Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Khái quát pháp luật về hợp tác hành chính ở Cộng hòa Liên bang Đức

Bắt nguồn từ Chương trình "Nhà nước hiện đại - Nền hành chính hiện đại" của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức năm 1999, pháp luật về hợp tác hành chính luôn là tâm điểm của tiến trình hiện đại hóa nhà nước và nền hành chính theo mẫu hình của nhà nước năng động.

1. Sự hợp tác giữa hành chính và tư nhân trong một nhà nước năng động
Bắt nguồn từ Chương trình "Nhà nước hiện đại - Nền hành chính hiện đại" của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức năm 1999, pháp luật về hợp tác hành chính luôn là tâm điểm của tiến trình hiện đại hóa nhà nước và nền hành chính theo mẫu hình của nhà nước năng động. Khái niệm "nhà nước năng động" được hiểu là sự khởi đầu của một nhà nước và nền hành chính hiện đại[2]. Nó định hướng cho quá trình hiện đại hóa sự liên kết mang tính hợp tác giữa nhà nước và xã hội nhằm phát huy tính năng động của mỗi công dân khi tham gia hoạt động quản lý nhà nước trong những trường hợp nhất định[3]. Một nhà nước năng động sẽ tạo ra động lực cho sự liên kết này thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ việc đảm nhận các nhiệm vụ quản lý vì lợi ích của cộng đồng[4]. Nó bao hàm cả khía cạnh phát huy tính năng động và có định hướng của công dân, sự phân chia trách nhiệm và nhiệm vụ quản lý trong các cấp độ quản lý khác nhau cũng như tái cấu trúc các lĩnh vực hợp tác hành chính trong tổng thể các mục tiêu chung của một chương trình hành động.
Theo đó, công dân không chỉ là người yêu cầu, là người thụ hưởng các dịch vụ công mà còn là người gánh vác trách nhiệm từ các nguồn lực quyết định và dịch vụ hành chính. Bảo đảm tính năng động của các nguồn lực này thông qua sáng kiến, hỗ trợ và điều khiển của nhà nước đã đem lại không gian cho sự phân chia trách nhiệm giữa nhà nước và công dân. ở đó, sự sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của công dân và yêu cầu hiện đại hóa nhà nước có mối liên hệ nội tại. Nhà nước không chỉ chấp thuận sự gánh vác trách nhiệm của xã hội mà hơn thế, còn phải khuyến khích và phát huy được tiềm năng tự quản của xã hội[5]. Việc"giảm tải" cho nhà nước bằng cách mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ công của tư nhân luôn thống nhất với nghĩa vụ định hướng theo nhiệm vụ của nhà nước và khai thông khả năng đảm nhận trách nhiệm quản lý nhà nước của tư nhân. Nhằm hiện đại hóa sự cân bằng trách nhiệm này cần phải tạo lập các điều kiện pháp lý khung cho nhà nước có nền hành chính hiệu quả thông qua sự hợp tác hành chính và định hướng phục vụ công dân.
Nhận thức mới về phân chia trách nhiệm giữa công dân và nhà nước
Một trong những biểu hiện quan trọng trong quan hệ giữa nhà nước và công dân trong nhà nước năng động là sự phân chia trách nhiệm. Chương trình "Nhà nước hiện đại - Nền hành chính hiện đại" của Chính phủ liên bang năm 1999 đã nhấn mạnh: "Một mặt cần phải khẳng định, nhà nước là chủ thể duy nhất có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ các quyền tự do, và an toàn cho công dân (ví dụ: an toàn nội vụ, bảo vệ pháp lý, quản lý tài chính). Bên cạnh đó, có thể bảo đảm rằng, còn tồn tại một lĩnh vực rộng lớn khác, cái cho đến nay vẫn được thừa nhận là các nhiệm vụ công, không nhất thiết phải được thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước. Trong lĩnh vực này, nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm cho việc hiện thực hóa các nhiệm vụ công"[6].
Theo đó, "trách nhiệm" là một phạm trù cơ bản và "trách nhiệm của nhà nước" có thể được hiểu là tổng thể cơ sở cho các quyền tự do của công dân cũng như các bảo đảm cho sự bảo vệ và mở rộng sự quyết định tự quản của cá nhân và xã hội[7].
"Trách nhiệm của nhà nước" là một quan hệ pháp luật thực chất và nó gắn kết công dân với các cơ quan nhà nước[8]. Thành tố hạt nhân của trách nhiệm là các nhiệm vụ phù hợp, sự độc lập và nghĩa vụ nguyên phát theo nghĩa của sự lệ thuộc kiểm soát và định hướng[9]. Cấu trúc chức năng được phân loại theo Hiến pháp đã cho phép xác định trách nhiệm theo sự phân chia thẩm quyền từ sự quan sát về nội dung nhiệm vụ[10]. Theo đó, mối liên hệ giữa chức năng và nhiệm vụ là không thể thay đổi[11].
"Trách nhiệm hành chính" luôn được hiểu là tổng thể các trách nhiệm và thủ tục, thẩm quyền và lĩnh vực hoạt động, nó bao hàm hệ thống "hành chính công" theo cả nghĩa pháp lý và chính trị[12]. Về nội dung, nó được quyết định bởi mục tiêu quản lý nhà nước, trách nhiệm chính trị và pháp lý bảo đảm sự thịnh vượng chung của cộng đồng của hành chính công. Trách nhiệm bảo đảm sự thịnh vượng chung của cộng đồng được hiện thực hóa trong thủ tục hành chính. Nó gợi mở cách nhìn trách nhiệm hành chính như một cấu trúc thủ tục, như một thủ tục ra quyết định để hiện thực hóa các quyền và các mục tiêu.
Hợp tác hành chính với tính cách là mô hình hiện thực hóa sự phân chia trách nhiệm giữa công dân và nhà nước
Phát huy tính năng động của nhà nước thông qua sự phân chia trách nhiệm bao gồm cả hai khía cạnh: sự phân công công việc giữa nhà nước, các tổ chức bán công và các chủ thể của luật tư trong việc thực thi các nhiệm vụ được hoạch định vì lợi ích công; và tổ chức việc hợp tác giữa các chủ thể đó để hiện thực hóa sự phân công công việc này[13]. Phân chia trách nhiệm không phải là công việc được thực hiện một lần mà hết sức năng động dựa trên sự phối hợp của các phương thức hành động hợp lý khác nhau.
Phân chia trách nhiệm không phải là sự rút lui của nhà nước trong việc thực thi các nhiệm vụ, mà đúng hơn, đó là sự lựa chọn hình thức thực thi quyền lực nhà nước, cái được quyết định thông qua sự phối hợp giữa sự tự quản của xã hội và định hướng chính trị. Mô hình hiện thực hóa sự lựa chọn hình thức này chính là sự hợp tác giữa tiềm năng tự quản và thể chế định hướng, giữa tư nhân và hành chính. Thiếu sự hợp tác này, sự định hướng vào các quy định tự quản của xã hội là không thể thực hiện được. Phân chia trách nhiệm trong n hà nước năng động và sự hợp tác giữa các chủ thể nhà nước và xã hội có mối liên hệ tương hỗ trực tiếp. Bên cạnh sự định hướng trên cơ sở mệnh lệnh hành chính, sự định hướng này được thực hiện thông qua hợp tác[14].
2. Khái niệm hợp tác hành chính
Bản chất của hợp tác hành chính
Người được "ủy thác hành chính"[15], người "trợ giúp hành chính"[16] và các chủ thể hành chính được thành lập theo luật tư là những loại hình thức tham gia của tư nhân vào hoạt động hành chính công.
Trong khi "ủy thác hành chính" chỉ hướng vào việc thực thi thẩm quyền pháp lý theo luật công dưới tên gọi riêng và "trợ giúp hành chính" hướng vào việc chuẩn bị và thực hiện các công việc cho các chủ thể quản lý theo luật công với tính cách là các chủ thể hành chính được thành lập theo luật tư, thì hình thức "tư nhân hóa chính thức" hay "tư nhân hóa về tổ chức" đã được đặt ra. Điều dễ nhận thấy, các hình thức tổ chức trên có sự liên kết chặt chẽ. Nếu như “ủy thác hành chính" là hình thức quen thuộc trong truyền thống hành chính thì, hình thức "tư nhân hóa về tổ chức" được nhìn nhận là hình thức phối hợp mới giữa công quyền và tư nhân trong thời gian gần đây - còn được gọi là hợp tác hành chính.
Cũng cần phải khẳng định rằng, ở CHLB Đức cũng chưa có nhận thức thống nhất về hợp tác hành chính vì các mô hình và phương thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân là hết sức đa dạng. Mặc dù vậy, hợp tác hành chính luôn được hiểu là sự hợp tác giữa các chủ thể công quyền và tư nhân mà ở đó cả hai đều thực hiện một hoạt động đầu tư đặc biệt, hoạt động đầu tư này không chỉ đơn thuần đem lại lợi ích kinh tế cho mỗi bên mà còn đem lại hiệu quả xã hội thiết thực. Bởi thế, hợp tác hành chính là phương tiện quan trọng thúc đẩy tính tích cực của mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp tham gia giải quyết những vấn đề xã hội trước hết vì lợi ích của chính mình.
Hợp tác hành chính và New Public Management (phương pháp quản lý mới)
Hợp tác hành chính và New Public Management là hai hoạt động có bản chất và chức năng khác nhau. Trong khi hợp tác hành chính phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước, chủ thể quản lý nhà nước và tư nhân thì khái niệm New Public Management phản ánh tính kinh tế của hoạt động hành chính được ứng dụng trong các doanh nghiệp tư với các phương pháp quản lý mới[17]. Điều đó có nghĩa, quyền lực công (trong khuôn khổ pháp luật cho phép) hoạt động theo nguyên lý của doanh nghiệp (người phục vụ) trên cơ sở nhận thức sâu sắc công dân là khách hàng của mình. Trong chừng mực đó, thành tố của phương pháp quản lý mới là đa dạng hoá các hình thức tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ công và mô hình quản lý mới này có thể vận hành như động lực quan trọng cho sự phát triển của pháp luật về tổ chức hành chính.
3. Các lĩnh vực hợp tác hành chính
Hợp tác hành chính được ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực pháp luật hành chính, nhưng chỉ một phần trong số đó được điều chỉnh chi tiết bằng pháp luật:
Theo pháp luật hành chính chung, hợp tác hành chính diễn ra ở:uỷ thác thực hiện các nhiệm vụ công; uỷ thác thực hiện các thủ tục hành chính; uỷ thác quản lý nhà; trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm cung cấp cho hoạt động quốc phòng; trong lĩnh vực quản lý biển.
Theo pháp luật hành chính chuyên ngành, hợp tác hành chính diễn ra ở các lĩnh vực:quản lý đường bộ trong khuôn khổ Chương trình xây dựng đường bộ của liên bangq[18]; trong hoạt động xây dựng và kế hoạch[19], bao gồm: can thiệp của người thứ ba nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng (Điều 4b của Bộ luật Xây dựng), kế hoạch xây dựng và khai thác (Điều 12 của Bộ luật xây dựng), hợp đồng khai thác (Điều 124 của Bộ luật Xây dựng), hợp đồng hoàn thiện (Điều 167 của Bộ luật Xây dựng), hợp đồng giám sát (Điều 157 của Bộ luật Xây dựng); hợp tác hành chính ở cấp xã[20], bao gồm: cung cấp nước sạch, vận chuyển hành khách nội thị, giúp đỡ trẻ em và vị thành niên, quản lý bảo tàng; hợp tác hành chính trong lĩnh vực môi trường[21], bao gồm: xử lý rác thải; xử lý nước thải; hợp tác hành chính trong lĩnh vực quản lý kinh tế[22], bao gồm: lĩnh vực đo lường; lĩnh vực trợ cấp; hợp tác hành chính trong lĩnh vực quản lý giáo dục[23], mà đối tác là viện nghiên cứu, đối tác là các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, đối tác là các khu công nghệ cao, đối tác là các cơ sở nghiên cứu độc lập…; hợp tác hành chính trong lĩnh vực an ninh[24] chỉ tồn tại duy nhất trong hoạt động của cảnh sát, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm và thuộc độc quyền của nhà nước; hợp tác hành chính trong thi hành hình phạt hình sự[25] được thực hiện một cách hạn chế đối với hình phạt tù ở một số bang của nước Đức.
4. Các hình thức pháp lý của hoạt động hợp tác hành chính
Mô hình quản trị (Betriebsfuehrungsmodell)
Trong khuôn khổ của hoạt động đấu thầu công, thể nhân hay doanh nghiệp sẽ được chuyển giao, vận hành một cơ sở công lập nhân danh mình (tự chịu trách nhiệm và rủi ro) trên cơ sở một hợp đồng chuyển giao nhiệm vụ công ký kết với một chủ thể của luật công. Theo mô hình này, chủ thể của luật công chuyển giao nhiệm vụ (thường là cấp xã) nhưng về mặt pháp lý vẫn là người chịu trách nhiệm về việc vận hành cơ sở công đó chứ không phải là đối tượng được chuyển giao nhiệm vụ.
Mô hình vận hành (Betreibermodell)
Trong khuôn khổ của hoạt động đấu thầu công, thể nhân hoặc doanh nghiệp sẽ được chuyển giao, thực hiện một nhiệm vụ xác định như lập kế hoạch, hoàn thiện, cung cấp tài chính, xây dựng hoặc vận hành một cơ sở công trên cơ sở quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mô hình này phản ánh mối quan hệ nội tại với các chủ thể quản lý nhà nước (được tổ chức theo luật công hoặc luật tư) – còn gọi là mô hình vận hành phụ thuộc. Trong mô hình này đã xuất hiện quan hệ pháp luật mà nội dung của nó là cung cấp dịch vụ và nghĩa vụ trả tiền trên cơ sở hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cấu trúc này được phân loại là sự trợ giúp kỹ thuật thông qua trợ giúp hành chính[26], cấu trúc đáp ứng đồng thời các điều kiện tư nhân hóa theo chức năng và yêu cầu của hợp tác hành chính.
Mô hình tô nhượng (Konzession)
Mô hình tô nhượng còn được gọi là mô hình vận hành độc lập - mô hình được thiết lập trên cơ sở của Luật về tài chính xây dựng đường liên bang 1994. Theo đó, các chủ thể vận hành được đặt trong mối quan hệ với công dân và được phép thu phí từ người sử dụng. Bởi vậy, yêu cầu tô nhượng hóa đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây[27].
