Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Thế chênh lệch sức mạnh và hòa bình thế giới

shutterstock_170988695
Tác giả: Richard Rosecrance | Biên dịch: Lê Xuân Hùng
Khi cán cân sức mạnh nghiêng về phía những người thiện tâm, mọi sự đều thiên về hướng tốt lành – ngay cả đối với những người Trung Quốc.
Mọi sự tập trung quyền lực quy mô lớn trong chính trị quốc tế tất yếu sẽ sụp đổ, hay ít ra đó là điều đa số các sử gia và các nhà phân tích chính sách theo chủ nghĩa hiện thực coi là minh triết. Bất cứ thế “chênh lệch sức mạnh” nào, dù dưới hình thức các đế quốc ở tầm khu vực hay quốc tế, các vương triều hay những hệ thống bá quyền khác, sớm muộn sẽ thất bại bởi thành công tất yếu của các nỗ lực đối trọng lại. Nếu như thiên nhiên căm ghét sự trống rỗng của chân không thì chính trị quốc tế lại đánh đổ những sự bất cân bằng; các vị bá vương và những kẻ dàn sức quá mức khác luôn gánh chịu những sự trừng phạt đích đáng.
Khái quát về sự chênh lệch sức mạnh
Nếu như bài học kết thúc ở đây, mọi thứ sẽ thật quá đơn giản và tường minh. Thế nhưng, các hệ thống cân bằng quyền lực cũng thất bại do chúng luôn kích động những mối kình địch cố hữu. Tình trạng căng thẳng kéo dài gây ra bởi sự thịnh suy của các cường quốc cho thấy rằng hệ thống lưỡng cực ít ổn định nhất, dù nó mang tiếng là dựa trên một thế cân bằng quyền lực. Hệ thống này thất bại vì một thành viên (hay một tập hợp các thành viên trong một liên minh) luôn tìm cách dẫn đầu, và một thế cân bằng đơn thuần không thể ngăn chặn hành động của bất cứ phe nào. Thực tế là chúng ta đang sống trong một hệ thống nhà nước hiếu chiến cho dù chúng ta có sắp xếp cấu trúc quyền lực của nó như thế nào đi nữa – và người ta vẫn chưa có phán xét cuối cùng đối với việc liệu vũ khí hủy diệt hàng loạt có thay đổi được bất cứ điều gì trên phương diện này hay không.
Chưa dừng ở đó, vấn đề sẽ lại bắt đầu khi chúng ta đặt câu hỏi: hòa bình sẽ lan tỏa trên một khu vực nào đó của thế giới bằng cách nào? Điều đó được thực hiện bằng cách khiến các nước liên kết và hợp tác trong một thế chênh lệch sức mạnh rõ rệt (tức trong hệ thống có một quốc gia bá chủ dẫn đầu, thúc đẩy hợp tác – NBT). Thật vậy, một nền hòa bình chênh lệch sức mạnh sinh ra bởi sự hợp tác tự nguyện thì tốt hơn rất nhiều so với một nền hòa bình cân bằng sinh ra do sự e sợ lẫn nhau. Thế chênh lệch sẽ có lợi nếu như nó được tạo ra nhằm phục vụ những mục đích nhất định. Nhưng làm thế nào chúng ta phân biệt được, một cách cụ thể, những thế chênh lệch có lợi và có hại, và, xét động lực phát triển của chúng, làm thế nào chúng ta tách biệt việc sử dụng vũ lực một cách chính đáng với việc sử dụng vũ lực phi pháp trên danh nghĩa duy trì và bảo vệ một thế chênh lệch sức mạnh?
Các biện pháp dùng để tăng cường quyền lực là yếu tố quyết định để đánh giá việc liệu chênh lệch sức mạnh đóng vai trò tốt hay xấu đối với nền hòa bình và an ninh. Liên minh Châu Âu (EU) là một thế chênh lệch sức mạnh ở tầm khu vực, và đó là một thế chênh lệch sức mạnh có lợi bởi các nước thành viên tham gia tổ chức này một cách tự nguyện. Nó hoạt động trên cơ sở sự đồng thuận của các thành viên.
Trong những trường hợp khác, những biện pháp nhằm tạo ra một thế chênh lệch có thể về mặt nào đó không phù hợp với các quy chuẩn của thời đại nhưng về lâu dài vẫn mang lại kết quả tích cực. Suy cho cùng, tất cả các nhà nước xét theo nguồn gốc đều là một kiểu “đế quốc” nhất định. Đa phần chúng đều được hình thành do sự cộng hợp của các vùng lãnh thổ, dân cư, hay thậm chí của các quốc gia khác. Tuy nhiên, phụ thuộc vào những hành vi của nó, một nhà nước có thể trở thành một điều tốt đẹp cho dân chúng.
Không phải vô cớ mà cách đây 500 năm, Machiavelli đã bình luận rằng tất cả các chế độ chính trị tốt đẹp đều được xây dựng trên những tội ác trong quá khứ. Vì thế, mặc dù một nửa đất nước Mexico cũ đang thuộc sở hữu của Hoa Kỳ, khó có thể nói rằng miền Tây Nam Hoa Kỳ hay những thế hệ đời sau của dân bản địa đã phải sống khổ sở do sự chuyển giao quyền lực này. Như Hobbes đã miêu tả trong tác phẩm Leviathan, ngay cả các tiểu quốc trên thực tế đều là những đế quốc, theo nghĩa là xã hội dân sự – một khi trở thành một phần của khế ước xã hội – đã hóa thành một thế chênh lệch sức mạnh mang tính thứ bậc, theo đó người dân từ bỏ chủ quyền cá nhân (tức một số quyền tự do – NBT) để được nhà nước bảo vệ khỏi bạo lực chết người (của những kẻ khác).
Ngày nay, nhiều tổ chức siêu quốc gia đang tạo nên những thế chênh lệch về các loại sức mạnh khác nhau, với khả năng dùng tính chính danh của mình để hợp thức hóa quyền lực thành quyền hành. Đây là những tổ hợp chúng ta thường chẳng mong muốn giải tán: Hệ thống thương mại quốc tế, gắn liền với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Liên minh Bưu chính Quốc tế; các mạng lưới truyền thông toàn cầu, cho phép mọi hoạt động từ nhắn tin, email, tweeting đến GPS; và rất nhiều loại nghiệp đoàn hay hiệp hội tự nguyện khác. Các tập đoàn kinh tế lớn và các dạng quyền hành đi kèm với chúng, nếu được đưa vào khuôn khổ và điều tiết, có thể hoạt động để tạo ra những lợi ích cho đa phần nếu không phải là tất cả khách hàng, công dân hay những người quan sát.
Tình thế trong chính trị quốc tế cũng như vậy. Liên Hiệp Quốc khởi đầu là một liên minh gồm 25 quốc gia cùng chí hướng đã đánh bại Đức Quốc xã và đế quốc Nhật; và ngày nay nó là một tổ chức quốc tế với 192 thành viên. Không thể cho rằng thế “chênh lệch sức mạnh” hiện nay của Liên Hiệp Quốc, ít nhất là trong những lĩnh vực chức năng mà nó có thực quyền, phải bị đập tan bởi những lực lượng bất đồng chính kiến đang cố tìm cách cân bằng lại quyền lực hành chính đáng ghen tị của nó. Hoặc chúng ta có thể xem xét trường hợp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu hay NATO: Rõ ràng là một số tổ hợp đa quốc gia đang nắm giữ những sức mạnh kinh tế và quân sự hùng hậu, và đi kèm với những sức mạnh đó là quyền lực chính trị. Trường hợp của NATO nhắc nhở chúng ta rằng nhiều tình thế chênh lệch sức mạnh, dù chỉ xét riêng về sức mạnh quân sự, đã không chỉ mang lại quyền lợi cho các quốc gia liên đới, mà còn giúp ích cho cả thế giới nói chung.
Thế chênh lệch sức mạnh trong thế kỷ 19
Vào những năm đầu thế kỷ 19, cả châu Âu đã phải lâm vào cảnh lầm than trước ách cai trị quân sự của nước Pháp dưới thời Napoleon. Tuy nhiên, thế chênh lệch sức mạnh tàn bạo đó cũng đã giúp phát tán những ảnh hưởng tiến bộ lên một khu vực rộng lớn. Napoleon đã mang bộ luật dân sự của Pháp đến những lãnh thổ bị ông chinh phục, thách thức các đồng minh quân chủ chuyên chế dựng lại được hệ thống luật pháp phong kiến bất công. Về mặt quân sự, ông đã sáp nhập phần lớn Tây Âu, Thụy Sĩ,  Bắc Ý, vùng đất sau này là nước Bỉ, và vùng Rhineland vào đế chế của mình.  Ông đã định đoạt ngai vàng của Tây Ban Nha lẫn Ý, và tái hôn với công chúa nước Áo. Tuy vậy, chênh lệchsức mạnh quá lớn của ông đã thổi bùng lên sự phản khảng, bởi dù có tốt đẹp ở mặt nào, nó cũng đã không được tạo ra trên cơ sở tự nguyện. Chính vì lẽ đó, quyền lực của Pháp chưa bao giờ hợp thức hóa được thành quyền hành.
Sau thất bại cuối cùng của Napoleon tại trận Warteloo tháng 6 năm 1815, cả châu Âu lẽ ra đã có thể trở lại trạng thái vốn có, với việc các quốc gia quay về với những cuộc đối đầu và xung đột truyền thống  của mình. Nhưng họ đã không làm vậy. Một thế cân bằng quyền lực đơn thuần, được tạo ra nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bành trướng quân sự của Pháp, là hoàn toàn khả thi – và phù hợp với các quy chuẩn ngoại giao. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Những kẻ chiến thắng đã thâu nạp nước Pháp vào hội ngũ cường, sau này trở thành hệ thống Hòa hợp quyền lực Châu Âu (Concert of Europe), một tổ chức có nhiệm vụ vun đắp và gìn giữ hòa bình, đồng thời bảo vệ quyền hành của các các chính thể chính thống. Thay vì phải bị kiềm chế bởi áp lực bên ngoài, nước Pháp đã bị kiểm soát ngay chính trong hệ thống mà nó là một thành viên.
Đó không phải là những nhiệm vụ đơn giản, và sự đoàn kết của khối Hòa hợp quyền lực đã không ít lần bị thử thách. Vào năm 1820, các cuộc khởi nghĩa tại Hy Lạp nhằm chống lại ách thống trị của đế chế Ottoman đã khiến Nga hoàng Alaxander I cân nhắc việc công nhận một nhà nước Hy Lạp độc lập; thông qua đó, ông ta sẽ làm mất mặt Thổ Nhĩ Kỳ, và có lẽ sẽ mở ra một cơ hội để Nga bành trướng xuống các eo biển của nước Thổ. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của hoàng thân Klemens von Metternich, Alexander đã giữ mình và để cho đất Hy Lạp chìm trong bất ổn mà không gây nên bất cứ cuộc đại chiến nào.
Sau năm 1830 và cuộc cách mạng truất ngôi Charles X tại Pháp, Bỉ đã tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan. Sự kiện này gây nên một mối quan ngại rất lớn, bởi Bỉ là nơi cửa sông Scheldt chảy qua, và bất cứ cường quốc nào nắm được cửa sông Scheldt sẽ như nắm trong tay một con dao chĩa thẳng vào trái tim của nước Anh bên kia eo biển. Nước Pháp tỏ ra thèm thuồng trước viễn cảnh sáp nhập Brussels và chiếm lợi thế trước Anh quốc. Tuy nhiên, dưới sự bảo trợ của hệ thống Hòa hợp quyền lực, Anh và Pháp đã tiến hành các cuộc thương lượng, với đỉnh cao là thỏa thuận vào năm 1833 thiết lập một nước Bỉ độc lập và trung lập mà không làm thay đổi đường biên giới giữa các nước. Pháp đã từ bỏ mọi yêu sách với Bỉ và làm an lòng nước Anh.
Những sự bất đồng cũng đã xảy ra ở vùng Trung Đông – một vùng đất vốn quen với xung đột. Khi nhà lãnh đạo Ai Cập Mehmet Ali, vốn là một chư hầu của Sultan (hoàng đế Ottoman), tìm cách mở rộng ảnh hưởng lên những vùng lãnh thổ cận đông của đế chế Ottoman, cụ thể là Syria và vùng đất sau này là Libăng, nước Anh ban đầu tỏ ra thờ ơ với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh khi đó là ngài Palmerston đã đi đến kết luận rằng việc làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dọn đường cho không chỉ ảnh hưởng của Pháp, mà cả thế thượng phong của Nga tại eo biển Dardanelles, chìa khóa thâm nhập vào biển Đen từ Địa Trung Hải. Đến năm 1841, Anh đã thuyết phục được tất cả các cường quốc, kể cả nước Pháp vốn không sẵn lòng, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của đế chế Ottoman và không ủng hộ hay công nhận những hành vi xâm phạm trong tương lai của Mehmet Ali.
Tất cả những sự hòa giải và dàn xếp đó không chỉ phụ thuộc vào một thế cân bằng về sức mạnh mà còn dựa trên sự tương đồng trong quan niệm của các bên về những quy tắc, theo đó các biện pháp hòa giải có thể thay thế cho một cuộc chiến toàn diện. Những quy tắc này, đến lượt mình, phụ thuộc vào tính chính danh cơ bản mà mỗi cường quốc có thể bảo đảm cho bốn cường quốc còn lại trong liên minh, và cách mà sự đảm bảo tính chính danh này được chấp nhận ở trong nước.[1] Tuy nhiên, các cuộc cách mạng vào năm 1848 đã đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống Hòa hợp quyền lực trong dạng nguyên gốc của nó, bởi các cuộc cách mạng này đã gây ra sự hoài nghi đối với tính chính danh của một số bên, từ đó làm mất niềm tin vào hệ quy tắc không chính thức đã từng cho phép sự dàn xếp lợi ích giữa các nước này.
Biến chuyển vĩ đại được báo hiệu bởi năm 1848 cho thấy rõ nguyên nhân thất bại của các thế chênh lệch lẫn cân bằng về sức mạnh. Sự thành công của các thế chênh lệch không chỉ phụ thuộc vào quy mô của sự chống đối từ phía bên ngoài, mà còn dựa trên mức độ ủng hộ trong nước dành cho chúng. Hệ thống hòa hợp không thể bảo toàn tính chính danh của các thể chế bảo thủ trong nước nếu những biến động cách mạng làm suy yếu họ từ bên trong. Xét một cách tổng quát, quy tắc này đúng với cả các thế cân bằng quyền lực: nếu các quốc gia gây chiến kêu gọi được cả đất nước đứng về phía mình, việc thiết lập thế cân bằng sức mạnh sẽ khó hơn rất nhiều. Mặt khác, nếu công luận bên trong quốc gia gây chiến quay sang đả kích chính phủ hiếu chiến của nước đó, như Woodrow Wilson đã khẳng định là sẽ xảy ra nếu nước đó theo chế độ dân chủ, nước gây chiến có thể sẽ dừng hành vi xâm lược của mình trước khi các nước khác phải dùng chiến tranh để ngăn chặn nó.
Cơn bão cách mạng năm 1848 đã quét qua các tiểu quốc của Đức, đế chế Hapsburg và cả nước Pháp. Sau cuộc khủng hoảng này, mọi kết cục đều trở nên khả dĩ, ngay cả ở các nước mang tiếng là tự do như Anh và Pháp. Để duy trì quyền lực, các chế độ chính trị tại Tây và Trung Âu phải gặt hái những thắng lợi mới trên trường quốc tế. Đối với Pháp, điều này đồng nghĩa với việc đưa cháu họ của Napoleon lên nắm quyền và theo đuổi những lợi ích ở miền bắc nước Ý để đấu lại Áo, lúc này đang thống trị vùng Lombardy và Venice. Đối với Anh, điều này đồng nghĩa với việc giúp đỡ những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Đức và Ý thống nhất đất nước và ra tay trừng phạt nước Nga chuyên chế.
Tuy nhiên, các nước Áo, Phổ và Nga còn phải đối mặt với những thách thức khó khăn hơn. Khi Nga tìm cách bảo vệ những người Ottoman theo đạo Thiên Chúa tại Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp đã quyết tâm ngăn chặn mọi sự xâm phạm của Nga, từ đó dẫn đến cuộc Chiến tranh Crimea (1854-1856). Pháp sau đó đã khai chiến với Áo để củng cố sự kiểm soát của Piedmont đối với Lombardy và khởi động quá trình thống nhất nước Ý; một dự án được thiết kế, xét về ý nghĩa địa chính trị cơ bản nhất của nó, nhằm giữ quân đội của triều đại Hapsburg ở phía bắc dãy Alps. Về phần mình, nước Phổ cần những thắng lợi quân sự để thuyết phục các công quốc độc lập của Đức về những lợi ích của việc thống nhất đất nước.
Đầu tiên, vào năm 1864, cả Áo và Phổ đã cùng tấn công Đan Mạch, sau đó hai nước này lại trở mặt với nhau vì tranh chấp vùng Schleswig-Holstein vừa mới chiếm được. Cuối cùng, nước Pháp, do sa vào bẫy của Bismarck, đã đưa ra những yêu sách về Luxembourg, một điều khiến các tiểu quốc miền Nam nước Đức cũng phải căm phẫn. Sau cuộc chiến tranh Pháp-Phổ từ 1870 đến 1871, nước Phổ thắng trận đã thống nhất được nước Đức (không bao gồm Áo). Như vậy, luật cấm các cuộc chiến giữa các nước thành viên do hệ thống Hòa hợp quyền lực đặt ra đã bị sụp đổ, do những thắng lợi trên chiến trường giúp cả phe tự do lẫn bảo thủ đang cầm quyền ở các nước thêm vững vàng. Sự ủng hộ của dư luận đã hợp thức hóa những thắng lợi của Đức dù chúng đã được tạo ra bằng sắt và máu dưới chế độ độc tài của Bismarck.
Sau chiến thắng vào những năm 1870-1871 của Bismarck, một thế chênh lệch sức mạnh mới trở nên khả dĩ. Mãn nguyện với việc thống nhất đất nước và sáp nhập vùng Alsace-Lorraine, giờ đây Đức chỉ muốn bảo toàn vị thế của mình trước nguy cơ báo thù của Pháp. Khác với Napoleon, Bismarck biết rõ ranh giới và thời điểm để dừng lại. Vào năm 1873, ông đã liên minh với Áo và Nga, tuy nhiên khối hiệp ước này đã tan rã sau cuộc chiến của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1877 và hội nghị Berlin giữa Disraeli và Bismarck, theo đó Nga đã bị tước đoạt các quyền lợi với những lãnh thổ mới giành được; một kết cục khiến St.Petersburg tổn thương và thất vọng. Để đáp lại, Đức nhanh chóng thiết lập một liên minh lâu dài với Áo-Hung vào năm 1879. Với việc kết nạp thêm Italy, khối Liên minh ba bên đã được thành lập vào năm 1882.
Mục tiêu lớn nhất của vị Thủ tướng Đức vẫn là lôi kéo được Nga, và ông đã làm được điều đó với việc ký kết Hiệp ước Tái bảo đảm Nga-Đức vào năm 1887. Để củng cố vị thế này, Bismarck đã tranh thủ sự ủng hộ của Anh với những thỏa thuận về Địa Trung Hải do ông dàn xếp, nhằm mục đích ngăn chặn mọi sự bành trướng của Nga ở vùng Cận Đông có thể gây hại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thế là Bismarck đã có thể hài lòng nhìn những kẻ khác giúp ông hoàn thành công việc, khi giờ đây ông đang điềm tĩnh thao túng nền chính trị Châu Âu. Vị thủ tướng Đức đã làm an lòng nước Anh bằng việc không xây dựng hải quân và từ chối theo đuổi những kế hoạch bành trướng thuộc địa đụng chạm đến quyền lợi của Đế quốc Anh. Những hứa hẹn tiền hậu bất nhất của Đức với cả Áo lẫn Nga đã ràng buộc Bismarck và giúp Đức phát triển quan hệ hòa hảo, nếu không muốn nói là tình bằng hữu nồng ấm với cả hai bên. Nga bắt tay với Đức vào năm 1887 bởi mối quan hệ của nước này với Pháp có nguy cơ dẫn tới chiến tranh với Đức khi mà ảnh hưởng của những chính khách theo chủ nghĩa phục thù đang tăng lên ở Paris.
Thế chênh lệch bốn chọi một nhằm chống Pháp của Bismarck đã có thể tồn tại lâu như vậy vì khi đó Đức đang là một cường quốc hài lòng với hiện trạng. Nó chia sẻ những lý tưởng với Nga và với Áo, cũng như có quan hệ đế quốc hòa thuận với Anh. Trong nước, cả dư luận Đức đều phấn khởi sau sự thống nhất nước nhà. Mặc dù có hai đồng minh phía đông cạnh trạnh với nhau ở vùng Balkan, Bismarck đã không ngả theo phe nào trong cuộc đấu này và khuyến khích hai bên cùng tìm một phương án hòa giải. Vị thủ tướng Đức đã tránh được những sai lầm sau này của hoàng đế Wilhem II, người đã bỏ qua Nga và từ chối nước Anh, chính vì thế làm suy yếu vị thế lâu dài của Đức, và biến thế chênh lệch thành một thế cân bằng sức mạnh đơn thuần giữa 2 khối tam cường: khối Liên minh và khối Hiệp ước.
Tóm lại, quan niệm phổ biến về một hệ thống Hòa hợp quyền lực đơn nhất kéo dài gần 100 năm là không hoàn toàn đúng. Hệ thống bắt đầu từ năm 1815 trên tư cách một trật tự chung với những quy tắc điều chỉnh được các bên hiểu rõ – đáng để gọi là một nền văn minh giữa các đế quốc –  sau năm 1848 đã tan rã thành một thành hệ thống cân bằng sức mạnh bấp bênh và thiếu nền tảng giá trị chung. Sau năm 1871, nó chuyển hóa thành một thế chênh lệch do người Đức chế ngự. Để rồi, tranh chấp thuộc địa, tư duy địa chính trị (chủ yếu liên quan đến sự suy thoái của đế chế Ottoman) và sự tự phụ của giới lãnh đạo Đức hậu Bismarck đã tạo ra một thế cân bằng sức mạnh còn bấp bênh hơn, vốn cuối cùng đã dẫn tới Thế chiến thứ nhất. Thế chênh lệch dưới dạng ban đầu của hệ thống Hòa hợp và thế chênh lệch do nước Đức chế ngự đã bảo vệ được hòa bình, trong khi thế cân bằng đã làm lung lay và cuối cùng phá hủy nền hòa bình đó.
Sự chênh lệch sức mạnh trong thế kỷ 20
Thế chênh lệch cũng đã giúp giữ gìn hòa bình trong nửa sau của thế kỷ 20, tuy nhiên nó có nhiều điểm khác biệt so với trước đó. Trong thế kỷ 20, có ba yếu tố quyết định đến sự thành công của việc thiết lập thế chênh lệch. Yếu tố thứ nhất là sức mạnh kinh tế của các chủ thể lãnh đạo thế chênh lệch đó. Yếu tố thứ hai là mức độ ủng hộ quốc nội mà các chủ thể này nhận được từ nhân dân nước mình và từ người dân các quốc gia thân hữu khác. Yếu tố thứ ba là đà phát triển của các tư tưởng hay hệ tư tưởng nào đó trong chính trị quốc tế mà thu hút được người ủng hộ từ nhiều quốc gia khác nhau. Việc thiết lập thế chênh lệch sẽ bảo vệ hòa bình một cách tối ưu khi các nước thành viên hay các quốc gia lãnh đạo nhận được sự ủng hộ của người dân sống trong các xã hội khác, và khi những biến động trong các quốc gia bên ngoài có thể giúp tăng cường các giá trị của thế chênh lệch đó. Thế chênh lệch sẽ thất bại nếu đà phát triển này chuyển sang các quốc gia và các hệ giá trị thách thức nó. Nếu như hệ giá trị chính trị quốc nội ngả về phía kẻ gây chiến, thì ngay cả hành vi bạo ngược cũng có thể thành công.
Thế chênh lệch sức mạnh do Hoa Kỳ lãnh đạo vào giữa thế kỷ 20 được sinh ra từ hệ thống lưỡng cực, tuy nhiên vào buổi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh, chưa có dấu hiệu rõ ràng rằng thế chênh lệch đó sẽ phát triển theo định hướng sau này của nó. Dưới ảnh hưởng của Halford Mackinder và Nicholas John Spykman, Franklin D. Roosevelt đã lo sợ trước sức mạnh địa chính trị của Liên Xô và muốn giữ quân Mỹ trên đất châu Âu để làm suy giảm sự bành trướng của nước này; ông chưa bao giờ tin rằng Liên Hợp Quốc tự nó có đủ sức để gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, tình hình chính trị ngay sau khi chiến tranh kết thúc khiến kế hoạch đó trở nên bất khả thi, và dưới thời tổng thống Harry Truman, quân đội Mỹ trên thực tế đã tự làm yếu vị thế của mình sau ngày chiến thắng đế quốc Nhật.
Quan trọng hơn, trong hai thập kỷ đầu của Chiến tranh Lạnh, nhiều người đã cho rằng Liên Xô và khối Cộng sản có một đà phát triển kinh tế ấn tượng hơn so với phương Tây. Nhiều người cũng đã tin vào lời của Stalin nói với Tito, rằng “kẻ nào chiếm được một lãnh thổ, kẻ đó có quyền áp đặt hệ thống xã hội của mình lên nó”.  Chỉ vũ lực thôi cũng đủ sức để uốn nắn dư luận ở những vùng đất mới bị chinh phục. Nếu quả vậy thì ngay cả một liên minh như NATO cũng không thể hoàn toàn đối trọng lại sự bành trướng của Liên Xô, bởi tổ chức này nếu muốn thành công cần phải gây được ảnh hưởng tới nền nội trị của những nước đang bị Liên Xô chi phối. Hơn nữa, nhiều người đã tin rằng chủ nghĩa xã hội mới là làn sóng tất yếu của tương lai.
Trong những bối cảnh trên, nhiều nhà ngoại giao phương Tây cho rằng quyền lực của Liên Xô  không thể bị làm suy yếu, thậm chí còn có thể tăng cường hơn. Vì vậy, đối với các nước phương Tây, một sự cân bằng dư luận trong nước có ý nghĩa quan trọng không kém, nếu không có phần hơn, thế cân bằng sức mạnh trong đối ngoại. Xét về lý thuyết, một thế chênh lệch sức mạnh đã có thể được thiết lập bởi một Liên Xô yếu ớt, nếu như dư luận bên trong các nước phương Tây đã ủng hộ những chiều hướng phản dân chủ ở một loạt các quốc gia chủ chốt.
Tình cảnh u ám này đã không kéo dài. Thành tựu kinh tế của phương Tây đã nhanh chóng bỏ xa những gì “phe xã hội chủ nghĩa” có thể đạt được bằng hình thức lao động khổ sai và một hạ tầng phát triển yếu kém. Hóa ra dư luận trong các quốc gia vệ tinh của Liên Xô có khả năng lên tiếng đòi hỏi những thay đổi, bất chấp mối đe dọa cưỡng chế thường trực của Liên Xô, và ngay cả các lãnh đạo Liên Xô cũng đã phải thỏa hiệp. Ngay từ năm 1969, khi Hoa Kỳ đưa đón thành công con người đầu tiên lên mặt trăng rồi trở về trái đất, ảnh hưởng tư tưởng của Liên Xô lên các nước thế giới thứ ba đã bắt đầu suy tàn, và xu hướng thoát ra khỏi nền kinh tế kế hoạch và chủ nghĩa độc đoán đã trở nên bất khả kháng. Có lẽ Lịch sử vẫn chưa cáo chung, nhưng từ giữa những năm 1980 xu hướng này đã khá rõ ràng. Xét tất cả các tiêu chuẩn phù hợp, chủ nghĩa tự do vào thời điểm đó đã tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều lần, về cả mặt kinh tế lẫn chính trị, so với bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa cộng sản.
Chắc chắn là cả Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin đều đã hy vọng sẽ đạt được một sự hòa giải với phương Tây, thậm chí đưa nước Nga gia nhập vào nó. Đó là một khả năng chưa bao giờ bị phủ nhận hoàn toàn, ngay cả bởi George Kennan. Họ đã tin rằng NATO sẽ bị giải tán, hoặc ít ra thì Nga sẽ có thể trở thành một thành viên thường trực của nó, như Pháp đã từng được thâu nạp vào hệ thống Hòa hợp quyền lực Châu Âu vào năm 1815. Những chính trị gia Mỹ ủng hộ cho một thế “đối trọng từ xa” cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ rút ra khỏi NATO và châu Âu.[2]
Những niềm hy vọng này đã không được đáp ứng. Phương Tây đã đạt được một kết thúc hòa bình cho Chiến tranh Lạnh bằng cách tích lũy một thế chênh lệch sức mạnh trong tay mình. Xét về các mặt dân chủ, kinh tế, và quân sự, phương Tây đã đánh bại được phương Đông, từ sau Chiến tranh Lạnh phương Đông đã trở nên lúng túng và không thể mưu tính được một chiến lược đối phó hiệu quả nào. Moscow không thất bại trong Chiến tranh Lạnh vì bất cứ biến động nào trong thế cân bằng quyền lực, mà bởi cuối cùng nó đã không thể kháng cự lại một thế chênh lệch sức mạnh bất lợi cho mình về các mặt kinh tế, chính trị và tư tưởng. Thế cân bằng quân sự chỉ đơn thuần là hậu cảnh cho các yếu tố này; dù chắc chắn không hề kém quan trọng, nhưng nó đã không quyết định được kết cục.
Trung Quốc và thế chênh lệch sức mạnh của phương Tây
Ngày nay, Bắc Kinh đã có được vị thế trên trường quốc tế và muốn tạo ra những sự thay đổi.  Quốc gia này muốn những thể chế mới ngang hàng với Hoa Kỳ và một vùng bờ biển Thái Bình Dương rộng lớn để đơn phương khai thác.  Nó muốn mở rộng ảnh hưởng và thậm chí cả đường biên giới của mình tại vùng Trung Á, trên lãnh thổ của Kazakhstan và Mông Cổ, tại vùng đất trung tâm nổi tiếng của Mackinder.[3] Nó không muốn tham gia vào thế chênh lệch sức mạnh do nước khác lãnh đạo, mà muốn thiết lập một thế chênh lệch do chính mình đứng đầu.[4] Điều này đồng nghĩa với việc điều khiển hoặc thay thế các thể chế trọng yếu như IMF, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, và thiết lập một sự hiện diện chủ chốt trong nhóm G-7, mà nếu vậy sẽ trở thành G-8 hoặc G-9 (tùy theo việc Nga có được tham gia hay không). Về mặt quân sự, Trung Quốc muốn có các hạm đội hàng không mẫu hạm ngang tầm với các lực lượng của hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và muốn có một tiềm lực hạt nhân và số lượng vũ khí tầm xa ít nhất là sánh ngang được với Mỹ. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không chấp nhận thua kém hơn.
Trong việc thực hiện những mục tiêu này, vấn đề không nằm ở chỉ số GDP của Hoa Kỳ sẽ bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2050, như dự đoán của Tập Cận Bình. Phương Tây nói chung và tất cả phần còn lại của thế giới mới chính là vấn đề.
Trong phần lớn các lĩnh vực kinh tế, hiện đã có một thế chênh lệch mà Trung Quốc có thể tham gia nhưng không đủ sức thống trị. Hoa Kỳ cùng với châu Âu tạo thành một khối với GDP lên tới 34 nghìn tỉ USD; nếu cộng thêm Nhật Bản vào khối này, tổng GDP sẽ tăng lên đến hơn 40 nghìn tỉ USD. Các quỹ đầu cơ của Mỹ đang nắm lượng tài sản trị giá 3 nghìn tỉ USD và tạo được các cam kết góp vốn lên tới 30 nghìn tỉ USD. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng giá trị các hợp đồng phái sinh vào năm 2010 đã lên đến 600 nghìn tỉ USD. Người Trung Quốc, dựa vào chính mình hay thông qua hợp tác với các đồng minh tiềm năng, cũng không đủ sức để chạm được đến các con số này, và bất cứ động thái rút vốn bất ngờ nào khỏi Thượng Hải, Hong Kong hay Bắc Kinh cũng sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng, thậm chí toàn bộ hệ thống kinh tế của Trung Quốc. … Mặc dù Trung Quốc có thể trở nên độc lập về mặt quân sự, quốc gia này không thể tách rời nền kinh tế thế giới. Do vậy hiện đã có một thế cân bằng quyền lực bền vững trong kinh tế; Trung Quốc đang và vẫn sẽ là người hưởng lợi từ nó, nhưng nước này sẽ không thể nào thoát ra khỏi tạo phẩm này của phương Tây.
Quan trọng hơn nữa là những triển vọng đột phá trong chính trị quốc nội của Trung Quốc, một phần do viễn cảnh về các cuộc bầu cử tự do ở Hong Kong vào năm 2017 tạo ra. Theo kế hoạch, cử tri Hong Kong sẽ được yêu cầu chọn lựa giữa ba hay bốn ứng viên do Bắc Kinh chỉ định cho các vị trí lãnh đạo của đặc khu hành chính. Tuy nhiên, phong trào đòi dân chủ của Hong Kong sẽ muốn có được tiếng nói trong việc chỉ định các ứng viên, chứ không muốn phải chọn giữa những ứng viên thân Bắc Kinh đã được tuyển lựa từ trước.
Theo thời gian, những thay đổi như thế là tất yếu. Hãy xem xét tiến trình lịch sử châu Âu. Những cuộc cách mạng mang tính lãng mạng, dân túy/bảo hoàng vào năm 1830 đã không thể lật đổ được chế độ cũ; hệ thống chính trị đã bị lung lay, nhưng chưa sụp đổ. Tuy nhiên, các cuộc cách mạng vào năm 1848 cuối cùng đã bắt các nhà nước bảo thủ phải thay đổi; để tiếp tục nắm quyền, chúng phải theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và kiếm tìm thành tựu trong chính sách đối ngoại, để rồi Thế chiến thứ nhất, sự phản ánh của chính chủ nghĩa dân tộc đó, cuối cùng đã đánh đổ được trật tự cũ.[5] Sau đó, các chính quyền dân chủ tự do đã bị thách thức bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít tại châu Âu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tham vọng bành trướng của đế quốc Nhật Bản, nhưng cùng với sự kết thúc của chiến tranh, các chính phủ theo chủ nghĩa tự do đã lên nắm quyền ở châu Âu và phần lớn các nước trên thế giới.
Không giống như người Nga vào năm 1985, giờ đây các công dân Trung Quốc đã có các dịch vụ mạng như Google hay Weibo để cập nhật những kiến thức và kinh nghiệm của thế giới. Họ biết rằng nhiều đồng bào của mình đã bị bắt giam chỉ vì dám công bố những sự thật liên quan đến tham nhũng của giới tinh hoa Trung Quốc. Thành tựu kinh tế đơn thuần có thể làm nguôi ngoai những bất đồng trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng xét về lâu dài thì cả thành tựu kinh tế lẫn sự ổn định đều có hạn. Thay đổi về chính trị sẽ đến với Trung Quốc như nó đã từng đến với châu Âu.
Nhưng sự thay đổi này sẽ xảy ra trong hình thái nào? Thế chênh lệch sức mạnh của phương Tây sẽ đóng một vai trò quyết định đối với tính chất của sự thay đổi đó. Một thế cân bằng quyền lực sẽ chỉ dẫn đến sự đối đầu giữa hai cực, như nó đã từng dẫn đến trong những giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, một thế chênh lệch sức mạnh sẵn có của phương Tây, với hàng loạt tiền đồn ở châu Á rất có triển vọng sẽ thu hút được Trung Quốc. Lý do là vì những vấn đề của Trung Quốc không mấy liên quan đến quyền lực thô hay quyền lực tương đối của nó về mặt kinh tế và quân sự; nhưng lại liên hệ mật thiết với sự trì trệ trong chuyển biến chính trị ở nước này.
Nếu vì một lý do nào đó Trung Quốc tiếp tục giữ sự thù địch với phương Tây, đất nước này sẽ không thể thành công hay thịnh vượng. Như vậy, câu hỏi được đặt ra là trong những hoàn cảnh nào Trung Quốc sẽ được tham gia vào các hội đồng quyền lực của phương Tây (Nga đã bị khước từ vào năm 1996, và tới giờ tình hình này vẫn chưa có thay đổi tích cực nào). Trung Quốc cần tính toán những gì nó phải làm, phần lớn là các thử nghiệm trong chính trị, để đủ đạt tiêu chuẩn trở thành thành viên của khối phương Tây hùng mạnh hơn. Việc mở rộng các quyền tự do ở Hong Kong có thể dẫn tới sự mở cửa thí điểm ở Quảng Đông, nơi mà các cuộc bầu cử hiện đã được sử dụng để phân định các tranh chấp kinh tế. Một sự hợp nhất nhanh chóng hơn với Đài Loan thông qua thương lượng có thể hỗ trợ cho quá trình này, vì khi đó Trung Quốc sẽ trở thành một nhà nước với hai hoặc ba chế độ khác nhau.
Sự gia nhập của Trung Quốc vào khối phương Tây hiện chưa thể được dự đoán một cách chắc chắn, nhưng một thế chênh lệch của phương Tây chính là biện pháp để khuyến khích kết cục đáng mong đợi này. Hiện chưa phải là lúc để chính phủ Hoa Kỳ hạ thấp vai trò hệ thống liên minh của mình, mặc dù hiện chưa có mối đe dọa lớn và trực tiếp nào để nó phải đối phó. Đây là lúc Mỹ cần phát triển vị thế lãnh đạo của nó trong một thế chênh lệch dựa trên động lực kinh tế, tính chính danh chính trị, các mối tương đồng và sức hút về tư tưởng, hơn là dựa trên sức mạnh quân sự. Tương lai của Trung Quốc – và của một hệ thống hòa hợp cường quốc quốc tế mới – có lẽ sẽ phụ thuộc vào thế chênh lệch đó.
Richard Rosecrance hiện là giáo sư thỉnh giảng kiêm giám đốc của Chương trình nghiên cứu Quan hệ Mỹ-Trung của học Trường Kennedy về Quản trị, Đại học Harvard.
Biên tập: Lương Khánh Ninh | Bản gốc tiếng Anh: The American Interest
————————-
[1] Nhận xét này là nội dung cốt lõi của tác phẩm đầu tiên của Henry Kissinger, A World Restored (1954), và được chỉ ra trong bối cảnh này bởi Parag Khanna trong “A World Reimaged”, The American Interest (July/August 2014).
[2] Xem John Mearsheimer, “Back to the Future: Instability in Europe After the Cold War”,  International  Security (Summer 1990) .
[3] Xem Yun Sun, “March West: China’s Response to the U. S.  Rebalancing”, Brookings Institution, January 31, 2014.
[4] Xem Martin Jacques, When China Rules the World (Penguin, 2009)
[5] Xem Arno Mayer, The Persistence of the Old Regime: Europe to the Great War (Pantheon Books, 1981) .

0 nhận xét:

Đăng nhận xét