Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014
Những điều cần biết về vấn đề phân hóa xã hội
17:00
Hoàng Phong Nhã
No comments
Ở phần lớn các xã hội, trong một
chừng mực nào đó, một số cá nhân có thể có lợi thế hơn các cá nhân khác
về một số mặt như kinh tế, quyền lực, danh tiếng, hay trước pháp
luật...
Sự "khác biệt" này được gọi là
phân hóa hay bất bình đẳng xã hội. Và sự phân hóa xã hội có liên quan
chặt chẽ tới sự phân bổ của cá nguồn lực kinh tế. Trong phần này người
viết sẽ cố gắng đưa ra một cái nhìn toàn diện về phân hóa xã hội trên
bình diện rộng, giữa các xã hội khác nhau.
Mức độ phân hóa:
Các xã hội khác nhau ở mức độ mà các nhóm xã hội như gia đình, dòng họ,
sắc tộc... cũng như các cá nhân đơn lẻ có sự tiếp cận tới các nguồn lực
kinh tế. Theo các nhà nhân học, các xã hội được đến ngày này có thể
được phân loại vào một trong ba phạm trù sau: (i) Xã hội quân bình, (ii)
Xã hội có phân chia đẳng cấp và (iii) Xã hội có giai cấp. Ở phần dưới
đây, ba loại xã hội trên sẽ được lần lượt đề cập. Xã hội quân bình
Xã hội quân bình không có nghĩa là tất
cả các cá nhân đều giống nhau. Mà theo Morton Fried (trong Carol, Melvin
và Peter 2002:309) xã hội quân bình có nghĩa là mọi thành viên trong xã hội đó có khả năng đạt được địa vị xã hội mà họ có khả năng. Tác
giả ví dụ như sau nếu trong bộ lạc một vị trí dành cho người có khả
năng làm được những vũ khí tốt, thì bất cứ cá nhân nào có khả năng làm
được vũ khí đó đều được dành cho vị trí đó. Một nguyên tắc quan trọng
của xã hội quân bình là chia sẻ, đảm bảo sự tiếp cận công bằng
tới các tài nguyên dù các thành viên có khác nhau về uy tín xã hội. Bên
cạnh đó, trong các xã hội này không tồn tại cái gọi là nhóm xã hội (sẽ
được bàn luận ở phần tổ chức chính trị). Dù có lãnh đạo nhưng lãnh đạo
ít có khả năng lấn át các thành viên xã hội. Ví dụ tiêu biểu cho mô hình
xã hội quân bình là bộc lạc của người !Kung, Mbuti, Inui...
Xã hội phân hạng
Loại hình xã hội này được đánh dấu bởi
sự tiếp cận không công bằng, tuy nhiên ở mức độ không lớn, tới nguồn lực
kinh tế hay quyền lực. Nó thường là các xã hội nông nghiệp. Trong các
xã hội này địa vị thủ lĩnh thường là cha truyền con nối. Và các gia
đình, dòng họ được xếp hạng dựa trên mối quan hệ huyết thống xa hay gần
với dòng họ của thủ lĩnh. Ví dụ tiêu biểu cho loại hình xã hội này là các nhóm thổ dân da đỏ Bắc Mỹ.
Xã hội có giai cấp
Cũng giống hình thái trên, tuy nhiên mức
độ bất bình đẳng trong tiếp cận tới các nguồn tài nguyên và quyền lực
lớn và rõ ràng hơn. Nghĩa là không phải mọi nhóm xã hội đều có sự tiếp
cận như nhau tới các các nguồn lực như đất đai, gia súc hay tiền tệ.
Hình thái xã hội này được các nhà nhân học chia thành hai hạng mục nhỏ
hơn đó là Xã hội phân chia giai cấp đóng và mở.
Giai cấp, dưới góc độ Nhân học, là nhóm người có cùng cơ hội tiếp cận
tới các nguồn lực kinh tế, quyền lực và uy tín xã hội. Địa vị giai cấp
của một cá nhân thông thường được xác định bởi địa vị của cha mẹ. Nói
cách khác địa vị giai cấp là thừa hưởng từ gia đình. Trong cùng một xã
hội, các giai cấp khác nhau, có cơ hội tiếp cận khác nhau. Các xã hội
phân chia giai cấp mở là xã hội mà trong đó các thành viên của
giai cấp này có thể "gia nhập" một giai cấp khác, thông thường là cao
hơn so với giai cấp cũ, thông qua nỗ lực cá nhân trong học tập hay công
việc.T rong một số xã hội mà sự phân chia giai cấp là bất biến, các xã
hội này được gọi là xã hội phân chia giai cấp đóng. Ở các xã
hội này địa vị giai cấp được quyết định khi sinh và hôn nhân chỉ diễn ra
giữa các thành viên giữa cùng đẳng cấp. Khác với các xã hội phân chia giai cấp mở,
các thành viên của đẳng cấp dưới không có cơ hội di chuyển lên đẳng cấp
cao hơn. Ấn Độ là một ví dụ tiêu biểu cho hệ thống xã hội này.
Chủng tộc, Dân tộc, Chủ nghĩa Phát xít và Phân hóa xã hội
Dù hai khái niệm Dân tộc và Chủng tộc
thường đi đôi với nhau nhưng chúng không đồng nhất. Tương đồng văn hóa:
có chung ngôn ngữ, truyền thống...là yếu tố quyết định tính dân tộc của
một hay một nhóm người, phân biệt họ với các nhóm người khác. Trong khi
đó yếu tố sinh học là nhân tố có tính quyết định tới Chủng tộc. Theo các
nhà nhân học sinh học, loài người được chia thành bốn chủng tộc chính
là da trắng, da vàng và đen và người gốc Ấn. Trong phần lớn lịch sử loài
người, Chủng tộc và Dân tộc là hai yếu tố có ảnh hưởng tới phân hóa xã
hội, quyết định quyền tiếp cận của một cá nhân hay một nhóm người nào đó
tới các nguồn tài nguyên. Chủ nghĩa Phát xít, cho là một số chủng tộc
thấp kém hơn các chủng tộc khác, là một minh chứng cho quan điểm trên.
Khoảng sáu triệu người Do thái đã chết dưới ách của Chủ nghĩa này trong
đại chiến thế giới thứ hai.
Các thuyết giải thích về sự phân hóa
Các dẫn chứng khảo cổ học cho thấy là
khoảng 8.000 năm trước, phân hóa xã hội hầu như không tồn tại. Nhưng tại
sao phân hóa xã hội phát triển và tồn tại? Các nhà nhân học cố gắng đưa
ra câu trả lời cho hiện tượng này. Các nhà nhân học thuộc trường phái
chức năng, những người nhấn mạnh tới bản chất tích hợp của các
thiết chế xã hội, cho là phân hóa xã hội cần thiết cho sự tồn tại và
thịnh vượng của xã hội. Theo Kingsley David và Wilbert Moore (Gary
Ferrado 2001:297) các xã hội có quy mô dân cư lớn, và phức tạp phụ thuộc
vào một số nghề nghiệp đỏi hỏi những kỹ năng và kiến thức đặc biệt mà
không phải ai cũng làm được. Do đó các thành viên có khả năng thực hiện
các công việc này sẽ được xã hội thưởng một cách xứng đáng. Đây là động
lực thúc đẩy cho các thành viên cố gắng thực hiện các công việc tối cần
thiết cho sự tồn tại của xã hội. Đây chính là nguồn gốc của phân hóa xã
hội. Một cách giải thích khác của các nhà nhân học thuộc trường phái
xung đột cho rằng mọi xã hội đều có xu hướng thay đổi và xung đột. Phân
hóa xã hội tồn tại bởi vì tầng lớp trên luôn muốn và có khả năng sử dụng
tiềm lực kinh tế, quyền lực và địa vị xã hội để bóc lột các tầng lớp
dưới.
Tóm tắt
Phân hóa xã hội là hiện
tượng tồn tại gần như ở mọi xã hội, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau.
Có xã hội sự phân hóa rất nhỏ, gần như không có. Tuy nhiên ở xã hội khác
sự phân hóa là rất lớn và rõ ràng. Dân tộc và sắc tộc là hai yếu tố ảnh
hưởng đến sự phân hóa trong phần lớn lịch sử loài người. Có hai trường
phái giải thích chính cho sự phân hóa. Nếu trường phái chức năng coi đó
là sự cần thiết cho sự tồn tại của xã hội, thì trường phái xung đột coi
đó là sự bóc lột của tầng lớp trên đối với các tầng lớp dưới.
S.T
0 nhận xét:
Đăng nhận xét