Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014
Václav Havel: Thư gửi ông Husák (phần 1)
11:31
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Đây
là bức thư được viết vào tháng 4 năm 1975, để gửi cho ông Gustav Husák,
lúc đó đang làm tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc và cũng là tuyên bố
công khai đầu tiên của Havel kể từ ngày ông bị đưa vào sổ đen vào năm
1969.
Kính thưa tiến sĩ Husák!
Trong
các công sở và nhà máy của chúng ta công việc đang chạy đều, kỉ luật
được giữ vững. Sự cố gắng của đồng bào chúng ta đang tạo ra những kết
quả nhìn thấy được trong sự gia tăng một cách chậm chạp mức sống: dân
chúng xây nhà, mua ô tô, sinh con đẻ cái, giải trí và vui sống.
Đương
nhiên là tất cả những chuyện đó hầu như không phải là tiêu chí đánh giá
thành công hay thất bại của những chính sách của ông. Sau mỗi chấn động
xã hội, cuối cùng bao giờ người dân cũng phải quay về với công việc
thường ngày của họ, vì lí do đơn giản là họ muốn sống; nói cho cùng, họ
làm thế là vì quyền lợi của chính mình, chứ không phải vì quyền lợi của
nhóm lãnh tụ này hay nhóm lãnh tụ kia.
Nhưng
nhân dân không chỉ làm việc, mua bán và vui sống. Họ làm nhiều hơn thế:
họ cam kết thực hiện nhiều chỉ tiêu khác nhau và sau đó thì hoàn thành
và hoàn thành vượt mức, từng người đi bầu và sau đó thống nhất lựa chọn
những ứng viên mà người ta đưa ra cho họ, họ là những thành viên tích
cực trong những tổ chức chính trị khác nhau, họ tham gia những cuộc mít
tinh và những cuộc biểu tình tuần hành, họ tuyên bố ủng hộ tất cả những
gì mà họ được cho là phải ủng hộ. Trên khắp đất nước này, không ai thấy
bất cứ biểu hiện bất đồng quan điểm nào trong những việc chính phủ làm.
Dĩ
nhiên là chẳng cần phải nhắc lại những sự kiện này làm gì. Vì vậy mà
người ta có thể hỏi một cách nghiêm túc là liệu tất cả những điều đó có
khẳng định rằng các ông đã giải quyết được những nhiệm vụ mà nhóm của
mình tự đặt ra hay không – tức là nhiệm vụ thu phục sự ủng hộ của nhân
dân và củng cố tình hình trong nước.
Câu trả lời phụ thuộc vào cách hiểu của chúng ta về củng cố.
Nếu
chỉ dùng những số liệu thống kê về sự phục hồi trong những lĩnh vực
khác nhau, nếu chỉ dùng những tuyên bố chính thức và báo cáo của công an
về sự tham gia chính trị..v.v.. thì chúng ta khó có thể nghi ngờ rằng
tình hình trong nước đã được củng cố.
Nhưng
nếu chúng ta coi củng cố là một cái gì đó lớn hơn, là não trạng thật sự
của xã hội thì sao? Giả sử chúng ta bắt đầu tìm hiểu những nhân tố có
tính bền vững hơn, có thể là tinh tế hơn và khó đo lường hơn, nhưng quan
trọng hơn, thí dụ như người ta, những cá nhân cụ thể, thấy gì đằng sau
những con số đó? Giả sử chúng ta hỏi, đấy là nói thí dụ thế chúng ta đã
làm được gì cho sự hồi sinh của xã hội về mặt đạo đức và tinh thần, đã
làm được gì cho sự gia tăng những giá trị nhân bản, cho con người ngày
càng có phẩm giá hơn, có chỗ đứng xác thực và tự do thật sự trong thế
giới này? Chúng ta sẽ thấy gì khi không để ý tới những biểu hiện bên
ngoài mà tập trung chú ý vào nhân quả bên trong, tập trung chú ý vào
những mối liên hệ và ý nghĩa, nói ngắn, tập trung chú ý vào bình diện mờ
ảo hơn, nơi những biểu hiện đó có thể có giá trị nhân bản thật sự? Lúc
đó chúng ta có thể nói rằng xã hội chúng ta đã được "củng cố" hay chưa?
