Tôi chơi thân với cô bạn làm tại một tạp chí ngành, một ngành khá lớn.
Có điều rất đặc biệt là mỗi lần ra ngoài tác nghiệp, cô luôn bồn chồn và
thường vội vã trở về tòa soạn ngay sau khi sự kiện kết thúc với lý do:
“Mình phải về còn nộp bài cho sếp”. Cô giải thích: Trưởng phòng của cô
không biết sử dụng mail, vì thế, cô phải có mặt tại tòa soạn viết và in
bài ra nộp trực tiếp cho sếp. Trước thắc mắc của tôi về việc giao dịch
trong quan hệ với đối tác, bạn tôi chia sẻ: Sếp mình vẫn đưa các-vi-dít
bình thường, thậm chí còn "bồi" thêm câu: "Có thông tin gì cứ gửi vào
email cá nhân, mình sẽ xem xét”. Nhưng rồi chẳng bao giờ sếp mở mail,
chỉ đơn giản là sếp không biết mở mail. Khi nào có người lâu không thấy
phản hồi sốt ruột gọi điện lại, thì sếp sẽ gọi nhân viên, bảo mở mail in
thông tin cho sếp đọc, rồi lại "chỉ đạo" nhân viên phản hồi mail.
Tại Việt Nam hiện nay, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp, thậm
chí trong nhiều bộ, ban ngành vẫn đang giữ nếp truyền thông nội bộ theo
kiểu “mặt đối mặt” khi: Giao việc, thông báo, đôn đốc công việc hay nhắc
nhở điều chỉnh hành vi của cấp dưới. Sếp cần chỉ đạo hay truyền đạt gì
đó, cứ ra lệnh triệu tập cuộc họp hoặc nhấc điện thoại gọi "Lên phòng
tôi có việc”.
Viết là “gánh nặng” của nhiều người, bởi không thể diễn đạt được ý, nên
luôn cảm thấy viết email rất mất thời gian và... nhức đầu. Kỹ năng nói
chuyện và truyền đạt bằng lời cũng là điểm yếu của khá nhiều nhà quản lý
hiện nay. Hầu hết trong trường hợp phát biểu trước cử tọa, các sếp
thường cầm giấy đọc nội dung do người khác soạn sẵn. Các buổi họp nội bộ
công ty buồn tẻ, nặng nề một phần lớn do sự hạn chế kỹ năng này của
người điều hành... Khi giao tiếp hạn chế, mối quan hệ giữa các thành
viên trong doanh nghiệp sẽ khô cứng, đơn điệu, thiếu thân thiện và sự
chia sẻ, ảnh hưởng đến việc "nhận” và "cho" các giá trị tinh thần.
Các tiện ích truyền thông hiện đại
Trong hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài, hay liên doanh, mạng email
và chat nội bộ được sử dụng thường xuyên và liên tục mỗi ngày. Thói quen
đã trở thành cố hữu của nhiều nhân viên là bắt đầu ngày làm việc bằng
kiểm tra email và đọc website, bản tin điện tử của công ty để xem thông
báo mới. Triển khai, kiểm tra tiến độ công việc, chỉ đạo mới hoặc nhắc
nhở lưu ý từ cấp quản lý, cũng như trao đổi tình hình, đề xuất của nhân
viên được phản hồi qua email nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ và thống nhất
đến nhiều người cùng lúc.
Một số tiện ích lớn khác của hình thức truyền thông này là chi phí rẻ
và cập nhật, linh hoạt về thời gian. Chính thói quen đó giúp các sếp có
thể điều hành công việc từ xa, khi đi công tác, hoạt động bên ngoài văn
phòng, mà vẫn nắm được đầy đủ tình hình ở công ty.
Tuy nhiên, một nguyên nhân khá phổ biến là khi sử dụng các thiết bị và
áp dụng những tiện ích mới của công nghệ thông tin, thì chính nhưng hạn
chế trong kỹ năng nói, viết của nhiều nhà lãnh đạo lại bộc lộ rõ nét
nhất. Chính những lỗi kỹ thuật tưởng như nhỏ lại gây ra hậu quả lớn, ví
dụ, nhiều trường hợp phạm lỗi chính tả trong văn bản dẫn đến sự hiểu lầm
đáng tiếc trong quản lý điều hành, cũng như quan hệ với đối tác kinh
doanh, dùng từ đa nghĩa, khiến có sự hiểu sai về ngôn từ cũng có thể làm
mất đoàn kết trong tập thể…
Sự ngần ngại trong việc cải tiến, thay đổi công cụ truyền đạt, quan
điểm chưa đúng trong việc đánh giá tầm quan trọng của các công cụ truyền
thông hiện đại, cùng với những hạn chế trong nhận thức, kỹ năng văn
phòng cơ bản đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể khai thác được triệt
để các công cụ này, mà vẫn trung thành với các phương cách truyền thông
nội bộ "cổ xưa" một cách “bất cập”.
Sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông
Ở nhiều nước trên thế giới, việc thuyết trình các bài viết do chính
mình viết và thể hiện đã trở thành môn học bắt buộc. Điều này đã hỗ trợ
đắc lực kỹ năng mềm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ra trường
làm việc.
Tại Việt Nam, các kỹ năng này đến nay đã có ở một số cấp học, tuy nhiên
còn mang tính khuyến khích nhiều hơn là bắt buộc. Điều này thể hiện rất
rõ khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên chưa từng thuyết trình trước
đám đông lần nào, nhiều cán bộ tại cơ quan nói trước tập thể còn xấu
hổ, nói vấp, lắp bắp, hay chưa biết soạn thảo một văn bản mạch lạc, hoàn
thiện.
Để tạo môi trường văn hóa doanh nghiệp sinh động, nâng cao hiệu quả
truyền thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp,
các nhà lãnh đạo cần phải đối diện với vấn đề, cần có những tư duy mới,
có "tầm" hơn, cần nhanh chóng cải thiện, nâng cao các kỹ năng truyền
thông cho doanh nghiệp qua một số gợi ý sau:
- Đừng xem việc bỏ thời gian để viết email cho nhân viên là lãng phí.
Ngược lại, đó là một cách tiết kiệm thời gian và truyền thông hiệu quả.
- Xây dựng cách chia sẻ trong công ty. Trong đó, email và chat khiến
người ta dễ chia sẻ hơn những khi "mặt đối mặt". Các sếp sẽ dễ dàng nhận
được phản ánh, khiếu nại, tâm sự của nhân viên qua email hơn là nghe họ
trình bày trực tiếp trong cuộc họp.
- Xây dựng và quảng bá thói quen này đến nhân viên trong công ty và các
sếp phải là những người cởi mở trước. Hãy đặt câu hỏi xem liệu mình đã
có trong tay địa chỉ email của tất cả nhân viên; đã tổ chức được mạng
email và liên lạc nội bộ; có xem email là một trong những kênh giao tiếp
chính hay vẫn còn cảm giác nó quá "ảo” thiếu tính thiết thực?
- Cải thiện kỹ năng viết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét