay cả ở đây, khi đóng góp này còn chưa được nhận thức một cách thật sự rõ ràng thì chính quyền đã bắt đầu tự bảo vệ theo bản năng: mọi người đều biết những trường hợp mà người nghệ sĩ tài năng bị cấm đoán, nói chung chỉ đơn giản là vì đấy là người có tài mà thôi.

Nhưng đấy không phải là điều tôi quan tâm ở đây. Điều tôi quan tâm là sự ngoại hiện ấy hoạt động như thế nào trong những lĩnh vực, nơi mà người ta có thể mô tả trải nghiệm của con người một cách rõ ràng hơn và nơi mà chức năng thúc đẩy sự tự nhận thức của xã hội được thực thi một cách hiển nhiên hơn.

Lấy thí dụ, giả sử một các phẩm văn học - một vở kịch chẳng hạn – hay, có tính khêu gợi, có ý nghĩa, được xuất bản (đôi khi đã xảy ra những trường hợp như thế). Dù những phẩm chất khác của tác phẩm có như thế nào đi nữa, bao giờ chúng ta cũng biết chắc một điều: dù là do kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt do bản tính của nhà văn hay sự tự huyễn hoặc của ông ta, hậu quả của sự nhẫn nhục hay tính toán, tác phẩm sẽ không bao giờ đi trệch khỏi những điều cấm kị tầm thường, theo qui ước  - dù chỉ một đốt ngón tay – và vì vậy mà chủ yếu vẫn là ý thức dối trá, nó cung cấp và coi trải nghiệm giả tạo là trải nghiệm thực sự - đấy chỉ là những chuyện tầm phào, nhàm chán, dễ chịu, được khớp nối lại với nhau mà thôi; nghĩa là những ý nghĩ vàng vọt về những khía cạnh của trải nghiệm khi ý thức xã hội đã bị thuần hóa từ lâu. Mặc dù, đúng hơn là chính vì vậy mà bao giờ cũng có những người coi những tác phẩm như thế là thú vị, hứng thú và hay, mặc dù nó không tỏa sáng, không lóe lên kiến thức thực sự, theo nghĩa là nó tiết lộ một điều gì đó chưa biết, thể hiện một điều gì đó chưa được ai nói, hoặc đưa ra bằng chứng mới, có tính tự phát và hiệu quả, mà cho đến nay ta chỉ phỏng đoán mà thôi. Nói ngắn, bằng cách mô phỏng thế giới hiện thực, trên thực tế, tác phẩm đó đã xuyên tạc thế giới hiện thực. Còn về hình thức, không phải vô tình mà tuyệt đại đa số đều chỉ có một kiểu, nhờ sự vô hại đã được thực tế chứng minh mà được chính quyền trong nước – tư sản hay vô sản thì cũng thế - chào đón nồng nhiệt. Tôi muốn nói tới mĩ học của cái tầm thường, chứa đựng một cách an toàn trong bốn bức tường của đạo đức tiểu tư sản; triết lí ủy mị của những bà nội trợ, sự trần tục của những gã nhà quê và quan niệm mang tính tỉnh lẻ về thế giới, dựa trên niềm tin vào cái thiện nói chung. Tôi muốn nói tới giáo lí mĩ học mà cốt lõi của nó là sự sùng bái người bình dân ngay thẳng, chìm trong tinh thần tự thỏa mãn trên bình diện quốc gia xưa cũ, mà kim chỉ nam là nguyên tắc mọi thứ đều phải dễ thương, tầm thường và dễ hiểu, và đỉnh điểm là tinh thần lạc quan sai lầm, tức là cho rằng “sự thật sẽ chiến thắng”.

Những tác phẩm được viết nhằm khoác cho ý thức hệ của chính phủ hình thức văn học – chắc chắn là ông cũng biết – hiện nay là của hiếm và ngay cả với số lượng ít như thế, nhưng nếu đánh giá theo những tiêu chuẩn mang tính chuyên nghiệp thì đấy cũng là những tác phẩm kém. Đấy không chỉ là do không có người viết mà còn do, tôi tin là như thế, dù nó có vẻ ngược đời, là những tác phẩm như thế không được người ta chào đón. Vì, từ quan điểm hiện nay (tức là quan điểm của xã hội tiêu thụ), thậm chí nếu có những tác phẩm như thế, những tác phẩm có thẩm quyền về mặt chuyên môn và thu hút được sự quan tâm của một số người, thì những tác phẩm đó sẽ làm cho người ta hướng quá nhiều “ra bên ngoài”, sẽ xát muối vào quá nhiều vết thương cũ, và thông qua tính chất chính trị quyết liệt của nó mà kích động phản ứng chính trị quyết liệt và rộng khắp, và như vậy là sẽ khuấy động quá nhiều ao tù nước đọng, vốn bị người ta cố ý để cho càng tù đọng thì càng tốt. Điều mà tôi gọi là mĩ học của cái tầm thường lại đáp ứng tốt hơn quyền lợi của nhà cầm quyền hiện nay, đấy là mĩ học đã đánh mất sự thật một cách kín đáo hơn, dễ chấp nhận hơn và đáng tin hơn và (vì nó là thứ mà tâm trí bình thường dễ tiêu hóa hơn) phù hợp hơn với vai trò của văn hóa trong triết lí của xã hội tiêu thụ: không kích động dân chúng bằng sự thật mà an ủi họ bằng những điều dối trá.

Dĩ nhiên là những tác phẩm nghệ thuật như thế bao giờ cũng chiếm số lượng áp đảo. Nhưng ở nước ta bao giờ cũng có những kẽ hở để cho những tác phẩm nghệ thuật mà ta có thể nói là chuyển tải được sự tự nhận thức của con người đến với công chúng. Con đường cho những tác phẩm như thế chẳng bao giờ phẳng lặng. Trở ngại không chỉ từ phía chính quyền mà còn từ quán tính của những thái độ mang tính tập quán nữa. Cho đến thời gian gần đây những tác phẩm như thế vẫn đi theo những con đường bí ẩn, quanh co và đôi khi nhanh chóng đến được với cá nhân và xã hội và bằng cách đó đã thực hiện được vai trò là tác nhân của sự tự nhận thức của xã hội.

Đấy là tất cả những gì thực sự có ý nghĩa. Đấy chính là điều mà tôi coi là thực sự quan trọng. Và đấy chính là điều mà chính phủ hiện nay – có thể là lần đầu tiên kể từ ngày hồi sinh của dân tộc ta – đã khiến cho nó trở thành gần như bất khả thi; hệ thống quản lí văn hóa quan liêu càng kiểm soát toàn diện nền văn hóa bao nhiêu, càng giám sát kĩ lưỡng mọi kẽ hở mà những tác phẩm lớn có thể lọt qua bao nhiêu, thì cái nhúm người giữ trong  túi áo mình chìa khóa mở mọi cánh cửa càng sợ hãi chính quyền và sợ hãi nghệ thuật bấy nhiêu.

Dĩ nhiên là ông sẽ đánh giá cao khi tôi không nói đến danh sách những người nghệ sĩ có tinh thần sáng tạo bị cấm đoán hoàn toàn hay một phần, nhưng đã liệt kê một sanh sách còn tồi tệ hơn rất nhiều – đấy là “danh sách trắng” bao gồm, một cách giả định, tất cả những gì có thể chứa đựng tia lửa của một ý tưởng độc đáo mỏng manh nào đó, một kiến thức sâu sắc mẫn cảm nào đó, một sự chân thành, một ý tưởng lạ, hay một hình thức có tính gợi mở; tôi đang nói đến cái lệnh bắt giữ công khai tất cả những gì là tự do trong tâm khảm người ta và vì vậy mà là “văn hóa” theo nghĩa sâu sắc nhất của từ này, tôi đang nói đến mệnh lệnh chống lại văn hóa do chính phủ của ông ban hành.

Câu hỏi mà tôi đặt ra ngay từ đầu lại xuất hiện. Tất cả những chuyện này thực sự có nghĩa là gì? Nó sẽ dẫn đến đâu? Nó sẽ làm gì với xã hội?

Một lần nữa, tôi xin dẫn ra ở đây trường hợp cụ thể. Như ông đã biết, ở nước ta hầu hết các ấn phẩm văn hóa định kì cũ đều đã ngừng phát hành. Những tờ sống sót được thì phải thích ứng với chính sách của chính phủ đến mức chẳng đáng coi là những tờ tạp chí nghiêm túc.

Kết quả của những chuyện đó là gì?

Mới nhìn thì gần như bằng không. Các bánh xe của xã hội tiếp tục quay mà hầu như chẳng cần tất cả những tạp chí văn học, nghệ thuật, sân khấu, triết học, lịch sử và những tờ tạp chí khác mà số lượng – ngay cả khi chúng còn tồn tại – cũng không bao giờ lấp kín được những nhu cầu thầm kín của xã hội, tuy nhiên chúng vẫn hiện diện và vẫn có vai trò của mình. Có bao nhiêu người hiện nay còn cảm thấy nhớ tiếc những ấn bản đó? Chỉ vài chục ngàn người đăng kí mua chúng là cảm thấy tiếc – thật là một nhóm rất nhỏ trong xã hội.

Nhưng sự mất mát này sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với số người có liên quan. Ý nghĩa thực sự của nó dĩ nhiên là được che dấu và thật khó mà đánh giá một cách chính xác được.

Sự thủ tiêu bằng bạo lực một tờ tạp chí như thế - thí dụ như tạp chí lí luận sân khấu – không chỉ là sự mất mát của những độc giả cụ thể của tờ báo này. Thậm chí đấy cũng không chỉ là một đòn giáng mạnh vào văn hóa kịch nghệ. Nó đồng thời và trước hết là sự thủ tiêu một cơ quan ngôn luận đặc biệt mà nhờ đó xã hội nhận thức được chính mình và vì thế mà nó là sự giao thoa – thật khó mô tả bằng những thuật ngữ chính xác – trong một hệ thống phức tạp của quá trình luân chuyển, trao đổi và chuyển hóa trong cơ thể xã hội. Đấy là đòn giáng vào động lực tự nhiên của cơ thế đó; là sự rối loạn của những tương tác cân bằng của rất nhiều chức năng, những tương tác phản ánh mức độ phức tạp mà cơ thể xã hội đã đạt được. Và hệt như sự thiếu vitamnin mãn tính có thể làm cho con người trở thành ốm yếu, thì trong dài hạn, việc đình bản một tờ tạp chí có thể gây ra cho cơ thể xã hội thiệt hại lớn hơn là mới thoạt nhìn vào. Và thiệt hai sẽ như thế nào nếu đấy không phải là một tờ mà hầu như tất cả các tờ báo?

Dễ dàng chỉ ra rằng tầm quan trọng thật sự của kiến thức, tư tưởng và sự sáng tạo không chỉ giới hạn ở – đấy là nói trong xã hội đã phân tầng – vai trò của chúng đối với những nhóm người liên quan trực tiếp về mặt vật chất với chúng, dù là tích cực hay thụ động. Đấy bao giờ cũng chỉ là một nhóm nhỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học. Nhưng kiến thức đang được tìm kiếm, được chuyển tải qua nhiều trung gian, cuối cùng có thể có ảnh hưởng sâu sắc đối với toàn bộ xã hội, hệt như chính trị, trong đó có đe dọa của vũ khí nguyên tử, có liên quan trực tiếp tới mỗi người chúng ta, thậm chí ngay cả khi đa phần chúng ta không biết gì về những tính toán lí thuyết dẫn đến việc chế tạo bom nguyên tử. Nhiều thí dụ lịch sử cho thấy tác động tương tự của những kiến thức không phải là chuyên ngành, đấy là những vụ bộc phát vô tiền khoáng hậu trong lĩnh vực văn hóa, chính trị và đạo đức mà hạt nhân của quá trình kết tinh, chất xúc tác cho chúng chỉ là hành động tự nhận thức của xã hội do một nhóm nhỏ và khép kín - những người trực tiếp và cảm nhận được “bằng cơ thể của mình” – dẫn dắt. Thậm chí sau đó, dù hành động này vẫn chưa được xã hội đánh giá đúng thì nó vẫn là điều kiện không thể thiếu của sự bộc phát đó. Vì chúng ta không bao giờ biết được khi nào thì tia lửa kín đáo của kiến thức bùng lên trong mấy tế bào não - như vốn đã từng xảy ra như thế - những tế bào đặc biệt thích nghi với với sự tự nhận thức của cơ thể, có thể chiếu rọi con đường cho toàn bộ xã hội, mặc dù xã hội có thể không biết làm cách nào mà nó nhận ra con đường đó. Nhưng đấy cũng chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Vì thậm chí ngay cả biết bao nhiêu tia lửa của kiến thức không bao giờ chiếu rọi được con đường trước mặt xã hội thì gộp chung lại, chúng vẫn có giá trị vô cùng quan trọng đối với xã hội, chỉ cần sự kiện là chúng đã lóe sáng, chúng đã có thể phát sáng, chỉ cần chúng xuất hiện là chúng đã thể hiện một tiềm năng nào đó của xã hội rồi – dù đấy có là sức sáng tạo hay đơn giản chỉ là quyền tự do thì chúng cũng đã giúp tạo ra và giữ vững môi trường của nền văn minh mà thiếu nó thì không có tia lửa sáng hơn nào có thể bùng lên được.

Nói ngắn, không gian hoạt động của quá trình tự nhận thức là không thể chia cắt; một sợi tơ bị cắt chắc chắn sẽ làm hỏng sự cố kết của cả mang lưới và điều đó tự nó đã cho thấy tính chất tương thuộc khác thường của tất cả những tiến trình rất tinh vi diễn ra trong cơ thể xã hội mà tôi đã nói tới, cho thấy vai trò quan trọng không thể nghĩ bàn của mỗi quá trình và vì vậy mà sự đổ vỡ của mỗi quá trình cũng tạo ra sự tàn phá không thể nghĩ bàn.

Tôi không muốn qui giản mọi thứ xuống còn một khía cạnh duy nhất và tương đối nhỏ của toàn bộ vấn đề. Nhưng chẳng lẽ điều đó tự nó không khẳng định rằng “mệnh lệnh chống lại văn hóa” đã và sẽ có ảnh hưởng vô cùng tai hại – mặc dù nó chỉ tác động trực tiếp lên một số ít người - đối với tinh thần và đạo đức của xã hội hay sao?

Nếu không có một cuốn tiểu thuyết của Tiệp nào – tức là những cuốn mà ta không sợ sai khi nói rằng nó đã làm giàu trải nghiệm của ta về thế giới – từng xuất hiện trong cửa hàng sách, điều đó chắc chắn là không tạo ra ảnh hưởng đối với xã hội. Độc giả không đi biểu tình trên đường phố và cuối cùng bạn vẫn tìm thấy một cái gì đó để đọc. Nhưng ai đủ can đảm đánh giá ý nghĩa thật sự của sự kiện này đối với xã hội Tiệp? Ai biết khoảng trống này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với tinh thần và đạo đức của xã hội trong những năm sắp tới? Nó sẽ làm giảm khả năng tự nhận thức của chúng ta đến mức nào? Sự thiếu vắng khả năng tự nhận thức về mặt văn hóa như thế sẽ hạ nhục những người tự biết mình vào hôm nay hay ngày mai đến mức nào? Hàng núi những trò bịp bợm hình thành một cách chậm chạp trong ý thức văn hóa, cần phải phá hủy những trái núi nào? Phải quay trở về bao xa? Ai có thể nói rằng những người nào sẽ tìm được sức mạnh để thắp lên ngọc lửa của sự thật, khi nào thì tìm được lửa, tìm bằng cách nào, từ những nguồn lực nào, khi đã bị mất không chỉ nhiên liệu mà cả cảm giác rằng có thể tìm được nó?

Một vài cuốn tiểu thuyết loại đó, tức là những cuốn không được bày trong cửa hàng, quả thật có tồn tại: chúng được truyền tay nhau dưới dạng viết tay. Về mặt này, tình hình không đến nỗi tuyệt vọng: từ những điều tôi vừa trình bày, nếu một cuốn tiểu thuyết như thế suốt nhiều năm ròng cũng chỉ có chừng hai mươi người biết thì sự tồn tại của nó vẫn cứ là sự kiện quan trọng. Điều đó có nghĩa là có một cuốn sách như thế, có thể viết một cuốn như thế, một cuốn như thế đang có mặt, ít nhất là trong một phần rất nhỏ của ý thức văn hóa. Nhưng những lĩnh vực chỉ có thể sáng tác thông qua những kênh gọi là hợp pháp thì sao? Làm sao có thể đánh giá được thiệt hại đã và tiếp tục bị người ta gây ra bằng cách bóp nghẹt mọi hoạt động có tính sáng tạo trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, những tác nhân khích thích đặc biệt của xã hội? Chân không trong các ngành nhân văn, trong lí thuyết và thực hành các môn khoa học xã hội sẽ gây ra những hậu quả dài hạn và to lớn đến mức nào? Ai đủ sức đo lường những hậu quả của việc gián đoạn một cách đột ngột quá trình tự nhận thức trong lĩnh vực bản thể học, luân lí học, sử học, tức là những quá trình phụ thuộc vào việc tiếp cận với luồng lưu chuyển thông tin, ý tưởng, phát minh và giá trị và sự hình thành thái độ xã hội một cách bình thường?

Câu hỏi tổng quát là: ngày hôm nay nền văn hóa bị thiến như thế thì ngày mai bệnh bất lực về tinh thần và đạo đức sẽ nặng đến mức nào?

Tôi sợ rằng hậu quả xấu đối với xã hội còn kéo dài nhiều năm sau khi quyền lợi chính trị đặc thù tạo ra những hậu quả đó đã không còn tồn tại nữa. Trong con mắt của lịch sử, trách nhiệm của những kẻ đã hi sinh tương lai tinh thần của đất nước cho quyền lực hiện tại của họ cũng lớn như thế.

Nếu tăng entropy (mức độ mất trật tự trong hệ thống -ND) là qui luật căn bản của vũ trụ thì qui luật căn bản của đời sống là được tổ chức ngày càng cao hơn và chống lại sự gia tăng của entropy.

Đời sống vùng lên chống lại đồng phục và cào bằng; mục tiêu của nó không phải là sự đơn điệu mà là đa dạng, liên tục vượt lên chính mình, là cuộc phiêu lưu của những điều mới lạ và cuộc nổi dậy chống lại nguyên trạng. Điều kiện căn bản cho quá trình vươn lên là cái bí mật luôn luôn có cơ hội hiển lộ.

Mặt khác, bản chất của chính quyền (mục đích của chính quyền là áp đặt sự đồng thuận vĩnh viễn nhằm bảo đảm cho sự trường cửu của họ) là ngờ vực mọi sự đa dạng, sự độc đáo và vượt lên chính mình; ác cảm với tất cả những gì chưa biết, tinh tế và chưa rõ ràng;  là thích sự đơn điệu, đồng nhất, trì trệ; lúc nào cũng chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng. Tư duy máy móc lấn át tư duy sống động. Trật tự mà chính quyền hướng tới không phải là hình thức tự tổ chức chức xã hội cao hơn, đồng nghĩa với sự phức tạp của cơ cấu, mà ngược lại, rút vào “trạng thái dễ dự đoán nhất”, có số entropy cao nhất. Đi theo hướng của entropy, nghĩa là chính quyền đi theo hướng ngược lại với hướng đi của cuộc sống.

Như chúng ta đã biết, trong cuộc đời của một con người, có những lúc khi mà sự phức tạp của cơ cấu bất ngờ giảm xuống và con đường của người đó hướng theo chiều tăng của entropy. Đấy chính là lúc người đó chịu khuất phục qui luật chung nhất của vũ trụ: giây phút lìa đời.

Nhưng tại ngọn nguồn của những chính quyền đi theo con đường gia tăng của entropy (và thích coi cá nhân như một cái máy tính, có thể nạp vào mọi chương trình và bảo đảm rằng nó sẽ chạy tốt) bao giờ cũng ẩn chứa nguyên lí chết chóc. Mùi của tử khí phảng phất ngay trong khái niệm “trật tự” mà chính quyền đó thi hành và chính quyền đó coi tất cả mọi biểu hiện của đời sống chân thật, mọi ngoại lệ, mọi biểu hiện mang tính cá nhân, mọi suy nghĩ, mọi ý tưởng hay ước muốn khác thường đều là đèn đỏ, báo hiệu một sự lầm lẫn, hỗn loạn và vô chính phủ.

Toàn bộ hoạt động của chế độ hiện nay, như tôi cố gắng lần lượt chỉ ra, khẳng định những quan điểm làm nền tảng cho cương lĩnh của nó – trật tự, ổn định, thống nhất, “đưa dân tộc ra khỏi khủng hoảng”, “ngăn chặn trình trạng trì trệ”.v.v.. – cuối cùng cũng có nghĩa là chết, đấy cũng là ý nghĩa của những quan điểm của các chính quyền đi theo hướng tăng của entropy.

Đúng là trật tự đã chiếm ưu thế: trật tự quan liêu của sự đơn điệu, chán ngắt, bóp nghẹt mọi biểu hiện của cá tính, sự chính xác theo lối cơ học đè bẹp mọi biểu hiện của sự độc đáo, sự trì trệ mốc meo ngăn chặn mọi sự vượt lên chính mình. Trật tự giữ thế thượng phong, nhưng cuộc sống đã không còn.

Đúng là đất nước ổn định. Nhưng là ổn định của nhà xác hay nghĩa địa, bạn không định bảo thế chứ?

Nguồn: http://www.vaclavhavel.cz/showtrans.php?cat=clanky&val=71_aj_clanky.html&typ=HTML

0 nhận xét:

Đăng nhận xét