Tôi
xin liều mạng trả lời rằng chưa; rằng mặc dù những sự kiện bên ngoài có
vẻ khẳng định nhưng bên trong, xã hội của chúng ta còn lâu mới là xã
hội được củng cố, ngược lại, xã hội đang rơi vào một cuộc khủng hoảng
nguy hiểm hơn, trên một số lĩnh vực còn nguy hiểm hơn bất kì cuôc khủng
hoảng nào trong lịch sử cận đại nữa.
Tôi sẽ cố gắng chứng minh điều khẳng định này.
Câu
hỏi quan trọng nhất là: Tại sao trên thực tế người ta lại hành động như
thế? Tại sao người ta lại làm tất cả những việc mà nếu gộp chung lại
thì sẽ tạo ra hình ảnh ấn tượng của một xã hội thống nhất, hoàn toàn ủng
hộ chính phủ? Đối với một người quan sát không có định kiến trước thì
câu trả lời, theo tôi, sẽ là: Họ làm thế vì sợ.
Vì
sợ mất việc làm, thày giáo phải dạy những điều mà họ không tin; lo lắng
cho tương lai, học trò nhắc lại những điều thày giáo nói; vì sợ không
được học tiếp, thanh niên phải vào Đoàn và tham gia mọi hoạt động cần
thiết; sợ rằng trong hệ thống theo dõi chính trị quái gở này con cái sẽ
không được đi học làm cho bố mẹ phải nhận đủ thứ trách nhiệm và "tự
nguyên" tham gia mọi việc mà người ta yêu cầu. Sợ rằng không đi bầu cử
sẽ gặp rắc rối làm cho mọi người đều đi bầu, đều bỏ cho ứng viên do đảng
cử và giả vờ rằng đấy là những cuộc bầu cử thật sự; sợ cho cuộc sống
của mình, địa vị của mình hay tương lai của mình cho nên người ta đi dự
họp, biểu quyết thông qua mọi nghị quyết mà họ phải thông qua hay chí ít
là im lặng: vì sợ mà họ phải làm những việc nhục nhã là tự phê bình và
sám hối và điền vào không biết bao nhiêu là bảng thăm dò ý kiến khác
nhau; vì sợ có kẻ nào đó sẽ báo cáo lên trên làm cho họ không dám nói ở
chỗ công khai, thậm chí cả trong chốn riêng tư, ý kiến cá nhân. Vì sợ
những khó khăn về tài chính và muốn cải thiện điều kiện sống của mình
cũng như lấy lòng cấp trên, người ta phải kí tên vào những “cam kết hoàn
thành nhiệm vụ”; thực ra, đấy cũng là động cơ thúc đẩy người ta thành
lập những tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa mà ai cũng biết rằng mục
đích là để báo cáo lên cấp trên mà thôi. Sợ hãi làm người ta phải tham
gia tất cả những buổi mít tinh, biểu tình, tuần hành: Sợ sẽ không được
tiếp tục làm việc đã buộc các nhà khoa học và các nghệ sĩ thể hiện lòng
trung thành với những tư tưởng mà trên thực tế họ không chấp nhận, buộc
họ phải những điều mà họ không đồng ý hoặc biết rõ là sai, phải tham gia
những tổ chức của nhà nước hoặc làm những việc mà họ cho là chẳng có
giá trị gì, hoặc làm méo mó hay xuyên tạc những công trình của chính
mình. Để giữ thân, nhiều người thậm chí còn báo cáo với cấp trên rằng có
người đang làm hại họ, nhưng đấy lại chính là những việc mà họ đã và
đang làm nhằm hãm hại ngay những người mà họ báo cáo.
Nỗi
sợ mà tôi đang nói tới đương nhiên không phải theo nghĩa tâm lí bình
thường, nghĩa là không phải là một xúc cảm chính xác và rõ ràng. Đa số
những người xung quanh chúng ta không run rẩy như lá cây dương: họ có bộ
mặt của những công dân tự tin và tự mãn. Chúng ta quan tâm tới nỗi sợ
hãi theo nghĩa sâu hơn, theo nghĩa đạo đức, nếu ông muốn nói như thế, mà
cụ thể là: mỗi người, dù ít dù nhiều, đều có ý thức mang tính tập thể
về mối nguy hiểm thường trực đang rình rập khắp nơi; lo lắng về cái đang
bị đe dọa hay có thể bị đe dọa; quen dần với mối đe dọa đó là phần quan
trọng của thế giới hiện thực; càng ngày chúng ta càng tỏ ra thản nhiên
và khéo léo thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài và coi đấy là biện pháp
tự bảo vệ hữu hiệu duy nhất.
Dĩ nhiên là sợ hãi không phải là khối bê tông đúc sẵn duy nhất xây nên cơ cấu xã hội hiện nay.
Nhưng
đấy là vật liệu chính, vật liệu cơ bản, không có nó thì không thể có
thậm chí ngay cả cái bề mặt đồng phục, kỉ luật và nhất trí làm cơ sở cho
những tài liệu chính thức khẳng định rằng có thể “củng cố” được các
công việc ở trong nước.
Dĩ
nhiên là sẽ xuất hiện câu hỏi: Nhân dân sợ cái gì? Sợ ra tòa? Sợ tra
tấn? Sợ mất tài sản? Sợ bị trục xuất? Sợ bị hành hình? Dĩ nhiên là
không. Những hình thức áp lực dã man nhất, may mắn thay, đã trở thành
quá khứ - ít nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Hiện nay,
việc đàn áp diễn ra một cách tinh vi hơn và có chọn lọc hơn. Và ngay cả
nếu hiện nay không còn những vụ án chính trị - mọi người đều biết những
biện pháp thao túng của chính quyền – thì đấy cũng chỉ là mối đe dọa có
tính cách cực đoan mà thôi, trong khi mối đe dọa chính đã chuyển vào
lĩnh vực của những áp lực đối với đời sống. Dĩ nhiên là cốt lõi của vấn
đề vẫn không hề thay đổi.
Khủng
khiếp nhất là không phải giá trị tuyệt đối của mối đe dọa mà là giá trị
tương đối của nó. Vấn đề không phải là người ta mất một cái gì đó có
tính khách quan mà là mất giá trị chủ quan trên bình diện đời sống, mà
bình diện này lại có thang giá trị riêng. Vì thế, thí dụ, nếu hiện nay
một người nào đó sợ mất cơ hội làm việc trong lĩnh vực của mình thì nỗi
sợ hãi này cũng mạnh và có thể tạo ra phản ứng tương tự như bị đe dọa
tịch thu tài sản trong bối cảnh khác vậy. Thực vậy, theo một nghĩa nào
đó, áp lực trong đời sống còn mang tính phổ quát hơn. Vì theo nghĩa rộng
nhất, không có người nào trên đất nước chúng ta mà không có điểm yếu –
mỗi người đều có một thứ gì đó có thể bị mất và vì vậy mà mọi người đều
sợ. Nhiều thứ có thể mất, từ những đặc quyền đặc lợi của giới cầm quyền
và những cơ hội chỉ dành cho những kẻ có quyền lực – như được làm những
việc yên tĩnh, thăng tiến và giành được quyền lực, được làm trong lĩnh
vực chuyên môn của mình, được học hành lên cao hơn – cho đến được sống
trong khuôn khổ pháp luật mà những công dân khác cũng được hưởng, chứ
không phải nằm trong nhóm người thậm không được hưởng cả những bộ luật
vẫn được áp dụng cho phần còn lại của xã hội, nghĩa là trở thành nạn
nhân của chế độ phân biệt đối xử về mặt chính trị của nhà nước Tiệp
Khắc. Vâng, mọi người đều có một cái gì đó để mất. Người lao động khiêm
tốn nhất cũng có thể bị đưa xuống những công việc thấp kém và được trả
lương thấp hơn. Thậm chí anh ta còn có thể bị trừng phạt nặng nề vì đã
nói lên suy nghĩ của mình trong cuộc họp hay trong câu lạc bộ.
Hệ
thống những kiểu áp lực nhắm vào đời sống như vậy bao trùm lên toàn bộ
xã hội và lên mỗi con người sống trong đó. Đấy có thể là mối đe dọa đặc
biệt, diễn ra hàng ngày, mà cũng có thể là một sự tình cờ. Đương nhiên
là hệ thống đó không thể nào hoạt động hữu hiệu nếu nó không được lực
lượng ngầm ẩn trong hệ thống quyền lực chống lưng – giống hệt như những
hình thức áp lực tàn bạo hơn trong quá khứ. Đấy chính là lực lượng cảnh
sát của nhà nước: có quyền lực vô hạn và hiện diện khắp nơi. Mạng lưới
của con nhện khủng khiếp này luồn vào toàn bộ xã hội, nó cũng là nơi mà
mọi nỗi sợ hãi giao nhau, đấy là bằng chứng cuối cùng và không thể chối
cãi được rằng không có người công dân nào có thể hi vọng thách thức được
sức mạnh của nhà nước. Và thậm chí đa phần dân chúng, trong hầu hết
cuộc đời họ, không nhìn thấy mạng lưới này, không chạm vào những sợi tơ
của nó, thì người công dân bình dị nhất cũng biết rằng nó vẫn tồn tại,
cũng thừa nhận sự hiện diện lặng lẽ của nó ở mọi nơi và mọi thời điểm và
hành động một cách phù hợp - nghĩa là hành động sao cho những cái tai
và con mắt bí mật này coi mình là người vô tội. Và anh ta hiểu rất rõ
rằng vì sao anh ta phải làm thế. Vì con nhện này có thể can thiệp vào
cuộc sống của người ta mà không cần cắn thẳng vào người đó. Hoàn toàn
không cần thẩm vấn, không cần bắt giam, không cần đưa ra tòa hay kết án.
Vì người lãnh đạo của anh ta cũng bị dính vào mạng lưới đó, và trên mỗi
nấc thang, nơi quyết định số phận của anh ta, bao giờ cũng có những kẻ
đang hợp tác hay bắt buộc phải hợp tác với cảnh sát. Do đó, sự kiện là
cảnh sát có thể can thiệp vào cuộc sống của người ta tại bất cứ thời
điểm nào, nhưng đương sự không có cơ hội phản đối, đã tước đoạt ngay
tính tự nhiên và tính xác thực của đời sống của người đó và biến cuộc
sống thành lối sống đạo đức giả đến suốt cuộc đời.
Nếu
nỗi sợ hãi này là nguyên nhân để người ta cố gắng bảo vệ những thứ
người ta đang có thì càng ngày càng thấy rõ là động cơ chủ yếu cho những
cố gắng đầy hung bạo của họ nhằm giành lấy những thứ họ chưa có chính
là tính ích kỉ và thói bon chen.
Thời
gian gần đây dường như hệ thống thường công khai và trâng tráo tạo điều
kiện cho những người sẵn sàng cổ vũ cho bất cứ thứ gì miễn là có lợi
cho họ, tạo điều kiện cho những kẻ nhu nhược và bất lương, tức là những
kẻ sẵn sàng làm bất cứ việc gì nhằm thỏa mãn khát vọng quyền lực và tài
sản của họ, tạo điều kiện cho việc sinh ra một lũ đầy tớ, sẵn sàng chịu
đựng mọi sự nhục nhã và lúc nào cũng sẵn sàng bán rẻ hàng xóm cũng như
danh dự của chính mình để lấy lòng cấp trên.
Trong
khung cảnh như thế, thật không lấy gì làm ngạc nhiên khi những kẻ đầy
tham vọng, những kẻ cơ hội, bịp bợm và những người có quá khứ khá mơ hồ
chiếm được nhiều – chưa bao giờ nhiều như thế - vị trí đầy quyền lực;
nói ngắn, đấy là những tên chỉ điểm, tức là những kẻ có thể tự thuyết
phục mình – mỗi khi họ phải chuyển từ công việc bẩn thỉu này sang công
việc bẩn thỉu khác – rằng đấy là biện pháp nhằm cứu một cái gì đó hay ít
nhất cũng là để ngăn chặn những người còn tồi hơn họ bước lên vị trí
của họ. Trong những hoàn cảnh như thế, không lấy gì làm ngạc nhiên là
hiện tượng tham nhũng trong các viên chức đủ mọi loại, họ sẵn sàng công
khai nhận hối lộ vì bất kì việc gì và bị quyền lợi và lòng tham chi
phối, nở rộ hơn hẳn so với mười năm trước đây.
Số
người thực sự tin vào những điều bộ máy tuyên truyền nói và số người
ủng hộ một cách vô tư uy quyền của chính phủ ít chưa từng thấy. Nhưng
những kẻ đạo đức giả thì ngày càng gia tăng: tăng đến mức mọi công dân
đều buộc phải là những kẻ giả hình hết.
Dĩ
nhiên là tình hình đáng thất vọng như thế phải có nguyên nhân của nó.
Trong thời gian gần đây hiếm khi nào mà chế độ lại ít quan tâm tới thái
độ thực sự của những công dân bề ngoài tỏ ra trung thành hay tính chân
thật của những lời tuyên bố của họ đến như thế. Chỉ cần theo dõi cũng
thấy là không có ai – trong quá trình tự phê bình hay ăn năn – thực sự
quan tâm đến việc người ta có nghĩ đúng như những gì họ nói hay không
hay là họ chỉ chú tâm vào lợi ích của mình mà thôi. Trên thực tế, có thể
nói mà không sợ sai là lợi ích là mối quan tâm chính – ít nhiều tùy
người – mà không ai thấy một biểu hiện phi đạo đức nào trong đó hết.
Thực ra, lợi ích cá nhân thường được sử dụng như là lí lẽ chính trong
những tuyên bố như thế. Vì thường thì người ta không tìm cách thuyết
phục kẻ sám hối rằng anh ta đã có nhận thức sai lầm hay đã có hành động
sai trái mà chỉ nói đơn giản là muốn tồn tại thì anh ta phải sám hối.
Đồng thời, lợi ích của anh ta được tô đậm, trong khi quả đắng sau hành
động xám hối thì vẫn còn đó, nhưng lại được che đậy, như thể đấy chỉ là
một sự ngộ nhận mà thôi.
Nếu
một người lập dị thực tâm sám hối và thể hiện điều đó bằng cách từ chối
phần thưởng thích đáng thì chế độ lại coi anh ta là nhân vật đáng ngờ.
Theo
nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều được đút lót một cách công khai. Nếu
bạn nhận chức vụ này hay chức vụ kia – dĩ nhiên là không phải để phụng
sự đồng bào của mình mà để phục vụ lãnh đạo thì bạn sẽ được tưởng thưởng
đặc quyền đặc lợi này hay đặc quyền đặc lợi kia. Nếu bạn vào Đoàn thì
bạn sẽ có quyền và được hưởng những hình thức giải trí, như thế này, thế
này. Nếu bạn là một nghệ sĩ tài năng, bạn giữ chức này chức này thì bạn
sẽ có cơ hội sáng tạo thế này, thế này. Xin tự nghĩ xem thâm tâm bạn
muốn gì; chừng nào mà bạn còn công khai đồng ý với họ, chừng nào bạn
không tự làm khó cho mình, chừng nào bạn còn kìm nén được khát vọng chân
lí và bịt miệng được lương tâm của mình thì cánh cửa luôn rộng mở đối
với bạn.
Nếu
thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài được coi là nguyên tắc chủ yếu làm
cho người ta trở thành người thành đạt trong xã hội thì những phẩm chất
nào sẽ được khuyến khích và loại người như thế nào sẽ trở thành lãnh
đạo? Có thể hỏi như thế.
Ở
đâu đó giữa thái độ tự bảo vệ mình vì sợ và hăm hở chinh phục thế giới
vì lợi ích cá nhân là những tình cảm mà ta không nên bỏ qua, bỏ qua là
sai lầm, vì chúng cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành bầu
không khí đạo đức trong “xã hội được củng cố” ngày nay: chủ nghĩa
“mackeno”[1] và những hiện tượng đi kèm với nó.
Do
những chấn động của lịch sử trong giai đoạn gần đây và hệ thống được
dựng lên sau đó trên đất nước này mà người dân đã đánh mất hết niềm tin
vào tương lai, vào khả năng uốn nắn lại công tác xã hội, vào ý nghĩa của
cuộc đấu tranh vì chân lí và công lí. Họ không quan tâm tới những việc
nằm bên ngoài những lo lắng của cuộc sống thường nhật; họ tìm cách lảng
đi, họ trở thành lãnh đạm, họ tỏ ra bàng quan với những giá trị vượt ra
ngoài cá nhân và bàng quan với đồng bào của mình, họ trở thành thụ động
và chán nản về mặt tinh thần.
Và
người còn tiếp tục chống lại, thí dụ, bằng cách không chấp nhận đạo đức
giả như là biện pháp chủ yếu để sống còn và nghi ngờ giá trị của những
mong ước được mua bằng sự vong thân với chính hình – đối với những người
hàng xóm với thái độ “makeno” chưa từng có trước đây thì đấy là một
người kì quặc, ngu dốt, một Don Quixote thời hiện đại và cuối cùng chắc
chắn sẽ bị mọi người xa lánh, chẳng khác gì một người có hành vi khác
hẳn với số đông và hơn nữa, có nguy cơ là sẽ trở thành tấm gương phê
phán ngay trước mắt họ. Hoặc, khi cần, những người hàng xóm bàng quan đó
có thể giả vờ đuổi anh ta ra khỏi môi trường của mình hay tránh xa anh
ta, nhưng trong thâm tâm họ lại có cảm tình với anh ta, với hi vọng rằng
có thể làm dịu được lương tâm của mình bằng cách bí mật ủng hộ những
người làm những hành động mà họ đáng lẽ phải làm, nhưng không thể làm
được.
Ngược
đời là thái độ bàng quan như thế đã trở thành lực lượng mang tính xã
hội rồi. Chẳng phải là thái độ bàng quan rõ ràng đó, chứ không phải là
nỗi sợ hãi, đã đưa nhiều người tới hòm phiếu, tới những cuộc mít tinh,
tới những tổ chức do nhà nước lập ra hay sao? Sự ủng hộ mà chế độ nhận
được chẳng phải phần lớn đều đơn giản là do lề thói, thói quen, hành
động vô thức và lười nhác, mà đằng sau đó chính là sự nhẫn nhục toàn
diện hay sao? Việc tham gia vào những nghi thức chính trị, mà chẳng ai
tin là việc làm vô nghĩa, nhưng nó lại bảo đảm cho người ta một đời sống
bình lặng – nhưng không tham gia chẳng phải là không vô nghĩa hơn hay
sao? Không tham cũng chẳng được gì, nhưng cuộc sống sẽ không còn phẳng
lặng nữa.
Nhiều
người mất rất nhiều thì giờ trong cuộc xung đột bất tận với chính
quyền, mà kết quả chỉ là sự thất bại của những cá nhân đơn độc. Thế thì
tại sao lại không làm những việc mà người ta yêu cầu? Bạn sẽ không mất
gì cả, mà bạn lại không phải lo lắng gì. Chẳng cần phải nghĩ gì hết.
Tuyệt
vọng dẫn tới thờ ơ, thờ ơ dẫn tới phục tùng, phục tùng dẫn tới làm theo
thói quen – mà điều đó sau này lại được người ta nói là “sự tham gia
hoạt động chính trị của quần chúng”. Tất cả những điều vừa nói tạo ra
khái niệm hiện nay về nhân cách “bình thường” – một khái niệm mà cốt lõi
của nó là cực kì yếm thế.
Người
ta càng ít hi vọng vào những cuộc cải cách mang tính toàn diện, càng
không quan tâm tới những giá trị và mục tiêu vượt lên trên cá nhân mình
hoặc càng ít có cơ hội thể hiện ảnh hưởng “ra bên ngoài” thì năng lượng
càng chuyển sang hướng có ít sự phản kháng nhất, nghĩa là hướng “vào
trong”: dân chúng hiện nay quan tâm đến mình, đến gia đình và việc nhà
mình nhiều hơn. Đấy chính là nơi họ cảm thấy thanh thản, nơi họ có thể
quên đi những tráo trở của cuộc đời và nơi họ có thể tự do thể hiện tài
năng sáng tạo của mình. Họ làm ra đủ thứ thiết bị và những đồ vật đẹp
mắt, họ tìm cách cải thiện phòng ngủ của mình, tìm cách làm cho cuộc
sống của mình trở thành thú vị hơn, họ xây nhà nghỉ, chăm sóc xe hơi,
quan tâm nhiều hơn tới thức ăn và quần áo mặc, cũng như những tiện nghi
trong nhà. Nói ngắn, họ chuyển sự chú ý sang khía cạnh vật chất của đời
sống riêng tư.
Rõ
ràng là sự chuyển hướng như thế đã tạo ra những kết quả thuận lợi về
mặt kinh tế. Nó khuyến khích những cải tiến trong lĩnh vực sản xuất hàng
tiêu dùng và dịch vụ công cộng vốn bị xao lãng. Nó giúp nâng cao mức
sống của người dân nói chung. Về mặt kinh tế, nó là nguồn năng lượng
năng động đáng kể, có khả năng – ít nhất là phần nào – làm gia tăng tài
sản vật chất của xã hội mà khu vực kinh tế của nhà nước, vừa kém năng
động vừa quan liêu và năng suất thấp, khó có thể hi vọng thực hiện được.
(Chỉ cần so sánh chất lượng và số lượng công việc mà các công ty xây
dựng quốc doanh và tư nhân là đủ biết).
Chính quyền các cấp tỏ vẻ phấn khởi và ủng hộ việc chuyển hướng hoạt động vào khu vực riêng tư.
Nhưng
xin hỏi: Tại sao? Vì nó kích thích sự phát triển trong lĩnh vực kinh
tế. Chắc chắn đấy là một lí do. Nhưng bộ máy tuyên truyền và hoạt động
chính trị hiện nay đang lặng lẽ ủng hộ một cách có hệ thống xu hướng
“chuyển vào trong” như thể đấy là yếu tố cơ bản của cuộc sống của con
người trên thế gian cũng cho thấy rõ ràng vì sao các cấp chính quyền ủng
hộ việc chuyển hướng như thế. Họ nhìn thấy căn nguyên tâm lí của nó:
trốn khỏi lĩnh vực công. Họ nhận thức đúng đắn rằng năng lượng dư thừa
đó, nếu được “hướng ra ngoài” thì sớm muộn gì cũng quay ra chống lại họ -
nghĩa là chống lại hình thức quyền lực đặc thù mà họ ngoan cố bám víu
vào. Muốn quản lí xã hội một cách dễ dàng thì phải tìm cách để người ta
không còn chú ý tới những mối bận tâm mang tính xã hội nữa. Bằng cách
cột sự chú ý của cá nhân vào những mối quan tâm về mặt vật chất, người
ta hi vọng rằng sẽ làm cho con người không nhận thức được rằng anh ta
đang càng ngày càng bị xúc phạm cả về tinh thần, chính trị và đạo đức.
Qui giản con người thành cái thùng chứa những lí tưởng của xã hội tiêu
thụ thô sơ là nhằm biến anh ta thành một loại nguyên liệu dễ dàng bị bộ
máy thao túng nhiều tầng nấc uốn nắn. Giam hãm người ta trong những giới
hạn ngặt nghèo dành cho người tiêu thụ và những hạn chế của thị trường
do trung ương quản lí là biện pháp nhằm làm thui chột mầm mống của nguy
cơ là anh ta có thể nhận thức được khát khao thực hiện cái tiềm năng bao
la và không thể dự đoán vốn vẫn tiềm ẩn trong con người mình.
Tất
cả bằng chứng đều cho thấy rằng chính quyền đang áp dụng chính biện
pháp đối xử với loài vật mà mục đích duy nhất của con vật là tự bảo
toàn. Tìm kiếm con đường ít chống đối nhất là họ đã hoàn toàn phớt lờ
cái giá phải trả cho cuộc tấn công tàn nhẫn vào tính toàn vẹn của con
người, phải trả cho quá trình cắt bỏ tính nhân văn của con người.
Những
chính quyền đó còn tự biện hộ bằng ý thức hệ cách mạng, trong đó, lí
tưởng giải phóng toàn diện con người giữ vai trò trung tâm! Nhưng trên
thực tế, chuyện gì đã xảy ra với khái niệm nhân cách và sự phát triển đa
dạng, hài hòa và đích thực của nó? Chuyện gì đã xảy ra với khái niệm
con người được giải phóng khỏi cỗ máy xã hội làm tha hóa con người, giải
phóng khỏi thang bậc huyền bí của những giá trị, giải phóng khỏi những
quyền tự do giả mạo, giải phóng khỏi sự độc đoán của sở hữu, giải phóng
khỏi sự sùng bái và sức mạnh của đồng tiền? Chuyện gì đã xảy ra với ý
tưởng là nhân dân phải được hưởng công lí của xã hội và công lí của luật
pháp, phải được tham gia một cách sáng tạo vào đời sống kinh tế và đời
sống chính trị, nhân phẩm được nâng cao và trở thành chính mình? Thay
thế cho việc tham gia một cách tự do vào quá trình đưa ra những quyết
định trong lĩnh vực kinh tế, tự do tham gia vào đời sống chính trị và tự
do phát triển về mặt trí tuệ, trên thực tế người dân được tạo cơ hội tự
do lựa chọn cái máy giặt hay cái tủ lạnh mà họ muốn mua.
Trước
mắt là mặt tiền hoành tráng của những lí tưởng đầy nhân văn, nhưng nấp
đằng sau nó lại là ngôi nhà của giai cấp tư sản mang danh xã hội chủ
nghĩa. Một bên là những khẩu hiệu khoa trương về sự gia tăng chưa từng
thấy của các quyền tự do và sự đa dạng của đời sống; nhưng bên kia lại
là sự buồn tẻ và khốn cùng của đời sống bị qui giản xuống thành việc săn
đuổi những món hàng hóa tiêu dùng.
