Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014
Fiona Hill (Foreign Policy, Mĩ, 15/02/2011) – Nga và Trung Quốc nhận thức về cách mạng Ai Cập như thế nào?
10:47
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Một trong những nền tảng mang
tính nguyên tắc của chính sách đối ngọai của Mĩ dưới thời tổng thống
Barack Obama là tạo mối quan hệ mang tính xây dựng cao nhất có thể được
với Nga, Trung Quốc và các siêu cường khác. Trong năm 2010 chính phủ đã
giành được một số thành tựu nhất định: trước hết là “điều chỉnh” chính
sách với Nga và giải quyết những mối căng thẳng thương mại không thể
tránh được cũng như những căng thẳng khác trong quan hệ với Trung Quốc.
Nhưng năm 2011 có vẻ như sẽ có nhiều thách thức hơn vì sau khi các cuộc
biểu tình dẫn đến việc tổng thống Mubarak bị lật đổ, tình hình Ai Cập
tiếp tục phát triển còn Mĩ, Nga và Trung Quốc thì lại đang chuẩn bị cho
những cuộc bầu cử vào năm 2012.
Trong khi thúc đẩy chiến lược về
Ai Cập, Washington phải tính đến nhận thức và phản ứng của Moskva cũng
như Bắc Kinh, cũng như phải chú ý đến những hậu quả còn chưa rõ ràng ở
Cairo đối với bài tóan quan hệ song phương phức tạp giữa Mĩ, Nga và
Trung Quốc. Những cuộc biểu tình trên quảng trường Tahrir sẽ tạo ra hiệu
ứng mang tính tòan cầu, và Washington phải rất thận trọng để không theo
đuôi những sự kiện đó trong khi suy nghĩ và sọan thảo các biện pháp
phản ứng mang tính tòan diện. Đấy cũng không phải là những vấn đề của
riêng các chuyên gia về Arab và Trung Đông làm việc trong chính quyền.
Mặc dù Trung Quốc và Nga khác xa
Ai Cập, sự sụp đổ của chế độ của Mubarak là lời cảnh báo nghiêm khắc về
những khó khăn mà các chính phủ này phải đối mặt trong quan hệ với thế
giới hiện nay. Nền kinh tế chao đảo, nạn thất nghiệp gia tăng, cách
biệt thu nhập quá lớn, tâm trạng thất vọng gia tăng cũng như sự vận
động không thể dự đóan được do những phương tiện thông tin đại chúng
mới tạo ra đã quyết định số phận của Mubarak. Mặc dù Trung Quốc có thể
đang phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị nhưng chế độ độc đảng đã
nhận thức được những thách thức nghiêm trọng đối với tính chính danh của
mình và lãnh đạo tập thể càng làm cho việc xử lí khủng hỏang phức tạp
thêm. Nga đặc biệt dễ bị tổn thương vì mối quan hệ chặt chẽ giữa tốc độ
phát triển kinh tế của nước này với giá dầu trên thế giới và sự kiện là,
tương tự như ở Ai Cập, một mình Vladimir Putin đang khống chế sân khấu
chính trị Nga và tình cảm của dân chúng đối với ông ta là cơ sở cho
tính chính danh của chính phủ. Hiện nay Trung Quốc và Nga sẽ phải rất
thận trọng đối với việc mở không gian chính trị nội bộ cho dân chúng
tham gia trong quá trình chuyển giao lãnh đạo và cuộc bầu cử tổng thống
vào năm 2012, đặc biệt là nếu các phương tiện thông tin đại chúng soi
rọi những khiếm khuyết của họ và đưa các nhóm đối lập và những người ủng
hộ họ ra đường phố. Họ cũng sẽ quan sát một cách rất cẩn thận chính
sách của Washington đối với Ai Cập nhằm tìm cho ra những dấu vết chứng
tỏ rằng Mĩ sẽ ủng hộ những nhóm đối lập ở trong nước. Điều này đặc biệt
quan trọng bởi vì ngọn gió chính trị ở Washington dường như đã đổi chiều
theo hướng khuyến khích các phong trào dân chủ. Ổn định ở trong nước
càng trở thành cấp bách hơn đối với Bắc Kinh và Moskva.
Trung Quốc và Nga còn phải lo về
vấn đề: bạo động sẽ xuất hiện ở đâu? Trong những ngày gần đây mọi chú ý
đều đổ dồn vào Trung Đông và hậu quả của những sự kiện đang diễn ra ở
đấy đối với Israel và Iran, và ảnh hưởng hay cảm hứng tiềm tàng cho
những thay đổi chính trị trong thế giới Arab, vì sự kiện là cuộc nổi
dậy ở Ai Cập diễn ra sau khi và được khuyến khích bởi việc lật đổ tổng
thống Zine el-Abidine Ben Ali ở Tunisia vào tháng giêng. Các chính quyền
Algeria, Jordan, Syria, Yemen và có thể là chính quyền Palestine được
đưa vào danh sách những chế độ sẽ bị làn sóng phản đối của nhân dân lật
đổ trong tương lai gần. Nhưng các nước này đều không có ý nghĩa chiến
lược không thể thay thế được đối với Moskva hoặc Bắc Kinh. Tuy nhiên bên
ngòai thế giới Arab và Trung Đông có những hòang gia hoặc chế độ độc
đóan đã được củng cố khác, họ bóp chết các đảng đối lập và các định chế
dân chủ, không cho dân chúng lên tiếng trong quá trình chuyển giao
quyền lực. Nhiều nước trong số đó là láng giềng của Nga và Trung Quốc.
Đấy là Azerbaijan, Belarus, là các nước cộng hòa Trung Á như
Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Bắc Triều Tiên. Tất
cả đều bị nguy cơ “thời khắc Mubarak” của chính mình đe dọa. Nga càng có
lí do để mà lo lắng. Trong những năm 2003-2005, nhiều nước nằm ở ngọai
vi nước Nga đã bị chấn động bởi những cuộc cách mạng “màu”.
Việc chuyển giao quyền lực được
giới tinh hoa cầm quyền ở Kazakhstan, Tajikistan, và Uzbekistan tiến
hành bằng cuộc vận động ngầm đằng sau cánh gà sân khấu, họ quyết định ai
sẽ lên thay những vị tổng thống già nua. Giới lãnh đạo Kazakhstan có ưu
thế vì nền kinh tế của họ đang phát triển, ngân sách gia tăng, do đó họ
có thể làm lu mờ các đảng phái đối lập tiềm tàng. Nước này cũng nhanh
chóng đóng đường biên giới và cửa khẩu mỗi khi các nước láng giềng náo
lọan. Islam Karimov, tổng thống Uzbekistan bắt bắt đầu chiến dịch đàn áp
phong trào đối lập sau khi xảy ra tình trạng bạo lọan và phản đối ở
thành phố Andijan vào tháng 5 năm 2005 và tiếp tục nắm giữ tình hình
trong bàn tay sắt của ông ta. Năm ngóai, Tajikistan bị náo lọan bởi
những cuộc bạo động khu vực và sự chia rẽ trong chính quyền, thỏa thuận
hòa bình năm 1997 đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến hao người tốn của
không được tôn trọng. Từ năm 2005 đến nay, ở Kyrgyzstan đã diễn ra hai
cuộc nổi dậy nhằm chống lại vị tổng thống không được lòng dân và hiện
người ta đang tiến hành một cuộc thử nghiệm đầy may rủi về chính phủ
liên hiệp.
Trong khi đó ở phía Nam và phía
Tây Nga, tức là ở Georgia và Ukraine, đã từng diễn ra các cuộc cách mạng
Hoa Hồng và cách mạng Cam vào các tháng 11 năm 2003 và tháng 11 năm
2004. Các nhóm đối lập ở Georgia đòi tiến hành bầu cử trước thời hạn đã
đụng độ với cảnh sát vào tháng 11 năm 2007; còn nền chính trị Ukraine
thì có thời bị ngưng trệ hẳn vì cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các lãnh
tụ của cuộc Cách mạng Cam trong suốt sáu năm qua. Việc chuyển giao
quyền lực từ Heydar sang cho Ilham Aliyev (từ cha cho con) ở Azerbaijan
vào tháng 10 năm 2003 cũng bị quần chúng phản đối dữ dội, phản đối diễn
ra cả trong những cuộc bầu cử sau đó, nhưng số người tham gia có giảm
đi. Tháng 4 năm 2009, Moldova cũng bị rung chuyển bởi những cuộc phản
đối nhân kì bầu cử mà người ta gọi là “Cuộc Cách mạng Twitter”. Và mới
đây, sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào tháng 12 năm 2010, tổng
thống Aleksandr Lukashenko ở Belarus đã tiến hành đàn áp khốc liệt những
ngừoi biểu tình phản đối. Trong suốt thời gian đó, lãnh tụ Kim Jong Il
của Bắc Triều Tiên đã tìm cách chuyển giao quyền lực cho con trai ông
ta là Kim Jong Un. Mĩ sẽ phản ứng và lèo lái sự các sự kiện ở Ai Cập như
thế nào? Điều đó sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với tình hình các
nước khác. Nó cũng sẽ có ảnh hưởng đối với quan điểm của Trung Quốc và
Nga về phản ứng của Hoa Kì trong những trường hợp tương tự trong tương
lai.
Trong lịch sử lâu dài của
mình, Nga và Trung Quốc chưa từng miễn nhiễm với cách mạng và
bạo động. Cảnh tượng trên quảng trường Tahrir làm người ta nhớ
lại những sự kiện đã buộc Mikhail Gorbachev phải từ chức và
sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991 và cuộc biểu tình
phản đối trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989.
Chính phủ hai nước đều có những vết thương mới sau những cuộc
đụng độ giữa các lực lượng dân tộc cực đoan và cảnh sát ở
quảng trường Manezh ở Moskva vào tháng 12 năm 2010 và những cuộc
va chạm giữa các sắc tộc ở tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) trong
tháng 7 năm 2009. Các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc nhận thức
rõ – họ cũng thường được nhắc nhở về chuyện đó – những mối
nguy của những cuộc biểu tình trên đường phố và quảng trường
trong các thành phố chính và vai trò mà các mạng xã hội có
thể đóng trong việc biến một cuộc biểu tình nhỏ bé thành các
sự kiện không thể dự đoán và không thể kiểm soát được. Họ
theo dõi một cách sát sao hoạt động của phe đối lập và những
người bất mãn, cũng như hoạt động trên mạng internet. Trung Quốc
ngăn chặn việc tìm kiếm từ “Ai Cập”, còn các phương tiện thông
tin đại chúng ở Nga thì khuyếch đại ý tưởng cho rằng Mĩ và
những lực lượng bên ngoài đứng đằng sau các sự kiện ở Cairo.
Tình hình nội bộ ở Nga có
thể đáng quan ngại hơn là Trung Quốc. Việc trục xuất Mubarak cho
thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống chính trị dựa
trên quyền lực của một cá nhân. Trong khi Trung Quốc vẫn còn
Đảng cộng sản thì Nga chỉ có mỗi một mình Vladimir Putin (ngay
cả nếu như hiện nay ông ta là một thành phẩn trong cỗ xe hai
ngựa cùng với Dmitry Medvedev). Putin hiện vẫn chưa nói “có” với
nhiệm kì hai của Medvedev trong cuộc vận động bầu cử tổng
thống sẽ bắt đầu trong năm nay – dẫn người ta đến ý tưởng cho
rằng Putin có thể trở lại chiếc ghế tổng thống vào năm 2012.
Nếu làm như thế thì về lí thuyết ông ta có thể giữ thêm hai
nhiệm kì, mỗi nhiệm kì 6 năm, nghĩa là đến tận năm 2024, khi
ông ta 72 tuổi, trẻ hơn Mubarak 10 tuổi khi ông này phải rút lui.
Nếu như thế, Putin sẽ cầm lái gần một phần tư thế kỉ.
Tính chính danh của chế độ
ở Nga dựa phần lớn vào uy tín cá nhân của Putin và thành tựu
kinh tế vô tiền khoáng hậu trong mười năm vừa qua. Putin được
người dân tin cậy vì ở cương vị tổng thống, ông đã phục hồi
được trật tự trong nước, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển
và khôi phục được địa vị quốc tế của quốc gia, và gần đây
nhất, ở cương vị thủ tướng, ông đã đưa đất nước vượt qua được
giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
bằng những gói hỗ trợ và biện pháp khuyến khích đầy hiệu
quả. Mặc dù hiện nay ở trong nước không có lực lượng đối lập
có tổ chức đối đầu được với Putin và chế độ. Nhưng hiện đã
có nhiều chỉ dấu cho thấy dân chúng và giới tinh hoa tỏ ra sốt
ruột, họ muốn có những thây đổi căn bản hơn trong lĩnh vực
kinh tế cũng như hoạt động củs chính phủ. Dễ nhận thấy nhất
là trong thế hệ trẻ. Xã hội Nga đang phát triển nhanh hơn là
hệ thống chính trị. Internet và các mạng xã hội cũng như các
website có nhiều người tham gia, trong đó có các phiên bản của
Nga, phát triển rất nhanh trong mấy năm gần đây. Càng ngày người
ta càng hay sử dụng các mạng này vào việc tổ chức những
hành động nhằm phản ứng lại các sự kiện nào đó. Chuyện đó
đã diễn ra vào lúc xảy ra những đám cháy vào mùa hè năm
ngoái, một loạt website đã động viên những người tình nguyện
tham gia cứu hỏa và giúp đỡ dân chúng sơ tán sau khi chính
quyền địa phương và trung ương tỏ ra bất lực. Với vai trò là
tổng thống, ông Medvedev đã có những cố gắng nhằm đáp ứng lại
những thay đổi như thế. Ông đã mở một tài khoản trên Twitter
và cổ động cho chiến dịch hiện đại hóa – nhưng thành công có
vẻ như chưa nhiều. Chính phủ Nga rất lo lắng về hiện tượng
chảy máu chất xám khi những người thông minh nhất và sáng láng
nhất bỏ sang châu Âu – nổi bật nhất trong năm qua là sự ra đi
của hai nhà vật lí đã từng đoạt giải Nobel – các cuộc thăm dò
dư luận cho thấy 70% số người được hỏi, đặc biệt là các
chuyên gia trẻ, nói rằng nếu có điều kiện thì họ sẽ ra nước
ngoài sinh sống.
Các sự kiện trong những
tuần gần đây ở Ai Cập cho thấy nếu dân chúng đã quá giận dữ
thì không cần phải có lực lượng đối lập nghiêm túc và có tổ
chức cũng có thể đưa được họ ra đường phố. Trên thực tế, các
sự kiện ở Ukraine và Georgia cũng diễn ra theo kịch bản như
thế. Người biểu tình đã làm cho các đảng đối lập ngạc nhiên –
nhất là ở Kyrgyzstan, nơi phe đối lập đã bị các sự kiện kéo
đi và hiện nay vẫn còn phải đuổi theo.
Giá dầu trên thế giới là
tác nhân quan trọng duy nhất đối với tương lai của nền kinh tế
Nga. Trong ngắn hạn, giá dầu quyết định tốc độ phát triển của
cả nền kinh tế. Nếu xu hướng gia tăng giá dầu hiện nay vẫn
tiếp tục thì Nga có thể giữ được tốc độ tăng trưởng là 4%
một năm. Nếu giá dầu giữ nguyên thì tốc độ có thể chỉ đạt 1
đến 2% một năm mà thôi. Nhưng ngay cả trong trường hợp lạc quan
nhất thì tốc độ phát triển kinh tế cũng thấp hơn đáng kể so
với mười năm vừa qua, khi mà tốc độ phát triển kinh tế đạt
trung bình 7% một năm. Cùng với thời gian, tốc độ phát triển
chậm như thế có thể không đáp ứng được kì vọng của nhân dân
Nga, và chắc chắn là không thể giải quyết được những khó khăn
kinh tế nghiêm trọng và đã ăn sâu bén rễ từ trước: cơ sở hạ
tầng không phù hợp và đã bị xuống cấp, phương tiện sản xuất
lỗi thời, khủng hoảng trong lĩnh vực y tế và dân số. Chính
phủ Nga tìm cách che đậy những khiếm khuyết đó bằng các trò
vui được quần chúng ưa thích, trong đó có Thế vận hội mùa đông
ở Sochi, một khu nghỉ dưỡng yêu thích của Putin và giải bóng
đá thế giới vào năm 2018. Nhưng các chỉ số kém cỏi của nền
kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp cao sau năm 2012 sẽ làm cho dân
chúng không còn ủng hộ Putin nữa (đấy là nói nếu lúc đó ông
ta còn nắm quyền).
Trên bình diện quốc tế, sau
Ai Cập thì vấn đế nhạy cảm nhất đối với cả Nga và Trung Quốc
chính là Bắc Triều Tiên, nước có chung đường biên giới với cả
hai quốc gia này. Nga có thể không đóng vai trò quyết định
trong nền chính trị của Bắc Triều Tiên, mặc dù từ lâu nước
này đã muốn thành lập một vùng kinh tế mở trên khu vực biên
giới gần sông Tumen nhằm kích hoạt nền kinh tế ốm yếu ở Viễn
Đông của Nga. Nước này muốn có nước Triều Tiên hữu hảo ở ngay
cửa ngõ của mình, thống nhất hay là chia cắt thì cũng vậy.
Năm 2012, Nga sẽ đóng vai trò nước chủ nhà trong hội nghị
thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, không xa biên giới với Bắc Triều
Tiên là mấy. Nga hi vọng rằng tại hội nghị này họ sẽ khẳng
định được địa vị siêu cường khu vực châu Á-Thái Bình Dương của
mình cũng như sẽ được lợi từ sự năng động của khu vực. Đứng
nhìn Trung Quốc và Mĩ đánh nhau hoặc thỏa thuận xem ai sẽ phải
thu nhặt những mảnh vụn từ sự đổ vỡ của Bắc Triều Tiên -
liên quan đến vụ chuyền giao quyền lực – sẽ là kịch bản đầy
ác mộng đối với Moskva.
Bên cạnh mối lo về những
hậu quả mà các sự kiện ở Ai Cập có thể gây ra, Nga và Trung
Quốc còn có những quyền lợi và mối quan hệ mà họ phải quan
tâm. Thí dụ như quan hệ cá nhân của Mubarak với nước Nga đã có
từ đầu những năm 1960, tức là từ thời Liên Xô, khi ông ta được
huấn luyện lái máy bay chiến đấu tại các căn cứ ở Nga và học
ở học viện quân sự Frunze ở Moskva. Chế độ mà Mubarak thành
lập ở Ai Cập sau năm 1981 có nhiều điểm tương đồng với các
nước vùng Trung Á và các nước hậu-Liên Xô khác, nơi mà quyền
lực được tập trung trong tay một người hoặc một nhóm người,
một nhóm ít người trên đỉnh tháp quyền lực đưa ra tất cả
những quyết định quan trọng mà không có sự tham gia của những
định chế chính trị chính thức của nhà nước, nơi mà lực lượng
an ninh có quyền lực rất lớn và bộ máy quan liêu của nhà
nước phình to quá mức và ổn định bằng bất cứ giá nào là
khẩu hiệu của nhà nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc
và Nga cũng như giới tinh hoa của hai nước này đã thổi phồng
quá đáng khả năng can thiệp của Mĩ. Trung Quốc cho rằng Mĩ đã
ủng hộ những người tìm cách lật đổ chế độ trong thời gian
diễn ra những cuộc biểu tình phản đối trên quảng trường Thiên
An Môn, còn Nga thì cho rằng Mĩ đã lèo lái các cuộc cách mạng
màu. Dựa vào những quan điểm như thế, trong tương lai Bắc Kinh
và Moskva cũng sẽ cho rằng Mĩ sẽ cố gắng lèo lái các sự
kiện ở Ai Cập. Chắc chắn là một phần quan điểm này có liên
quan tới chính quyền của tổng thống George W. Bush, ông này đã
có kế hoạch thúc đẩy dân chủ trên thế giới, gây lo lắng cho Nga
và Trung Quốc. Nga và Trung Quốc cho rằng “Chương trình tự do”
của Bush chỉ là một phương tiện vô liêm sỉ nhằm quảng bá và
tăng cường ảnh hưởng của Mĩ. Nhưng rõ ràng là trong trường hợp
này, Mĩ cũng chỉ chạy theo các sự kiện ở Ai Cập mà thôi. Dù
tình hình ở Ai Cập có phát triển theo hướng nào chăng nữa
thì nó vẫn ảnh hưởng đến quan niệm của Trung Quốc và Nga về
Mĩ trong vai trò của một đối tác và một người đối thoại về
những vấn đề không liên quan đến Ai Cập và Trung Đông.
Trước khi Mubarak bị lật đổ,
cả Nga, Trung Quốc lẫn Mĩ đều muốn có một cuộc chuyển giao
quyền lực nhẹ nhàng hơn là một sự thay đổi chế độ bất ngờ ở
Ai Cập. Nhưng bây giờ, các sự kiện có vẻ như buộc Mĩ phải
thúc đẩy quá trình hình thành chính phủ chuyển tiếp đại diện
cho càng nhiều lực lượng chính trị vừa xuất hiện thì càng
tốt. Trong khi đó Nga và Trung Quốc có vẻ như lại muốn chính
phủ chuyển tiếp trở thành chính phủ mới – một khuôn mặt mới
của chế độ cũ – càng lâu càng tốt. Nói chuyện với Bắc Kinh
và Moskva về những sự kiện đang diễn ra nhằm tìm ra cách tư duy
của họ và quan trọng hơn là đánh tan những mối lo lắng và
ngờ vực của họ là công việc có lợi ích cho Mĩ, dù đây là
một công việc không dễ dàng gì. Mục tiêu của chính sách của
Mĩ phải là Nga và Trung Quốc cùng tham gia với tinh thần xây
dựng chứ không phải là chọc gậy bánh xe vào các tiến trình
đang diễn ra ở Ai Cập.
Fiona Hill là giám đốc
trung tâm ở Mĩ và châu Âu của viện Brookings và là chuyên viên
cao cấp của chương trình đối ngoại của Viện này. Từ năm 2006
đến 2009 bà là sĩ quan tình báo trong Ủy ban tình báo quốc gia
Mĩ, chuyên về Nga và Eurasia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét