Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013
Những điều cần biết về tiền tệ
17:43
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tiền là vật ngang giá chung có
tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm
thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn
sàng chấp nhận sử dụng) và thường được Nhà nước phát hành bảo đảm giá
trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ...
Tiền
là một chuẩn mực chung để có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và
dịch vụ. Thông qua việc chứng thực các giá trị này dưới dạng của một vật
cụ thể (thí dụ như tiền giấy hay tiền kim loại) hay dưới dạng văn bản
(dữ liệu được ghi nhớ của một tài khoản) mà hình thành một phương tiện
thanh toán được một cộng đồng công nhận trong một vùng phổ biến nhất
định. Một phương tiện thanh toán trên nguyên tắc là dùng để trả nợ. Khi
là một phương tiện thanh toán tiền là phương tiện trao đổi chuyển tiếp
vì hàng hóa hay dịch vụ không thể trao đổi trực tiếp cho nhau được.
Người ta cũng có thể nhìn tiền như là
vật môi giới, biến việc trao đổi trực tiếp hàng hóa và dịch vụ, thường
là một trao đổi phải mất nhiều công sức tìm kiếm, thành một sự trao đổi
có 2 bậc.
Tiền thường được nghiên cứu trong các lý thuyết về kinh tế quốc dân nhưng cũng được nghiên cứu trong triết học và xã hội học.
Định nghĩa
Tiền ra đời từ nhu cầu kinh tế thực tế
của loài người khi mà nền sản xuất đạt đến một trình độ nhất định và con
người đã có thể tự do đi lại trong một phạm vi lãnh thổ rộng lớn. Khi
đó, thay vì phải chuẩn bị hành lý cồng kềnh cho chuyến đi dài ngày, con
người chỉ cần mang theo một lượng nhỏ kim loại quý hoặc tiền được ưa
chuộng ở nhiều nơi để đổi cho mình những nhu yếu phẩm cần thiết. Từ đó
các hoạt động thương mại đã ra đời, tiền tệ được quy ước và ban hành,
quản lý bởi nhà nước. Đổi lại, nhà nước có quyền thu thuế từ các hoạt
động thương mại. Nói một cách chặt chẽ thì tiền chỉ là những gì mà luật
pháp bắt buộc phải công nhận là một phương tiện thanh toán. Trong kinh
tế học, có một số khái niệm về tiền.
Tiền mặt: là tiền dưới dạng tiền giấy và tiền kim loại.
Tiền gửi:
là tiền mà các doanh nghiệp và cá nhân gửi vào ngân hàng thương mại
nhằm mục đích phục vụ các thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng có thể
dễ dàng chuyển thành tiền mặt.
Chuẩn tệ: là những tài sản có thể dễ dàng chuyển thành tiền, chẳng hạn như trái phiếu, kỳ phiéu, hối phiếu, tiền tiết kiệm, ngoại tệ.
Hình thành
Tiền hình thành như một phương tiện trao
đổi đa năng để đơn giản hóa thương mại. Nếu như trước kia tiền thường
được kiên kết với các phương tiện trao đổi hiện thực có giá trị thí dụ
như đồng tiền bằng vàng thì tiền ngày nay thông thường là từ vật liệu mà
chính nó không có giá trị (tiền giấy). Trong trao đổi quốc tế người ta
gọi các loại tiền khác nhau là tiền tệ. Giá trị của tiền hình thành từ
trị giá đối ứng mà tiền đại diện cho chúng. Ngày xưa vàng và bạc là các
vật bảo đảm giá trị của tiền tại châu Âu. Ngày nay việc này không còn
thông dụng nữa và tiền là tượng trưng cho giá trị của hàng hóa mà người
ta có thể mua được. Chính vì thế mà khi đưa thêm tiền giấy hay tiền kim
loại vào sử dụng thì tổng giá trị của tiền lưu thông trong một nền kinh
tế không được nâng cao thêm mà chỉ dẫn đến lạm phát.
Nguồn gốc và lịch sử của tiền
Ngày nay, chúng ta sử dụng cả tiền xu và
tiền giấy, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Trước khi những
đồng tiền kim loại và tiền giấy có mặt, con người đã sử dụng nhiều thứ
khác thường để mua thứ họ cần, Chẳng hạn, ở một nơi nọ trên thế giới,
người ta sử dụng răng cá mập như là tiền. Ở nhiều nơi khác, tiền có thể
là những chiếc lông chim sặc sỡ và những chiếc vỏ sò quý hiếm. Có nơi
người ta còn dùng cộng lông cứng trên đuôi voi để làm tiền. Lông chim là
loại tiền nhẹ nhất từ trước đến nay. Chúng được sử dụng trên đảo Santa
Cruz. Đá là loại tiền nặng nhất từ trước đền giờ. Chúng được sử dụng
trên đảo Yap ở Thái Bình Dương. Có hòn nặng trên 500 cân Anh (1 cân Anh =
0,4536 kg). Loại tiền nhỏ nhất từ trước đến nay được phát hiện ở Hy
Lạp. Tiền được làm bằng kim loại, nhưng có kích thước nhỏ hơn hạt táo.
Không ai biết chính xác người ta bắt đầu sử dụng tiền dưới những hình
thức đồng tiền kim loại từ khi nào. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những
đồng tiền kim loại có từ năm 600 trước công nguyên, vì thế ta biết chúng
đã được lưu hành trong suốt một thời gian dài. Lúc đầu người ta sử dụng
những kim loại quý như vàng và bạc để chế tiền xu. Họ in hình người
hoặc (con) thú trên mỗi đồng tiền để xác định giá trị của nó. Trong
những năm 1200, người Trung Quốc đúc những đồng tiền bằng sắt. Những
đồng tiền này giá trị chẳng là bao, cho nên người dân phải sử dụng một
số lượng lớn khi mua hàng. Do đó rất bất tiện khi phải mang một số lượng
lớn những đồng tiền sắt nặng nề nên chính phủ đã cho in những giấy biên
nhận. Người ta mang các biên nhận này đến ngân hàng để đổi ra tiền xu.
Đây là ví dụ đầu tiên ta có được về việc phát hành và sử dụng tiền giấy.
Ngày nay, hầu hết các nước đều sử dụng cả tiền xu lẫn tiền giấy. Ở Mỹ,
các loại tiền giấy đều có cùng kích cỡ và màu sắc như nhau. Chẳng hạn,
tờ một đô la có cùng kích cỡ và màu sắc y như tờ một trăm đô la. Ở nhiều
quốc gia khác, tiền giấy được in dưới nhiều kích cỡ và màu sắc khác
nhau. Tờ có kích thước nhỏ hơn thì có giá trị thấp hơn. Việc này tạo
điều kiện cho chúng ta chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể xác định được
giá trị của chúng. Tất cả những sự kiện này khiến lịch sử tiền tệ trở
thành một công cuộc nghiên cứu lý thú.
Tối ưu hóa thương mại
Người ta tin rằng đầu tiên hàng hóa và
các dịch vụ được trao đổi trực tiếp với nhau (thương mại trao đổi). Vì
điều này không thực dụng nên hàng hóa và dịch vụ được trao đổi với các
loại hàng hóa khác mà có thể được tiếp tục trao đổi một cách dễ dàng.
Loại hàng hóa là tiền này là những vật có giá trị đẹp hay hữu ích như
bò, lạc đà, lông súc vật, dao, xẻng, vòng trang sức, đá quý, muối và
nhiều loại khác. Khi người ta khám phá ra rằng một số vật không còn được
sử dụng nữa mà chỉ được tiếp tục trao đổi thì các bản sao chép nhỏ hơn
và ít có giá trị hơn của các vật này được sử dụng làm phương tiện thanh
toán. Thuộc về các loại hàng hóa trở thành tiền là các vỏ sò cho đến khi
người Trung Quốc tiến quân vào năm 1950 (chữ "bối" 貝 trong "bảo bối" 寶貝
chỉ đến con sò).
Đó là các hình thức thanh toán đầu tiên
trước khi có tiền. (Tiền trong tiếng La tinh là pecunia bắt nguồn từ
pecus có nghĩa là con bò vì đồng tiền kim loại đầu tiên của La Mã tượng
trưng cho giá trị của một con bò.) Khả năng có thể đếm được, dễ bảo
toàn, dễ vận chuyển đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn
vật liệu cũng như khả năng có thể giữ được giá trị. Các thỏi hay sợi dây
bằng đồng thiếc hay bạc đáp ứng được các yêu cầu này vì có giá trị bền
vững và có thể bảo toàn dễ dàng.
Các đồng tiền kim loại đầu tiên được
người Lydia ở phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đúc từ vàng, trong thời
gian giữa 640 và 600 TCN, có nhiều kích thước và giá trị khác nhau và
được dùng như là một phương tiện thanh toán để đơn giản hóa việc trả
lương cho những người lính đánh thuê. Một lượng nhất định của các hạt
bụi vàng được nấu chảy thành đồng tiền và sau đó hình của nhà vua được
dập nổi lên trên. Nhà vua người Lydia cuối cùng, Croesus, vì thế mà mang
danh là giàu có vô hạn. Các đồng tiền kim loại này đã làm cho việc
thương mại dễ dàng đi rất nhiều vì chúng có ưu điểm là bao giờ cũng có
kích thước, trọng lượng và hình dáng không thay đổi và thay vì là phải
cân thì có thể đếm được.
Các chỉ trích và phê phán về thuyết cho
rằng tiền hình thành từ thương mại trao đổi xuất phát từ những người đại
diện cho Chủ nghĩa Nợ (tiếng Anh: Debitism), đặc biệt là Paul C.
Martin. Lý luận được đưa ra là sử dụng một vật trao đổi thứ ba trước
tiên là sẽ làm cho việc trao đổi phức tạp thêm. Từ một giao dịch biến
thành hai giao dịch. Điều quyết định chính là chức năng của tiền, dùng
để nối tiếp thời gian giữa nhu cầu cần dùng hàng hóa A và sự sản xuất
hàng hóa B. Vì thế mà tiền ngay từ đầu không phải là hàng hóa và cũng
không phải là một vật trao đổi mà là dấu hiệu cho một mối quan hệ nợ.
Tiền kim loại
Mãi cho đến trong thế kỷ 18 giá trị của
các loại tiền tệ của châu Âu được định nghĩa thông qua lượng kim loại
quý. Bên cạnh việc theo dõi sản xuất trong nước, các xưởng đúc tiền quốc
gia còn theo dõi cả việc đúc tiền của nước ngoài. Một tiền tệ được đánh
giá quá cao hay quá thấp khi đồng tiền được tính trên hay dưới giá trị
của kim loại trong lúc tính toán với các tiền tệ khác trên thế giới.
Việc cố tình mài mòn đồng tiền để lấy
bớt đi kim loại đã tạo nên nhiều vấn đề rất lớn trong việc sử dụng tiền
kim loại. Việc giá trị của các kim loại quý biến động khi so sánh với
nhau còn mang lại nhiều vấn đề lớn hơn. Giá trị của các loại tiền tệ
khác nhau, bao gồm các đồng tiền bằng vàng, bạc và đồng, không thể giữ
ổn định khi so sánh với nhau được. Bạc được mang ra khỏi Tây Ban Nha và
Anh vì các thương gia người Tây Ban Nha và người Anh đánh giá các đồng
tiền vàng cao hơn một ít so với các đối tác thương mại quốc tế của họ,
tạo thành một vấn đề lan rộng khắp trong thương mại quốc tế: Ở châu Á
người ta lại không thấy có lý do gì để đánh giá vàng cao hơn như ở châu
Âu. Vì thế mà bạc được mang đến châu Á để đổi lấy vàng. Giải pháp cho
vấn đề này trong đầu thế kỷ 18 tại Anh là loại tiền tệ về nguyên tắc dựa
trên vàng, Ngân hàng Quốc gia Anh (Bank of England) bảo đảm sẽ trả cho
người sở hữu đồng tiền Anh quốc giá trị tương ứng với giá trị của vàng
trên thị trường tại mọi thời điểm. (Xem: Kim bản vị). Các vấn đề của
cuộc cải cách này có thể nhìn thấy ngay trước mắt: Làm sao có thể bảo
đảm là ngân hàng không phát hành tiền nhiều hơn là số lượng tiền được
bảo chứng bằng vàng của ngân hàng? Trong thập niên 1730 đã có một cuộc
khủng hoảng tín nhiệm và Ngân hàng Quốc gia Anh chỉ được cứu thoát khi
giới đại thương nghiệp của Luân Đôn sẵn sàng gánh vác lấy sự bảo đảm
này. Về mặt khác các thủ đoạn gian lận trong tiền kim loại và biến động
giá trị giữa các loại tiền kim loại trong nước không còn nữa.
Mãi cho đến trong thế kỷ 19 một số tiền
tệ thí dụ như Đô la Mỹ vẫn được bảo chứng bằng vàng và cho đến ngày hôm
nay việc hủy bỏ bảo chứng vàng cũng không phải là một điều tất nhiên.
Tiền ngân hàng
Tiền ngân hàng hay còn gọi là tiền ghi
nợ đang được lưu thông phổ biến trong các nền kinh tế hiện đại. Một
khoản tiền gửi chính là tiền ngân hàng vì đó là khoản tiền ngân hàng nợ
chủ tài khoản. Chủ tài khoản có thể rút tiền mặt hoặc viết séc, ra lệnh
cho ngân hàng chuyển tiền để thanh toán cho một bên thứ ba. Tiền ngân
hàng là phương tiện thanh toán được chấp nhận rộng rãi.
Sử dụng tiền và các chức năng của tiền
Nếu một người có tiền thì có thể dùng tiền để làm những việc sau đây:
- Tiêu tiền (tiêu thụ, phương tiện thanh toán)
- Gửi tiền để lấy tiền lãi (đầu tư)
- Đổi lấy một loại tiền tệ khác (trao đổi)
- Trữ tiền (bảo toàn giá trị)
Tổng số tiền trong lưu hành phản ánh sự
phân chia của sản phẩm quốc gia: Lượng tiền mà một người sở hữu tương
ứng với lượng sản phẩm quốc gia mà người đó có thể có khi tiêu dùng
lượng tiền sở hữu.
Chức năng là phương tiện thanh toán
Trong một nền kinh tế không có một chuẩn
mực đo giá trị chung (thí dụ như là tiền) thì một giao dịch thành công
giữa 2 vật trong kinh tế đòi hỏi các nhu cầu trao đổi phải phù hợp với
nhau. Một thí dụ: Một người nông dân muốn bán ngũ cốc và cần dụng cụ.
Một thợ thủ công muốn đổi dụng cụ để lấy thịt. Giữa 2 người này sẽ không
bao giờ có một cuộc mua bán trao đổi vì ý định bán của người nông dân
không phù hợp với ý định mua của người thợ thủ công. Cả hai người có thể
phải tìm kiếm rất lâu cho đến khi gặp được một người có ý định giao
dịch phù hợp. Cùng với tiền quá trình này được đơn giản hóa đi rất
nhiều: Người nông dân có thể bán ngũ cốc cho một người thứ ba và dùng
tiền thu được dể đổi lấy dụng cụ tại người thợ thủ công. Người thợ thủ
công có thể dùng tiền thu được mua thịt tại một người thứ tư.
Chức năng là đơn vị đo lường giá trị
Khi tiền là một chuẩn mực chung để đo
giá trị thì tất cả các giá cả của một nền kinh tế có thể được thể hiện
bằng đơn vị tiền tệ. Trong một nền kinh tế với 1 triệu loại hàng hóa
khác nhau khi so sánh giá trị trao đổi của mỗi hai loại hàng hóa một sẽ
có vào khoảng 500 tỉ giá tương đối khác nhau (thí dụ: 1 giờ lao động = 5
bánh mì; 1 giờ lao động = 1 cái áo; 1 giờ lao động = 1 kg thịt; 5 bánh
mì = 1 cái áo; 1 cái áo = 1 kg thịt,...). Khi sử dụng tiền như là một
chuẩn mực giá trị chung thì chỉ còn 1 triệu tỷ lệ trao đổi (5 đơn vị
tiền = 1 giờ lao động = 5 bánh mì = 1 cái áo = 1 kg thịt =...), vì thế
mà khi so sánh giá cả không còn phải tốn nhiều công sức nữa.
Phương tiện tích luỹ
Một phương tiện thanh toán phải giữ được
giá trị của nó. Vì thế mà hầu như chỉ là các loại hàng hóa không hư
hỏng mới được thỏa thuận là "tiền" (thí dụ như là vàng hay kim cương).
Nếu tiền không tồn tại thì một người nông dân chỉ có khả năng trao đổi
ngũ cốc để lấy các hàng hóa khác cho đến khi ngũ cốc này bị hư hỏng. Vì
thế mà người nông dân tốt nhất là nên trao đổi ngũ cốc sớm để đổi lấy
tiền "không bị hư hỏng". Điều này còn được gọi là chức năng bảo toàn giá
trị hệ quả (consecutiv). Chức năng bảo toàn giá trị tạo thành
(constitutiv) là chức năng tạo tài sản từ tiền bằng cách cất giữ, tức là
giữ tiền duy nhất chỉ vì muốn bảo toàn giá trị.
Tiền là đơn vị đo trọng lượng
Trong quá trình trao đổi thương mại xưa và nay, Tiền còn là một đơn vị đo trọng lượng hàng hóa.
Trung Quốc thị chế (Dùng tại Trung Quốc Đại Lục hiện nay):
1 cân = 10 lượng; 1 lượng = 10 tiền ; 1 tiền = 5 khắc (=> 1 cân = 500 khắc)
Trung Quốc cựu chế : Dùng trong xã hội
Trung Hoa xưa và nay vẫn đang dùng tại Hương Cảng. Riêng tại Việt Nam:
hiện vẫn dùng trong thị trường vàng bạc, đông dược:
1 cân 斤 = 16 lượng 两(lạng); 1 lượng = 10
tiền 钱 ; 1 tiền = 3.73khắc (=> 1cân = 596.8khắc). Trong Đông y hiện
vẫn dùng đơn vị tiền = 1/10 lượng (Dân Việt quen gọi TIỀN 钱 là đồng cân
hay chỉ). Trên thị trường vàng bạc hiện nay, đơn vị lượng vẫn rất thông
dụng : 1 lượng = 10 chỉ (10 tiền).
Cung cấp tiền
Quá trình cung cấp tiền ngày nay
Trên lý thuyết có thể phân biệt hai loại
tiền khác nhau. Loại thứ nhất là tiền của ngân hàng quốc gia, do ngân
hàng quốc gia phát hành hay tiêu hủy, tiền mặt thuộc về loại tiền này.
Loại thứ hai là tiền xuất phát từ các ngân hàng thương mại mà chính xác
thì chỉ là các yêu cầu thanh toán tiền (các khoản phải thu). Phương cách
cung tiền thông dụng nhất là cho vay.
Các ngân hàng thương mại cung cấp tiền
bằng cách cho khách hàng vay tiền. Sau khi chấp nhận cho khách hàng vay
tiền, ngân hàng sẽ ghi khoản tiền này vào tài khoản của khách hàng và
người vay có thể chuyển khoản số tiền này đến các khách hàng khác của
ngân hàng hay đến khách hàng củacác ngân hàng khác. Tiền được tạo thành
thông qua chu trình này vì một mặt tiền được đưa vào lưu hành nhưng về
mặt khác chỉ hình thành yêu cầu thanh toán của ngân hàng đối với người
vay và chỉ là một mục của các khoản phải thu trong bản cân đối kế toán
của ngân hàng. Ngược lại khi hoàn trả nợ thì tiền được tiêu hủy đi vì
tiền quay về ngân hàng và món nợ được thanh toán.
Vì khoản tiền vừa được tạo thành lại có
thể là cơ sở để tạo thành các khoản tiền khác nên trên lý thuyết không
có giới hạn tối đa cho các khoản tiền do ngân hàng tạo thành. Để kiểm
soát quá trình này ngoài các quy định cân đối kế toán (nợ quá mức, bảo
chứng vốn tự có) còn có dự trữ tối thiểu bắt buộc, tức là các ngân hàng
thương mại phải ký thác tại ngân hàng quốc gia một tỷ lệ nhất định của
số tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.
Khi vốn tự có của ngân hàng cộng với
tiền gửi của khách hàng không đủ để có thể cho vay nhiều như ý muốn ngân
hàng thương mại có thể vay tiền từ ngân hàng quốc gia, người ta gọi đó
là tái cấp vốn.
Ngân hàng quốc gia cũng có thể tạo thêm
tiền mà không cần phải cho vay, thí dụ như bằng cách mua ngoại tệ, kim
loại quý hay chứng khoán. Ngoài công cụ này ra ngân hàng quốc gia còn có
thể chủ động mua trái phiếu hay cho ngân hàng thương mại vay. Việc cho
chính phủ vay tiền đã bị cấm trong vùng Euro từ bước thứ 2 của Liên minh
Tiền tệ châu Âu trong năm 2004, tức là nhà nước không được phép vay
tiền của ngân hàng quốc gia. Tại Mỹ thì lại khác: Thí dụ như vào ngày 17
tháng 11 năm 2004 mục "U.S. Treasury" (trái phiếu của ngân khố Mỹ) đã
chiếm đến 89,3% tổng tài sản của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nói một
cách khác đồng Đô la Mỹ được "bảo chứng" gần như hoàn toàn bằng nợ quốc
gia của chính phủ Mỹ.
Để một khách hàng của ngân hàng có thể
thanh toán các giao dịch bằng tiền ở bên ngoài hệ thống ngân hàng, ngân
hàng quốc gia in tiền giấy và các ngân hàng có thể "vay" (đúng ra là
"mua" cùng với một thỏa thuận mua lại của ngân hàng quốc gia) để trả cho
khách hàng (tiền mặt). Ngân hàng quốc gia đưa ra một lãi suất nhất định
khi đưa tiền cho các ngân hàng thương mại, gọi là lãi suất cơ bản.
Toàn bộ hệ thống tiền tệ có thể được
miêu tả dưới dạng của một bản cân đối kế toán. Ở một bên là tiền trong
lưu hành, bên kia là các khoản nợ tương ứng, dự trữ vàng và tiền cộng
với chứng khoán thuộc về sở hữu của ngân hàng quốc gia. Mỗi một khoản
tiền có trong tài khoản và mỗi một tờ tiền giấy đều tương ứng với một
mục nợ (khoản phải thu) hay là một mục tài sản trong bản cân đối kế toán
của ngân hàng quốc gia.
Thị trường tiền
Cũng giống như cho hàng hóa và dịch vụ,
có thị trường tiền với cung và cầu tồn tại cho việc vay tiền. Các tư
nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tiền và đồng thời cũng là nguồn cung ứng
khi gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Hệ thống ngân hàng là người môi
giới giữa 2 nhóm này và vì thế làm cho thị trường có hiệu quả hơn vì
người tiết kiệm tiền và người muốn vay tiền không phải tự tìm kiếm cho
từng giao dịch nữa. Ngân hàng lấy tiền công cho dịch vụ này bằng hiệu số
giữa lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay. Lãi suất hình thành từ thị
trường này được quyết định bởi cung và cầu và trên nguyên tắc chính là
giá phải trả cho việc mượn tiền.
Ngân hàng quốc gia có thể tạo ảnh hưởng
lên thị trường tiền bằng cách hoặc là gián tiếp tác động đến cung và cầu
thông qua lãi suất dành cho tiền của ngân hàng quốc gia hoặc là chủ
động tạo ảnh hưởng đến việc cung ứng tiền trong khuôn khổ của chính sách
gọi là chính sách thị trường mở. Trong chính sách này ngân hàng quốc
gia mua một số chứng khoán nhất định và trả bằng tiền của ngân hàng quốc
gia. Tiền được đưa thêm vào trong hệ thống lưu hành. Ngược lại ngân
hàng quốc gia cũng có thể bán chứng khoán và qua đó mà lấy tiền ra khỏi
hệ thống. Lãi suất dành cho tiền của ngân hàng quốc gia hay dành cho
tiền gửi tại ngân hàng quốc gia chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường
tiền vì chỉ khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay tiền hay gửi
tiền tại ngân hàng quốc gia.
Tiền định danh
Tiền pháp định hay tiền định danh(Fiat
money) dùng để chỉ tiền được phát hành (thông thường là bởi một ngân
hàng quốc gia) mà không có cơ sở bảo chứng đầy đủ, tức là hoặc là bảo
chứng không toàn bộ hay lặp thừa (tautologic).
Một bảo chứng là không toàn bộ khi nhận lại những vật mà giá trị thực tế ít hơn là giá trị trên danh nghĩa.
Một bảo chứng là lặp thừa khi những vật
nhận lại không có giá trị hay chỉ nhận lại được yêu cầu thanh toán (nợ
phải thu) lại dựa trên fiat money.
Fiat money xuất phát từ tiếng La Tinh
fiat lux (sẽ có ánh sáng) vì loại tiền như vậy có thể dễ dàng tạo thành
khi có nhu cầu (sẽ có tiền) và người tạo ra chúng (thường là ngân hàng
quốc gia) không cần phải có hàng hóa để bảo chứng. Tiền pháp định không
có giá trị cố định và thường được xác định giá trị thông qua sắc lệnh
của chính phủ.
Khả năng tạo ra fiat money chỉ tồn tại
cho đến chừng nào mà những người tham gia trên thị trường (tư nhân, ngân
hàng và các doanh nghiệp khác) cho là tiền phát hành này vẫn có một giá
trị nhất định. Những người ủng hộ fiat money cho rằng hình thức tạo nên
tiền này không mang lại nguy hiểm cho kinh tế (vì người phát hành phải
có một độ đáng tin cậy cao) trong khi những người chỉ trích lại nhìn
thấy đây là một phương thức làm giàu không công bằng của chính phủ.
Lượng tiền tệ
Khái niệm "tiền" không gắn liền với một
vật nhất định. Một vật được định nghĩa là tiền khi thỏa mãn 3 chức năng
tiền nói trên. Vì các vật khác nhau thỏa mãn các chức năng trên ở các
mức độ khác nhau nên khó có thể xác định ranh giới giữa những gì là tiền
và những gì không phải là tiền. Vì lý do này các ngân hàng quốc gia
định nghĩa khái niệm tiền và lượng tiền theo nhiều cách khác nhau. Ngân
hàng Liên bang Đức định nghĩa:
Lượng tiền M0 là tiền do ngân hàng quốc
gia tạo nên, bao gồm các khoản tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng
tại ngân hàng quốc gia và tiền giấy cũng như tiền kim loại trong lưu
hành. Lượng tiền này chịu ảnh hưởng trực tiếp của ngân hàng quốc gia.
Lượng tiền M1 bao gồm M0 và các tiền có thể sử dụng làm phương tiện
thanh toán tức là tiền mặt . Lượng tiền M2 (còn gọi là tiền rộng) bao
gồm lượng tiền M1 và các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn dưới 4 năm.
Lượng tiền M3 bao gồm lượng tiền M2 và các khoản tiền gửi tiết kiệm có
thời hạn báo trước theo quy định của pháp luật.
Chính sách tiền tệ
Nói chung các ngân hàng quốc gia thường
theo đuổi một mục đích thực tế và cố định khi điều chỉnh lượng tiền. Mục
đích này thường là sự bình ổn giá, tức là chống lại lạm phát. Để có thể
giới hạn tỷ lệ lạm phát ở một mức độ hợp lý với nền kinh tế quốc dân,
ngân hàng quốc gia cố gắng giữ lượng tiền đồng bộ với sự phát triển kinh
tế. Lý thuyết lượng tiền (Quantity Theory of Money) đã nêu ra một mối
quan hệ trực tiếp giữa tăng trưởng lượng tiền và mức giá cả.
Lạm phát
Lượng tiền tăng quá nhanh hay tốc độ
quay vòng của tiền tăng lên trong khi lượng tiền không thay đổi sẽ dẫn
đến mất cân bằng giữa tiền đang có và hàng hóa. Sự mất cân bằng này sẽ
làm tăng mức giá chung và người ta gọi đó là lạm phát.
Lạm phát có thể được phân loại theo vận
tốc (lạm phát vừa phải, lạm phát phi mã, siêu lạm phát) hay theo giai
đoạn (giai đoạn tăng tốc – giai đoạn ổn định – giai đoạn giảm tốc).
Lượng tiền có thể tăng vì chính sách lãi suất của ngân hàng quốc gia
(xem: Siêu lạm phát tại Đức từ 1914 đến 1923) hay vì nợ quốc gia tăng
đột ngột.
Giảm phát
Khi lượng tiền giảm đi hay tốc độ quay
vòng tiền giảm xuống trong khi lượng tiền không đổi thì giá cả có thể sẽ
giảm liên tục trong một thời gian, người ta gọi đó là giảm phát. Lượng
tiền giảm đi cũng có thể là do các biện pháp của ngân hàng quốc gia gây
ra hay khi vận tốc quay vòng tiền giảm đi (khi người dân và doanh nghiệp
hạn chế tiêu dùng và đầu tư hơn và tiền được tiết kiệm nhiều hơn là
tiêu dùng).
S.T
0 nhận xét:
Đăng nhận xét