Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013
Khi người dân tham nhũng
20:19
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nếu quan chức phải lo giấu
của cải, rửa tiền khi tham nhũng, thì các tư nhân làm giàu qua sự chiếm
đoạt các tài sản công lại được trưng bày và vinh danh trên nhiều mạng
truyền thông, hãnh diện với những chiến lợi phẩm.
Trong
một cuộc mạn đàm với các viên chức cao cấp của thành phố Hồ Chí Minh về
vấn đề mỹ quan của thành phố và việc bảo vệ môi trường sinh hoạt của
người dân, tôi đã đưa ra một đề nghị mà tôi dám bảo đảm là hoàn toàn
không tốn kém gì cho ngân sách và sẽ làm thành phố tươi đẹp gấp trăm lần
hiện nay. Trên hết, giải pháp này có thể thực hiện và hoàn tất chỉ
trong vài tháng. Mọi người đều hào hứng lắng nghe.
Tôi tiếp tục, “Hiện nay tôi chắc đến
95% hè đường của thành phố đang được chiếm dụng một cách phi pháp để
làm bãi đậu xe máy, nơi bán hàng rong, hoặc là chỗ để lấn đất từ nhà
riêng… Nếu tất cả hè đường đều được dọn sạch, quang đãng và để dành cho
người bộ hành như mọi thành phố văn minh khác khắp thế giới, bộ mặt của
thành phố Hồ Chí Minh sẽ đổi khác hoàn toàn: cảnh quan sẽ đẹp hơn, đường
phố sẽ trật tự hơn và ô nhiễm từ tiếng động và không khí sẽ ít hơn.”
Một quan chức thắc mắc, “Nhưng chúng
ta sẽ xử lý thế nào với chỗ đậu xe cho cả triệu chiếc xe máy? Và ảnh
hưởng đến việc mưu sinh của các bạn hàng rong sẽ như thế nào?“
Tôi giải thích là cả trăm ngàn mặt tiền
căn phố đang được để trống; cho nên, các chủ nhà này sẽ biến chúng thành
những bãi đậu xe có trả tiền, đem thêm một số lợi tức cho rất nhiều
người. Thực ra, hiện nay, các tay thầu tư nhân đã chiếm dụng bất hợp
pháp các lề đường để làm chỗ đậu xe có trả tiền và ăn chia lại với các
quan chức của khu phố. Chúng ta chỉ bắt các người sử dụng xe máy phải
cho xe vào trong để làm sạch hè đường.
Còn vấn đề các bạn hàng rong, những
thành phố như Bangkok hay Kuala Lumpur đều có những khu thương mại rẽ
tiền do các tư nhân đầu tư xây dựng, không hề thiếu chỗ để buôn bán. Các
khu thương mại này sẽ cải tiến điều kiện vệ sinh công cộng cũng như gia
tăng chất lượng của mỗi món hàng nhờ sự kiểm soát hữu hiệu hơn của cơ
quan công lực.
Một ảnh hưởng rất tích cực nữa là khi
gặp khó khăn và tốn kém trong việc gửi xe, người dân sẽ ít dùng xe máy
hơn và quay về với các phương tiện giao thông công cộng hay tản bộ. Việc
này sẽ giảm bớt ô nhiễm về không khí, về tiếng động cũng như nạn kẹt
xe.
Tuy nhiên, đề nghị này đã không đi xa hơn vì vị quan chủ tọa đã phán quyết, “Đây là một giải pháp không thực hiện được.”
Khi tư duy đã buộc chặt vào một kết luận, trước khi có nghiên cứu và
tranh luận sâu rộng, thì mọi sáng tạo chỉ là một vận động hoàn toàn vô
ích.
Nhưng vấn đề chiếm dụng phi pháp hè
đường này của mọi tầng lớp nhân dân hé lộ một vấn nạn lớn hơn của Việt
Nam: Đó là sự tham nhũng của chính những người đang mang quyền làm chủ
đất nước. Chuyện tham nhũng của quan chức đã gây rất nhiều tranh cãi
trên trên khắp các mạng truyền thông, nhưng không mấy ai buồn nhắc đến
một sự nhũng lạm còn tốn kém cho tài sản quốc gia gấp ngàn lần từ phía
tư nhân và người dân thường.
Nhưng với người dân, nếu họ không có quyền lực gì thì làm sao xếp hạng các hành vi của họ vào loại tham nhũng?
Trước hết, theo định nghĩa của danh từ,
“tham nhũng” là một hành xử thiếu đạo đức và lương thiện, lạm dụng chức
vụ, quyền lực hay tình thế để chiếm đoạt tài sản hay lợi ích công cộng
một cách phi pháp. Như vậy, dù không có chức vụ hay quyền lực, nhưng nếu
người nào dựa trên tình thế để chiếm đoạt tài sản công, người ấy cũng
phải được coi như là một tội phạm hay đồng lõa tham nhũng.
Tội trốn thuế cũng có thể được coi là
tham nhũng vì một phần thu nhập đáng lẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước
thì đã được cho vào túi riêng.
Ô nhiễm môi trường làm hư hại tài sản công để làm lợi cho thu nhập của mình cũng là một hình thái tham nhũng.
Các chiếm đoạt này không chỉ ngưng lại ở
hè đường các thành phố. Những tài sản công từ một vật dụng nhỏ nhoi như
chiếc kẹp giấy tờ hay bút chì trong văn phòng, trường học… đến những
thửa đất lớn lao cạnh biển hay sông hồ đã được chính người dân thỏa hiệp
với quan chức để phân chia làm tài sản riêng của mình.
Chuyện phá rừng, khai thác khoáng sản
lậu để bán ra nước ngoài, hay chuyện toa rập để hạ giá cổ phiếu của các
công ty quốc doanh trước khi mua lại… là những hành vi hoàn toàn do tư
nhân đạo diễn và lợi dụng.
Nếu quan chức phải lo giấu của cải, rửa
tiền khi tham nhũng, thì các tư nhân làm giàu qua sự chiếm đoạt các tài
sản công lại được trưng bày và vinh danh trên nhiều mạng truyền thông,
hãnh diện với những chiến lợi phẩm từ máy bay riêng đến siêu xe đến các
chân dài.
Hiện tượng “cổ phần hóa” hay “biến tài
sản công thành riêng”, nhập khẩu từ Đông Âu và Trung Quốc, đang được mọi
người dân, từ nghèo đến giàu coi như là một trò chơi thú vị, phải thắng
bằng mọi giá.
Khi sự nhũng lạm đã trở thành thói quen
và chấp nhận khắp nơi, thì tài sản công sẽ còn biến mất dài dài vào các
túi tham không đáy của xã hội.
Tôi cho sự tham nhũng này còn đáng sợ
hơn nạn tham nhũng dựa trên chức quyền vì gốc rễ của hình thái tham
nhũng này bám chặt vào tư duy của người dân và không được ai coi như một
vấn đề cần giải quyết.
Nếu mỗi một mét vuông đất ở thành phố Hồ
Chí Minh có giá trung bình là 30 triệu đồng và diện tích hè đường chỉ
1% của toàn thành phố (2.095km2), thì tổng số tài sản công
bị chiếm đoạt đã lên đến 600 ngàn tỷ VND hay 30 tỷ USD. Nếu tính hết
tất cả hè đường của các tỉnh thành toàn quốc, con số này phải lớn gấp
ngàn lần các con số tham nhũng từ chức quyền. Và nếu chúng ta cộng luôn
những nhũng lạm khác về đất đai, tài sản, cũng như các hồ sơ gian dối về
trợ cấp xã hội, dự án công của người dân?
Theo giáo sư James Garfield (1877),
nguồn gốc của mọi tham nhũng bắt đầu từ 2 tư duy: lòng tham của con
người luôn luôn muốn có “những bữa ăn miễn phí” và sự bất tuân pháp luật
hay sự coi thường lợi ích xã hội một cách đại trà.
Tư duy thứ nhất là quan điểm “miễn phí”
(something for nothing), không những chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn
hiện diện trên mọi quốc gia giàu nghèo. Âu Mỹ nổi tiếng với những chương
trình xã hội lấy tiền thuế của người dân có thu nhập để trả tiền cho
những kẻ ăn không ngồi rồi. Những lạm dụng về trợ cấp xã hội, thất
nghiệp, y tế, nhà ở, thực phẩm… đã được báo động hằng ngày trên các mạng
truyền thông Âu – Mỹ. Tuy nhiên, số người dân nghèo luôn luôn nhiều hơn
số người giàu nên các chính trị gia Âu – Mỹ vẫn phải tiếp tục các
chương trình này để kiếm phiếu từ cử tri.
Cũng vì sự tiêu xài quá mức cho các
chương trình xã hội mà các chính phủ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…
gây quá nhiều nợ nần và phải cắt bớt ngân sách. Nhưng tinh thần miễn phí
đã ăn sâu vào trí não của người dân nên các cuộc biểu tình tại các nơi
này để phản đối việc cắt ngân sách sẽ tiếp tục dài dài trong nhiều năm
tới.
Dù sao, ở trường hợp này, sự chiếm đoạt tài sản công để chia riêng cho một thiểu số vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp.
Còn tư duy bất tuân pháp luật và coi
thường lợi ích xã hội thì hiện rõ tại các quốc gia có dân trí thấp kém
hơn. Tại các nơi này, người dân dùng đủ mọi cách để chiếm dụng tài sản
công bằng đủ mọi hình thức và phương tiện, bất chấp đến pháp luật cũng
như hậu quả tai hại cho xã hội. Nhỏ nhất thì chỉ là xả rác bừa bãi, ăn
cắp cây cảnh của công viên, dán biểu ngữ quảng cáo ở cột đèn hay “cầm
nhầm” một vài món đồ ở thư viện, bệnh xá. Nặng hơn một chút là bầy bán
hàng rong tại cầu đường, hè phố, sử dụng công xa hay kho bãi chính phủ
vào mục đích riêng, hay lấy trộm vật liệu và thiết bị tại các công
trường xây dựng của nhà nước.
Và như đã nói ở trên, tệ nhất là nạn
chiếm đất công hay phá rừng, khai thác khoáng sản lậu, mánh mung để mua
tài sản công với giá rẻ, lobby (vận động cửa hậu) để có đặc quyền đặc
lợi cho mình và phe nhóm mình… Tư duy này phát triển mạnh khi chúng đi
đôi với một cơ chế chính trị phức tạp, dễ bị lạm dụng bởi quan chức cũng
như người dân.
Nhiều người Việt khi đến Âu – Mỹ đã ngạc
nhiên khi thấy mọi người lái xe kiên nhẫn chờ đèn xanh trước khi vượt
qua ngã tư, dù giữa đêm khuya vắng vẻ, không có một chiếc xe nào qua lại
trên khúc đường. Chuyện vượt đèn đỏ ngay cả khi xe trái chiều đang tấp
nập trong giờ cao điểm là chuyện bình thường ở xã hội Việt. Sự tôn trọng
pháp luật ngay cả khi không có cảnh sát công an hiện diện, hay không có
nguy cơ bị bắt giữ, phải ăn sâu vào tâm trí của người dân để xã hội có
một chuẩn mực đạo đức tối thiểu. Vì thực sự, đạo đức và dân trí của một
xã hội là một tổng hợp đạo đức và dân trí của từng cá nhân. Sự thay đổi
tư duy và thói quen của mỗi người dân thường là bước khởi đầu và điều
kiện tất yếu cho một xã hội văn minh, lành mạnh và hài hòa.
Khi người dân trách cứ các quan chức về
tham nhũng, mọi người trong chúng ta phải hỏi lại chính mình là sự trong
sạch và đạo đức cá nhân mình đã thể hiện đầy đủ chưa? Bởi vì nói cho
cùng, khi chẩn bệnh, chúng ta phải phân biệt đâu là gốc rễ của căn bệnh
và đâu là biến chứng. Cả trăm năm trước, Von Goethe đã hiểu rằng, “chính
phủ tốt nhất là khi họ để người dân tự cai quản mình.” (The best
government is that which teaches us to govern ourselves.) Bởi vì người
dân luôn luôn xứng đáng với chính phủ mình đã chọn, dù bằng lá phiếu hay
bằng sự thờ ơ.
ALAN PHAN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét