Thật khó tin được là Marx đã nói những điều trên từ giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho không những công cụ sản xuất và phương tiện giao thông, mà quan trọng hơn là phương tiện truyền thông (để vận chuyển thông tin và tri thức) đã có những tiến bộ vượt bậc, đôi khi bất ngờ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá sâu sắc hơn và triệt để hơn. Nổi trội hơn cả là tầm quan trọng của công nghệ thông tin. Với cuộc “cách mạng lần thứ hai” của kỹ thuật Internet, mà nhiều ý kiến cho rằng sắp nổ ra, toàn cầu hoá cũng sẽ bước sang một giai đoạn mới.
Người cầm trịch “luật chơi” trong “sân chơi” toàn cầu hoá là các tổ chức kinh tế - tài chính được mệnh danh là “bầy thú điện tử”. Chúng bao gồm Công ty xuyên quốc gia (General Electric, General Motors, IBM, Intel, Siemens) và các quỹ đầu tư, các Công ty Bảo hiểm, các nhà băng… “Bầy thú” này chỉ có một mục tiêu duy nhất là lợi nhuận và lợi nhuận, có sức mạnh đủ để tàn phá cả một nền kinh tế (như của Thái Lan năm 1997) hay hạ bệ cả một Chính phủ (như của Indonesia năm 1998). Chúng hoạt động rất hiệu quả và rất nhanh, chủ yếu bằng cách nhắp “chuột” máy vi tính. Chúng tàn bạo, không có tình người. Biết thế nhưng hầu hết các quốc gia, kể cả các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, đều nhất nhất buộc phải mời chào và mơn trớn “bầy thú điện tử” này. Bởi, khốn thay nếu không có chúng thì các nền kinh tế mở cửa (ai dám đóng kín bây giờ?) đều thiếu động lực để phát triển: thiếu vốn đầu tư và thiếu công nghệ cao.
Trước tình hình đó, thái độ khôn ngoan nhất của chúng ta phải chăng là: một mặt tạo môi trường đầu tư minh bạch và thông thoáng nhất để tận dụng tối đa năng lực tích cực của “bầy thú điện tử”, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nhân và tầng lớp “tư sản dân tộc” lớn mạnh đủ sức hạn chế mặt tiêu cực của nó. Và nếu có ai trong số các “đại gia’ Việt Nam (ở mọi thành phần kinh tế quốc dân sớm gia nhập được vào “bầy thú điện tử” này thì càng tốt! Có thể lắm chứ. Thời đại “cá lớn nuốt cá bé” qua rồi! Ngày nay “bé hạt tiêu” nhanh nhẹn và hiệu quả hoàn toàn có cơ may thắng những “người khổng lồ” kềnh càng, chậm chạp.
Hi vọng giới doanh nhân Việt Nam mau chóng rèn đúc được một tầng lớp “tư sản dân tộc” mới, vừa tổ chức sản xuất và buôn bán rất giỏi vừa có tinh thần tự cường rất cao như các ông bà Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện… ở thời kỳ các năm 30 – 40 của thế kỷ trước. Bây giờ, trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá, chúng ta cần một cộng đồng doanh nhân, một tầng lớp “tư sản dân tộc” giỏi giang vừa có khả năng thích ứng thị trường tự do thế giới vừa đủ sức hợp tác và cạnh tranh với “bầy thú điện tử” - tác nhân chủ yếu của hệ thống toàn cầu hoá.
CHU HẢO (SÀI GÒN TIẾP THỊ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét