Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014
Vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình
04:34
Hoàng Phong Nhã
No comments
(Chinhphu.vn) – Trong bước chuyển từ một nước thu nhập thấp
sang nước thu nhập trung bình, bài học của không ít nước cho thấy, một
trong những thách thức sau bước chuyển đổi trên là nguy cơ sa vào “bẫy”
thu nhập trung bình. Việc nhận diện để có giải pháp khắc phục nguy cơ
trên là hết sức cần thiết.
Theo sự phân chia hiện tại, các nước và vùng
lãnh thổ trên thế giới được chia thành 4 nhóm nước với mức thu nhập bình
quân đầu người như sau:
- Từ 95 USD trở xuống thuộc nhóm thu nhập thấp;
- Từ 996 - 3.945 USD thuộc nhóm thu nhập trung bình (thấp);
- Từ 3.946 - 12.195 USD thuộc nhóm thu nhập trung bình cao;
- Từ 12.196 USD trở lên thuộc nhóm thu nhập cao.
Theo đó, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước thu nhập
thấp sang nhóm nước thu nhập trung bình thấp (theo số liệu, thì bước
chuyển này của Việt Nam phải được tính từ 2008, song do sự giảm giá mạnh
của đồng USD trên thế giới và lạm phát cao của Việt Nam, nên đến năm
2010 mới được khẳng định).
“Bẫy” thu nhập trung bình được nhận diện qua nhiều
nội dung với nhiều yếu tố tác động, trong đó có những nội dung và yếu tố
chủ yếu được xét dưới các góc độ khác nhau.
Xét ở góc độ trình độ nguồn nhân lực- chủ thể
quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường- thì giữa thu nhập thấp và
thu nhập trung bình (thấp), với thu nhập trung bình cao và thu nhập cao
có sự khác biệt lớn về nhiều mặt.
Một mặt, đó là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Khi còn
là nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp, việc gia tăng GDP
thường gắn với việc gia tăng số lượng lao động đang làm việc trong nền
kinh tế vừa để giải quyết công ăn việc làm, vừa để tận dụng nguồn lao
động còn dồi dào, vừa để tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ.
Khi chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao và thu
nhập cao, do tăng số lượng lao động bị giới hạn, do đòi hỏi của trình độ
phát triển phải tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; muốn vậy phải tăng
cường đầu tư, phải mất thời gian tương đối dài để phát triển giáo dục-
đào tạo. Mặt khác, cơ cấu đào tạo cũng phải được chuyển dịch cho phù hợp
(thợ/ thầy, ngành nghề,…) và trình độ đào tạo cũng phải được nâng lên
ngang bằng với thế giới, tiếp cận với thiết bị, kỹ thuật hiện đại, với
công nghệ nguồn để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh bằng năng suất
lao động.
Mặt khác nữa là tư duy và tác phong làm việc của
người lao động, trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị hành chính sau
khi chuyển đổi vị thế cũng phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ (từ tâm lý tiểu
nông, sản xuất nhỏ chuyển sang tác phong công nghiệp, từ lao động thủ
công sang cơ khí, điện khí hoá, tự động hoá,…; từ quản trị doanh nghiệp
gia đình sang doanh nghiệp ở tầm quốc gia, quốc tế, từ bao cấp, ôm đồm,
sang quản lý bằng pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý, kiểm
tra, giám sát, chuyên nghiệp và chính phủ điện tử,…).
Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định
việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến
lược. Tốc độ tăng số lượng lao động sẽ chậm dần do tốc độ tăng dân số
tiếp tục giảm xuống; khi trở thành nước thu nhập trung bình, Việt Nam
cũng giống nhiều nước, tăng trưởng số lượng lao động sẽ mang dấu âm, sẽ
lại thiếu mà phải nhập khẩu lao động. Lợi thế giá nhân công rẻ, một
trong những yếu tố hấp hẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng là
một trong những cái cớ mà các nước đánh thuế chống bán phá giá khi khối
lượng hàng xuất khẩu đạt đến quy mô lớn, sẽ giảm dần cùng với quá trình
mở cửa hội nhập và đồng tiền có tính chuyển đổi.
Vấn đề quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao
động, yếu tố xét đến cùng quyết định thắng lợi của một phương thức sản
xuất, của một chế độ xã hội. Vì vậy, phải coi khoa học- công nghệ là
động lực của phát triển, giáo dục- đào tạo là chìa khoá của khoa học-
công nghệ.
Xét ở góc độ vốn đầu tư, khi còn là nước thu
nhập thấp và trung bình thấp, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc phần lớn vào
việc gia tăng lượng vốn đầu tư; tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thường ở mức khá
cao. Trong khi đó, tiết kiệm thấp hơn đầu tư, dẫn đến việc gia tăng tỷ
lệ nợ nước ngoài/GDP.
Việc vay nợ nước ngoài khi còn là nước thu nhập thấp
thường được ưu đãi về nhiều mặt (về tỷ trọng vốn vay không hoàn lại, về
lãi suất, về kỳ hạn vay dài, về thời gian ân hạn,…), nhưng khi chuyển
thành nước thu nhập trung bình, một mặt các ưu đãi trên bị cắt giảm; mặt
khác cũng đến thời kỳ các khoản vay đến kỳ đáo hạn, phải trả cả gốc và
lãi.
Cần lưu ý, lãi suất vay tuy thấp, nhưng cánh kéo tỷ
giá còn lớn (1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với trên 3 USD
tại Mỹ), biến động tỷ giá theo hướng bất lợi cho các nước đi vay. Vì
vậy, nâng cao hiệu quả đầu tư là vấn đề quan trọng hàng đầu để thu hồi
vốn, trả nợ gốc, trả lãi và có tích luỹ tái sản xuất mở rộng, tăng tiết
kiệm, giảm chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Vay nợ nước ngoài nếu
làm ăn không hiệu quả thì vay mới không đủ trả nợ gốc và lãi đến hạn.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng, tác động tích cực đến các nước
nhận đầu tư (về vốn, về kỹ thuật- công nghệ, về trình độ quản lý, về
xuất khẩu, về giải quyết việc làm, về nộp ngân sách,…). Nhưng mục đích
của nhà đầu tư nước ngoài là lợi nhuận, là khai thác nguồn lao động dồi
dào với giá nhân công rẻ, là thị trường tiêu thụ có dung lượng lớn và có
tiềm năng tăng nhanh, là chuyển việc ô nhiễm môi trường ra nước ngoài;
có một số dự án còn tranh thủ giá bao cấp (điện, than) để đầu tư, sản
xuất hàng xuất khẩu theo giá thế giới.
Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định
phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tăng tỷ
trọng đóng góp của năng suất tổng hợp vào tốc độ tăngt trưởng kinh tế
(lên 31- 32% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020).
Xét ở góc độ xã hội, tăng trưởng kinh tế cao
lên (từ việc bao cấp, bình quân chủ nghĩa, phát huy tính năng động, sáng
tạo và khai thác các nguồn lực) đã góp phần phát triển xã hội (xoá đói
giảm nghèo, phát triển giáo dục y tế). Nhưng cũng khó tránh khỏi làm gia
tăng chênh lệch thu nhập, chi tiêu, phân hoá giàu nghèo.
Vì vậy, việc tăng trưởng kinh tế phải được gắn chặt
với việc phát triển xã hội, bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay
cả khi đất nước bị tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và
suy thoái kinh tế thế giới vừa qua, ngay cả khi tập trung kiềm chế lạm
phát, thì Đảng và Nhà nước vẫn bảo đảm an sinh xã hội với nhiều giải
pháp hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp,… như hiện nay.
Xét ở góc độ môi trường, tăng trưởng kinh tế
thường gắn với việc khai thác tài nguyên, tác động xấu đến môi trường
sống, chi phí phòng, chống và khắc phục thiên tai, dịch bệnh thường rất
lớn (hàng năm chiếm khoảng 1- 2% GDP). Vì vậy cần phải hạn chế để giảm
thiểu tác động đến môi trường, không những bảo vệ còn phải cải thiện môi
trường. Coi môi trường là một trong ba cột trụ trong kế hoạch dài hạn
và hàng năm; có chính sách thuế suất cao đối với việc khai thác tài
nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Xét ở góc độ tư duy, cùng với sự chuyển dịch
vị thế, trong không ít các nhà quản lý, điều hành, doanh nghiệp và người
dân, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, thoả mãn. Tiến độ cải cách bị chậm
lại. Một bộ phận có tâm lý hưởng thụ sớm, “ chi tiêu vượt thu nhập, làm
ngạc nhiên cả những người giàu, nước giàu.
“Bẫy” thu nhập trung bình là nguy cơ chung, không
chừa một nước nào. Do đó, chỉ khi phát huy kết quả đã đạt được, khắc
phục những hạn chế, bất cập, liên tục tìm tòi, sáng tạo để đạt được sự
chuyển đổi vị thế cao hơn mới vượt qua được "bẫy" thu nhập trung bình.
Minh Ngọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét