Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

55 Năm Sau Nhìn Lại: Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền [Đoạn 3 - Chót]


III. Làm lại cuộc cách mạng tháng Tám?
Đặt vấn đề làm lại cuộc cách mạng tháng Tám là rút ra từ những quan điểm đã trình bày trong hai bài đầu của bài viết này một kết luận thuận lý và xây dựng. Người viết hy vọng đã cung cấp cho người đọc một số yếu tố thẩm lượng để phân định phần “cách mạng” và phần “không cách mạng” của chính biến mùa Thu 1945.

          Hãy nói về phần “cách mạng” của chính biến nàyCứ theo cách nói thông thường của dân chúng thì chính biến mùa Thu 1945 là một cuộc cách mạng vì đã có cuộc nổi dậy “lật đổ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ dân chủ”. Cách nói này chỉ chú trọng vào những biến cố thực tế xảy ra trong một thời điểm nhất định, không cần lưu ý tới những kết quả trong tương lai của những biến cố ấy. Nó không bao hàm hướng đi lên tổng quát hóa, trừu tượng hóa, khái niệm hóa để định nghĩa. Cho nên cách gọi tên thông thường này không giúp ích gì cho việc tìm hiểu về giá đích thực của chính biến mùa Thu 1945.

          Cũng còn có thể gọi chính biến ấy là một cuộc cách mạng nếu người ta nhìn nó dưới góc cạnh cộng sản. Quả thật những người cộng sản Việt Nam, thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tổ chức cuộc nổi dậy tháng Tám để cướp chính quyền rồi từ đó, họ thiết lập theo từng giai đoạn, nền chuyên chính vô sản đi lên cộng sản. Nếu cách nhìn thông thường của dân chúng quá ngắn thì cách nhìn của người cộng sản lại quá đài, phải nói là dài một cách vô tận. Bước đầu đã phải mất 30 năm nghĩa là đến năm I975, mới đặt được những nền móng đầu tiên của nền chuyên chính vô sản để bắt đầu đi vào Con đường Cách mạng tháng Mười. Rủi cho họ là hơn mười năm sau thì con đường cách mạng ấy đã đưa tới ngõ cụt và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vì thế vỡ tan tành ở Đông Âu, ở Liên Xô cũ, “ba giòng thác cách mạng” cạn khô, lực lượng vô địch quốc tế vô sản đã biến khỏi vũ đài chính trị thế giới. Ngay chính ở Việt Nam, những người cộng sản đang cầm quyền, như ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mới làm, cũng chỉ lai rai và láp nháp nói tới cách mạng, chẳng ai hiểu là loại cách mạng gì, có thực sự còn theo mô thức cách mạng mác-xít nữa hay không. Bởi vậy cứ khẳng định theo những người cộng sản rằng chính biến mùa Thu 1945 là cuộc Cách mạng tháng Tám là chỉ để nói một cuộc cách mạng họ đang muốn tiến tới nhưng lịch sử lại chứng tỏ “đã thất bại”Hoặc là để chỉ một cuộc cách mạng chưa thành tựu mà cũng không ai nhìn thấy được diện mạo nó ra sao. Không ai muốn cãi rằng người cộng sản đã “thành công” ở trong chính biến mùa Thu 1945, và thành công lớn, vì họ đã cướp được toàn bộ chính quyền cho Đảng của họ. Điểm này không thể phủ nhận. Nhưng chính do đó mà phải khẳng định rằng, chính biến mùa Thu 1945 chỉ là một vụ cướp chính quyền.

          Bàn về phần “không cách mạng” của chính biến mùa Thu 1945 là duyệt xét quan điểm không cộng sản về chính biến này. Quan điểm này xây dựng trên hai loại yếu tố: chủ quan và khách quan. Đứng về mặt chủ quan mà nói, phe không cộng sản không chấp nhận tính cách mạng của cái gọi là “cách mạng tháng Tám” vì lý do ý hệ. Sự kiện các tổ chức tranh đấu phân chia thành hai phái hệ “dân tộc” (quốc gia) và “quốc tế” (cộng sản) đưa tới hậu quả là bên này coi bên kia là “phản cách mạng” và bất hợp tác với nhau. Mặt khác, các chính khách, nhân sĩ, trí thức trước chính biến mùa Thu 1945 đã có thái độ rất thụ động, không tán thành chủ trương, hành động của cộng sản nhưng cũng không có ý chí tích cực chống lại cộng sản. Phản ứng hoàn toàn tiêu cực của chính phủ Trần Trọng Kim, việc vua Bảo Đại trao quyền một cách rất cẩu thả cho đảng cộng sản không lộ mặt là những nét đậm không thể xóa bỏ của chính biến mùa Thu 1945.

          Vì ít được bàn tới nên các yếu tố khách quan cần được kiểm điểm. Vào thời điểm mùa Thu 1945, toàn dân lúc đó chỉ có một ước ao là làm sao có thể đổi đời, chấm dứt cuộc sống cùng khổ, tủi nhục để mỗi người Việt Nam trở thành công dân một nước tự do dân chủ, đối ngoại, không còn phải làm nô lệ cho ngoại bang, đối nội, không bị bộ máy cầm quyền chuyên chế khinh miệt, áp bức. Nói chung người Việt Nam vào thời điểm mùa thu 45 chưa trưởng thành về ý thức cách mạng hiểu theo nghĩa một ý thức chính trị cao độ bao gồm mọi chủ trương rõ rệt về kế hoạch phá hoại cũng như về dự án kiến thiết xã hội. Hơn nữa, nếu hiểu cách mạng theo nghĩa cộng sản thì về mặt khách quan, xã hội Việt Nam vào thời điểm chính biến mùa Thu 1945 không ở vào tình trạng chín muồi đóng vai bà mụ cho một cuộc cách mạng cộng sản tức là một “cuộc tranh đấu của giai cấp bị áp bức đứng lên lật đổ nền thống trị của giai cấp áp bức, phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, xây dựng một chế độ tiến bộ“. Ngoại trừ một thiểu số tuyệt đối đảng viên cộng sản, ít người mang ý thức đấu tranh giai cấp như vậy, nhất là nông dân, vốn còn nặng đầu óc tư hữu ở quy mô nhỏ. Ngoài ra cũng chẳng ai có quan điểm “nhân dân” của Mao Trạch Đông mà cộng sản Việt Nam đã sao chép. Tư tưởng phổ biến trong dân chúng vào lúc đó là tư tưởng “quốc dân” hay “dân“‘, như câu “Dân vi qúy ” của Mạnh Tử mà vua Bảo Đại đã lập lại 3 chữ đầu. Và ngoại trừ những người cộng sản, trong bối cảnh năm 45, ai cũng cổ võ đoàn kết cá nhân, đoàn kết đảng phái, đoàn kết giai cấp để giành độc lập cho xứ sở. Nhưng Đảng Cộng sản đã mau lẹ cướp chính quyền để tạo điều kiện ngấm ngầm áp đặt một cuộc cách mạng theo ý hệ riêng của họ, một cuộc cách mạng mà, nếu đem ra trưng cầu dân ý, thì nhất định bị bác bỏ. Tai họa cho dân tộc Việt Nam là cuộc cách mạng bị áp đặt ấy đã đưa dân tộc này vào con đường tụt hậu trong nghèo túng so với những nước bị trị cũ cùng một cảnh ngộ ở trong vùng. Đà suy thoái này trước mắt vẫn chưa thấy có triển vọng được kịp thời chặn đứng. Lẽ ra từ lâu đã phải dứt khoát đặt vấn đề thanh toán hết những tàn dư của cuộc cách mạng bị áp đặt ấy. Nhưng một thiểu số người cộng sản có ưu thế, trong cơn say quyền lực, vì đặc quyền đặc lợi riêng, kết bè kết đảng ra sức cản trở việc thay đổi vận mệnh đất nước. Thiết tưởng không có lý do gì người Việt Nam cứ yên bề chịu đựng tình trạng bị người cộng sản huyễn hoặc bằng ngôn từ xảo trá và bạo lực khủng bố. Đặt vấn đề “làm lại cách mạng tháng Tám” là điều mà tình thế đòi hỏi. 

          Đặt lại, để bãi bỏ độc quyền cách mạng mà tập đoàn cầm quyền cộng sản vẫn đang nắm giữ ngõ hầu trả lại chính quyền và nhân quyền cho người dân. Sự thật làm công việc này chẳng qua cũng chỉ là thực hiện những điều người cộng sản Việt Nam đã long trọng cam kết khi họ vừa cướp được chính quyền là “đoàn kết rộng rãi toàn dân, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, bảo đảm các quyền tự do dân chủ”. Bề ngoài, lãnh tụ cộng sản, Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đọc bản Tuyên ngôn Độc lập mà ngay trong đoạn mở đầu đã nhìn nhận cho người dân có đầy đủ nhân quyền, giống như cách mạng Mỹ “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và, giống như cách mạng Pháp, “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Nhưng bề trong thì là cả một cuộc lường gạt có hệ thống và quy mô lớn để dùng chính quyền mới chiếm được làm công cụ cướp đoạt nhân quyền của người dân.

          Hành động cướp đoạt nhân quyền này là một nhu cầu nằm trong bản chất của tư tưởng Mác-Lê, thánh kinh của những người cộng sản là cướp nhân quyền của người dân để thiết lập độc tài đảng trị, cướp hết tất cả những nhân quyền ấy để độc tài đảng trị đi tới độc tài toàn trị. Cướp làm nhiều giai đoạn, và dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy tình hình thế giới và tình hình trong nước. Cướp bằng luật pháp và khủng bố, qua một tiến trình bốn giai đoạn. Năm 1946, đặt ra Hiến pháp dân chủ cộng hòa, nói đại đoàn kết toàn dân nhưng thực ra là phát động giai cấp đấu tranh, tổ chức đấu tố, giết hại hàng trăm ngàn dân lành. Năm 1959, sửa đổi hiến pháp, đối ngoại, chính thức biến miền Bắc Việt Nam thành một nước chư hầu của đế quốc đỏ Liên Xô và thực tế lệ thuộc bá quyền đỏ Trung Quốc. Đối nội, một mặt mở rộng hơn nữa việc cướp đoạt nhân quyền bắt đầu bằng việc triệt bỏ quyền tư hữu trong phạm vi miền Bắc. Mặt khác, tiến hành võ trang xâm nhập miền Nam gây nội chiến trong ý đồ áp đặt chủ nghĩa cộng sản trong phạm vi cả nước. Đầu thập niên 70, vì thủ đô Hà Nội bị trực tiếp oanh kích, thành  phố Hải Phòng bị phong tỏa, chính quyền cộng sản phải ký Hiệp định Paris 1973, cam kết công nhận quyền tự quyết của “nhân dân miền Nam“. Nhưng hai năm sau, lại xua quân cưỡng chiếm miền Nam và công khai ra mặt chính thức tự nhận là cộng sản. Năm 1980, ban hành Hiến pháp mới, thiết lập “chuyên chính vô sản“, tịch thu toàn bộ nhân quyền của người dân, dùng bầu cử sắp xếp trước, lập ra một Nhà nước bù nhìn, tập trung tất cả mọi quyền hành vào tay Đảng Cộng sản Việt Nam dưới danh nghĩa hiền lành “Đảng lãnh đạo“. Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, cả hệ thống chính quyền cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tan vỡ. Mất chỗ dựa, cộng sản Việt Nam phải cho ra đời bản Hiến pháp thứ tư, Hiến pháp 1992, trên giấy tờ không còn dám đề xướng “chuyên chính vô sản” nhưng trong thực tế, nấp sau bình phong “đổi mới“, vẫn đi theo đường cũ là cưỡng đoạt nhân quyền.

          Mọi người Việt Nam, cộng sản hay không cộng sản, phải cương quyết tự giải thoát mình ra khỏi vòng kìm kẹp gian dối và gian ác cộng sản. Từ năm 1945 dân chúng Việt Nam đã khao khát cách mạng. Và nói cách mạng, như các bài học Đông, Tây, kim, cổ đã chỉ dạy, không phải thay đổi để thay đổi mà là giải phóng con người, cơ bản nhất là mở rộng và phát huy nhân quyền không riêng gì cho tập thể mà cho cả cá thể. Tập đoàn cầm quyền hiện nay kế thừa một di sản của những người cầm quyền từ mùa thu năm 1945 là những người đã sang đoạt (détourner) công lao của dân chúng đã hy sinh góp sức xây dựng giải phóng người dân. Trước lịch sử, cuộc bố trí sang đoạt này không thể có tên gọi nào khác là một toàn bộ hành động phản cách mạng. Cho nên sự trở về khởi điểm 1945 là sự thể hiện chính đáng của công lý, sự cưỡng bức của luật pháp quốc tế. Đảng cộng sản Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ sang đoạt chính quyền, cưỡng đoạt nhân quyền, sau năm 1982 đã tham gia các Cộng ước quốc tế về nhân quyền, nay phải trả lại cho toàn dân “quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”, như họ đã long trọng tuyên cáo trước quốc dân từ năm 1945 và đã ký cam kết với cộng đồng quốc tế đã từ gần hai thập niên. Để cuộc Cách mạng tháng Tám được làm lại, lần này, trên cơ sở đại đoàn kết đa nguyên, đa đảng và thực thi dân chủ tự do đúng với tiêu chuẩn của nhân loại văn minh, ở đây và ngay bây giờ, không cầm cố hiện tại đổi lấy một ngày mai ca hát không tưởng và không bao giờ tới.
LS Trần Thanh Hiệp


______­
Ghi chú
1) Đảng Cộng sản lãnh đạo Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền, Đảng Cộng sản đã lập ra Mặt trận Việt Minh (xem Báo cáo đã dẫn và cuốn Cách mạng tháng Tám của Trường Chinh)
.
(*) Trong tập hồi ký viết bằng tiếng Pháp, vua Bảo Đại cho biết là Trần Huy Liệu sau khi đọc Chiếu thoái vị và tham khảo ý kiến của Cù Huy Cận, đã trả lời như sau: “Sire, au nom du peuple vietnamien nous acceptons ce document sans aucune réserve”! Không hiểu vì lý do gì mà người dịch của Nguyễn Phước Tộc lại dịch ra tiếng Việt thành: “Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận bản văn này rất nhẹ nhàng, không câu nệ’?
Chẳng những đã dịch sai nguyên văn mà còn sai cả ý nghĩa pháp lý của câu nói. Nguyên văn câu nói của Trần Huy Liệu đã được ghi lại trong quyền Le Dragon d’An nam thì Trần Huy Liệu đã tuyên bố chấp nhận không có một dè dặt nào tức là toàn bộ các điều kiện thoái vị của vua Bảo Đại, chứ không phải chỉ muốn nhận định rằng đó là một bản văn “rất nhẹ nhàng, không câu nệ”. Người dịch có ẩn ý gì mà cố tình dịch sai, dịch bớt như vậy?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét