Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?

Vấn đề của một nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam là đẩy mạnh phát triển các thị trường yếu tố sản xuất (vốn, đất đai và lao động) và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để sử dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất. sự kiện nóng
>> Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN
>> Giai đoạn phát triển hiện tại của các nước Asean
Như đã thấy ở Tiết III,  thu nhập đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1.000 USD vào năm 2008, trở thành nước có thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới.
Thật ra, theo định nghĩa, mức thu nhập trung bình có phạm vi rất rộng, từ 1.000 đến 12.000 USD, nhưng các nhà nghiên cứu bàn về bẫy thu nhập trung bình thường khảo sát những nước có mức thu nhập 5.000 USD hoặc cao hơn (chẳng hạn, Spence 2011). Nói cách khác, nếu các nước có thu nhập trung bình được chia thành hai tiểu nhóm thì vấn đề bẫy thu nhập trung bình cho đến nay chỉ liên quan đến các nước thu nhập trung bình cao.
Vậy trường hợp các nước thuộc tiểu nhóm trung bình thấp thì thế nào? Những nước này có thể tiếp tục phát triển lên nước trung bình cao và chưa cần lo đến bẫy thu nhập trung bình? Hay là cái bẫy có thể đến sớm và nền kinh tế sẽ trì trệ lâu dài ở mức 2.000 USD chẳng hạn?
Những câu hỏi này rất quan trọng đối với trường hợp Việt Nam hiện nay.
Từ khi bắt đầu đổi mới (1986), nhất là sau những cải cách lớn trong các năm 1988 và 1989, Việt Nam phát triển khá nhanh. Trong giai đoạn 1990-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%, GNI đầu người (theo giá trị thực) bình quân tăng 6% (Biểu 1), tỉ lệ người ở dưới giới tuyến nghèo (poverty line) trong tổng dân số theo tiêu chí của World Bank giảm từ 70% vào cuối thập niên 1980 xuống còn 10.6% năm 2010.
Thành quả nầy có được là do những cải cách trong nông nghiệp vào cuối thập niên 1980, do từng bước hội nhập vào thị trường thế giới và một số cải cách liên quan từ đầu thập niên 1990. Qua hội nhập, xuất khẩu được đẩy mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. Từ đầu thập niên 1990, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào mậu dịch và FDI. Tỉ trọng của xuất khẩu trên GDP năm 1990 chỉ có 26% nhưng đến năm 2010 đã lên tới 70%. Trong các thập niên 1990 và 2000 FDI chiếm khoảng 15% trong tổng đầu tư, một tỉ lệ khá cao so với kinh nghiệm các nước.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đổi mới vừa qua, các loại thị trường của yếu tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường đất đai chậm phát triển hoặc phát triển méo mó, và việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOEs) tiến hành chậm và không triệt để. Nhiều SOEs nhỏ đã được cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa nhưng những doanh nghiệp lớn lại được tổ chức lại thành các tập đoàn kinh tế và biến thành các nhóm lợi ích được bảo hộ và hưởng nhiều đặc lợi như ưu tiên tiếp cận với vốn, đất đai và thông tin về đầu tư công. Trong khi đó những doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó tiếp cận vốn và đất để xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sự phân bổ và thực thi các nguồn lực cho đầu tư công cũng bị méo mó bởi tham nhũng và các nhóm lợi ích.
Vấn đề nổi cộm gần đây là thị trường đất đai. Thị trường đất đai không phát triển vì chỉ có nhà nước sở hữu nguồn lực này. Dưới cơ chế này, mỗi nông dân chỉ được sử dụng 3 hecta đất (gọi là hạn điền) và không có quyền sở hữu trên mảnh đất đó. Thêm vào đó, chính quyền địa phương có thể lấy lại quyền sử dụng bất cứ lúc nào với những lý do như đất nằm trong quy hoạch phát triển hạ tầng, hoặc cần dùng trong kế hoạch xây khu công nghiệp, thậm chí để xây sân golf.
Ngay cả trường hợp đất được nông dân mới khai thác, họ cũng không được quyền sở hữu và đất đó sẽ bị nhà nước thu hồi sau khi hết thời hạn sử dụng. Trong trường hợp đó nông dân được đền bù nhưng với một giá quá thấp so với thị trường. Vì vậy mà các vụ kiện tụng, khiếu nại của nông dân thường xuyên xảy ra tại hầu hết các tỉnh.
Chính sách hạn điền và không có quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất là những trở ngại về thể chế làm cho việc sử dụng đất đai kém hiệu quả (năng suất nông nghiệp thấp, khó khăn trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang những lãnh vực có hiệu quả kinh tế lớn hơn, v.v...). Những bất ổn xã hội ở nông thôn do thể chế đất đai hiện nay còn đưa lại hậu quả tiêu cực cho tương lai kinh tế Việt Nam nói chung.
Có thể gọi giai đoạn 20 hoặc 25 năm đầu của quá trình đổi mới là chiến lược cải cách tiệm tiến (gradualist) với ý nghĩa là chiến lược đó trì hoãn việc cải cách quyền sở hữu các phương tiện sản xuất như đất đai và doanh nghiệp quốc doanh (vì các vấn đề đó nhạy cảm về chính trị), đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tư nhân (kể cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài) đẩy mạnh sản xuất. Như đã thấy ở trên, trong khoảng 20 năm đầu, chiến lược này đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực, nhờ đó Việt Nam đã thoát khỏi cái bẫy nghèo và phát triển thành một nước có thu nhập trung bình thấp.
Nhưng đến giữa thập niên 2000, chiến lược cải cách tiệm tiến đã bắt đầu cho thấy những giới hạn nghiêm trọng, biểu hiện trên nhiều mặt như: cơ cấu sản xuất và xuất khẩu chậm chuyển dịch, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm (trong khi ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới), phản ảnh trên cán cân mậu dịch nhập siêu ngày càng lớn, đầu tư kém hiệu quả, nhất là tham nhũng ngày càng trầm trọng, chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các giai tầng xã hội trầm trọng hơn.
Vào tháng 7 năm 2008, tại Hội thảo Hè ở Nha Trang, người viết bài này đã phát biểu bản báo cáo với tựa đề "Từ cải cách tiệm tiến đến xây dựng cơ chế chất lượng cao: Điều kiện để phát triển bền vững ở Việt Nam".[1]
Trong bản báo cáo đó, tôi cũng minh họa ba giai đoạn phát triển giống như Hình 1 trong bài này và nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt đầu những cải cách mới, khác với giai đoạn tiệm tiến cũ. Đặc trưng của những cải cách mới nầy là xây dựng thể chế chất lượng cao trong đó bao gồm đẩy mạnh tư nhân hóa các phương tiện sản xuất, phát triển thị trường yếu tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường lao động; xác lập thống quản doanh nghiệp (corporate governance) cho SOEs và tập đoàn kinh tế, thúc đẩy sự tham gia của các tầng lớp dân chúng vào quá trình quyết định các chính sách lớn, tăng tính minh bạch trong các chính sách và trong việc thực thi các chính sách, tăng năng lực và đạo đức quan chức, v.v..
Trên cơ sở đó, tôi cũng đã lập luận rằng nếu không có những cải cách mới theo hướng như vừa trình bày, nếu vẫn theo chiến lược tiệm tiến như cũ, thì kinh tế Việt Nam sớm muộn sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái, trì trệ hoặc phát triển với tốc độ rất thấp.
Trong bản báo cáo tại Nha Trang vào thời điểm 2008 tôi không dùng thuật ngữ bẫy thu nhập trung bình, một khái niệm chưa được biết nhiều vào thời đó,[2] nhưng cốt lõi của phân tích và kết luận của bản báo cáo ấy hoàn toàn trùng hợp với khung phân tích và kết luận của bài viết này.
Như vậy, mặc dù Việt Nam vừa mới đạt mức thu nhập trung bình thấp, cái bẫy có thể xuất hiện nếu không sớm chuyển hướng chiến lược cải cách từ tiệm tiến sang giai đoạn cải cách mạnh mẽ đối với các lĩnh vực then chốt như doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế, thị trường các yếu tố sản xuất và quá trình  hình thành các chính sách lớn.[3]
Có thể nói trong khi vấn đề của các nước có thu nhập trung bình cao như Malaysia và Thái Lan là đẩy mạnh chính sách cách tân công nghệ và đào tạo nhân tài để duy trì cạnh tranh quốc tế mới tránh được bẫy thu nhập trung bình, vấn đề của một nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam là đẩy mạnh phát triển các thị trường yếu tố sản xuất (vốn, đất đai và lao động) và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để sử dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất mới tránh được sự xuất hiện sớm của bẫy thu nhập trung bình.[4]
VI. KẾT LUẬN:
Từ các ý tưởng của kinh tế học phát triển bài viết này đã bàn đến những tính chất của bẫy thu nhập trung bình để đề khởi những vấn đề thuộc chính sách, chiến lược với hàm ý tránh cái bẫy đó để tiếp tục phát triển bền vững. Khảo sát giai đoạn phát triển hiện nay của các nước ASEAN bài viết đã cho thấy 5 nước đã đạt các tiêu chí của nước phát triển trung bình tuy với nhiều mức độ khác nhau.
Trừ Việt Nam là nước mới vừa đạt mức thu nhập trung bình thấp, 4 nước còn lại (Malaysia, Thái Lan, Phi-li-pin và Indonesia) được khảo sát để xem có thể tránh bẫy thu nhập trung bình và phát triển lên nước có thu nhập cao hay không. Khung phân tích để trả lời điểm ấy cho thấy 3 yếu tố cần xem xét là nỗ lực nghiên cứu và triển khai (R&D) và chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch lợi thế so sánh, và thể chế chất lượng cao.
Một điểm nữa trong phương pháp luận của bài viết là so sánh tình hình hiện tại liên quan 3 yếu tố nói trên của 4 nước ASEAN với tình hình vào cuối thập niên 1980 hoặc đầu thập niên 1990 của Hàn Quốc, một nước thành công trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao từ khoảng năm 2000. So sánh này đã rút được những hàm ý quan trọng để các nước ASEAN tham khảo.
Kết quả phân tích cho thấy khả năng các nước ASEAN sa vào bẫy thu nhập trung bình là lớn nếu không kịp thời tăng năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D), nhấn mạnh chất lượng và sự tương thích của nguồn nhân lực, và tạo cơ chế để hình thành một khu vực tư nhân năng động. Đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, cải cách thể chế và chính sách để tăng năng suất các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản và đất đai là tối cần để tránh sự xuất hiện sớm của bẫy thu nhập trung bình.
liệu có trích dẫn:
Amsden, Alice H. (2001), The Rise of "The Rest": Challenges of the West from Late-Industrializing Economies, New York: Oxford University Press.
Amsden, Alice H. and Wan-wen Chu (2003), Beyond Late Development: Taiwan's Upgrading Policies, Cambridge: Massachusetts Institute of Technology.
Asia Productivity Organization (2007), Total Factor Productivity Growth: Survey Report, Tokyo: Asia Productivity Organization.
Coxhead, Ian (2007), A New Resource Curse? Impacts of China's Boom on Comparative Advantage and Resource Dependence in Southeast Asia, World Development, Vol. 35 No. 7, pp. 1099-1119.
Coxhead, Ian and Sisira Jayasuriya (2009), China, India and the Commodity Boom: Economic and Environmental Implications for Low-Income Countries, The World Economy, pp. 1-27.
Gill, Indermit and Homi Kharas (2007), An East Asian Renaissance: Ideas for Economic Growth, World Bank, Washington.
Hayami, Yujiro (2000), Development Economics, Sobunsha Publishing Company, Tokyo.
Krugman, Paul (1994), The Myth of Asia's Miracle," Foreign Affairs, Vol. 73 No. 6, November/December, pp. 62-78.
Minami, Ryoshin (1973), The Turning Point in Economic Development: Japan's
Experience, Tokyo: Kinokuniya Bookstore.
Nhóm tác giả (2011), Cải cách toàn diện để phát triển đất nước, Thời đại mới số 23 (11/2011).
Ohno, Kenichi (2009a), Avoiding the Middle-Income Trap: Renovating Industrial Policy Formulation in Vietnam, ASEAN Economic Bulletin, Vol. 26, No. 1 (pp. 25-43).
Ohno, Kenichi (2009b), The Middle Income Trap: Implications for Industrialization Strategies in East Asia and Africa, GRIPS Development Forum, National Graduate Institute for Policies Studies, Tokyo.
Ohno Kenichi (2010), Hatten Tojokoku no Jissen (Practical Action of Development), Nihon Keizai Shinbun, April 29-May 11).
Park, Sam Ock (2000), Innovation Systems, Networks, and the Knowledge-Based Economy in Korea, Ch. 12 in John H. Dunning, ed., Regions, Globalization, and the Knowledge-Based Economy, Oxford: Oxford University Press, pp. 328-348.
Rodrik, Dani (2007), One Economics Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth, Princeton University Press.
Spence, Michael (2011), The Next Convergence: The Future of Economic
Growth in a Multispeed World, New York: Farrar, Straus and Giroux.
Tran Van Tho (1986), Tojoukoku no Gijutsu Donyuseisaku: Kankoku no
Kieken (Technology import policy of developing countries: The experience of Korea), Nihon Keizai Kenkyu No. 16 (December), pp. 65-79.
Trần Văn Thọ (2010), Kinh tế Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Thời đại mới, số 19 (tháng 7).
Trần Văn Thọ (2011), Vietnam từ năm 2011: Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian, NXB Tri thức, Hà Nội.
UNESCO (2011),
http://stats.uis.unesco.org/unesco/TableViewer/tableView.aspx?ReportId=3349&IF_Language=eng
USPTO(2011), Number of Patents Granted as Distributed by Year of Patent Grant Breakout by U.S. State and Foreign Country of Origin
( http://www.uspto.gov/web/offices/ac/ido/oeip/taf/cst_utl.htm )
World Bank (1993), The East Asian Miracle: Economic Growth and Public Policies, New York: Oxford University Press.
World Bank (2008), The Growth Report: Strategies for Sustained Growth and Inclusive Development, Commission on Growth and Development, World Bank.
World Bank (2010), Knowledge Assessment Methodology 2007, World Bank.
World Bank (2011), World Development Indicators, World Bank.
Yusuf, Shahid et al. (2003), Innovative East Asia: The Future of Growth, World Bank.


[1] Bản báo cáo nầy sau đó đăng trên Thời đại mới số 14 (tháng 7/2008), và in lại trong Trần V Thọ (2011).
[2] Gần đây nguời viết mới biết khái niệm bẫy thu nhập thu trung bình đã xuất hiện trước đó khoảng một năm, trong Gill and Kharas (2007).
[3] Một vấn đề khác mà Việt Nam đang trực diện là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhập khẩu ồ ạt hàng công nghiệp từ Trung Quốc làm cho nhập siêu của Việt Nam với nước nầy tăng lên tới hơn 10% GDP của Việt Nam trong năm 2011. Ngoài tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh về tốc độ và quá rộng về phạm vi (sản xuất và xuất khẩu hầu như mọi ngành công nghiệp) của nước láng giềng khổng lồ, một vấn đề cơ bản khác là Việt Nam không có sức cạnh tranh trong công nghiệp (Về chi tiết xem Trần V Thọ, 2010). Hơn nữa, đến năm 2015 là năm cuối thực hiện lộ trình giảm thuế trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, hàng rào quan thuế đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị triệt bỏ tại Việt Nam. Lúc đó tác động của Trung Quốc đối với Việt Nam càng lớn hơn nữa.. Tác động nầy sẽ làm mạnh hơn khả năng xuất hiện sớm bẫy thu nhập trung bình tại Việt Nam. Nhìn từ mặt nầy ta cũng thấy Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ theo hướng tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng công nghiệp mới tránh được cái bẫy đó.
[4] Những vấn đề nầy được tác giả bàn chi tiết trong Trần V Thọ (2011). Ngoài ra, vào tháng 10 năm 2011, 14 người Việt Nam đang nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài trong đó có tác giả bài viết nầy đã công bố Bản ý kiến Cải cách toàn diện để phát triển đất nước trong đó bàn về sự cần thiết phải cải cách mạnh mẽ, toàn diện (chính trị, kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, ngoại giao,... ) mới có điều kiện phát triển bền vững trong giai đoạn tới, trong đó phần bàn về cải cách kinh tế có nhiều nội dung được tổng hợp trong bài viết nầy. Xem Nhiều tác giả (2011)..

0 nhận xét:

Đăng nhận xét