Ủy ban châu Âu đặc biệt ưu tiên mô hình tô nhượng trong việc thực hiện các cơ sở hạ tầng trong phạm vi Liên minh châu Âu với những dự án công được triển khai thông qua các doanh nghiệp tư. Sự khác biệt giữa mô hình này và ủy thác công là ở chỗ, người thực hiện tô nhượng là nhà đầu tư tư nhân sẽ gánh chịu các rủi ro trong quá trình sử dụng.
Mô hình cho thuê tài chính (Leasing)
Một chủ thể quản lý công theo luật công có thể ủy thác cho một công ty cho thuê cùng với kế hoạch, xây dựng và tài chính cho dự án mà ở đó, công ty cho thuê sẽ là chủ sở hữu đối với công trình được xây dựng, khai thác thông qua lãi suất cho thuê và sẽ chuyển giao công trình đó cho chủ thể quản lý công khi thời hạn cho thuê chấm dứt[28].
Ngoài mô hình khai thác cho thuê thuần túy, còn tồn tại loại hình quỹ cho thuê. Theo đó, mối quan hệ giữa chủ thể quản lý công và công ty cho thuê là mối quan hệ gián tiếp thông qua bên thứ ba là một công ty được công ty cho thuê chỉ định.
Mô hình hợp tác (Kooperationsmodell)
Mô hình này được sử dụng trong trường hợp chủ thể quản lý công cùng với tư nhân thiết lập doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ công. Doanh nghiệp có thể ủy thác cho các người tham gia doanh nghiệp hoặc bên thứ ba thực hiện các nhiệm vụ công đó.
5. Yêu cầu pháp lý đối với hoạt động hợp tác hành chính
Nguyên tắc lựa chọn đối tác hợp tác hành chính
Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, chống phân biệt đối xử và minh bạch, các hoạt động hợp tác hành chính đều phải được đấu thầu công khai và phù hợp với thủ tục chuyển giao nhiệm vụ công trong chừng mực giá trị của nó theo Điều 100 I của Luật chống hạn chế cạnh tranh và Điều 2 của Nghị định chuyển giao nhiệm vụ công[29]. Theo Điều 97 III của Luật chống hạn chế cạnh tranh, điều kiện để chuyển giao nhiệm vụ công cho các đối tác hợp tác hành chính là chuyên nghiệp, năng lực thực hiện và sự tin cậy. Điều kiện cấp phép cho các hoạt động hợp tác hành chính là[30]: bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ công được chuyển giao là hiện thực; không vi phạm các nghĩa vụ công khác theo quy định của pháp luật.
Trong mối quan hệ này, trách nhiệm kiểm soát và duy trì của chính quyền cấp xã và nhà nước liên bang đã được chú ý đặc biệt. Theo đó, họ phải có nghĩa vụ tích cực tìm kiếm các đối tác hợp tác hành chính nhằm bảo đảm cung ứng có hiệu quả và kịp thời các dịch vụ công. Bên cạnh việc cấp phép, khuôn khổ pháp lý cho hợp tác hành chính cũng cần phải được kiện toàn và chỉ rõ các ngoại lệ trong quá trình thực hiện.
Địa vị pháp lý của đối tác hợp tác hành chính
Mặc dù các quy định pháp luật chung về hợp tác hành chính còn chưa thật đầy đủ; song, hoạt động hợp tác hành chính hiện tại của CHLB Đức đã cho phép đi đến một số tiêu chí xác định địa vị pháp lý của các đối tác hành chính như sau[31]: nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật; nghĩa vụ quản trị vận hành; quy tắc trách nhiệm; quyền cung cấp các chỉ dẫn; quyền kiểm soát; nghĩa vụ thông tin; tuân thủ thời hạn; điều kiện chấm dứt và nghĩa vụ hoàn trả.
Bởi vì các công cụ của hợp đồng theo luật công cho việc thực hiện một hoạt động chung với tư nhân theo ý nghĩa của một nhà nước năng động và việc kiến tạo sự phân chia trách nhiệm mới có thể không đạt được, nên Chính phủ liên bang trong khuôn khổ Chương trình “Nhà nước hiện đại - Nền hành chính hiện đại“ đã thiết lập các điều kiện khung pháp lý cho quan hệ hành chính hợp tác và gắn kết chúng với pháp luật về thủ tục hành chính.
Có thể nói, mặc dù được thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua, song, hợp tác hành chính không phải không có những giới hạn nhất định. Những giới hạn Hiến pháp về việc tư nhân hóa các nhiệm vụ công đều được áp dụng đối với hoạt động hợp tác hành chính. Những giới hạn này được giải thích chi tiết và cụ thể trong từng lĩnh vực thông qua các phán quyết của Tòa án hiến pháp liên bang và Tòa án hiến pháp của mỗi bang. /.
[1] Nguyên văn: Public - private partnerships (người Đức giữ nguyên thuật ngữ này khi sử dụng) - TG.
[2] Vgl.Moderner Staat – Moderne Verwaltung, Das Programm der Bundesregierung, 1999, *S. 7 ff.

[3] Bandemer/Nullmeier/Wewer, Handbuch zur Verwaltungsreform, 1998, S. 131.

[4] Bandemer/Nullmeier/Wewer, Handbuch zur Verwaltungsreform, 1998, S. 25.

[5] Gerhard Schröder, Der aktivierende Staat aus der Sicht der Politik: Perspektiven für die Zukunftsfähigkeit von Wirtschaft und Politik, in: Behrens/Heinze/Hillbert/Stöber/Walsken (Hrsg.), Den Staat neu denken, 1995, S. 277 (290); Stephan von Bandemer/Bernhard Blanke/Josef Hillbert/Josef Schmid, Staataufgaben – Von der “schleichenden Privatisierung“ zum “aktivierenden Staat“, in: a.a.O., S. 41 (59).

[6] Moderner Staat – Moderne Verwaltung, Das Programm der Bundesregierung, 1999,. (Anm. 1), S.9

[7] Moderner Staat – Moderne Verwaltung, Das Programm der Bundesregierung, 1999,. (Anm. 1), S.8

[8] Pitschas (Anm. 13), S.253

[9] Ebenhard Schmidt – Aßmann, Verwaltungsverantwortung und Verwatungsgerichtsbarkeit, VVDStRL 34, 1976, S. 221.

[10] Rupert Stettner, Grundfragen einer Kompetenzlehre, 1983, S. 272.

[11] Pitschas (Anm. 13), S.255.

[12] Rupert Scholz, Verwaltungsverantwortung und Verwatungsgerichtsbarkeit, VVDStRL 34, 1976, S. 145.

[13] Wolfgang Hoffmann-Riem, Verantwortungsteilung als Schlüsselbegriff moderner Staatlichkeit; in: Kirchhof/Lehner/Raupach/Rodi (Hrsg.), Staaten und Steuern, FS für Klaus Vogel zum 70. Geb., 2001, S.47 (52).

[14] Peter Arnold, Kooperatives Handeln der nicht-hoheitlichen Verwaltung, in: Dose/Voigt (hrsg.), Kooperatives Recht, 1995, S. 211 ff; Helge Rossen, Vollzug und Verhandlung, 1999.

[15] Là cá nhân hoặc pháp nhân của luật tư, thực thi chức năng công quyền dưới sự ủy nhiệm của nhà nước dưới tên gọi của mình mà không phải là cơ quan nhà nước. Loại hình tổ chức này được xem là nhà chức trách trong một số trường hợp do pháp luật quy định. Ví dụ: Hiệp hội giám sát kỹ thuật của Đức.

[16] Là cá nhân hoặc pháp nhân của luật tư, người được cơ quan quản lý nhà nước giao thực hiện một số hoạt động hành chính công. Ví dụ như: người hướng dẫn cho học sinh đã nhận sự yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục trong việc hướng dẫn học sinh trên đường phố.

[17] Koenig, DOV 1995, 349 ff.

[18] Steiner, NJW 1994, 3150ff.; Sachverständigenrat „Schlanker Staat“ (Hg.), Materialband, 1997, S.248f.; J-H Arndt, Die Privatisierung von Bundesfernstrassen, 1999; Jacob/Kochendörfer, Private Finanzierung öffentlicher Bauinsvestitionen 2000; Gramm. Privatisierung und notwendige Staataufgaben, 2001, S. 152ff.

[19] Scholz, Die Privatisierung im Baurecht, 1997; Luers, DVBl. 1998, 433, 444; Stollmann, Natur und Recht 1998, 578 ff.; Böhm, Öffentlich-Private Partnerschaften in der kommunalen Stadtentwicklung, 1999; Griwotz,JuS 1999, 245ff.; Kyrein, Baulandentwicklung in Public-Private-Parnerships, 2000; Kahl, DÖV 2000, 793 ff; Stollmann, WiVerw. 2000, 126ff.

[20] Salzwedel, NordÖR 2001, 185ff; Pünder, Eildienst LKTNW 2000, 407ff.

[21] Tettinger, Rechtlicher Rahmen für Public-Private-Parnerships auf dem Gebiet der Entsorgung, 1994; Schoch, Privatisierung der Abfalentsorgung, 1994; Ludwig, Privatisierung staatlicher Aufgaben im Umweltschutz, 1998.

[22] Burgi, Funktionale Privitisierung and Verwaltungshilfe, 1999, S.117 ff.

[23] Tettinger, DÖV 1996, 764, 770; Bauer, in: Stober (Hg.), Public-Private-Partnerships und Sicherheitspartnerschaften, 2000, S.51ff.; Schmidt-Assmann, in: ders.: Hoffmann-Riem (Hg.), Verwaltungsorganisationsrecht als Steuerungsressource, 1997, S. 11, 30f.; Vogel/Stramann, Public-Private-Partnerships in der Forschung, 2000.

[24] Bauer und Burgi, in: Stober (Hg.), Public-Private-Partnerships und Sicherheitspartnerschaften, 2000, S.21, 28f., S. 65 ff.; Stober, ZRP 2001, 260 ff.; Gramm, Privatisierung und notwendige Staatsaufgaben, 2001, S. 39, 114ff.; Weiner, Privatisierung von staatlichen Sicherheitsaufgaben, 2001; Jungk, Police- Private-Partnerships und Sicherhietsgewerbe, 2001.

[25] Stober (Hg.)Privatisierung im Strafvollzug, 2001; ders, ZRP 2001, 260ff.; Nibbeling, Die Privatisierung des Stravollzugs, 2001.

[26] Schoch,* DVBL. 1994, 962 f.

[27] Schoch,* DVBL. 1994, 962 , 974.

[28] J-H Arndt, Die Privatisierung von Bundesfernstrassen, 1999, S.69 ff.

[29] Burgi, NVwZ 2001, 601,603f.

[30] Tettinger, DÖV 1996, 764, 770; Bauer, in: Stober (Hg.), Public-Private-Partnerships und Sicherheitspartnerschaften, 2000, S.30 f.; Zacharias, DÖV 2001, 454 ff.)

[31] Bauer, in FS Knöpfle, 1996, 11, 23 ff., s. auch Griwotz, JuS 1999, 245 ff.


TS. Bùi Nguyên Khánh

Nguon: Nghien Cuu Lap Phap - Van Phong Quoc Hoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét