Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014
Václav Havel: Thư gửi ông Husák (Phần 3)
11:31
Hoàng Phong Nhã
No comments
Trong
một xã hội thực sự sống động bao giờ cũng có những chuyện bất ngờ.
Tương tác giữa những hoạt động và sự kiện đang xảy ra, giữa những phong
trào công khai và không công khai, tạo ra một dòng liên tục những tình
huống độc đáo, những tình huống này lại thúc đẩy phong trào và tạo ra
những phong trào mới. Sự phân cực đầy bí ẩn và sống động của tính liên
tục và thay đổi, của những điều bình thường và ngẫu nhiên, của những
điều có thể dự đoán được và những điều bất ngờ, có ảnh hưởng trong chiều
kích của thời gian và được sinh ra trong dòng sự kiện. Đời sống của xã
hội càng có tổ chức cao thì chiều kích thời gian của nó cũng được tổ
chức cao, sự độc đáo và tính không lặp lại của nó trong dòng thời gian
cũng nổi bật hơn. Dĩ nhiên là đến lượt nó, điều này lại làm cho người ta
dễ dàng suy ngẫm về tính chất liên tục của nó, hình dung ra nó, nghĩa
là, như một dòng chảy không thể đảo ngược của những tình huống không thể
lặp lại, và nhìn lại quá khứ như thế, để hiểu một cách rõ ràng hơn tất
cả những gì bị chi phối bởi luật lệ trong xã hội. Cuộc sống của xã hội
càng phong phú thì chiều kích thời gian của xã hội, chiều kích thời gian
của lịch sử càng dễ nắm bắt hơn.
Nói
cách khác, ở đâu có không gian cho hoạt động xã hội thì ở đó cũng hình
thành không gian cho kí ức xã hội. Xã hội sống động là xã hội có lịch
sử.
Nếu
trong lịch sử thành tố của tính liên tục và tính nhân quả liên kết mật
thiết như thế với thành tố của tính không lặp lại và không dự đoán trước
được thì chúng ta cũng có thể hỏi lịch sử chân thực – nguồn gốc không
thể xóa bỏ của “hỗn loạn”, cội nguồn của sự bất ổn định và cái tát vào
luật pháp và trật tự - có thể tồn tại trong cái thế giới được cai trị
bằng chế độ “tăng entropy” hay không?
Câu
trả lời là rõ ràng: không thể. Trong chế độ như thế, việc trừ khử đời
sống đồng nghĩa với việc chặn đứng thời gian, nghĩa là lịch sử biến mất
khỏi tầm nhìn của nó.
Đất
nước của chúng ta cũng thế, người ta có cảm tưởng rằng đôi khi ở đây
không còn lịch sử nữa. Từ từ nhưng chắc chắn, chúng ta đang đánh mất ý
thức về thời gian. Chúng ta bắt đầu quên chuyện gì xảy ra khi nào, cái
gì xảy ra trước và cái gì xảy ra sau, đánh mất cảm giác là nó có ý nghĩa
đối với chúng ta. Khi tính độc đáo biến mất khỏi dòng chảy của các sự
kiện thì tính liên tục cũng không còn, mọi thứ cùng hòa chung vào một
hình ảnh đơn độc xám xịt của một và chỉ một chu kì và chúng ta nói:
“Chẳng có gì xảy ra hết”. Ở đây cũng thế, trật tự chán ngắt đã được áp
đặt: tất cả mọi hoạt động đều được tổ chức một cách hoàn toàn và vì vậy
mà cũng hoàn toàn tẻ nhạt. Sự tẻ nhạt của ý nghĩa của thời gian biểu lộ
trong xã hội chắc chắn cũng giết chết nó trong cuộc sống cá nhân. Không
còn được lịch sử xã hội hay lịch sử của cá nhân trong xã hội hậu thuẫn,
cuộc sống cá nhân lùi về mức của thời tiền sử, nơi thời gian chỉ tìm
được nhịp điệu của nó từ những sự kiện như ngày sinh, ngày kết hôn và
chết.
Việc
mất ý nghĩa của thời gian xã hội dường như đã đẩy xã hội trở lại tình
trạng nguyên thủy, nơi, hàng ngàn năm trước, nhân loại chỉ còn một cách
đo thời gian duy nhất là dựa vào biểu hiện của vũ trụ và thời tiết, với
bốn mùa lặp đi lặp lại và những nghi thức tôn giáo đi kèm với chúng.
Khoảng
trống do chiều kích làm người ta bất an của lịch sử dĩ nhiên là phải
được lấp đầy. Cho nên sự rối loạn của lịch sử chân thực được thay thế
bằng sự ngăn nắp của lịch sử giả hiệu, tác giả của nó là các nhà lập kế
hoạch chứ không phải là cuộc sống của xã hội. Người ta cung cấp cho
chúng ta những giả sự kiện chứ không phải là sự kiện chân thật, cuộc đời
chúng ta trôi lăn từ ngày lễ kỉ niệm này sang ngày lễ kỉ niệm khác, từ
lễ hội này sang lễ hội khác, từ cuộc duyệt binh này sang cuộc duyệt binh
khác, từ đại hội hoàn toàn nhất trí này sang những cuộc bầu cử hoàn
toàn nhất trí khác, và cứ thế lặp lại; từ ngày Báo chí sang ngày Pháo
binh, và ngược lại. Không phải vô tình mà - nhờ sự đánh tráo lịch sử như
thế - chúng ta có thể xem lại tất cả những việc xảy ra trong xã hội, cả
trong quá khứ lẫn tương lai, bằng cách đơn giản là ghé mắt nhìn vào
quyển lịch. Và sự tương đồng đến phát ớn của những nghi thức lặp đi lặp
lại cung cấp cho ta thông tin giống như chính ta có mặt trong các sự
kiện đó.
Như
vậy là, chúng ta đã có một trật tự hoàn hảo – nhưng giá phải trả là
quay lại thời tiền sử. Nhưng ngay cả trong trường hợp như thế cũng cần
phải cảnh báo: trong khi đối với tổ tiên của chúng ta những nghi lễ được
lặp đi lặp lại bao giờ cũng mang ý nghĩa hiện sinh sâu sắc thì đối với
chúng ta đấy chỉ còn là những thủ tục được thực hiện vì mục đích của
chính nó mà thôi. Chính phủ làm những thủ tục đó để duy trì cảm giác là
lịch sử đang chuyển động. Còn dân chúng chịu đựng những tình cảm đó là
để tránh rắc rối.
Chế
độ "entropic" có một phương tiện làm gia tăng entropy tổng quát trong
lĩnh vực ảnh hưởng của nó, mà cụ thể là bằng cách tăng cường sự kiểm
soát tập trung, làm cho chính nó càng ngày càng cố kết hơn, và ràng buộc
xã hội bằng thao túng một chiều. Nhưng mỗi bước theo hướng đó chắc chắn
cũng sẽ làm tăng entropy của chính nó.
Mỗi
cố gắng nhằm làm cho thế giới trở thành bất động cũng đồng thời làm cho
chính nó trở thành bất động, làm cho nó không còn khả năng đương đầu
với những hiện tượng mới mẻ hoặc chống lại những trào lưu tự nhiên của
cuộc sống. Như vậy là, chế độ "entropic" phải chịu số phận là sẽ trở
thành nạn nhân của chính cái nguyên tắc gây ra bệnh hoại tử của chính
nó, mà đấy lại là nạn nhân dễ bị tổn thương nhất, bởi vì trong cơ cấu
của nó không có bất kì động lực nào có thể giúp nó trực diện với chính
mình. Ngược lại, cuộc sống - với thôi thúc chống lại sự gia tăng của
entropy mà không gì có thể đè nén được – càng ngày càng kháng cự một
cách thành công hơn và sáng tạo hơn nhằm chống lại hiện tượng bị cô lập,
càng làm cho chính quyền bạo ngược xơ cứng nhanh hơn.
Trong
khi cố gắng làm tê liệt cuộc sống thì chính quyền lại làm tê liệt chính
mình và trong dài hạn, nó sẽ không còn khả năng làm tê liệt cuộc sống
được nữa.
Nói
cách khác, cuộc sống có thể trở thành đối tượng của bạo hành, suy nhược
và u mê kéo dài và toàn diện. Nhưng cuối cùng, không ai có thể vĩnh
viễn ngăn chặn được nó. Dù chậm chạp, lén lút và thầm lặng, nhưng nó vẫn
tiến lên. Mặc dù đã hàng ngàn lần bị làm cho vong thân với chính mình,
nó vẫn luôn tìm cách phục hồi; mặc dù bị giết một cách tàn bạo, nó vẫn
sống sót, và cuối cùng, vượt qua được bạo quyền từng tìm cách giết chết
nó. Không thể khác được, trong quan điểm nước đôi của mọi chính quyền
"entropic”, tức là chính quyền có thể đàn áp cuộc sống nếu có cuộc sống
để mà đàn áp, và như vậy sự tồn tại của nó phụ thuộc vào cuộc sống,
trong khi cuộc sống hoàn toàn không phụ thuộc vào nó. Chỉ có một sức
mạnh có thể tiêu diệt được cuộc sống trên trái đất này, đấy là sức mạnh
không biết đến thỏa hiệp: hiệu lực phổ quát của định luật thứ hai của
môn nhiệt động học.
Nếu
cuộc đời không thể bị tàn phá mãi mãi thì lịch sử cũng sẽ không dừng
lại mãi. Dòng suối nhỏ chảy bên dưới cái vỏ cứng của sức ỳ và những sự
kiện giả tạo đang chậm rãi và kín đáo xé dần lớp vỏ đó. Đấy có thể là
một quá trình lâu dài, nhưng một ngày nào đó sẽ xảy ra hiện tượng: cái
vỏ không còn trụ vững được nữa, nó sẽ bắt đầu rách ra.
Đấy
là thời khắc mà một lần nữa một cái gì đó có thể nhìn thấy được bắt đầu
xảy ra, một cái gì đó thật sự mới mẻ và độc đáo, một cái gì đó không
nằm trong kế hoạch của giới cầm quyền, một cái gì đó làm cho chúng ta
không còn bàng quan với những gì đang diễn ra và đấy là khi – một cái gì
đó có ý nghĩa lịch sử thật sự, theo nghĩa là lịch sử đòi hỏi phải được
lắng nghe.
Nhưng
trong hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta, làm sao lại có thể xảy ra sự
kiện là “lịch sử đòi hỏi phải được lắng nghe”? Viễn cảnh như thế thực sự
ngụ ý chuyện gì?
Tôi
không phải là nhà sử học cũng không phải là nhà tiên tri, nhưng không
thể không nói lên một vài nhận xét liên quan tới những “thời khắc” đó.
Ở
những nơi mà, với mức độ nào đó, sự cạnh tranh công khai nhằm tranh
giành quyền lực là bảo đảm duy nhất cho việc kiểm soát của xã hội đối
với việc thực thi quyền lực và cuối cùng là bảo đảm cho tự do ngôn luận
thì chính quyền dù muốn dù không cũng phải đối thoại thường xuyên và cởi
mở với xã hội. Chính quyền buộc phải thường xuyên đánh vật với những
câu hỏi mà cuộc sống đặt ra cho họ. Còn ở những nơi không có sự cạnh
tranh như thế và vì vậy mà tự do ngôn luận trước sau gì cũng bị đè bẹp –
như các chế độ “entropic” – thì chính quyền, thay vì thích nghi với
cuộc sống, lại bắt cuộc sống thích nghi với nó. Thay vì thường xuyên
đương đầu một cách công khai với những xung đột, những đòi hỏi và vấn
đề, thì họ lại tìm cách che đậy chúng. Nhưng ở đâu đó bên dưới lớp vỏ
bọc, những cuộc xung đột và đòi hỏi vẫn hiện diện, lớn lên và sinh sôi
nảy nở, và khi thời khắc đến, khi cái vỏ bọc không đủ sức ngăn chặn nữa
thì chúng sẽ bung ra. Đấy là thời khắc khi sức nặng của quán tính bị hất
cẳng và lịch sử lại một lần nữa bước lên vũ đài.
Sau đó thì sao?
Chắc
chắn là chính quyền còn đủ mạnh, đủ sức ngăn chặn những cuộc xung đột
mang tính sống còn, không cho chúng xuất hiện dưới dạng những cuộc thảo
luận công khai hay công khai tranh giành quyền lực. Nhưng họ không thể
đủ sức chống lại áp lực này được nữa. Cuộc sống sẽ ngoi đầu lên ở những
chỗ có thể - trong những hành lang bí mật của quyền lực, nơi nó có thể
đòi những cuộc thảo luận bí mật và cuối cùng đòi cạnh tranh bí mật. Dĩ
nhiên là chính quyền không được chuẩn bị để làm điều đó: họ không có
kiến thức để tiến hành những cuộc thảo luận thực sự với cuộc sống. Vì
vậy mà họ hoảng loạn. Cuộc sống reo mầm hỗn loạn vào những hội đồng của
họ dưới dạng những cuộc cãi vã, mưu mô, cạm bẫy và đối đầu. Thậm chí nó
còn đầu độc cả những cán bộ của họ: chiếc mặt nạ chết chóc của sự phi cá
tính mà họ chính thức khoác lên người nhằm khẳng định sự đồng nhất với
khối quyền lực thống nhất không tì vết kia bất ngờ rơi xuống, để lộ ra
những con người bằng xương bằng thịt đang tranh giành quyền lực bằng
biện pháp “nhân đạo” nhất và đang đánh nhau để tự cứu mình. Đấy là giờ
khắc khét tiếng cho những cuộc cách mạng và bạo loạn cung đình, cho
những thay đổi vị trí mà người ngoài thấy khó hiểu và bất ngờ và những
thay đổi của những điểm chính trong những bài diễn văn soạn sẵn, là thời
khắc khi những âm mưu và trung tâm bí mật có thật hay bịa tạc được tiết
lộ, thời khắc khi những tội lỗi có thật hoặc tưởng tượng được nói ra và
những khuyết điểm xưa cũ được đào lên, là thời khắc hất nhau ra khỏi
công sở, phỉ báng nhau và thậm chí là có cả những vụ bắt giam và đưa
nhau ra tòa nữa. Nếu như trước đây mọi người đều nói cùng một ngôn ngữ,
sử dụng cùng những sáo ngữ, hoan nghênh hoàn thành thắng lợi của cùng
mục tiêu, thì nay khối quyền lực bỗng nứt ra thành những cá nhân riêng
lẻ, những kẻ vẫn nói cùng ngôn ngữ ấy nhưng lại dùng miệng lưỡi của mình
để tấn công nhau. Chúng ta đã ngạc nhiên nhận thấy rằng một số người
trong bọn họ - những kẻ thua trong cuộc đấu tranh bí mật nhằm giành
quyền lực – không bao giờ thực sự coi trọng mục tiêu của mình và không
bao giờ hoàn thành trọn vẹn những mục tiêu đó – trong khi những kẻ thắng
là những người thực sự nhắm đến điều họ nói và là những kẻ duy nhất có
khả năng đạt được mục tiêu của mình.
Cuốn
lịch của những sự kiện giả trong nhiều năm càng được thiết kế một cách
hữu lí bao nhiêu thì ảnh hưởng của sự bùng nổ bất ngờ của lịch sử chân
thực càng phi lí bấy nhiêu. Tất cả những thành tố độc đáo, có một không
hai và bất thường, từng bị đàn áp trong một thời gian dài, tất cả những
điều huyền bí từng bị phủ nhận trong một thời gian dài, đồng loạt lao ra
khỏi những vết nứt. Nơi trước đây, suốt nhiều năm trời, chúng ta không
hề được biết ngay cả những bất ngờ bình thường nhất, nhẹ nhàng nhất, thì
nay cuộc sống là một điều bất ngờ to lớn – và nó xứng đáng được như
thế. Và toàn bộ sự hỗn loạn của lịch sử, từng bị che dấu bên dưới cái
trật tự giả tạo trong nhiều năm, bất ngờ phun trào ra ngoài.
Chúng
ta vẫn thường thấy những chuyện đó! Chúng ta thường chứng kiến những
chuyện đó trong những quốc gia của chúng ta! Cỗ máy tưởng chừng như hoàn
hảo, không thể nào sai sót, chỉ trong một đêm đã vỡ ra thành từng mảnh
mà chẳng cần một cú hích nào. Hệ thống tưởng chừng như một vương triều
không bao giờ thay đổi, một thế giới không bao giờ cáo chung vì không gì
có thể thách thức được quyền lực của nó, bỗng sụp đổ mà không hề báo
trước. Và chúng ta sửng sốt nhận ra rằng nó không phải như chúng ta từng
nghĩ.
Thời
khắc khi cơn lốc đó xuyên thủng ngôi biệt thụ mốc meo của quyền lực đã
hóa đá đó, dĩ nhiên không đơn giản là cội nguồn của sự ngạc nhiên đối
với tất cả những người nằm bên ngoài thành lũy của quyền lực. Vì tất cả
chúng ta cũng luôn luôn dính líu với nó, dù là gián tiếp. Nó chẳng phải
là áp lực lâu năm và thầm kín của cuộc sống, luôn luôn gặp phản kháng,
nhưng cuối cùng đã trở thành nhu cầu và quyền lợi của cả xã hội, những
vụ xung đột và căng thẳng của nó đôi khi cũng cho thấy nền tảng của
quyền lực ư? Không có gì đáng ngạc nhiên là xã hội tiếp tục tỉnh ngộ
trong những thời khắc như thế, gắn bó với chúng, chấp nhận chúng một
cách đầy cảnh giác, được chúng kích thích và tìm cách lợi dụng chúng!
Hầu như trong mọi trường hợp, những cơn chấn động đó đều gây ra hi vọng
hay sợ hãi đủ mọi kiểu, tạo ra - hay tưởng rằng tạo ra – cơ hội cho việc
thực thi những xung lực và tham vọng khác nhau của cuộc sống và đẩy
nhanh đủ mọi loại phong trào trong xã hội.
Nhưng
hầu như trong mọi trường hợp, tình hình như thế – do sự rối loạn quyền
lực gây ra những xung đột trái tự nhiên với cuộc sống – bao giờ cũng có
những nguy cơ không lường trước được.
Tôi sẽ cố gắng làm rõ một nguy cơ như thế.
Nếu
hàng ngày một người nào đó vẫn thầm lặng nhận lệnh của người chỉ huy
không có trình độ, nếu hàng ngày anh ta vẫn long trọng thực hiện những
hành động mang tính nghi thức mà anh ta cho là kì quặc, nếu anh ta vẫn
trả lời những bảng câu hỏi trái với ý kiến thực sự của anh ta và là
những câu hỏi được chuẩn bị nhằm phủ nhận anh ta ở chỗ công cộng, nếu
anh ta không cảm thấy khó khăn khi giả vờ đồng cảm hay thậm chí yêu
thương với những điều mà anh ta bàng quan hay ghê tởm, thì điều đó không
có nghĩa là anh ta đã đánh mất một trong những cảm nhận quan trọng nhất
của con người, mà cụ thể là cảm nhận về phẩm giá.
Ngược lại: thậm chí nếu người ta không bao giờ nói về nó thì người ta cũng biết rõ cái giá
mà họ phải trả để có được sự hình yên và thanh thản ngoại tại: phẩm giá
con người thường xuyên bị lăng nhục. Muốn làm yên lòng mình, họ càng ít
phản kháng trực tiếp bằng cách quên nó đi hay tự lừa mình bằng cách
nghĩ rằng nó chẳng có giá trị gì hay đơn giản là nghiến răng lại – thì
trải nghiệm càng khoét sâu thêm vào tình cảm của họ. Người có thể phản
đối sự lăng nhục thì cũng dễ quên, nhưng người có thể chịu đựng một cách
lâu dài chắc chắn sẽ nhớ mãi. Trên thực tế, người ta chẳng quên cái gì
hết. Tất cả những nỗi sợ hãi mà người ta từng chịu đựng, sự giả vờ mà
người ta buộc phải làm, tất cả những trò hề làm người ta cảm thấy đau
đớn và hèn mạt, và tồi tệ nhất là cảm giác phải phơi bày sự hèn nhát của
mình – tất cả những điều này đọng lại và tích tụ ở đâu đó trong tầng
sâu thẳm nhất của ý thức xã hội và lặng lẽ lên men ở đấy.
Rõ
ràng là đấy là tình trạng không hay. Không được xử lí, vết thương sẽ
mưng mủ; mủ sẽ tích tụ lại và căn bệnh lan truyền khắp cơ thể. Tình cảm
tự nhiên của con người không chấp nhận quá trình khách thể hóa, thay vào
đó, nó tích tụ lại trong tâm trí và chuyển dần thành sự câu thúc làm
người ta đau khổ, thành chất độc chẳng khác gì chất carbon monoxide (CO)
do quá trình cháy không hết tạo ra.
Không
có gì ngạc nhiên là khi lớp vỏ bọc nứt ra và dung nham của cuộc đời
tuôn trào ra ngoài thì sẽ xuất hiện không chỉ những cố gắng được cân
nhắc kĩ lưỡng nhằm điều chỉnh những sai lầm cũ, không chỉ có những cuộc
truy tìm sự thật và cải cách phù hợp với nhu cầu của cuộc sống, mà còn
xuất hiện cả những triệu chứng của lòng hận thù, sự phẫn nộ và ước muốn
đòi phải đền bù cho tất cả những sự nhục nhã mà người ta phải chịu đựng.
(Những hình thức bốc đồng và quay quắt của ước muốn đó có thể xuất hiện
từ cảm giác mù mờ là sự nổi dậy diễn ra quá muộn, khi nó đã mất hết ý
nghĩa, không còn bất cứ động cơ trực tiếp nào và vì vậy mà không có nguy
cơ trực tiếp nào, khi nó chỉ là thế phẩm cho một cái gì đó đáng lẽ phải
xảy ra trong bối cảnh hoàn toàn khác).
Không
có gì ngạc nhiên là những người có quyền lực trong nhiều năm đã quen
với sự đồng ý một trăm phần trăm, đã quen với sự ủng hộ hoàn toàn và
tuyệt đối, và giả vờ thống nhất hoàn toàn, sẽ bị choáng váng trước cơn
bộc phát của những tình cảm bị đè nén trong thời khắc đó đến nỗi họ cảm
thấy rằng đang đứng trước một mối đe dọa chưa từng có và trong tâm trạng
như thế (tự coi mình là người cứu chuộc duy nhất của thế giới) sẽ coi
mối đe dọa chưa từng có đó cũng là mối đe dọa với phần còn lại của thế
giới cho nên họ không lưỡng lự kêu gọi hàng triệu binh sĩ ngoại quốc đến
cứu mình và cứu cả thế giới.
Cách
đây chưa lâu tôi đã trải qua một vụ bùng nổ như thế. Những người đã
từng nhiều năm làm nhục và gây thương tổn cho quần chúng nhân dân đã bị
sốc khi quần chúng tìm cách cất lên tiếng nói của mình, bây giờ lại gọi
toàn bộ sự kiện đó là “sự bùng nổ cảm xúc”. Cảm xúc nào bùng nổ? Những
người biết rõ những cảnh nhục nhã diễn ra rộng khắp và kéo dài đã tiên
đoán được vụ bùng nổ, còn những người hiểu được cơ chế tâm lí xã hội,
của phản ứng tiếp theo những cảnh nhục nhã đó chắc chăn phải cảm thấy
ngạc nhiên hơn nữa trước sự bùng nổ tương đối bình lặng, khách quan và
vẫn có dáng dấp trung thành như thế. Nhưng, như mọi người đều biết,
chúng ta phải trả giá quá đắt cho thời khắc của sự thật đó.
Nhà
cầm quyền hiện nay khác xa với những người từng cai trị trước vụ bùng
nổ đó. Đấy không chỉ bởi vì những người kia, như người ta nói, là “nòi”
còn những kẻ kế nhiệm họ chỉ là bọn bắt chước, không có khả năng nhận
thức được rằng bọn “nòi” kia đã đánh mất bao nhiêu tính thần bí của họ,
mà trước hết là vì một lí do khác
Vì
trong khi chính quyền trước dựa trên cơ sở xã hội là sự ủng hộ đáng tin
cậy, mặc dù có giảm sút, của một bộ phận dân chúng và sự hấp dẫn chân
thực và lớn lao (cũng đã bốc hơi dần) của những lợi ích xã hội mà nó hứa
hẹn, thì chế độ hiện nay chỉ dựa trên bản năng tự bảo vệ của nhóm thiểu
số cai trị và nỗi sợ hãi của đa số bị trị mà thôi.
Trong
những hoàn cảnh như thế, thật khó mà dự đoán được tất cả các kịch bản
khả thi cho “thời khắc của sự thật”: dự đoán cách thức mà một ngày nào
đó sự xuống cấp toàn diện và công khai của toàn xã hội có thể đòi được
phục hồi. Và không thể nào đánh giá được phạm vi và chiều sâu của những
hậu quả đầy bi kịch mà thời khắc đó có thể gây ra, có lẽ là chắc chắn sẽ
gây ra, đối với hai dân tộc chúng ta.
Trong
bối cảnh đó, thật đáng ngạc nhiên là cái chính phủ vẫn tự quảng cáo là
khoa học nhất trong lịch sử lại không có khả năng hiểu được những qui
tắc sơ đẳng của hoạt động của mình hay học ngay từ chính quá khứ của nó.
Tôi
đã nói rõ rằng tôi không sợ cuộc sống ở Tiệp Khắc sẽ dừng lại hay lịch
sử bị ngưng vĩnh viễn cùng với sự gia tăng quyền lực của những nhà lãnh
đạo hiện nay. Mỗi hoàn cảnh lịch sử và mỗi thời đại lịch sử đều được nối
tiếp bằng hoàn cảnh mới và thời đại mới, tốt xấu chưa biết, nhưng cái
mới bao giờ cũng khác xa với hình dung của những người tổ chức và cai
trị trong giai đoạn trước.
Tôi
sợ một điều khác. Trên thực tế, toàn bộ bức thư này liên quan tới điều
mà tôi thật sự lo sợ - những hậu quả kéo dàn và tàn nhẫn đến vô lí mà sự
lạm dụng quyền lực hiện nay sẽ gây ra cho hai dân tộc chúng ta. Tôi sợ
cái giá mà tất cả chúng ta buộc phải trả cho sự đàn áp quyết liệt lịch
sử, phải trả cho sự ruồng rẫy tàn bạo và không cần thiết đời sống, đẩy
nó xuống đáy của xã hội và xuống những tầng sâu nhất của tâm hồn con
người, phải trả cho những thời cơ được sống một cách tự nhiên mà xã hội
đã bị buộc phải bỏ qua. Và từ những điều tôi trình bày có thể thấy rõ là
tôi không chỉ lo lắng về cái giá phải trả theo nghĩa những đau khổ mà
người ta phải chịu mỗi ngày do sự tàn phá xã hội và thoái hóa của con
người hay giá mà chúng ta phải trả cho sự xuống cấp kéo dài về mặt tinh
thần và đạo đức của xã hội. Tôi còn lo lắng về cái giá hầu như không thể
tính được mà chúng ta có thể phải thanh toán khi đời sống và lịch sử
đứng lên đòi hỏi sự công bằng.
Mức
độ trách nhiệm của nhà lãnh đạo chính trị trước đất nước chắc chắn là
luôn luôn thay đổi và không bao giờ là tuyệt đối. Ông ta không bao giờ
cai trị một mình, những người xung quanh ông ta phải chịu một phần trách
nhiệm. Không nước nào sống trong chân không, cho nên chính sách của đất
nước, ở mức độ nào đó, bao giờ cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách của các
nước khác. Rõ ràng là những nhà lãnh đạo trước bao giờ cũng phải trả
lời nhiều việc vì chính sách của họ đã tạo ra những điều kiện dẫn tới
tình hình hiện nay. Xã hội cũng phải trả lời nhiều việc, vì về mặt cá
nhân, thông qua những quyết định cá nhân, từng người có trách nhiệm
trong việc để xảy ra tình hình như hiện nay hay về mặt tập thể, như một
toàn bộ lịch sử-xã hội, bị bó buộc bởi hoàn cảnh và đến lượt nó lại định
ra giới hạn cho những hoàn cảnh đó.
Mặc
cho những điều vừa nói, tức là những điều đương nhiên là được áp dụng
cho hoàn cảnh của chúng ta cũng như cho bất kì hoàn cảnh nào khác, trách
nhiệm của một nhà lãnh đạo chính trị như ông vẫn vô cùng to lớn. Ông đã
đóng góp vào việc tạo ra bầu không khí mà tất cả chúng ta đang sống và
vì vậy mà có ảnh hưởng trực tiếp đến cái giá mà cuối cùng xã hội ta sẽ
phải trả cho quá trình củng cố hiện nay.
Người
Czechs và người Slovaks, cũng như bất kì dân tộc nào khác, mang sẵn
trong mình những tiềm năng cực kì khác nhau. Chúng ta đã có, đang có và
sẽ tiếp tục có những người anh hùng, cũng như những tên chỉ điểm và phản
bội của mình. Chúng ta có khả năng giải phóng trí tưởng tượng và sáng
tạo, có khả năng nâng mình lên những tầm cao không ngờ được về mặt tinh
thần và đạo đức, có khả năng chiến đấu cho sự thật và hi sinh vì người
khác.
Nhưng
trong chúng ta cũng có những tính cách làm cho mình trở thành thờ ơ,
không quan tâm đến bất kì điều gì khác ngoài cái dạ dày của mình, hay
dùng thì giờ để ngáng chân nhau. Và mặc dù tâm hồn con người không phải
là cái bình muốn đổ thứ gì vào cũng được (xin lưu ý thái độ kiêu căng
thể hiện trong một câu nói thường thấy trong những bài diễn văn chính
thức, đấy là khi người ta nói rằng “chúng tôi” – tức là chính phủ - thấy
rằng cần phải giáo dục ý tưởng này-này cho nhân dân), nhưng nó phụ
thuộc rất nhiều vào những người lãnh đạo, xu hướng nào trong những xu
hướng đối chọi nhau trong xã hội sẽ được động viên, những tiềm năng nào
sẽ có cơ hội được thực thi, và tiềm năng nào sẽ bị đè bẹp.
Cho
đến nay, những điều xấu xa nhất trong chúng ta đã được kích hoạt và mở
rộng một cách có hệ thống – tính ích kỉ, dối trá, bàng quan, hèn nhát,
sợ hãi, nhẫn nhục, và tìm cách tránh né mọi trách nhiệm cá nhân, không
thèm quan tâm tới hậu quả.
Nhưng
ban lãnh đạo đất nước hiện nay có cơ hội dùng chính sách của mình để
tạo ảnh hưởng đối với xã hội bằng cách khuyến khích không phải mặt tiêu
cực mà là mặt tích cực trong chúng ta.
Cho
đến nay, ông và chính phủ của ông đã chọn con đường dễ dàng cho các
ông, nhưng cũng là con đường nguy hiểm nhất đối với xã hội: con đường
dẫn tới tình trạng mục nát ở bên trong để giữ cái hình thức bên ngoài,
con đường tiêu diệt cuộc sống nhằm gia tăng sự đơn điệu, con đường làm
cho cuộc khủng hoảng về tinh thần và đạo đức ngày càng trầm trọng hơn,
và làm cho phẩm giá của con người ngày càng suy thoái hơn, nhằm bảo vệ
quyền lực của chính các ông.
Nhưng,
ngay cả trong những giới hạn đó, ông vẫn có cơ hội làm được nhiều việc,
chí ít là cải thiện phần nào tình hình. Đấy có thể là con đường đòi hỏi
nhiều cố gắng và vất vả hơn, lợi ích sẽ không thấy ngay, và sẽ gặp
chống đối ở chỗ này chỗ khác. Nhưng vì lợi ích thực sự và tương lai của
xã hội chúng ta, đấy sẽ là con đường có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Do
đó, là công dân của đất nước này, tôi công khai và thẳng thắn yêu cầu
ông và những người đại diện hàng đầu của chế độ hiện nay xem xét một
cách nghiêm túc những vấn đề mà tôi đã cố gắng lưu ý các ông, yêu cầu
các ông đánh giá trách nhiệm lịch sử của các ông và có những hành động
phù hợp.
Nguồn: http://www.vaclavhavel.cz/showtrans.php?cat=clanky&val=71_aj_clanky.html&typ=HTML
0 nhận xét:
Đăng nhận xét