Ở
đâu đó trên đỉnh hệ thống áp lực, biến con người thành thành viên ngoan
ngoãn của bày đàn chỉ biết tiêu thụ là – như tôi đã nhắc tới bên trên –
lực lượng toàn trí toàn năng và bí mật: cảnh sát quốc gia. Tôi cho rằng
không phải vô tình mà lực lượng này lại phải thể hiện một cách khéo léo
đến như thế cái vực thẳm ngăn cách mặt tiền ý thức hệ khỏi hiện thực
của đời sống hàng ngày. Bất cứ người nào xúi quẩy mà phải tự trải nghiệm
“tác phong làm việc” của định chế này hẳn phải rất lấy làm thú vị khi
nghe người ta chính thức lí giải về mục đích của nó. Liệu có người nào
thực sự tin rằng hàng ngàn những tên chỉ điểm nghiệp dư và chuyên
nghiệp, những tên tiểu tư sản và các quan chức đầy ác ý, đố kị, ranh
mãnh; rằng biết bao nhiêu vụ phản bội, trốn tránh, lừa gạt và mưu mô là
“bằng chứng về vai trò của người lao động trong sự nghiệp bảo vệ chính
quyền nhân dân và những thành tựu của cách mạng trong cuộc đấu tranh
chống lại mưu mô của kẻ thù”? Vì ai là người căm thù chính quyền của
giai cấp công nhân – nếu mọi việc không lộn chân lên đầu, hơn là bọn
tiểu tư sản, tức là những kẻ sẵn sàng tuân thủ và chẳng dính dáng đến
bất cứ thứ gì, những kẻ cảm thấy lòng tự trọng được an ủi khi tố cáo
đồng bào của mình, người ta dễ dàng nhận ra loại người đó đằng sau những
thủ tục thông thường của cảnh sát mật - tác giả của “tác phong làm
việc” của cảnh sát?
Thật
khó mà giải thích được toàn bộ sự tương phản lố bịch giữa lí thuyết và
thực tiễn, ngoại trừ hậu quả tự nhiên của sứ mệnh của cảnh sát quốc gia
ngày nay: không phải là bảo vệ sự phát triển tự do của con người trước
những kẻ tấn công mà là bảo vệ những kẻ tấn công trước những mối đe dọa
mà bất kì cố gắng cụ thể nào trong việc phát triển tự do của con người
cũng có thể tạo ra.
Sự
tương phản giữa học thuyết cách mạng về con người mới cũng như nền đạo
đức mới và khái niệm giả mạo cho rằng cuộc sống là “tứ khoái”[2]
làm cho người ta phải hỏi vì sao chính quyền lại kiên trì bám víu vào ý
thức hệ của họ đến như thế. Ai cũng thấy: chỉ vì ý thức hệ của họ là
một hệ thống thông tin mang tính nghi thức đã được luật pháp hóa, nó bảo
đảm cho họ vẻ ngoài của tính chính danh, tính liên tục và tính kiên
định và là bức bình phong che đậy hoạt động mang tính thực dụng của họ.
Mục
tiêu thực sự của hoạt động đó đương nhiên là đã để lại dấu vết trên ý
thức hệ chính thức của họ. Từ trong tim gan của núi ngôn từ hoa mĩ mang
tính ý thức hệ mà nhà cầm quyền vẫn dùng hòng lung lạc tâm trí người dân
và giá trị thông tin bằng không của nó – phần lớn dân chúng đã nhận ra
thông điệp đặc thù và có ý nghĩa, cũng là phần thực tế nhất của lời
khuyên: “Hãy tránh xa chính trị, để đấy cho chúng tôi! Hãy làm những gì
chúng tôi nói, đừng có suy nghĩ nhiều làm gì, đừng có gí mũi vào những
việc không liên quan đến anh! Câm miệng lại, làm việc của mình đi, hãy
tự lo cho mình – và anh sẽ bình an!”.
Người
ta đã nghe theo lời khuyên này. Nói cho cùng, người ta cần phải kiếm
sống, đấy là điểm mà người dân dễ dàng đồng ý với chính phủ của họ. Thế
thì tại sao lại không tận dụng nó? Nhất là khi đằng nào thì bạn cũng
chẳng còn lựa chọn nào khác.
Nguồn: http://www.vaclavhavel.cz/showtrans.php?cat=clanky&val=71_aj_clanky.html&typ=HTML
0 nhận xét:
Đăng nhận xét