'Nền kinh tế Việt Nam đang suy giảm và Việt Nam cần thay đổi và hành động gấp để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình".
|
Một nền kinh tế thị trường thực sự có thể giúp Việt Nam thoát khỏi trì trệ tăng trưởng |
Đó
là quan điểm được thống nhất tại hội thảo "Tránh bẫy thu nhập trung
bình ở Việt Nam" do Ban Kinh tế T.Ư và Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hôm
qua (15/4), tại Hà Nội.
Đã vào "bẫy"
Với
quan điểm bẫy thu nhập trung bình là tình huống một nước bị mắc kẹt tại
mức thu nhập nhất định bởi nguồn lực và lợi thế nhất định mà không thể
vượt qua, Giáo sư Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu Chính sách Nhật, khẳng
định Việt Nam đang bắt đầu rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bởi từ năm
2008, Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD và trở
thành nước có thu nhập trung bình thấp theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế
giới (WB). Nhưng cũng từ đó, dấu hiệu bẫy thu nhập trung bình đã trở
nên rõ ràng hơn: Tăng trưởng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ
mang tính hình thức, trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu...
Đồng
tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình
Thiên đánh giá, hiện công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công,
lắp ráp, trong khi đó thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức. "Việt
Nam đã đặt vấn đề kinh tế tri thức mười mấy năm nhưng không chuyển nổi.
Bao nhiêu năm chúng ta cứ vật vờ như thế, đứng im lìm như thế thì đương
nhiên rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Trần Đình Thiên nói.
Tuy
nhiên, tại Hội thảo cũng có ý kiến cho rằng theo tiêu chuẩn của WB thì
phải 20 năm nữa Việt Nam mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng
có điều các chuyên gia kinh tế Việt Nam đều có chung nhận định, nền kinh
tế Việt Nam đang suy giảm tốc độ tăng trưởng và bộc lộ nhiều bất ổn. Từ
năm 2008 đến nay, nền kinh tế Việt Nam từ tốc độ tăng trưởng 8,23% năm
2006 đã tụt xuống còn 5,32% năm 2009 và duy trì mức thấp này cho đến nay
(năm 2013, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,4%). Nói như Phó tổng Thư ký Liên
hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Bích San, thì Việt Nam
sau khi "thoát nghèo" đang loay hoay tìm cách làm giàu. Và nếu "không
giàu" được, tức cứ trì trệ trong giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình,
thì Việt Nam sẽ không thể chuyển lên mức thu nhập trung bình cao rồi
chuyển tiếp lên trình độ của các nước thu nhập cao, không thể trở thành
nước (HĐH - CNH) vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra.
Phá "bẫy" phải bỏ sự áp đặt trong phát triển kinh tế
Để
giúp Việt Nam thoát (hay tránh) bẫy thu nhập trung bình, ông Trần Đình
Thiên cho rằng, cần có sự thay đổi đột phá vào thể chế, giải phóng thể
chế. "Thể chế đó rất đơn giản, trước nay chúng ta cứ nghĩ thể chế cao
siêu mà không dám thay đổi, thực ra chúng ta hãy bắt đầu từ những cái
đơn giản nhất. Trước mắt, hãy tạo cho nền kinh tế thực sự thị trường,
rồi tạo ra những đột phá trên nền kinh tế thị trường này...", TS. Trần
Đình Thiên đề xuất.
Cũng chung mối quan tâm này, Quyền
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung, nhận
xét, chúng ta đang có một thể chế phân bổ nguồn lực méo mó, nói thị
trường mà không phải thị trường, lao động chảy vào lĩnh vực năng suất
thấp như khu vực lao động phi chính thức và kinh tế tư nhân, còn vốn thì
chảy vào khu vực hiệu quả thấp như doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, đột
phá về thể chế là Nhà nước phải chủ động từ bỏ vai trò và quyền lực của
mình để tạo ra một thị trường vận hành tốt, đây là mấu chốt để đưa nền
kinh tế quay trở lại quỹ đạo cao.
Ngoài ra, các chuyên
gia cũng tập trung vào giải pháp nâng cao năng suất cho một nền kinh tế
tri thức, trong đó cần tập trung phát triển khoa học công nghệ, giáo dục
đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, rất thích hợp
để xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ thuật cao. Đồng thời,
chuyển mô hình sản xuất kinh doanh từ số lượng sang chất lượng, tăng
cường nghiên cứu, nâng cao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...
Viet Bao.vn (Theo GTVT)
Posted in: Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét